Để thực hiện tham gia đối thoại định kỳ tại doanh nghiệp, hội nghị người lao động đã bầu tổ tham gia đối thoại với người sử dụng lao động từ 3 đến 5 người. Xin hỏi luật sư, ai sẽ là người ra quyết định công nhận Tổ đối thoại? Xin chân thành cám ơn!
Nguyễn Minh Hòa, TP. Biên Hòa
LS. Nguyễn Bình An:
Đối thoại tại nơi làm việc nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động và người lao động để xây dựng quan hệ lao động tại nơi làm việc. Đối thoại tại nơi làm việc được thực hiện thông qua việc trao đổi trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động hoặc giữa đại diện tập thể lao động với người sử dụng lao động, bảo đảm việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Căn cứ theo quy định tại Điều 11, Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ban hành ngày 19-6-2013, mỗi bên tham gia đối thoại quyết định số lượng thành viên đại diện của mình tham gia đối thoại, số lượng thành viên đại diện mỗi bên phải có ít nhất là 3 người. Thành phần tham gia đối thoại gồm:
a) Người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền hợp pháp và các thành viên đại diện cho bên người sử dụng lao động do người sử dụng lao động cử;
b) Ban chấp hành công đoàn cơ sở (CĐCS) hoặc đại diện Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở nơi chưa thành lập CĐCS và các thành viên đại diện cho bên tập thể người lao động do hội nghị người lao động bầu.
Theo Hướng dẫn số 1755/HD-TLĐ do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành ngày 20-11-2013, tùy thuộc nội dung của cuộc đối thoại, Chủ tịch CĐCS hoặc người đại diện Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp quyết định thành phần, số lượng thành viên tham gia Tổ đối thoại, nhưng ít nhất phải có 3 người.
Thành viên Tổ đối thoại được lựa chọn từ thành phần tham gia đối thoại là những người được bầu tại Hội nghị người lao động do Ban chấp hành CĐCS đề cử trên cơ sở lựa chọn là chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn bộ phận, tổ trưởng, tổ phó tổ công đoàn, hoặc đoàn viên công đoàn (đối với doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở); hoặc được bầu tại Hội nghị người lao động do người đại diện Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp đề cử trên cơ sở lựa chọn trong danh sách người lao động từ các phòng, ban, phân xưởng, đội sản xuất hoặc tổ sản xuất giới thiệu (đối với doanh nghiệp chưa thành lập CĐCS).
Chủ tịch CĐCS hoặc người đại diện Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp làm Tổ trưởng tổ đối thoại. Trường hợp Chủ tịch CĐCS vắng, hoặc không tham gia đối thoại được thì Phó chủ tịch CĐCS thay và làm Tổ trưởng.
Như vậy, Chủ tịch CĐCS hoặc người đại diện Ban chấp hành công đoàn cấp trên trực tiếp sẽ ra quyết định bằng văn bản về việc thành lập Tổ đối thoại, trong đó nêu rõ thành phần, số lượng thành viên tham gia Tổ đối thoại tùy thuộc nội dung của từng cuộc đối thoại.
Mong rằng những ý kiến tư vấn của luật sư trên đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật cho câu hỏi của mình.