Trung tâm giới thiệu việc làm và trung tâm dịch vụ việc làm

Trung tâm giới thiệu việc làm và trung tâm dịch vụ việc làm

Bởi ebh.vn

– 05/08/2021

Trung tâm giới thiệu việc làm nằm trong chuỗi mắt xích quan trọng từ trung ương đến địa phương. Không chỉ là nơi hỗ trợ người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp mà còn hỗ trợ đào tạo, tìm việc làm cho người lao động, giúp người sử dụng lao động tìm được nguồn lao động phù hợp.

Trung tâm giới thiệu việc làm hỗ trợ người lao động thất nghiệp

Trung tâm giới thiệu việc làm hỗ trợ người lao động thất nghiệp tìm kiếm việc làm.

1. Trung tâm giới thiệu việc làm là gì?

Trung tâm giới thiệu việc làm là đơn vị sự nghiệp do cơ quan tổ chức Nhà nước có thẩm quyền thường là Sở Lao động -Thương Binh và Xã hội cấp tỉnh, thành phố có chức năng thực hiện, tổ chức các hoạt động trong lĩnh vực việc làm theo quy định của Pháp luật Việt Nam.

Căn cứ quy định tại khoản 1 và 2 điều 60 Chương 7 Luật Việc làm 2013 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/ 2015) về điều khoản chuyển tiếp theo đó:

Các đơn vị/ tổ chức/doanh nghiệp được cấp Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực giới thiệu việc làm trước ngày 1/1/2015 thì được tiếp tục hoạt động dịch vụ việc làm cho đến khi hết thời hạn của giấy phép đã được cấp.

1.1 Trung tâm dịch vụ việc làm là gì?

Trung tâm giới thiệu việc làm được thành lập trước ngày 1/1/2015 tiếp tục hoạt động dịch vụ việc làm thì đổi tên thành Trung tâm dịch vụ việc làm.

Như vậy, tên gọi trung tâm giới thiệu việc làm sẽ được đổi tên thành trung tâm dịch vụ việc làm từ sau ngày 1/1/2015.

2. Yếu tố cơ bản của một trung tâm giới thiệu việc làm

Để thành lập trung tâm giới thiệu việc làm Tổ chức/Doanh nghiệp cần đảm bảo 07 yếu tố sau:

1. Có mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ cụ thể.

2. Phù hợp với quy hoạch mạng lưới Trung tâm dịch vụ việc làm do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Có trụ sở làm việc 

4. Có đầy đủ trang thiết bị, phương tiện làm việc để thực hiện các hoạt động dịch vụ việc làm theo quy định

5. Có ít nhất 15 cán bộ có trình độ cao đẳng trở lên.

6. Kinh phí hoạt động thường xuyên do cơ quan có thẩm quyền thành lập bảo đảm theo quy định của pháp luật.

7. Khi thành lập phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi Trung tâm đặt trụ sở chính đối với các trường hợp Trung tâm dịch vụ việc làm do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định thành lập hoặc do người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội cấp Trung ương quyết định thành lập được áp dụng theo quy định tại Nghị định này.

2.1 Quyết định thành lập

Trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý nhà nước quyết định thành lập, gồm:

1. Trung tâm việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quyết định thành lập;

2. Trung tâm việc làm do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định thành lập.

3. Trung tâm do người đứng đầu tổ chức chính trị – xã hội cấp Trung ương quyết định thành lập.

Cơ cấu tổ chức của trung tâm giới thiệu việc làm.

Cơ cấu tổ chức của trung tâm giới thiệu việc làm.

2.2 Cơ cấu tổ chức

Cơ cấu tổ chức của trung tâm được chia thành 2 bộ phận chính bao gồm:

  1. Bộ phận lãnh đạo gồm Giám đốc và các phó Giám đốc;

  2. Bộ máy giúp việc của Giám đốc gồm các phòng chuyên môn, phòng phục vụ.

Người có thẩm quyền quyết định thành lập trung tâm sẽ căn cứ vào tính chất, đặc điểm hoạt động cụ thể, khối lượng công việc để quyết định số lượng và tên gọi các phòng chuyên môn, phòng phục vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Chức năng, nhiệm vụ của trung tâm giới thiệu việc làm

Nhằm hỗ trợ tích cực cho người lao động tìm kiếm việc làm, đào tạo lao động phù hợp với nhu cầu của thị trường. Trung tâm việc làm có nhiệm vụ quan trọng trong hệ thống đào tạo và cung cấp nguồn lao động tại Việt Nam.

Căn cứ theo Điều 5, Nghị định số 196/2013/NĐ-CP ban hành ngày 21/11/2013 quy định về nhiệm vụ của Trung tâm như sau:

(1) Hoạt động tư vấn, bao gồm:

– Tư vấn học nghề: tư vấn lựa chọn nghề, trình độ đào tạo, nơi học phù hợp với khả năng và nguyện vọng;

– Tư vấn việc làm: tư vấn lựa chọn công việc phù hợp với khả năng và nguyện vọng; về kỹ năng thi tuyển; về tự tạo việc làm, tìm việc làm trong nước và ngoài nước;

– Tư vấn cho người sử dụng lao động: tư vấn về tuyển dụng lao động; về quản trị, phát triển nguồn nhân lực; tư vấn sử dụng lao động và phát triển việc làm;

– Tư vấn về chính sách, pháp luật lao động cho người lao động, người sử dụng lao động.

(2) Giới thiệu việc làm cho người lao động, cung ứng và tuyển lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động, bao gồm:

– Giới thiệu người lao động cần tìm việc làm với người sử dụng lao động cần tuyển lao động;

– Cung ứng lao động theo yêu cầu của người sử dụng lao động;

– Tuyển lao động thông qua thi tuyển để lựa chọn những người đủ điều kiện, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động;

– Giới thiệu, cung ứng lao động cho đơn vị, doanh nghiệp được cấp phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

(3) Thu thập, phân tích, dự báo và cung ứng thông tin thị trường lao động.

(4) Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực tìm kiếm việc làm và đào tạo kỹ năng, dạy nghề khác theo quy định của pháp luật.

(5) Hỗ trợ người lao động trong trường hợp chuyển từ nghề này sang nghề khác, di chuyển từ địa phương này sang địa phương khác, di chuyển ra nước ngoài làm việc và các hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.

(6) Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về lao động, việc làm.

(7) Thực hiện các chương trình, dự án về việc làm.

(8) Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.

(9) Thực hiện các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

Chức năng nhiệm vụ của trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương.

Chức năng nhiệm vụ của trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương

4. Quyền hạn của trung tâm giới thiệu việc làm

Theo quy định tại Điều 7, Nghị định số 196/2013/NĐ-CP quyền hạn của trung tâm việc làm bao gồm các quyền hạn sau:

1. Ký kết hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

2. Khai thác thông tin về lao động, việc làm và dạy nghề.

3. Phát hành ấn phẩm và đăng tải bản tin về thông tin thị trường lao động theo quy định của pháp luật.

4. Yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp thông tin về tình trạng việc làm của người lao động do Trung tâm giới thiệu hoặc cung ứng lao động.

5. Thu phí theo quy định của pháp luật về phí.

6. Tự chủ về tài chính theo quy định của pháp luật.

7. Tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức và người lao động theo quy định của pháp luật.

5. Lịch làm việc của Trung tâm giới thiệu việc làm

Hiện nay hầu hết các trung tâm dịch vụ việc làm đều là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc quản lý của cơ quan Nhà nước. Do đó lịch làm việc của các đơn vị này sẽ tuân thủ theo giờ làm việc hành chính (8h/ngày) cụ thể như sau:

Các ngày trong tuần:

  • Từ thứ 2 đến thứ 6: Buổi sáng từ 8h00 – 12h00, buổi chiều từ 13h00 -17h00

  • Thứ 7 và Chủ Nhật: Nghỉ (một số trung tâm vẫn làm việc vào sáng thứ 7)

Trên đây là lịch làm việc chung áp dụng cho hầu hết các trung tâm dịch vụ việc làm tại các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, tại một số địa phương hoặc khu vực lịch làm việc của trung tâm có thể thay đổi tùy theo từng thời điểm và khu vực.

Như vậy, trong bài viết trên đây Bảo hiểm xã hội điện tử eBH đã gửi đến bạn đọc những thông tin tổng quan nhất về trung tâm giới thiệu việc làm. Mong rằng có thể giúp người lao động hiểu đủ và hiểu đúng về chức năng nhiệm vụ và quyền hạn của các trung tâm việc làm tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng lừa gạt.

Xem thêm: Danh sách các trung tâm giới thiệu việc làm tại Hà Nội và TP. HCM