Nhận diện trường phái kinh tế học pháp luật

Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TRƯỜNG PHÁI KINH TẾ HỌC PHÁP LUẬT

 

1.1. Khái niệm Kinh tế học pháp luật

Kinh tế học hiện đại bắt nguồn từ những tư tưởng của kinh tế gia nổi tiếng Adam Smith khi ông xuất bản cuốn sách kinh điển về kinh tế “Của cải của các dân tộc” (the Wealth of Nations) vào đúng năm kết thúc cuộc đấu tranh giành độc lập của 13 thuộc địa Bắc Mỹ của đế quốc Anh và khai sinh ra Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (1776). Đây cũng là thời điểm mà phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa đã chiếm ưu thế đến mức giai cấp tư sản thấy cần phải xoá bỏ xiềng xích phong kiến cát cứ, thoát khỏi xiềng xích tư tưởng của chế độ phong kiến đương thời để thiết lập chế độ tự do hơn, thống nhất hơn. Cuốn sách “Của cải của các dân tộc” của Adam Smith đã làm thức tỉnh nhận thức của biết bao thế hệ nhà kinh tế về bản chất cuộc sống, bản chất hành vi của con người và cách thức giải thích, dự đoán các hiện tượng kinh tế trong đời sống. Kinh tế học của thời hiện đại, từ sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế 1929-1932 đã khác xa so với những kiến thức đơn sơ của thời Adam Smith. Bên cạnh lĩnh vực kinh tế học vi mô mà Adam Smith là cha đẻ, từ giữa thập niên 1930, J.M.Keynes, với tác phẩm “Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ” (The General Theory of Employment, Interest, and Money) (xuất bản lần đầu năm 1936) đã khai sinh ra môn phân tích kinh tế vĩ mô. Từ đó, tới nay, với sự giúp sức của hàng ngàn nhà kinh tế học nổi tiếng, trong đó, có hàng chục nhà khoa học đạt giải Nobel về kinh tế học, khoa kinh tế học đã có thêm rất nhiều bước tiến, đi sâu vào nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế học thông tin, lý thuyết trò chơi, tương tác chiến lược và các phân ngành kinh tế như kinh tế học lao động, kinh tế học môi trường, kinh tế học phúc lợi v.v.

Tuy nhiên, những nguyên lý nền tảng của kinh tế học vẫn trụ vững với thời gian, trong đó phải kể tới các nguyên lý cơ bản về cách ứng xử của con người (cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp) trong một thế giới khan hiếm nguồn lực.[1] Theo quan niệm của các nhà kinh tế, xét từ góc độ thỏa mãn nhu cầu phát triển của cá nhân con người nói riêng và một xã hội nói chung, thế giới chúng ta đang sống là một thế giới của sự khan hiếm nguồn lực. Sự thực, đó là thế giới mà những nguồn lực có lợi cho con người (dù đó là tài sản, thời gian, sức lao động, trí tuệ, tri thức, quyền lực, danh tiếng, uy tín v.v.) là những thứ có giới hạn. Trong bối cảnh đó, kinh tế học gắng trả lời câu hỏi, khi phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn lực ấy, ứng xử của con người (cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp) sẽ diễn ra thế nào và trong điều kiện nào thì ứng xử của con người (cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp) là ứng xử tối ưu (mang lại lợi ích tối đa cho chủ thể). Kinh tế học cũng chỉ rõ rằng, mọi hiện tượng kinh tế trong xã hội đều là sản phẩm của những chọn lựa của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Nói cách khác, đó là sản phẩm của những quyết định mà các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã thực hiện. Kinh tế học cũng cho rằng, các chọn lựa mà con người thực hiện (hành vi của con người), trong đa số các trường hợp là những hành vi “duy lý” và “vị lợi”. Nói cách khác, khi thực hiện một hành xử, con người luôn tính toán, cân nhắc lợi/hại từ hành vi của mình. Xu thế chung của con người bình thường (con người duy lý) là thực hiện các hành vi nhằm tối ưu hóa lợi ích của bản thân. Con người phản ứng đối với những thay đổi từ môi trường qua lăng kính lợi/hại (lợi ích). Kinh tế học cũng gắng trả lời câu hỏi, trong trường hợp nào, khi các cá nhân theo đuổi và tối ưu hóa lợi ích riêng của mình (tức là thực hiện hành vi vị kỷ) thì không những lợi ích của người khác không bị xâm hại mà lợi ích chung của xã hội cũng được cải thiện. Kinh tế học cũng gắng trả lời câu hỏi, trường hợp nào, sự hiện diện của nhà nước (của pháp luật) là giải pháp tối ưu để giải quyết các thách thức mà xã hội phải đối mặt và trường hợp nào, việc để cho xã hội tự tìm phương án xử lý sẽ có lợi hơn. 

Trong nửa cuối của thế kỷ 20, kinh tế học được nhiều học giả sử dụng để giải thích, dự đoán hành vi ứng xử của con người trong nhiều lĩnh vực khác nhau,[2] trong đó có lĩnh vực pháp luật. Việc ứng dụng lý thuyết và mô hình kinh tế để nghiên cứu quá trình phát sinh, phát triển và tác động thực tế của bản thân quy phạm pháp luật và các thiết chế thực thi pháp luật đã hình thành nên một trường phái lý luận có tên là “Luật và Kinh tế học” (Law and Economics) mà chúng tôi gọi một cách khái quát hơn là “Kinh tế học pháp luật”.[3]

Về khái niệm Kinh tế học pháp luật, theo định nghĩa của Từ điển Black’s Law Dictionary “Kinh tế học pháp luật” (law and economics) là “một bộ môn khoa học chủ trương thực hiện phân tích pháp luật dưới góc độ kinh tế theo đó các quy tắc pháp lý được đánh giá chi phí/lợi ích để xem liệu một sự thay đổi pháp luật từ trạng thái này sang trạng thái khác sẽ làm tăng hay giảm hiệu quả sử dụng và phân bổ nguồn lực, tăng hay giảm sự giàu có của xã hội”.[4]

Việc kết hợp giữa lý luận pháp luật với lý luận kinh tế, cho tới những năm 1960 vẫn chỉ dừng lại ở phạm vi tương đối hẹp đó là: lĩnh vực pháp luật cạnh tranh và các quy định của chính phủ điều tiết nền kinh tế (như thuế, giấy phép kinh doanh v.v.). Đây vốn là các lĩnh vực mà những thuật ngữ nền tảng của nó như thị trường, thị phần, quyền lực thị trường, cạnh tranh, hiệu quả v.v. cũng là những thuật ngữ nền tảng của lĩnh vực kinh tế học. Tới thời điểm đó, các lĩnh vực pháp luật khác trong đó có các lĩnh vực pháp luật truyền thống như pháp luật sở hữu, pháp luật hợp đồng, pháp luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng vẫn nằm ngoài chương trình nghiên cứu của trường phái này. Tuy nhiên, tình hình này đã có sự thay đổi cơ bản vào những năm 1960, nhất là trong những năm 1970 khi cả 3 lĩnh vực này (pháp luật sở hữu, pháp luật hợp đồng và pháp luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng) đã được nhiều học giả trong trường phái để tâm nghiên cứu, lý giải.

Từ khoảng giữa thập niên 1980, nhiều trường luật hàng đầu ở Hoa Kỳ trong đó có Standford, Chicago, Columbia, George Mason, Miami đã đưa môn Kinh tế học pháp luật trở thành một trong những môn học chính thức trong chương trình đào tạo luật của mình. Hiện tại, hoạt động đào tạo Kinh tế học pháp luật tại các trường đại học của Mỹ được thể hiện ở nhiều cấp độ khác nhau. Chẳng hạn, hầu hết các trường đại học luật của Mỹ đều có sự hiện diện của các giáo sư kinh tế cung cấp các khóa đào tạo cơ bản về kinh tế học cho sinh viên luật.[5] Đặc biệt, những trường nổi tiếng nhất đều có các chương trình đào tạo kinh tế luật.[6] Ngoài ra, rất nhiều trường đại học thành lập chương trình đào tạo Kinh tế học pháp luật như Harvard, Chicago, Yale, Berkely, George Mason…v.v.[7] Ngoài ra, các trường đại học lớn thường đưa ra các chương trình đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ chuyên ngành về Kinh tế học pháp luật như Berkely, George Mason[8] và Vanderbilt.[9] Trường phái kinh tế học pháp luật hiện được đánh giá là khung lý thuyết chủ đạo trong việc nhận thức và đánh giá chính sách và pháp luật ở Hoa Kỳ.[10]

Ở châu Âu, bộ môn Kinh tế học pháp luật cũng được đưa vào giảng dạy tại các trường đại học chuyên về luật (nhất là các khóa đào tạo thạc sỹ luật) từ những năm 1990 tại các quốc gia như Anh, Đức, Hà Lan, Áo, Pháp… Chương trình thạc sỹ Kinh tế học pháp luật tại trường đại học Gent, Paris IX, phối hợp với trường Đại học Oxford và Đại học Rotterdam là một chương trình như vậy.[11] Tại châu Á, một số quốc gia cũng dần đưa môn Kinh tế học pháp luật vào giảng dạy tại các trường đại học. Chẳng hạn, tại Ấn độ, Trường đại học về khoa học tư pháp (NUJS) đã tổ chức các khoá học về Kinh tế học pháp luật cho các sinh viên luật. Tại Singapore, trường đại học quốc gia (NUS) đã sáng lập ra một khoá học bằng kép về Kinh tế học pháp luật từ năm 2005.[12]

1.2. Đối tượng nghiên cứu

            Gọi Kinh tế học pháp luật là một nhánh của kinh tế học cũng là đúng nhưng gọi Kinh tế học pháp luật là một nhánh của luật học (hoặc khoa học pháp lý) cũng không hoàn toàn sai. Ngay như tên gọi “Kinh tế học pháp luật” đã ám chỉ, đây là lĩnh vực nghiên cứu về pháp luật bằng cách sử dụng các công cụ tư duy (hệ thống khái niệm, mô hình,…) của kinh tế học. Vậy phải chăng, pháp luật và các hiện tượng liên quan đến pháp luật chính là đối tượng nghiên cứu của Kinh tế học pháp luật? Thực chất, pháp luật và các hiện tượng liên quan đến pháp luật là đối tượng nghiên cứu của nhiều môn khoa học khác nhau. Mỗi môn khoa học đều tiếp cận, nghiên cứu pháp luật và các hiện tượng liên quan tới pháp luật từ nhiều một góc độ riêng. Chính vì thế, nói pháp luật và các hiện tượng pháp luật là đối tượng nghiên cứu của Kinh tế học pháp luật là đúng nhưng chưa hoàn toàn lột tả được khía cạnh mà Kinh tế học pháp luật muốn đề cập tới.

            Theo giáo sư D. Friedman (Đại học Santa Clara – Hoa Kỳ),[13] Kinh tế học pháp luật quan tâm trả lời 3 vấn đề chính: (1) đánh giá hệ quả tác động của các quy phạm pháp luật (khi có sự thay đổi trong quy định của pháp luật, các cá nhân, tổ chức trong xã hội sẽ phản ứng như thế nào đối với sự thay đổi ấy); (2) dự báo sự vận động của các quy phạm pháp luật (theo hướng: các quy phạm không có lợi cho sự phát triển sẽ bị bãi bỏ bởi lôgic tự nhiên của pháp luật là thúc đẩy sự phát triển của xã hội thông qua việc cải thiện tính hiệu quả trong phân bổ và sử dụng nguồn lực trong xã hội); (3) đánh giá tính hiệu quả của các quy phạm pháp luật hiện hành (lấy tiêu chí thúc đẩy tính hiệu quả trong phân bổ và sử dụng nguồn lực, các nhà kinh tế học pháp luật sẽ đánh giá xem các quy phạm hiện hành hợp lý hay không hợp lý).

            Theo một số nhà nghiên cứu về Kinh tế học pháp luật, nhìn chung, Kinh tế học pháp luật muốn tập trung làm rõ 2 vấn đề chính:[14] Thứ nhất, làm cách nào để dự đoán, đo lường được tác động thực tế của mỗi quy phạm pháp luật? (Việc ban hành một quy phạm pháp luật mới sẽ có khả năng thay đổi, tác động đến xã hội như thế nào? Hệ quả kinh tế của các quy phạm pháp luật ấy ra sao?). Thứ hai, mối quan hệ giữa các quy phạm pháp luật và mức độ hiệu quả trong việc phân bổ, sử dụng các nguồn lực khan hiếm trong xã hội như thế nào? (Quy phạm pháp luật tác động đến tình trạng hiệu quả của xã hội như thế nào?). Như vậy, có thể thấy, kinh tế học pháp luật nghiên cứu pháp luật (quy phạm hoặc nhóm quy phạm pháp luật) và thiết chế pháp luật trong trạng thái động và tập trung vào các khía cạnh cơ bản sau:

– Kinh tế học pháp luật nghiên cứu tương tác giữa pháp luật với hành vi của con người trong xã hội: khi ban hành một quy phạm pháp luật mới, thiết lập một thiết chế pháp luật mới, quy phạm ấy, thiết chế ấy sẽ tác động như thế nào đối với xã hội và dự báo ứng xử của con người trước sự thay đổi đó (dự báo theo hướng, nếu quy phạm mang tính chất thưởng thì sẽ khuyến khích hành vi, và nếu quy phạm mang tính chất phạt thì sẽ ngăn ngừa những hành vi được coi là không mong muốn như thế nào? Cách thức mà các cá nhân, tổ chức trong xã hội đối phó với những biến động của pháp luật ra sao?).

– Kinh tế học pháp luật không chỉ dự báo tác động đã được dự kiến của quy phạm bởi nhà lập pháp khi ban hành mà còn dự báo cả những tác động ngoài mong muốn (tác dụng phụ), ngoài dự định của nhà lập pháp. Nói cách khác, kinh tế học pháp luật nghiên cứu “hiệu lực tác động thực tế” (real effect) của các quy phạm pháp luật.

– Kinh tế học pháp luật cũng nghiên cứu quy luật hình thành, phát sinh, phát triển của các quy phạm, nhóm quy phạm pháp luật nhưng được nhìn từ góc độ lôgíc kinh tế của những sự thay đổi đó. Nói cách khác, Kinh tế học pháp luật sẽ nghiên cứu vấn đề quy phạm pháp luật làm ảnh hưởng tới hiệu quả phân bổ nguồn lực trong xã hội như thế nào. Kinh tế học pháp luật cố gắng đưa ra những tiêu chí đánh giá thế nào là một quy phạm tốt và thế nào là một quy phạm tồi nhìn từ góc độ đóng góp của chúng đối với việc cải thiện hiệu quả phân bổ nguồn lực trong xã hội.

– Kinh tế học pháp luật cũng kế thừa các tri thức được chứng minh là đúng của kinh tế học và luật học, chính trị học, xã hội học phục vụ cho quá trình nghiên cứu của mình.

– Kinh tế học pháp luật không có ý định chứng minh các phương pháp nghiên cứu khác (chẳng hạn xã hội học pháp luật hoặc các cách tiếp cận nghiên cứu pháp luật khác) là sai mà chỉ mong muốn cùng hướng tới việc tiếp cận chân lý một cách tốt hơn, tiếp cận tới các quy luật khách quan một cách tốt hơn.

Trong cách nhìn của Kinh tế học pháp luật, pháp luật không chỉ điều chỉnh hành vi của con người (như mọi người vẫn thường nhắc tới), mà ý nghĩa của nó còn sâu xa hơn thế bởi thông qua việc điều chỉnh hành vi của con người, pháp luật để lại những hệ quả, hậu quả, đó là pháp luật làm ảnh hưởng sự dịch chuyển nguồn lực trong xã hội. Pháp luật có thể điều tiết dòng dịch chuyển nguồn lực (vật chất hoặc trí tuệ hoặc thông tin) trong xã hội (trong nền kinh tế). Kinh tế học pháp luật nghiên cứu xem pháp luật có tác động như thế nào đối với việc dịch chuyển các nguồn lực trong nền kinh tế (tới sự phân bổ các nguồn lực trong nền kinh tế) và con người phản ứng như thế nào trước sự thay đổi của pháp luật.

            Chính vì lý do đó, nên hiện nay, cách hiểu về Kinh tế học pháp luật còn những điểm khác biệt nhất định với 3 cách hiểu cơ bản[15]:

            Thứ nhất, đó là việc sử dụng các phương pháp luận của kinh tế học để giải thích các chức năng của các quy phạm pháp luật hiện hành và các quá trình ra các quyết định pháp luật (bao gồm xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật và xét xử);

            Thứ hai, một nỗ lực nghiên cứu chung của các luật gia và các nhà kinh tế về các tiền đề, cơ chế và các tác dụng của các chọn lựa về thể chế;

            Thứ ba, một chương trình giáo dục thúc đẩy sự đối thoại một cách hiệu quả giữa hai loại khoa học xã hội quan trọng là kinh tế học và luật học để xây dựng các giải pháp hợp lý để giải quyết các vấn đề kinh tế-pháp lý có tính chất phức tạp…Nhiều học giả cho rằng, những vấn đề kinh tế-pháp lý mà xã hội đang phải đối mặt sẽ thật là khó giải quyết nếu chỉ dựa vào các giải pháp kinh tế hoặc các giải pháp pháp lý mà thay vào đó, phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn cả hai loại giải pháp này. Sự kết hợp ấy, đòi hỏi phải dựa trên nền tảng lý luận kết hợp được giữa kinh tế học và luật học – đó chính là Kinh tế học pháp luật.[16]

1.3. Phương pháp nghiên cứu

Theo định nghĩa về một môn khoa học, mỗi môn khoa học cần chứng minh tính riêng có về phương pháp nghiên cứu của mình. Kinh tế học pháp luật, với tư cách là khoa học phái sinh từ khoa kinh tế học nên đã kế thừa và sử dụng các phương pháp của kinh tế học để giải quyết các vấn đề pháp luật. Hầu hết các phương pháp tiếp cận để giải thích và giải quyết các vấn đề kinh tế đều được sử dụng trong Kinh tế học pháp luật. Chẳng hạn, đó là các phương pháp trong các lý thuyết về sự chọn lựa hợp lý (rational choice theory), lý thuyết trò chơi (game theory) v.v. Khi nghiên cứu, dự đoán về hành vi ứng xử của con người, kinh tế học dựa vào giả định cho rằng, con người trong hiện thực giải quyết các tình huống của mình là con người duy lý. Đó là con người biết cân nhắc, tính toán lợi/hại trong từng quyết định của mình. Chính vì thế, kinh tế học sử dụng phương pháp phân tích có tên là “phân tích chi phí/lợi ích” (cost/benefit analysis), điều mà trong ngôn ngữ hàng ngày vẫn gọi là phân tích lợi/hại, phân tích thiệt/hơn khi ra quyết định.

Kế thừa điều này, Kinh tế học pháp luật sử dụng phương pháp phân tích “chi phí/lợi ích” và coi đây là một trong những phương pháp phân tích, nghiên cứu cơ bản của mình. Theo đó, mọi quy phạm pháp luật, mọi hành vi pháp lý, giải pháp pháp lý đều được đánh giá từ góc độ so sánh “chi phí” (cost) và “lợi ích” (benefit). Cách tiếp cận ấy gợi mở nhiều vấn đề về cách tư duy cho các chủ thể tham gia vào quá trình xây dựng và thực thi pháp luật. Chẳng hạn, đối với nhà lập pháp, việc ban hành một quy phạm pháp luật mới cần phải trả lời các câu hỏi sau đây: (1) Khi ban hành thêm một quy phạm mới đó (một sự khuyến khích, trao một quyền năng hoặc một sự cấm đoán…), quy phạm ấy sẽ gây ra những thiệt hại gì cho xã hội (thiệt hại đó được phân bổ cho ai…), và sẽ mang lại được những lợi ích nào? Phần thặng dư lợi ích từ việc thực thi quy phạm đó là bao nhiêu? (2) Liệu có giải pháp nào thay thế cho việc ban hành quy phạm pháp luật đó không? (Có nhất thiết phải ban hành hay có giải pháp điều chỉnh khác có hiệu quả hơn?…). Đối với người thực thi pháp luật, về nguyên tắc, khi pháp luật đã được ban hành thì cần thực thi nghiêm chỉnh, tuy nhiên, để thực thi nghiêm chỉnh và đầy đủ, yếu tố các nguồn lực và điều kiện bảo đảm cần phải tính đến. Kinh tế học pháp luật sẽ hướng dẫn người thực thi pháp luật cân nhắc xác định các vấn đề, các ưu tiên trong chương trình nghị sự, chương trình công tác của mình để làm sao hiệu quả thực thi pháp luật mang lại được tối ưu nhất.

            Do đối tượng nghiên cứu của Kinh tế học pháp luật là mối tương tác giữa pháp luật với hành vi ứng xử của con người trong xã hội nên để có được tri thức về sự tương tác này, ngoài những phương pháp đã nói ở trên, Kinh tế học pháp luật cũng sử dụng các phương pháp nghiên cứu truyền thống sau đây:

            – Phương pháp trừu tượng hoá: từ những sự kiện hữu hình, cụ thể diễn ra trong đời sống hàng ngày, Kinh tế học pháp luật khái quát thành những phạm trù, nguyên lý, những kim chỉ nam cho hành động thực tiễn.

            – Phương pháp mô hình hoá: khi nghiên cứu pháp luật bằng việc sử dụng các lý thuyết kinh tế, các nhà nghiên cứu có thể phải bỏ qua những tiểu tiết rắc rối, phức tạp của đời sống xã hội, xây dựng nên mô hình lý thuyết, mô hình ứng xử của hành vi con người, mô hình tương tác giữa con người và pháp luật, từ đó, giúp cho người nghiên cứu không bị lạc lối trong những mối quan hệ chằng chịt của thực tiễn cuộc sống, xác định được vấn đề nào là quan trọng không thể bỏ qua và vấn đề nào có thể bỏ qua để đánh đổi cho yêu cầu nào đó.

            – Phương pháp giả định hoá: giống như một số khoa học khác, Kinh tế học pháp luật dựa trên những tiền đề giả định. Tiền đề giả định là những tiền đề được coi mặc nhiên là đúng mà không cần chứng minh. Nếu tiền đề nền tảng của môn khoa học bị chứng minh là sai, khoa học đó cũng sẽ có sự thay đổi rất lớn, thậm chí là sụp đổ. Ví dụ, Kinh tế học pháp luật dựa vào một giả định quan trọng về bản chất của con người, đó là con người kinh tế, con người chạy theo lợi ích, con người nhạy cảm với các biến đổi lợi ích và con người nhạy cảm với những biến đổi của môi trường xung quanh cũng như những biến đổi của pháp luật.

            – Phương pháp khảo sát, thực nghiệm xã hội học: việc thống kê số liệu, đo lường các biến số mô tả hành vi ứng xử của con người trước tác động của pháp luật rất có ý nghĩa trong việc chứng minh hay bác bỏ một giả thuyết do các nhà kinh tế học pháp luật đưa ra.

            – Các phương pháp nhận thức khác như phân tích, tổng hợp v.v.

            Như vậy, có thể thấy rằng, Kinh tế học pháp luật cũng như những nhánh hoặc môn khoa học khác, có đối tượng và phương pháp nghiên cứu tuy có tính xác định nhưng luôn ở trạng thái động. Cùng với thời gian, đối mặt với những thách thức của thực tiễn, đối tượng và phương pháp nghiên cứu của môn khoa học ấy cũng có những biến đổi cho phù hợp. Tuy nhiên, mối quan hệ tương tác giữa pháp luật với xã hội, giữa pháp luật với cá nhân, tổ chức trong xã hội vẫn là những vấn đề được quan tâm nghiên cứu chính của trường phái Kinh tế học pháp luật và việc kế thừa, sử dụng các lý thuyết kinh tế học mới nhất phục vụ cho quá trình nghiên cứu pháp luật sẽ đóng vai trò làm hướng tiếp cận chủ đạo trong việc nghiên cứu về Kinh tế học pháp luật.

1.4. Ích lợi của việc nghiên cứu Kinh tế học pháp luật

Khi thuyết phục các sinh viên của mình về sự cần thiết (lý do) của việc nghiên cứu Kinh tế học pháp luật (đối với các sinh viên luật và sinh viên kinh tế), Robert Cooter và Thomas Ulen[17] lập luận rằng: Kinh tế học pháp luật là lĩnh vực nghiên cứu liên ngành, kết nối hai lĩnh vực nghiên cứu lớn và thú vị của khoa học xã hội là kinh tế học và luật học. Việc kết nối này giúp cho cả lĩnh vực luật và kinh tế học đều có những hiểu biết mới. Nhờ có kinh tế học, luật học có cách nhìn mới về hệ thống pháp luật (nhất là về lôgic vận hành của nó), điều này thực sự hữu ích cho những người làm công tác pháp luật nhất là luật sư và những người tham gia hoạch định chính sách công. Còn theo D. Friedman, việc nghiên cứu Kinh tế học pháp luật mang lại các lợi ích cơ bản sau[18]:

            – Đối với các nhà luật học và những người quan tâm tới pháp luật: Kinh tế học pháp luật góp phần tìm ra lôgic vận động của hệ thống pháp luật nói chung và của từng nhóm quy phạm, các quy phạm cụ thể. Kinh tế học pháp luật, vì thế, góp phần cung cấp một lý thuyết chung về pháp luật, một cách tiếp cận đối với pháp luật.

            – Kinh tế học pháp luật, bằng cách kế thừa các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế ứng dụng vào pháp luật, góp phần làm cho hoạt động cải cách pháp luật có cơ cở khoa học và thực tiễn vững chắc hơn nữa.

            Đối với trường hợp của Việt Nam, nghiên cứu Kinh tế học pháp luật có khả năng góp phần gợi mở những giải pháp tối ưu cho các vấn đề kinh tế, xã hội, pháp lý phát sinh từ thực tiễn cải cách, đổi mới, xây dựng và thực thi hệ thống pháp luật ở nước ta.

 

Chương 2

LƯỢC SỬ QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TRƯỜNG PHÁI KINH TẾ HỌC PHÁP LUẬT

 

2.1. Những người đi tiên phong của trường phái Kinh tế học pháp luật[19]

Như phần trên đã nói, với tư cách là một môn khoa học, Kinh tế học được coi là ra đời cùng với việc Adam Smith xuất bản tác phẩm kinh điển “The Wealth of Nations” (“Của cải của các dân tộc”) năm 1776. Với tác phẩm này, ông được coi là cha đẻ kinh tế học hiện đại còn tác phẩm vừa nêu thì được coi là một trong những phần di sản quan trọng nhất của kỷ nguyên Khai sáng.[20]

Trước thời điểm này, người ta cũng có thể tìm thấy những nhà tư tưởng đề xuất việc phân tích hành vi của con người với tư cách là sản phẩm của một sự lựa chọn duy lý (rational choice). Niccolo Machiavelli (1469-1527), một triết gia và là một chính trị gia người Ý, được coi là người tiên phong trong đề xuất này. Trong tác phẩm nổi tiếng “Quân vương: Thuật trị nước” (The Prince) (ấn bản lần đầu năm 1513)[21], Niccolo Machiavelli đã dành nhiều thời gian để bàn luận về bản chất hành vi của con người và bằng cách nào mà người cầm quyền có thể quản lý quốc gia một cách tối ưu nhất. Theo Niccolo Machiavelli, hành vi của con người chủ yếu được thúc đẩy bởi động cơ lợi ích hơn là những động cơ về đạo đức. Chính vì vậy, người cầm quyền cần có cách quản trị thực dụng thay vì theo đuổi những lý tưởng đạo đức hão huyền. Cũng theo ông, để đạt được mục tiêu duy trì quyền lực của mình, người trị quốc có thể sử dụng nhiều chiến thuật hay thủ đoạn chính trị khác nhau, thậm chí kể cả các thủ đoạn được coi là bạo lực và phi đạo đức.

Trong thời kỳ của Adam Smith, David Hume (1711-1776) đã có những nhận định về cách ứng xử của con người trong các tương tác xã hội (điều mà sau này lý thuyết trò chơi trong kinh tế học hiện đại đã ghi nhận). Trong công trình (tác phẩm) “Luận thuyết về bản chất con người” (1739)[22] ông đã đưa ra quan niệm rằng pháp luật là một hệ thống các cam kết mà con người tuân thủ để thiết lập sự hợp tác trong một thế giới khan hiếm nguồn lực và trong bối cảnh năng lực dự đoán là có giới hạn. Chẳng hạn, ông cho rằng, quyền tư hữu là một quyền năng được xuất hiện với tư cách là một giải pháp giải quyết sự phân bổ nguồn lực khan hiếm trong xã hội. Theo ông, nếu các nguồn lực trong xã hội không có tính khan hiếm thì việc trao quyền tư hữu hoặc sự tồn tại của quyền tư hữu chẳng có ý nghĩa gì. Với Adam Smith, trong tác phẩm Của cải của các dân tộc (1776), ông đã nhìn thấy vai trò quan trọng của các nhà đầu tư và những ảnh hưởng của sự can thiệp của nhà nước vào hệ thống giá cả và các chính sách bảo hộ sản xuất trong nước. Trong tác phẩm đó, ông đã đặt vấn đề về vai trò của nhà nước (và kéo theo là sự hiện diện của pháp luật) trong đời sống kinh tế của mỗi cá nhân và trong đời sống kinh tế của xã hội. Theo ông, sự can thiệp quá mức của nhà nước vào nền kinh tế thường gây ra những hiệu ứng không mong muốn. Nền kinh tế lý tưởng (nền kinh tế có hiệu quả nhất) là nền kinh tế thị trường trong đó quyền tư hữu được tôn trọng và bảo hộ, các cá nhân được tự do theo đuổi các hoạt động nghề nghiệp, tự do tham gia các giao dịch trên thị trường theo sự thúc đẩy của lợi ích cá nhân và những toan tính, cân nhắc của mình. Cũng theo ông, nền kinh tế vận hành như thế không phải là một nền kinh tế có tính hỗn loạn mà là nền kinh tế vận hành trong trật tự. Lý do là, theo ông, khi các cá nhân được theo đuổi lợi ích của bản thân trong các hoạt động kinh tế, thông qua quan hệ tương tác cung cầu trên thị trường, họ sẽ được “dẫn dắt”, điều phối bởi “bàn tay vô hình” (visible hand) đảm bảo hài hòa lợi ích của cá nhân với lợi ích chung của xã hội. Ông đã từng đưa ra nhận định nổi tiếng rằng “những thứ chúng ta có trong bữa ăn hàng ngày… không phải đến từ lòng nhân từ của người hàng thịt… mà chúng ta có được là nhờ chính lợi ích cá nhân của họ. Trong khi theo đuổi lợi ích cá nhân của mình… những cá nhân này không có ý thức sẽ mang lại ích lợi cho xã hội…nhưng nhờ có sự dẫn dắt của bàn tay vô hình mà họ thậm chí còn mang lại lợi ích lớn hơn so với khi họ chủ tâm làm việc đó.” Tuy nhiên, ông không phủ nhận vai trò của nhà nước trong sự vận hành của nền kinh tế. Theo ông, nhà nước tốt chỉ là nhà nước tối thiểu, đóng vai trò là người bảo hộ quyền tư hữu, cung cấp các loại hàng hóa công cộng (như giữ gìn trật tự trị an, làm nhiệm vụ quốc phòng, làm cầu cống, đường xá, bến cảng v.v.) – những thứ mà khu vực tư nhân không có động lực (và thường cũng không đủ sức) để làm.

Các nhà tư tưởng khác trong thế kỷ 19 cũng đề xuất những tư tưởng mà sau này được đánh giá là các tư tưởng về Kinh tế học pháp luật. Tiêu biểu trong số đó là Jeremy Bentham (1748-1832) – một luật gia và triết gia người Anh. Jeremy Bentham được coi là một trong những người cổ vũ mạnh mẽ nhất việc ứng dụng các nguyên lý của chủ nghĩa vị lợi (utilitarianism) trong việc xây dựng và cải cách pháp luật. Theo ông, hành vi của con người bị chi phối bởi hai yếu tố cơ bản nhất là niềm hạnh phúc (phúc lợi) và sự đau khổ. Con người có xu hướng làm những việc mang lại niềm hạnh phúc cho mình và tránh những việc gây ra cho mình những điều đau khổ. Theo ông, niềm hạnh phúc và sự đau khổ là những đại lượng có thể đo lường được. Một cải cách pháp luật lý tưởng là thứ cải cách tối đa hóa được niềm hạnh phúc của dân chúng. Cũng theo ông, nguyên tắc điều chỉnh hành vi trong luật pháp phải là nguyên tắc của chủ nghĩa vị lợi. Theo nguyên lý này, khi xã hội muốn khuyến khích loại hành vi nào đó thì cơ chế pháp lý cần thiết lập là thứ cơ chế giúp người thực hiện hành vi mang lại nhiều lợi ích và sự hạnh phúc nhất. Trường hợp xã hội muốn hạn chế hành vi nào đó thì cách tối ưu là tăng hình phạt về mặt thực tế đối với chủ thể thực hiện các hành vi đó.

Mặc dù những công trình nêu trên đã có đề cập tới các nguyên lý ứng dụng tư duy kinh tế vào phân tích pháp luật, nhưng các công trình này vẫn chưa hợp thành một hệ thống tư tưởng, hệ thống nguyên lý để sử dụng tư duy kinh tế vào phân tích pháp luật.

Cuối thế kỷ 19, kinh tế học đã gần như tách khỏi triết học, chính trị học và các khoa học khác để trở thành một khoa học độc lập. Kinh tế học được coi là môn học độc lập tại các cơ sở đào tạo ở các nước công nghiệp thời bấy giờ. Việc xuất bản cuốn giáo trình “Những nguyên lý của kinh tế học”[23] năm 1890 của kinh tế gia nổi tiếng người Anh Alfred Marshall (1842-1924) được coi là dấu mốc của sự trưởng thành này trong môn kinh tế học. Với tác phẩm này, Alfred Marshall đã thực hiện việc phân tích kinh tế như một sự phân tích khoa học. Quy luật kinh tế được nhìn nhận và coi như những quy luật có giá trị khách quan, gần giống như các quy luật vật lý điều chỉnh thế giới tự nhiên. Alfred Marshall cũng có công đầu xây dựng mô hình “cung-cầu và giá cả” để phân tích tương tác trên thị trường. Theo Alfred Marshall, thị trường là sự tương tác giữa cung (phía nhà sản xuất và phân phối sản phẩm) và cầu (phía hành vi của người tiêu dùng). Giá cả của một hàng hóa hoặc dịch vụ là sản phẩm của sự tương tác cung cầu. Alfred Marshall cũng được coi là người có công đầu trong việc đo lường các quy luật kinh tế từ góc độ toán học. Tuy nhiên, một điều nghịch lý của cách tiếp cận này chính là việc khi kinh tế học càng muốn mô phỏng các khoa học khác (nhất là khoa vật lý học), thì mối quan tâm của kinh tế học lại càng bị thu hẹp. Ở thời điểm Alfred Marshall xuất bản cuốn sách kinh điển kể trên, kinh tế học hầu như không quan tâm tới các vấn đề khác ngoài sự vận hành của thị trường. Những nhà kinh tế còn tiếp tục giữ mối quan tâm của mình đối với các khía cạnh khác trong xã hội, kể cả việc quan tâm tới tương tác giữa kinh tế và chính trị, kinh tế và pháp luật, kinh tế và văn hóa thường bị coi là những người nằm ngoài dòng nghiên cứu chính thống.

Mặc dầu vậy, trong những năm đầu của thế kỷ 20, đã có những nhà kinh tế học để tâm tìm hiểu môi trường thể chế pháp luật và thể chế xã hội đối với sự vận hành của nền kinh tế thị trường. Việc hình thành trường phái kinh tế học thể chế (institutional economics) trong những năm đầu thế kỷ 20 là một minh chứng điển hình. Mối quan tâm mấu chốt của trường phái này là trong các xã hội khác nhau và ở các thời điểm khác nhau thì các xã hội đã quan niệm và phân định quyền sở hữu và các quyền năng khác như thế nào để đảm bảo sự vận hành của nền kinh tế thị trường. Theo các học giả của trường phái này, câu trả lời mà trước đây các triết gia thuộc trường phái luật tự nhiên đưa ra rằng các quyền năng này là sản phẩm của luật tự nhiên, đứng ở vị trí cao hơn so với các quy tắc trong hệ thống pháp luật thực định được coi là không thỏa đáng. Lý do là, quan niệm này không giúp lý giải được nguyên nhân và sự biến đổi của các quyền năng pháp lý theo không gian và thời gian. Các học giả của trường phái này cho rằng sự thay đổi của các quyền sở hữu và các quyền năng khác là sản phẩm phản ánh sự thay đổi trong các điều kiện kinh tế mà các xã hội đã trải qua.

Các học giả nổi tiếng thuộc trường phái kinh tế học thể chế thường được nhắc đến là John R. Commons (1862-1945)[24] – nhà kinh tế và nhà nghiên cứu lịch sử kinh tế người Mỹ, Carl Menger (1840-1921) – nhà kinh tế và là cha đẻ của trường phái kinh tế Áo v.v.

Trong trường phái này, luận đề cốt lõi rằng các quyền năng pháp lý do các điều kiện kinh tế và xã hội ấn định được thừa nhận rộng rãi. Nói cách khác, các quyền năng pháp lý của con người là sản phẩm lịch sử chứ không phải là sản phẩm của quyền tự nhiên. Luận điểm này trước đây cũng đã từng được Karl Marx – cha đẻ của chủ nghĩa cộng sản hiện đại khẳng định từ năm 1859.

Những người theo trường phái kinh tế học thể chế cũng đã tiến hành nhiều nghiên cứu khác nhau về lịch sử phát sinh và thay đổi của các quyền năng liên quan đến đất đai và các thoả thuận hợp đồng khai thác những quyền năng này. Theo các nghiên cứu này, nội dung của các quyền và nội dung của các giao dịch liên quan tới các quyền năng này rất đa dạng giữa các xã hội khác nhau và ngay trong cùng một xã hội ở các thời điểm khác nhau. Sự đa dạng này được quyết định bởi các yếu tố như mật độ dân số, chất lượng đất canh tác và các loại hình canh tác. Những nghiên cứu này đưa ra các giải thích dựa trên giả định của kinh tế học về cân nhắc chi phí/lợi ích trong ứng xử của các cá nhân và tổ chức trong môi trường khan hiếm nguồn lực. Những điều này đã trở thành một trong những trụ cột của lý luận kinh tế ngày nay.

Tuy nhiên, vào những năm 1930, trường phái kinh tế học thể chế bị coi là thoái trào. Điều này có những nguyên nhân lịch sử của nó. Thứ nhất, bối cảnh của thế kỷ 1930 là bối cảnh của khủng hoảng kinh tế (khi mà chủ nghĩa tư bản rơi vào cuộc đại suy thoái 1929-1932) và bờ vực của chiến tranh thế giới đang đến gần. Trong bối cảnh đó, kinh tế học phải nỗ lực tìm giải pháp đối phó với tình trạng kinh tế bi đát này. Thứ hai, sự chuyên môn hóa ngày càng tăng trong khoa học xã hội và trong bản thân kinh tế học đã khiến cho hầu hết các nhà kinh tế học chỉ giới hạn sự quan tâm của mình vào các vấn đề liên quan đến thị trường. Họ nghiên cứu thị trường vận hành trong nền kinh tế với điều kiện sự tồn tại của các thể chế pháp lý đã có sẵn. Thể chế pháp lý không còn được coi là biến số kinh tế cần nghiên cứu mà được coi như yếu tố nằm ngoài tương tác cung cầu của thị trường. Thứ ba, các nhà kinh tế học của thời kỳ này cũng chưa tìm ra cách khả dĩ để ứng dụng các phân tích kinh tế có tính chuẩn mực (tức là việc áp dụng mô hình ứng xử duy lý – vị lợi của con người để giải thích các hiện tượng phi kinh tế, hiện tượng phi thị trường). Kết quả là một số thành viên của trường phái này đã bị lôi cuốn vào việc giải thích những vấn đề xa rời với mô hình lựa chọn hợp lý (rational choice). Nhìn nhận lại trường phái lý luận này, chính Ronald Coase – một trong những cha đẻ của trường phái Kinh tế học pháp luật hiện đại đã đánh giá rằng: “những người theo trường phái thể chế không tạo ra lý thuyết mà tạo ra phản lý thuyết…Không có lý thuyết, họ chẳng có gì ngoại trừ một hỗn tạp các tài liệu đang đợi chờ sự ra đời của một lý thuyết khoa học hoặc một mồi lửa”. Tương tự như đối với khoa kinh tế học, trường phái này cũng không được coi là có nhiều giá trị đối với chính cộng đồng pháp lý. Các kết luận có thể rút ra từ mô hình và những khảo sát lịch sử của các học giả trong trường phái này không được coi là có sức thuyết phục đối với các phân tích, lập luận của các luật gia thời kỳ bấy giờ. Kết quả là, vào những năm 30 của thế kỷ XX, trào lưu này đã suy tàn và nhường chỗ cho sự lên ngôi của xã hội học pháp luật và chủ nghĩa hiện thực pháp lý (legal realism). Tuy vậy, một số đóng góp của trào lưu này vẫn còn có sức sống: những tư tưởng của Karl Menger thông qua Von Hayek trong trường phái Áo mới hiện nay vẫn còn gây được tiếng vang lớn. Những tư tưởng của John R. Commons đã có sự ảnh hưởng rất lớn trong các tác phẩm của các nhà kinh tế học ngày này. Tầm quan trọng của các thể chế như là nơi tụ hợp của các hoạt động kinh tế cũng đã được nhấn mạnh trong các bài thuyết trình trong lễ trao giải Nobel về kinh tế học năm 1991 của Ronald Coase và năm 1993 của Douglass North[25].

 

2.2.Sự hình thành trường phái Kinh tế học pháp luật hiện đại

Cần phải phân chia trào lưu Kinh tế học pháp luật hiện đại thành các giai đoạn khác nhau bao gồm: giai đoạn khởi phát (khi phương pháp luận và cách tiếp cận được những người đi tiên phong như Ronald Coase, Richard Posner, v.v. đề xuất) (giai đoạn này tương ứng với khoảng thời gian từ năm 1950 đến năm 1973), giai đoạn phương pháp luận và cách tiếp cận của trường phái được chấp nhận trong giới kinh tế học và giới luật học một cách khá đồng thuận (giai đoạn này tương ứng với khoảng thời gian từ năm 1973 đến năm 1980), giai đoạn mà phương pháp luận và cách tiếp cận của trường phái này bắt đầu bị đặt vấn đề, bị mổ xẻ và phân tích kỹ hơn (giai đoạn này tương ứng với khoảng thời gian từ năm 1976 đến khoảng những năm 1983) và giai đoạn từ năm 1983 đến nay được coi là thời kỳ trường phái tuy có sự bành trướng mạnh mẽ về mức độ ảnh hưởng nhưng cũng bắt đầu có các dấu hiệu của sự phân hóa.

Vào những năm đầu của thập niên 30 thế kỷ XX, có những nghiên cứu cho thấy sự hồi sinh của mối quan hệ giữa Kinh tế học pháp luật.  Trong số đó có những nghiên cứu vẫn là một phần của Kinh tế học pháp luật hiện đại.  Ở Vương quốc Anh, Arnold Plant đã nghiên cứu kinh tế học về quyền sở hữu trí tuệ; Ronald Coase, học trò của Arnold Plant và là một trong những người sáng lập ra trào lưu Kinh tế học pháp luật hiện đại, đã xuất bản một công trình nghiên cứu nổi tiếng vào năm 1937 khi ông mới chỉ 27 tuổi về “Bản chất của hãng”[26]. Nhưng sự hồi sinh thực sự của Kinh tế học pháp luật hiện đại lại xảy ra đầu tiên ở Trường Đại học Chicago, vào những năm 40 của thế kỷ XX, với sự lãnh đạo của giáo sư Aaron Director (1901 – 2004) – ông vốn là một nhà kinh tế[27] nhưng lại được bổ nhiệm để thực hiện công việc giảng dạy về vấn đề cạnh tranh và chống độc quyền tại Khoa Luật – Đại học Chicago. 

Ở một vị trí có vẻ bất lợi về học thuật như vậy, vấn đề đầu tiên mà giáo sư Aaron Director đối mặt là làm thế nào để thuyết phục các đồng nghiệp – vốn chỉ là các luật gia – lại ủng hộ mình đồng thời tham gia thực hiện việc phân tích kinh tế học đối với các hiện tượng pháp lý. Là một kinh tế gia xuất sắc lại giữ cương vị giáo sư trong môi trường chủ yếu là các luật gia, Aaron Director đã mạnh dạn ứng dụng những tư tưởng kinh tế học vào lĩnh vực pháp luật mà trước hết là lĩnh vực ông giảng dạy – lĩnh vực về cạnh tranh và chống độc quyền. Ông cho rằng để cạnh tranh có hiệu quả, cần phải có kiểm soát và điều tiết các ngành công nghiệp. Độc quyền không có sự kiểm soát hợp lý là một thứ gây thiệt hại to lớn cho nền kinh tế nói chung và cho người tiêu dùng nói riêng. Pháp luật về cạnh tranh và chống độc quyền, theo ông, phải dựa trên những hiểu biết và phân tích kinh tế sâu sắc. Vào những năm 1940 và 1950, những nỗ lực của Aaron Director và các cộng sự đã dẫn đến những nghiên cứu đa dạng về các chủ đề pháp lý từ góc độ phân tích kinh tế như luật công ty, phá sản, điều tiết chứng khoán, luật lao động, thuế thu nhập, và các quy định về các dịch vụ công cộng.

Richard Posner (sinh năm 1939) và những người khác tạo nên lịch sử của Kinh tế học pháp luật tại Chicago những năm sau đó đã xác định giai đoạn của Aaron Director là Kinh tế học pháp luật “cũ”. Họ coi nó tương phản với Kinh tế học pháp luật “mới” thịnh hành vào những năm 1960 trở đi. Sở dĩ gọi nó là “Kinh tế học pháp luật cũ” vì hệ các vấn đề được các nhà nghiên cứu áp dụng kinh tế học để phân tích chỉ là các học thuyết pháp lý và các chủ đề pháp luật cốt lõi cho sự vận hành của nền kinh tế thị trường như pháp luật hợp đồng, pháp luật về quyền sở hữu, pháp luật về cạnh tranh, chống độc quyền, quản trị công ty, thuế. Trong khi đó, phong trào Kinh tế học pháp luật “mới” đã mạnh dạn ứng dụng phân tích kinh tế vào các thể chế pháp lý thậm chí tưởng chừng không liên quan gì tới sự vận hành của nền kinh tế thị trường. Chẳng hạn, đó là các quy phạm pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, các quy phạm về tố tụng và cả lĩnh vực luật hình sự.

Sự đối lập giữa kinh tế học “cũ” và “mới” có lẽ đã bị cường điệu quá mức nhưng nó chứa đựng những hạt nhân hợp lý. Rất nhiều sự kiện thể hiện sự vượt qua các đường biên truyền thống của kinh tế học. Một trong số đó là những sáng kiến của giáo sư Gary Becker trong việc phân tích các hành vi phi thị trường với các công cụ của kinh tế học: bắt đầu bằng luận án tiến sĩ về “Sự phân biệt đối xử trên thị trường lao động” (được xuất bản thành sách dưới nhan đề: “Kinh tế học về sự phân biệt đối xử” vào năm 1957)[28] và các công trình khác về sau này của ông như các công trình về kinh tế học tội phạm, kinh tế học gia đình, về vốn con người (human capital). Sau một thời gian không nhận được sự quan tâm, luận điểm của Becker dần được coi là một đóng góp quan trọng vào kinh tế học và thực tế nó góp công lớn đưa đến giải thưởng Nobel năm 1992 cho ông. Richard Posner đánh giá quan điểm của Gary Becker về tính tương thích của kinh tế học đối với phạm vi đáng kinh ngạc của hành vi phi thị trường (bao gồm từ thiện, tình yêu, sự nghiện ngập) cũng như những đóng góp của ông đối với phân tích kinh tế học về tội phạm, sự phân biệt chủng tộc, kết hôn và ly hôn đã mở ra đối với phân tích kinh tế học những lĩnh vực rộng lớn trong hệ thống pháp lý, điều mà các nghiên cứu của Calabresi và Coase về quyền tài sản và các quy định về trách nhiệm pháp lý không đề cập đến.

Cũng trong giai đoạn đó, vào cuối những năm 1940 và những năm 1950 – nhiều nghiên cứu khác thuộc về lĩnh vực chính trị, môi trường cũng đã được tiến hành và sau đó trở thành những bộ phận của Kinh tế học pháp luật. Đối với trào lưu lựa chọn công cộng có thể kể đến các công trình của Duncan Black về việc vận hành của nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số trong các quyết định của các cơ quan tổ chức theo mô hình ủy ban ở Anh.[29] Scott Gordon xuất bản một công trình  kinh tế học về quản lý nguồn lực khan hiếm thuộc tài sản chung là vùng đánh cá – công trình có tính mở đường cho kinh tế học về môi trường được phát triển.[30] Charles Tiebout nghiên cứu về cạnh tranh giữa các chính quyền địa phương đặt nền móng cho kinh tế học về chế độ liên bang như là một hệ thống cạnh tranh giữa các chính quyền các bang.[31] Anthony Downs xây dựng lý thuyết kinh tế về dân chủ[32], đã mở ra lĩnh vực kinh tế học về các thể chế chính trị.

Một dấu mốc thu hút sự quan tâm tới Kinh tế học pháp luật là sự ra đời của  Tạp chí Kinh tế học pháp luật do Aaron Director là người biên tập đầu tiên thực hiện vào năm 1958 tại Chicago. Ngay sau đó, Ronald Coase đến Chicago và trở thành biên tập của Tạp chí. Vào năm 1960, Ronald Coase giới thiệu bài viết về chi phí xã hội trên tạp chí đó.[33] Harold Demsetz (sinh năm 1930) là một trong những học giả đầu tiên nhận ra ý nghĩa của bài báo đó. Ông nhấn mạnh ý nghĩa của nó trong một loạt các bài viết và công trình của mình, trong số đó phải kể đến bài nghiên cứu nổi tiếng, “Góp phần hình thành một lý thuyết về quyền tài sản”.[34] Harold Demsetz cũng là người đầu tiên sử dụng thuật ngữ “Định lý Coase” (Coase Theorem). Định đề này tóm lược những tư tưởng cơ bản của Ronald Coase về vai trò của chi phí giao dịch trong việc hình thành những phương thức ứng xử của các cá nhân và tổ chức trong xã hội. Theo định đề này, trong bối cảnh chi phí giao dịch (gồm chi phí để người mua và bán có thể phải bỏ ra để thực hiện giao dịch của mình)[35] bằng không, nguồn lực trong xã hội sẽ có xu hướng được phân bổ tới chủ thể có khả năng sử dụng nguồn lực ấy một cách hiệu quả nhất.[36] Sự dịch chuyển ấy không hề lệ thuộc vào việc trước khi giao dịch, quyền sở hữu được phân chia cho ai. Nói cách khác, trong một thế giới mà không có chi phí giao dịch, dù ban đầu ai nắm giữ quyền sở hữu, thì tài sản vẫn sẽ có xu hướng dịch chuyển và tập trung vào tay người có khả năng sử dụng, khai thác tài sản một cách hiệu quả nhất (cũng tức là người sẽ trả giá cao nhất đối với tài sản).

Với quan điểm như vậy, xu hướng dịch chuyển tài sản trong xã hội bị chi phối bởi quy luật có tính tự nhiên mà những biện pháp can thiệp hợp lý nhất của nhà nước để có một nền kinh tế vận hành tối ưu (hiệu quả nhất) phải là những biện pháp nhằm giảm thiểu các chi phí giao dịch – thứ “ma sát” cản trở các giao dịch trên thị trường.[37]

Bài viết thứ hai có ảnh hưởng sâu xa đối với sự phát triển của Kinh tế học pháp luật là bài nghiên cứu của Armen Alchian (sinh năm 1914) (một nhà kinh tế học nổi tiếng người Mỹ làm việc cho Tập đoàn Rand Corporation California) về cơ sở của các quyền tài sản.[38] Những tư tưởng nêu trong bài nghiên cứu đã được hình thành và phổ biến từ cuối những năm 1950 nhưng mãi tới 1969 mới được xuất bản.[39] Bài viết xem xét ảnh hưởng của sự khác nhau giữa sở hữu cá nhân và sở hữu công cộng và coi chúng là các biến số kinh tế có thể thay đổi được.

Guido Calabresi (sinh năm 1932) – giáo sư Đại học Yale, tác giả bài nghiên cứu thứ ba có giá trị không kém quan trọng về luật bồi thường thiêt hại ngoài hợp đồng với tư cách là một hệ thống tạo nên một mức độ thận trọng hợp lý trong các hành vi có khả năng gây ra tổn hại cho người khác, xem xét đến giá trị tổn thất cũng như chi phí để giám sát hệ thống.[40]

Các tài liệu phân tích kinh tế đối với pháp luật trong thời kỳ này chủ yếu là sản phẩm của các nhà kinh tế. Do các nghiên cứu thời kỳ này tập trung vào việc xây dựng lý thuyết về quyền tài sản nên phương pháp luận nghiên cứu của thời kỳ này được gắn cái tên là “phương pháp tiếp cận về quyền tài sản” (mặc dù các nghiên cứu này liên quan tới cả các vấn đề về thực thi hợp đồng, trách nhiệm sản phẩm và các quy định điều tiết ngành). Tuy nhiên, tên của phương pháp luận trên đã dần không còn được sử dụng vào những năm sau đó để thay thế bằng một khái niệm khác hoàn thiện hơn – đó là khái niệm “phân tích kinh tế đối với pháp luật” (economic analysis of law) hoặc“kinh tế học pháp luật` (law and economics).

Có ba sự kiện báo hiệu cho sự thay đổi trong trào lưu phát triển của Kinh tế học pháp luật, nhất là trong việc thu hút sự quan tâm của giới luật gia đối với trường phái này đó là: sự ra đời của Tạp chí Nghiên cứu pháp luật (Journal of Legal Studies) – Đại học Chicago vào năm 1972 mà ấn bản đầu tiên Richard Posner đã dùng để giới thiệu về phương pháp phân tích kinh tế đối với pháp luật. Sự kiện quan trọng thứ hai đó là việc tổ chức các khóa về kinh tế học dành cho luật sư, thẩm phán, và giáo sư luật của Henry Manne cũng tại Đại học Chicago. Có thể nói rằng những nhân tố này cùng nhau đánh dấu sự thâm nhập của kinh tế học pháp luật vào các trường luật ở nước Mỹ. Sách “Phân tích kinh tế đối với pháp luật` (Economic Analysis of Law) của Richard Posner – với tư cách là tác phẩm của một luật gia viết cho các luật sư và thành viên khác trong giới luật với phong cách trong sáng và mạch lạc. Richard Posner đã tránh sử dụng các các thuật ngữ kinh tế chuyên môn tới mức tối thiểu mà thay vào đó là những ngôn từ gần gũi hơn với giới luật. Nó phân tích những học thuyết pháp lý nổi tiếng xuyên suốt toàn bộ lĩnh vực pháp lý từ một góc nhìn mới – vai trò, tác dụng và hiệu quả kinh tế của các chế định-học thuyết. Quyển “Phân tích kinh tế đối với pháp luật” của Richard Posner được xuất bản lần đầu năm 1973 đã truyền đi một thông điệp rõ ràng về khả năng áp dụng phân tích kinh tế để nhận thức rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của từng chế định pháp luật.

Với những đóng góp trước đây, các học giả về kinh tế học pháp luật đã chỉ ra rằng việc tồn tại các chế định tưởng chừng rất khác nhau như quyền tài sản, hợp đồng, các quy định về trách nhiệm dân sự lại có một điểm chung quan trọng: chính chúng là những lựa chọn tốt nhất, những giải pháp hiệu quả giúp xã hội giải quyết các vấn đề của mình. Chẳng hạn, sự công nhận và bảo hộ các quyền tài sản tư nói chung tạo ra động lực khuyến khích việc sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả các nguồn lực khan hiếm trong xã hội. Các quy định về hợp đồng dựa trên sự ưng thuận (theo nguyên tắc đôi bên cùng có lợi) góp phần thúc đẩy các chủ thể có nguồn lực nhàn rỗi chuyển giao cho các chủ thể có nhu cầu và khả năng sử dụng mang lại hiệu quả cao hơn. Các quy định về trách nhiệm bồi thường không chỉ góp phần khôi phục lại tổn thất đã tạo ra mà còn có vai trò quan trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính cẩn trọng của mỗi chủ thể trong các ứng xử của mình. Trên cơ sở đó, các chủ thể trong xã hội có động lực tốt hơn trong việc loại bỏ, giảm thiểu các rủi ro gây hại cho xã hội. Khái quát hơn, Richard Posner cho rằng, sự tồn tại của các chế định pháp lý nhất định đều hướng tới mục tiêu chung: khuyến khích sự sử dụng một cách có hiệu quả (tối ưu) các nguồn lực khan hiếm trong xã hội. Nói cách khác, ông cho rằng có một logic nhất quán trong pháp luật (cũng như trong cải cách pháp luật) đó là logic về tính hiệu quả. Pháp luật tốt và hợp lý (theo đó cũng có thể tồn tại lâu dài được với thời gian) chính là pháp luật theo đuổi tính hiệu quả, tránh lãng phí hoặc tối đa hóa của cải cho xã hội. Các quy phạm nào không đáp ứng mục tiêu đó sớm hay muộn sẽ bị loại khỏi hệ thống pháp luật. Luận điểm vừa nêu về logic của pháp luật (nhất là pháp luật của trường phái luật án lệ) của Richard Posner đã thu hút được sự quan tâm, tranh luận rộng rãi của các luật gia cho tới tận ngày nay. Những quan điểm vừa nêu của Richard Posner về sau được coi là những quan điểm mang tính kinh điển của trường phái Chicago trong kinh tế học pháp luật.[41]

Một điểm cần lưu ý là ngay sau khi được công bố, những luận điểm trên đã gặp nhiều chỉ trích của các nhà triết học pháp luật và các luật gia nằm ngoài trường phái kinh tế học pháp luật. Điển hình là triết gia Ronald Dworkin và Duncan Kennedy. Các ông đã gắng nêu ra những thiếu sót trong luận điểm về tính hiệu quả trong logic của pháp luật mà Richard Posner đề xuất. Chẳng hạn, có quan điểm cho rằng hiệu quả là khái niệm có tính tương đối. Hệ quy chuẩn (hay hệ quy chiếu) nào thì sẽ cho ra tiêu chí đánh giá tính hiệu quả như thế. Chính vì vậy, không thể cho rằng hiệu quả là cơ sở nền tảng cho việc phân phối các quyền tài sản trong xã hội bởi một lẽ giản đơn là với bất cứ phương thức phân phối cho trước này cũng có thể tìm ra một cách phân chia nguồn lực hiệu quả nằm trong khuôn khổ của phương thức ấy. Chính vì vậy, luận điểm về tính hiệu quả bị coi là loại luận điểm vòng vo, chẳng đi đến đâu. Ngoài ra, luận điểm về tính hiệu quả của pháp luật cũng bị chỉ trích về tính chất phi lịch sử của luận điểm này. Luận điểm này nêu ra rằng đối với bất cứ vấn đề xã hội nào thì cũng luôn tìm được một giải pháp tối ưu (giải pháp hiệu quả). Khi đã xác định được giải pháp có tính tối ưu thì không có lý do gì để thay đổi giải pháp đó theo thời gian. Vậy nguyên nhân của sự thay đổi pháp luật thực chất là gì? Điều gì giải thích rằng, khi đã biết rất rõ về các giải pháp là “hiệu quả” nhưng chúng ta vẫn không chấp nhận mà lại chấp nhận giải pháp có tính thay thế. Chẳng hạn, ai cũng biết rằng việc ấn định lương tối thiểu, ấn định lãi suất trần hoặc lãi suất sàn, ấn định giá cả bằng biện pháp hành chính là phi hiệu quả, nhưng các quốc gia vẫn sử dụng một cách phổ biến? Nếu pháp luật thực sự hướng tới đích cải thiện tính hiệu quả, tại sao hệ thống pháp luật của các quốc gia dường như không hội tụ mà lại có tính phân kỳ, đa dạng hóa? Để có giá trị thuyết phục hơn, theo những người chỉ trích luận đề về tính hiệu quả, kinh tế học pháp luật phải đưa ra được câu trả lời thỏa đáng cho những vấn đề này.

Điểm cuối cùng liên quan đến khía cạnh áp dụng luận điểm về tính hiệu quả đối với những vấn đề về phân phối. Dù người ta chấp nhận rằng những quy định cơ bản của hệ thống luật án lệ (thông luật – common law) phản ánh một logic “hiệu quả”, rất nhiều hệ thống pháp luật hiện đại có một mục đích phân phối lại một cách hiển nhiên. Trên thực tế, công dân thường tìm kiếm sự phân phối lại thông qua các chính sách mà họ yêu cầu các đại diện được họ bỏ phiếu phải đưa ra. Việc cơ chế này vận hành thế nào và chịu những giới hạn nào hầu như vẫn chưa được kinh tế học pháp luật quan tâm, luận giải.

Các cuộc tranh luận mổ sẻ mọi khía cạnh của kinh tế học pháp luật ngay từ những ngày đầu xuất hiện tưởng chừng có thể làm cho trường phái này bị tan rã. Tuy nhiên thực tế lại không phải vậy. Richard Posner vẫn tiếp tục phát hành sách và sách của ông vẫn được sử dụng ở nhiều cơ sở đào tạo trên thế giới. Giáo trình của Richard Posner hiện đã được tái bản lần thứ 7 (2007) còn giáo trình của Robert Cooter và Thomas Ulen cũng đã tái bản tới lần thứ 5. Tạp chí Kinh tế học pháp luật và Tạp chí Nghiên cứu pháp luật tiếp tục phát triển mạnh. Một loạt các báo cáo nghiên cứu hàng năm, Nghiên cứu và kinh tế học pháp luật, được bắt đầu từ năm 1979 vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Tuy nhiên, cùng với thời gian và sự chỉ trích ngay từ chính những người nghiên cứu kinh tế học pháp luật, những tín điều của phái Chicago (tin rằng chỉ cần sử dụng lý thuyết kinh tế vi mô theo mô hình tân cổ điển để phân tích pháp luật cũng đủ) đã bị lung lay. Nhiều nhánh của kinh tế học pháp luật mới đã được hình thành, nhất là những nhánh có sử dụng kinh tế học hành vi (behavioral economics), lý thuyết lựa chọn công cộng, trường phái thể chế trong việc phân tích pháp luật đang ngày một lớn mạnh.

2.3. Các xu hướng nghiên cứu chính của kinh tế học pháp luật

Từ những nội dung mở đường của trường phái Chicago trong kinh tế học pháp luật mà ở phần trên đã đề cập, trải qua hơn bốn thập niên hình thành và phát triển, các công trình nghiên cứu kinh tế học pháp luật ngày nay trở nên cực kỳ phong phú và đa dạng. Dưới đây là một số hướng nghiên cứu chính của trường phái này trong thời gian hiện tại:

– Hướng nghiên cứu nhấn mạnh tới vai trò của thể chế: Những người thuộc phái này tập trung vào việc ứng dụng cách tiếp cận của trường phái kinh tế học thể chế mới (new institutional economics) để phân tích các phương thức ứng xử của các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Những người theo phái này (mà đại diện hàng đầu chính là giáo sư Douglass North – nhà kinh tế đạt giải Nobel năm 1993) cho rằng: việc các nhà kinh tế học thảo luận về quá trình trao đổi mà không đề cập tới môi trường thể chế diễn ra sự trao đổi ấy là một khiếm khuyết lớn. Chính các quy tắc ứng xử đã có sẵn hay nói cách khác, chính các quy tắc chi phối hành vi ứng xử của con người cũng là yếu tố bên trong, yếu tố nội sinh của các quá trình trao đổi, tương tác kinh tế-xã hội chứ không phải là lực lượng bên ngoài của những tương tác này. Ngoài ra, những người thuộc phái này cũng cho rằng, sự tồn tại các thể chế và thiết chế (với tư cách là những sáng tạo của con người) là cách thức để con người huy động nỗ lực tập thể, nỗ lực của xã hội để giải quyết các vấn đề mà tự bản thân không giải quyết được. Douglass North đã từng nhận định: “Khi việc thực hiện giao dịch trở nên tốn kém, các thể chế thể hiện vai trò của mình. Các thể chế trở thành những nhân tố định dạng cấu trúc ứng xử cho các chủ thể. Chúng có thể là những ràng buộc mang tính chính thức (luật lệ, hiến pháp…) hay không chính thức (tiêu chuẩn ứng xử, các hiệp định, các quy tắc ứng xử tự vận dụng…) và các quy tắc tự nguyện khác.”[42] Các thể chế có vai trò đơn giản hóa vấn đề trong cơ chế ra quyết định của các cá nhân, tổ chức. Bằng cách tuân theo những hành vi đã được quy định hay thể chế hóa, các cá nhân riêng lẻ sẽ có thể có kế hoạch phối hợp hành động một cách hoàn hảo hơn. Nói cách khác, tuy thể chế có vai trò giới hạn khả năng chọn lựa của mỗi cá nhân, tổ chức nhưng nó lại có vai trò giúp cho các chủ thể khác dự đoán tốt hơn cách ứng xử của mỗi chủ thể. Điều này cũng có nghĩa rằng, sự hiện diện của thể chế sẽ làm giảm tính không chắc chắn về những hành vi mà người khác sẽ thực hiện. Thể chế, vì vậy, là yếu tố quan trọng tạo nên sự minh bạch và niềm tin giữa các thành viên trong xã hội. Thông qua đó, thể chế làm tăng hiệu quả phân bổ nguồn lực trong xã hội và làm tăng năng lực giải quyết vấn đề của xã hội. Từ góc độ này, thể chế, trong chừng mực nhất định được coi là một dạng vốn xã hội. Hiện nay, những người theo đuổi hướng nghiên cứu này chủ yếu tập trung vào giải mã vai trò của thể chế kinh tế và xã hội trong việc thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, nhất là sự tăng trưởng, phát triển kinh tế ở các nước đang phát triển.

– Hướng nghiên cứu nhấn mạnh tới khía cạnh lịch sử: những người theo đuổi hướng nghiên cứu này thường quan tâm tới lịch sử quá trình phát sinh, phát triển của các quy phạm và thiết chế pháp luật; lý do đích thực của những đổi thay đó trong lịch sử và liệu những bằng chứng lịch sử có thực sự ủng hộ quan điểm mà trường phái kinh tế học pháp luật trong thời kỳ đầu đã nêu ra là: logic của pháp luật là logic về tính hiệu quả, quy phạm và thiết chế có tính hiệu quả cho xã hội có khả năng tồn tại lâu dài hơn so với các quy phạm và thiết chế không khuyến khích việc sử dụng có hiệu quả các nguồn lực trong xã hội.

– Hướng nghiên cứu tích hợp phân tích kinh tế vào luật so sánh: đây là hướng nghiên cứu mới diễn ra vào những năm cuối của thập niên 1990 nhất là trong bối cảnh các cuộc cải cách kinh tế, chính trị ở các nước trước đây từng theo chế độ xã hội chủ nghĩa nay đồng loạt chuyển sang mô hình phát triển kinh tế thị trường bằng cách nhập khẩu ồ ạt các quy chuẩn pháp luật và các thiết chế dân chủ mô phỏng của phương Tây. Đại diện tiêu biểu của hướng nghiên cứu này là giáo sư Ugo Mattei – Đại học California (Hoa Kỳ)[43], tác giả của 2 cuốn sách nổi tiếng: “Kinh tế học luật so sánh”[44] và “Luật so sánh”.[45] Các nhà nghiên cứu thuộc phái này tập trung vào tìm hiểu xem trường hợp nào hoặc điều kiện nào thì việc nhập khẩu luật pháp của phương Tây vào môi trường xã hội khác có thể thành công và trường hợp nào sẽ thất bại. Liệu một quy tắc hoặc thiết chế được coi là tối ưu ở quốc gia này có thể mang nhập khẩu vào quốc gia khác mà vẫn mang lại lợi ích thiết thực hay không?

– Hướng nghiên cứu về hành vi chiến lược: nếu như giả định cơ bản sử dụng trong phân tích kinh tế học pháp luật truyền thống (mà Richard Posner là đại diện tiêu biểu) cho rằng con người là những thực thể độc lập, ứng xử theo hướng xác định là tối đa hóa lợi ích của bản thân, không để ý tới phản ứng của người xung quanh thì những người theo hướng nghiên cứu về hành vi chiến lược đã không chấp nhận mô hình này. Dựa trên cơ sở lý thuyết trò chơi (game theory)[46], theo đó, trong những tình huống xã hội nhất định (chẳng hạn, trong bối cảnh có sự cạnh tranh trên một thị trường), việc chỉ quan tâm tới lợi ích của mình mà không quan tâm tới phản ứng của người xung quanh (nhất là các đối thủ cạnh tranh) không chắc đã là cách thức ứng xử tối ưu, những người đi theo hướng nghiên cứu này cho rằng, cần hiệu chỉnh lại những lý thuyết truyền thống của kinh tế học pháp luật để áp dụng tốt hơn với trường hợp các tương tác mang tính chiến lược. Hiện nay, những người theo hướng nghiên cứu này thường tập trung vào việc áp dụng các nguyên lý của lý thuyết trò chơi để giải thích các quy định pháp luật điều chỉnh các loại thị trường mang tính độc quyền nhóm hoặc các quy định ràng buộc các cuộc chay đua chính trị trong các cuộc tranh cử, các quy định về cách ứng xử của các chủ thể trong quan hệ quốc tế v.v. Ngoài các hướng nghiên cứu cơ bản kể trên, những người thuộc phái kinh tế học pháp luật hiện nay còn tập trung nghiên cứu về tính xác thực của các giả định kinh tế (giả định về tính duy lý và tính vị lợi của con người kinh tế), ứng dụng kinh tế học hành vi (behavioral economics) cho các phân tích pháp luật của mình.[47] Bên cạnh đó, việc ứng dụng lý thuyết về lựa chọn công cộng (public choice theory) vào giải thích sự vận hành của các thiết chế chính trị (Đảng phái, Nhà nước) cũng là hướng nghiên cứu quan trọng.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chương 3

NỘI DUNG CƠ BẢN VÀ CÁC THIẾT CHẾ SINH HOẠT CỦA TRƯỜNG PHÁI KINH TẾ HỌC PHÁP LUẬT

 

3.1. Quan niệm về bản chất hành vi của con người

            Khoa học xã hội là khoa học về hành vi của con người. Dù đối tượng nghiên cứu của mỗi bộ môn khoa học xã hội có thể khác nhau nhưng việc không tính tới hành vi ứng xử của con người, xa rời thực tiễn ứng xử của con người sẽ khó xây dựng được lý thuyết khoa học có tính lôgic và có sức thuyết phục.

            Mỗi môn khoa học xã hội, vì thế không thoát khỏi vấn đề quan niệm về con người và bản chất về con người.

            Kinh tế học pháp luật, với tư cách là khoa học nghiên cứu về sự tương tác giữa pháp luật và xã hội, giữa con người với pháp luật, cũng không nằm ngoài quy luật chung đó.

            Trong một công trình xuất bản gần đây, nhà nghiên cứu Hồ Sĩ Qúy (Khoa Triết học – Đại học khoa học xã hội và nhân văn)[48] đã điểm lại rất nhiều quan niệm khác nhau trong khoa học xã hội (nhất là trong triết học) về con người và bản chất của con người. Theo nhà nghiên cứu Hồ Sĩ Qúy, trước khi có chủ nghĩa Mác, đã có nhiều nhà tư tưởng đưa ra quan điểm của mình về con người và bản chất của con người, chẳng hạn: Con người là thước đo của vạn vật (Protagore); Bẩm sinh, con người là một động vật chính trị (Aristote); Con người là cây sậy biết tư duy. Sự vĩ đại của con người là ở trong phương thức suy nghĩ của nó (Pascal); Con người là một giá trị và là giá trị cao nhất (D. Diderot); Con người – động vật biết chế tạo công cụ lao động (B. Franklin); Con người là một động vật kinh tế (F.W. Taylor); Con người là thực thể độc nhất vô nhị. Con người là mục đích tự thân (Kant).

            Theo khảo cứu của nhà nghiên cứu Hồ Sĩ Qúy,[49] con người trong quan niệm của chủ nghĩa Mác có nội dung như sau:

            – Con người là thực thể tự nhiên có tính người. Cụ thể hơn, con người là một bộ phận của tự nhiên, giới tự nhiên là thân thể vô cơ của con người. Bản chất của con người tự nhiên chỉ tồn tại đối với con người xã hội. Con người là động vật biết chế tạo công cụ lao động và bản thân lao động đã sáng tạo ra con người (con người là sản phẩm của lao động). Con người là một động vật xã hội. Con người tạo ra hoàn cảnh đến mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo ra con người đến mức đó. Con người sinh học không cần sự thừa nhận, con người xã hội phải được sự thừa nhận của người khác. Những cá nhân con người hiện thực là tiền đề hiện thực của nhận thức con người (về sau, khoa học về tự nhiên bao hàm trong nó khoa học về con người, cũng như khoa học về con người bao hàm trong nó khoa học tự nhiên và đó sẽ là một khoa học).

            – Bản chất của con người, trong tính hiện thực của nó, là tổng hoà các mối quan hệ xã hội: con người bẩm sinh đã là một động vật xã hội và xã hội là sự thống nhất bản chất đã hoàn thành của con người với tự nhiên (và do đó, con người chỉ có thể phát triển bản tính chân chính của mình trong xã hội).

            Vậy bản chất hành vi của con người trong kinh tế học pháp luật được quan niệm ra sao?

            Do kinh tế học pháp luật kế thừa nền tảng lý luận của kinh tế học, vì thế, quan niệm về con người trong kinh tế học cũng được sử dụng để phục vụ cho các nghiên cứu về kinh tế học pháp luật.

            Trong kinh tế học, khi đề cập đến con người, các nhà kinh tế thường nhìn con người dưới giác độ “con người kinh tế” (economic man hoặc homo economicus). “Con người kinh tế” là một phạm trù được sử dụng khá nhất quán trong các lý thuyết về kinh tế học.

            Các cuốn từ điển kinh tế học đều có sự giải thích nhất định về “con người kinh tế”. Chẳng hạn, ở Việt Nam, trong cuốn Từ điển kinh tế học của Nguyễn Văn Ngọc, giảng viên khoa kinh tế học, trường Đại học kinh tế quốc dân[50], phạm trù “con người kinh tế” được giải thích như sau:

            “Một giả định trong lý thuyết kinh tế cho rằng con người hành động hợp lý khi xác định mục tiêu của mình và sau đó đưa ra quyết định phù hợp để thực hiện mục tiêu đó. Doanh nhân là con người kinh tế khi anh ta đặt ra mục tiêu tối đa hoá lợi nhuận và điều chỉnh sản lượng, giá cả để đạt được lợi nhuận tối đa. Người tiêu dùng là con người kinh tế khi anh ta căn cứ vào thị hiếu của mình về hàng hoá và giá tương đối của chúng để chọn mua một tập hợp hàng hoá cho phép tối đa hoá lợi ích hay phúc lợi kinh tế của mình”.

            Theo Từ điển kinh tế học hiện đại do David W. Pearce tổng biên tập[51], con người kinh tế là “tên đặt cho “vật được sáng tạo” trong kinh tế học, bằng cách đó các cá nhân được giả định là cư xử như thể họ tối đa hoá độ thoả dụng, chịu chi phối bởi những sự ràng buộc, trong đó hiển nhiên nhất là thu nhập. Con người kinh tế, do đó “là duy lý” nếu người đó theo đuổi mục tiêu này, mặc dù, người đó có thể đối mặt với những cản trở, như thông tin không hoàn hảo, ngăn cản người này đạt tới mục tiêu một cách thực sự. Mặc dù vậy, con người duy lý trong kinh tế học có thể theo đuổi những mục tiêu khác chứ không chỉ tối đa hoá độ thoả dụng. Trong trường hợp này, anh ta có lý trí nếu anh ta theo đuổi mục tiêu đó với tính kiên định”.

            Theo từ điển wikipedia[52], con người kinh tế là một khái niệm trong một số lý thuyết kinh tế về con người theo đó con người được hình dung là một chủ thể duy lý, có hiểu biết, hành xử vì lợi ích của bản thân, mong muốn hướng tới sự giàu có, thịnh vượng, muốn tránh những thứ lao động không cần thiết, và có khả năng quyết định để đạt những mục tiêu này.

            Thuật ngữ này được John Stuart Mill, một nhà kinh tế học nổi tiếng ở thế kỷ 19, sử dụng lần đầu tiên trong một tác phẩm của mình vào cuối thế kỷ 19[53]. Trong tác phẩm đó, J.S. Mill giải thích “kinh tế chính trị học không xem bản chất của con người bị hiệu chỉnh lại bởi tình trạng xã hội. Thay vào đó, kinh tế chính trị học xem con người như là chủ thể mong muốn sự giàu có và có khả năng cân nhắc, quyết định để đạt được kết cục ấy”. Cũng trong tác phẩm này, ông giải thích thêm, con người là thực thể mong muốn đạt được sự tối đa hoá về những thứ thiết yếu, sự thuận tiện, sự xa hoa, những thứ mình cần bằng việc bỏ ra lượng hao phí lao động hoặc nỗ lực bản thân nhỏ nhất có thể.

            Tuy nhiên, quan niệm tương tự về bản chất của con người đã được các nhà kinh tế tiền bối như Adam Smith và David Ricardo viết trong các tác phẩm của mình. Chẳng hạn, trong tác phẩm “Của cải của các dân tộc” (Wealth of Nations), xuất bản lần đầu năm 1776, Adam Smith đã đưa ra một câu nói nổi tiếng “những thứ chúng ta có trong bữa ăn hàng ngày không phải đến từ lòng nhân từ của người bán thịt mà những thứ đó chúng ta có được là do lợi ích của chính họ thúc đẩy” (không phải vì lòng tốt của người bán thịt, người cất rượu hay người thợ bánh mì mà chúng ta có bữa ăn tối, ai cũng tự thương mình, không phải vì người khác, họ không có ý muốn cung cấp nhu cầu cần thiết cho chúng ta, mà được lợi lạc khi làm các nghề đó).

            Như vậy, có thể khẳng định rằng, cách nhìn nhận về con người và bản chất của con người trong kinh tế học pháp luật có những nội dung chủ yếu sau:

            – Đó là chủ thể duy lý, khi hành xử, biết cân nhắc lợi ích, chọn lựa phương án xử sự tối ưu nhất cho lợi ích của mình hoặc tối ưu nhất để đạt được mục tiêu mà mình đã chọn;

            – Đó là chủ thể biết rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình;

            – Đó là một chủ thể sống động (năng động), biết phản ứng lại khi có những sự kiện ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của mình;

            – Đó là chủ thể mà hành vi của họ có thể dự đoán được trong chừng mực nhất định.

            Với cách quan niệm như vậy, khi trở thành đối tượng chịu sự điều chỉnh của những nhóm quy phạm nhất định, con người sẽ có những phản ứng với pháp luật nói chung và sự thay đổi pháp luật nói riêng.

            Có thể nói rằng, khi nghiên cứu tương tác giữa pháp luật với con người, giữa pháp luật với xã hội, sẽ là một điều ngây thơ khi cho rằng, pháp luật được ban hành xong, được phổ biến kỹ thì con người sẽ đương nhiên chấp hành pháp luật đúng như nhà làm luật kỳ vọng. Cũng là một điều ngây thơ khi cho rằng, cùng một quy định của pháp luật đã được ban hành, ứng xử của mọi cá nhân trong xã hội đều giống nhau. Với tư cách là một con người duy lý, con người năng động, khi pháp luật được ban hành, các cá nhân, chủ thể trong xã hội nói chung và nền kinh tế nói riêng sẽ có rất nhiều phản ứng khác nhau do ở những tâm thế khác nhau. Nhìn chung, với tâm lý tìm phúc, tránh hoạ, việc chọn lựa hình thức ứng xử nào trong quá trình thực thi pháp luật sẽ là sản phẩm của sự cân nhắc, tính toán thiệt hơn tùy từng bối cảnh, hoàn cảnh cụ thể. Điều đó cũng xảy ra tương tự nếu nhìn vào ứng xử của đội ngũ cán bộ làm công tác thực thi pháp luật.

            Có thể khẳng định rằng, “khi nhà nước có chính sách” thì người dân sẽ có “đối sách”. Đây là cách nhìn thực tế, phù hợp với lý thuyết về bản chất hành vi của con người mà kinh tế học nói chung và kinh tế học pháp luật sử dụng.

            Thực tiễn cải cách, đổi mới ở nước ta thời gian qua cho thấy, con người trong tính hiện thực của nó, mang nhiều nét dáng dấp của con người kinh tế trong lý thuyết kinh tế học pháp luật. Những ví dụ phản ứng của người dân về các biến động giá cả (nhất là ứng xử của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, trên thị trường vàng, trên thị trường ngoại tệ) thể hiện rất rõ vấn đề này. Những phản ứng của người dân khi nhà nước cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng có lợi cho doanh nhân cũng thể hiện rõ điều này (lượng doanh nghiệp được thành lập tăng lên đột biến trong quá trình triển khai Luật Doanh nghiệp năm 1999 cũng như trong quá trình triển khai Luật Doanh nghiệp năm 2005). Kết quả không đạt được của chính sách hạn chế xe máy trong nội thành bằng cách cấm người dân trong các quận nội thành được mua, sở hữu, đăng ký xe máy cho thấy điều đó. Tình trạng trong không ít doanh nghiệp nhà nước theo đó doanh nghiệp thì làm ăn thua lỗ hoặc cầm chừng còn người quản lý, điều hành lại trở nên giàu có cũng cho thấy sự hiện hữu của hình ảnh về con người kinh tế. Tình trạng tham nhũng trong không ít cơ quan công quyền ở nước ta cũng bộc lộ điều này.

            Điều đáng lưu ý nữa là tình trạng này không chỉ xảy ra đối với những chủ thể có trình độ cao về trí tuệ mà cũng từng xảy ra đối với người nông dân ở nước ta trong quá trình hợp tác hoá trước đây. Đó là những kinh nghiệm được trả học phí khá đắt trong giai đoạn tiền đổi mới (1975-1985). Mô tả dưới đây trong một cuốn sách của GS. Hoàng Chí Bảo về tình hình sản xuất nông nghiệp và kinh tế hợp tác trong giai đoạn đó là một minh chứng điển hình: “Người lao động có thái độ thờ ơ với công việc chung của hợp tác xã, ruộng đất, tài sản của hợp tác xã không được xã viên quan tâm, họ phải dồn vốn liếng và sức lao động vào mảnh đất 5% và tìm nguồn thu nhập để tồn tại. Quy mô hợp tác xã càng mở rộng thì lãng phí càng lớn, tình trạng vô chủ gia tăng đến mức nghiêm trọng tất yếu dẫn đến hiệu quả kinh tế giảm; tài sản, vốn qũy thất thoát; diện tích đất hoang hóa ngày càng tăng và phổ biến ở nhiều hợp tác xã; sản xuất nông nghiệp sa sút liên tục và nghiêm trọng; mức thu nhập của xã viên giảm. Nhà nước phải đưa gạo về chi viện, cứu đói cho nông dân ngày càng nhiều. Trên thực tế, thu nhập từ kinh tế tập thể giảm đi rõ rệt, chỉ còn 30-40% tổng thu nhập của hộ xã viên, có nơi chỉ còn 16-20% so với thu nhập của hộ xã viên”[54].

            Tuy nhiên, quan niệm kể trên về bản chất của con người gặp khá nhiều chỉ trích. Có người chỉ trích rằng, quan niệm như thế là không sát với con người trong thực tế. Chẳng hạn, có người cho rằng, con người khi sinh ra mang bản chất thiện (nhân chi sơ tính bản thiện), con người không chỉ biết chăm lo cho lợi ích bản thân mình mà còn biết chăm lo cho lợi ích của người khác. Việc quan niệm, con người chỉ biết chăm lo tới lợi ích của mình là không phù hợp với hình mẫu con người trong thực tế. Có người thậm chí cho rằng, quan niệm về con người duy lý, hành vi chỉ bị thúc đẩy bởi lợi ích của bản thân, là thứ quan niệm phi đạo đức.

            Nhiều nhà nhân chủng học kinh tế, trong đó có Marshall Sahlins[55], Karl Polanyi[56], Marcel Mauss[57] or Maurice Godelier[58] đã cố gắng chứng minh rằng trong các xã hội truyền thống, hành vi ứng xử của con người về việc sản xuất và trao đổi hàng hoá không phải dựa theo hình mẫu về con người kinh tế duy lý, ích kỷ mà theo hình mẫu những con người biết tương trợ lẫn nhau (nền kinh tế ấy còn gọi là nền kinh tế tặng cho – gift economy chứ không phải là nền kinh tế thị trường – market economy). Trong nền kinh tế truyền thống, không có chỗ cho sự tồn tại của con người kinh tế. Con người kinh tế chỉ nảy nở cùng với cơ chế thị trường, với nền kinh tế thị trường.

            Nhiều nhà kinh tế học nổi tiếng cũng hoài nghi về tính xác thực của mô hình về con người kinh tế. Chẳng hạn, Thorstein Veblen, John Maynard Keynes, và các nhà kinh tế học thuộc trường phái Áo thì cho rằng, việc quan niệm rằng, con người kinh tế có khả năng đủ hiểu biết để đưa ra các dự báo và quyết định chính xác, duy lý là không thực tế. Trong đời sống thực tế, quyết định kinh tế của con người còn bị chi phối bởi 2 loại yếu tố quan trọng là (1) sự ngẫu nhiên (sự kiện bất ngờ) và (2) khả năng nhận thức hạn chế (do thiếu thông tin chẳng hạn).

            Như vậy, có thể thấy, trong quá trình nghiên cứu kinh tế học nói chung và kinh tế học pháp luật nói riêng, vấn đề hiểu thế nào cho đúng về bản chất hành vi của con người, mô hình về con người trong hiện thực như thế nào là phù hợp, làm nền tảng cho việc xây dựng các lý luận, lý thuyết giải thích sự tương tác giữa pháp luật và xã hội vẫn luôn là tranh cãi. Có thể khẳng định rằng, mỗi bước tiến trong nhận thức của con người về bản chất của mình, lại là một tiền đề quan trọng trong việc xây dựng nên các lý thuyết về kinh tế học pháp luật sát hợp hơn với hiện thực cuộc sống, mang lại nhiều tiện ích hơn cho cuộc sống của con người. Hệ quả kéo theo tất yếu, sẽ là những biết đổi trong cung cách quản trị xã hội, trong cung cách xây dựng và thực thi pháp luật. Thực tiễn và kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, các cuộc cải cách pháp luật, cải cách bộ máy nhà nước, không dựa trên những nhận thức sâu sắc về bản chất con người đều khó đảm bảo tính lôgíc nhất quán và thường đi vào bế tắc.

3.2. Quan điểm của Kinh tế học pháp luật về một số chế định cơ bản trong hệ thống pháp luật

3.2.1. Kinh tế học về sở hữu và quyền tài sản

            Sở hữu và quyền tài sản là những vấn đề hệ trọng đối với mỗi quốc gia. Giải quyết vấn đề sở hữu bao giờ cũng là một trong những nội dung nền tảng trong chính sách kinh tế của mỗi nước. Mọi chính sách, pháp luật đều có ảnh hưởng nhất định tới cơ cấu sở hữu tài sản trong xã hội. Mỗi quốc gia có hệ thống quy tắc về sở hữu riêng của mình để giải quyết vấn đề: khi một tài sản hình thành từ quá trình lao động thì tài sản đó thuộc về ai? Chủ sở hữu có thể bảo vệ tài sản của mình bằng những cách thức gì và chủ sở hữu có thể sử dụng tài sản của mình vào những việc gì?

Do ý nghĩa thiết thực và quan trọng của vấn đề sở hữu, quan tâm, luận giải các vấn đề về sở hữu được hầu hết các nhà triết học xã hội, các nhà tư tưởng lớn đề cập. Đó cũng là chủ đề được nhiều nhà kinh tế học, luật học, trong đó có các nhà kinh tế học pháp luật quan tâm.

            Các nhà kinh tế học pháp luật quan tâm tới vấn đề sở hữu từ nhiều cấp độ khác nhau. Có nhà nghiên cứu chỉ quan tâm tới vấn đề: quy tắc sở hữu như thế nào thì có thể khuyến khích con người hăng hái lao động làm ra nhiều của cải vật chất hơn cho mình và cho xã hội? Quy tắc sở hữu như thế nào sẽ là quy tắc sở hữu khuyến khích con người sử dụng tài sản của mình một cách hiệu quả nhất để từ đó mang lại nhiều ích lợi nhất cho bản thân và cho xã hội? Nhưng cũng có những nhà nghiên cứu quan tâm tới những vấn đề lớn hơn, chẳng hạn: tại sao “pháp luật sở hữu lại có vai trò quan trọng trong xã hội” và “tại sao hình thức sở hữu này lại có thể thay thế cho hình thức sở hữu khác khi hoàn cảnh xã hội có sự thay đổi”?

            Với tiên đề cho rằng, hình thức sở hữu là sản phẩm sáng tạo của con người, nhiều nhà kinh tế học pháp luật cố gắng luận giải tại sao hình thức sở hữu này lại có thể thay thế cho hình thức sở hữu khác và hình thức sở hữu nào sẽ là hình thức sở hữu có tính bền vững trong bối cảnh cụ thể.

Các nhà kinh tế học pháp luật quan niệm rằng, việc thay thế hình thức sở hữu này bằng hình thức sở hữu kia là quá trình lựa chọn của con người. Con người, thông qua các thiết chế của mình (chẳng hạn thông qua nhà nước, thông qua đại diện cộng đồng hoặc thông qua các cách thức khác), lựa chọn hình thức này hay hình thức kia nhằm tìm ra cách thức giải quyết hiệu quả nhất vấn đề phân bổ nguồn lực trong xã hội.

Đi tiên phong trong việc xây dựng lý thuyết về sở hữu từ góc độ kinh tế học chính là Harold Demsetz – một trong những nhà lý luận hàng đầu về quyền sở hữu ở các nước phương Tây hiện nay.

Trong tác phẩm “Toward a theory of property rights” (Tiến tới xây dựng một lý thuyết về quyền sở hữu) xuất bản trên tờ Tạp chí kinh tế Hoa Kỳ[59] năm 1967, Harold Demsetz đã lần đầu tiên đưa ra một cách giải thích tương đối hệ thống về lý do quyền sở hữu tư nhân được nảy sinh để thay thế cho tình trạng vô chủ hoặc tình trạng sở hữu cộng đồng đối với một số tài sản nhất định.

            Tinh thần chung trong lý thuyết của Harold Demsetz về sở hữu là sở dĩ người ta trao quyền sở hữu tư nhân thay cho các hình thức sở hữu khác (nhất là sở hữu chung của một nhóm người, sở hữu chung của cộng đồng) là vì bị thúc đẩy bởi lý do “hiệu quả sử dụng nguồn lực” trong xã hội. Theo Harold Demsetz, trong xã hội dường như có một khuynh hướng rất tự nhiên là nhu cầu cải thiện tính hiệu quả trong việc sử dụng nguồn lực trong xã hội. Khi mà tình trạng vô chủ đối với một số tài sản dẫn tới hệ quả về sự khai thác quá mức tài sản, không lưu ý tới sự bồi bổ, phát triển tài sản, thì giải pháp đối phó với tình trạng này là trao cho các thành viên của cộng đồng      quyền “sở hữu tư nhân”, nhằm tạo ra “tình trạng khan hiếm” về “quyền sở hữu” để tài sản của ai thì do người đó tự mình chiếm giữ, sử dụng và định đoạt. Bằng cách ấy, xã hội có thể tránh được tình trạng khai thác cạn kiện nguồn tài nguyên, và nhờ đó con người sẽ khai thác, sử dụng một cách hiệu quả hơn[60].

            Như vậy, theo Horald Demsetz, sở hữu tư nhân được hình thành thay thế cho sở hữu công cộng, sở hữu tập thể là nhằm khuyến khích tinh thần trách nhiệm trong khai thác, sử dụng các nguồn lực trong xã hội. Nhờ việc biến tài sản thuộc sở hữu chung, sở hữu cộng đồng thành sở hữu tư nhân, các thành viên cộng đồng sẽ ý thức rõ hơn về tính khan hiếm nguồn lực trong xã hội và sử dụng tài sản một cách hiệu quả, có trách nhiệm hơn. Cũng nhờ đó, năng suất lao động, năng suất sử dụng các nguồn lực trong nền kinh tế được nâng lên. Có thể coi, giải pháp “tư nhân hóa” tài sản công cộng trong lý thuyết về sở hữu của Harold Demsetz là cách thức làm cho mỗi thành viên trong cộng đồng nhận thức rõ hơn về tính khan hiếm của các nguồn lực hữu ích trong xã hội.

            Việc công nhận sở hữu tư nhân, bảo vệ sở hữu tư nhân, bảo vệ khả năng chuyển nhượng tài sản thuộc sở hữu tư nhân được coi là một trong những biện pháp khuyến khích “phúc lợi xã hội” (social welfare). Chí ít, việc công nhận sở hữu tư nhân với quy tắc cơ bản là người nào đầu tư vào tài sản thuộc sở hữu của mình thì người đó phải được hưởng thành quả của sự đầu tư ấy (hoa lợi, lợi tức từ tài sản) cũng góp phần thúc đẩy tính tích cực trong lao động, đầu tư của mỗi người. Điều này hết sức đơn giản bởi lẽ, nếu như người ta đầu tư vào một mảnh đất bằng cách trồng trọt trên đó mà người ta lại không được gặt hái thành quả trên đó, thì người ta sẽ không muốn làm[61]. Cũng nhờ quy tắc này, chủ sở hữu cũng có trách nhiệm với tài sản của mình hơn – họ sẽ lưu ý tới việc duy tu, bảo trì, bảo quản tài sản của mình (nhất là tài sản vốn) tốt hơn.

            Thiếu một hệ thống quy tắc tôn trọng quyền tư hữu – người ta sẽ có khuynh hướng đi lấy của người khác làm của mình và như vậy, xã hội luôn ở trong tình trạng mâu thuẫn. Do đó, việc duy trì một hệ thống pháp luật bảo hộ có hiệu quả quyền sở hữu tài sản (quyền tài sản) góp phần chống tình trạng vô trật tự, vô chính phủ (tình trạng ăn cắp, ăn cướp) trong xã hội, chống các rủi ro mà mỗi cá nhân (nhất là cá nhân yếu thế) có thể gặp phải do tình trạng hỗn loạn.

            Với việc cho phép quyền chuyển nhượng tài sản tự do – một bộ phận cấu thành của quyền sở hữu – tài sản trong xã hội sẽ được dịch chuyển (phân bổ) đến những nơi tài sản được trả giá cao nhất (thông thường đây cũng chính là nơi tài sản được khai thác, sử dụng một cách hiệu quả nhất). Cũng nhờ đó, khả năng tích tụ tài sản để hưởng lợi thế kinh tế theo quy mô (economy of scale), để hưởng lợi thế của việc chuyên môn hóa lao động (specialization of labor).

            Thực ra thì trước Harold Demsetz, các học giả nổi tiếng như Hobbes (1651), Blackstones (1765-1769) và Bentham (1830) đã từng biện minh cho sự cần thiết phải duy trì chế độ sở hữu tư nhân đối với tài sản từ giác độ nhấn mạnh tác dụng của nó đối với “động lực làm việc” và “không khuyến khích sự ăn cắp”[62].

            Đến nay, lý thuyết về sở hữu của Horald Demsetz đã được ứng dụng để luận giải cho việc khắc phục tình trạng “vô chủ”, thiếu minh bạch về chế độ trách nhiệm bằng cách tư nhân hóa nhiều doanh nghiệp nhà nước ở các nước tư bản. Cũng nhờ ứng dụng lý thuyết về sở hữu của Harold Demsetz, trong việc bảo vệ môi trường, nhiều quốc gia đã thay đổi quan niệm về môi trường sinh thái từ quan niệm trước đây coi môi trường sạch, môi trường trong lành là nguồn lực vô tận sang quan niệm “môi trường sạch, môi trường trong lành là thứ “tài nguyên khan hiếm” và cần “tư nhân hóa” loại tài sản, nguồn lực khan hiếm này bằng cách đưa ra hệ thống “quyền gây ô nhiễm” (hoặc quyền xả thải vào môi trường, quota phát thải) – thứ tài sản tư có thể chuyển nhượng để kiểm soát hành vi gây ô nhiễm môi trường trong một số lĩnh vực.

Tuy nhiên, lý thuyết về sở hữu của Harold Demsetz cũng gặp nhiều chỉ trích từ chính các học giả phương Tây. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một lý thuyết có nhiều điểm khiếm khuyết. Lý thuyết về sở hữu của Harold Demsetz đã không thể trả lời được câu hỏi làm cách nào mà người ta biến từ sở hữu chung sang sở hữu tư nhân (cách thức chuyển đổi chế độ sở hữu như thế nào là hợp lý và hiệu quả v.v.) và liệu quá trình ngược lại (biến từ sở hữu tư thành sở hữu công) có phải luôn là bất hợp lý hay không[63].

Ngoài ra, những người ủng hộ chủ nghĩa Mác thì cho rằng, lý thuyết về quyền sở hữu của Harold Demsetz đã bỏ qua khía cạnh quan trọng của vấn đề sở hữu đó là vấn đề tính giai cấp của các hình thức sở hữu (nhất là tính giai cấp của sở hữu tư nhân). Cũng là những khiếm khuyết khi Harold Demsetz không đề cập tới vấn đề vai trò, ý nghĩa, sứ mệnh lịch sử của sở hữu tư nhân và khả năng sở hữu tư nhân sẽ bị thay thế bằng sở hữu công cộng.

Tuy nhiên, dù ủng hộ lý thuyết gì, đề cao hay không đề cao vai trò của một loại hình sở hữu nhất định thì cũng không thể phủ nhận được rằng sở hữu có mối quan hệ chặt chẽ tới hành vi ứng xử của con người trong xã hội. Sở hữu tài sản (nhất là sở hữu tư nhân đối với tài sản) trong nhiều trường hợp vừa là mục đích và vừa là động lực thúc đẩy các hành vi sản xuất, kinh doanh, đầu tư của con người trong xã hội.

Việc công nhận sở hữu tư nhân, tuy có thể có những vấn đề nhất định nhưng sẽ có những tác dụng rất tích cực đối với xã hội, cụ thể như sau:

            – Tạo động lực làm việc: người có tài sản thuộc sở hữu thường có khuynh hướng làm gia tăng giá trị của tài sản đó bởi họ biết, nếu họ gia tăng giá trị tài sản của họ, phần giá trị tài sản gia tăng cũng thuộc về họ chứ không phải là thuộc về người khác.

            – Tạo sự phân tầng trong xã hội, chống lại khuynh hướng cào bằng trong lao động, sản xuất. Đây chính là một động lực kích thích sự “ganh đua” trong xã hội, đưa xã hội phát triển.

            – Chống tính quan liêu trong quản lý các nguồn lực của xã hội: khi được trao quyền sở hữu – chủ sở hữu là các cá nhân thường sẽ là những người biết hơn ai hết về các tài sản mà mình có, vì thế, việc quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản sẽ hợp lý, hiệu quả hơn. Đây là điều mà cơ chế kinh tế kế hoạch hóa không thể có được.

            + Việc trao quyền tư hữu cho các cá nhân, tổ chức trong xã hội đã góp phần tạo cơ chế huy động trí tuệ của xã hội trong việc quản lý các tài sản – nguồn lực khan hiếm trong xã hội một cách hiệu quả, phù hợp hơn.

            + Việc trao quyền sở hữu cho các cá nhân, tổ chức trong xã hội cũng cá thể hóa trách nhiệm đối với các chủ thể trong việc quản lý, sử dụng, định đoạt tài sản của mình.

            – Trao quyền tư hữu về tài sản trong xã hội cũng góp phần giảm nhẹ các công việc sự vụ, cụ thể của Nhà nước, khiến cho Nhà nước tập trung vào các hoạt động mang tính vĩ mô đó là các hoạt động tạo hành lang pháp lý để các chủ thể trong xã hội vận hành một cách hài hòa, không xâm phạm lợi ích của nhau.

3.2.2. Kinh tế học về quyền sở hữu trí tuệ

Bàn về sở hữu trí tuệ cũng là một trong số nhiều chủ đề được các nhà nghiên cứu kinh tế học pháp luật rất quan tâm.

            Nhìn vào lịch sử pháp luật sở hữu trí tuệ cho thấy, độc quyền chi phối tài sản trí tuệ do một chủ thể nào đó sáng tạo ra chỉ mới được công nhận rộng rãi khoảng hơn 2 thế kỷ trở lại đây. Trước đó, các tài sản trí tuệ như các tác phẩm văn học, các phát minh khoa học, tuy có sự ghi danh đối với những tác giả cụ thể, nhưng nhìn chung, xã hội không có cơ chế đảm bảo cho người phát minh, sáng tạo ra các tác phẩm, công trình, phát minh đó được đền bù về mặt vật chất đối với công sức mình đã bỏ ra.

            Cuộc cách mạng công nghiệp với sự ra đời của hàng loạt phương pháp sản xuất mới, hàng loạt loại hình doanh nghiệp mới (các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh v.v.), sự mở rộng của cơ chế thị trường đã làm thay đổi nhận thức của xã hội về tài sản trí tuệ.

            Xã hội ngày càng nhận thức rõ hơn rằng, tri thức, phát minh và các loại tài sản trí tuệ khác là những nguồn lực quan trọng của xã hội góp phần thúc đẩy sự phát triển của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc, mỗi doanh nghiệp, cá nhân và mỗi hộ gia đình. Cơ chế thị trường, với áp lực của cạnh tranh càng thúc đẩy doanh nghiệp tìm kiếm việc khai thác những lợi ích mà tài sản trí tuệ mang lại với tư cách là một lợi thế cạnh tranh. Trong cơ chế cạnh tranh thị trường, doanh nghiệp ngày càng coi trọng vấn đề về tài sản trí tuệ nhất là các phát minh, sáng chế, các sáng tạo ra sản phẩm mới, các quy trình công nghệ, phương pháp quản lý.

            Như một lẽ tự nhiên, muốn phát triển và phồn vinh, xã hội phải coi trọng việc tạo lập, tích tụ và khai thác triệt để tài sản trí tuệ. Nói cách khác, xã hội cần có cơ chế khuyến khích quá trình lao động, sáng tạo của con người để nguồn lực tài sản trí tuệ ngày càng lớn mạnh.

            Đây là nhận thức chung từ hàng trăm năm qua được hầu hết các quốc gia trên thế giới chia sẻ. Pháp luật về sở hữu trí tuệ (luật về bản quyền, luật về phát minh, sáng chế, luật về thương hiệu v.v.) trao cho chủ các tài sản trí tuệ độc quyền khai thác giá trị của tài sản trí tuệ với phạm vi bảo hộ ngày càng mở rộng (về các quyền năng và về thời gian bảo hộ) là những ví dụ điển hình.

            Tuy nhiên, nguyên tắc nào chi phối quá trình vận động của pháp luật về sở hữu trí tuệ? Tại mỗi giai đoạn lịch sử, pháp luật sở hữu trí tuệ nên hoàn thiện theo hướng nào? Đây là những vấn đề mà gần đây các nhà kinh tế học pháp luật rất quan tâm phân tích, luận giải.

            Quan điểm chung của các nhà kinh tế học pháp luật về vấn đề sở hữu trí tuệ có thể tóm gọn ở mấy điểm sau:

            – Tài sản trí tuệ là loại nguồn lực khan hiếm trong xã hội. Tài sản này không tự nhiên sinh ra mà chúng là sản phẩm của quá trình lao động, sáng tạo khá cật lực của con người. Tài sản trí tuệ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội. Chúng có thể là những lợi ích về tri thức (gia tăng hiểu biết cho con người từ các sản phẩm của các công trình nghiên cứu), lợi ích về giải trí (từ các tác phẩm văn học, nghệ thuật), lợi ích cải thiện hiệu quả quá trình sản xuất, kinh doanh (các phát minh, sáng chế v.v.), lợi ích về thẩm mỹ cho xã hội (các kiểu dáng công nghiệp, các tác phẩm thiết kế v.v.). Với tư cách là loại tài sản khan hiếm, xã hội luôn có nhu cầu làm gia tăng loại tài sản này.

            – Tài sản trí tuệ có một đặc tính kinh tế quan trọng là “khó tạo lập nhưng dễ chiếm đoạt” (hard-to-make but easy-to-copy). Điều này dẫn đến tình trạng nếu không có biện pháp bảo hộ hợp lý, những nhà phát minh, sáng chế, những người sáng tạo ra tài sản trí tuệ sẽ ngại đầu tư vào quá trình sản xuất ra tài sản trí tuệ vì e ngại bị đánh cắp. Đặc tính ấy cũng dẫn đến thực tế là nếu thiếu sự bảo vệ hoặc hỗ trợ bảo vệ từ phía nhà nước thì bản thân các những người tạo ra tài sản trí tuệ rất khó tự bảo vệ các sản phẩm sáng tạo của mình.

            – Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thông qua việc trao cho chủ sở hữu tài sản trí tuệ độc quyền khai thác giá trị thương mại của loại tài sản này trong những thời gian nhất định sẽ tạo điều kiện cho chủ sở hữu thu hồi được vốn, công sức đã bỏ ra và được nhận phần tưởng thưởng xứng đáng từ xã hội. Thông qua đó, chế độ bảo hộ sở hữu trí tuệ phát ra thông điệp rõ ràng cho toàn xã hội về khả năng thu lợi từ hoạt động phát minh, sáng tạo. Điều này sẽ khuyến khích các cá nhân, tổ chức trong xã hội đầu tư nhiều hơn vào hoạt động phát minh, sáng tạo. Tuy nhiên, bảo hộ sở hữu trí tuệ lại tạo ra những rào cản nhất định cho việc phổ biến tài sản trí tuệ đến với đông đảo công chúng, điều này cũng gây bất lợi nhất định cho việc nâng cao dân trí nói chung. Chính vì thế, thời hạn bảo hộ các tài sản trí tuệ chỉ nên dừng ở một giới hạn thời gian nhất định. Tuy nhiên, thế nào là thời hạn bảo hộ hợp lý luôn là chủ đề gây tranh cãi trong xã hội.

3.2.3. Kinh tế học về hợp đồng

            Hợp đồng là thỏa thuận của các cá nhân, tổ chức về việc thay đổi, chấm dứt các quyền năng nhất định. Hợp đồng là phương thức giao dịch chủ yếu của các tổ chức, cá nhân trong nền kinh tế thị trường. Hợp đồng cũng là căn cứ pháp lý để các bên tham gia có thể tự mình tạo lập ra các quyền và nghĩa vụ pháp lý phục vụ quá trình sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của mình. Hợp đồng, vì thế, là hình thức pháp lý quan trọng của các giao dịch mua bán, thuê mượn, trao đổi tài sản, hàng hóa, dịch vụ trong đời sống thường nhật của mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp và các tổ chức.

            Với tầm quan trọng như vậy, hợp đồng và luật hợp đồng từ lâu đã là đối tượng nghiên cứu của nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau nhưng trước hết là luật học. Luật học thường tập trung nghiên cứu khái niệm, bản chất, hình thức, nội dung hợp đồng, căn cứ phát sinh, thay đổi quan hệ hợp đồng và phương thức điều chỉnh pháp luật hợp đồng.

            Tiếp nối mối quan tâm của luật học, các nhà kinh tế học pháp luật cũng có những luận giải riêng của mình về hợp đồng và luật hợp đồng.

            Theo các nhà kinh tế học pháp luật, hợp đồng là phương thức cơ bản để tạo lập ra sự dịch chuyển các nguồn lực trong xã hội. Quan hệ hợp đồng, về cơ bản là quan hệ thị trường. Trong bối cảnh tồn tại quyền tự do hợp đồng, giao dịch có tính ưng thuận sẽ là thứ giao dịch đôi bên cùng có lợi (hay còn gọi là giao dịch đôi bên cùng thắng (“win-win”), làm cho nguồn lực trong xã hội dịch chuyển theo hướng từ những nơi nhàn rỗi sang những nơi có khả năng mang lại lợi ích cao nhất.

            Động lực cơ bản thúc đẩy các cá nhân, tổ chức tham gia vào quan hệ hợp đồng chính là lợi ích. Trong điều kiện được tự do ý chí, các cá nhân, tổ chức chỉ tham gia vào quan hệ hợp đồng khi nhận thức được rằng quan hệ ấy mang lại lợi ích cho mình nhiều hơn chi phí và các rủi ro có thể gánh chịu. Tuy nhiên, theo cách nhìn của kinh tế học pháp luật, giá trị của tài sản, hàng hóa, dịch vụ với tư cách là đối tượng của hợp đồng là loại giá trị chủ quan. Điều này hàm ý rằng, chỉ có các bên tham gia vào quan hệ hợp đồng mới là người biết rõ nhất khi tham gia vào quan hệ đó thì họ sẽ nhận được những lợi ích cụ thể gì. Vì vậy, trong điều kiện các bên có đầy đủ thông tin để ra quyết định tham gia vào giao dịch thì nhà nước cần tôn trọng quyền tự chủ của các bên trong việc đưa ra các cam kết của mình. Những cam kết như vậy sẽ được coi là có hiệu lực pháp luật và việc phá vỡ cam kết sẽ bị coi là hành vi bội tín.

            Mua bán tài sản là loại hợp đồng phổ biến vào bậc nhất trong nền kinh tế thị trường. Chính vì vậy, đây cũng là vấn đề được kinh tế học pháp luật rất quan tâm phân tích, luận giải. Chủ đề được kinh tế học pháp luật quan tâm nhiều trong quan hệ mua bán tài sản (nhất là mua bán hàng hóa) là điều kiện đảm bảo sự bình đẳng và tính ưng thuận một cách thực chất giữa các bên tham gia giao dịch. Theo các nhà kinh tế học pháp luật, trong giao dịch mua bán tài sản, thường xảy ra tình trạng thông tin không cân xứng (asymmetric information) giữa bên có tài sản và bên mua tài sản. Bên có tài sản thường biết rõ hơn về đặc tính của tài sản – điều mà bên mua tài sản không phải lúc nào cũng biết được. Đặc tính này làm cho quan hệ mua bán tài sản mang trong mình khuyết tật cố hữu mà trong nhiều trường hợp pháp luật phải can thiệp để đảm bảo việc mua bán được diễn ra một cách công bằng. Một trong những phương thức can thiệp khá hiệu quả chính là việc pháp luật quy định cấm bên bán có hành vi lừa dối hoặc gây nhầm lẫn về tài sản giao dịch đối với bên mua. Biện pháp quan trọng khác là trong nhiều trường hợp, bên bán tài sản bị pháp luật yêu cầu phải cung cấp các thông tin hợp lý về chất lượng, nguồn gốc, tình trạng pháp lý của tài sản giao dịch. Nếu một giao dịch được thực hiện khi các yêu cầu trên không được bảo đảm thì bên mua được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tuyên bố giao dịch vô hiệu. Bên có lỗi trong việc làm giao dịch bị vô hiệu có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

            Theo các nhà kinh tế học pháp luật, các giao dịch có những khiếm khuyết cơ bản về sự ưng thuận như bên tham gia giao dịch bị cưỡng ép, bên tham gia giao dịch thiếu thông tin cần thiết để bảo vệ quyền lợi của mình, bên tham gia giao dịch bị nhầm lẫn, lừa dối v.v. là những giao dịch không mang lại hiệu quả cho xã hội. Chủ thể tham gia giao dịch này đã không có đầy đủ cơ hội để thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Sự dịch chuyển nguồn lực dựa trên các loại giao dịch như vậy là sự dịch chuyển thiếu cân nhắc, tính toán. Nói cách khác, đó là thứ dịch chuyển nguồn lực phi hiệu quả. Chính vì vậy, pháp luật không nên bảo hộ những loại giao dịch có khiếm khuyết này.

            Những luận giải của kinh tế học pháp luật đối với quan hệ hợp đồng đã trở thành nền tảng lý thuyết quan trọng biện minh cho các biện pháp can thiệp của nhà nước vào quan hệ thị trường, đặc biệt là các biện pháp can thiệp để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, bảo vệ người gửi tiền v.v.

3.2.4. Kinh tế học về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

            Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một chế định pháp luật quan trọng theo đó người có hành vi gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng hoặc các lợi ích khác của người khác phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các thiệt hại thực tế mà mình đã gây ra. Việc bồi thường thường được thực hiện theo nguyên tắc bồi thường toàn bộ và kịp thời.[64]

            Trong cách luận giải của kinh tế học pháp luật, sự tồn tại của chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hướng tới hai mục tiêu cơ bản: (i) bù đắp tổn thất của người bị thiệt hại (nạn nhân) và (ii) răn đe, phòng ngừa (làm gương) cho các trường hợp của tương lai. Bằng sự tồn tại của chế định này, pháp luật phát ra một thông điệp rõ ràng rằng, trong các ứng xử (có sự tự do ý chí), con người phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Pháp luật không khuyến khích các hành vi gây thiệt hại cho xã hội mà ngược lại người có hành vi gây thiệt hại cho xã hội cần phải bị lên án, trừng trị.

            Dưới góc nhìn của kinh tế học pháp luật, quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thường là quan hệ giữa bên trực tiếp gây thiệt hại và bên bị thiệt hại. Vấn đề mấu chốt trong quan hệ này chính là việc: khi đã có hành vi gây thiệt hại và thực tế thiệt hại đã xảy ra thì chủ thể nào sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường? Giải pháp pháp lý có thể tính tới là: (i) “người bị thiệt hại phải chịu” (tức là coi việc bị thiệt hại là điều rủi ro không may, ai bị thì ráng chịu!!!); (ii) “người gây thiệt hại phải chịu” (tức là theo nguyên lý nhân – quả: người gây thiệt hại thì phải bồi thường); (iii) “người thứ ba sẽ phải gánh chịu” (đây có thể là giải pháp như: nhà nước hoặc quỹ bồi thường phải gánh chịu). Kinh tế học pháp luật cho rằng, nếu người bị thiệt hại phải gánh chịu thì đây quả là giải pháp sai lầm vì như thế pháp luật đã vô tình khuyến khích những hành vi vô trách nhiệm trong xã hội. Tất nhiên, nếu nạn nhân cũng có lỗi trong việc gây thiệt hại thì việc buộc nạn nhân chịu phần thiệt hại tương ứng với lỗi của mình lại là giải pháp hợp lý. Đối với giải pháp người gây thiệt hại phải gánh chịu việc bồi thường, nói chung, kinh tế học pháp luật coi giải pháp này là hợp lý. Sở dĩ như vậy là vì theo phương án này, thông điệp của pháp luật đối với người vi phạm trở nên rất rõ ràng, đó là “trong các ứng xử, cá nhân, tổ chức phải cẩn trọng với hành vi của chính mình”. Tất nhiên, nếu người gây thiệt hại thuộc vào trường hợp họ không có tự do trong việc chọn lựa khả năng ứng xử (ví dụ bị cưỡng bức tới mức tê liệt ý chí để buộc phải gây thiệt hại) thì người gây thiệt hại có thể được miễn trách nhiệm bồi thường. Giải pháp buộc bên thứ ba đứng ra bồi thường trong nhiều trường hợp cũng được kinh tế học pháp luật coi là hợp lý khi mà việc bên thứ ba đứng ra bồi thường đó có tác dụng có lợi hơn cho phía nạn nhân. Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế học pháp luật, bên thứ ba đứng ra bồi thường chỉ là giải pháp có tính chất tình thế và ngoại lệ vì nếu không cẩn thận pháp luật sẽ vô tình ủng hộ các ứng xử thiếu cẩn trọng, thiếu trách nhiệm của các thành viên trong cộng đồng xã hội.

 

3.2.5. Kinh tế học về trách nhiệm sản phẩm (product liability)

Nội Dung Chính

          Trách nhiệm sản phẩm hiểu theo nghĩa chung nhất là chế định pháp luật theo đó, nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà cung cấp, người bán lẻ và những người khác cung cấp sản phẩm (hàng hoá, dịch vụ) cho công chúng bị buộc phải chịu trách nhiệm về các thiệt hại do sản phẩm của mình cung ứng gây ra trong quá trình tiêu dùng.

          Như vậy, trách nhiệm sản phẩm có một số đặc điểm quan trọng sau đây: Thứ nhất, đó là trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà cung ứng sản phẩm. Thứ hai, đó là một loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Thứ ba, thiệt hại được bồi thường là thiệt hại phát sinh trong quá trình tiêu dùng sản phẩm.

          Cũng giống như các loại quy định về trách nhiệm bồi thường, trách nhiệm sản phẩm là hệ thống các quy tắc phân bổ thiệt hại trong xã hội giữa các chủ thể có liên quan khi xảy ra thiệt hại. Vấn đề cơ bản của chế định này cần giải quyết là: khi xảy ra thiệt hại từ quá trình tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ đã được nhà sản xuất, nhà cung ứng sản phẩm, dịch vụ bán, thì ai sẽ phải chịu bồi thường: nhà sản xuất, nhà phân phối hay người tiêu dùng sản phẩm?

          Bản thân áp lực cạnh tranh trên thị trường cũng khiến nhiều nhà sản xuất tự đưa ra những cam kết của mình trong việc giải quyết vấn đề này. Chẳng hạn, ở Việt Nam đã từng có nhà kinh doanh gas hứa sẽ bồi thường cho người bị tai nạn do nổ bình gas với số tiền được bảo hiểm lên tới 1 tỷ đồng cho mỗi vụ tai nạn. Không ít nhà sản xuất đưa ra cam kết bảo hành sản phẩm trong thời hạn 1 năm v.v.

          Tuy nhiên, kinh nghiệm lịch sử của các quốc gia có nền kinh tế thị trường cho thấy áp lực cạnh tranh thường không đủ để đảm bảo rằng nhà sản xuất, nhà phân phối có các ứng xử đảm bảo sự hài hoà về lợi ích giữa nhà sản xuất, phân phối với người tiêu dùng. Chính vì thế, các quốc gia thường có các quy định pháp luật để giải quyết vấn đề này. Tuy nhiên, mỗi quốc gia có một cách giải quyết khác nhau.

          Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đi tiên phong trong việc xây dựng và hoàn thiện chế định trách nhiệm sản phẩm.[65]

          Trước thế chiến thứ II, đặc biệt là trong thế kỷ 19, do chịu ảnh hưởng bởi học thuyết nhà nước không can thiệp vào các quan hệ thị trường (laisez-faire)[66], vấn đề trách nhiệm sản phẩm được giải quyết theo phương châm “caveat emptor” (tức là: hãy để người mua hàng hoá tự ý thức và quyết định). Theo nguyên tắc này, người mua hàng hoá có trách nhiệm tự kiểm tra chất lượng hàng hoá, nếu đồng ý mua hàng hoá, thì sẽ chịu mọi rủi ro từ quá trình tiêu thụ hàng hoá trừ khi người bán có cam kết khác (tức là trừ khi người bán có cam kết mang tính bảo hành). Thêm vào đó, người chịu thiệt hại từ quá trình tiêu thụ hàng hoá nếu không có quan hệ hợp đồng với người bán sẽ không được hưởng bất cứ hình thức bồi thường nào từ phía người bán.[67]

          Tuy nhiên, cùng với quá trình công nghiệp hoá và chuyên môn hoá, hàm lượng tri thức chuyên ngành trong mỗi sản phẩm ngày càng sâu, chuỗi phân phối sản phẩm ngày càng lớn đặt người mua hàng hoá trước rủi ro không thể tự kiểm tra chất lượng hàng hoá bằng các hiểu biết thông thường và rất khó quy kết trách nhiệm đối với nhà sản xuất. Điều này cho thấy, nền kinh tế càng hiện đại, người tiêu dùng càng trở nên ở vị trí yếu thế so với nhà sản xuất, phân phối. Trên thực tế, đã có nhiều vụ việc trong đó nhà sản xuất, phân phối đã lạm dụng vị thế của mình, xâm hại quyền lợi của người tiêu dùng. Thực tiễn ấy đã làm nảy sinh một phong trào rộng lớn ở Hoa Kỳ những năm 1950 và 1960 đó là phong trào bảo vệ người tiêu dùng. Từ chỗ là vấn đề kinh tế, việc bảo vệ người tiêu dùng đã trở thành vấn đề chính trị. Đây là nguyên nhân vì sao vào những năm 1960, chính quyền của tổng thống J. Kennedy thấy cần có những biện pháp cụ thể để đảm bảo tính công bằng trong giao dịch giữa nhà sản xuất, phân phối với người tiêu dùng. Năm 1962, trong một bài diễn văn đọc trước Nghị viện, Tổng thống J. Kennedy đã đề cập đến việc cần phải có các đạo luật ghi nhận 4 quyền năng cơ bản của người tiêu dùng bao gồm: (1) quyền được an toàn, (2) quyền được lựa chọn, (3) quyền được lắng nghe, (4) quyền được thông tin[68]. Tinh thần ấy được chia sẻ bởi nhiều Toà án ở các bang khi phải giải quyết các vụ kiện tụng liên quan đến trách nhiệm sản phẩm của doanh nghiệp. Kết quả là, trong vụ Greenman v. Yuba Power Products, 59 Cal. 2d 57 (1963) ở Bang California, Toà án bang California đã chính thức áp dụng nguyên tắc nhà sản xuất phải bồi thường thiệt hại cho bất cứ thiệt hại nào do những khuyết tật trong sản phẩm gây ra cho người tiêu dùng bất kể nhà sản xuất không có lỗi trong việc tạo ra khuyết tật đó. Nguyên tắc này còn gọi là nguyên tắc áp dụng trách nhiệm nghiêm ngặt (strict liability) trong việc xác định trách nhiệm sản phẩm của nhà sản xuất, phân phối. Năm 1965, tinh thần của nguyên tắc trên đã lần đầu tiên được ghi nhận trong Điều 402A của Bản quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (phiên bản 2) (The Restatement (Second) of Torts) do Viện luật Hoa Kỳ (The American Law Institute) soạn thảo. Tuy nhiên, theo tinh thần của Điều 402 A, người bị thiệt hại có thể tiến hành khởi kiện đòi bồi thường đối với bất cứ ai trong chuỗi phân phối từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ sản phẩm cho người tiêu dùng. Ngoài ra, ngay cả khi người bị thiệt hại không phải là người trực tiếp mua sản phẩm thì người bị thiệt hại vẫn có quyền tiến hành khởi kiện khi người này đã tiêu dùng sản phẩm và gánh chịu thiệt hại. Trong lần sửa đổi Bản quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại gần đây nhất (phiên bản 3 năm 1998), tinh thần của Điều 402A tiếp tục được kế thừa.

          Cách tiếp cận kể trên cũng được chia sẻ bởi nhiều quốc gia công nghiệp phát triển. Trong số đó phải kể đến Úc (trong Luật về các hành vi thương mại năm 1976), Anh Quốc (năm 1987), Nhật (năm 1994). Một điểm rất đáng lưu ý là, chia sẻ với cách tiếp cận của Hoa Kỳ về việc cần bổ sung nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt như là một nội dung của pháp luật về trách nhiệm sản phẩm, ngày 25 tháng Bảy năm 1985, Cộng đồng kinh tế châu Âu đã ban hành Chỉ thị về Trách nhiệm sản phẩm số 85/374/EEC với quy định tương tự như quy định của Hoa Kỳ. Chỉ thị tuyên bố rằng “trách nhiệm nghiêm ngặt được áp dụng đối với nhà sản xuất là phương tiện duy nhất để giải quyết một cách đầy đủ vấn đề, do tính đặc thù của thời đại kiến thức kỹ thuật ngày càng chuyên sâu, việc đánh giá các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến sản phẩm là rất khó khăn cho người tiêu dùng.” Tuy nhiên, Chỉ thị cũng cho phép mỗi quốc gia thành viên chọn lựa việc áp dụng trách nhiệm ở mức không quá 70 triệu Euro cho mỗi khuyết tật.

          Với những sự thay đổi về mặt lịch sử như vậy, hiện nay, chế định trách nhiệm sản phẩm bao gồm 3 bộ phận cấu thành:

          – Chế độ bảo hành sản phẩm;

          – Chế độ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khi nhà sản xuất có lỗi;

          – Chế độ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ngay cả khi nhà sản xuất, phân phối không có lỗi.

Mỗi loại vụ kiện truy cứu trách nhiệm sản phẩm đòi hỏi các tình tiết cần chứng minh khác nhau để đảm bảo vụ kiện thành công.

a. Chế độ bảo hành

Nếu nguyên đơn khởi kiện theo chế độ bảo hành, nguyên đơn và bị đơn phải có quan hệ hợp đồng với nhau.

Cần lưu ý rằng, chế độ bảo hành ở các quốc gia công nghiệp phát triển được hiểu theo nghĩa rất rộng theo đó khi bán một loại sản phẩm, nhà sản xuất, phân phối phải đảm bảo rằng sản phẩm ấy đáp ứng những yêu cầu như:

– Sản phẩm ấy phải đảm bảo đúng như mô tả mà người bán hàng đã cam kết với người mua (về các thuộc tính của hàng hoá, công dụng của hàng hoá, màu sắc, kiểu dáng của hàng hoá v.v.);

– Sản phẩm ấy phải tuân theo đúng sản phẩm mẫu nếu như việc bán hàng được thực hiện theo sản phẩm mẫu;

– Sản phẩm ấy phải có những tính năng, chất lượng mà người tiêu dùng thông thường kỳ vọng v.v.

– Sản phẩm ấy phải tuân thủ đầy đủ các cam kết khác mà người bán đã hứa với người mua.

Sau khi đã mua hàng hoá và sử dụng, người tiêu dùng thấy sản phẩm không đáp ứng được các nội dung bảo hành kể trên, người tiêu dùng có thể yêu cầu người bán đổi, trả lại hàng hoặc yêu cầu sửa chữa và đòi bồi thường thiệt hại.

b. Chế độ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng khi nhà sản xuất, phân phối có lỗi (bất cẩn)

          Việc khởi kiện đòi bồi thường trong trường hợp này không đòi hỏi người tiêu dùng phải có quan hệ hợp đồng với nhà sản xuất, phân phối.

          Trong một vụ kiện theo chế độ bồi thường này, nguyên đơn phải chứng minh 4 yếu tố:

–        Sự tồn tại của một nghĩa vụ (a duty owed);

–        Sự vi phạm nghĩa vụ (a breach of that duty);

–        Sự tồn tại của thiệt hại (thương tổn) (an injury);

–        Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại (the breach caused the plaintiff’s injury).

          Việc khởi kiện theo chế độ bồi thường thiệt hại theo chế độ này thường dựa trên 1 trong 4 trường hợp sau:

          – Nguyên đơn chứng minh rằng bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng trong quá trình sản xuất (chẳng hạn, bị đơn có nghĩa vụ đương nhiên rằng không được đưa các chất độc hại cho người tiêu dùng vào sản phẩm, tuy nhiên trên thực tế, bị đơn đã làm việc này).

          – Nguyên đơn chứng minh rằng bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng trong việc kiểm tra chất lượng hàng hoá vì bị đơn đã không thực hiện các hoạt động kiểm tra cần thiết và vì thế không loại bỏ được những sản phẩm không an toàn cho người tiêu dùng trước khi đưa sản phẩm vào lưu thông, chính vì thế nguyên đơn đã bị thiệt hại;

          – Nguyên đơn chứng minh rằng bị đơn đã không ghi đầy đủ những lời cảnh báo cần thiết và do đó, khi sử dụng sản phẩm, dù đã tuân theo các lời chỉ dẫn và cảnh báo, người tiêu dùng vẫn bị thiệt hại;

          – Nguyên đơn chứng minh rằng bị đơn đã vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng trong việc thiết kế sản phẩm, vì lý do đó, đã để lọt các sản phẩm có lỗi thiết kế không an toàn cho người tiêu dùng.

          Trong thực tế, vụ kiện có thể thành công ngay cả khi sản phẩm được sử dụng một cách sai lạc bởi người tiêu dùng, miễn là sự sử dụng sai lạc đó có thể lường trước bởi nhà sản xuất (hoặc một trong các bên trong chuỗi cung ứng sản phẩm).

          Trên thực tế, do hầu hết các chứng cứ chứng minh lỗi của nhà sản xuất, phân phối lại nằm trong tay của chính những nhà sản xuất, phân phối này, nên người tiêu dùng gặp khá nhiều khó khăn trong việc quy lỗi của nhà sản xuất, phân phối. Để giảm bớt những khó khăn này, Toà án ở một số quốc gia đã chấp nhận việc suy đoán lỗi của nhà sản xuất, phân phối trong một số trường hợp nhất định. Chẳng hạn, việc vi phạm quy định pháp luật về đảm bảo an toàn sản phẩm, vi phạm quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm thì nhà sản xuất, phân phối đó đương nhiên là có lỗi trong việc gây ra thiệt hại cho người tiêu dùng.

          Tuy nhiên, ngay cả như vậy, việc chứng minh trên thực tế cũng không hề đơn giản. Đó là lý do vì sao các vụ kiện về trách nhiệm sản phẩm thường được tiến hành không phải dựa trên việc quy kết lỗi của nhà sản xuất, phân phối mà dựa theo việc áp dụng nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt (strict liability).

          Như đã nói ở phần trước, theo nguyên tắc trách nhiệm nghiêm ngặt, nhà sản xuất, phân phối sẽ bị quy kết trách nhiệm bồi thường ngay cả khi nhà sản xuất, phân phối không có lỗi trong việc gây ra thiệt hại miễn là sản phẩm do những người này cung ứng có khuyết tật. Chế độ trách nhiệm này cho phép người tiêu dùng bị tổn thương nhưng khó chứng minh được lỗi của nhà sản xuất về khâu sản xuất hoặc thiết kế vẫn có thể đòi bồi thường. Chế độ trách nhiệm này được giả định rằng: nhà sản xuất, với tư cách là người có tiềm lực tài chính giàu mạnh, tốt hơn hết là phải gánh chịu trách nhiệm đối với sản phẩm và phải cân nhắc, tính chi phí này vào giá thành sản phẩm. Thông qua đó, xã hội hình thành cơ chế phân phối rủi ro cho nhiều người trong xã hội.

Nhà sản xuất, thường được hiểu bao gồm bất cứ ai mà: là người sản xuất ra một thành phẩm, nguyên liệu thô hoặc thành phần của thành phẩm; người chế biến các nông phẩm (đặc biệt là các loại cây, gia cầm, cá v.v.); nhận mình là nhà sản xuất bằng cách gắn tên, nhãn hiệu của mình lên sản phẩm; nhập khẩu sản phẩm vào nước mình để bán cho người khác; người đã cung cấp sản phẩm khi mà sản phẩm ấy không xác định được ai là người sản xuất.

Khuyết tật là bất cứ cái gì làm cho sản phẩm không mang lại sự an toàn cho người tiêu dùng như dự kiến.

Tuy nhiên, do việc áp dụng trách nhiệm nghiêm ngặt đối với nhà sản xuất chuyển gánh nặng tài chính từ người bị thiệt hại sang nhà sản xuất, nên để chế độ trách nhiệm này không bị lạm dụng, trong các vụ kiện về trách nhiệm sản phẩm theo nguyên tắc không xét lỗi, bị đơn có thể sử dụng các lời biện hộ sau để miễn, giảm trách nhiệm của mình:

– Bị đơn chứng minh được rằng bị đơn không đưa sản phẩm đó vào lưu thông.

– Bị đơn chứng minh được rằng khuyết tật của sản phẩm không phát sinh trong quá trình sản xuất mà nó phát sinh sau khi đã đưa sản phẩm vào lưu thông.

– Bị đơn chứng minh được rằng sản phẩm được sản xuất không phải để kinh doanh;

– Bị đơn chứng minh được rằng khuyết tật phát sinh là phù hợp với quy định của pháp luật;

– Bị đơn chứng minh được rằng trình độ khoa học và công nghệ tại thời điểm đưa sản phẩm vào lưu thông không đủ để có thể phát hiện ra khuyết tật.

Ngoài ra, một điểm cần lưu ý là, nếu thiệt hại được gây ra cũng có một phần lỗi của nguyên đơn (do bất cẩn), thì tiền bồi thường cũng được miễn giảm tương ứng với mức lỗi của nguyên đơn.

Lý do của việc duy trì trách nhiệm nghiêm ngặt là gì? Các nhà kinh tế học pháp luật có nhiều cách lập luận khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết các nhà kinh tế học pháp luật cho rằng: đó là yếu tố thúc đẩy nhà sản xuất “nội sinh hoá” các chi phí ngoại ứng gây ra cho xã hội. Bằng cách quy kết trách nhiệm của nhà sản xuất đối với các loại thương tổn (thiệt hại) do sản phẩm gây ra, nhà sản xuất buộc phải tính toán, ở mức cao nhất có thể những thiệt hại mà sản phẩm có thể gây ra khi quyết định nên hay không nên sản xuất một sản phẩm, sản xuất theo cách nào (công nghệ nào) và với số lượng bao nhiêu. Nếu thiệt hại được nội sinh ấy lớn tới mức nhà sản xuất không còn lợi nhuận khi sản xuất sản phẩm ấy thì nhà sản xuất sẽ chấm dứt việc sản xuất hoặc buộc phải định giá cao hơn để chỉ có một số người tiêu dùng nhất định sẵn sàng trả giá cao mới có thể mua được. Theo cách này, trách nhiệm nghiêm ngặt tạo ra một cơ chế đảm bảo rằng mặt tốt của sản phẩm cung ứng cho xã hội lớn hơn mặt nguy hại mà sản phẩm ấy gây ra cho xã hội.

Thêm vào đó, những người ủng hộ việc duy trì chế độ trách nhiệm nghiêm ngặt do khuyết tật của sản phẩm còn lập luận rằng duy trì trách nhiệm nghiêm ngặt là khôn ngoan bởi khi cả 2 bên đều không có lỗi thì một bên vẫn phải chịu thiệt hại. Họ lập luận rằng, sẽ là phù hợp hơn nếu đặt trách nhiệm đó để cho nhà sản xuất giải quyết vì nhà sản xuất có thể bảo hiểm rủi ro này bằng cơ chế tích hợp vào chi phí và giá thành sản phẩm. Trong trường hợp đó, nhà sản xuất trở thành người bảo hiểm của người tiêu dùng bị thiệt hại bởi sản phẩm có khuyết tật mà tiền bảo hiểm đã được người tiêu dùng trả.

Một lập luận có liên quan nữa phát sinh từ thực tế là việc phân bổ thông tin về một sản phẩm bất kỳ luôn có tính chất không cân xứng; nhà sản xuất sản phẩm thì luôn ở vị thế biết rõ hơn về những nguy cơ tiềm tàng mà sản phẩm có thể gây ra cho người tiêu dùng. Chính vì thế, để thực thi được chính sách công về tối thiểu hoá các loại thiệt hại, sẽ là điều hợp lý hơn nếu gắn trách nhiệm phát hiện và sửa chữa những nguy hiểm đó vào nhà sản xuất thay cho việc gắn trách nhiệm phát hiện các nguy cơ và tránh các sản phẩm không an toàn đó cho người tiêu dùng. Những lập luận này thường được đề cập trong các vụ việc có khuyết tật về lỗi thiết kế và lỗi cảnh báo. Với trường hợp có khuyết tật liên quan đến các lỗi sản xuất, nói chung lý do này ít được đưa ra để lập luận vì loại nguy cơ đó cũng khó có thể lường bởi chính nhà sản xuất do bản thân nhà sản xuất đã hành xử một cách cẩn trọng.

Người chỉ trích thì cho rằng việc áp đặt chế độ trách nhiệm sản phẩm sẽ là yếu tố khuyến khích các hành vi lạm dụng hoặc sử dụng sai lạc sản phẩm (nhất là trong các vùng lãnh thổ mà việc sử dụng sai lạc sản phẩm không phải là một lý do để miễn trừ trách nhiệm của nhà sản xuất) và tạo ra vấn đề rủi ro đạo đức đối với phần người mua tiềm năng. Lập luận rằng người tiêu dùng sẽ được bồi thường bất kể mức độ cẩn trọng của họ đến đâu khi sử dụng sản phẩm, những người chỉ trích cho rằng người tiêu dùng sẽ không thực hiện đủ sự cẩn trọng cần thiết ngay cả khi mà họ là người cố gắng tránh các loại chi phí, vì thế, dẫn tới tổng mức cẩn trọng của người tiêu dùng sẽ thấp hơn mức quy định trong tiêu chuẩn về sự cẩn trọng thông thường.

Trong khi những người tán đồng chế định này cho rằng nhà sản xuất có thể đưa chi phí vào trong giá thành sản phẩm như là một biện pháp bảo hiểm, những người phản đối lập luận rằng quan điểm vừa nêu là không hiểu biết về khoa học kinh tế và chỉ có giá trị ở những vùng, lĩnh vực mà ở đó đường cầu không co giãn. Do tác động của chế định trách nhiệm nghiêm ngặt, nhà sản xuất không thể sản xuất ra mức sản lượng tối ưu xét từ góc độ xã hội. Đặc biệt là với các khu vực, lĩnh vực mà đường cầu có tính co giãn, nơi mà ứng xử của người tiêu dùng rất nhạy cảm với biến động giá cả, nhà sản xuất không thể chuyển các chi phí bảo hiểm đó cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, vì người tiêu dùng không sẵn sàng thanh toán cho khoản bảo hiểm này, người ủng hộ trách nhiệm nghiêm ngặt sẽ lập luận rằng đây là bằng chứng của một sản phẩm mà thiệt hại của nó vượt quá những ích lợi của nó, chính vì thế, sản phẩm ấy nên bị loại bỏ khỏi thị trường.

Những người chỉ trích cũng lập luận rằng trách nhiệm sản phẩm sẽ dẫn tới chi phí giao dịch cao hơn. Ví dụ, đó là phải làm cho nhà sản xuất gắn kèm với sản phẩm một tuyên bố pháp lý về sản phẩm – điều mà sẽ không cần thiết đối với một người bình thường – kiểu việc phải ghi rằng “đây là sản phẩm không dùng cho con người” (gắn trên các loại thực phẩm dành cho gia súc, gia cầm, vật nuôi v.v hoặc thậm chí là một số sản phẩm không phải là thực phẩm cũng có hướng dẫn này). Điều này sẽ làm lãng phí thời gian và nguồn lực cho nhà sản xuất khi phải đưa cảnh báo này vào, từ đó làm giảm thặng dư của nhà sản xuất từ hoạt động thương mại. Điều này cũng làm giảm thặng dư của người tiêu dùng từ hoạt động thương mại vì những người tiêu dùng bình thường phải đọc cả những hướng dẫn không cần thiết, khi mà khả năng sử dụng sai lệch sản phẩm là hầu như không xảy ra ngay cả khi không đọc các lời hướng dẫn.

            Ngoài ra, trách nhiệm nghiêm ngặt còn góp phần giảm chi phí tố tụng vì nguyên đơn chỉ cần chứng minh mối quan hệ nhân quả, không cần phải chứng minh lỗi bất cẩn của nhà sản xuất, phân phối. Khi tình tiết vụ án cho thấy rõ ràng là, sản phẩm gây ra thiệt hại của phía nguyên đơn, các bên thường có xu hướng muốn dàn xếp vụ kiện ngoài toà án vì như thế giảm được các vụ kiện khác.

 

 

 

3.2.6. Kinh tế học và vấn đề bảo vệ môi trường

Pháp luật bảo vệ môi trường nói chung rất quan tâm tới vấn đề công lý môi trường hay công bằng trong hoạt động của con người có tác động xấu tới môi trường.

Kinh tế học pháp luật, dựa trên các lý luận nền tảng về kinh tế học phúc lợi và kinh tế học môi trường đã luận giải sự cần thiết của việc ban hành các đạo luật về bảo vệ môi trường.

Các đạo luật về bảo vệ môi trường, dưới góc nhìn của kinh tế học pháp luật là các công cụ cần thiết của nhà nước để khắc phục một loại khuyết tật trong hoạt động của cơ chế thị trường đó là khuyết tật về ô nhiễm.

            Thực tế hoạt động của các doanh nghiệp, của các cá nhân và hộ gia đình trong nền kinh tế đều phải đối mặt với vấn đề gây ô nhiễm. Mọi hoạt động sản xuất, tiêu dùng đều có ô nhiễm. Quá trình sản xuất được hiểu là quá trình biến các sản phẩm nguyên vật liệu đầu vào thành các thành phẩm đầu ra hữu ích cho con người. Tuy nhiên, cho đến nay, không có công nghệ nào biến được hoàn toàn mọi nguyên vật liệu đầu vào để chỉ tạo ra các sản phẩm hữu ích cho con người mà không có các phế phẩm, sản phẩm phụ, các chất thải.

            Nhà máy nhiệt điện không chỉ biến than thành điện mà còn biến than thành hàng ngàn tấn khí thải khá độ hại (CO2, SO2 v.v. là các chất khi bay lên không trung kết hợp với nước và các chất khác có thể tạo ra hiện tượng mưa axit).

            Nhà máy sản xuất bột giấy không chỉ biến gỗ thành giấy mà còn cùng với đó là sản sinh ra hàng loạt nước thải độc hại gây ô nhiễm môi trường.

            Bản thân quá trình sinh hoạt, tiêu dùng của con người cũng phát sinh nhiều loại chất thải độc hại. Mỗi năm, chỉ tính lượng rác thải sinh hoạt ở các đô thị lớn mà các công ty vệ sinh môi trường thu gom được, con số cũng đã ở vào mức hàng triệu tấn.

            Một điều rất đáng lưu ý là tự chất thải nếu không được phát tán ra môi trường thì nói chung không gây nhiều tác hại lắm. Nhưng khi chất thải đã được phát tán ra môi trường, không có sự xử lý, kiểm soát, tác hại của chất thải thực sự không thể lường hết.

            Môi trường bị ô nhiễm liên quan tới hàng loạt vấn đề mà con người phải gánh chịu. Không khí bị ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống hô hấp của con người, làm phát sinh các loại bệnh tật về phổi, phế quản và các bệnh nguy hiểm khác. Nước bị ô nhiễm khi được sử dụng để tưới cho các loại rau quả sẽ làm cho rau quả bị nhiễm độc, rất nguy hiểm cho con người khi tiêu thụ. Nước bị ô nhiễm còn khiến cho các loài sinh vật không thể sinh sống được từ đó hình thành nên các “dòng sông chết”, “hồ chết”, “cánh đồng chết” mà nhiều quốc gia đã chứng kiến.

            Vậy vấn đề ở đây là gì?

            Sự thực là, ở nhiều quốc gia, môi trường đang ngày càng bị tàn phá. Chất lượng môi trường bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống của nhiều người dân.

            Thực tế đó đòi hỏi cộng đồng xã hội phải có biện pháp ngăn chặn nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững. Cộng đồng xã hội ở đây trước hết phải được hiểu đó là nhà nước – tổ chức đại diện của cả một quốc gia, vùng lãnh thổ.

            Kinh tế học pháp luật chỉ dẫn rằng: vấn đề môi trường chỉ là hệ quả của các xung đột lợi ích trong xã hội. Nếu coi môi trường là loại hàng hoá khan hiếm. Môi trường trong sạch không tự nhiên mà có và không phải là thứ luôn sẵn có hoặc bất khả xâm phạm thì con người cần biết qúy trọng nó. Kinh tế học pháp luật cho rằng, trước tiên, cần thay đổi quan niệm về môi trường. Môi trường trong sạch (chẳng hạn không khí sạch, nước sạch) trong một thời gian dài được nhiều người nghĩ đó là thứ “sẵn có”, “tự nhiên”, “vô tận”, dùng “thoải mái” và “miễn phí”. Mọi người đều có quyền tự do khai thác các nguồn lực của môi trường mà không bị hạn chế. Nhưng rõ ràng là, “môi trường trong sạch” không phải thứ miễn phí, không phải là thứ vô tận. Môi trường trong sạch cũng là một loại hàng hoá. Chúng là hàng hoá khan hiếm hay nguồn lực khan hiếm. Muốn có được nó, con người phải “trả tiền” cho nó.

            Vậy là kinh tế học pháp luật ủng hộ quan điểm rằng “môi trường trong sạch” – thứ môi trường có lợi cho hoạt động của con người, giúp con người sống khoẻ mạnh – là một thứ nguồn lực khan hiếm cần quản lý, giữ gìn và bảo vệ.

            Tuy nhiên, không chỉ dừng ở đó, kinh tế học pháp luật còn chỉ ra nguyên nhân của tình trạng xuống cấp của môi trường.

            Nguyên nhân đó, như các nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã khẳng định, đó chính là do hành vi sử dụng, khai thác bất hợp lý môi trường của con người gây ra. Không dừng ở đó, kinh tế học pháp luật cho rằng, vấn đề môi trường chỉ là hệ quả của sự xung đột lợi ích trong ứng xử của con người với môi trường, với xã hội.

            Theo thói quen cũ, theo quan niệm cũ, khi môi trường không được coi là nguồn lực khan hiếm, con người đã không coi nó như một “nguồn lực đầu vào” của quá trình sản xuất, sinh hoạt của mình. Chính vì thế, trong các hàm số sản xuất mà doanh nghiệp thực hiện, doanh nghiệp không tính tới cái gọi là “chi phí môi trường” (những tổn hại mà hoạt động của doanh nghiệp gây ra cho môi trường).

            Khi không tính tới “chi phí môi trường”, các chủ thể, với động lực tối đa hoá lợi ích, đã không ngần ngại có các hành vi khai thác quá mức môi trường.

            Kinh tế thị trường, với tác động của quy luật cạnh tranh, tạo ra sức ép buộc các doanh nghiệp phải “cắt giảm chi phí sản xuất”. Điều đó có tác dụng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào việc phát minh công nghệ mới, cải tiến quy trình quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, tác động này sẽ bị giảm đi nếu như “chi phí môi trường” không được tính vào “chi phí sản xuất” của doanh nghiệp. Nói cách khác, doanh nghiệp cắt giảm chi phí sản xuất bằng cách không quan tâm tới công tác bảo vệ môi trường. Kết cục là, doanh nghiệp sản xuất càng nhiều, giá thành càng giảm, thì môi trường càng bị tàn phá.

            Điều nghịch lý ở đây là: chi phí môi trường không đương nhiên kết chuyển vào chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Nói cách khác, các tổn hại về môi trường mà doanh nghiệp gây ra không đương nhiên quay lại tác động trực tiếp lên hành vi của doanh nghiệp. Thay vào đó, các tổn hại này được phát tán cho cộng đồng dân cư ở xung quanh, những người không nhất thiết được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động của doanh nghiệp. Vậy là, ở đây đã nảy sinh tình trạng mà dân gian thường gọi là “quýt làm cam chịu”. Chi phí môi trường mà doanh nghiệp tạo ra đã không kết chuyển trở lại cho doanh nghiệp mà được phân bổ cho người khác. Nói cách khác, ở đây, đã nảy sinh mâu thuẫn lợi ích giữa doanh nghiệp với cộng đồng xung quanh về việc bảo vệ môi trường.

            Nếu những mâu thuẫn này tiếp tục được dung dưỡng và bỏ qua, tình trạng môi trường bị tàn phá sẽ ngày càng nghiêm trọng.

            Gợi ý của kinh tế học pháp luật trong vấn đề bảo vệ môi trường là gì?

Xuất phát từ chức năng giải quyết các mâu thuẫn, xung đột lợi ích trong xã hội của pháp luật, các nhà kinh tế học pháp luật cho rằng: tình trạng “quýt làm cam chịu” kể trên cần phải được khắc phục. Hướng khắc phục tối ưu nhất chính là làm thế nào đó để mọi chi phí môi trường mà doanh nghiệp làm phát sinh đều quay trở lại với doanh nghiệp. Nói cách khác, phải “nội sinh hoá chi phí môi trường” trong các hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo “kẻ gieo nhân nào thì phải gặt quả ấy một cách tương xứng”.

            Theo các nhà kinh tế học pháp luật, pháp luật bảo vệ môi trường “tốt” phải là pháp luật bảo vệ môi trường đáp ứng được yêu cầu ấy.

            Đây chính là nền tảng lý luận của nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” (polluters pay principle) mà pháp luật bảo vệ môi trường ở hầu hết các quốc gia trên thế giới hiện nay đang ứng dụng.

            Trên cơ sở những lý luận này, các nhà kinh tế học pháp luật đã đưa ra hàng loạt các khuyến nghị và luận giải xung quanh các chủ để trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như: việc sử dụng cô-ta phát thải, việc áp dụng thuế môi trường, phí bảo vệ môi trường, bảo hiểm trách nhiệm môi trường, áp dụng cơ chế thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực môi trường, việc áp dụng chế tài bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường v.v.

            Những thành quả lý luận ấy thực sự có giá trị tham khảo rất lớn đối với việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật bảo vệ môi trường – một vấn đề khá bức xúc ở nước ta hiện nay.

3.2.7. Kinh tế học và vấn đề giải quyết tranh chấp dân sự

Khi ban hành một văn bản quy phạm quy định quyền năng của các chủ thể trong xã hội không ít nhà làm luật tạm hài lòng với việc giả định rằng việc thực thi pháp luật để bảo vệ các quyền năng đó là rất đơn giản. Sự thực không phải vậy. Việc thực thi các quyền năng pháp luật trao đều là có tính “tốn phí” (costly). Khi quyền năng của một chủ thể bị xâm phạm, từ góc độ của người bị xâm phạm, vấn đề kiện hay không kiện/khiếu nại hay không khiếu nại sẽ được đặt ra.

            – Kiện hay không kiện?

            Khởi kiện hay không khởi kiện khi quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm là một vấn đề mà không ít cá nhân, tổ chức đã phải đối mặt trong thực tiễn đời sống. Câu trả lời sẽ là: hoặc là kiện (đeo đuổi vụ kiện) hoặc là bỏ qua. Vậy cái gì ẩn đằng sau câu trả lời này. Kinh tế học pháp luật cho rằng, ẩn sau quyết định đó là sự cân nhắc chi phí/lợi ích của người có quyền lợi bị xâm phạm. Là một người duy lý, nguyên đơn chỉ tiến hành khởi kiện khi: lợi ích thu được từ việc đeo đuổi vụ kiện lớn hơn các chi phí mà việc đeo đuổi vụ kiện sẽ phát sinh. Lưu ý rằng, tiền được bồi thường khi thắng kiện không đồng nghĩa với lợi ích thu được từ vụ kiện. Trước khi cân nhắc việc khởi kiện, nguyên đơn còn cân nhắc tới 1 yếu tố nữa là “xác suất thắng kiện”.

            Nhìn từ góc độ xã hội, khi xảy ra 1 vụ kiện, có thể có 3 chủ thể (nguyên đơn, bị đơn, và nhà nước (trực tiếp là Tòa án)) sẽ phải chịu chi phí từ vụ kiện. Kết cục của vụ kiện, nếu giả sử nguyên đơn thắng kiện, thì cả 3 người này đều vẫn mất một phần chi phí khi liên quan đến vụ kiện (mặc dù, một phần chi phí vụ kiện đã được chuyển từ nguyên đơn sang bị đơn, từ nhà nước sang bị đơn). Như vậy, hành vi khởi kiện của nguyên đơn, là hành vi gây ra chi phí cho thêm 2 chủ thể nữa là bị đơn và nhà nước. Có thể thấy rằng, chi phí khởi kiện của nguyên đơn và chi phí khởi kiện mà xã hội gánh chịu không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Chi phí khởi kiện mà xã hội gánh chịu luôn lớn hơn chi phí khởi kiện của cá nhân. Từ sự khác biệt ấy sẽ dẫn tới 2 khả năng: tỷ lệ khởi kiện quá thấp hoặc tỷ lệ khởi kiện quá cao.

            Từ góc độ của nguyên đơn, lợi ích cá nhân của nguyên đơn khi theo đuổi vụ kiện là tiền bồi thường từ việc thắng kiện (do nguyên đơn được hưởng). Nhưng lợi ích về mặt xã hội lại chính là khả năng “ngăn ngừa hành vi gây hại cho xã hội trong tương lai”. Ở đây lại tiếp tục phát sinh tình trạng không thống nhất về lợi ích giữa nguyên đơnxã hội. Cần lưu ý là, lợi ích nguyên đơn được hưởng kỳ thực không phải là lợi ích mà xã hội được hưởng bởi vì đó chỉ là phần lợi ích được dịch chuyển từ bị đơn sang nguyên đơn.

            Chẳng hạn, trong một vụ tai nạn giao thông, nguyên đơn bị thiệt hại về thân thể và tài sản ở mức 100 triệu đồng. Để tiến hành khởi kiện, nguyên đơn phải mất thời gian, công sức thu thập chứng cứ và đeo đuổi vụ kiện với trị giá là 30 triệu đồng. Nguyên đơn thuê luật sư và các chi phí phát sinh ngoài khác là 20 triệu đồng. Bị đơn phải tham gia vụ kiện cũng bị mất 30 triệu đồng tiền chi phí công sức đeo đuổi vụ kiện và 20 triệu đồng tiền phí thuê luật sư và các dịch vụ ngoài. Nhà nước phải bỏ ra 10 triệu đồng để cung cấp dịch vụ giải quyết vụ án… Tổng chi phí xã hội để giải quyết vụ việc này sẽ là 110 triệu.

Khi nghiên cứu hiện tượng kiện tụng từ góc độ kinh tế học pháp luật, có mấy điểm cần lưu ý là:

            – Thứ nhất, chi phí nguyên đơn sử dụng hệ thống kiện tụng luôn nhỏ hơn chi phí xã hội phải bỏ ra để quá trình kiện tụng ấy có thể vận hành.

            – Thứ hai, lợi ích nguyên đơn thu được từ vụ kiện thường khác với lợi ích xã hội thu được từ vụ kiện (như tác động răn đe của vụ kiện, việc tạo ra tiền lệ và việc bồi thường cho nạn nhân v.v). Những lợi ích xã hội này thường ít được người khởi kiện (nguyên đơn) để ý, cân nhắc hoặc khi có để ý, cân nhắc thì cách nhìn của họ cũng không hoàn toàn giống với cách nhìn của xã hội về những lợi ích đó.

            Một vấn đề đặt ra là: Nhà nước nên can thiệp hay không can thiệp vào việc thực hiện quyền khởi kiện của người dân?

            Do lợi ích của người khởi kiện và lợi ích của xã hội không trùng khớp nhau, có thể xảy ra tình trạng tính tích cực trong việc kiện tụng của dân chúng có thể là quá cao hoặc quá thấp. Cả hai thái cực đó đều có thể là lý do để nhà nước có biện pháp can thiệp cần thiết. Ví dụ: với trường hợp xảy ra kiện tụng quá mức, nhà nước có thể có các biện pháp để hạn chế việc khởi kiện (chẳng hạn, buộc nguyên đơn có nghĩa vụ chứng minh lớn hơn). Với trường hợp việc kiện tụng không xảy ra như mong đợi nhà nước có thể có những hình thức trợ cấp, hỗ trợ cần thiết (lĩnh vực tiêu dùng ở Việt Nam có thể thuộc trường hợp này…) (chẳng hạn, nhà nước có thể hạ thấp gánh nặng chứng minh cho nguyên đơn, nâng mức tiền bồi thường, thậm chí áp dụng mức bồi thường có tính chất trừng phạt, cho phép khởi kiện tập thể…).

            Tuy nhiên, việc can thiệp của nhà nước không phải là thứ can thiệp vô nguyên tắc. Trái lại nhà nước cần xác định được chính sách can thiệp tối ưu thông qua việc cân nhắc giữa 2 yếu tố: lợi ích xã hội của việc kiện tụng (tác động tốt của việc kiện tụng lên hành vi của người gây thiệt hại) với chi phí xã hội của việc kiện tụng.

            – Hoà giải hay xét xử?

            Trong thực tiễn của Hoa Kỳ, 96% vụ tranh chấp dân sự ở các bang được giải quyết bằng con đường hoà giải bởi Toà án mà không thực hiện việc xét xử (số liệu năm 1992) và 97% vụ tranh chấp dân sự ở cấp liên bang cũng được giải quyết bằng con đường hoà giải bởi Toà án chứ không thực hiện việc xét xử (số liệu năm 1995).[69]

            Khi đã đeo đuổi vụ kiện, ở bất cứ giai đoạn nào, các bên đều có thể tiến hành việc hoà giải để chấm dứt vụ kiện. Việc hoà giải này hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của các bên. Chính vì thế, cân nhắc chi phí/lợi ích của nguyên đơn trong việc nên hoà giải hay không là rất quan trọng. Các nghiên cứu kinh tế học pháp luật cho thấy việc chọn cách hoà giải hay xét xử là tùy thuộc vào từng trường hợp theo đó, nguyên đơn cân nhắc nên chấp nhận hoà giải (và được mức bồi thường thấp hơn mức mình yêu cầu nhưng lại chắc chắn) hay là khởi kiện (để có thể được mức bồi thường cao hơn mức được bồi thường nếu hoà giải nhưng sẽ mất thời gian hơn và chịu rủi ro về việc thua kiện…). Trong thực tiễn, thời điểm đạt được thoả thuận cũng là những số liệu khá thú vị bởi chúng rất đa dạng. Có vụ đạt được thoả thuận từ giai đoạn sớm, có vụ đạt được thoả thuận ở giai đoạn muộn hơn. Có vụ đạt được thoả thuận khi đang xét xử. Nguyên nhân của tình trạng này chính là việc quá trình hình thành sự đồng thuận của các bên được diễn tiến theo thời gian theo đó, càng có nhiều thời gian với nhau, sự chia sẻ thông tin về nhau các bên thường có niềm tin và nhận thức, sự đánh giá gần nhau hơn từ đó dễ đồng thuận hơn (ở đây, vấn đề thông tin không cân xứng đã dần dần được khắc phục…). Vấn đề mâu thuẫn lợi ích giữa chi phí cá nhân để đi tiếp trong vụ kiện với chi phí xã hội phải bỏ ra để theo đuổi vụ kiện. Nói chung, do các chi phí mà Toà án phải bỏ ra để giải quyết vụ kiện (trả lương cho thẩm phán và người hỗ trợ, thời gian của bồi thẩm đoàn v.v.) không được kết chuyển trực tiếp cho người khởi kiện (nguyên đơn) nên nguyên đơn không có động lực tiết kiệm các chi phí này. Tuy nhiên cũng cần lưu ý một điểm quan trọng rằng việc không đưa vụ án ra xét xử cũng có thể không có lợi cho xã hội vì việc hoà giải được tiến hành kín chính vì thế các hành vi sai trái đã không bị lên án (chẳng hạn, sản phẩm độc hại đã bị che giấu đi nếu vụ việc không được đưa ra xét xử…). Không có việc đưa ra xét xử thì cũng không thể tồn tại hệ thống luật án lệ được.

3.2.9. Kinh tế học tội phạm và luật hình sự

            Tội phạm và hình phạt là hai vấn đề chính trong pháp luật hình sự của mọi quốc gia trên thế giới. Tội phạm theo nghĩa thông thường được hiểu trong pháp luật hình sự là hành vi gây thiệt hại (hoặc đe dọa gây thiệt hại) cho xã hội và có mức độ nguy hiểm cao tới mức mà xã hội cần phải sử dụng các biện pháp chế tài nghiêm ngặt nhất (phạt tiền, phạt tù, tước các quyền nhân thân, thậm chí là tử hình) đối với chủ thể có hành vi phạm tội. Với tư cách là hành vi của con người, hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho xã hội thường chỉ được coi là tội phạm khi chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật có lỗi trong việc thực hiện hành vi của mình. Lỗi thường được hiểu là trạng thái tâm lý chủ quan của chủ thể vi phạm pháp luật tại thời điểm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong việc nhận thức về tính chất nguy hại của hành vi gây ra cho xã hội. Chủ thể mặc dù ý thức được các khả năng xử sự khác nhưng đã chọn lựa loại hành vi gây hại cho xã hội. Nói cách khác, lỗi trong luật hình sự được hiểu là khả năng nhận thức về tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi tội phạm. Một người thực hiện hành vi gây hại cho xã hội chỉ bị coi là tội phạm khi họ đã chọn lựa loại hành vi trong điều kiện họ có thể chọn lựa biện pháp hợp pháp khác. Nói cách khác, họ có điều kiện (tự do) để chọn lựa xử sự không gây hại cho xã hội nhưng trong thực tế họ đã chọn lựa cách xử sự mà xã hội không mong muốn – đó là xử sự gây hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho xã hội. Với tư cách là xử sự không có lợi cho xã hội như vậy, sự tồn tại của luật hình sự thường được coi là cách thức xã hội xây dựng cơ chế phòng vệ trước các xử sự bất lợi cho mình. Luật hình sự truyền đi một thông điệp rất rõ ràng cho xã hội đó là: trong điều kiện có tự do xử sự, các cá nhân, tổ chức không được phép thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội. Mạnh mẽ hơn thế nữa, sự tồn tại của luật hình sự còn hàm ý một thông điệp rằng hành vi gây thiệt hại cho xã hội bị coi là tội phạm cần phải bị răn đe, phòng ngừa. Chức năng răn đe, phòng ngừa được coi là một trong những chức năng chính mà luật hình sự đảm nhiệm khi xét từ góc độ nhìn nhận của kinh tế học pháp luật.[70] Quan tâm chủ yếu của kinh tế học pháp luật đối với lĩnh vực pháp luật hình sự là làm thế nào có thể thiết kế được cơ chế điều chỉnh hành vi của con người bằng pháp luật hình sự để có thể mang lại phúc lợi xã hội tối ưu (tức là giảm thiểu được những thiệt hại mà các hành vi phạm pháp luật hình sự có thể gây ra cho xã hội).[71]

            Về khái niệm tội phạm, các nhà kinh tế học pháp luật không trực diện đưa ra định nghĩa mới về tội phạm khác với định nghĩa được sử dụng trong khoa học luật hình sự. Thay vào đó, kinh tế học pháp luật dựa vào chính định nghĩa về tội phạm trong khoa học luật hình sự rồi đưa ra những phân tích, cách nhìn nhận riêng của mình để gợi ý cho công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm đạt hiệu quả cao hơn.

            Khác với những nhận thức thông thường, kinh tế học tội phạm cho rằng, tội phạm, trong đại đa số trường hợp (nhất là những trường hợp phạm tội với lỗi cố ý) là kết quả của sự chọn lựa duy lý. Nói cách khác, trong những trường hợp này, tội phạm là sản phẩm của sự cân nhắc, tính toán của người phạm tội. Với cách nhìn nhận đó, các nhà kinh tế học pháp luật cho rằng, để giảm thiểu ý định, động cơ phạm tội, điều quan trọng là phải thiết kế hệ thống chế tài  theo hướng làm nhụt chí người có ý định phạm tội. Theo các nhà kinh tế học pháp luật, để làm “nhụt chí” người có ý định phạm tội, có hai hướng tác động cơ bản: một là tăng cường hiệu quả phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đối với người phạm tội (mà điều quan trọng là tăng xác suất phát hiện, xử lý tội phạm, cố gắng làm sao mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời); hai là tăng hình phạt đối với người có hành vi phạm tội. Điều này được lý giải ở thực tế rằng việc tăng xác suất phát hiện tội phạm hoặc tăng hình phạt (trong bối cảnh các điều kiện khác giữ nguyên) sẽ được đối tượng có ý định phạm tội cân nhắc giữa bên bên sẽ phải trả một “giá” cao hơn nếu thực hiện hành vi phạm tội.[72] Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, nếu chỉ tăng hình phạt mà không cải thiện khả năng phát hiện và xử lý nghiêm minh hành vi phạm tội trong nhiều trường hợp xã hội sẽ thu được những hệ quả không mong muốn. Chẳng hạn, việc tăng hình phạt mà không có sự cải thiện đáng kể gì trong việc tăng khả năng trấn áp tội phạm rất có thể tạo ra động lực mới cho người phạm tội tìm cách trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật bằng những thủ đoạn ngày một tinh vi (thậm chí thực hiện cả các hành vi phạm pháp khác như hối lộ lực lượng phòng, chống tội phạm).

3.2.9. Kinh tế học và xây dựng pháp luật

Trong việc ứng dụng các tư tưởng của kinh tế học (nhất là trường phái kinh tế học thể chế) trong việc xây dựng pháp luật để phục vụ phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội, giáo sư Robert Seidman và Anne Seidman được coi là những người đi tiên phong. Điều đặc biệt là hầu như trong suốt cuộc đời mình, các tác giả đã dành tâm huyết để tìm ra con đường hợp lý nhất cho việc xây dựng pháp luật phục vụ các quốc gia đang phát triển. Tác giả cũng chủ trương chống lại xu hướng sao chép máy móc luật pháp của các nước phát triển để sử dụng cho các nước đang phát triển vì tin rằng việc sao chép luật của các nước phát triển đưa vào các nước đang phát triển nhằm giải quyết vấn đề tương tự là một lối suy nghĩ nguy hiểm. Theo tác giả, việc xây dựng luật pháp theo lối này không những không mang lại những kết quả như dự kiến mà thậm chí còn mang lại những tác dụng phụ rất tai hại.[73] Lý do của tình trạng này là do các nước đang phát triển hiểu sai về cơ chế sản sinh ứng xử của con người. Theo tác giả ứng xử của con người (đối tượng mà luật pháp hướng tới điều chỉnh để tạo ra một sự thay đổi dự kiến nào đó) là sản phẩm của không chỉ sự tác động từ các đòi hỏi của luật pháp mà còn bị tác động bởi vô vàn các yếu tố ràng buộc trong môi trường sống. Những ràng buộc này là duy nhất, không lặp lại ở các quốc gia.[74] Vì thế, cùng một tình huống giống nhau, đứng trước cùng một yêu cầu pháp luật như nhau, cách ứng xử của con người ở mỗi quốc gia có thể rất khác nhau.[75] Do vậy, vấn đề mấu chốt khi xây dựng pháp luật, là phải hiểu được rõ cơ chế ứng xử thực sự của các chủ thể trong xã hội mà luật pháp có ý định điều chỉnh. Đây là khía cạnh quan trọng phải tính tới ngay từ giai đoạn soạn thảo văn bản pháp luật.

Bằng các nghiên cứu thực tế của mình dựa trên những kiến thức của kinh tế học thể chế hiện đại cũng như rút tỉa từ kinh nghiệm lập pháp của các nước phát triển, các tác giả đề xuất một lý thuyết xây dựng pháp luật riêng với kỳ vọng rằng, các đạo luật tuân thủ các yêu cầu của lý thuyết này sẽ là các đạo luật có chất lượng, tức là có thể thi hành và mang lại những kết quả như dự kiến.

Vấn đề mấu chốt của việc soạn thảo luật phục vụ phát triển xã hội chính là phải tìm ra cách thức hợp lý (đã được chứng minh bằng lý trí và bằng chứng thực tế) để thay đổi hiện trạng xã hội, thay đổi các thói quen ứng xử, thay đổi chuỗi hành vi là nguyên nhân của tình trạng tồi tệ mà xã hội đang đối mặt[76]. Nói theo ngôn ngữ phổ thông ở Việt Nam, là phải chủ động gây dựng “nhân tốt” để có thể gặt được “quả tốt”. Các chính phủ ở các nước đang phát triển thường ưu tiên nguồn lực cho các dự án phát triển khác, mà vấn đề mấu chốt là cần phải thay đổi phương thức quản lý, vận hành chính các dự án đó, nói cách khác, cần thay đổi luật chơi thực sự (chứ không phải luật chơi trên giấy) thì lại không được chú trọng đầu tư nguồn lực. Hệ quả là, mọi dự án phát triển khác đều mang lại những kết quả hết sức méo mó so với dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, việc sản sinh ra các đạo luật tốt, nhằm thay đổi luật chơi thực sự cho xã hội không phải là quá trình tự động mà điều đó chỉ xảy ra với những điều kiện nhất định. Việc xây dựng các đạo luật theo ước muốn chính trị chủ quan, theo sự ngẫu hứng, tùy tiện đều dẫn tới những hệ quả tai hại hơn là những vấn đề được giải quyết[77].

Theo Seidmans, vấn đề xã hội chính là tập hợp của chuỗi các hành vi ứng xử của con người (cá nhân, tổ chức, cộng đồng). Chuỗi ứng xử này lại là sản phẩm có tính lịch sử lâu dài của chính xã hội nơi hiện diện những vấn đề cần giải quyết.[78] Vì vậy, luật pháp tốt phải là luật pháp tấn công trực diện vào những thói quen, nếp nghĩ, những ứng xử không phù hợp đó nhằm hướng tới sự thay đổi với kỳ vọng tạo ra những chuỗi ứng xử mới tốt đẹp hơn. Seidmans đề xuất một lý thuyết lập pháp gồm bốn giai đoạn như sau.[79]

Giai đoạn 1: Nhận diện thật kỹ những vấn đề cần giải quyết. Nói cách khác, khi xây dựng một đạo luật, điều đầu tiên phải làm đó là, nghiên cứu, xác định xem, dự luật này dự kiến giải quyết vấn đề xã hội gì? Quy mô của vấn đề xã hội ấy ra sao? Muốn làm được vậy, việc điều tra, khảo sát, phân tích xã hội cũng như việc sử dụng các chuyên gia có kiến thức chuyên môn sâu về lĩnh vực này được coi là yếu tố bắt buộc. Nói cách khác, một đạo luật tốt chỉ được xây dựng dựa trên cơ sở hiểu biết thực sự sâu sắc về chính xã hội và vấn đề mà xã hội cần giải quyết.

Bước 2: Phân tích, truy tầm nguyên nhân sản sinh vấn đề mà xã hội cần giải quyết. Trong khi phân tích, truy tầm nguyên nhân này, cần phải xác định xem vai trò của những cá nhân, tổ chức cũng như hệ thống lợi ích, kích thích (incentives) nào đang chi phối, làm cho vấn đề xã hội lại tồn tại lâu đến thế và không tự mất đi.

Bước 3: Xác định các phương án giải quyết vấn đề xã hội. Các phương án này bao gồm không chỉ phương án pháp lý mà còn cả các phương án khác. Luận chứng về khả năng giải quyết vấn đề thực sự của các phương án này dựa trên các lập luận và chứng cứ xác đáng, thuyết phục. Trên cơ sở đó, tiến hành phân tích chi phí/lợi ích (về kinh tế, xã hội) để chọn lựa phương án tối ưu (giống như cách tiến hành đánh giá RIA ở Việt Nam hiện nay).

Bước 4: Thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá văn bản sau khi ban hành .

Như vậy, theo Seidmans, luật tốt bắt nguồn từ việc nhận diện vấn đề tốt, trong đó, nhận diện được rõ những yếu tố phi pháp lý nằm trong môi trường mà các chủ thể liên quan sẽ ứng xử.[80] Luật tốt cũng phải đi kèm với một báo cáo nghiên cứu, giải trình tốt, được trình bày rõ ràng, mạch lạc theo mô thức: nhận diện vấn đề, xác định nguyên nhân, chọn lựa phương án giải quyết tối ưu. Báo cáo ấy phải đủ chi tiết, đáng tin cậy để thuyết phục được ngay cả những người phản đối dự luật[81].

            Có thể thấy,     cách tiếp cận về quá trình xây dựng pháp luật của Seidmans cũng khá tương đồng với cách tiếp cận về xây dựng pháp luật ở các nước phát triển. Cách tiếp cận này chính là một sự ứng dụng của kinh tế học và khoa học quản lý – mà mấu chốt của khoa học quản lý chính là khoa học ra quyết định và thực thi quyết định – vào quá trình xây dựng pháp luật. Nói cách khác, đây là cách làm khoa học khi lập pháp, biến quá trình xây dựng pháp luật thành một quá trình có tính khoa học, dựa trên cơ sở những luận cứ, luận chứng, thực tiễn khách quan. Với cách tiếp cận này, xây dựng pháp luật hay cụ thể hơn là việc ban hành một đạo luật và các văn bản pháp quy là quá trình ra quyết định, quá trình xây dựng cơ sở, phương án để phân bổ nguồn lực trong xã hội để giải quyết các vấn đề mà một chủ thể ra quyết định đang phải đối mặt. Vấn đề thường được hiểu là những thách thức (có thể từ bên ngoài mang lại hoặc do chính nội tại trong sự vận động của chủ thể phát sinh) mà một chủ thể phải đối mặt và vượt qua. Nếu không vượt qua thách thức đó, chủ thể có thể sẽ gặp thiệt hại hoặc phải đối mặt với những thách thức lớn hơn.

            Khoa học quản lý đã cố gắng chỉ ra cách thức và điều kiện để có thể ra quyết định hiệu quả. Thường thì việc ra quyết định chuẩn xác không phải là công việc dễ dàng. Sở dĩ như vậy là vì việc ra quyết định chuẩn xác hay ra quyết định hiệu quả đòi hỏi chủ thể ra quyết định phải tuân theo những điều kiện và quy trình nhất định. Quyết định tốt là sản phẩm của quá trình tư duy duy lý, là sản phẩm của những cân nhắc, tính toán cẩn trọng. Cụ thể, việc ra quyết định hiệu quả đòi hỏi phải tuân theo những bước cơ bản sau đây:[82]Bước thứ nhất, xác định mục tiêu cần đạt tới (hoặc cũng chính là nhận diện rõ vấn đề và mục tiêu khắc phục vấn đề). Bước thứ hai, tìm kiếm, thu thập các thông tin có liên quan (để xác định rõ hơn phạm vi của vấn đề, nguyên nhân của vấn đề). Bước thứ ba, xác định các phương án, chiến lược, cách thức, biện pháp giải quyết vấn đề (xác định rõ ưu và nhược điểm của mỗi phương án và điều kiện bảo đảm để thực hiện mỗi phương án, nhất là điều kiện về nguồn lực). Bước thứ tư, ra quyết định (bằng việc cân nhắc, so sánh các phương án đã xác định ở trên để chọn ra phương án tối ưu – tức chọn ra phương án khả thi nhất, hiệu quả, tiết kiệm nhất có thể đạt mục tiêu đã đề ra). Bước thứ năm, thi hành, kiểm tra và đánh giá quyết định. Bước này xem xét quá trình nội dung quyết định được hiện thực hóa và kịp thời đánh giá xem quyết định có mang lại hiệu quả như đã đề ra hay không và có cần bổ sung, sửa đổi gì hay không.

            Như vậy, để có thể ra quyết định một cách có hiệu quả, chủ thể ra quyết định (hoặc người tham gia vào quá trình ra quyết định) đều phải được trang bị những kỹ năng nhất định và phải được cung cấp các thông tin phù hợp. Điều này cũng có nghĩa, một quyết định có hiệu quả là sản phẩm của sự rèn luyện và đào tạo (có thể không chỉ là đào tạo chính thức mà cả là tự đào tạo, tự rèn luyện, học hỏi). Nói cách khác, quyết định có hiệu quả phải là sản phẩm của sự chuyên nghiệp hóa, khoa học hóa, trí tuệ hóa.

            Một điều khá thú vị là, tuy độc lập với Seidmans nhưng lại có nhiều nét tương đồng, từ những năm 1970, dựa trên các lý thuyết kinh tế học, các chuyên gia thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra những khuyến nghị về việc xây dựng những quy định về điều tiết nền kinh tế một cách hiệu quả. Những khuyến nghị này về sau còn được gọi là bộ quy tắc đánh giá tác động của các quy tắc điều tiết kinh tế-xã hội (regulatory impact analysis/assessment) thường được gọi tắt là RIA.[83]

            Một trong những quan điểm khi tiến hành đánh giá tác động của các quy tắc điều tiết kinh tế-xã hội chính là việc coi những quy tắc này là một cơ chế khuyến khích (incentive mechanism). Sự hiện diện, thay đổi của cơ chế này được hiểu sẽ làm tác động tới toàn bộ hệ thống kích thích lợi ích mà các chủ thể tham gia vào cơ chế điều tiết này (gồm cả người bị điều chỉnh và chính những quan chức thực thi) bị chi phối trong ứng xử. Theo quan điểm chung của các nước thuộc nhóm OECD, một đạo luật hoặc một hệ thống các công cụ điều tiết kinh tế-xã hội tốt phải là hệ thống trải qua được sự sát hạch của bộ quy chuẩn về RIA. Bộ quy chuẩn này được thiết kế theo nguyên tắc mỗi giải pháp điều tiết được đưa ra muốn được phê chuẩn phải vượt qua sự phân tích chi phí/lợi ích theo đó giải pháp chỉ được chấp thuận nếu lợi ích mang lại của việc thực thi giải pháp phải vượt trội rõ ràng so với chi phí mà xã hội bỏ ra để thực thi giải pháp ấy. Đi vào chi tiết, việc đánh giá RIA dựa vào sự trả lời đúng đắn 10 câu hỏi cơ bản sau:[84]

            (1) Vấn đề định giải quyết bằng giải pháp điều tiết đã được nhận diện và phân tích một cách rõ ràng, chính xác chưa?

            (2) Liệu vấn đề đó có cần phải có sự can thiệp bằng những hành động cụ thể của chính phủ (nhà nước) không?

            (3) Liệu trong các hình thức can thiệp thì việc đề ra quy chế điều tiết có phải là giải pháp tối ưu không?

            (4) Liệu việc đề ra quy chế điều tiết đã đủ cơ sở pháp lý chưa?

            (5) Việc điều tiết này nên được thực hiện bởi cấp chính quyền nào (trung ương hay địa phương hay cả hai)?

            (6) Liệu lợi ích của việc điều tiết có rõ ràng vượt quá chi phí cho xã hội mà việc duy trì điều tiết gây ra hay không?

            (7) Liệu việc phân bố tác động của quy chế điều tiết có tính minh bạch đối với xã hội không?

            (8) Liệu quy chế điều tiết đã được soạn thảo một cách đơn giản, dễ hiểu, nhất quán và dễ tiếp cận với người có liên quan chưa?

            (9) Trong quá trình soạn thảo quy chế điều tiết, các chủ thể có liên quan đã có đầy đủ cơ hội bày tỏ quan điểm, tiếng nói của mình chưa?

            (10) Cách thức nào sẽ đảm bảo rằng quy chế điều tiết được tuân thủ triệt để trong thực tế?

3.3. Các thiết chế sinh hoạt cơ bản của trường phái Kinh tế học pháp luật

Một trường phái lý luận khoa học, khi hình thành đòi hỏi phải có những hình thức tổ chức nhất định và phải có những diễn đàn để trao đổi, bàn luận cũng như phổ biến tri thức.

            Đến nay, kinh tế học pháp luật cũng thiết lập được những thiết chế sinh hoạt như vậy.

            Các nhà kinh tế học pháp luật ở nhiều quốc gia đã thiết lập được các Hiệp hội kinh tế học pháp luật, các Viện Nghiên cứu về kinh tế học pháp luật và các tạp chí chuyên khảo về kinh tế học pháp luật.

            Dưới đây là một số thông tin về 2 loại thiết chế sinh hoạt khoa học cơ bản của các nhà kinh tế học pháp luật trên thế giới: (1) các hiệp hội kinh tế học pháp luật và (2) các tạp chí chuyên ngành về kinh tế học pháp luật.

3.3.1. Về các hiệp hội kinh tế học pháp luật

            Hiện nay, ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, Hiệp hội các nhà kinh tế học pháp luật đã được thành lập ở nhiều châu lục. Dưới đây là một số hội tiêu biểu:

– Tại châu Á, các nhà kinh tế học pháp luật thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ của Châu Á đã tổ chức các hiệp hội phục vụ hoạt động nghiên cứu, trao đổi học thuật của mình. Trong số đó phải kể đến các hiệp hội sau:

+ Hiệp hội kinh tế học pháp luật châu Á: Tên chính thức của Hiệp hội là: Asian Law and Economics Association. Hiệp hội có địa chỉ website tại: http://www.aslea.org/. Hiệp hội là tập hợp của một số nhà nghiên cứu kinh tế học pháp luật thuộc các quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Ấn Độ và Trung Quốc. Hàng năm, Hiệp hội tổ chức 1 hội thảo định kỳ tại đó các thành viên và những người có quan tâm có thể gửi bài thuyết trình và trao đổi những kết quả nghiên cứu mới nhất về kinh tế học pháp luật của khu vực châu Á. Một số thành viên chủ chốt của Hiệp hội gồm Kong-Pin Chen (Academia Sinica – Đài Loan), Jeong-Yoo Kim (Đại học Kyung Hee – Hàn Quốc), Shozo Ota (Đại học Tokyo – Nhật Bản), Ivan P.L. Png (Đại học quốc gia Singapore) v.v.

            + Hiệp hội kinh tế học pháp luật Nhật Bản: Hiệp hội có tên tiếng Anh là Law & Economics Association of Japan và có địa chỉ website tại: http://www.juris.hokudai.ac.jp/~hayasida/jl&enet/jl&enet.htm.

+ Hiệp hội kinh tế học pháp luật Hàn Quốc: Hiệp hội có tên chính thức trong tiếng Anh là Korean Law and Economics Association có địa chỉ website tại: http://krlea.or.kr/. Hiệp hội thành lập từ năm 2005. Từ khi thành lập, Hiệp hội đã tổ chức được một số Toạ đàm quan trọng về kinh tế học pháp luật vào các năm 2005, 2006 và 2007. Các bài tham luận tại Toạ đàm có thể tiếp cận tại địa chỉ: http://krlea.or.kr/seminar/seminar.htm.

            + Tại Trung Quốc, một viện khoa học chuyên ngành về kinh tế học pháp luật có tên là Viện Kinh tế học pháp luật (Tiếng Anh là MILES Institute of Law and Economics) đã được thành lập. Viện này có địa chỉ website tại: http://www.miles.net.cn/

– Tại châu Úc: Các nhà kinh tế học pháp luật châu Úc cũng thành lập một số hiệp hội để tạo lập các diễn đàn trao đổi, sinh hoạt học thuật. Trong số các hiệp hội được thành lập ở châu Úc, phải kể đến các hiệp hội sau:

+ Hiệp hội kinh tế học pháp luật Úc châu: Tên chính thức của Hiệp hội là Australian Law and Economics Association. Hiệp hội có địa chỉ website tại: http://law.anu.edu.au/cle/austlea/

+ Hiệp hội kinh tế học pháp luật New Zealand: Hiệp hội có tên chính thức trong tiếng Anh là Law and Economics Association of New Zealand và có địa chỉ website tại: http://www.leanz.org.nz/. Mục đích của Hiệp hội là khuyến khích các hoạt động nghiên cứu nhằm nâng cao hiểu biết về lĩnh vực kinh tế học pháp luật tại New Zealand.

– Tại châu Âu: Các nhà kinh tế học pháp luật châu Âu đã không chỉ thành lập Hiệp hội chung cho toàn châu Âu mà còn thành lập được nhiều hiệp hội riêng ở mỗi quốc gia. Các hiệp hội kinh tế học pháp luật ở châu Âu hiện nay gồm:

            + Hiệp hội kinh tế học pháp luật Châu Âu: Tên chính thức của Hiệp hội là: European Association of Law and Economics. Địa chỉ website của Hiệp hội là: http://nts4.oec.uni-osnabrueck.de/eale/index.html. Hiệp hội được thành lập từ năm 1984 trong bối cảnh mà theo đánh giá của Hiệp hội thì trường phái kinh tế học pháp luật đã trở thành một trong những trường phái lý luận pháp luật hàng đầu và ngày càng có ảnh hưởng lớn ở châu Âu. Tư duy lý luận của trường phái này đã có ảnh hưởng rộng rãi trong việc xây dựng chính sách, áp dụng pháp luật không chỉ trong các lĩnh vực liên quan đến hoạt động của thị trường như luật cạnh tranh, luật công ty, luật tài chính, luật chứng khoán mà cả các lĩnh vực ít liên quan tới hoạt động của thị trường như luật gia đình, luật hình sự, luật hành chính và luật hiến pháp. Mục đích của hiệp hội là tạo diễn đàn hỗ trợ các học giả quan tâm tới lĩnh vực này trao đổi kết quả nghiên cứu của mình. Hàng năm, Hiệp hội tổ chức diễn đàn để các thành viên của Hiệp hội trình bày kết quả nghiên cứu của mình. Các kết quả nghiên cứu được trình bày trên diễn đàn của Hiệp hội được tập hợp lại và xuất bản trong tạp chí Kinh tế học pháp luật (Review of Law and Economics). Hiện tại, Hiệp hội có hơn 300 hội viên.

+ Hiệp hội kinh tế học pháp luật Phần Lan: Tên chính thức của Hiệp hội là Finnish Association of Law and Economics. Hiệp hội có địa chỉ website là: http://www.finale.fi/

            + Hiệp hội kinh tế học pháp luật Hy Lạp: Tại Hy Lạp, các nhà kinh tế học pháp luật cũng có hiệp hội riêng với tên là “Hiệp hội kinh tế học pháp luật Hy Lạp” (Greek Association of Law and Economics). Hiệp hội này có địa chỉ website tại: http://www.phs.uoa.gr/~ahatzis/GALE.files/slide0001.htm. Hiệp hội được thành lập vào năm 2002 sau khi Hiệp hội kinh tế học pháp luật Châu Âu tổ chức hội nghị thường niên lần thứ 19 tại Athen (thủ đô của Hy Lạp). Hiện tại, hiệp hội có 141 thành viên bao gồm một số luật gia và các nhà kinh tế. Mục đích của Hiệp hội là tạo diễn đàn kết nối những người có quan tâm tới lĩnh vực kinh tế học pháp luật nhất là các nhà nghiên cứu, học giả trẻ tuổi. Điều phối các hoạt động của Hiệp hội là phó giáo sư Aristides Hatzis, đại học Athen, thành viên trong Ủy ban thường trực của Hiệp hội kinh tế học Châu Âu. Hoạt động của Hiệp hội còn khá đơn giản, chủ yếu là các buổi họp thường niên nơi các nhà nghiên cứu gặp gỡ và thuyết trình các kết quả nghiên cứu của mình trong lĩnh vực kinh tế học pháp luật. Ngoài ra, mỗi năm khoảng 2-3 lần, Hiệp hội phát hành bản tin về kinh tế học pháp luật với tư cách là tài liệu sinh hoạt nội bộ của hiệp hội.

+ Hiệp hội kinh tế học pháp luật Scandinavia: Hiệp hội có tên chính thức trong tiếng Anh là Scandinavian Association of Law and Economics. Hiện tại, Hiệp hội mới bắt đầu đi vào hoạt động.

– Tại châu Mỹ: Tuy Hoa Kỳ là nơi khai sinh ra trường phái kinh tế học pháp luật nhưng Hiệp hội kinh tế học pháp luật ở đây lại ra đời muộn hơn so với Hiệp hội kinh tế học pháp luật ở châu Âu. Hiện tại, tại Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Canada) có các hiệp hội kinh tế học pháp luật sau đây:

+ Hiệp hội kinh tế học pháp luật Hoa Kỳ: Hiệp hội có tên chính thức trong tiếng Anh là American Law and Economics Association và có địa chỉ website tại: http://www.amlecon.org/. Mục đích của Hiệp hội là thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế học pháp luật và các lĩnh vực có liên quan tới chính sách công và chính sách điều tiết của chính phủ. Hiệp hội được thành lập chính thức vào năm 1991 theo sáng kiến của Henry Manne (lúc đó đang là Hiệu trưởng trường Luật Đại học George Mason). Thành viên của Hiệp hội bao gồm các học giả, các luật sư và các nhà kinh tế. Mỗi năm, hiệp hội tổ chức đại hội thường niên trong 2 ngày vào tháng Năm. Tại phiên họp, các thành viên hiệp hội sẽ thuyết trình các kết quả nghiên cứu mới nhất của mình trong lĩnh vực kinh tế học pháp luật. Từ năm 1999, Hiệp hội đã có tạp chí riêng của mình là Tạp chí kinh tế học pháp luật Hoa Kỳ (American Law and Economics Review) xuất bản 2 số/1 năm. Phí hội viên mỗi năm là 70 USD. Riêng đối với hội viên là sinh viên, phí này là 30 USD. Hội viên được nhận miễn phí các số tạp chí của hiệp hội.

Phiên họp hàng năm đầu tiên của Hiệp hội được tổ chức vào ngày 24 và 25 tháng 5 năm 1991 tại Đại học Illinois với sự tham gia của 200 học giả. Tại phiên họp, những người được coi là sáng lập lĩnh vực kinh tế học pháp luật như Guido Calabresi (Đại học Yale), Ronald Coase (Đại học Chicago), Henry Manne (Đại học George Mason), và Richard Posner (Đại học Chicago) đã được vinh danh.

Các chủ tịch của Hiệp hội này gồm: năm 1991: George L. Priest; năm 1992: William M. Landes; năm 1993: A. Mitchell Polinsky; năm1994: Robert D. Cooter; năm 1995: Richard A. Posner; năm 1996: Alan Schwartz; năm 1997: Oliver Williamson; năm 1998: Roberta Romano; năm 1999: Lewis Kornhauser; năm 2000: Robert C. Ellickson; năm 2001: Steven Shavell; năm 2002: Michael J. Trebilcock; năm 2003: Frank Easterbrook; năm 2004: Henry Hansmann; năm 2005: Daniel Rubinfeld; năm 2006: Oliver Hart.

Ngoài ra, tại Hoa Kỳ còn có Hiệp hội kinh tế học pháp luật miền trung Tây Hoa Kỳ có tên gọi chính thức trong tiếng Anh là Midwestern Law and Economics Association với địa chỉ website tại: http://www.m-lea.org/

+ Hiệp hội kinh tế học pháp luật Canada: Tên chính thức của Hiệp hội là Canadian Law and Economics Association. Hiệp hội có địa chỉ website tại: http://www.canlecon.org/

3.3.2. Các tạp chí chuyên ngành về kinh tế học pháp luật

            Chỉ tính riêng các tạp chí bằng tiếng Anh, giới nghiên cứu kinh tế học pháp luật đã tạo lập nhiều tạp chí chuyên ngành về kinh tế học pháp luật. Dưới đây là một số tạp chí điển hình:

– Tạp chí Kinh tế học pháp luật Hoa Kỳ: Tạp chí có tên chính thức là American Law and Economics Review. Đây là tạp chí chính thức của Hiệp hội kinh tế học pháp luật Hoa Kỳ. Tạp chí có địa chỉ website tại: http://aler.oxfordjournals.org/. Tạp chí được thành lập từ năm 1999, xuất bản 2 số một năm. Đối tượng độc giả chính là các luật sư hành nghề, các nhà tư vấn kinh tế, các nhà nghiên cứu pháp luật và các nhà kinh tế học[85].

Tạp chí Kinh tế học pháp luật Châu Á – Thái Bình Dương: Đây là tạp chí của Úc. Tạp chí có tên chính thức là Asia Pacific Law and Economics Review. Tạp chí có địa chỉ website tại: http://www.bepress.com/apler/. Đây là tạp chí do George Barker, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế học pháp luật, Đại học Quốc gia Australia làm Tổng biên tập[86]. Tạp chí là công cụ dành cho các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế học pháp luật thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương tham gia gửi bài nghiên cứu.

Tạp chí Kinh tế học pháp luật Erasmus: Đây là tạp chí của Italia. Tạp chí này có tên chính thức là Erasmus Law and Economics Review. Tạp chí có địa chỉ website tại: http://www.eler.org/. Đây là diễn đàn nghiên cứu dành cho các luật sư, các nhà nghiên cứu pháp luật và các nhà kinh tế học trao đổi, bàn luận về các chủ đề trong lĩnh vực kinh tế học pháp luật. Tạp chí phát hành số đầu tiên năm 2004.

– Tạp chí Kinh tế học pháp luật Châu Âu: Đây là tạp chí của Nhà xuất bản Springer Netherlands (Hà Lan) ấn hành. Tạp chí có tên chính thức là European Journal of Law and Economics. Địa chỉ website của Tạp chí là http://springerlink.metapress.com/content/100264/. Tạp chí phát hành mỗi năm từ 3-4 số từ năm 1994 tới nay. Tạp chí tập trung chủ yếu vào các vấn đề tác động của các can thiệp pháp lý (thông qua hành động của các cơ quan lập pháp, cơ quan điều tiết ngành, Toà án) tới các hoạt động kinh tế thuộc cộng đồng châu Âu[87].

– Tạp chí Kinh tế học pháp luật: Đây là tạp chí được bảo trợ bởi Hiệp hội kinh tế học châu Âu. Tạp chí có tên chính thức là Review of Law and Economics. Địa chỉ website chính thức của Tạp chí là: http://www.bepress.com/rle/about.html. Tạp chí xuất bản số đầu tiên vào năm 2005 và từ đó tới nay mỗi năm tạp chí xuất bản 3 số[88].

– Tạp chí quốc tế về Kinh tế học pháp luật: Tạp chí có tên chính thức là: International Review of Law and Economics. Địa chỉ website của tạp chí là: http://www.elsevier.com/wps/find/journaldescription.cws_home/525007/description#description. Tạp chí này ra đời từ năm 1981. Hiện tại, mỗi năm tạp chí xuất bản 4 kỳ. Tạp chí do 3 nhà nghiên cứu làm Biên tập viên đó là: A.W. Katz (Đại học Columbia, Hoa Kỳ), C. Ott và H-H. Schafer (Đại học Hamburg, Đức).

Tạp chí Luật, Kinh tế học và Tổ chức: Tạp chí có tên chính thức là Journal of Law, Economics, and Organization. Tạp chí có địa chỉ website là: http://www.oxfordjournals.org/our_journals/jleorg/about.html. Đây là tạp chí của trường Đại học Yale (Hoa Kỳ). Tạp chí xuất bản lần đầu năm 1985. Hiện tại, mỗi năm, tạp chí xuất bản 4 kỳ. Các bài trên tạp chí này thường nghiên cứu các vấn đề pháp luật từ góc độ kinh tế học và quản lý. Nhiều bài trên tạp chí cũng đề cập tới các vấn đề về thiết chế pháp luật và vai trò của các thiết chế này trong các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hoá.

– Tạp chí Luật, Kinh tế học và Chính sách: Đây là tạp chí của trường Đại học George Mason (Hoa Kỳ). Tạp chí có tên chính thức là Journal of Law, Economics & Policy. Địa chỉ website của Tạp chí là http://www.gmu.edu/org/jlep/. Tạp chí xuất bản 2 số/1 năm. Đây là tạp chí do các sinh viên nghiên cứu về luật và kinh tế học của Đại học George Mason tự thành lập và quản lý tuy nhiên chất lượng các bài viết khá cao.

Tạp chí Kinh tế học pháp luật: Đây là tạp chí của trường Đại học Chicago (Hoa Kỳ) và đây là tạp chí chuyên ngành kinh tế học pháp luật có tuổi đời lớn nhất. Tạp chí này xuất bản lần đầu tiên vào năm 1958. Tạp chí có tên chính thức là: Journal of Law and Economics. Website của Tạp chí là http://www.journals.uchicago.edu/JLE/. Hiện tại, mỗi năm, tạp chí xuất bản 4 số. Các bài viết của tạp chí chủ yếu tập trung vào các chủ đề phân tích kinh tế đối với các quy định về điều tiết, các hành vi của doanh nghiệp trong ngành bị điều tiết, kinh tế chính trị của quá trình lập pháp, luật và tài chính, tài chính doanh nghiệp và quản trị doanh nghiệp, tổ chức ngành công nghiệp. Tạp chí được coi là nơi đăng những bài tạp chí có uy tín và được trích dẫn vào bậc nhất trong lĩnh vực kinh tế học pháp luật.

Tạp chí nghiên cứu pháp luật: Đây cũng là tạp chí của Trường Luật – Đại học Chicago. Tạp chí có tên chính thức là Journal of Legal Studies. Website của Tạp chí này là: http://www.journals.uchicago.edu/JLS/home.html. Tạp chí được thành lập từ năm 1972. Hiện tại, mỗi năm, tạp chí xuất bản 4 kỳ. Các bài trên tạp chí chủ yếu sử dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành để phân tích các quy định và thiết chế pháp luật hiện hành. Các phân tích của các bài trên tạp chí này thường dựa vào cách tiếp cận kinh tế học, chính trị học, tâm lý học và triết học khi bàn về các vấn đề có liên quan đến lý thuyết pháp luật.

Tạp chí kinh tế và Toà Tối cao: Đây là tạp chí do Trung tâm nghiên cứu Kinh tế học pháp luật – Đại học George Mason (Hoa Kỳ) bảo trợ. Tạp chí có tên chính thức là Supreme Court Economic Review. Website của tạp chí là: http://www.journals.uchicago.edu/SCER/. Tạp chí được thành lập từ năm 1993. Mỗi năm, tạp chí xuất bản 1 số. Các bài trên tạp chí sử dụng cách tiếp cận liên ngành để phân tích khía cạnh kinh tế và pháp lý trong các phán quyết của Toà Tối cao Hoa Kỳ. Các bài trên tạp chí cũng đề cập tới các nguyên lý trong tổ chức và hoạt động của Toà Tối cao Hoa Kỳ, các phương pháp lập luận được Toà sử dụng khi quyết định vấn đề, vai trò kinh tế của Toà Tối cao Hoa Kỳ. Độc giả chủ yếu của tạp chí là các luật gia, các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách.

 

 

 

 

 

KẾT LUẬN

Dựa trên những kết quả nghiên cứu bước đầu kể trên, có thể sơ bộ rút ra các kết luận như sau:

Thứ nhất, Kinh tế học pháp luật đã thực sự trở thành trường phái lý luận pháp luật ngày càng được chấp nhận ở nhiều quốc gia trên thế giới. Trải qua quá trình hình thành và phát triển, trường phái này đã xác định được tương đối rõ đối tượng và phương pháp nghiên cứu riêng với hệ thống phạm trù, khái niệm khá đặc trưng. Trường phái này cũng đã xây dựng được nhiều công trình nghiên cứu, nhiều tạp chí, ấn phẩm, nhiều Trung tâm và Hội nghiên cứu với một lực lượng rất đông đảo các nhà nghiên cứu tại các trường đại học, các viện nghiên cứu và cả những luật gia, nhà tư vấn đang hành nghề.

Thứ hai, hiện nay, tuy tốc độ phát triển không còn nhanh như những năm đầu mới hình thành, nhưng kinh tế học pháp luật vẫn tiếp tục được giới nghiên cứu pháp luật ở nhiều quốc gia trên thế giới ủng hộ.[89] Có thể nói, tốc độ phát triển của kinh tế học pháp luật chịu ảnh hưởng nhất định bởi sự phát triển trong lĩnh vực kinh tế học. Khi kinh tế học còn tiếp tục tồn tại và được coi là hữu ích thì kinh tế học pháp luật vẫn còn cơ sở để tồn tại.

Thứ ba, cần lưu ý rằng, kinh tế học pháp luật cũng chỉ là một trong những cách tiếp cận nghiên cứu pháp luật, nghiên cứu về các thiết chế chính trị-xã hội, nó lại càng không phải là trường phái độc tôn trong khoa học pháp lý. Pháp luật, với tính đa chiều, đa diện của nó không thể chỉ được nhìn nhận từ một góc cạnh, một trường phái. Điều này có nghĩa rằng, cùng với các trường phái lý luận pháp luật khác, kinh tế học pháp luật sẽ góp phần bổ sung tri thức chung về pháp luật của giới khoa học pháp lý. Điều này hàm ý rằng, kinh tế học pháp luật là trường phái lý luận có tính mở và động. Các nghiên cứu của trường phái này không có ý định phủ định kết quả nghiên cứu của các trường phái khác mà cùng với các trường phái lý luận pháp luật khác giúp cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, những người hành nghề luật hiểu thêm về bản chất, chức năng, vai trò và tác động thực tế của pháp luật đối với xã hội và ngược lại.

Thứ tư, với tính cách là trường phái có tính cách động và mở, kinh tế học pháp luật có thể dung hòa với các trường phái lý luận khoa học pháp lý khác trong đó có xã hội học pháp luật, luật so sánh, luật và văn hoá… Chúng tôi cho rằng, các trường phái lý luận pháp luật, tuy nhiều khi đưa đến kết quả nghiên cứu trái ngược nhau nhưng nhìn chung chúng có giá trị bổ sung cho nhau chứ không triệt tiêu nhau. Những cái bị triệt tiêu có lẽ chỉ là những tri thức giả.

Thứ năm, một điểm cũng rất đáng lưu ý rằng, kinh tế học pháp luật, với tư cách là một trường phái, trong đó có những học giả hàng đầu, có ảnh hưởng lớn về tư duy nhưng không có nghĩa rằng tất cả những nhà nghiên cứu tham gia trường phái đều có chung một cách giải quyết khi đối mặt với cùng một vấn đề. Tuy cách tiếp cận vấn đề của các nhà nghiên cứu trong trường phái kinh tế học pháp luật có những nét chung khá cơ bản đó là họ dùng lý thuyết kinh tế để nghiên cứu các tác động của pháp luật đối với thực tiễn đời sống, họ dùng nhiều thuật ngữ được hiểu khá thống nhất như hiệu quả, phân tích chi phí lợi ích, chi phí cơ hội, tính duy lý v.v. nhưng khi ứng dụng trường phái này, các đề xuất, kiến nghị của mỗi nhà kinh tế học pháp luật không hoàn toàn giống nhau. Chẳng hạn, những người theo trường phái kinh tế học pháp luật đến mức sùng bái, có niềm tin tuyệt đối vào vai trò của thị trường tự do trong việc giải quyết các vấn đề xã hội có xu hướng cho rằng, nên hợp pháp hoá sự tồn tại của nhiều loại thị trường vốn bị coi là «nhạy cảm» khi xét từ các góc độ khác (nhất là góc độ đạo đức). Ví dụ, không ít người theo trường phái kinh tế học pháp luật đã đề xuất nên hợp pháp hóa sự tồn tại của thị trường mại dâm, thị trường mua bán chất ma túy, thị trường nuôi con nuôi, thị trường mua bán các bộ phận trên cơ thể người. Những đề xuất kiểu như vậy thường gây nhiều tranh cãi và động chạm trực tiếp tới nhiều vấn đề đạo đức của xã hội.

Với thực tiễn cải cách, đổi mới pháp luật ở Việt Nam, có thể nói, những thành tựu nghiên cứu của trường phái kinh tế học pháp luật trên thế giới có thể cung cấp nhiều gợi mở cho giới nghiên cứu, giới hoạch định chính sách của Việt Nam.

Chẳng hạn, đối với giới nghiên cứu và hoạch định chính sách, trường phái kinh tế học pháp luật đưa ra những gợi ý rất quan trọng có tính chất phương pháp luận rằng: muốn hiểu được thông điệp đích thực của pháp luật và muốn hiểu được giá trị đích thực của pháp luật, của công tác điều chỉnh pháp luật, điều quan trọng không phải chỉ là nhìn xem ngôn từ của pháp luật đẹp hay không đẹp mà điều quan trọng hơn là phải xem pháp luật ấy được chấp hành, thực thi như thế nào. Nói cách khác, dấu ấn thực tế mà pháp luật để lại cho xã hội quan trọng hơn là những cam kết đẹp mà ngôn từ của pháp luật đã ghi nhận. Điều này cũng có nghĩa rằng, trong công tác điều chỉnh pháp luật, khi thiết kế, xây dựng quy phạm pháp luật, ngoài việc thiết kế được các quy phạm có nội dung tốt, thì phải lưu ý hàng đầu tới việc đảm bảo tính khả thi của các quy phạm pháp luật ấy. Người làm công tác xây dựng pháp luật phải tiên liệu được cả tác dụng tích cực và tác dụng tiêu cực mà pháp luật có thể mang lại cho xã hội.

Với việc hoàn thiện cả hệ thống pháp luật, Kinh tế học pháp luật cho rằng, một hệ thống pháp luật chỉ thực sự thân thiện với sự phát triển kinh tế, gia tăng phúc lợi xã hội khi hệ thống pháp luật ấy được thiết kế theo những tiêu chí nhất định. Một trong những tiêu chí mà hệ thống ấy phải đáp ứng chính là tính minh bạch, rõ ràng, có tính dự báo, thuận tiện cho người dân và các nhà đầu tư, kinh doanh cân nhắc, trù tính, lập kế hoạch cho mình. Nói cách khác, hệ thống pháp luật ấy cũng phải phù hợp với các tiêu chuẩn của một nền pháp quyền (rule of law) văn minh.[90]

Với công tác xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân ở nước ta, trường phái kinh tế học pháp luật cũng có thể đưa ra những gợi mở quan trọng. Theo tinh thần của trường phái này, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chỉ thực sự là của dân, do dân và vì dân, nếu nhà nước ấy cung cấp các giải pháp tối ưu cho sự phát triển của đất nước. Nói một cách ngắn gọn, nhà nước pháp quyền theo tiêu chuẩn của trường phái kinh tế học pháp luật phải là nhà nước hiệu quả, nhà nước không tạo ra sự lãng phí trong xã hội, nhà nước không khuyến khích các hành vi lạm dụng quyền lực, lãng phí nguồn lực vật chất, uy tín của xã hội. Nhà nước pháp quyền hiệu quả theo tiêu chuẩn của kinh tế học pháp luật phải biết làm tốt các thiên chức của mình (bảo đảm trị an, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cung cấp hàng hóa công cộng (cơ sở hạ tầng, điều kiện sống chung:..) đồng thời biết cách kiểm soát tốt sự bành trướng của mình trong xã hội. Thị trường có thể không phải là giải pháp tốt để giải quyết mọi vấn đề trong xã hội nhưng bàn tay của chính phủ, sự hiện diện trực tiếp của pháp luật cũng chưa chắc mang lại kết quả mong muốn. Thực tế cho thấy, với không ít lĩnh vực, mặc dù sự quản lý, điều tiết của nhà nước rất khắt khe, nhưng hiệu quả quản lý, điều tiết trong các lĩnh vực ấy vẫn không đạt được điều mà xã hội kỳ vọng. Các lĩnh vực liên quan tới “hoạt động mại dâm”, “cờ bạc” v.v. là những ví dụ như vậy.

Đối với việc thiết kế các thiết chế trong bộ máy nhà nước, Kinh tế học pháp luật gợi ý rằng, kiến trúc sư thiết kế ra các thiết chế cụ thể của bộ máy nhà nước cần lưu tâm tới thực tế là họ đang thiết kế ra các thiết chế để con người chứ không phải là thần thánh vận hành. Con người, với bao điều không «hoàn thiện» như tính ích kỷ, lòng tham, tính vị lợi, khả năng nhận thức hạn chế, có thể «bắt cóc» bộ máy mà mình được giao vận hành để mưu lợi cá nhân. Chính vì thế, ngay từ trong khâu thiết kế, kiến trúc sư tài ba phải lưu ý tới các cơ chế phòng ngừa khả năng lạm quyền của người vận hành bộ máy, có cơ chế thỏa đáng để điều hòa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể, đảm bảo cho thiết chế được lập ra có cơ sở thực tế để vận hành đồng thời không bị các cá nhân, nhóm lợi ích «bắt cóc».

Đối với việc hoàn thiện các lĩnh vực pháp luật cụ thể, Kinh tế học pháp luật cũng có thể cung cấp các đạo lý khá căn bản để thực hiện nhiệm vụ này. Chẳng hạn, với lĩnh vực pháp luật hợp đồng, Kinh tế học pháp luật chủ trương cổ vũ cho quyền tự do hợp đồng, theo đó, các chủ thể có năng lực hành vi đầy đủ có thể cam kết bất cứ điều gì nếu thấy phù hợp, miễn là không trái điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội. Tuy nhiên, Kinh tế học pháp luật không coi “quyền tự do hợp đồng” như là một quyền đương nhiên tồn tại. Thay vào đó, dưới góc nhìn của Kinh tế học pháp luật, “quyền tự do hợp đồng” chỉ là một khả năng với nhiều rào cản, ràng buộc. Quyền này chỉ thực sự tồn tại và có ý nghĩa đích thực khi các chủ thể tham gia giao dịch thỏa mãn hàng loạt tiêu chí như: các chủ thể phải có năng lực hành vi đầy đủ theo nghĩa phải có đủ trí khôn cần thiết để hiểu và phán đoán hậu quả pháp lý cho hành vi của mình; các bên phải có thông tin về đối tác mình giao dịch và về đối tượng giao dịch (để tránh tình trạng đưa ra các cam kết một cách thiếu thông tin v.v.). Thiết kế pháp luật hợp đồng theo tiêu chí của kinh tế học pháp luật đòi hỏi các quy phạm pháp luật về hợp đồng không những thừa nhận quyền tự do hợp đồng của các cá nhân, tổ chức, mà còn phải có các quy định để giúp các bên giải thoát được trách nhiệm của mình khi sự cam kết không tuân theo các điều kiện không có lợi cho sự phát triển kinh tế (dựa trên những hợp tác có tính bền vững). Đối với lĩnh vực sở hữu tài sản, Kinh tế học pháp luật khuyến nghị pháp luật về sở hữu phải được hoàn thiện theo hướng đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch trong các quy tắc về sở hữu để người dân có động lực hợp lý trong việc tạo dựng, quản lý, khai thác tài sản của mình một cách tối ưu. Pháp luật sở hữu tốt phải là thứ pháp luật khuyến khích người dân đầu tư, tạo lập và sử dụng tài sản một cách hiệu quả nhất. Đối với lĩnh vực pháp luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, Kinh tế học pháp luật khuyến nghị pháp luật cần hoàn thiện theo hướng về cơ bản đảm bảo nguyên tắc người nào gây ra thiệt hại hoặc rủi ro cho người khác thì người đó phải gánh chịu đầy đủ hậu quả phát sinh từ rủi ro đó. Có như vậy, xã hội mới khuyến khích các thành viên trong xã hội sống một cách trách nhiệm hơn, đồng thời khuyến khích các thành viên này có các hoạt động quản trị, phòng ngừa rủi ro một cách phù hợp. Thông qua đó, rủi ro trong xã hội được giảm thiểu. Đối với lĩnh vực pháp luật hình sự, Kinh tế học pháp luật cho rằng, ngoài các đòi hỏi chung như pháp luật phải chứa đựng những thông điệp rõ ràng (nhất là thông điệp về hậu quả pháp lý của hành vi vi phạm pháp luật) việc thiết kế hình phạt phải tương xứng với mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Bên cạnh đó, hiệu lực thực tế của pháp luật hình sự chỉ đạt được khi bộ máy thi hành pháp luật hình sự (nền tư pháp hình sự) phải vận hành hiệu quả, nghiêm minh v.v.

Ở Việt Nam hiện nay, tuy đã có những dấu hiệu của việc du nhập trường phái kinh tế học pháp luật ở Việt Nam, và một số tư tưởng của trường phái này cũng đang được ứng dụng trong quá trình xây dựng pháp luật ở nước ta (nhất là việc phân tích chi phí, lợi ích đối với một dự án luật, chính sách, vấn đề áp dụng quy trình đánh giá tác động kinh tế, xã hội của một dự án luật, dự án văn bản quy phạm pháp luật – RIA)[91] nhưng có thể coi đây là một trong những công trình nghiên cứu có tính hệ thống đầu tiên ở Việt Nam về quá trình phát sinh, phát triển và các giá trị của trường phái kinh tế học pháp luật. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu coi đây chỉ là những giới thiệu bước đầu về trường phái với mong muốn cung cấp cho những người có quan tâm, nhất là những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, những nhà hoạch định chính sách, các sinh viên luật một bức tranh tương đối tổng quan và khái lược về các trường phái. Hy vọng, những thông tin này là đầu vào cho các quá trình sáng tạo tri thức mới của những người có quan tâm ở Việt Nam. Thông qua đó, tri thức khoa học pháp lý ở Việt Nam ngày thêm đa dạng, phong phú, có chiều sâu, góp phần tạo cơ sở nền tảng lý luận vững chắc giải quyết các vấn đề bức xúc từ thực tiễn cải cách, đổi mới đặc biệt sôi động ở nước ta hiện nay.

Trên con đường tìm kiếm mô hình và cách thức tổ chức xã hội hợp lý nhất, loài người sẽ còn tiếp tục tư duy, trăn trở về các công cụ tổ chức xã hội trong đó có pháp luật. Loài người sẽ còn tiếp tục tìm kiếm câu trả lời cho các vấn đề như bản chất pháp luật là gì? Vai trò và sức mạnh của pháp luật ra sao? Nhà nước có thể sử dụng quyền lực công để can thiệp vào đời sống mỗi cá nhân con người như thế nào?… Những vấn đề đó, mỗi giai đoạn khác nhau, câu trả lời mà khoa học pháp lý đưa ra có thể không hoàn toàn giống nhau. Kinh tế học pháp luật cũng đang nỗ lực góp phần vào giải đáp những vấn đề có tính thời đại đó. Kinh tế học pháp luật – với tư cách là con đẻ của cuộc “hôn nhân” kinh tế học và luật học sẽ còn tiếp tục giữ vai trò, vị trí quan trọng trong việc thúc đẩy khoa học pháp lý và kinh tế học tiến lên phía trước.

 

 

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Ann Seidman and Robert B. Seidman, “Not a Treasure Chest, a Tool Box: Lessons from a Chinese Legislative Drafting Project” in Ann Seidman, Robert Seidman & Janice Payne (eds.), Legislative Drafting for Market Reform: Some Lessons from China (London: Macmillan Press Ltd, 1997) 1-32.

2.     Ann Seidman and Robert Seidman, State and Law in the Development Process: Problem-solving and Institutional Change in the Third World (London: St. Martin’s Press, 1994).

3.     Ann Seidman and Robert B. Seidman, “Law, Social Change, Development: The Fatal Race – Causes and Solutions” in Ann Seidman, Robert B. Seidman, Pumzo Mbana and Hanson Huli (eds.), Africa’s Challenge: Using Law for Good Governance and Development (Trenton: Africa World Press, Inc. 2007) 19-50.

4.     A.W. Seidman and R.B. Seidman, “Lawmaking, Development and the Rule of Law” in J. Arnscheidt, B. Van Rooij, and J.M. Otto (eds.), Lawmaking for Development: Explorations into the Theory and Practices of International Legislative Projects (Leiden University Press, 2008) 91-131.

5.     A.W. Seidman and R.B. Seidman, “Lawmaking, Development and the Rule of Law” in J. Arnscheidt, B. Van Rooij, and J.M. Otto (eds.), Lawmaking for Development: Explorations into the Theory and Practices of International Legislative Projects (Leiden University Press, 2008) 91-131.

6.     Ann Seidman and Robert B. Seidman, “Drafting Legislation for Development: Lessons from a Chinese Project”, 44 Am. J. Comp. L. 1-44 (1996).

7.     Anthony Downs, An Economic Theory of Democracy (New York: Harper and Row, 1957).

8.     Armen Alchian, “Information Costs, Pricing and Resource Unemployment” (1969) Economic Inquiry 7: 109-28.

9.     Bryan A. Garner, Black’s Law Dictionary, 9th ed. (St. Paul, MN: West, 2009).

10. Các thuyết trình tại lễ trao giải thưởng Nobel về khoa học kinh tế – 1991-1995 (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 2000).

11. Cass R. Sunstein (ed.), Behavioral Law and Economics (Cambridge: Cambridge University Press, 2000).

12. Charles Tiebout, “A Pure Theory of Local Expenditures”, (1956) 64 Journal of Political Economy, 416-424.

13. David W. Pearce (tổng biên tập), Macmillan Dictionary of Modern Economics, 4th ed. (Từ điển kinh tế học hiện đại) (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 1999).

14. Duncan Black, “The Decisions of A Committee Using A Special Majority”, (1948) 16 Econometrica, 245-261.

15. Dương Thanh Mai, Nguyễn Văn Cương: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về nghiên cứu lý luận gắn với hoạt động thực tiễn và công tác nghiên cứu khoa học pháp lý phục vụ công cuộc cải cách tư pháp hiện nay” (Kỷ yếu Hội thảo Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành tư pháp (Hà Nội: NXB Tư pháp, 2005).

16. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện ĐH Đảng toàn quốc lần thứ IX (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia 2001).

17. Đinh Văn Ân và Võ Trí Thành, Thể chế-cải cách thể chế và phát triển: Lý luận và thực tiễn nước ngoài và Việt Nam (Hà Nội: NXB Thống kê, 2002).

18. Đinh Văn Ân và Lê Xuân Bá, Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (Hà Nội: NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2006).

19. Đỗ Văn Đại, Luật Bồi thường thiệt hại ngoài hơp đồng: Bản án và bình luận bản án (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 2010).

20. Erich Schanze, “What is Law and Economics Today? A European View” in Peter Nobel (ed.), New Frontiers of Law and Economics, Zürich: Schulthess, 2006].

21. Francesco Parisi, “Positive, Normative and Funtional Schools in Law and Economics” (working paper) (December 2004). <http://ssrn.com/abstract_id=586641>.

22. Gary Becker, The Economics of Discrimination. (Chicago: Chicago University Press, 1957).

23. Gary Minda, Postmodern Legal Movements: Law and Jurisprudence at Century’s End (New York: New York University Press, 1995).

24. Gerrit De Geest and Roger Van Den Bergh, Comparative Law and Economics (Cheltenham, UK: Elgar, 2004).

25. Guido Calabresi, “Some Thoughts on Risk Distribution and the Law of Torts” Yale Law Journal (1961).

26. Harold Demsetz, “Toward a Theory of Property Rights”, (1967) 57 Am. Econ. Rev. 347, 347.

27. Harold Demsetz, “Toward a Theory of Property Rights II: The Competition Between Private and Collective Ownership” (2002) 31 J. Legal Stud. S653, S653.

28. Hoàng Chí Bảo, Hệ thống chính trị ở cơ sở nông thôn nước ta hiện nay (Hà Nội: NXB Lý luận chính trị 2005).

29. Hồ Sĩ Qúy, Con người và phát triển con người (Hà Nội: NXB Giáo dục, 2007).

30. Jane P.Mallor, et.al, Business Law and the Regulatory Environment: Concepts and Cases (McGraw-Hill Irwin, 2001).

31. Jeffrey L. Harrison and Jules Theeuwes, Law and Economics (New York: W.W. Norton & Company Ltd., 2008).

32. Jon Hanson & David Yosifson, “The Situation: An Introduction to the Situational Character, Critical Realism, Power Economics, and Deep Capture,” (2003) 152 U. Pa. L. Rev. 129.

33. John Adair, Decision Making and Problem-Solving Strategies, (London: Koganpage, 2010).

34. Karl Polanyi, The Great Transformation (Beacon Press, 2001).

35. Lê Nết, Kinh tế luật (TP Hồ Chí Minh: NXB Tri thức, 2006).

36. Leslie A. Pal, Beyond Policy Analysis: Public Issue Management in Turbulent Times, 4th ed. (Toronto: Nelson Education, 2010).

37. Louis Kaplow and Steven Shavell, “Economic Analysis of Law”, NBER WORKING PAPER SERIES, 1999 .

38. Lưu Văn Sùng, “Nhận thức mới của Đảng về bản chất của quyền lực nhà nước và sự phân công, kiểm soát việc thực hiện quyên lực nhà nước” trong PGS.TS. Tô Huy Rứa, GS.TS. Hoàng Chí Bảo, PGS.TS. Trần Khắc Việt, PGS.TS. Lê Ngọc Tòng (đồng chủ biên), Nhìn lại quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng 1986-2005 (Hà Nội: NXB Lý luận chính trị, 2006) 83-95.

39. Marshall, Alfred, Principles of Economics (London: Macmillan, 1890).

40. Marcel Mauss, The Gift: The Form and Reason for Exchange in Archaic Societies (London: Routledge, 2006)

41. Maurice Godelier: The Enigma of the Gift (Chicago: University Of Chicago Press, 1999).

42. Nguyễn Cúc, 20 năm đổi mới và hình thành thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 2005).

43. Nguyễn Hiền Chi và Vũ Mạnh Hồng (dịch), Quân vương – Thuật trị nước, (Hà Nội: NXB Tri thức, 2010).

44. Nguyễn Văn Hậu và Nguyễn Thị Như Hà (đồng chủ biên), Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 2009).

45. Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển kinh tế học (Hà Nội: NXB Đại học kinh tế quốc dân, 2006).

46. North, Douglass C. (1996), ’Economic Performance Through Time’, in Alston, Lee J., Eggertsson, Thráinn and North, Douglass C. (eds) Empirical Studies in Institutional Change (New York: Cambridge University Press).

47. Phạm Duy Nghĩa, Chuyên khảo Luật Kinh tế (Hà Nội: NXB Đại học quốc gia Hà Nội, 2004).

48. Phạm Duy Nghĩa, Giáo trình Luật Kinh tế (Hà Nội: NXB Công an Nhân dân, 2010).

49. Richard A. Posner, Economic Analysis of Law, 7th ed. (New York: Aspen Publishers, 2007).

50. Robert Cooter and Thomas Ulen: Law and economics (Scott, Foresman and Company, 1988).

51. Robert Cooter and Thomas Ulen, Law and Economics, 5th ed. (Boston: Pearson, 2008).

52. Robin Paul Malloy, Law and Market Economy: Reinterpreting the Values of Law and Economics (Cambridge: Cambridge University Press, 2000);

53.  Robin Paul Malloy, Law in a Market Context: An Introduction to Market Concepts in Legal Reasoning (Cambridge: Cambridge University Press, 2004).

54. Roger A. Arnold, Microeconomics, 10th ed. (South-Western Cengage Learning, 2011).

55. Ronald Coase, “The Nature of the Firm” (1937) 4(16) Economica 386–405

56. Ronald Coase, “The Problem of Social Cost”, (1960) Journal of Law and Economics 3: 1–44.

57. Scott Gordon, “The Economic Theory of a Common Property Resource: The Fishery’, (1954) 62 Journal of Political Economy, 124-142.

58. Steven Levitt and Stephen J. Dubner, Freak Economics (William Morrow, 2005).

59. Susan H. Easton, “The Path for Japan: An Examination of Product Liability Laws in the United States, the United Kingdom, and Japan” 23 B.C. Int’l & Comp. L. Rev. 311.

60. Thomas W. Merrill, “Introduction: The Demsetz Thesis and the Evolution of Property Rights”, Journal of Legal Studies, Vol. 31 (June/2002).

61. Tim Harford, The Logic of Life: The Rational Economics of an Irrational World (Random House, 2008).

62. Ugo Mattei, Comparative Law and Economics (Michigan University Press, 1997).

63. Ugo Mattei & Teemu Ruskola, Schlesinger’s Comparative Law (London: Foundation Press, 2009).

64. VietnamNet ngày 16/9/2010, “Viết tiểu thuyết chính trị phải có “máu chính trị”” <http://tuanvietnam.net/2010-09-15-viet-tieu-thuyet-chinh-tri-phai-co-mau-chinh-tri->).

65. William N. Dunn, Public Policy Analysis: An Introduction, 4th ed. (Pearson, 2004).

66. Wolfgang Weigel, Economics of the Law: A Primer (London and New York: Routledge, 2008).

 

 

PHỤ LỤC 1

THƯ MỤC CÁC CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU CƠ BẢN THUỘC TRƯỜNG PHÁI KINH TẾ HỌC PHÁP LUẬT         

 

1.      Những công trình có tính chất nhập môn[92]

1.1.   Adams, Michael (1981), Oekonomische Analyse des Zivilprozesses (Phân tích kinh tế đối với luật tố tụng dân sự), Koenigstein, Athenaeum-Verlag.

1.2.  Algra, N.E. (1991), Mối quan hệ giữa luật và kinh tế học, Cahiers Rechtstheorie en Encyclopedie van het recht, Nr. 2.

1.3. Arruñada, Benito (1996), ‘Analisis contractual de la empresa: Una introduccion aplicada (Doanh nghiệp – nhìn từ khía cạnh hợp đồng: một giới thiệu có tính ứng dụng)’, 5(3) Revista Europea de Direccion y Economia de la Empresa.

1.4.  Barnes, David W. and Stout, Lynn A. (1992a), Economic Foundations of Regulation and Antitrust Law (Nền tảng kinh tế của các quy chế điều tiết và luật cạnh tranh), Minneapolis, West Publishing.

1.5.  Barnes, David W. and Stout, Lynn A. (1992b), Economics of Property Rights and Nuisance Law (Kinh tế học quyền tài sản và luật về xâm phạm quyền tài sản), Minneapolis, West Publishing.

1.6.  Barnes, David W. and Stout, Lynn A. (1992c), Economics of Constitutional Law and Public Choice (Kinh tế học luật hiến pháp và lựa chọn công cộng), Minneapolis, West Publishing.

1.7.   Barnes, David W. and Stout, Lynn A. (1992d), Economic Analysis of Tort Law (Phân tích kinh tế đối với luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng), Minneapolis, West Publishing.

1.8.   Barnes, David W. and Stout, Lynn A. (1992e), Cases and Materials on Law and Economics (Các án lệ và tư liệu về luật và kinh tế học), Minneapolis, West Publishing.

1.9.   Barnes, David W. and Stout, Lynn A. (1992f), Economics of Contract Law (Kinh tế học về luật hợp đồng), Minneapolis, West Publishing.

1.10.  Bergel, J.-L. (1989), Théorie Générale du Droit (Lý luận chung về pháp luật), Dalloz, Coll. Méthode du droit.

1.11.  Bowles, Roger A. (1982), Law and the Economy (Luật và nền kinh tế), Oxford, Martin Robertson, 239 trang.

1.12.  Cabrillac Remy (1995), Introduction Générale au Droit (Dẫn nhập chung về pháp luật), Dalloz, 23 trang.

1.13.  Chiancone, Aldo and Porrini, Donatella (1996), Lezioni di Analisi Economica del Diritto (Những bài học về phân tích kinh tế đối với pháp luật), Torino, Giappichelli.

1.14.  Cooter, Robert D. and Ulen, Thomas S. (1988), Law and Economics (Luật và kinh tế học), Scott Foresman. Đã được dịch lại sang tiếng Nhật bởi giáo sư Shozo Ota, với lời giới thiệu của giáo sư Koji Shimdo và in phát hành tại Nhật năm 1989.

1.15.  Crafton, Steven M. and Brinig, Margaret F. (1994), Quantitative Methods for Lawyers (Phương pháp lượng dành cho luật sư), Durham (NC), Carolina Academic Press.

1.16. Dnes, Antony W. (1996), Economics of Law (Kinh tế học pháp luật), London, Sweet & Maxwell.

1.17. Gallo, Paolo (1998), Analisi Economica del Diritto (Phân tích kinh tế đối với pháp luật), Torino, Giappichelli.

1.18. Gemtos, Petros A. (1995), Oikonomika kai Dikaio: Oikonomika gia Nomikous, tomos: Methodologika kai Oikonomika Themelia (Luật và Kinh tế học: Kinh tế học dành cho luật sư, tập I: Những nền tảng phương pháp luận và kinh tế), Athens-Komotini, Ant. N. Sakkoulas Publications.

1.19. Ghestin Jacques (1994), ‘Traité de droit civil (Luận về luật dân sự)’, 84-85.

1.20. Hirsch, Werner Z. (1979), Law and Economics: An Introductory Analysis (Luật và Kinh tế học: một phân tích dẫn nhập), San Diego, Academic Press, 275 trang.

1.21. Holzhauer, Rudi W., Teijl, Rob et al. (1989, 1995), Inleiding Rechtseconomie (Giới thiệu về luật và kinh tế học), Arnhem, Gouda Quint.

1.22. Hondius, E.H. et al. (1991), Rechtseconomie en Recht: Kennismaking met een Vakgebied in Opkomst (Luật và kinh tế học và luật: Làm quen với một ngành khoa học đang hình thành), Zwolle, Tjeenk Willink, 201 trang.

1.23. Hwang, Chun-Sin and Kan, Steven S. (1994), Principles of Economics Cooperating for Mutual Prosperity and Progress (Những nguyên lý của kinh tế học: hợp tác vì sự phồn thịnh và tiến bộ chung), Taipei, Shin Lu Bookstore.

1.24.  Jovanovic, Aleksandra (1998), Uvod u Ekonomsku Analizu Prava (Dẫn nhập phân tích kinh tế đối với pháp luật), Belgrade, Pravni fakultet.

1.25. Kanniainen, Vesa and Määttä, Kalle (eds) (1996), Näkökulmia Oikeustaloustieteeseen (Những khía cạnh của Luật và Kinh tế học), Helsinki, Gaudeamus.

1.26. Kaplow, Louis (1987), Optimal Transition Policy: Replacing Horizontal Equity with an Ex Ante Incentives Perspective (Chính sách chuyển đổi tối ưu: thay thế công bằng theo chiều ngang bằng các khuyến khích về sau), Dissertation accepted by Harvard University Department of Economics.

1.27. Labus Miroljub (1995), Osnovi ekonomije: Savremene Teorije i Primena (Kinh tế học nền tảng: các lý thuyết đương đại và ứng dụng), Jugoslovenska knjiga, Belgrade.

1.28. Lande, Robert H., Lafferty, Ronald N. and Kirkwood, John (1984), Impact Evaluations of Federal Trade Commission Vertical Restraints Cases (Đánh giá của Ủy ban thương mại liên bang về các tác động của các án lệ trong các vụ thoả thuận hạn chế theo chiều dọc), FTC Publication. Nineteen Journal Reprints for Antitrust Law and Economics 1 (1986).

1.29. Lemennicier, Bertrand (1991), Economie du Droit (Kinh tế học pháp luật), Paris, Ed. Cujas, 177 trang.

1.30. Mackaay, Ejan (1982), Economics of Information and Law (Kinh tế học thông tin và luật pháp), Dordrecht, Kluwer, 293 trang.

1.31. Markovits, Richard S. (1982), Law and Economic Theory (Luật và lý thuyết kinh tế), Oxford, Centre for Socio-Legal Studies.

1.32. Mercado Pacheco, Pedro (1994), El Análisis Económico del Derecho. Una reconstrucción teórica (Luật và kinh tế học. Một tái tạo lý thuyết), Madrid, Centro de Estudios Constitucionales.

1.33. Mercuro, Nicholas and Ryan, Tim (1984), Law, Economics, and Public Policy (Luật, Kinh tế học, và Chính sách công), Greenwood, JAI Press.

1.34. Miceli, Thomas J. (1996), Economics of the Law: Torts, Contracts, Property, Litigation (Kinh tế học pháp luật: Luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, luật hợp đồng, luật sở hữu tài sản và kiện tụng), Oxford, Oxford University Press.

1.35. Murphy, Jeffrie G. and Coleman, Jules L. (1984), The Philosophy of Law: An Introduction to Jurisprudence (Triết học pháp luật: nhập môn luật học), Totowa, Rowman and Allenheld.

1.36. Nagel, Bernhard (1993), Wirtschaftsrecht I, Grundrechte und Einführung in das Bürgerliche Recht, 3 edn (Những quyền cơ bản và một giới thiệu về luật tư), München, Lehrbuch.

1.37. Nagel, Bernhard (1994), Wirtschaftsrecht III (Unternehmens-und Konzernrecht) (Luật của doanh nghiệp và các tập đoàn), München, Lehrbuch.

1.38. Nentjes, Andries (1993), Elementaire Rechtseconomie (Kinh tế học pháp luật sơ cấp), Groningen, Wolters-Noordhoff, 139 trang.

1.39. Oliver, J.M. (1979), Law and Economics (Luật và Kinh tế học), London, Allen and Unwin, 108 trang.

1.40. Phillips, A. (1962), Market Structure, Organization and Performance (Cấu trúc thị trường, tổ chức và hoạt động), Cambridge (MA), Harvard University Press.

1.41. Phillips, A. (1971), Technology and Market Structure: A Study of the Aircraft Industry (Công nghệ và cấu trúc thị trường: một nghiên cứu về ngành công nghiệp máy bay), Lexington (MA), Heath.

1.42. Polinsky, A. Mitchell (1983, 1989), An Introduction to Law and Economics (Nhập môn kinh tế học pháp luật), Boston, Little Brown, 183 p, 153 trang.

1.43. Posner, Richard A. (1973), Economic Analysis of Law (Phân tích kinh tế đối với pháp luật), Boston, Little Brown, 415 trang. (1st edn), 1977, 572 trang. (2nd edn), 1986, 666 trang.

1.44. Reumer, Andrés (1996), Análisis Económico del Derecho (Phân tích kinh tế đối với pháp luật), Mexico, Fondo de Cultura Económica, Sociedad Mexicana de geografía y Estadística, e Instituto Technológico Autónome de México.

1.45. Roemer, Andrès (1994), Introdución al Análisis Económico del Derecho (Nhập môn kinh tế học pháp luật), Mexico, Fondo de Cultura Económica, Sociedad Mexicana de geografía y Estadística, e Instituto Technológico Autónome de México.

1.46. Rubin, Paul H. (1983), Business Firms and The Common Law (Doanh nghiệp và luật án lệ).

1.47. Rubin, Paul H. (1990), Managing Business Transactions (Quản lý các giao dịch kinh doanh), New York, Free Press.

1.48. Ryssdal, Stray A.C. (1995), Legal Realism and Economics as Behavior – A Scandinavian Look at the Economic Analysis of Law (Chủ nghĩa thực chứng pháp lý và kinh tế học – một cách nhìn Bắc Âu về phân tích kinh tế đối với pháp luật), Oslo, Juridisk Forlag.

1.49. Schäfer, Hans-Bernd and Ott, Claus (1995), Lehrbuch der Ökonomischen Analyse des Zivilrechts, 2. Aufl. (Giáo trình về phân tích kinh tế đối với luật tư), Berlin.

1.50. Stankovic Vladeta (1985), Privredni Sistem (Hệ thống kinh tế), Belgrade, Pravni fakultet.

1.51. Stankovic Vladeta (1995), Pravo Privrednog Sistema (Luật về hệ thống kinh tế), Belgrade, Pravni fakultet.

1.52. Stephen, Frank H. (1988), The Economics of the Law (Kinh tế học pháp luật), Ames, Iowa State University Press, 224 trang.

1.53. Streit, Manfred E. (1991), Theorie der Wirtschaftspolitik 4. neubearb. u. erweiterte Aufl. (Lý thuyết về chính sách kinh tế), Düsseldorf.

1.54. Tang, Yu-Min (1987), Translation of Richard A. Posner’s Economic Analysis of Law (Bản dịch sang tiếng Trung cuốn sách phân tích kinh tế đối với pháp luật của Richard A. Posner), Taipei, Commercial Press.

1.55. Theeuwes, Jules J.M. et al. (1992), Recht en Economie (Luật và kinh tế học), Amsterdam, Addison-Wesley, 301 trang.

1.56. Torres Lopez, Juan (1987), Análisis Económico del Derecho. Panorama doctrinal (Khảo sát về luật và kinh tế học), Madrid, Editorial Tecnos.

1.57. Tullock, Gordon (1971), The Logic of the Law (Logic của pháp luật), New York, Basic Books, 278 trang.

1.58. Van Velthoven, Ben C.J., Van Wijck, Peter W. et al. (1997), Recht en Efficiëntie (Luật và Hiệu quả), Deventer, Kluwer, 337 trang.

1.59. Veljanovski, Cento G. (1990), The Economics of Law – An Introductory Text (Kinh tế học pháp luật – giáo trình nhập môn), London, Institute of Economic Affairs, 95 trang. (Hobart Paperback).

1.60. Vodinelic, V. Vladimir (1991), Gradjansko Pravo – Uvodne Teme (Luật dân sự – những chủ điểm cơ bản), Belgrade.

1.61. Weise, Peter, Eger, Thomas, Brandes, Wolfgang and Kraft, M. (1993), Neue Mikroökonomie (Kinh tế vi mô mới), Heidelberg, Physica.

1.62. Wikström, Kauko (1994), Oikeus ja Talous (Luật và Kinh tế học), Helsi.

1.63. ANTHONY OGUS et MICHEL FAURE, Économie du droit: le cas français (Kinh tế học pháp luật: trường hợp của Pháp) (2002).

1.64. CLAUDE MÉNARD (ed.) International Library of Law and Economics (Tổng tập về kinh tế học pháp luật) 7 tập, xuất bản năm 2004 tại Pháp.

2. Một số công trình chuyên ngành

2.1. Adams, Michael (1980), Ökonomische Analyse des Sicherungsrechte (Phân tích kinh tế đối với Luật chứng khoán), Königstein/Ts, Athenäum, 322 trang.

2.2. Adams, Michael (1981), Ökonomische Analyse des Zivilprozesses (Phân tích kinh tế đối với tố tụng dân sự), Königstein/Ts, Athenäum, 130 trang.

2.3. Adams, Michael (1985), Ökonomische Analyse des Gefährdungs- und Verschuldenshaftung (Phân tích kinh tế đối với trách nhiệm nghiêm ngặt và trách nhiệm có lỗi), Heidelberg, R.v Decker’s/C.F. Müller, 310 trang.

2.4.  Alpa, Guido, Pulitini, Francesco, Rodota, Stefano and Romani, Franco (1982), Interpretazione Giuridica e Analisi Economica (Giải thích pháp luật và phân tích kinh tế), Milano, Giuffrè, 662 trang.

2.5.  Anderson, Martin (1978), Welfare. The Political Economy of Welfare Reform in the United States (Phúc lợi. Kinh tế chính trị về cải cách hệ thống phúc lợi ở Hoa Kỳ), Stanford, Hoover Institute Press, Stanford University, 251 trang.

2.6. Anderson, R.W. (1976), The Economics of Crime (Kinh tế học tội phạm), London, Macmillan, 71 trang.

2.7.  Armentano, Dominick T. (1982), Antitrust and Monopoly: Anatomy of a Policy Failure (Chống tờ-rớt và độc quyền: giải phẫu các thất bại chính sách), New York, Wiley, 292 trang.

2.8.  Babic, Blagoje (1994), Prelaz u Tranziciji (Sự dối lừa trong chuyển đổi), Belgrade, Prometej.

2.9.  Baldwin, G.R. and Veljanovski, Cento G. (1982), Regulation and Cost-Benefit Analysis – The U.S. Experience (Điều tiết và phân tích chi phí cơ hội – kinh nghiệm Hoa Kỳ), Oxford, Centre for Socio-Legal Studies.

2.10.  Barzel, Yoram (1989), Economic Analysis of Property Rights (Phân tích kinh tế quyền sở hữu), Cambridge, Cambridge University Press, 122 trang.

 

2.11. Baumol, William J. and Oates, Wallace E. (1988), The Theory of Environmental Policy (Lý thuyết về chính sách môi trường), Cambridge, Cambridge University Press, 299 trang.

2.12. Baxter, William F. (1974), People or Penguins: The Case for Optimal Pollution (Con người hay chim cánh cụt: trường hợp ô nhiễm tối ưu), New York, Columbia University Press, 110 trang.

2.13. Becker, Gary S. (1957), The Economics of Discrimination (Kinh tế học về sự phân biệt đối xử), Chicago, University of Chicago Press, 137 trang.

2.14. Becker, Gary S. (1976), The Economic Approach to Human Behavior (Tiếp cận kinh tế đối với hành vi của con người), Chicago, University of Chicago Press, 314 trang.

2. 15. Becker, Gary S. (1991), A Treatise on the Family (Luận văn về gia đình), Cambridge (MA), Harvard University Press, 288 trang.

2.16. Beckerman, Wilfred (1990), Pricing for Pollution: An Analysis of Market Pricing and Government Regulation in Environment Consumption and Policy (Định giá ô nhiễm: phân tích định giá thị trường và quy chế điều tiết của chính phủ trong việc tiêu thụ môi trường và chính sách môi trường), London, Institute of Economic Affairs, 80 trang.

2.17. Begovic, Boris (1995), Ekonomika Urbanog Planiranja (Kinh tế học quy hoạch đô thị), Belgrade, CES/MECON.

2.18. Blair, Roger D. and Kaserman, David L. (1983), Law and Economics of Vertical Integration and Control (Luật và Kinh tế học của tập trung kinh tế theo chiều dọc và kiểm soát), New York, Academic Press, 211 trang.

 

2.19. Bork, Robert H. (1978), The Antitrust Paradox: A Policy at War with Itself (Nghịch lý chống độc quyền: chính sách tự mâu thuẫn), New York, Basic Books, 468 trang.

2.20. Bowman, Ward S., Jr (1973), Patent and Antitrust Law: A Legal and Economic Approach (Sáng chế và Luật cạnh tranh: một cách tiếp cận pháp lý và kinh tế), Chicago, University of Chicago Press.

2.21. Breyer, Stephen G. (1982), Regulation and its Reform (Điều tiết và cải cách sự điều tiết), Cambridge, MA, Harvard University Press, 472 trang.

2.22. Bromley, Daniel W. (1989), Economic Interests and Institutions: The Conceptual Foundations of Public Policy (Lợi ích kinh tế và thể chế: nền tảng ý niệm của chính sách công), Oxford, Blackwell.

2.23. Bromley, Daniel W. (1991), Environment and Economy: Property Rights and Public Policy (Môi trường và nền kinh tế: quyền sở hữu và chính sách công), Cambridge, MA, Blackwell.

2.24. Burrows, Paul (1979), The Economic Theory of Pollution Control (Lý thuyết kinh tế về kiểm soát ô nhiễm), Oxford, Martin Robertson, 192 trang.

2.25. Button, Kenneth J. (1990), Airline Deregulation: International Experiences (Giải điều tiết lĩnh vực hàng không: kinh nghiệm quốc tế), New York, New York University Press, 191 trang.

2.26. Calabresi, Guido (1970), The Costs of Accidents: A Legal and Economic Analysis (Chi phí của các vụ tai nạn: phân tích kinh tế và pháp lý), New Haven, Yale University Press, 340 trang.

2.27. Calabresi, Guido and Bobbitt, Philip (1978), Tragic Choices: The Conflicts Society Confronts in the Allocation of Tragically Scarce Resources (Các chọn lựa bi thảm: các mâu thuẫn mà xã hội phải đối mặt trong việc phân bổ các nguồn lực khan hiếm một cách bi thảm), New York, W.W. Norton, 252 trang.

2.28. Campbell, David and Clay, Susan, Long-Term Contracting: A Research Bibliography and Review of the Literature (Hợp đồng dài hạn: thư mục nghiên cứu và đánh giá tình hình nghiên cứu), Oxford, Centre for Socio-Legal Studies.

2.29. Casper, Gerhard and Posner, Richard A. (1976), The Workload of the Supreme Court (Công việc của Toà tối cao), Chicago, American Bar Foundation.

2.30. Cheung, Steven N.S. (1969), A Theory of Share Tenancy (Lý thuyết về sở hữu chung theo phần), Chicago, University of Chicago Press, 188 trang.

2.31. Cheung, Steven N.S. (1978), The Myth of Social Costs: A Critique of Welfare Economics and the Implications for Public Policy (Bí ẩn của chi phí xã hội: một phê phán đối với kinh tế học phúc lợi và các ngụ ý đối với chính sách), London, Institute of Economic Affairs, 93 trang.

2.32. Coleman, Jules L. (1988), Markets, Morals and the Law (Thị trường, đạo đức và pháp luật), Cambridge, Cambridge University Press, 393 trang.

2.33. Crain, W. Mark (1980), Vehicle Safety Inspection Systems – How Effective? (Hệ thống kiểm tra an toàn phương tiện – mức độ hiệu lực đến đâu?), Washington, American Enterprise Institute for Public Policy Research.

2.34. Crandall, Robert W. (1983), Controlling Industrial Pollution: The Economics and Politics of Clean Air (Kiểm soát ô nhiễm công nghiệp: kinh tế học và chính trị học về không khí sạch), Washington, Brookings Institution, 199 trang.

2.35. Crandall, Robert W. et al. (1986), Regulating the Automobile (Điều tiết ngành xe hơi), Washington, Brookings Institution, 202 trang.

2.36. Crew, Michael A. and Kleindorfer, Paul R. (1986), The Economics of Public Utility Regulation (Kinh tế học về sự điều tiết các tiện ích công cộng), Cambridge (MA), MIT Press, 304 trang.

2.37. Culyer, A.J. (1973), The Economics of Social Policy (Kinh tế học về chính sách xã hội), London, Martin Robertson, 268 trang.

2.38. Dahlman, Carl J. (1980), The Open Field System and Beyond: A Property Right (Hệ thống cánh đồng mở: một quyền tài sản), Cambridge, Cambridge University Press, 234 trang.

2.39. Dales, John H. (1968), Pollution, Property and Prices: An Essay in Policy (Ô nhiễm, quyền sở hữu và giá cả: một bài luận về chính sách), Toronto, University of Toronto Press, 111 trang.

2.40. Danzon, Patricia M. (1985), Medical Malpractice: Theory, Evidence, and Public Policy (Những bất cẩn trong ngành y tế: lý thuyết, bằng chứng và chính sách công), Cambridge, MA, Harvard University Press, 264 trang.

2.41. De Clercq, Marc and Naert, Frank (1985), De Politieke Markt (Thị trường chính trị), Antwerpen, Kluwer, 163 trang.

2.42. De Geest, Gerrit (1994), Economische Analyse van het Contracten- en Quasi-contractenrecht: een Onderzoek naar de Wetenschappelijke Waarde van de Rechtseconomie (Phân tích kinh tế đối với luật hợp đồng và luật về chuẩn hợp đồng: một nghiên cứu về giá trị khoa học của Luật và Kinh tế học), Antwerpen, Maklu, 568 trang.

2.43. Demsetz, Harold (1982), Economic, Legal and Political Dimensions of Competition (Khía cạnh kinh tế, pháp lý và chính trị của cạnh tranh), Amsterdam, North-Holland, 125 trang.

2.44. Derthick, Martha and Quirck, Paul J. (1985), ‘Why the Regulators Chose to Deregulate’ (Vì sao nhà quản lý chọn việc giải điều tiết), in Noll.

2.45. Roger G. (ed.), Regulatory Policy and the Social Sciences (Chính sách điều tiết và khoa học xã hội), Berkeley, University of California Press, 200-231.

2.46. Dewees, Donald N., Everson, C.K. and Sims, W.A. (1975), Economic Analysis of Environmental Policies (Phân tích kinh tế chính sách môi trường), Toronto, University of Toronto Press, 175 trang.

2.47. Dilnot, Andrew (1989), The Economics of Social Security (Kinh tế học hệ thống an sinh xã hội), Oxford, Oxford University Press, 287 trang.

2.48. Djuricin, Dragan (1994), Privrede u tranziciji: Privatizacija i Povezane Teme (Các nền kinh tế đang chuyển đổi: tư nhân hoá và các vấn đề liên quan), Decije novine, Gornji Milanovac.

2.49. Douglas, George W. and Miller, J.C. (1974), Economic Regulation of Domestic Air Transport: Theory and Policy (Điều tiết kinh tế đối với ngành hàng không nội địa: lý thuyết và chính sách), Washington, Brookings Institution.

2.50. Dudek, Daniel J. and Wiener, Jonathan Baert (1996), Joint Implementation, Transaction Costs,and Climate Change (Thực thi chung, chi phí cơ hội và thay đổi khí hậu), Paris, OECD.

2.51. Eckert, Ross D. (1979), The Enclosure of Ocean Resources: Economics and the Law of the Sea (Mở cửa các nguồn lợi biển: Kinh tế học và luật pháp về biển), Stanford, Hoover Institute Press, Stanford University, 390 trang.

2.52. Eggertsson, Thrainn (1990), Economic Behaviour and Institutions (Hành vi kinh tế và thể chế), Cambridge, Cambridge University Press, 385 trang.

2.53. Emons, Winand (1987), On the Economic Theory of Warranties (Về lý thuyết kinh tế của bảo hành), Bonn, 84 trang.

2.54. Faure, Michael G. and Van den Bergh, Roger (1989), Objectieve Aansprakelijkheid, Verplichte Verzekering en Veiligheidsregulering (Trách nhiệm nghiêm ngặt, bảo hiểm bắt buộc và quy chế an toàn), Antwerpen, Maklu, 386 trang.

2.55. Fischel, William A. (1985), The Economics of Zoning Laws: A Property Rights Approach to American Land Use Controls (Kinh tế học luật phân vùng: cách tiếp cận quyền sở hữu đối với các kiểm soát sử dụng đất ở Hoa Kỳ), Baltimore , MD, John Hopkins University Press, 372 trang.

2.56. Fleisher, B. (1966), The Economics of Delinquency (Kinh tế học về vi phạm pháp luật), New York, Quadrangle.

2.57. Frey, Bruno S. (1990), Ökonomie ist Sozialwissenschaft. Die Anwendung der (Kinh tế học với tư cách là một khoa học xã hội. Giá trị của kinh tế học), München, Vahlen.

2.58. Gaay Fortman, Bastiaan De (1966), Theory of Competition Policy: A Confrontation of Economic, Political and Legal Principles (Lý thuyết về chính sách cạnh tranh: một sự đối mặt với các nguyên tắc kinh tế, chính trị và pháp lý), Amsterdam, North-Holland, 341 trang.

2.59. Gay, David E.R. (1975), ‘Property Rights and Adam Smith’ (Quyền tài sản và Adam Smith), 33 Review of Social Economy, 177-179.

2.60. Gellhorn, Ernest A. (1976), Antitrust Law and Economics (Kinh tế học luật cạnh tranh), St. Paul, West Publishing Company, 472 trang.

2.61. Ghosh, D., Lees, D. and Seal, W. (1976), The Economics of Personal Injury (Kinh tế học về các thiệt hại nhân thân), Westmead, Saxon House, 6 trang.

2.62. Gibbs, J. (1975), Crime, Punishment and Deterrence (Tội phạm, trừng phạt và răn đe), New York, Elsevier.

2.63. Gimpel-Hinteregger, Monika (1994), Grundfragen der Umwelthaftung (Những vấn đề cơ bản về trách nhiệm môi trường), Vienna, Manz.

2.64. Grabowski, Henry G. (1976), Drug Regulation and Innovation: Empirical Evidence (Điều tiết thuốc và sáng tạo: các bằng chứng thực chứng), Washington, American Enterprise Institute for Public Policy Research, 82 trang.

2.65. Grether, David M., Isaac, R. Mark and Plott, Charles R. (1989), The Allocation of Scarce Resources. Experimental Economics and the Problem of Allocating Airport Slots (Phân bổ các nguồn lực khan hiếm. Kinh tế học thực nghiệm và vấn đề phân khu ở phi trường), Boulder, CO, Westview Press, 333 trang.

2.66. Hahn, Robert (1989), A Primer on Environmental Policy Design, New York, Harwood Academic, 135 trang.

2.67. Halpern, Paul J. and Carr, Jack L. (1981), Liability Rules and Insurance Markets, Ottawa, Consumer and Corporate Affairs Canada.

2.68. Harris, Richard A. and Milkis, Sidney M. (1989), The Politics of Regulatory Change: A Tale of Two Agencies, Oxford, Oxford University Press, 331 trang.

2.69. Hartley, K. and Maynard, Alan (1982), The Costs and Benefits of Regulating New Product Development in the UK Pharmaceutical Industry, London, Office of Health Economics.

2.70. Hayashida, Seimei (1996), ‘Ho to Keizaigaku no Horiron (Kinh tế học pháp luật như một lý thuyết pháp luật)’, Hokudai Tosho Kankokai (Hokkaido University Press).

2.71. Hellaman, D.A. (1980), The Economics of Crime (Kinh tế học tội phạm), New York, St. Martin’s Press.

2.72. Hellman, Daryl A. and Alper, Neil O. (1990), Economics of Crime: Theory and Practice (Kinh tế học tội phạm: lý thuyết và thực tiễn), Needham Heights, Simon and Schuster, Ginn Press, 226 trang.

2.73. Hess, James D. (1983), The Economics of Organisation (Kinh tế học tổ chức), Amsterdam, North-Holland, 284 trang.

2.74. Hiber, Dragor (1998), Svojina u Tranziciji (Quyền sở hữu trong chuyển đổi), Belgrade, Pravni fakultet.

2.75. Hodgson, Geoffrey M. (1988), Economics and Institutions (Kinh tế học và thể chế), Cambridge, Polity Press, 365 trang.

2.76. Huber, Peter W. (1988), Liability. The Legal Revolution and its Consequences (Trách nhiệm. Cách mạng pháp lý và các hệ quả), New York, Basic Books, 260 trang.

2.77. Ippolito, Richard A. (1989), The Economics of Pension Insurance (Kinh tế học bảo hiểm tiền hưu), Homewood, Irwin for the University of Pennsylvania, Wharton School, Pension Research Council, 270 trang.

2.78. Ivic, Aleksandar and Maksimovic, Ivan (1984), Drustvena Svojina i Samoupravljanje I (Sở hữu xã hội và tự quản), Belgrade, Pravni fakultet.

2.79. Jackson, Thomas H. (1986), The Logic and Limits of Bankruptcy Law (Logic và giới hạn của luật cạnh tranh), Cambridge (MA), Harvard University Press, 287 trang.

2.80. Johnson, Bruce M. (1985), Taking Care of Business: The Economics of Crime by Heroin Abusers (Quan tâm tới kinh doanh: Kinh tế học tội phạm bởi những người lạm dụng ma túy), Lexington, MA, Lexington Books, 278 trang.

2.81. Joskow, Paul L. and Schmalensee, Richard L. (1983), Markets for Power: An Analysis of Electric Utility (Thị trường năng lượng: một phân tích về ngành điện lực), Cambridge, MA, MIT Press, 269 trang.

2.82. Kahn, Alfred E. (1988), The Economics of Regulation: Principles and Institutions (Kinh tế học điều tiết: Nguyên lý và thể chế), Cambridge, MA, MIT Press, 559 trang.

2.83. Kaufer, Erich (1989), The Economics of the Patent System (Kinh tế học về hệ thống sáng chế), Chur, Harwood Academic, 66 trang.

2.84. Kaysen, Carl and Turner, Donald F. (1959), Antitrust Policy: An Economic and Legal Analysis (Chính sách cạnh tranh: một phân tích kinh tế và pháp lý), Cambridge, MA, Harvard University Press, 345 trang.

2.85. Kleiman, Mark A.R. (1989), Marijuana: Costs of Abuse, Costs of Control (Ma túy: chi phí của việc lạm dụng và kiểm soát), Westport, Greenwood, 197 trang.

2.86. Klitgaard, Robert (1988), Controlling Corruption (Kiểm soát tham nhũng), Berkeley, University of California Press, 220 trang.

2.87. Kneese, Allan V. and Schultze, Charles L. (1975), Pollution, Prices and Public Policy (Ô nhiễm, giá cả và chính sách công), Brookings, Washington, DC, 125 trang.

2.88. Landes, William M. and Posner, Richard A. (1987), The Economic Structure of Tort Law (Cấu trúc kinh tế của luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng), Cambridge, MA, Harvard University Press, 330 trang.

2.89. Lehmann, Michael (1983), Bürgerliches Recht und Handelsrecht – eine juristische und Ökonomische Analyse ausgewählter Probleme für Wirtschaftswissenschaftler und interdisziplinär interessierte Juristen unter besonderer Berücksichtigung der “Ökonomischen Analyse des Rechts” und (Luật dân sự và thương mại – một phân tích kinh tế và pháp lý về một số vấn đề chọn lựa dành cho các luật sư quan tâm tới việc nghiên cứu liên ngành đặc biệt là chú ý tới việc phân tích kinh tế đối với pháp luật và lý thuyết quyền tài sản), Stuttgart, Poeschel, 329 trang.

2.90. Lepage, Henri (1984), Pourquoi la propriété? (Vì sao sở hữu tư nhân?), Paris, Pluriel.

2.91. Leube, Kurt R. and Moore, Thomas Gale (1986), The Essence of Stigler (Bản chất tư tưởng của Stigler), Stanford, Hoover Institute Press, Stanford University, 377 trang.

2.92. Libecap, Gary D. (1989), Contracting for Property Rights (Hợp đồng và quyền sở hữu), Cambridge, Cambridge University Press, 132 trang.

2.93. Luken, Ralph A. (1991), Efficiency in Environmental Regulation (Hiệu quả trong các quy tắc điều tiết môi trường), Dordrecht, Kluwer, 400 trang.

2.94. Luksetich, William and White, Michael (1982), Crime and Public Policy: An Economic Approach (Tội phạm và chính sách công: một cách tiếp cận kinh tế), Boston, Little Brown.

2.95. Madzar, Ljubomir (1995), Svojina i Reforma (Quyền sở hữu và cải cách), Belgrade, Institut ekonomskih nauka.

2.96. Malloy, Robin Paul (1990), Law and Economics. A Comparative Approach to Theory and Practice (Luật và Kinh tế học: Một cách tiếp cận so sánh về lý thuyết và thực tiễn), St. Paul, West Publishing Company, 166 trang.

2.97. Mataja, Victor (1888), Das Recht des Schadenersatzes vom Standpunkte der Nationalökonomie (Luật bồi thường nhìn từ góc độ kinh tế học), Leipzig.

2.98. Mendeloff, John M. (1988), The Dilemma of Toxic Substance Regulation: How Overregulation Causes Underregulation (Tình thế lưỡng nan của việc quản lý chất độc: bằng cách nào mà sự quản lý quá mức lại gây ra tình trạng thiếu sự quản lý), Cambridge, MA, MIT Press, 321 trang.

2.99. Mercuro, Nicholas and Medema, Steven G. (1997), From Posner to Post-Modernism (Từ Posner đến chủ nghĩa hậu hiện đại), Princeton, Princeton University Press.

2.100. Mercuro, Nicholas and Ryan, Thimothy trang. (1984), Law, Economics and Public Policy (Luật, Kinh tế học và chính sách công), Greenwood, JAI Press, 184 trang.

2.101. Moore, Thomas G. (1976), Trucking Regulation. Lessons from Europe (Các quy định về xe tải: bài học từ châu Âu), Washington, American Enterprise Institute for Public Policy Research, 148 trang.

2.102. Morrison, Steven A. and Winston, Clifford (1986), The Economic Effects of Airline Deregulation (Tác dụng kinh tế của việc giải điều tiết ngành hàng không), Washington, Brookings Institution, 84 trang.

2.103. Munch, Patricia (1977), Costs and Benefits of the Tort System if Viewed as (Chi phí và lợi ích của chế độ trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng), Santa Monica, Institute for Civil Justice, Rand Corporation.

2.104. Myhrman, Johan, Petrén, Gustav and Strömholm, Stig (1987), Marknadsekonomins Rättsliga Grundvalar (Nền tảng pháp lý của nền kinh tế thị trường), Timbro.

2.105. Needham, Douglas (1983), The Economics and Politics of Regulation: A Behavioral Approach (Kinh tế học và chính trị học của việc điều tiết: một cách tiếp cận hành vi), Boston, Little Brown, 482 trang.

2.106. Neely, Richard (1988), The Product Liability Mess: How Business Can Be Rescued from the Politics of the State Courts (Vấn đề trách nhiệm sản phẩm: doanh nghiệp có cách nào thoát khỏi vấn đề chính trị học Toà án các bang), New York, Free Press, 181 trang.

2.107. Olson, Walter (ed.) (1988), New Directions in Liability Law (Những hướng phát triển mới trong luật trách nhiệm), New York, The Academy of Political Science, 214 trang.

2.108. Orlic, V. Miodrag and Rajovic, Veroljub (1984), Drustvena Svojina i Samoupravljanje II (Tài sản xã hội và vấn đề tự quản II), Belgrade, Pravni fakultet.

2.109. Otto, Hans-Jochen (1982), Generalprävention und externe Verhaltenskontrolle, Wandel vom Sociologischen zum Ökonomischen Paradigma in der Nordamerikanischen Kriminologie? (Ngăn ngừa chung và việc kiểm soát bên ngoài đối với hành vi, sự tiến hoá từ cách tiếp cận xã hội sang cách tiếp cận kinh tế trong Tội phạm học Hoa Kỳ?), Freiburg, Max-Planck-Institut für ausländisches internationales Strafrecht, 323 trang.

2.110. Owen, Bruce M. and Braeutigam, Ronald R. (1978), The Regulation Game: Strategic Use of the Administrative Process (Trò chơi điều tiết: việc sử dụng có tính chiến lược đối với các quy trình hành chính), Cambridge, MA, Ballinger, 271 trang.

2.111. Papps, Ivy (1980), For Love or Money? A Preliminary Economic Analysis (Vì tình yêu hay vì tiền? Một phân tích kinh tế sơ bộ), London, Institute of Economic Affairs, 63 trang. (Hobart Paperback No.86).

2.112. Pejovich, Svetozar (1990), The Economics of Property Rights: Towards a Theory (Kinh tế học quyền sở hữu: hướng tới một lý thuyết), Dordrecht, Kluwer, 224 trang.

2.113. Peltzman, Sam (1975), Regulation of Pharmaceutical Innovation (Các quy tắc quản lý phát minh dược phẩm), Washington, American Enterprise Institute for Public Policy Research, 118 trang.

2.114. Penrose, E.T. (1951), The Economics of the International Patent System (Kinh tế học hệ thống sáng chế quốc tế), Baltimore, MD, John Hopkins University Press.

2.115. Pigou, A.C. (1932), The Economics of Welfare (Kinh tế học phúc lợi), London, Macmillan, 876 trang.

2.116. Poole, Robert W., Jr (1982), Instead of Regulation (Thay cho sự điều tiết), Lexington, KY, Heath, 404 trang.

2.117. Poole, Robert W., Jr (ed.) (1985), Unnatural Monopolies: The Case for Deregulating Public Utilities (Độc quyền không tự nhiên: trường hợp giải điều tiết đối với các tiện ích công cộng), Lexington, MA, Lexington Books, 224 trang.

2.118. Posner, Richard A. (1976), Antitrust Law: An Economic Perspective (Luật chống tờ-rớt: một cách nhìn kinh tế), Chicago, University of Chicago Press, 262 trang.

2.119. Posner, Richard A. (1981), The Economics of Justice (Kinh tế học công lý), Cambridge, MA, Harvard University Press, 415 trang.

2.120. Posner, Richard A. (1985), The Federal Courts: Crisis and Reform (Toà án liên bang: khủng hoảng và cải cách), Cambridge, MA, Harvard University Press, 365 trang.

2.121. Priddat, Birger (1988), Das Geld und die Vernunft. Über John Lockes Versuch einer naturrechtlich begründeten Ökonomie (Tiền và lý do. Về kinh tế học dựa trên quyền tự nhiên của John Locke), Frankfurt am Main, Peter D. Lang.

2.122. Pyle, David J. (1983), The Economics of Crime and Law Enforcement (Kinh tế học tội phạm và việc thi hành luật), London, MacMillan, 216 trang.

2.123. Pyle, David J. (1989), Tax Evasion and the Black Economy (Trốn thuế và nền kinh tế ngầm), New York, St. Martin’s Press, 212 trang.

2.124. Raufer, Roger K. and Feldman, Stephen L. (1987), Acid Rain and Emissions Trading: Implementing a Market Approach to Pollution Control (Mưa axit và việc mua bán quyền phát thải: áp dụng một phương thức thị trường đối với việc kiểm soát ô nhiễm), Totowa, Rowman and Allenheld, 161 trang.

2.125. Rea, Samuel A., Jr. (1981), Disability Insurance and Public Policy (Bảo hiểm tàn tật và chính sách công), Toronto, University of Toronto Press.

2.126. Rea, Samuel A., Jr. and James E. (1977), Pesando, Public and Private Pensions in Canada: An Economic Analysis (Qũy lương công cộng và qũy lương tư nhân: một phân tích kinh tế), Toronto, University of Toronto Press.

2.127. Reuter, Peter (1983), Disorganized Crime: The Economics of the Visible Hand (Tội phạm không có tổ chức: kinh tế học về bàn tay vô hình), London, MIT Press, 233 trang.

 

2.128. Ringen, Stein (1987), The Possibility of Politics: A Study in the Political Economy of the Welfare State (Các khả năng của chính trị học: một nghiên cứu kinh tế chính trị về nhà nước phúc lợi), Oxford, Clarendon, 303 trang.

2.129. Robert, Philippe and Godefroy, Thierry (1977), Le Coût du Crime ou l’Economie Poursuivant le Crime (Chi phí tội phạm hay là kinh tế học truy tố tội phạm), Genève, Masson, 225 trang.

2.130. Rogers, A.J. (1973), The Economics of Crime (Kinh tế học tội phạm), Illinois, Dryden Press.

2.131. Rowley, Charles K. (1973), Antitrust and Economic Efficiency (Luật chống tờ-rớt và hiệu quả kinh tế), London, Macmillan, 95 trang.

2.132. Rowley, Charles K. (1992), The Right to Justice: The Political Economy of Legal Services in the United States (Quyền có công lý: Kinh tế chính trị học về dịch vụ pháp lý ở Hoa Kỳ), Aldershot, Edward Elgar.

2.133. Rowley, Charles K. and Ogus, Anthony I. (1984), Prepayments and Insolvency (Trả trước và phá sản), London, Office of Fair Trading.

2.134. Rowley, Charles K. and Yarrow, G.K. (1978), Evolution of Concentration in the United Kingdom Cement Industry (Sự tiến hoá của tích tụ tư bản trong ngành xi măng Anh Quốc), Commission of the European Communities. French edition 1979.

2.135. Rubin, Paul H. (1983), Business Firms and the Common Law. The Evolution of Efficient Rules (Doanh nghiệp và luật án lệ: sự tiến hoá của các quy tắc hiệu quả), New York, Praeger, 189 trang.

2.136. Rubin, Paul H. (1993), ‘Private Mechanisms for the Creation of Efficient Institutions for Market Economies’ (Cơ chế tư nhân trong việc tạo lập các thiết chế hiệu quả trong nền kinh tế thị trường), trong cuốn sách do Somogyi, Laszlo chủ biên, The Political Economy of The Transition Process In Eastern Europe (Kinh tế chính trị học về quá trình chuyển đổi ở Đông Âu), Cheltenham, Edward Elgar.

2.137. Rubin, Paul H. (1994), ‘Growing A Legal System in the Post-Communist Economies’ (Xây dựng một hệ thống pháp luật ở các nước hậu Cộng sản), 27 Cornell International Law Journal, 1-47.

2.138. Rubin, Paul H. and Tesche, Jean, ‘Enforcement of Agreements in Russia,’ (Vấn đề thực thi hợp đồng ở Nga) in Sachs, Jeffrey (ed.),

2.139. The Rule of Law and Economic Reform in Russia,’ (Nhà nước pháp quyền và cải cách kinh tế ở Nga) Boulder, Westview Press, 912 trang.

2.140. Sagoff, Mark (1988), The Economy of the Earth: Philosophy, Law, and the Environment (Nền kinh tế trái đất: triết lý, luật và môi trường), Cambridge, Cambridge University Press, 271 trang.

2.141. Santini, Gerardo (1979), Il Commercio (Bàn về thương mại), Bologna, Il Mulino, 364 trang.

2.142. Santini, Gerardo (1987), I Servizi. Saggio di Economia del Diritto (Dịch vụ. Một ví dụ về cách tiếp cận kinh tế), Bologna, Il Mulino, 562 trang.

2.143. Schenk, Karl-Ernst (1982), ‘Institutional Choice’ und Ordnungstheorie (‘Chọn lựa thể chế’ và lý thuyết trật tự), Tübingen, Mohr, 39 trang.

2.144. Scheppele, Kim Lane (1988), Legal Secrets, Equality and Efficiency in the Common Law (Bí mật pháp lý, bình đẳng và hiệu quả trong luật án lệ), Chicago, University of Chicago Press, 363 trang.

2.145. Scherer, Frederic M. (1977), The Economic Effects of Compulsory Patent Licensing (Tác động kinh tế của việc li-xăng cưỡng bức), New York, New York University Press.

2.146. Schmid, A. Allan (1987), Property, Power, and Public Choice: An Inquiry into Law and Economics (Quyền sở hữu, quyền lực và lựa chọn công cộng: Một nghiên cứu về kinh tế học pháp luật), Westport, Greenwood, 332 trang.

2.147. Schmidt, Ingo and Rittaler, Jan B. (1989), A Critical Evaluation of the Chicago School of Antitrust Analysis (Đánh giá phê phán đối với phân tích cạnh tranh của trường phái Chicago), Dordrecht, Kluwer Academic Publishers, 132 trang.

2.148. Schmidt, Peter and Witte, Ann Dryden (1984), An Economic Analysis of Crime and Justice: Theory, Methods, and Applications (Phân tích kinh tế đối với tội phạm và công lý: lý thuyết, phương pháp và ứng dụng), New York, Academic Press, 416 trang.

2.149. Shavell, Steven (1987), Economic Analysis of Accident Law (Phân tích kinh tế đối với luật tai nạn), Cambridge, MA, Harvard University Press, 312 trang.

2.150. Shaviro, Daniel N. (1995), Budget Deficits and the Intergenerational Distribution of Lifetime Consumption (Thâm hụt ngân sách và phân bổ tiêu dùng suốt đời giữa các thế hệ), University of Chicago Law and Economics Working Paper, No. 29.

2.151. Shepherd, William G. (1985), Public Policies Toward Business (Chính sáhc công đối với doanh nghiệp), Homewood, IL, Richard D. Irwin, 541 trang.

2.152. Simonich, William L. (1991), Government Antismoking Policies (chính sách chống hút thuốc của Chính phủ), New York, Peter Lang, 300 trang.

2.153. Smith, Peter and Swann, Dennis (1979), Protecting the Consumer – An Economic and Legal Analysis (Bảo vệ người tiêu dùng – Phân tích kinh tế và pháp lý), Oxford, Martin Robertson, 286 trang.

2.154. Snow, Marcellus S. (1986), Marketplace for Telecommunications: Regulation and Deregulation in Industrialized Democracies (Thị trường viễn thông: điều tiết và giải điều tiết trong các nền dân chủ đã công nghiệp hoá), New York, Longman, 304 trang.

2.155. Swann, Dennis (1988), The Retreat of the State: Deregulation and Privatization in the U.K. and U.S. (Sự rút lui của Nhà nước: giải điều tiết và tư nhân hoá ở Anh và Hoa Kỳ), Ann Arbor, University of Michigan Press, 344 trang.

2.156. Tabasz, Thomas F. (1975), Toward an Economics of Prisons (Hướng tới kinh tế học trại giam), Lexington, KY, Heath.

2.157. Taylor, Charles T. and Silbertson, Z.A. (1973), The Economic Impact of the Patent System (Tác động kinh tế của hệ thống sáng chế), Cambridge, Cambridge University Press.

 

2.158. Teijl, Rob and Holzhauer, Rudi W. (1997), Wisselende Perspectieven in de Rechtseconomie (Các khía cạnh thay đổi trong kinh tế học pháp luật), Arnhem, Gouda Quint, 431 trang.

2.159. Tillman, Georg (1989), Equity, Incentives, and Taxation (Công bằng, các khuyến khích và đánh thuế), Berlin, Springer, 132 trang.

2.160. Trimarchi, Pietro (1961), Rischio e Responsabilità Oggettiva (Rủi ro và trách nhiệm nghiêm ngặt), Milano, Giuffrè, 383 trang.

2.161. Tullock, Gordon (1983), Economics of Income Redistribution (Kinh tế học phân phối thu nhập), Boston, Kluwer-Nijhoff, 208 trang.

2.162. Tullock, Gordon (1986), The Economics of Wealth and Poverty (Kinh tế học về giàu và nghèo), New York, Columbia University Press, 210 trang.

2.163. Tullock, Gordon (1989), The Economics of Special Privilege and Rent Seeking (Kinh tế học về đặc quyền và tìm kiếm lợi nhuận), Boston, Kluwer Academic Publishers, 104 trang.

2.164. Utton, M.A. (1986), The Economics of Regulating Industry (Kinh tế học ngành kinh tế đang bị điều tiết), Oxford, Blackwell, 243 trang.

2.165. Viscusi, W. Kip (1979), Welfare for the Elderly: An Economic Analysis and Policy Prescription (Phúc lợi dành cho người già: một phân tích kinh tế và giải pháp về chính sách), New York, Wiley, 251 trang.

2.166. Vousden, Neil (1990), The Economics of Trade Protection (Kinh tế học về bảo hộ thương mại), Cambridge, Cambridge University Press, 305 trang.

2.167. Vukotic, Veselin (1993), Privatizacija i Razvoj Trzisne Privrede (Tư nhân hoá và phát triển nền kinh tế thị trường), Belgrade, Institut ekonomskih nauka.

2.168. Vukovic, S. (1996), Cemu privatizacija (Vì sao tư nhân hoá), Belgrade, SDS-IKSI.

2.169. Waterson, Michael (1988), Regulation of the Firm and Natural Monopoly (Điều tiết hãng và độc quyền tự nhiên), Oxford, Blackwell, 164 trang.

2.170. Weitzman, Lenore J. (1981), The Marriage Contract: Spouses, Lovers and the Law (Hợp đồng hôn nhân: vợ chồng, người tình và pháp luật), New York, Free Press, 536 trang.

2.171. Werin, Lars (1982), Ekonomi Och Rättssystem (Nền kinh tế và hệ thống pháp luật), Malmö, Liber.

2.172. Whynes, David K. and Bowles, Roger A. (1981), The Economic Theory of the State (Lý thuyết kinh tế về nhà nước), Martin Robertson, Oxford, 236 trang.

2.173. Williamson, Oliver E. (1985), The Economic Institutions of Capitalism: Firms, Markets, Relational Contracting (Thể chế kinh tế của chủ nghĩa tư bản: doanh nghiệp, thị trường và quan hệ hợp đồng), New York, Free Press, 450 trang.

2.174. Williamson, Oliver E. (1989), Antitrust Economics: Mergers, Contracting and Strategic Behavior (Kinh tế học cạnh tranh: Sáp nhập, hợp đồng và hành vi chiến lược), Oxford, Basil Blackwell, 363 trang.

3.      Luận án tiến sỹ hoặc thạc sỹ

3.1.   Adams, Michael (1981), Oekonomische Analyse des Zivilprozesses (Phân tích kinh tế hoạt động tố tụng dân sự), Koenigstein, Athenaeum-Verlag.

3.2.  Evangelopoulos, Panagiotis (1996), ‘E Analyse ton Periousiakon Dikaiomaton kai e Ideologia tes Eleutheres Agoras (Phân tích quyền tài sản và học thuyết thị trường tự do)’, 6 Aissymnetes.

3.3.  Fabre-Magnan Muriel (1990), De l’Obligation d’Information dans les Contrats (Nghĩa vụ thông tin trong hợp đồng), L.G.D.J.

3.4.  Freyer, Susanne (1994), ‘Umwelthaftung aus der Sicht der Ökonomischen Analyse des Rechts (Trách nhiệm môi trường – nhìn từ góc độ kinh tế học pháp luật)’, Doctoral Dissertation.

3.5. Garoupa, Nuno (1997), Essays on the Theory of Optimal Law Enforcement (Các bài luận về lý thuyết thực thi pháp luật tối ưu), University of York, Phil. Thesis.

3.6.  Hatzis, Aristides N. (1998), An Economic Theory of Greek Contract Law (Lý thuyết kinh tế về luật hợp đồng của Hi Lạp), PhD Thesis, University of Chicago Law School.

3.7.  Manitakis, Antonios (1975), L’Antinomie entre la Liberté du Commerce et de l’Industrie et la Régulation Administrative de l’Économie: En Droit Belge et en Droit Français, Bruxelles, Centre Interuniversitaire de Droit Public.

3.8.   McGee, Robert W. (1993), Explorations in Law and Economics from a Rights Perspective (Khai thác nhìn từ góc độ quyền trong kinh tế học pháp luật), The Union Institute, 221 trang.

3.9.  Poughon, Jean-Michel (1987), Histoire doctrinale de l’échange, (Lịch sử trao đổi), L.G.D.J.

3.10. Raaschou-Nielsen, Agnete (1988), Institutionel OEndring og ¢konomisk Teori (Thay đổi thể chế và lý thuyết kinh tế), K¢benhavn, PhD thesis, Det Statsvidenskablige Fagråd.

3.11. Riis, Thomas (1996), Ophavsret og rets¢konomi (Quyền tác giả và kinh tế học pháp luật), Gadjura, PhD thesis.

3.12. Roemer, Andrès (1994), An Interdisciplinary Approach to Federal Waters and Institutions: The Mexican Case (Tiếp cận liên ngành đối với vùng nước liên bang và thể chế: trường hợp Mê hi cô), UP/Michigan Publishers.

3.13. Ryssdal, Stray A.C. (1995), Legal Realism and Economics as Behavior – A Scandinavian Look at the Economic Analysis of Law (Chủ nghĩa thực chứng pháp lý với tư cách là một hành vi – cách nhìn Bắc Âu về phân tích kinh tế đối với pháp luật), Oslo, Juridisk Forlag.

3.14. Sevic, Zeljko (1994), Pravni Status Centralne Banke u Savremenoj Trzisnoj Privredi (Địa vị của ngân hàng trung ương trong nền kinh tế thị trường đương đại), Belgrade, Faculty of Law, University of Belgrade.

3.15. Zenati, F. (1981), Essai sur la Nature Juridique de la Propriété, Contribution à la Théorie Juridique du Droit Subjectif, (Bài luận về bản chất tư pháp của tài sản, đóng góp vào lý thuyết tư pháp về quyền chủ quan).

——————————————————

 


[1] Xem, chẳng hạn: Roger A. Arnold, Microeconomics, 10th ed. (South-Western Cengage Learning, 2011) at 5-11.

[2] Một điều khá thú vị là rất nhiều cuốn sách được coi là “bán chạy nhất” (best seller) thời gian gần đây ở Bắc Mỹ và Châu Âu chính là một số cuốn sách ứng dụng lý thuyết kinh tế học để phân tích, giải thích các hiện tượng xã hội. Một số ví dụ có thể kể đến như cuốn Steven Levitt and Stephen J. Dubner, Freak Economics (William Morrow, 2005); Tim Harford, The Logic of Life: The Rational Economics of an Irrational World (Random House, 2008). 

[3] Các giáo trình có uy tín trong lĩnh vực này cũng sử dụng các cụm từ tiếng Anh khác nhau. Chẳng hạn, Richard Posner, luật gia đi tiên phong trong việc xuất bản giáo trình kinh tế học pháp luật ở Hoa Kỳ thì thường sử dụng cụm từ “Phân tích kinh tế đối với pháp luật” (Economic Analysis of Law) trong khi đó Robert Cooter và Thomas Ulen, Jeffrey L. Harrison và Jules Theeuwes, các giáo sư nổi tiếng của Hoa Kỳ trong lĩnh vực kinh tế học pháp luật đều sử dụng cụm từ “Luật và Kinh tế học” (Law and Economics) trong các cuốn giáo trình về kinh tế học pháp luật mà mình viết. Xem: Richard A. Posner, Economic Analysis of Law, 7th ed. (New York: Aspen Publishers, 2007); Robert Cooter and Thomas Ulen, Law and Economics, 5th ed. (Boston: Pearson, 2008); Jeffrey L. Harrison and Jules Theeuwes, Law and Economics (New York: W.W. Norton & Company Ltd., 2008).  

[4] Bryan A. Garner, Black’s Law Dictionary, 9th ed. (St. Paul, MN: West, 2009) at 963.

[5] Có khoảng từ 15 đến 44 % các giảng viên trong trường luật nổi tiếng có bằng tiến sỹ kinh tế <http://sitemason.vanderbilt.edu/files/bPGzmw/LawEcon%20Rev%20Prop%2011%2006.pdf>.

[6]Xem thêm tại

[7]Xem thêm tại

[8] http://www.law.gmu.edu/academics/degrees/llm_law_econ#admission2

[9] http://en.wikipedia.org/wiki/Vanderbilt_University_Law_School

[10] Jon Hanson & David Yosifson, “The Situation: An Introduction to the Situational Character, Critical Realism, Power Economics, and Deep Capture,” (2003) 152 U. Pa. L. Rev. 129 at 142.

[11] http://www.emle.org/Subpages_rubric/index.php?rubric=EMLE_Programme_Structure

[12] Chi tiết xem tại: http://www.nus.edu.sg/prog/econlaw/overview.htm

[13] http://www.daviddfriedman.com/Law_and_Econ_97/L_and_E_97_LS_Outline.html#RTFToC4.

[14] Xem: Louis Kaplow và Steven Shavell: Economic analysis of law (Phân tích kinh tế đối với pháp luật), NBER WORKING PAPER SERIES, 1999. (http://www.nber.org/papers/w6960).

[15] Xem: Erich Schanze: What is law and economics today? A European view (2006). [From: Peter Nobel (ed.), New Frontiers of Law and Economics, Zürich: Schulthess, 2006].

[16] Xem: HOLGER FLEISCHER, Informationsasymmetrie im Vertragsrecht (2001), đặc biệt tại các trang 28-70, 93-232.

[17] Robert Cooter and Thomas Ulen: Law and economics, Scott, Foresman and Company, 1988, pp. 12-13.

[18] http://www.daviddfriedman.com/Law_and_Econ_97/L_and_E_97_LS_Outline.html#RTFToC4.

[19] Tổng thuật từ bài viết “History of Law and Economics” (Lịch sử Kinh tế học Pháp luật) của GS. Ejan Mackaay, Đại học Montreal, trong cuốn “Encyclopedia of Law and Economics” (Bách khoa thư về kinh tế học pháp luật) (xuất bản năm 1999).

[20] Cuốn sách này lần đầu tiên được dịch sang tiếng Việt và phổ biến ở Việt Nam là vào năm 1994 (do Đại học kinh tế quốc dân và Nhà xuất bản giáo dục phối hợp dịch và xuất bản).

[21] Cuốn sách này cũng đã được dịch và xuất bản trong thời gian gần đây ở Việt Nam. (Xem: “Quân vương – thuật trị nước”, bản dịch của Nguyễn Hiền Chi và Vũ Mạnh Hồng, NXB Tri thức, 2010).

[22] A Treatise of Human Nature.

[23] Marshall, Alfred, Principles of Economics (London: Macmillan, 1890).

[24] Tác giả của tác phẩm nổi tiếng “Nền tảng pháp lý của chủ nghĩa tư bản” (Legal Foundations of Capitalism) xuất bản năm 1924 và tác phẩm “Kinh tế học thể chế” (Institutional Economics) xuất bản năm 1934.

[25] Douglass North (sinh năm 1920) được coi là cha đẻ của trường phái thể chế mới. Điều thú vị là, những tư tưởng về môi trường thể chế cho sự vận hành của nền kinh tế thị trường của Douglass North đã được nhiều học giả ở Việt Nam trích dẫn và kế thừa để đưa ra các kiến nghị góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (xem, chẳng hạn: Đinh Văn Ân và Võ Trí Thành, Thể chế-cải cách thể chế và phát triển: Lý luận và thực tiễn nước ngoài và Việt Nam, NXB Thống kê, 2002; Đinh Văn Ân và Lê Xuân Bá, Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, NXB Khoa học và Kỹ thuật, 2006; Nguyễn Cúc, 20 năm đổi mới và hình thành thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, NXB Chính trị quốc gia, 2005; Nguyễn Văn Hậu và Nguyễn Thị Như Hà (đồng chủ biên), Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới, NXB Chính trị quốc gia, 2009).

[26] Ronald Coase, “The Nature of the Firm” (1937) 4(16) Economica 386–405

[27] Trong số những bạn đồng nghiệp của ông tại Đại học Chicago, nhiều người đã đạt giải thưởng Nobel về kinh tế. Trong số đó, phải kể đến giáo sư Milton Friedman (1912-2006) – giải Nobel năm 1976.

[28] Gary Becker, The Economics of Discrimination. (Chicago: Chicago University Press, 1957)

[29] Duncan Black, “The Decisions of A Committee Using A Special Majority”, (1948) 16 Econometrica, 245-261.

[30] Scott Gordon, ‘The Economic Theory of a Common Property Resource: The Fishery’, (1954) 62 Journal of Political Economy, 124-142.

[31] Charles Tiebout, ‘A Pure Theory of Local Expenditures’, (1956) 64 Journal of Political Economy, 416-424.

[32] Anthony Downs, An Economic Theory of Democracy (New York: Harper and Row, 1957)

[33] Ronald Coase, “The Problem of Social Cost”, (1960) Journal of Law and Economics 3: 1–44

[34] Harold Demsetz, “Toward a Theory of Property Rights”, (1967) 57 Am. Econ. Rev. 347, 347.

[35] Bao gồm các loại chi phí như: chi phí tìm kiếm đối tác, chi phí thương thảo điều kiện, nội dung của giao dịch, chi phí thực tế để hiện thực hóa các cam kết trong giao dịch và các chi phí có liên quan khác. (Xem thêm Phạm Duy Nghĩa, Giáo trình Luật Kinh tế (Hà Nội: NXB Công an Nhân dân, 2010) tr. 53-53).

[36] Điều này tương tự như quan điểm trong vật lý rằng, trong một thế giới bề mặt không có ma sát, các đồ vật sẽ tự động dịch chuyển về nơi trũng nhất.

[37] Những cải cách trong lĩnh vực pháp luật kinh tế ở Việt Nam thời gian qua (đặc biệt là các cải cách về môi trường kinh doanh bằng việc đơn giản hóa các thủ tục gia nhập thị trường, bãi bỏ hàng loạt giấy phép “con” không hợp lý v.v.) dường như lấy cảm hứng từ những tư tưởng này của Ronald Coase.

[38] Armen Alchian, “Information Costs, Pricing and Resource Unemployment” (1969) Economic Inquiry 7: 109-28.

[39] Armen Alchian, “Information Costs, Pricing and Resource Unemployment” (1969) Economic Inquiry 7: 109-28.

[40] Guido Calabresi, “Some Thoughts on Risk Distribution and the Law of Torts” Yale Law Journal (1961)

[41] Trường phái kinh tế học pháp luật cho tới những năm 1980 thường được gọi là trường phái Chicago. Một trong những lý do cơ bản của việc đặt tên này chính là việc các giáo sư đầu ngành, tham gia sáng lập trường phái này trong những năm 1950 và 1960 đều là các giáo sư gắn với khoa kinh tế hoặc khoa luật của trường Đại học Chicago. Các giáo sư này có đồng thuận cao với việc sử dụng mô hình con người duy lý (rational actor) trong việc nghiên cứu các hiện tượng xã hội từ góc nhìn kinh tế. Xem Gary Minda, Postmodern Legal Movements: Law and Jurisprudence at Century’s End (New York: New York University Press, 1995) at 88.

[42] North, Douglass C. (1996), ’Economic Performance Through Time’, in Alston, Lee J., Eggertsson, Thráinn and North, Douglass C. (eds) Empirical Studies in Institutional Change, New York, Cambridge University Press, 342-355 at 344.

[43] Giáo sư Ugo Mattei sinh năm 1961.

[44] Ugo Mattei, Comparative Law and Economics (Michigan University Press, 1997).

[45] Ugo Mattei & Teemu Ruskola, Schlesinger’s Comparative Law (London: Foundation Press, 2009).

[46] Lý thuyết này dựa trên một quan niệm khá phổ thông rằng con người chỉ là một diễn viên trong sân khấu cuộc đời. Điều thú vị là quan niệm như vậy lại được nhiều người ở Việt Nam tán thưởng. Chẳng hạn, nhà báo lão thành của làng báo chí Việt Nam, nguyên Tổng biên tập Báo Nhân Dân có lần đã phát biểu “thời đại này là thời đại của Tiểu thuyết. Mở cửa sổ ra đã thấy không khí của tiểu thuyết. Cuộc đời mỗi một người đều là một nhân vật tiểu thuyết” (xem: VietnamNet ngày 16/9/2010, “Viết tiểu thuyết chính trị phải có “máu chính trị”” <http://tuanvietnam.net/2010-09-15-viet-tieu-thuyet-chinh-tri-phai-co-mau-chinh-tri->)

[47] Xem chẳng hạn, Cass R. Sunstein (ed.), Behavioral Law and Economics (Cambridge: Cambridge University Press, 2000).

[48] Hồ Sĩ Qúy, Con người và phát triển con người, NXB Giáo dục, 2007, tr. 83-84

[49] Hồ Sĩ Qúy, Con người và phát triển con người, NXB Giáo dục, 2007, tr. 102-103.

[50] Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển kinh tế học, NXB Đại học kinh tế quốc dân, 2006, tr. 84.

[51] David W. Pearce (tổng biên tập), Macmillan Dictionary of Modern Economics, 4th edition (Từ điển kinh tế học hiện đại), NXB Chính trị quốc gia, 1999, tr. 292-293.

[52] http://en.wikipedia.org/wiki/Economic_man

[53] Mill, John Stuart. “On the Definition of Political Economy, and on the Method of Investigation Proper to It,” London and Westminster Review, October 1836. Essays on Some Unsettled Questions of Political Economy, 2nd ed. London: Longmans, Green, Reader & Dyer, 1874, essay 5, paragraphs 38 and 48

[54] GS. TS. Hoàng Chí Bảo – Hệ thống chính trị ở cơ sở nông thôn nước ta hiện nay – NXB Lý luận chính trị 2005, trang 116.

[55] Marshall Sahlins: The Original Affluent Society, in: Marshall Sahlins (1972): Stone Age Economics. (London: Routledge 2003).

[56] Karl Polanyi (1944): The Great Transformation. Beacon Press 2001

[57] Marcel Mauss (1924): The Gift. The Form and Reason for Exchange in Archaic Societies (London: Routledge, 2006)

[58] Maurice Godelier: The Enigma of the Gift (Chicago: University Of Chicago Press, 1999).

[59] Harold Demsetz, “Toward a Theory of Property Rights”, (1967) 57 Am. Econ. Rev. 347, 347.

Xem thêm: Harold Demsetz, “Toward a Theory of Property Rights II: The Competition Between Private and Collective Ownership” (2002) 31 J. Legal Stud. S653, S653.

[60] Xem: Thomas W. Merrill, “Introduction: The Demsetz Thesis and the Evolution of Property Rights”, Journal of Legal Studies, Vol. 31 (June/2002).

[61] Xem: Louis Kaplow & Steven Shavell: “Economic analysis of law” – Working Paper 6960 (February 1999), p. 14.

[62] Xem: Louis Kaplow & Steven Shavell: “Economic Analysis of Law” – Working Paper 6960 (February 1999) at 14.

[63] Thomas W. Merrill, “Introduction: The Demsetz Thesis and the Evolution of Property Rights”, Journal of Legal Studies, Vol. 31 (June/2002).

[64] Ở Việt Nam, vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hiện nay được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2005 (từ Điều 604 đến Điều 630). Thực tiễn áp dụng các quy định này tại Tòa án đã được TS. Đỗ Văn Đại trình bày khá chi tiết trong ấn bản “Luật Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam: Bản án và bình luận bản án”. (Xem: TS. Đỗ Văn Đại, Luật Bồi thường thiệt hại ngoài hơp đồng: Bản án và bình luận bản án (Hà Nội: NXB Chính trị quốc gia, 2010)).

[65] Susan H. Easton, “The Path for Japan: An Examination of Product Liability Laws in the United States, the United Kingdom, and Japan” 23 B.C. Int’l & Comp. L. Rev. 311

[66] Còn gọi là học thuyết tự do cạnh tranh.

[67] Jane P.Mallor, et.al, Business Law and the Regulatory Environment: Concepts and Cases (McGraw-Hill Irwin, 2001) at 400.

[68] Xem: <www.wikipedia.org/consumer bill of rights>.

[69] Xem: Louis Kaplow và Steven Shavell: Economic analysis of law (Phân tích kinh tế đối với pháp luật), NBER WORKING PAPER SERIES, 1999. (http://www.nber.org/papers/w6960), tr. 48.

[70] Jeffrey L. Harrison & Jules Theeuwes, Law and Economics, (New York: W.W. Norton & Company, Inc, 2008) at 371.

[71] Jeffrey L. Harrison & Jules Theeuwes, Law and Economics, (New York: W.W. Norton & Company, Inc, 2008) at 372.

[72] Jeffrey L. Harrison and Jules Theeuwes, Law and Economics (New York: W.W. Norton & Company Ltd., 2008) at 401-405.

[73] Ann Seidman and Robert B. Seidman, “Not a Treasure Chest, a Tool Box: Lessons from a Chinese Legislative Drafting Project” in Ann Seidman, Robert Seidman & Janice Payne (eds.), Legislative Drafting for Market Reform: Some Lessons from China (London: Macmillan Press Ltd, 1997) 1-32 at 9.

[74] Ann Seidman and Robert B. Seidman, “Not a Treasure Chest, a Tool Box: Lessons from a Chinese Legislative Drafting Project” in Ann Seidman, Robert Seidman & Janice Payne (eds.), Legislative Drafting for Market Reform: Some Lessons from China (London: Macmillan Press Ltd, 1997) 1-32 at 9.

[75] Ann Seidman and Robert Seidman, State and Law in the Development Process: Problem-solving and Institutional Change in the Third World (London: St. Martin’s Press, 1994) at 52.

[76] See for example: Ann Seidman and Robert B. Seidman, “Law, Social Change, Development: The Fatal Race – Causes and Solutions” in Ann Seidman, Robert B. Seidman, Pumzo Mbana and Hanson Huli (eds.), Africa’s Challenge: Using Law for Good Governance and Development (Trenton: Africa World Press, Inc. 2007) 19-50; A.W. Seidman and R.B. Seidman, “Lawmaking, Development and the Rule of Law” in J. Arnscheidt, B. Van Rooij, and J.M. Otto (eds.), Lawmaking for Development: Explorations into the Theory and Practices of International Legislative Projects (Leiden University Press, 2008) 91-131.

[77] A.W. Seidman and R.B. Seidman, “Lawmaking, Development and the Rule of Law” in J. Arnscheidt, B. Van Rooij, and J.M. Otto (eds.), Lawmaking for Development: Explorations into the Theory and Practices of International Legislative Projects (Leiden University Press, 2008) 91-131 at 97.

[78] A.W. Seidman and R.B. Seidman, “Lawmaking, Development and the Rule of Law” in J. Arnscheidt, B. Van Rooij, and J.M. Otto (eds.), Lawmaking for Development: Explorations into the Theory and Practices of International Legislative Projects (Leiden University Press, 2008) 91-131 at 94.

[79] Ann Seidman and Robert B. Seidman, “Drafting Legislation for Development: Lessons from a Chinese Project”, 44 Am. J. Comp. L. 1-44 (1996) at 22-25.

[80] Ann Seidman and Robert B. Seidman, “Not a Treasure Chest, a Tool Box: Lessons from a Chinese Legislative Drafting Project” in Ann Seidman, Robert Seidman & Janice Payne (eds.), Legislative Drafting for Market Reform: Some Lessons from China (London: Macmillan Press Ltd, 1997) 1-32 at 10-11.

[81] Ann Seidman and Robert B. Seidman, “Not a Treasure Chest, a Tool Box: Lessons from a Chinese Legislative Drafting Project” in Ann Seidman, Robert Seidman & Janice Payne (eds.), Legislative Drafting for Market Reform: Some Lessons from China (London: Macmillan Press Ltd, 1997) 1-32 at 11.

[82] John Adair, Decision Making and Problem-Solving Strategies, (London: Koganpage, 2010) at 19.

[83] Wolfgang Weigel, Economics of the Law: A Primer, (London and New York: Routledge, 2008) at 192-196.

[84] Wolfgang Weigel, Economics of the Law: A Primer, (London and New York: Routledge, 2008) at 195.

[85] http://www.oxfordjournals.org/alecon/about.html

[86] http://www.bepress.com/apler/editorialboard.html

[87] http://www.springerlink.com/content/0929-1261

[88] http://www.bepress.com/rle/about.html

[89] Francesco Parisi, “Positive, Normative and Funtional Schools in Law and Economics” (working paper) (December 2004) at 2. <http://ssrn.com/abstract_id=586641>.

[90] Robert Cooter and Thomas Ulen, Law and Economics, 5th ed. (Boston: Pearson, 2008) at 12.

[91] Chẳng hạn, Điều 33 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản khi tiến hành công tác soạn thảo phải tiến hành “Tổng kết việc thi hành pháp luật, đánh giá các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến nội dung chính của dự án, dự thảo” và “tổ chức đánh giá tác động và xây dựng báo cáo đánh giá tác động của dự thảo văn bản. Nội dung của báo cáo đánh giá tác động phải nêu rõ các vấn đề cần giải quyết và các giải pháp đối với từng vấn đề đó; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh, chi phí, lợi ích của các giải pháp.”

 

[92] Theo Encyclopedia of Law and Economics, của Boudewijn Bouckaert và Gerrit De Geest (1999), tập 1, tr. 1 và sự thống kê của nhóm nghiên cứu.