Vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội

Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng quan trọng. Nó là công cụ không hề thiếu, bảo vệ cho sự sống sót, quản lý và vận hành thông thường của xã hội nói chung và của nền đạo đức nói riêng …

Trong đời sống xã hội, pháp luật có vai
trò đặc biệt quan trọng. Nó là công cụ không thể thiếu, bảo đảm cho sự tồn tại,
vận hành bình thường của xã hội nói chung và của nền đạo đức nói riêng. Pháp
luật không chỉ là một công cụ quản lý nhà nước hữu hiệu, mà còn tạo môi trường
thuận lợi cho sự phát triển của ý thức đạo đức, làm lành mạnh hóa đời sống xã
hội và góp phần bồi đắp nên những giá trị mới.

Trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay,
việc tăng cường vai trò của pháp luật được đặt ra như một tất yếu khách quan.
Điều đó không chỉ nhằm mục đích xây dựng một xã hội có trật tự, kỷ cương, văn
minh, mà còn hướng đến bảo vệ và phát triển các giá trị chân chính, trong đó có
ý thức đạo đức. Pháp luật càng chặt chẽ, càng đầy đủ và được thi hành nghiêm
chỉnh thì đạo đức càng được đề cao, đồng thời khả năng điều chỉnh và giáo dục
của đạo đức càng được mở rộng và ảnh hưởng một cách toàn diện, tích cực đến mọi
hành vi, mọi mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã
hội. Một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, thể hiện đúng đắn ý chí và nguyện vọng
của số đông, phù hợp với xu thế vận động của lịch sử sẽ góp phần thúc đẩy sự
phát triển và tiến bộ xã hội. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường và quá
trình toàn cầu hóa hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với pháp luật là phải tác động
tích cực đến nền đạo đức của xã hội. Nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị
trường đòi hỏi mỗi cá nhân trong hoạt động của mình phải tính toán chặt chẽ
những điều kiện khách quan và hiệu quả kinh tế. Khi đời sống kinh tế – xã hội
đã và đang có những chuyển biến lớn, thì quan hệ giữa con người với con người
không thể chỉ là mối quan hệ trực tiếp, cảm tính, chủ yếu vẫn bị chi phối bởi
những nguyên tắc và chuẩn mực của sự phát triển ưu trội về đạo đức như trước
đây, mà nó cần được bổ sung những chuẩn mực, những giá trị mới, như tính kinh
tế, tính hiệu quả…

Việc tăng cường vai trò của pháp luật,
tạo môi trường thuận lợi cho sự hình thành và phát triển ý thức đạo đức đã trở
thành một trong những yêu cầu cấp thiết. Quá trình xây dựng và phát triển nền
kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cũng như xã hội dân sự
đòi hỏi phải tích cực hơn nữa trong việc đưa pháp luật vào đời sống, hình thành
và phát triển ý thức pháp luật. Đồng thời, việc xã hội hóa tri thức, nâng cao
dân trí, tạo cơ sở nâng cao đạo đức lên trình độ duy lý pháp lý và khoa học,
chuyển thói quen điều chỉnh xã hội theo “lệ”, chủ yếu là sự cảm thông sang điều
chỉnh xã hội bằng pháp luật trên nguyên tắc công bằng và bình đẳng xã hội là
điều hết sức cần thiết. Trong quan niệm về chuẩn giá trị và đánh giá đạo đức,
tính khách quan, khoa học phải thay cho sự tùy tiện vốn dựa trên cơ sở kinh
nghiệm, duy cảm, duy tình. Sự điều chỉnh xã hội bằng pháp luật (với nguyên tắc
tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật) làm cho mọi thành viên trong xã
hội có thể tự do phát huy khả năng sáng tạo của mình trong môi trường lành mạnh
– môi trường vận hành có trật tự, nền nếp, kỷ cương của một xã hội năng động,
phát triển và văn minh. Đó cũng chính là nhu cầu tình cảm, là trách nhiệm và
yêu cầu đạo đức đối với mỗi công dân trong giai đoạn mới.

Thực tế những năm vừa qua cho thấy, hệ
thống pháp luật và việc thi hành pháp luật đã có những tác động rõ rệt đến đời
sống xã hội. Những quy định trong Hiến pháp, trong các luật và văn bản dưới
luật luôn đề cao tính nhân đạo và nhân văn bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của
Nhà nước mà nhân dân là chủ và do nhân dân làm chủ. Nói đúng hơn, đó là hệ
thống pháp luật phục vụ cho việc thực thi các lợi ích cơ bản của con người, đặc
biệt là lợi ích của người lao động. Vì vậy, các nguyên tắc định hướng cho việc
xây dựng nội dung của hệ thống pháp luật, như công bằng, nhân đạo, vì sự phát
triển tiến bộ của con người và xã hội… cũng chính là những nguyên tắc đạo đức
cơ bản mà nhân loại tiến bộ đã, đang và sẽ hướng tới. Có thể nói, pháp luật góp
phần rất lớn trong việc hình thành ý thức tôn trọng và chấp hành những quy phạm
chung, giúp con người có những hành vi ứng xử văn minh, phù hợp với chiều hướng
phát triển tiến bộ của thời đại.

Đ.D ( t. h )