Bài thơ: Việt Nam quê hương ta (Nguyễn Đình Thi)

Nguyễn Đình Thi là một nghệ sĩ và là một nhà văn hoá lớn. Nói như nhà văn Kim Lân, đó là người mà cái tài thì đàn ông ghen, cái tình thi đàn bà ghen. Một người như thế, sống được, kể cũng vất vả.

Nguyễn Đình Thi là người đa tài. Ông viết văn, soạn kịch, làm thơ, viết nhạc, làm lý luận. Ở lĩnh vực nào, ông cũng có thành tựu, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của từng thể loại đó. Nhưng cũng bởi sự đa tài này mà rồi chính ông lại tự che khuất ông. Khi cần ngắm ông ở thể loại này, lại thấy ông lấp lánh sáng ở thể loại khác. Cũng vì thế, có nhà phê bình nghiên cứu, chẳng biết xếp ông vào đâu. Ở thể loại nào, ông cũng có đóng góp, nhưng rồi ngay trong chính thể loại ấy, người ta cũng thấy ông khiêm nhường đứng khuất sau những bóng dáng khác.

Riêng ở lĩnh vực văn chương, ông là một thái cực của Nguyễn Tuân và Tô Hoài. Trong lúc Nguyễn Tuân gò lưng luyện chữ, sáng tạo chữ, muốn đưa ra những con chữ tưởng như hoàn toàn mới, thì Nguyễn Đình Thi lại cố gắng xoá hết những chữ mới đi, để trang văn phẳng lỳ, không còn cợn lên một chữ nào nữa. Bởi thế ông thường chọn những chữ mòn nhẵn, bạc phếch, mang tính khái niệm, những con chữ mà các thi sĩ khác vứt bỏ, vì sợ không dám dùng, nó như những thửa ruộng bạc màu, hoang hoá, không có dấu hiệu hứa hẹn mùa màng. Nguyễn Đình Thi lại chọn chất liệu ấy để tạo dựng tác phẩm. Ông muốn bạn đọc đến với ông một cách tự nhiên thoải mái. Chân cứ thung thăng bước mà không sợ bị vướng vào câu, tay cứ tự do vung mà không ngại bị va phải chữ, để đến nhanh hơn cái đích mà ông muốn gửi gắm, chuyển tải. Mọi cố gắng của Nguyễn Đình Thi là để làm một nhà văn không có chữ. Đây dường như là một chủ định của ông. Một người nước ngoài, học tiếng Việt, chỉ cần biết dăm, bảy trăm tiếng là đã có thể đọc được toàn bộ thơ văn Nguyễn Đình Thi. Cái hay của thơ Nguyễn Đình Thi không nằm ở chữ. Nó là cái hồn phảng phất ở đằng sau những con chữ bạc phếch kia. Bởi thế phân tích thơ ông mà lại mang câu, chữ ra mổ xẻ là một việc làm không phải. Ông bộc lộ tài năng mình rực sáng hơn cả là ở trong thơ ca. Tuy vậy, thành tựu của thơ ông lại không nằm ở thể lục bát.

Nguồn: Chân dung và Đối thoại, Trần Đăng Khoa, NXB Thanh Niên, 1999


Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..