Thực tập không lương – lợi hay không lợi? – JobsGO Blog

Ngày nay, thực tập không lương đã trở nên khá phổ biến, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới. Bên cạnh đó, cũng có nhiều công ty sẵn sàng trả lương cho thực tập sinh. Chúng ta sẽ thử đặt việc thực tập không lương lên bàn cân xem thử nó có lợi hay là không có lợi.

Đối với sinh viên, học đại học là một việc rất tốn kém. Ngoài tiền học phí, bạn còn phải chi trả tiền nhà trọ, tiền điện, nước, tiền ăn, mua sắm… Trong khi đó, hầu hết thời gian bạn đều phải dành cho các tiết học trên lớp, thời gian để đi làm kiếm tiền bị hạn chế. Nhiều sinh viên phải lựa chọn giữa việc nhận một công việc thực tập không lương được đề nghi hay làm một công việc part-time để kiếm tiền. Vẫn có việc thực tập được trả lương, thế nhưng nó còn phụ thuộc vào chuyên môn của bạn và cả sự may mắn nữa. Vậy việc bỏ ra khoảng gần 30 tiếng 1 tuần để làm việc mà không được nhận một chút tiền công nào liệu có đáng?

Mặt tích cực

Dù có được trả lương hay không, thì thực tập vẫn là cơ hội để bạn tích lũy thêm những kinh nghiệm làm việc trong môi trường doanh nghiệp. Thực tập không lương giúp bạn có cái nhìn sâu hơn về những kiến thức và khả năng của bản thân. Tất nhiên, bạn cũng sẽ nhận được sự chỉ đạo, hướng dẫn vô cùng tận tình và chu đáo. Nếu bạn được trả tiền, bạn sẽ vất vả hơn, chịu nhiều áp lực hơn và hầu như phải tự vật lộn với công việc. Kiếm được đồng tiền không dễ như bạn nghĩ đâu!

Những kinh nghiệm từ thực tập không lương sẽ giúp bạn “trang hoàng” thêm cho bản CV của mình. Bạn cũng sẽ có cơ hội mở rộng thêm các mối quan hệ, rèn giũa tác phong làm việc trong công ty. Hơn thế, bạn còn có khả năng được nhận vào làm nhân viên chính thức sau khi ra trường.

Thực tập không lương cũng là một dịp để bạn tìm ra định hướng công việc phù hợp với bản thân. Xem bạn có thích hợp với công việc bạn đang thực tập hay không, những kiến thức chuyên ngành bạn học áp dụng vào công việc như thế nào và bạn có thấy yêu thích công việc ở chuyên ngành này không. Thực tế, một khảo sát nhỏ đã cho thấy 20 – 50% sinh viên không biết họ làm gì sau khi tốt nghiệp.

Mặt tiêu cực

Xem thêm: Pháp luật

Dù vẫn có những khía cạnh tích cực, nhưng thực tập không lương vẫn thường bị coi là “bóc lột sức lao động”. Chất xám của bạn bị bòn rút mà bạn không kiếm được một đồng nào. Thay vào đó, nếu đi làm part-time thì bạn có thể nhận được một số tiền kha khá. Thực tập không lương cũng tương tự như nhân viên thử việc, nhưng tại sao nhân viên thử việc được trả tiền mà thực tập sinh lại không? Một điều bất công rất rõ ràng.

Nhiều trường hợp, các nhà tuyển dụng còn coi thường các thực tập sinh, không cho  làm những công việc liên quan đến vị trí của mình mà chỉ làm chân sai vặt, pha trà rót nước… Kết quả là bạn có một kì thực tập vô bổ. Mặt khác, khi làm việc mà không được trả tiền, bạn hiển nhiên cũng không cần thiết phải có trách nhiệm với công việc mình làm. Điều tồi tệ nhất là cả phía công ty và thực tập sinh đều không thu được gì mà chỉ tốn thời gian và tiền bạc.

Gánh nặng chi phí học tập nay chồng thêm cả chi phí thực tập, chắc chắn không phải sinh viên nào cũng có thể chịu được. Nhiều sinh viên thường bỏ dở lưng chừng kì thực tập và “một đi không trở lại”, dẫn đến việc sinh viên thiếu đi những kĩ năng cần thiết mà nhà tuyển dụng yêu cầu trong tương lai. Thất nghiệp, thiếu lao động là hệ quả tất yếu.

Xét một cách tổng thể, thực tập không lương bất lợi nhiều hơn có lợi. Có lẽ các doanh nghiệp nên thay đổi thái độ một chút đối với sinh viên thực tập. Có thể thấp, nhưng một mức lương nhất định chắc chắn là nguồn động lực cho các bạn sinh viên làm việc. Doanh nghiệp cũng sẽ phải chú ý, có trách nhiệm đào tạo thực tập sinh hơn khi họ bỏ ra một khoản tiền như vậy.

JobsGO