Việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng thực hiện như thế nào? Hồ sơ thẩm định gồm những giấy tờ gì?


Việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng thực hiện như thế nào? Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng có nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường không? Hồ sơ thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng gồm những giấy tờ gì? Trên đây là câu hỏi của anh Châu Nguyên tại Đà Lạt.

Việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng thực hiện như thế nào?

Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng là tài liệu trình bày các nội dung nghiên cứu về sự cần thiết, mức độ khả thi và hiệu quả của việc đầu tư xây dựng theo phương án thiết kế cơ sở được lựa chọn, làm cơ sở xem xét, quyết định đầu tư xây dựng theo khoản 2 Điều 3 Luật Xây dựng 2014 giải thích.

Căn cứ theo khoản 3 Điều 56 Luật Xây dựng 2014, được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định về thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng như sau:

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng

1. Đối với dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công, việc thẩm định được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

2. Đối với dự án PPP, việc thẩm định được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Việc thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng được thực hiện theo quy định tại Điều 58 của Luật này.

3. Đối với các dự án đầu tư xây dựng không thuộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, việc thẩm định được thực hiện như sau:

a) Người quyết định đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng, giao cơ quan chuyên môn trực thuộc hoặc tổ chức, cá nhân có chuyên môn phù hợp với tính chất, nội dung của dự án khi không có cơ quan chuyên môn trực thuộc (sau đây gọi là cơ quan chủ trì thẩm định) thực hiện thẩm định các nội dung quy định tại Điều 57 của Luật này;

b) Đối với dự án quy định tại khoản 1 Điều 58 của Luật này còn phải được cơ quan chuyên môn về xây dựng thực hiện thẩm định các nội dung theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 58 của Luật này, trừ dự án chỉ cần lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng;

c) Đối với dự án yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, dự án sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao hoặc có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ còn phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có ý kiến hoặc thẩm định, thẩm duyệt theo quy định của pháp luật có liên quan;

d) Đối với dự án phải thực hiện quy định tại điểm b và điểm c khoản này, chủ đầu tư được trình hồ sơ đồng thời đến cơ quan chuyên môn về xây dựng và cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Kết quả thực hiện yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường quy định tại điểm c khoản này được gửi đến cơ quan chuyên môn về xây dựng làm cơ sở kết luận thẩm định.

Đối với thủ tục xin ý kiến về giải pháp phòng cháy và chữa cháy của hồ sơ thiết kế cơ sở theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy, chủ đầu tư được gửi hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về xây dựng theo cơ chế một cửa liên thông. Cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm gửi hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để lấy ý kiến làm cơ sở kết luận thẩm định;

đ) Cơ quan chủ trì thẩm định, cơ quan chuyên môn về xây dựng được mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm tham gia thẩm định hoặc yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra các nội dung cần thiết làm cơ sở cho việc thẩm định. Việc lựa chọn tổ chức, cá nhân thẩm tra phục vụ thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng được thực hiện theo quy định của Chính phủ. Phí thực hiện thẩm định dự án, thiết kế xây dựng, chi phí thẩm tra được tính trong tổng mức đầu tư của dự án;

e) Cơ quan chủ trì thẩm định có trách nhiệm tổng hợp kết quả thực hiện quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản này, trình người quyết định đầu tư phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng.

Theo đó, đối với các dự án đầu tư xây dựng không thuộc dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công và dự án PPP, việc, người quyết định đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng, giao cơ quan chuyên môn trực thuộc hoặc tổ chức, cá nhân có chuyên môn phù hợp với tính chất, nội dung của dự án khi không có cơ quan chủ trì thẩm định thực hiện thẩm định các nội dung theo quy định.

Cơ quan chủ trì thẩm định, cơ quan chuyên môn về xây dựng được mời tổ chức, cá nhân có chuyên môn, kinh nghiệm tham gia thẩm định hoặc yêu cầu chủ đầu tư lựa chọn tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực để thẩm tra các nội dung cần thiết làm cơ sở cho việc thẩm định.

Việc lựa chọn tổ chức, cá nhân thẩm tra phục vụ thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng được thực hiện theo quy định của Chính phủ. Phí thực hiện thẩm định dự án, thiết kế xây dựng, chi phí thẩm tra được tính trong tổng mức đầu tư của dự án.

Cơ quan chủ trì thẩm định có trách nhiệm tổng hợp kết quả, trình người quyết định đầu tư phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng.

Thẩm định

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng (Hình từ Internet)

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng có nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường không?

Căn cứ theo Điều 53 Luật Xây dựng 2014, được bổ sung bởi khoản 11 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định như sau:

Nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng

1. Sự cần thiết đầu tư và các điều kiện để thực hiện đầu tư xây dựng.

2. Dự kiến mục tiêu, quy mô, địa điểm và hình thức đầu tư xây dựng.

3. Nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên.

4. Phương án thiết kế sơ bộ về xây dựng, thuyết minh, công nghệ, kỹ thuật và thiết bị phù hợp.

5. Dự kiến thời gian thực hiện dự án.

6. Sơ bộ tổng mức đầu tư, phương án huy động vốn; khả năng hoàn vốn, trả nợ vốn vay (nếu có); xác định sơ bộ hiệu quả kinh tế – xã hội và đánh giá tác động của dự án.

7. Đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và nội dung khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Theo đó, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng có các nội dung được quy định cụ thể trên. Trong đó có nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và nội dung khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Hồ sơ thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng gồm những giấy tờ gì?

Căn cứ theo khoản 4 Điều 56 Luật Xây dựng 2014, được sửa đổi bởi khoản 13 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020 quy định về thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng như sau:

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng

4. Hồ sơ trình thẩm định quy định tại khoản 3 Điều này gồm:

a) Tờ trình của chủ đầu tư;

b) Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng;

c) Các tài liệu, văn bản có liên quan.

Theo đó, hồ sơ trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng gồm:

– Tờ trình của chủ đầu tư;

– Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng;

– Các tài liệu, văn bản có liên quan.

Xem văn bản hợp nhất các quy định được sửa đổi bổ sung nêu trên tại Văn bản hợp nhất 02/VBHN-VPQH năm 2020 hợp nhất Luật Xây dựng do Văn phòng Quốc hội ban hành.

(Lưu ý văn bản hợp nhất không phải là văn bản quy phạm pháp luật, không được dùng làm căn cứ).