Đề cương về Văn hóa Việt Nam – 1943 bài học sau 70 năm – Bài 1: Những bất cập mang tính lịch sử…

Hoàn cảnh ra đời

Đề cương về văn hóa Việt Nam – 1943 của Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời trong một tình thế lịch sử cực kỳ căng thẳng: Nhật vào Đông Dương, chế độ phát xít được thiết lập, cuộc thế chiến đang đi gần tới kết thúc, và đất nước bước vào thời kỳ tiền khởi nghĩa. Nạn diệt chủng do sự bóc lột tàn bạo của chính quyền Pháp – Nhật, và sự kiệt quệ về kinh tế sẽ dẫn đến cái chết của hai triệu người.

Đảng Cộng sản Đông Dương, người lãnh đạo dân tộc nhằm vào mục tiêu độc lập dân tộc, tự do và dân chủ cho nhân dân, đến lúc này vẫn là lực lượng duy nhất có sứ mệnh đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Cùng với hoạt động chính trị và quân sự, Đảng cũng rất coi trọng mặt trận văn hóa. Mục 3: “Thái độ của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với vấn đề văn hóa” trong Phần I của Đề cương được ghi: “- Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động”. Đồng thời, khi nhằm mục tiêu số 1 là cứu dân tộc, Đảng cũng cho thấy, đó là con đường cứu nền văn học dân tộc: “Văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”.

Đề cương về văn hóa ra đời trong tình thế lịch sử sôi sục ấy nhằm mục đích trực tiếp và cao cả nhất là giành độc lập, tự do cho dân tộc; và với một quan niệm rất rõ là có cứu được dân tộc thì mới cứu được văn hóa dân tộc. Đó chính là nội dung quan trọng, cơ bản và đầu tiên của Đề cương. Nó được ghi ở vị trí số 1 trong ba nguyên tắc: Dân tộc hóa, Đại chúng hóa, Khoa học hóa. Trong tình thế khốn cùng của nhân dân vào đầu những năm 1940, các tầng lớp trí thức của dân tộc cũng đều bị dồn đến thế cùng. Qua phương châm Dân tộc hóa, và với sự thành lập Hội Văn hóa cứu quốc, gần như đại bộ phận đội ngũ trí thức khoa học và nghệ thuật của dân tộc đều hướng về cách mạng và tham gia cách mạng.

Đồng thời Đề cương về văn hóa ra đời khi những nền tảng cho sự canh tân văn hóa, văn học dân tộc đã được thực hiện, với vai trò các nhà Nho – chí sĩ đầu thế kỷ, nhưng các kết quả thu được vẫn còn giới hạn ở các tầng trên, các mặt trên, vẫn còn chưa động tới được các bề sâu. Qua phương châm Đại chúng hóa, Đề cương tiếp tục sứ mệnh lật sâu, đào sâu xuống các nền tảng của đại chúng, nhằm đưa văn hóa vào quần chúng, và đưa quần chúng vươn dần lên và hướng tới các mục tiêu từ thấp lên cao của tiếp thụ và sáng tạo văn hóa…

 

Nhìn lại

Bây giờ, sau 70 năm, với bao biến động, phát triển theo gia tốc lớn của lịch sử trong thế kỷ XX – Việt Nam từ một nước còn bị nô lệ, rên xiết dưới hai tầng xiềng xích Pháp – Nhật đã vùng dậy làm một cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại, rồi tiến hành hai cuộc kháng chiến trong suốt 30 năm, đi tới thống nhất đất nước và phát triển đất nước theo định hướng mới của chủ nghĩa xã hội, và đang triển khai một cuộc hội nhập lớn với nhân loại; – bây giờ, sau bao biến thiên ấy mà nhìn lại Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, quả không khó khăn, thậm chí là dễ thấy những mặt bất cập của Đề cương trong nhìn nhận và đánh giá lịch sử dân tộc và văn hóa dân tộc.

Dẫn một vài đoạn của Đề cương ở mục 1, phần II: Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam.