Câu chuyện về Bác: “Tết năm ấy, Bác đến thăm người nghèo nhất Hà Nội” – VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Thứ năm – 04/02/2021 16:35
Xem thêm: Bộ trưởng nông nghiệp công khai số điện thoại cá nhân, email xin nhận hiến kế từ người dân
Tết năm ấy, năm Nhâm Dần (tức là ngày 5 tháng 2 năm 1962) sau khi cùng Lãnh đạo thành phố Hà Nội đi thăm một số gia đình và vui tết với thiếu nhi tại Cung văn hóa gần hồ Hoàn Kiếm, Bác Hồ nói với đồng chí Chủ tịch UBND thành phố – bác sĩ Trần Duy Hưng để Bác tự đi thăm một số gia đình nữa.
Cùng đi với Bác có đồng chí Vũ Kỳ – thư ký riêng của Bác và đồng chí Phan Văn Xoàn (Cục Cảnh vệ). Đoàn đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Tín – người nghèo nhất của Hà Nội ở ngõ Hàng Chĩnh phố Lý Thái Tổ gần ngay bên hồ Hoàn Kiếm. Đường từ đầu ngõ vào đến nhà chị Tín ngày ấy rất xấu, lồi lõm khó đi và cách xa chừng mấy chục mét, lại tối, chỉ có ánh đèn từ các nhà hai bên hắt ra.
Đêm 30 Tết, trời rét căm căm, Bác bước xuống khỏi xe rồi cùng đoàn đi bộ vào trong ngõ tối. Nhà chị Tín vẻn vẹn chỉ có một gian hẹp, đơn sơ, tuềnh toàng. Vào đến nhà thấy mấy đứa trẻ đang ngồi chơi trên cái phản gỗ kê ở một góc.
Trong nhà chưa thấy có cái gì của không khí ngày tết, trên bàn thờ vẫn thấy lạnh tanh, không có hương khói, bánh trái gì hết. Nhìn ngôi nhà chật chọi, quạnh quẽ, lạnh tanh đêm 30 Tết, trong đôi mắt nhân từ của Bác hiện lên nỗi buồn thăm thẳm. Nhìn quanh không thấy chị Tín ở nhà, Bác hỏi cháu bé đầu lòng của chị Tín là Lý Phương Liên chừng 09 – 10 tuổi:
– Mẹ cháu đâu mà giờ này chưa về?
Lý Phương Liên bẽn lẽn trả lời:
– Dạ thưa ông, mẹ cháu đi gánh nước thuê.
– Có xa không? Cháu đi gọi mẹ về ngay, nhà có khách.
Từ chỗ nhà chị Tín có đường thông ra bờ hồ Hoàn Kiếm, ở ngoài đấy có một vòi nước công cộng. Đêm hôm khuya khoắt, những ngày rét mướt cũng như những ngày nóng nực, chị vẫn ra đấy đứng đợi đến lượt mình, hứng nước gánh về cho các gia đình để lấy tiền đong gạo nuôi 5 người con nhỏ, từ ngày anh Lý Hùng – công nhân Nhà máy Điện Yên Phụ, chồng của chị qua đời.
Đứa bé ra khỏi nhà. Một lát sau thấy một người phụ nữ ăn mặc lam lũ, gầy guộc, trên vai gánh đôi thùng từ phía ngoài đi về. Đồng chí bảo vệ bước ra mấy bước, hỏi nhỏ:
– Chị là chị Tín?
– Dạ vâng.
– Chị vào nhà có khách.
Đêm ấy trời rét, Bác mặc áo bông, cổ quấn khăn, đầu đội mũ len đan nhưng chị Tín vẫn nhận ngay ra Bác Hồ. Chị bàng hoàng, cảm động đến nỗi để rơi cái đòn gánh và đôi thùng xuống đất. Chị chạy lại quỳ xuống ôm lấy chân Bác: “Trời ơi! Đêm 30 Tết Bác còn đến thăm mẹ con cháu!”. Chị Tín bật khóc, nước mắt chảy dài trên gương mặt khắc khổ.
Bác cầm tay nâng chị Tín đứng dậy, Bác bảo: “Tết, Bác không đến thăm những gia đình như cô, Bác còn đến thăm ai nữa”.
Bác lại bảo: “Đêm 30 Tết cô vẫn còn phải đi gánh nước thuê! Làm thế có đủ nuôi các cháu không?”.
Những lời Bác hỏi, ân tình như người cha hỏi người con gái của mình, chị Tín xúc động trả lời trong nước mắt: “Nghèo lắm, nhưng phải cố để nuôi các cháu, Bác ạ”.
Đồng chí thư ký riêng lấy quà của Bác đã được chuẩn bị sẵn đặt lên bàn thờ rồi thắp hương. Từ đấy, một không khí tết đơn sơ, ấm áp tình người đã đến trong gian nhà hẹp đơn côi của mẹ con chị Tín, Bác lấy kẹo chia cho các con của chị Tín và căn dặn phải cố gắng giúp đỡ mẹ và chăm chỉ học hành.
Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Tết nào Bác Hồ cũng dành thời gian đi thăm hỏi, tặng quà, chúc Tết những người có công với nước, những gia đình nghèo khó, con em các dân tộc và đồng bào miền núi. Những nơi Bác đến thăm đều do lãnh đạo các địa phương chuẩn bị trước và dẫn Bác cùng đi.
Nhưng năm ấy, trước Tết khoảng một tháng, Bác Hồ mời đồng chí Phan Văn Xoàn đến và giao nhiệm vụ là tìm cho Bác một gia đình nghèo nhất ở Hà Nội, để Tết Bác đến thăm. Hà Nội những năm ấy còn nhiều người nghèo, nhưng tìm được người nghèo nhất như ý Bác thì thật khó.
Trong nhiều năm, các đồng chí lãnh đạo Hà Nội đều chuẩn bị đưa Bác đến thăm những gia đình nghèo của thành phố nhưng Bác cảm nhận những gia đình ấy có thể chưa phải là người nghèo nhất. Đồng chí cảnh vệ liên hệ nhiều nơi, gặp nhiều người vẫn chưa khẳng định được ai là người nghèo nhất Hà Nội. Một hôm nhận được tin báo về là có gia đình chị Nguyễn Thị Tín ở ngõ Hàng Chĩnh, phố Lý Thái Tổ gần hồ Hoàn Kiếm.
Đồng chí cảnh vệ đích thân đến tận nơi, thẩm tra và so sánh với các hộ nghèo khác, thấy đây chính là hộ nghèo nhất Hà Nội mà Bác muốn đến thăm vào đêm 30 Tết. Để việc đi thăm diễn ra tự nhiên và bảo đảm an toàn nên không báo trước. Thế nhưng khi Bác đến thăm gia đình chị Tín, một lúc sau bà con khu phố đã biết.
Rời gia đình chị Tín trở về, trời đã khuya, đến gần đầu ngõ thấy bà con trong phố đứng rất đông chờ Bác. Thật bất ngờ, đồng chí bảo vệ thấy hơi bối rối chưa biết xử lý thế nào thì Bác bước lại phía bà con. Mọi người vỗ tay hoan hô reo lên: “Bác Hồ, Bác Hồ!”. Chờ cho mọi người im lặng, Bác bảo: “Tôi rất vui vì tình cờ được gặp các cụ, các cô, các chú ở đây, nhưng tôi cũng rất buồn vì vừa từ nhà cô Tín ra đây. Giờ này, sắp giao thừa, cô ấy vẫn còn phải đi gánh nước thuê để lấy tiền đong gạo nuôi con. Khu phố ta đông thế này mà chưa thấy ai quan tâm đến một gia đình như cô Tín”.
Một người thay mặt bà con nhận thiếu sót và hứa với Bác là sẽ sửa chữa. Bác nói tiếp: “Đây là Bác muốn nói về tinh thần lá lành đùm lá rách trong khu phố nhưng cái lớn nhất vẫn là trách nhiệm của Chính phủ”.
Đêm 30 Tết trở về, lòng Bác nặng trĩu một nỗi buồn, bởi khát vọng của Bác, ham muốn tột cùng của Bác là làm sao cho nước nhà được độc lập, dân ta được tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Nhưng ở ngay trong lòng Hà Nội vẫn còn nhiều người nghèo, vẫn còn những gia đình như gia đình chị Tín.
Sắp đến giao thừa, trở về nơi Bác ở. Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đã quây quần đông đủ để chúc tết Bác, cùng Bác chờ đón thời khắc thiêng liêng mở đầu một năm mới. Về đến nơi, lòng Bác nặng trĩu một nỗi buồn, Bác lặng im ngồi vào ghế. Một lát sau Bác nói: “Tôi vừa đi thăm một gia đình nghèo nhất ở Hà Nội.
Cô Tín – chủ nhà giờ này còn phải đi gánh nước thuê lấy tiền, để ngày mai mua gạo cho con. Chúng ta đã không biết những chuyện như vậy ở ngay thủ đô của đất nước mình. Tôi biết, không chỉ một nhà như cô Tín đâu mà còn nhiều người nghèo khác nữa. Một Đảng cầm quyền mà để người dân nghèo hết chỗ để nghèo là lỗi của Đảng với Nhân dân”.
Câu chuyện kể về Bác gần sáu mươi năm qua đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Giá trị về tình đoàn kết tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách đến nay vẫn còn tiếp tục được phát huy. Đặc biệt là bài học Bác gửi lại cho những người đi sau về trách nhiệm cao nhất của người lãnh đạo là biết lo cơm ăn, áo mặc hàng ngày của dân. Vì với Bác có bận trăm công, nghìn việc Bác vẫn dành sự quan tâm đến những hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới để ai cũng có cơm ăn, áo mặc, đặc biệt các em nhỏ đón được những cái tết đầy đủ, ấm áp nhất. Mỗi người cán bộ chúng ta cần học tập theo Bác phong cách sống giản dị, gần dân và nhất là lòng thương cảm sâu sắc dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Từ đó thấy được Bác chúng ta vĩ đại đến nhường nào, Bác mãi là tấm gương sáng mãi cho mỗi người cán bộ chúng ta noi theo. Như Bác đã từng nói “Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì!”. Và hôm nay đây Đảng, Nhà nước ta tiếp tục đề cao việc lấy dân làm gốc, lo cho dân, “về với dân” khi tết đến, xuân về. Qua đó cần nêu cao hơn nữa việc học tập phong cách, ứng xử văn hóa của Bác cũng như tinh thần, trách nhiệm quan tâm đến những hoàn cảnh khó khăn, chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ với Nhân dân.
Source: https://laodongdongnai.vn
Category: Nông Thôn