Kết quả xây dựng nông thôn mới và một số giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025 – Văn phòng điều phối chương trình n

Thứ tư – 23/06/2021 15 : 50

          Sau 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, với sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh và sự phát huy tinh thần cộng đồng, sáng tạo, nhiệt tình hưởng ứng của nhân dân trong tỉnh, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thực sự tạo ra không khí thi đua phấn khởi tại khắp các địa phương trong tỉnh.

          Đến hết năm 2019, 145/145 xã (đạt tỷ lệ 100%) trên địa bàn tỉnh đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2020 có10/10 huyện, thị xã, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ngày 12/11/2020, Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh Hưng Yên là tỉnh hoàn thành xây dựng nông thôn mới; là một trong 03 tỉnh trên cả nước hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và là tỉnh đầu tiên của cả nước thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục và hồ sơ theo quyết định 1274/QĐ-TTg ngày 19/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
 

          Tỉnh đã tổ chức tốt bộ máy hoạt động của Chương trình (Ban chỉ đạo và bộ phận giúp việc các cấp); xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình giai đoạn 2011 – 2020; làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền tới người dân, các tổ chức kinh tế về ý nghĩa, lợi ích của Chương trình, từ đó đã huy động được sự vào cuộc chung tay xây dựng nông thôn mới người dân, các tổ chức kinh tế trên địa bàn (trong giai đoạn 2011 – 2020, đã huy động được 143.029 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới); 100% các xã đã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới; các hạ tầng chính đã được quan tâm đầu tư xây dựng góp phần làm cho bộ mặt nông thôn được khang trang, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của sản xuất và dân sinh. Sản xuất của người dân có nhiều đột phá, xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển tốt các chuỗi cung ứng hàng hóa khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh liên doanh, liên kết trong các khâu của sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giúp gia tăng giá trị và tăng năng xuất lao động của người dân nông thôn; giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 210 triệu đồng/ha (tăng 88 triệu đồng/ha so với năm 2011); thu nhập bình quân ở nông thôn đạt 50 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,9%; trong đó tỷ lệ hộ nghèo không thuộc chính sách bảo trợ xã hội là 1,14%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,3%. Bản sắc văn hóa truyền thống của người dân nông thôn được gìn giữ, bảo tồn và phát triển; cơ sở vật chất giáo dục được quan tâm đầu tư góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường học; công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được quan tâm đầu tư, nâng cấp đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho người dân. Môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp; nhiều mô hình xử lý nước thải và mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình được triển khai hiệu quả, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức của người dân; nhiều hoạt động trồng cây xanh, trồng hoa, thắp sáng đường quê được cộng đồng dân cư ủng hộ tạo nên những miền quê đáng sống với cảnh quan môi trường trong lành.

         Tiếp tục kế thừa những thành tựu xây dựng nông thôn mới trong 10 năm qua; bước sang năm 2021, tỉnh Hưng Yên tiếp tục chỉ đạo, triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 38 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 20 khu dân cư kiểu mẫu tại các huyện, thành phố.Việc triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đã đạt được những thành tựu bước đầu, tuy nhiên do đây là nội dung mới được triển khai, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, nên trong quá trình triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh còn một số những khó khăn, vướng mắc chính như:

  1. Hệ thống chính sách của Trung ương và tỉnh về chương trình nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu chưa được ban hành kịp thời, đầy đủ và đồng bộ dẫn đến việc triển khai xây dựng tại địa phương, cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng khi triển khai thực hiện.
  2. Kết quả xây dựng nông thôn mới chưa thật bền vững; chất lượng thực hiện các tiêu chí còn có sự chênh lệch giữa các địa phương; chất lượng duy trì đạt chuẩn và nâng cao còn hạn chế.
  3. Trách nhiệm của một số cấp ủy, cá nhân người đứng đầu cơ quan, đơn vị có lúc, có việc chưa cao; có tâm lý thờ ơ, ít quan tâm đến việc nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới tại một số địa phương sau khi đạt chuẩn nông thôn mới; sự thay đổi về con người trong chỉ đạo và thực hiện dẫn đến việc chưa kịp thời theo sát tiến độ thực hiện chương trình.
  4. Nguồn kinh phí bố trí từ ngân sách Trung ương hỗ trợ cho Chương trình xây dựng nông thôn mới còn thấp; trong khi ngân sách tỉnh còn hạn chế nên chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Một số cơ sở hạ tầng như đường giao thông, trường học, nhà văn hóa… đã xuống cấp chưa được cải tạo nâng cấp.
  5. Vai trò lấy người dân là trung tâm đã mang lại lợi ích cho việc thực hiện chương trình. Tuy nhiên, vai trò chủ thể của nông dân ở một số nơi chưa thực sự được đề cao.Sự huy động vào cuộc của nhân dân và các doanh nghiệp còn chưa được phát huy hết tiềm năng trong phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
  6. Ô nhiễm môi trường nông thôn vẫn còn tồn tại, nhất là ô nhiễm trong chăn nuôi, làng nghề tại 1 số địa phương còn gây nhiều bức xúc; việc chỉnh trang cảnh quan môi trường chưa được chú trọng xây dựng, trong đó việc xây dựng các tuyến đường hoa tại các địa phương thời gian trước đã thực hiện tốt nhưng gần đây phong trào ít được đẩy mạnh và quan tâm duy trì chăm sóc, cắt tỉa dẫn đến có đoạn đường cỏ mọc um tùm; cỏ, cây dại mọc lấn át hết hoa. Dẫn đến đoạn, đường hoa bị suy giảm về chất lượng và số lượng; các phong trào phát động tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm; dọn dẹp cây dại, cỏ dại, rác thải, phế liệu, phế thải dọc các trục đường giao thông ở một số địa phương không thực hiện đều đặn, thường xuyên.
  7. Chưa có cơ chế khen thưởng thích đáng, kịp thời cho các cá nhân, địa phương làm tốt cũng như kỷ luật phê bình những địa phương còn lơ là, ít quan tâm chưa thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới.

         Với quan điểm “Xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc”, tỉnh Hưng Yên tiếp tục xây dựng, triển khai kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có từ 55-60 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25-30 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; có ít nhất 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Để hoàn thành các mục tiêu trên, (đến nay các huyện, thị xã, thành phố đã đăng ký phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025 là 43 xã; có 7 xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021 gồm: Mễ Sở, Phụng Công – Văn Giang; Tân Quang- Văn Lâm; Giai Phạm – Yên Mỹ; Tân Dân – Khoái Châu; Hồng Nam- Tp Hưng Yên; Tam Đa – Phù Cừ). Tôi xin phép đề ra một số giải pháp cụ thể như sau:
 

          Thứ nhất: Kiện toàn Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc các cấp ngay sau Đại hội Đảng bộ và bầu cử HĐND các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo, tổ giúp việc; chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch chi tiết, lộ trình thực hiện, thời gian hoàn thành các tiêu chí; xây dựng các văn bản chỉ đạo, các văn bản hướng dẫn để tổ chức thực hiện…; nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò người đứng đầu.

          Thứ hai: Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động xã hội về xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Phát huy, huy động cả hệ thống chính trị, toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới. Coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, không có điểm dừng. Phải kiên định với chủ trương chỉ đạo của Đảng là xây dựng nông thôn mới là căn bản, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là then chốt và người dân là chủ thể trong quá trình tổ chức thực hiện.

          Thứ ba: Phải có Kế hoạch, lộ trình cụ thể từng phần việc thực hiện hoàn thành từng chỉ tiêu, từng tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu của từng xã; từng bước hoàn thiện tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, xong đến tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu, rổi đến tiêu chí huyện nông thôn mới kiểu mẫu ở từng mức độ từ thấp đến cao.

         Thứ tư: Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Thực hiện hiệu quả Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho nông sản. Triển khai thực hiện hiệu quả đề án OCOP – Mỗi xã một sản phẩm. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản, thực phẩm; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm làng nghề.

          Thứ năm: Tăng cường huy động các nguồn lực thực hiện Chương trình; thực hiện lồng ghép có hiệu quả nguồn vốn của các chương trình khác. Tích cực, chủ động huy động sự tham gia đóng góp tự nguyện của cộng đồng dân cư, người dân, doanh nghiệp cho xây dựng nông thôn mới.

          Thứ sáu: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện chương trình tại cơ sở; tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức thành viên các cấp.