Để Yên Cho Bác Sĩ “Hiền”

Mình mua cuốn sách này là bởi anh Hùng vốn rất ngoa. Ai đọc những chia sẻ của anh trên mạng xã hội sẽ biết vị bác sĩ này “đanh đá” thế nào. Bởi vậy, vừa đọc tên sách là mình bật cười vì “không lẫn đi đâu được!”

Những người thông minh thường giỏi làm người khác bất ngờ và bác sĩ Hùng đã làm được điều đó: Cứ dựa theo những phát biểu trên trang cá nhân với nhiều bức xúc về việc chăm sóc sức khỏe và điều trị tự phát, mình cứ tưởng cuốn sách sẽ là tập hợp những bài viết dạng ấy kèm theo một số định hướng nhất định cho người đọc.

Hóa ra không phải, những nội dung ấy có nhưng không phải điểm nhấn mà chỉ chiếm một góc trong sách. Đây là cuốn sách viết về cuộc đời của một bác sĩ. Nó kể lại một phần tuổi thơ, ký ức thời sinh viên và cả những vui buồn chuyện nghề.

Các bài viết trong sách được chia làm 4 phần: Nghề – Nghiệp – Đời – Tôi, viết rất gọn gàng với giọng văn duyên dáng và hài hước.

Anh lớn lên trong một gia đình cơ bản, được bố mẹ khuyến khích học tập và được thử mọi cái mà anh thích. Nhưng riêng việc thi đại học thì anh bị định hướng – điều phổ biến trong xã hội Việt Nam từ xưa đến giờ. Có điều, anh “may mắn” hơn nhiều người vì có được những trải nghiệm nhất định để anh yêu lấy cái nghề ấy. Anh nói về Y đức và cái Bạc của nghề một cách trực tiếp, rồi kể những mẩu chuyện thể hiện quan điểm sống của chính mình nhưng không lên gân, không dạy bảo ai phải nghe theo. Tác phẩm đơn giản là bức tranh “Bác sĩ là nghề của một con người, và có một bác sĩ là Mình”.

Mình thực sự nghĩ đây là cuốn sách mà mỗi em sinh viên cấp 3 định theo học ngành Y và bố mẹ của các em nên đọc để tham khảo xem có nên theo nghề bác sĩ. Liệu 35.000 cho mỗi đêm trực và xử lý 3000 ca cấp cứu/ 1 tháng với ekip y-bác sĩ chỉ 16 người có phải là công việc mà các em sẵn sàng làm? Nhiều năm tháng chỉ có học và học rồi đối diện với gánh nặng gia đình, cơm áo gạo tiền, giữ lấy Y đức là điều dễ hay khó? Quyển sách này không có câu trả lời, nhưng có một bức tranh tương đối gần gũi để người ta hình dung về cuộc đời của một bác sĩ. Mọi thắc mắc về nghề Y, người đọc tự chọn lấy câu trả lời cho chính mình.

Ngoài chuyện nghề thì trong sách có cả chuyện đời, đời “mình” và đời những người “mình” quan sát được. Cá nhân mình có nhiều đồng cảm với anh trong cách nghĩ về cuộc sống, về đồng tiền, về con người, về quá khứ và việc làm chủ vận mệnh. Anh cũng từng rời khỏi cuộc sống bon chen để về quê, sống cuộc sống đơn giản mà anh mong muốn, để rồi vận mệnh đã đưa anh “trôi” lại về Hà Nội. Suy nghĩ của anh về trách nhiệm với xã hội khiến mình phải đặt một dấu hỏi với bản thân, vì mình cũng đã rút khỏi những bon chen để sống cuộc đời vị kỷ.

Bác sĩ Hùng viết văn rất duyên, vừa làm người ta cười xong thì ngay đoạn sau cảm xúc đã lắng xuống mà không bị hụt hẫng. Từ sau “Quân khu Nam Đồng”, giờ mới có một cuốn sách của tác giả Việt Nam làm mình phải nhiều lần bật cười thành tiếng.

Cảm xúc khi đọc sách thì nhiều nhưng mình chỉ viết đến đây, mời các bạn tự đọc và có những cảm nhận cho riêng mình.

Mía