NGHỆ THUẬT ĐỀ XUẤT TĂNG LƯƠNG THÀNH CÔNG

Tăng lương không hẳn chỉ là tăng tiền

Rất nhiều bạn nhân viên quá chăm chăm vào hai chữ “tăng lương” mà quên mất tăng lương không có nghĩa là bạn phải có bằng được số tiền như mình mong muốn. Đôi khi bạn có thể chấp nhận mức tăng ít hơn nhưng chế độ phúc lợi được cải thiện (nhiều ngày nghỉ hơn, chính sách bảo hiểm cho cả người thân, được cử đi đào tạo chuyên môn…). Hãy tính đến giải pháp này nếu bạn gặp trục trặc trong khâu đàm phán vì nó vừa giảm áp lực ngân sách cho công ty, vừa giúp bạn hài lòng hơn với môi trường làm việc, có đủ thời gian cân bằng công việc – cuộc sống.
 

Lựa chọn thời gian tương thích

Ngoài yếu tố nội dung thì yếu tố thời gian cũng đóng vai trò quyết định xem đề xuất tăng lương của bạn có được đồng ý hay không. Thông thường, bạn nên trình bày mong muốn tăng lương trong buổi đánh giá nhân viên hằng năm vì phần lớn các quản lý đều dự đoán trước chủ đề này. Trong trường hợp bạn cần thảo luận sớm, hãy tỏ ra chuyên nghiệp và thông báo trước để sếp bạn có đủ thời gian sắp xếp công việc cũng như chuẩn bị đàm phán. Đặc biệt, đề xuất của bạn chắc chắn sẽ bị từ chối nếu bạn lựa ngay thời điểm công ty đang gặp khó khăn tài chính, mùa cao điểm và sếp đang bị áp lực công việc…Sáng suốt lựa chọn thời điểm sẽ giúp tỷ lệ thành công của bạn cao hơn.

Phản ứng đúng cách khi bị phủ nhận

Vậy nếu chẳng may sau tất cả, bạn vẫn bị sếp từ chối đề xuất tăng lương thì sao? Xin khẳng định ngay đó không phải là dấu chấm hết cho mối quan hệ của bạn với công ty. Đôi khi, chính cách bạn phản ứng lại là chìa khóa giúp bạn tăng lương thành công. Khi bị từ chối, bạn nên tỏ ra chuyên nghiệp, cầu thị và trao đổi thẳng thắn với sếp xem đâu là vướng mắc, bạn cần làm gì để chứng minh bản thân nhiều hơn, với mức lương bạn đề xuất thì sếp mong đợi những gì…Nhiều công ty hiện có 2 đợt đánh giá nhân viên mỗi năm nên 6 tháng sau, bạn có thể thử đề xuất lại lần nữa. Với những hiểu biết thu thập được từ lần trước, tỷ lệ tăng lương thành công của bạn cũng được cải thiện rõ rệt.