Nét đẹp trong văn hóa và Tết của dân tộc Ba na
Dân tộc Ba Na có đời sống văn hóa tinh thần phong phú và giàu bản sắc. Nét đẹp trong văn hóa dân tộc Ba Na được thể hiện ở nhiều mặt, từ hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày đến các lễ hội. Trải qua bao biến đổi của thời gian những giá trị thuộc về bản sắc văn hóa vẫn được người Ba Na gìn giữ và phát triển cho tới ngày nay.
Nét đẹp văn hóa của người Ba Na
Bạn đang đọc: Nét đẹp trong văn hóa và Tết của dân tộc Ba na
Dân tộc Ba Na có các tên gọi khác nhau như: Tơ Lô, Giơ Lâng, (Y Lăng), Rơ Ngao, (Krem), Roh, Con Kde, A La Công, Kpăng Công, Bơ Môn. Tiếng nói của người Ba Na thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khmer. Năm 2019 dân số dân tộc Ba Na là 286,9 nghìn người. Ðịa bàn cư trú chủ yếu của người Ba Na là Kon Tum và miền Tây Bình Ðịnh và Phú Yên.
ảnh minh họa ( Nguồn Internet )
Cuộc sống sinh hoạt của người Ba Na gần gũi với thiên nhiên núi rừng nên bản làng của người Ba Na thường quần tụ ở những nơi gần sông, suối. Trong sản xuất từ đầu thế kỷ XX, người Ba Na đã làm ruộng nước và phương thức canh tác này đến nay vẫn được nhiều nơi áp dụng. Ngoài ra, người Ba Na có nhiều ngành nghề thủ công như: Đan, dệt, gốm, rèn trong đó nghề dệt thổ cẩm là một nét văn hoá độc đáo có từ rất lâu đời của người Ba Na. Sản phẩm thổ cẩm dệt bằng tay của người Ba Na nổi tiếng bởi những hoa văn trang trí rất tinh tế, họa tiết thường sử dụng các màu: Đen, đỏ, trắng, tạo ấn tượng mạnh mẽ và trình bày đối xứng phản ánh quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương, trời đất, lấy thiên nhiên làm hình mẫu. Mỗi sản phẩm thổ cẩm của người Ba Na đều ẩn chứa sắc thái văn hóa thể hiện tâm hồn phong phú, phóng khoáng của người Ba Na.
Người Ba Na có nền văn hoá dân gian khá đặc sắc. Cồng chiêng của người Ba Na không chỉ là biểu tượng linh thiêng trong thờ cúng mà còn là tài sản có giá trị trong đời sống vật chất. Nhạc cụ của Ba Na rất đa dạng gồm cả bộ dây, bộ hơi và bộ gõ. Múa dân gian Ba Na trong đó có múa phục vụ nghi lễ và biểu diễn ở hội hè được nhiều người ưa chuộng. Trường ca, Truyện cổ của dân tộc Ba Na cũng là những tác phẩm dân gian cổ truyền độc đáo, có giá trị trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam.
Người Ba Na có nhiều lễ hội như: Lễ tạ ơn cha mẹ, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả, lễ tạ ơn thần lúa. Những lễ hội không chỉ là dịp để đồng bào tạ ơn trời đất cho vụ mùa bội thu mà còn là dịp vui chơi, đánh cồng chiêng, uống rượu cần…và cũng là dịp để người Ba Na thể hiện tài năng chế biến những món ăn vô cùng độc đáo.
Trong nhà người Ba Na, bất kể là to hay nhỏ, giàu hay nghèo, tất cả đều không thể thiếu Cây cúng. Cây cúng thường nằm trước cột nhà, đối diện với cổng chính. Cúng tạ ơn thần lúa, cúng trong các dịp đám cưới, tang ma… đều diễn ra trước Cây cúng. Để giao tiếp với tổ tiên, người Ba Na lấy sáp ong phơi đến độ dẻo quánh, vo nhỏ như ngón tay út, bên trong có tim đèn, đính lên cây cúng và châm lửa đốt.
Món ăn của người Ba Na có hương vị đặc trưng riêng của núi rừng… Gia vị chế biến các món ăn của người Ba Na được sử dụng tương sinh hài hoà với nhau, nếu món ăn dễ gây lạnh sẽ có gia vị cay nóng đi kèm.
Tết của người Ba Na
Xem thêm: Sở Nông Nghiệp Và Phát Triển Nông Thôn
Với người Ba Na, lễ hội truyền thống quan trọng nhất trong năm là lễ mừng lúa mới hay còn gọi là Tết mãn mùa (Chrul-col). Tuy nhiên những năm trở lại đây Tết Nguyên đán cũng đã trở nên rất quen thuộc với người Ba Na.
Nếu trong những ngày cuối cùng của năm cũ, người Kinh tiễn ông Táo về trời và cúng rước ông bà về ăn Tết với cháu con thì người Ba Na có hai lễ cúng. Buổi sáng, cúng Ma (ông bà, tổ tiên) và buổi chiều tối cúng Giàng. Trong mâm cúng của người Ba Na khá đơn giản gồm một con gà trống và rượu cần được đặt trước Cây cúng trong nhà.
Trong những ngày Tết Nguyên đán, từ chiều 30 dân làng tập trung tại nhà rông uống rượu cần và xem thanh niên trong làng tổ chức đánh bóng chuyền. Tối đến, dân làng tổ chức văn nghệ trong tiếng cồng chiêng ngân vang cho đến giao thừa. Sáng mồng một Tết, sau khi thắp đèn, cắm hoa lên bàn thờ Chúa, hoa quả lên bàn thờ gia tiên, dân làng kéo nhau đi lễ nhà thờ cầu xin mọi người trong gia đình mạnh khỏe, đất nước thanh bình; mồng hai Tết cầu cho linh hồn người thân trong gia đình siêu thoát; mồng ba Tết cầu mùa màng bội thu, gia đình có của ăn của để. Sau khi đọc kinh và cầu nguyện, bà con về nhà hoặc đi thăm nhau, chúc cho nhau mạnh khỏe. Trong những ngày đón Tết Nguyên đán, người Ba Na đốt lửa suốt ngày đêm và luôn mở rộng cửa đón khách.
Những món ăn trong ngày tết Nguyên đán của ngươi Ba Na không được chuẩn bị công phu như Tết mừng lúa mới song không kém tính độc đáo của các món ăn.
Đón tết cổ truyền của dân tộc, người Ba Na cũng gói bánh chưng như người Kinh mà tiếng Ba Na gọi là “Ư guốt”. Nguyên liệu làm bánh trưng của người Ba Na cũng từ nếp; nhân đậu xanh, thịt heo; gói bằng lá dong, lá chuối rừng, buộc bằng lạt hay mây. Món thịt xông khói ngày Tết của người Ba Na thường là thịt chuột, thịt trâu, thịt thú rừng…
Trong ngày Tết cơm gạo tẻ được thay bằng cơm nếp với cách nấu truyền thống là cơm lam. Cơm lam của người Ba Na không dùng ống nứa mà họ vào rừng chặt những ống lô ô còn non, giữ lại đầu mấu ở một đầu ống rồi cho gạo nếp và nước vào. Xong nút lại khéo léo đốt bằng lửa và than. Những ống cơm lam của người Ba Na bên ngoài tuy đen đúa nhưng bên trong thơm ngon, hấp dẫn lạ thường.
Rượu cần ngày Tết cũng đặc biệt hơn ngày thường bởi nguyên liệu chính không phải bằng củ mỳ mà bằng hạt gạo xà cơn (gạo đỏ, vỏ lụa dày). Hạt gạo xà cơn cộng với các nguyên liệu từ thiên nhiên của núi rừng Tây Nguyên làm cho rượu có vị ngọt và hương thơm nồng.
Theo quan niệm của đồng bào người Ba Na (Tây Nguyên), những ngày đầu năm mới là thời khắc thiêng liêng cầu được ước thấy. Chính vì vậy, vào dịp này người dân thường dựng cây nêu để chào đón năm mới. Cây nêu ngày Tết được đặt ở giữa làng, việc dựng nêu Tết sẽ tiến hành vào buổi sáng vì người Ba Na luôn đặt tín ngưỡng thờ thần Mặt Trời. Cây nêu như một chiếc cầu, kết nối bầu trời và mặt đất, để người dân có thể cầu nguyện thần Yàng che chở, ban mưa thuận gió hòa, một năm nhiều may mắn thành quả./.
Minh Đạt
Source: https://laodongdongnai.vn
Category: Nông Thôn