Nỗi vất vả của người nông dân

         (Nguyên bản của tác giả)

Mỗi đêm khó ngủ hay có mưa tí tách ngoài hiên, nằm trong chăn, bật quạt máy ào ào mặc cho luồng không khí khí ẩm, lành lạnh từ ngoài lùa vào phòng qua cánh cửa khép hờ, tôi thích nghe những câu truyện rất lâu rồi của mẹ. Nghe nhiều lần, nhiều đêm, vẫn những câu truyện ấy. Chuyện con ma da ở đầu cầu ném đất sình qua bờ dừa nghe rào rào hay nhảy tủm xuống nước khi có người đi tới, để lại trên cầu bãi nước nhầy nhụa, lại có nàng ma nữ ru con giữa trưa khi mẹ đi chăn trâu nghe được, kể mẹ đã cực khổ làm lụng thế nào, ba tôi vác bao lúa té lên té xuống thế nào … có chuyện làm tôi sợ, làm tôi cười, có chuyện làm tôi nghe mà ứa nước mắt. Và có một câu truyện, mỗi khi kể, giọng mẹ lại rưng rưng. Chuyện kể về ông ngoại. Hay đúng hơn là những hình ảnh ám ảnh mẹ suốt mỗi lần nhớ đến .

Mỗi lần nhớ về thời thơ ấu nghèo khó, đông anh em, mẹ lại xót xa nhớ ông ngoại những ngày cật lực làm lụng trên đồng, dành dụm nuôi gia đình nhiều miệng ăn. Đến khi mất đi, ông vẫn hoài “cắc ca cắc củm”, chắc là do quen rồi không thay đổi được nữa.

Ngày đó, ông ngoại thân hình to lớn nhưng lại chậm chạp hơn người ta. Ông làm chậm nên làm lâu hơn rồi thành ra cũng làm nhiều hơn. Ông ngoại trồng ở sau nhà nhiều loại cây, loại củ và gần như mọi loại khoai. Việc đồng áng, ông bà ngoại cùng làm, bỏ đàn con ở nhà, đứa lớn chăm đứa nhỏ, cứ thế mà lớn lên cả một chục người, duy chỉ có mẹ tôi là con gái. Thường thì ông ngoại dậy đi ra đồng từ sớm nên mẹ tôi ba, bốn giờ đã dậy nấu cơm cho ông ăn. Trưa lại đem cơm ra đồng cho ông ngoại. Có những lúc hạn hẹp, không có đồ ăn. Trời trưa đứng bóng, nắng chang chang, mẹ đem tộ cơm trắng với chén nước mắm y xắt ớt ra đồng. Ông ngoại dưới ruộng bước lên, mặt mũi phờ phạc, áo ướt đẫm, con mắt nheo nheo bởi mồ hôi chảy vào cay xè. Mẹ ngồi nhìn ông ngoại ăn mà lòng xót xa đến ám ảnh. Hình ảnh người cha cực nhọc dưới đồng bước lên, và vội mớ cơm trắng với chén nước mắm ớt kia để mà chăm lo cho một đàn con.

Qua những ngày nắng nóng, lại đến những chiều mưa gió, dông bão cuồn cuộn trên đồng. Mẹ tôi kể lại vẫn còn như in cái cảm giác mong ngóng ông ngoại từ tận đầu ngõ vào những chiều như thế. Ông chậm hơn, nên cứ mặc mọi người xung quanh nhanh chóng thu dọn đồ đạc kéo nhau về tránh cơn mưa đang ầm ập kéo tới trên những đám mây đen dày cộm, ông vẫn gắng làm nốt phần dang dở. Nhiều khi về nhà dưới cơn mưa tầm tã trút nước nhưng liền sau đó ông lại ra sau nhà đào mớ khoai vào luộc mỗi người một củ. Ai cũng ấp ủ củ khoai nóng hổi trong áo như của trời cho – cái thứ quà nghĩ là thèm trong những ngày mưa tí tách ướt hiên nhà.

Mặc cho trời mưa nắng, ông ngoại cặm cụi trên đồng năm này qua tháng khác, nuôi lớn bầy con đứa nào cũng háu ăn, thịt da cứng ngắc. Rồi tiếp theo lại dựng vợ gả chồng cho tất thảy chục đứa con, thêm chục đứa cháu. Công lao ông bà ngoại làm lụng là nền tảng cho con cháu giờ đây tăng trưởng mà không phải ai cũng thấu hết cực khổ mà ông bà từng trải qua. Trên cánh đồng hồi ấy ông ngoại ngày ngày đổ hàng ngàn giọt mồ hôi là ngôi nhà lớn cho con, cháu, chắt giờ đây tụ họp mỗi dịp lễ Tết, giỗ quải .

Trần Thị Minh Trang

Địa chỉ : ấp 3, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, thành phố Hồ Chí Minh .