Nghiên cứu môi trường | Định hướng phát triển

MỤC TIÊU:

Đẩy mạnh và gắn kết nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu triển khai tạo ra những sản phẩm khoa học có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao để phục vụ phát triển ngành.

Xây dựng lĩnh vực nghiên cứu mũi nhọn với chuyên ngành quản lý môi trường trở thành đơn vị khoa học đi đầu trong các nghiên cứu về quản lý ngành Công Thương.

Gắn kết các lĩnh vực nghiên cứu với khả năng mở các khóa tập huấn, đào tạo và tuyên truyền.

HƯỚNG NGHIÊN CỨU:

Nghiên cứu cơ bản: Nghiên cứu đổi mới hoạt động quản lý và triển khai thực hiện các đề tài, dự án đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Chú trọng triển khai các dự án khoa học được ứng dụng rộng rãi vào công tác quản lý điều hành của Nhà nước gắn với công tác quản lý môi trường ngành Công Thương.

Tập trung các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học theo nhu cầu cần thiết của doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Ưu tiên các đề tài, dự án liên quan phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm.

Cụ thể:

– Sản phẩm xanh, công nghệ thân thiện môi trường, các quy định, điều ước trong nước và quốc tế về môi trường;

– Chính sách thương mại đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường trong hoạt động nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất các loại phế liệu, chất thải, quản lý tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng;

– Điều tra, thống kê, cập nhật sản phẩm và dịch vụ ngành công nghiệp môi trường; Nghiên cứu ứng dụng: giải quyết các vấn đề cơ bản, cấp thiết của ngành quản lý và khắc phục sự cố, ô nhiễm môi trường gắn liền với biến đổi khí hậu:

– Đề án về xử lý, sử dụng tro xỉ trong các nhà máy nhiệt điện ứng dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng.

– Quy chế, sổ tay hướng dẫn quản lý môi trường, ứng phó sự cố trong các lĩnh vực nhiệt điện, sản xuất thép, phân bón, hóa chất, khải thác khoáng sản và dệt nhuộm.

GIẢI PHÁP

a) Xây dựng năng lực nhóm nghiên cứu:

– Xây dựng và hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh về nghiên cứu chính sách quản lý môi trường ngành công nghiệp và thương mai;

– Xây dựng, kết nối và tham gia các nghiên cứu khoa học các cấp thuộc lĩnh vực quản lý môi trường và sử dụng tài nguyên có liên quan đến lĩnh vực công nghiệp và thương mại.

– Liên kết nghiên cứu với các đơn vị trong các lĩnh vực cùng đối tượng hoặc có đối tượng nghiên cứu gần:

  + Liên kết với trung tâm môi trường và sản xuất sạch – Cục kỹ thuật an toàn và môi trường;

  + Phòng/Ban môi trường thuộc các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp, Ban quản lý khu, cụm công nghiệp;

  + Khoa Môi trường, trường Đại học khoa học tự nhiên; và các cơ quan/tổ chức ngoài Viện, trong nước và quốc tế…

– Công bố kết quả nghiên cứu và sở hữu trí tuệ: công bố các công trình nghiên cứu trên tập san, tạp chí khoa học trong nước và quốc tế; Phòng đã và đang dần hoàn thiện các quy chế, quy định nhằm từng bước củng cố hoạt động nghiên cứu khoa học như: xây dựng nội quy hoạt động nghiên cứu khoa học của viên chức phù hợp với quy định của Bộ Công Thương và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Xây dựng chương trình nghiên cứu cho hoạt động nghiên cứu khoa học theo lộ trình, từng bước liên kết với một số ngân hàng, nhà tài trợ như: World bank, KOICA,… trong việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học. Hoạt động nghiên cứu khoa học về số lượng và chất lượng nghiên cứu khoa học ngày càng tăng, theo hướng tiệm cận đến Chính phủ và các Bộ ngành.

Định hướng các vấn đề trọng tâm:

 – Đánh giá tác động môi trường tổng hợp: khu công nghiệp, cụm công nghiệp, Trung tâm điện lực nhiệt điện và các hồ chứa quặng đuôi khoáng sản trên toàn quốc.

 – Tiếp tục xây dựng và cập nhật bộ cơ sở dữ liệu về: công nghiệp môi trường, công nghệ sản xuất và các nguồn thải tập trung một số ngành như thép, dệt nhuộm, hóa chất, nhiệt điện…

– Chính sách thương mại đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường.

b) Giải pháp kinh phí

 Ngoài nguồn kinh phí của Nhà nước, Bộ Công Thương Phòng Môi trường sẽ chủ động tìm thêm các nguồn kinh phí khác từ các tổ chức World bank, KOICA, ….trong việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học.

c) Giải pháp cải cách thủ tục hành chính nâng cao hiệu quả trong NCKH

 Hoạt động NCKH của viên chức chỉ và có phát huy được phải gắn với công tác cải cách thủ tục hành chính tại Viện:

 – Phòng Khoa học – Hợp tác phải chủ động và trực tiếp làm các Quyết định liên quan đề tài: Quyết định phê duyệt đề cương, nghiệm thu, giấy mời, thủ tục nộp thư viện…

 – Phòng kế toán phải chịu trách nhiệm và trực tiếp làm và giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động thanh quyết toán trong NCKH: hợp đồng, thanh lý, chứng từ thanh quyết toán. Về phía viên chức, có nhiệm vụ đọc và ký, hoàn toàn không bị vướng bận vào các thủ tục hành chính.

d) Giải pháp về xây dựng và hoàn thiện Quy chế, quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học

 Nghiên cứu kỹ để sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động nghiên cứu khoa học theo hướng cân bằng hơn giữa hoạt động nhiệm vụ chức năng thường xuyên, tư vấn dịch vụ và hoạt động nghiên cứu khoa học của từng viên chức.

 Quy chế nghiên cứu khoa học đối với viên chức phải vừa tạo ra áp lực, vừa tạo cơ hội, vừa có cơ chế thu nhập, chính sách để động viên, lôi cuốn, giúp đỡ đội ngũ viên chức trẻ tham gia nghiên cứu khoa học.

 Xây dựng cơ chế “đào thải” hoặc chuyển sang làm các công việc khác đối với vị trí viên chức khi được tuyển dụng vào Viện, thí dụ: viên chức chuyên ngành 3 năm liên tục không tham gia nghiên cứu khoa học chuyển sang làm các công tác khác.

 Xây dựng cơ chế khen thưởng bằng giá trị vật chất và tinh thần đối với những giảng viên nhiều năm liên tục vượt định mức giờ nghiên cứu khoa học. Biểu dương, khen thưởng đối với cá nhân, tập thể đấu thầu và thực hiện thành công các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học từ bên ngoài.

e) Giải pháp đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học

 Thực hiện nghiêm túc trong việc đánh giá, nghiệm thu, thông qua các sản phẩm nghiên cứu khoa học của từng viên chức. Tránh hiện tượng nể nang, dễ dãi trong đánh giá, nghiệm thu. Gắn với kết quả nghiên cứu của từng cá nhân theo nhiệm vụ được giao.

 Cần mở rộng số lượng thành viên hội đồng nghiệm thu các đề tài khoa học là người ngoài Viện để tránh tình trạng “chấm điểm lẫn nhau”. Đối với những đề tài chưa đạt yêu cầu, Hội đồng khoa học góp ý và cho bảo vệ lại, khi đạt yêu cầu mới cho nghiệm thu.

f) Giải pháp tạo lập môi trường trong nghiên cứu khoa học

 Thực hiện bình đẳng, tự do trong việc xác định chủ đề nghiên cứu, mục đích nghiên cứu khoa học.

 Bình đẳng, tự do trong lựa chọn đối tượng và nội dung nghiên cứu.

 Bình đẳng và tự do trong lựa chọn hướng tiếp cận, phương pháp nghiên cứu.

 Đảng ủy Viện, Ban lãnh đạo Viện thống nhất chủ trương, mọi nhận định, đánh giá nghiên cứu đều phải dựa trên những tiêu chí khoa học, tôn trọng sự khác biệt trong nghiên cứu và đề cao tinh thần cởi mở, đối thoại, nhằm từng bước tạo lập một môi trường thực sự dân chủ, hướng đến sự phát triển lành mạnh trong khoa học.

 Các kết quả nghiên cứu phải được công bố trên email nội bộ. Công khai bình đẳng các kết quả nghiên cứu để người ngoài Viện nhận xét, đánh giá.

g) Đẩy mạnh hợp tác, liên kết quốc tế trong nghiên cứu khoa học

 Phòng Môi trường phối hợp với Viện tăng cường, phối hợp với Bộ Công Thương, Vụ Khoa học và Công nghệ, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Cục Hóa chất, Cục Công nghiệp nhằm tranh thủ sự ủng hộ của các Cục,Vụ trên để tham gia vào các chương trình/dự án hợp tác quốc tế về KH&CN.