Nghiên cứu Marketing – một ngành công nghiệp dịch vụ quan trọng trong kinh tế thị trường

Nghiên cứu marketing xác định cụ thể những thông tin cần thiết để làm rõ các vấn đề; thiết kế phương pháp thu thập thông tin; quản lý và tiến hành quá trình thu thập dữ liệu; phân tích dữ liệu; truyền đạt những kết quả phát hiện được và những ứng dụng của chúng.

Ngày nay, bộ phận nghiên cứu marketing trong doanh nghiệp đang được giao phó nhiều quyền hạn và trách nhiệm hơn, khiến nó trở thành “Trung tâm thông tin cho việc ra quyết định”. Theo quan điểm này, phòng marketing trong doanh nghiệp hoạt động trên cơ sở của hệ thống nghiên cứu marketing; vì vậy, nó đã thể hiện sâu sắc vai trò và chức năng của hoạt động nghiên cứu marketing vào quá trình quản trị marketing. Đó chính là sự tham gia tích cực, chủ động của nghiên cứu marketing vào việc ra quyết định; cụ thể là cung cấp thông tin một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời và thường xuyên cập nhật phục vụ cho các chức năng kế hoạch hoá, kiểm tra và điều chỉnh mọi hoạt động marketing trong doanh nghiệp. Mục tiêu của những thông tin đầu vào như thế, không chỉ nhằm giảm thiểu các sai lầm (nếu có) của quá trình ra quyết định, mà còn hướng vào việc gia tăng khả năng thành công của quá trình này. Mọi quyết định tốt nhất chỉ có thể đến từ kết quả của nguồn thông tin đầu vào tốt nhất.

Quá trình phát triển hệ thống phương pháp luận về marketing

Những tiến bộ về phương pháp nghiên cứu marketing song hành cùng với sự phát triển của phương pháp nghiên cứu trong các môn khoa học xã hội mà marketing là một bộ phận trong đó. Những tiến bộ mang tính chất hệ thống phương pháp luận được đóng góp bởi các nhà tâm lý học, kinh tế học, xã hội học, các nhà khoa học chính trị, thống kê học v.v.. và đã ngay lập tức ảnh hưởng tích cực đến phương pháp nghiên cứu marketing; đến sự phát triển và lịch sử của nghiên cứu marketing. Nhìn chung, lịch sử phát triển của các môn khoa học xã hội luôn có tác động qua lại lẫn nhau.

Từ năm 1910 đến năm 1920, về mặt phương pháp luận, nghiên cứu marketing đã có nhiều thành tựu đáng kể. Sử dụng bảng câu hỏi và khảo sát có dùng bảng câu hỏi trở nên một mô hình phổ biến để thu thập dữ liệu. Cũng chính từ đó, việc thiết kế bảng câu hỏi, cấu trúc và nội dung bảng câu hỏi đã có vô số những cải tiến cho phù hợp hơn, nhằm giảm thiểu các khả năng (được cảnh báo trước) về những thành kiến, những cách trả lời sai lệch, bị định hướng và thiếu khách quan do cách đặt câu hỏi, cách tiến hành phỏng vấn gây ra. Nhiều nhà khoa học xã hội khi tham gia vào lĩnh vực nghiên cứu theo phương pháp này đã thực sự bị thu hút và chịu thuyết phục. Chính từ đây, sự kết nối, sự giao thoa về phương pháp luận giữa marketing và các môn khoa học xã hội khác đã được thiết lập và tồn tại như hiện nay chúng ta đang chứng kiến.

Trong những năm 30 của thế kỷ XX, chọn mẫu trở thành trọng tâm chú ý và thảo luận; đặc biệt về phương pháp luận. Các khoá đào tạo về thống kê dựa trên kỹ thuật thống kê mô tả (tính toán trung bình, phương sai, tương quan đơn và xây dựng chỉ số) đã chuyển hướng chú ý sang thống kê suy luận và các thủ tục lấy mẫu phi xác suất. Đặc biệt, mô hình tiếp cận với cách lấy mẫu xác suất hiện đại đã dần dần được thừa nhận từ giai đoạn này.

Quá trình đổi mới về phương pháp luận đã diễn ra từng bước vững chắc trong suốt những năm 1950-1960. Đây cũng chính là thời kỳ xuất hiện một bước tiến quan trọng về công nghệ, đó là quá trình thương mại hoá máy tính kỹ thuật số trên quy mô lớn. Nó đã tạo đà cho bước nhảy vọt mạnh mẽ để cải tiến và đổi mới phương pháp nghiên cứy, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu marketing về mặt định lượng.

Trong những năm 90 của thế kỷ XX, tiến bộ của công nghệ – kỹ thuật trong lĩnh vực máy tính điện tử và các lĩnh vực có liên quan đã tạo ra ảnh hưởng quan trọng tới nhiều phương diện khác nhau của ngành công nghiệp nghiên cứu marketing. Máy quét tính tiền trong mua bán, thẻ tín dụng, giao dịch qua mạng Internet, dịch vụ tự động chăm sóc khách hàng… đảm bảo cung cấp nhiều kênh thông tin an toàn, chính xác và thuận tiện cho dữ liệu nghiên cứu marketing. Kỹ thuật phỏng vấn qua điện thoại, điện thoại truyền hình; phân tích dữ liệu bằng các phần mềm thống kê trọn gói v.v.. đã góp phần gia tăng mạnh mẽ hiệu quả của các cuộc nghiên cứu marketing; góp phần giải quyết những khó khăn về nhiều phương diện như không gian, thời gian, chi phí tiền bạc cũng như sức người.

Một vài số liệu về nghiên cứu marketing

Theo kết quả nghiên cứu của Hiệp hội Marketing Hoa Kỳ (AMA)[1] các doanh nghiệp tiến hành hoạt động nghiên cứu marketing trên hầu hết những lĩnh vực có liên quan. Ví dụ, với các biến số tình huống, có 90% thực hiện nghiên cứu về đặc tính của thị trường và ngành công nghiệp mà họ đang kinh doanh, khoảng 80% nghiên cứu về hành vi mua. Liên quan tới kết quả thực hiện các chương trình marketing, có 85% tổng số doanh nghiệp tiến hành nghiên cứu phân tích thị phần, gần 90% nghiên cứu về sự hài lòng và thoả mãn của khách hàng…

Song, trên thực tế, rất khó có thể thu thập được chính xác số liệu hàng năm về mức chi phí mà các doanh nghiệp và tổ chức đã dành cho nghiên cứu marketing là bao nhiêu. Hầu hết các cuộc nghiên cứu cho mục đích này đều dựa vào kết quả điều tra diện rộng những đối tượng sử dụng hc cung cấp dịch vụ nghiên cứu marketing (nghiên cứu cung – cầu trong ngành công nghiệp dịch vụ này). Các hãng nghiên cứu marketing có doanh thu lớn nhất thế giới thường được nhắc tới là D&B Marketing Information Services (trụ sở chính tại Thuỵ Sỹ) 1,868 tỷ USD[2], tiếp theo là tập đoàn Nielsen (Mỹ) 1,2 tỷ USD và 5 công ty nghiên cứu marketing khác của Mỹ cũng đều có con số doanh thu lên tới hàng trăm trieẹu USD mỗi năm như Information Resource Inc, hoặc Maritz Marketing Research INC[3]. Trong 50 hãng nghiên cứu marketing hàng đầu thế giới có tổng doanh thu toàn cầu là 3,7 tỷ USD, thì riêng thu nhập của họ trên lãnh thổ Mỹ đã đạt tới con số 2,4 tỷ USD.

Bảng: Chi phí cho hoạt động nghiên cứu marketing của thế giới chia theo khu vực[4]

Đơn vị tính: Triệu USD                                                                       Chia theo tỷ lệ phần trăm

Cộng đồng Châu Âu (EEC)

2.500

Các nước châu Âu khác

250

Nhật Bản

370

Mỹ và Canada

2.800

Tất cả các nước còn lại

650

Tổng cộng toàn thế giới

6.570

Thực tế cho thấy, đây là những con số mang ý nghĩa rất lớn và chúng có tác động hết sức mạnh mẽ đến hiệu quả của hàng tram tỷ đôla dành cho hoạt động marketing nói chung. Bởi vì sự thành công của chi phí cho phát triển sản phẩm mới, cho quảng cáo và xúc tiến thương mại, cho phân phối hay tuyển dụng và đào tạo lực lượng bán hàng cá nhân trực tiếp… chịu ảnh hưởng không nhỏ từ hiệu quả chi phí đầu tư vào nghiên cứu marketing.

Không còn nghi ngờ gì nữa, nghiên cứu marketing đã và đang thực sự trở thành một lĩnh vực hết sức quan trọng mang tính toàn cầu và có sức tăng trưởng mạnh mẽ, thu hút ngày càng nhiều nhân tài vật lực.

*

*   *

Những vấn đề phân tích ở trên đã cho thấy cái nhìn tổng quát nhất về nghiên cứu marketing với tư cách là một ngành công nghiệp dịch vụ hết sức quan trọng với bất kỳ quốc gia nào vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường.

Trong thời gian gần đây, khi nước ta chuyển hướng sang xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, nhiều môn khoa học mới về kinh tế – xã hội đã dần dần thâm nhập, định hình, phát triển và phổ biến trong các trường đại học, các cơ quan nghiên cứu. Marketing nói chung và nghiên cứu marketing nói riêng cũng nằm trong số đó. Khoa học kinh tế, cụ thể là khoa học về quản trị kinh doanh, đã thừa nhận vị trí và vai trò quan trọng của nghiên cứu marketing với tư cách là một bộ phận của hệ thống thông tin marketing trong doanh nghiệp với nhiều chức năng khác nhau quyết định chất lượng hoạt động quan rtrị marketing cũng như các vấn đề khác của quản trị kinh doanh.

Từ nhận thức trên phương diện lý thuyết, đến những đóng góp vào trong đời sống kinh tế – xã hội của đất nước cho thấy, nghiên cứu marketing đã có những bước tiến mạnh mẽ. Tuy rằng, nó chưa thực sự là một ngành công nghiệp dịch vụ phát triển mạnh cả về chiều rộng lẫn bề sâu như nhiều ngành công nghiệp khác, song cũng đủ để cho chúng ta phải có cái nhìn thận trọng và thấu đáo khi phân tích đánh giá thì mới có thể rút ra những nhận định xác đáng./.

[1] Nghiên cứu lần thứ 8 năm 1995,theo một chuỗi các chương trình nghiên cứu, bắt đầu từ năm 1947

[2] Thomas C.Kinner and James R.Taylor, Sđd, Tr.34

[3] William G.Zikmund: Exploring Marketing Research 5th Edition, The Dryden Press, 1994, Tr.87

[4] Thomas C.Kinner and James R.Taylor, Sđd, Tr.36