Bài 101-110
KINH DEVADAHA
Bạn đang đọc: Bài 101-110
I. TOÁT YẾU
Devadaha Sutta.
At Devadaha. The Buddha examines the Jain thesis that liberation is to be attained by self-mortification, proposing a different account of how striving becomes fruitful.
[Phật xem xét chủ trương của Kỳ na giáo cho cần khổ hạnh mới đạt giải thoát, và đề nghị một giải thích khác, làm thế nào để tinh cần đem lại kết quả.]
II. TÓM TẮT
Tại thị trấn Devadaha của bộ tộc Sakya (Thích Ca), Phật thuật lại cho chúng tỳ kheo việc Ngài luận bại chủ trương của lõa thể ngoại đạo Nigantha (Ni Kiền Tử).
1. Ngoại đạo Ni Kiền Tử chủ trương: Tất cả cảm thọ vui, khổ, trung tính đều do nghiệp quá khứ [1]. Nếu diệt nghiệp quá khứ (bằng khổ hạnh), không tạo nghiệp mới, thì tất cả nghiệp chấm dứt. Do nghiệp đoạn, khổ đoạn; do khổ đoạn, cảm thọ đoạn; do cảm thọ đoạn, tất cả khổ sẽ chấm dứt [2]. Phật dạy, vì họ không biết gì về đời quá khứ, không biết thiện pháp hiện tại; nên thật không hợp lý chủ trương như vậy [3]. Ví như người bị trúng tên độc cảm thọ đau đớn lúc y sĩ mổ xẻ, lúc vật dụng dò tìm chạm da thịt, lúc mũi tên được rút ra, lúc đốt miệng vết thương, lúc đắp thuốc. Khi vết thương lành, người ấy phải nhớ đã trải qua những đau khổ như thế nào, và cũng biết hiện tại mình đã khỏi bệnh, an vui.
2. Các Ni Kiền Tử nói: Nigantha tự xưng có tri kiến toàn diện luôn tồn tại khi đi đứng ngủ thức. Ông đã dạy tu khổ hạnh để làm mòn ác nghiệp cũ, hộ trì thân khẩu ý để tương lai không tạo ác nghiệp. Chúng tôi hoan hỉ tin nhận lý thuyết ấy. Phật dạy những gì ta tin tưởng, hoan hỉ chấp thuận, nghe đồn, xét thấy có lý, chấp nhận một quan điểm – cả năm điều ấy có thể đúng hoặc sai.
3. Vì chỉ có đau đớn khốc liệt khi có tha thiết tinh cần, không tinh cần thì không khổ, nên nói cảm thọ do nhân các nghiệp quá khứ là sai. Lại nữa, khổ hạnh không thể làm cho nghiệp hiện báo [4] thành sanh báo và ngược lại; nghiệp có khổ báo thành nghiệp lạc báo và ngược lại; nghiệp đã chín [5] thành chưa chín và ngược lại; nghiệp nhiều báo thành ít báo và ngược lại; nghiệp có báo thành nghiệp không báo [6] và ngược lại.
4. Phật kết luận: Ni Kiền Tử đáng bị chỉ trích vì mười điểm: Nếu cảm giác khổ vui do nghiệp quá khứ, thì quá khứ họ đã làm nhiều phi pháp; nếu do tạo hóa [7] họ đã có một tạo hóa hung ác; nếu do kết hợp các điều kiện [8], họ đã kết hợp ác duyên; nếu do sinh loại [9], họ bị ác sinh loại; nếu do tinh tấn hiện tại, họ đang thực hành tà tinh tấn. Nếu khổ vui không do năm nguyên nhân ấy, Ni Kiền Tử vẫn đáng bị chỉ trích, vì vô cớ tự chuốc khổ.
5. Tinh tấn có kết quả là khi vị tỷ kheo không để tự ngã bị khổ thắng lướt, không từ bỏ lạc thọ hợp pháp nhưng cũng không bị nó chi phối [10]. Vị ấy biết hai cách diệt trừ tham dục (nhân khổ) là tinh cần và xả [11]. Vì khi tinh cần thì không có tham dục; cũng thế khi tu xả. Ví như có người sầu khổ vì nhiệt tình ái mộ một cô gái, khi biết vậy bèn xả tâm luyến ái và từ đấy đâm ra dửng dưng dù thấy nàng nói cười với bất cứ ai. Sự tinh cần chống lại ái dục trong trường hợp ấy được gọi là tinh tấn hợp pháp. Lại nữa nếu tự thấy lạc thọ khiến bất thiện tăng, thiện giảm, ngược lại tinh cần khiến thiện tăng [12], bất thiện giảm; vị tỷ kheo sẽ khổ hạnh vừa đủ để nhiếp phục tự ngã, như thợ làm tên nung tên cho dễ uốn. Sự tinh cần có kết quả là như cuộc đời Phật từ khi xuất gia đến lúc thành đạo.
6. Và Phật kết luận có mười trường hợp Như Lai đáng được tán thán, ngược lại với mười điều đáng chỉ trích của Ni Kiền Tử: Nếu lạc khổ do nghiệp quá khứ, Như Lai đã làm thiện hành nên nay được tối thắng lạc; nếu do tạo hóa, Như Lai đã được sinh bởi một tạo hóa toàn thiện; nếu do duyên hợp, Như Lai đã kết thiện duyên; nếu do sinh loại, Như Lai đã được thiện sinh; do tinh cần hiện tại, Như Lai đã thiện tinh tấn. Với năm giả thuyết ngược lại Như Lai cũng đáng được tán thán.
III. CHÚ GIẢI
1. Trong Tương ưng 36, 21 và Tăng chi 3, 61, Phật cũng bác bỏ thuyết này của Kỳ na giáo, cho cảm thọ vui khổ là do nghiệp quá khứ. Giáo lý Phật thừa nhận có thứ cảm thọ không do nghiệp quá khứ mà do nghiệp hiện tại, và còn có thứ cảm thọ không có tác dụng nghiệp và cũng không phải là hậu quả nghiệp.
2. Đây là chủ trương của Ni Kiền Tử, như trong kinh số 14.
3. Thuyết Ni Kiền Tử không hợp lý vì chính sự tha thiết tinh cần (khổ hạnh) khiến cảm thọ đau đớn không phải là nghiệp quá khứ.
4. Nghiệp hiện báo là hành động có hậu quả ngay trong đời này.
5. Nghiệp hiện báo đã chín cũng đồng nghĩa với nghiệp hiện báo, nghĩa là phải chịu hậu quả ngay bây giờ. Nghiệp chưa chín đồng nghĩa với nghiệp sanh báo nghĩa là phải chịu hậu quả ở đời kế tiếp. Nhưng có sự phân biệt như sau. Tất cả nghiệp nào có quả báo trong cùng một đời đều được gọi là hiện báo, song chỉ có những nghiệp đem lại quả báo trong vòng bảy ngày mới được gọi là nghiệp đã chín.
6. Nghĩa là một nghiệp không có cơ hội đem lại quả báo.
7. Issaranimmànehetu. Thuyết này của hữu thần giáo bị Phật bác bỏ trong kinh Tăng chi 3, 61.
8. Sangatibhàvahetu, ám chỉ học thuyết của Makkhali Gosàla (Mạt già lê), bị bác bỏ dông dài trong kinh Trung 60 và Tăng chi 3.
9. Abhijàtihetu, một tín điều của Makkhali Gosàla.
10. Thuyết Trung đạo của Phật, tránh cực đoan khổ hạnh ép xác và cực đoan say đắm nhục lạc.
11. Kinh sớ giải thích nguồn gốc khổ là tham ái, được gọi thế vì đấy là gốc rễ của khổ bao hàm trong năm uẩn. Đoạn kinh này đưa ra hai cách diệt tham ái là nỗ lực tinh cần và buông xả. Sự tàn tạ của nguồn gốc, theo Kinh sớ, là đạo lộ siêu thế. Đoạn kinh này muốn ám chỉ cách tu tập của một vị lợi tuệ đi trên con đường vui (sukhapatipadà khippàbhinnà).
12. Đoạn này hiển thị lý do Phật cho phép chư tỷ kheo tu khổ hạnh đầu đà một cách vừa phảiđể vượt qua những nhiễm ô. Những khổ hạnh trong đạo Phật không phải để làm tiêu mòn nghiệp cũ và thanh luyện tâm hồn như Kỳ na giáo và ngoại đạo chủ trương. Theo Kinh sớ, đoạn này hiển thị sự tu hành của một tỷ kheo có tuệ chậm lụt đi trên con đường gian nan (dukkhapatipadà dandhàbhinnà).
IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG
1. Ở Deva-daha
Thị trấn tộc Sakya
Phật thuật lại tỏ tường
Luận bại Ni Kiền Tử.
Pháp này nói khổ vui
Đều do nghiệp quá khứ
Nghiệp đoạn cảm thọ đoạn
Thọ đoạn, dứt khổ đau.
Nhưng vì không thể biết
Đời quá khứ ra sao
Đã tạo nghiệp thế nào
Đến mức nào hết khổ?
Làm sao trong hiện tại
Thành tựu các hạnh lành?
Không biết những việc ấy
Thuyết họ thành vô căn.
Như người trúng tên độc
Chịu đau lúc mổ xẻ
Lúc dò tìm tên độc,
Lúc rút mũi tên ra,
Lúc đốt nung, đắp thuốc
Khỏi bệnh phải nhớ ra
Khổ đau càng cay đắng
An vui thêm mặn mà.
2. “Ni Kiền Tử toàn trí
Có tri kiến toàn diện
Lúc đi đứng ngủ thức.
Dạy khổ hạnh nghiệp tiêu.
Hộ trì thân khẩu ý,
Tương lai khỏi tạo ác
Nghiệp đoạn sẽ dứt khổ
Tôi hoan hỉ lời này.”
Phật dạy điều ta tin
Hoặc hoan hỉ chấp thuận,
Hoặc nghe nhiều người nói,
Hoặc xét thấy hay ho,
Hoặc chấp nhận quan điểm
Đều có thể lầm to.
Và Ngài bác chủ trương
Thọ do nghiệp quá khứ.
Vì ngay trong hiện tại
Họ chịu khổ khốc liệt
Khi tha thiết tinh cần,
Không tinh cần không khổ.
3. Khổ hạnh không thể chuyển
Hiện báo thành sanh báo
Khổ báo thành lạc báo
Đã chín thành chưa chín
Nhiều báo thành ít báo
Có báo thành không báo
Vì không chuyển được gì
Nên Khổ hạnh vô ích.
4. Nếu cảm giác khổ vui
Là do nghiệp quá khứ
Thì chắc Ni Kiền Tử
Đã làm nhiều phi pháp
Nếu do một tạo hóa
Tạo hóa ấy hung ác
Nếu do nhiều duyên hợp,
Ni Kiền bị ác duyên
Nếu do sáu sinh loại
Họ thuộc ác sinh loài
Nếu do nghiệp hiện tại,
Ni Kiền nỗ lực sai.
Nếu cảm giác khổ vui
Không do năm nhân ấy,
Ni Kiền vẫn đáng chê
(Vì vô cớ chuốc khổ).
5. Tinh tấn có kết quả
Là khi vị tỷ kheo
Nhận lạc thọ hợp pháp
Bất động trước khổ vui.
Vị ấy biết rõ rằng
Tham dục không khởi lên
Khi tinh cần nỗ lực
Hoặc khi tu tập xả
Ví như có một người
Say đắm một nữ nhân
Do nhiệt tình ái mộ
Nên mất ngủ mất ăn
Đau khổ vì hờn ghen
Trái tim chàng tan nát
Những khi thấy cô nàng
Vui đùa cùng kẻ khác.
Sau thấy sự tai hại
Bèn dứt bỏ mê say
Tâm an nhiên tự tại
Mặc ai cười với ai.
Phật đưa ví dụ này
Hiển thị có hai cách
Để trừ diệt tham ái
Nguyên nhân của khổ sầu:
Một là tu tập xả
Không ái luyến tham cầu
Hai tinh cần nỗ lực
Khi vướng lụy mắc câu.
Tinh cần tiêu ái dục
(Nguyên nhân của khổ đau)
Là tinh cần hợp lý
Trong pháp Phật nhiệm mầu.
Lại nữa nếu trú lạc
Mà ác tăng, thiện giảm
Nên khổ hạnh hợp lý
Để nhiếp phục bản thân.
6. Như Lai đáng tán thán
Vì cả mười trường hợp:
Dù khổ vui hữu tình
Do nghiệp cũ hay không.
Như Lai đã thiện hành
Nay gặt Niết bàn lạc
Không như ai làm ác
Khiến nay phải hành xác;
Dù khổ vui hữu tình
Do, không do tạo hóa:
Như Lai đã được tạo
Bởi tạo hóa thiện hiền.
Dù khổ vui hữu tình
Do, không do các duyên:
Như Lai thiện kết hợp
Tối thắng lạc hiện tiền.
Dù khổ vui hữu tình
Do, không do sinh loại:
Như Lai sinh loại lành
Nay được Niết bàn lạc.
Dù khổ vui hữu tình
Do, không do tinh tấn:
Như Lai khéo tinh tấn
Nay được Niết bàn vui.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 102
KINH NĂM VÀ BA
I. TOÁT YẾU
Devadaha Sutta.
A survey of various speculative views about the future and the past and of misconceptions about Nibbàna.
[Xét qua các kiến chấp siêu hình về vị lai quá khứ và những quan niệm sai lạc về Niết bàn.]
II. TÓM TẮT
Tại vườn Cấp cô độc [1], Phật dạy chúng tỷ kheo các chủ thuyết ngoại đạo luận bàn về tương lai tự ngã sau khi chết:
1. không bệnh [2], có tưởng;
2. không bệnh, không tưởng;
3. không bệnh, phi tưởng phi phi tưởng;
4. đoạn diệt;
5. Hiện tại Niết bàn.
Tóm lại, ba chủ trương đầu thuộc thường kiến (cho rằng sau khi chết, tự ngã tồn tại không bệnh), chủ trương 4 là đoạn kiến (cho hữu tình chết là hết); chủ trương cuối chấp hiện tại Niết bàn. Những chủ thuyết ấy xoay vần từ 5 còn lại 3 (gồm 3 loại thường kiến kể như một, một đoạn kiến và một hiện tại niết bàn), hoặc từ 3 thành 5.
A. Thường kiến loại một là Hữu tưởng (sau khi chết tự ngã không bệnh, có tưởng), chia ra nhiều thuyết: 1. (tự ngã) có sắc; 2. không sắc; 3. vừa có vừa không sắc; 4. không có không không sắc; 5. tưởng đồng nhất; 6. tưởng dị biệt; 7. tưởng hữu hạn; 8. tưởng vô lượng [3]. Vượt trên các tưởng này, còn có một số ít cho rằng tự ngã là biến xứ Thức vô lượng và bấtđộng [4], hoặc cho tự ngã là tưởng Vô sở hữu xứ. Họ cho cái tưởng không có gì siêu việt các tưởng về sắc, vô sắc, hữu hạn hay vô lượng [5]. Như Lai biết rõ đấy toàn là hữu vi (có điều kiện), và cái gì có điều kiện đều thô. Nhưng có niết bàn là sự chấm dứt các hành, và vì biết cái này là sự thoát ly, Như Lai đã ra khỏi các tưởng ấy [6].
B. Thường kiến loại hai là Vô tưởng [sau khi chết, tự ngã không có tưởng, không bệnh] chia ra: 1. tự ngã có sắc; 2. không sắc; 3. vừa có vừa không sắc; 4. không có không không sắc [7]. Những vị này bài bác chủ trương hữu tưởng, cho tưởng là bệnh hoạn, cục bướu, mũi tên, chỉ có vô tưởng là an tịnh, cao cả. Đối với chủ trương vô tưởng này, Như Lai biết rõ: Ngoài năm uẩn ra, không thể nói sự đến đi sinh diệt tăng trưởng thuần thục của thức [8]. Đấy vẫn còn là hữu vi, thô. Thấy được cái này, tức sự thoát ly khỏi hữu vi, Như Lai đã vượt qua vô tưởng.
C. Thường kiến loại ba là Phi tưởng phi phi tưởng, cũng có 4 trường hợp như trên là (tự ngã sau khi chết không bệnh, không có cũng không không tưởng) có sắc, không sắc, cũng có cũng không, không có không không sắc [9]. Những sa môn bà la môn này bài bác các chủ trương hữu tưởng, và cũng bài bác chủ trương vô tưởng. Họ nói hữu tưởng là bệnh, cục bướu…, còn vô tưởng thì kỳ cục [10]; chỉ có cái này là thù diệu, đó là phi tưởng phi phi tưởng. Như Lai biết không thể có sự chứng nhập xứ này nếu còn tạo tác của thấy, nghe, cảm, biết (kiến văn giác tri), vì đấy là một tai họa cho việc chứng nhập xứ này [11]. Họ lại công bố xứ này không phải được chứng nhập bằng các (tâm) hành, mà bằng tàn dư của các hành[12]. Đây vẫn còn hữu vi thô. Như Lai biết rõ có sự chấm dứt các hành gọi là Niết bàn. Sau khi biết rõ Có cái này (niết bàn), thấy rõ sự thoát ly khỏi cái kia (các hành), Như Lai đã vượt khỏi hành.
D. Đoạn kiến: Những sa môn bà la môn chấp sau khi chết tự ngã đoạn diệt, hủy diệt [13] thì bài bác cả ba chủ trương trên, là hữu tưởng, vô tưởng và phi tưởng phi phi tưởng. Như Lai biết những kẻ này sợ hãi chán ghét tự ngã nhưng vẫn chạy vòng quanh ngã [14], như một con chó bị cột vào dây cọc không ngừng chạy quanh cây cọc.
Tóm lại, những kiến chấp về tương lai đều lập một trong năm xứ đã kể [ 15 ] ( không vô biên, thức vô biên, vô chiếm hữu, phi tưởng phi phi tưởng, và hiện tại niết bàn. )
E. Về quá khứ, các sa môn bà la môn có 16 kiến chấp như sau về tự ngã và thế giới:
1. Thường[16];
2. Vô thường [17];
3. Thường và vô thường [18];
4. Không thường, không vô thường [19];
5. Hữu biên [20];
6. Vô biên;
7. Hữu biên và vô biên;
8. Không hữu biên không vô biên;
9. Tưởng đồng nhất [21];
10. Tưởng sai biệt;
11-12. Tưởng hữu hạn, vô lượng;
13-14. Toàn vui, toàn khổ;
15. Vừa khổ vừa vui;
16. Không khổ không vui.
Những vị giữ một trong 16 kiến chấp này đều cho chỉ đây là sự thật, ngoài ra đều sai. Nhưng về điều này, họ không có một tri kiến thuần tịnh thân chứng nào ngoài niềm tin, sự hoan hỉ chấp nhận, nghe đồn, suy xét lý do, chấp nhận quan điểm [22]. Cho nên dù họ có quan điểm gì cũng chỉ là chấp thủ tà kiến [23]. Sau khi biết rõ Có cái này (niết bàn), thấy rõ sự thoát ly khỏi cái kia (các hành), Như Lai đã vượt khỏi tất cả hành [24].
F. Hiện tại Niết bàn [25]
Một số sa môn bà la môn [ 26 ] từ bỏ quan điểm về quá khứ vị lai, ít dục, an trú viễn ly hỷ [ 27 ] ; nhưng khi viễn ly hỷ này diệt thì ưu tư sanh khởi, ưu tư diệt thì viễn ly hỷ sinh [ 28 ] như hết bóng mát lại bị nóng, hết nóng lại mát. Như Lai biết cái này là hữu vi pháp và đã vượt khỏi hữu vi. Lại có người còn vượt qua vượt khỏi hữu vi. Lại có người còn vượt qua viễn ly hỉ, đạt được phi vật chất lạc [ 29 ] cho là thù điệu. Nhưng khi phi vật chất lạc bị diệt thì viễn ly hỷ sanh, và ngược lại. Cái này cũng thuộc hữu vi, Như Lai đã vượt qua. Có người vượt qua cả 2 thứ hỷ lạc trên, an trú bất khổ bất lạc cho là thù điệu. Nhưng khi bất khổ bất lạc này diệt, phi vật chất lạc [ 30 ] lại sinh, như bóng mát nhường chỗ cho sức nóng. Như Lai biết đây cũng thuộc hữu vi và đã vượt qua. Lại có người vượt qua toàn bộ chủ thuyết và tu tập trên, không dục kiết sử, vượt qua hỷ, lạc, vô khổ vô lạc, quán ” ta là tịch tịnh không chấp thủ. ” [ 31 ] Nhưng Như Lai biết vị này vẫn còn chấp thủ [ 32 ].
Vô thượng tịch tịnh được Như Lai chính đẳng giác, đạt giải thoát không chấp thủ [33] do biết tập khởi, đoạn diệt, vị ngọt và nguy hiểm của 6 xúc xứ [34].
[ đại ý đoạn này Phật dạy người nào chứng đến tứ thiền nhưng còn có ý nghĩ Ta là tịch tịnh thì vẫn còn chấp trước mặc dầu đã đi đúng đường đến Niết bàn. Vô thượng Niết bàn được Như Lai thân chứng là khi thấy rõ cả 2 góc nhìn sinh và diệt, vị ngọt cùng nguy hại của 6 căn 6 trần, nhờ thấy rõ nên giải thoát chấp thủ vào 6 xúc xứ, nghĩa là thoát khỏi 5 uẩn hay cái Ta. ]
III. CHÚ GIẢI
1. Kinh này tương tự kinh Phạm Võng trong Trường Bộ kinh.
2. Aroga, vô bệnh, theo Kinh sớ, là chấp thường (chủ trương sau khi chết tự ngã vẫn tồn tại).
3. Kinh Phạm Võng đề cập mười sáu kiến chấp kiểu này, gồm tám quan điểm nói ở đây và thêm: (tự ngã) hữu biên, vô biên, vừa hữu vừa vô, phi hữu phi vô biên; toàn vui, toàn khổ, vừa vui vừa khổ, không vui không khổ. Trong kinh này tám quan điểm sau được kể như những suy tưởng về quá khứ.
4. Rõ ràng những kiến chấp ngã vô sắc, có tưởng đồng nhất hoặc tưởng dị biệt, căn cứ vào sự chứng đắc Không vô biên xứ. Biến xứ Thức theo kinh sớ, là Thức vô biên xứ. Những người chứng Thức vô biên xứ tuyên bố xứ này là tự ngã.
5. Tưởng trong thiền vô sắc thứ ba – Vô sở hữu xứ – là vi tế nhất trong các tưởng thế gian. Mặc dù trong thiền vô sắc thứ tư (Phi tưởng phi phi tưởng) vẫn còn có một loại tưởng, song nó quá vi tế nên không còn thích hợp để gọi là tưởng.
6. Theo Kinh sớ, đoạn này có nghĩa như sau: Tất cả loại tưởng này cùng các kiến chấp liên hệ đều hữu vi, và vì hữu vi nên thô. Nhưng có Niết bàn, được gọi là sự chấm dứt tất cả hành, nghĩa là cái hữu vi. Sau khi biết rõ Có cái này, nghĩa là Niết bàn, thấy sự thoát ly khỏi hữu vi, đức Như Lai đã vượt qua hữu vi pháp.
7. Bốn trường hợp sau (tưởng đồng nhất, dị biệt, hữu hạn, vô lượng) không được kể ở đây vì phái này chấp ngã là vô tưởng. Kinh Phạm võng đề cập tám kiến chấp, ngoài bốn cái này thêm hữu biên, vô biên, vừa hữu biên vừa vô biên, phi hữu phi vô biên.
8. Theo Kinh sớ, lời này nhắm đến các cõi chúng sinh đủ cả năm uẩn. Trong các cõi vô sắc, thức sinh khởi không cần có sắc uẩn, và trong cõi vô tưởng thì có sắc không thức. Nhưng thức không bao giờ sinh mà vắng bóng ba tâm uẩn kia (thọ, tưởng, hành).
9. Kinh Phạm võng kể thêm bốn chấp hữu biên vô biên, vv.
10. Sammoha, ở đây có nghĩa khác với ngu si vọng tưởng như thường hiểu. (Bản Anh dịch là stupefaction).
11. Kiến văn giác tri chỉ cho các nhận thức qua cửa ngõ giác quan. Muốn đắc thiền vô sắc thứ tư, phải vượt qua mọi tâm hành thường ngày liên hệ các giác quan, vì nó là chướng ngại cho sự chứng đắc xứ này (Phi tưởng phi phi tưởng xứ). Do vậy tưởng này gọi là phi tưởng (neva sannì).
12. Sasankhàràvasesasamàpatti. Trong thiền vô sắc thứ tư, một tâm hành vô cùng vi tế vẫn còn sót lại, nên gọi là Phi phi tưởng.
13. Kinh Phạm võng giải thích bảy loại chấp đoạn, ở đây gồm chung thành một loại.
14. Sự sợ hãi chán ghét tự ngã là một khía cạnh của phi hữu ái (vibhavahanhà), khát khao phi hữu, gọi là đoạn kiến. Nó cũng còn mang sự chấp ngã, cho rằng lúc chết là ngã hủy diệt, và do đó mặc dù nó chối bỏ ngã, thuyết này vẫn trói buộc người ta vào vòng sinh tử.
15. Kỳ thực Phật mới kể ra có bốn loại tư duy về tương lai.
16. Quan điểm này bao gồm cả bốn hạng chấp thường tư duy về quá khứ, đề cập trong kinh Phạm võng.
17. Vì đây là quan điểm về quá khứ, ta có thể xem nó ngụ ý ngã và thế giới tự nhiên phát sinh không do từ đâu cả. Như vậy nó cũng gồm cả hai thuyết ngẫu sinh trong kinh Phạm võng.
18. Thuyết này bao gồm cả bốn loại chấp một phần bất diệt (thường).
19. Thuyết này có thể gồm luôn bốn loại chủ thuyết trườn uốn như con lươn nói trong kinh Phạm võng.
20. Các kiến chấp từ 5-8 tương đương với bốn thuyết về không gian (extensionists) trong kinh Phạm võng.
21. Tám chấp này, từ số 9 đến 16, trong kinh Phạm võng được kể vào các chủ thuyết về tương lai tự ngã bất diệt, hữu tưởng.
22. Nghĩa là, chủ tuyết họ không căn cứ trên trí tuệ mà chỉ dựa vào niềm tin hoặc suy luận. Kinh số 95 nói năm nền tảng niềm tin này có thể đưa đến hậu quả đúng hoặc sai.
23. Kinh sớ: đấy không phải là chân thật trí mà chỉ là tà giải (hiểu sai), nên gọi là ôm giữ quanđiểm (chấp thủ kiến).
24. Theo Kinh sớ, ngang đây đã bao gồm tất cả sáu mươi hai kiến chấp đề cập trong kinh Phạm võng; nhưng kinh này có phạm vi rộng lớn hơn vì nó còn bao gồm một trình bày về ngã kiến, nhất là ở đoạn cuối nói về một vị chứng tứ thiền.
25. Tiêu đề này do đại đức Nanamoli đưa vào cho đủ số năm, vì ở trên Phật chỉ mới trình bày có bốn loại quan điểm.
26. Kinh sớ: Đoạn này cốt hiển thị rằng tất cả 62 kiến chấp siêu hình đều nặng ngã kiến (chấp có chủ thể hay cái ta dưới dạng này hay khác).
27. Pavivekam pìtim, ám chỉ hai thiền đầu có hỉ.
28. Theo Kinh sớ, ưu tư khởi lên là do mất thiền. Ưu tư không khởi lên ngay sau khi thiền (tâm) chấm dứt, mà khởi lên khi (hành giả) suy nghĩ về sự biến mất của (tâm) thiền.
29. Niràmisam sukham. Đây là lạc ở thiền thứ ba.
30. Thiền thứ tư.
31. Santo ham asmi, nibbuto ham asmi, anupàdàno ham asmi. Từ ngữ aham asmi, tôi là, chứng tỏ vị ấy vẫn còn chấp trước, như Phật sẽ hiển thị.
[Chú riêng của người dịch: Xem thêm kinh Kim Cương, chỗ Phật hỏi Tu Bồ Đề rằng A la hán có ý thức mình là la hán không. Tu Bồ Đề bạch: Dạ không, vì nếu có tức còn chấp ngã, chưa thực sự thanh tịnh. Sở dĩ Phật nói con – Tu Bồ Đề – là kẻ ưa tịch tịnh cũng vì trong tâm con không còn một tạo tác nào cả, vô sở hành.]
32. Theo Kinh sớ, đây là ngã kiến, vì còn thấy ta là tịch tịnh.
33. Ở chỗ khác, giải thoát không chấp thủ (anupàdà vimokkha) có nghĩa là Niết bàn, nhưng ở đây có nghĩa là sự chứng quả A la hán.
34. Kinh Phạm võng cũng hiển thị sự liễu tri các khía cạnh tập khởi, đoạn diệt, vị ngọt, nguy hiểm và xuất ly của sáu xúc sứ là con đường vượt khỏi mọi kiến chấp.
IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG
Phật dạy chúng tỷ kheo
Ngoại đạo bàn tự ngã
Có ba loại chấp thường
Có tưởng hoặc không tưởng;
Một chấp ngã đoạn diệt;
Một hiện tại Niết bàn.
Đấy là các chủ thuyết
Xoay vần giữa năm ba.
Chấp Hữu tưởng gồm tám:
Ngã có sắc, không sắc
Vừa có vừa không sắc
Không có cũng không không;
Ngã có tưởng đồng nhất
Hoặc có tưởng dị biệt
Hoặc có tưởng hữu hạn
Hoặc có tưởng vô cùng.
Trên nữa có các chấp
Ngã là Thức vô biên,
Hoặc Vô sở hữu xứ
Vẫn còn hữu vi thô.
Chấp Vô tưởng gồm bốn:
Ngã có sắc, không sắc;
Hoặc vừa có vừa không;
Không có cũng không không.
Vô tưởng bác Hữu tưởng,
Cho tưởng là bệnh hoạn,
Là cục bướu, mũi tên,
Chỉ Vô tưởng thù diệu.
Nhưng bàn Thức đến đi
Diệt, sinh hay tăng trưởng
Ngoài sắc thọ tưởng hành
Là việc làm phi lý.
Chấp Phi tưởng phi phi
Gồm bốn: có, không sắc,
Cũng có cũng không sắc,
Không có cũng không không.
Bác hữu tưởng cục bướu
Vô tưởng thì kỳ cục
Chỉ cái này thù diệu:
Phi tưởng phi phi tưởng.
Như Lai như thật biết
Nếu nhờ hành sót lại
Mà chứng Phi phi tưởng
Vẫn còn hữu vi thô.
Phái chủ trương đoạn diệt
Vẫn xoay quanh tự ngã:
Sau chết, ta thế này
Như chó chạy quanh cột.
Về tự ngã, thế giới
Có mười sáu kiến chấp
Liên hệ đến quá khứ:
Là thường, là Vô thường
Vừa thường vừa vô thường
Không thường, không vô thường;
Là Hữu biên, Vô biên;
Vừa Hữu biên, vô biên
Không hữu không vô biên
Tưởng đồng nhất; sai biệt
Tưởng hữu hạn, vô lượng;
Tưởng toàn vui, toàn khổ
Vừa khổ lại vừa vui;
Không khổ cũng không vui.
Ai cũng cho mình đúng
Các quan điểm khác sai.
Lại có những sa môn
Từ bỏ các quan điểm
An trú viễn ly hỷ;
Cho đấy là thù diệu
Nhưng khi hỷ này diệt
Thì ưu tư sanh khởi.
Kẻ đắc thiền thứ ba,
Xem lạc này thù diệu
Nhưng khi lạc ấy diệt
Viễn ly hỷ lại sinh
(tụt xuống lại nhị thiền)
Như hết mát lại nóng.
Có người vượt tam thiền
Hết bị dục trói buộc
Chứng tứ thiền và nghĩ
“Ta tịch tịnh vô chấp.”
Nhưng họ còn vẫn chấp
Dẫu đã đi đúng đường.
Cái Vô thượng tịch tịnh
Được Như Lai chính giác
Khi biết rõ năm uẩn:
Khởi, diệt, và vị ngọt,
Cùng nguy hiểm của chúng
Nên vô chấp, xuất ly.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 103
NHƯ THẾ NÀO
(Kimtisutta)
I. TOÁT YẾU
Kinti Sutta: What Do You Think About Me?
The Buddha explains how the monks can resolve disagreements about the Dhamma
[Các ông nghĩ gì về ta? Phật dạy các tỷ kheo cách giải quyết những bất đồng về Pháp.]
II. TÓM TẮT
Phật ở Kusinara gọi các tỷ kheo mà hỏi, có phải vì bốn sự cúng dường hay vì thành bại [1] mà Thế Tôn thuyết pháp không. Chúng tỷ kheo thưa không. Ngài chỉ vì từ tâm và lợi tha mà nói pháp. Phật dạy nếu biết thế, thì hãy học tập tất cả pháp mà Như Lai sau khi thân chứng đã truyền dạy – tức là 4 niệm xứ, 4 chính cần, 4 như ý túc, 5 căn, 5 lực, 7 giác chi, 8 thánh đạo – và hãy tu học trong tinh thần hòa hợp không tranh cãi. Nhưng trong khi tu học hòa hợp như vậy, có thể có sự bất đồng giữa hai tỷ kheo về Thắng pháp [2] hoặc về Luật. Nên dàn xếp như sau.
A. Về pháp:
Vị tỷ kheo hòa giải nên xét xem sự bất đồng của họ thuộc tính chất nào. Có 4 trường hợp:
1. Giữa 2 phe, có sai khác cả về nghĩa lẫn về văn [3];
2. Hoặc sai khác về nghĩa, đồng nhất về văn;
3. Hoặc đồng nhất về nghĩa, sai khác về văn;
4. Hoặc đồng nhất về nghĩa và văn.
Vị hòa giải nên đến người nào dễ nói trong cả 2 phe để khuyên họ đừng cãi lộn: Với 2 trường hợp đầu, cãi nhau vô ích vì hai bên không đồng nói một chuyện (khác nhau về nghĩa); với 2 trường hợp sau thì chỉ khác nhau về văn là vấn đề nhỏ nhặt [4] không nên cãi nhau vô lối.
B. Về Luật:
Nếu có người phạm giới phạm luật [5] thì không nên khiển trách liền, mà phải suy nghĩ đắn đo như sau, trường hợp nào nên nói, trường hợp nào không nên.
1. Nên sửa sai cho người ấy nếu việc này không hại gì cho ta, cho họ; họ không phẫn uất, lanh lợi, dễ nói, và ta có thể khiến họ bỏ ác theo thiện.
2. Vẫn nên sửa sai nếu xét thấy cuối cùng ta sẽ khiến người ấy bỏ ác theo thiện mặc dù có thể gặp một hay nhiều chướng ngại như sau: a) có hại cho ta; b) có hại cho người; c) có hại cho cả hai; d) người kia phẫn uất; e) chậm lụt; f) khó nói. Nhưng tất cả trở ngại này đều là việc nhỏ nếu cải hóa được một con người.
3. Ngược lại nếu xét thấy cuối cùng không thể nào sửa đổi họ dù phải chịu những thiệt thòi trên, thì nên xả, nhưng không nên khinh miệt.
Trong khi tu học với ý thức hòa hiệp, nếu có khởi lên một cuộc cãi nhau, một quan điểm ngoan cố, tâm hiềm hận phẫn nộ ưu não, thì người hòa giải nên đi đến người nào dễ nói nhất trong mỗi phe và bảo : Có phải nếu biết được việc này thì vị Sa môn [ 6 ] sẽ quở trách ? Nếu không bỏ việc này [ 7 ] thì hoàn toàn có thể chứng niết bàn không ? Đương nhiên họ phải đáp rằng Phật sẽ quở trách, và không hề chứng niết bàn. Khi sự thuyết phục thành công xuất sắc, nếu có ai hỏi có phải nhờ ngài mà họ đã an trú vào điều thiện không, vị tỷ kheo hòa giải chỉ nên nói nhờ được nghe Pháp của Thế Tôn mà họ tự sửa đổi. Trả lời như vậy tỷ kheo hòa giải khỏi phạm lỗi khen mình chê người.
III. CHÚ GIẢI
1. Bhavàbhavahetu, Kinh sớ: Các ngươi có nghĩ rằng Như Lai giảng Pháp để được công đức, được hưởng vui ở một cõi cao siêu nào chăng?
2. Abhidhamma. Theo Sớ, ám chỉ 37 pháp trợ đạo nói ở đoạn trước.
3. Nghĩa attha và văn byanjana là hai khía cạnh của Pháp Phật dạy. Xem thêm Trường 29, cũng bàn đến sự bảo tồn Pháp cho đúng về văn và nghĩa.
4. Đoạn này muốn nói rằng câu văn hơi khác không nhất thiết trở ngại việc hiểu đúng ý nghĩa. Nhưng ở chỗ khác, ví dụ kinh Tăng Chi 2, Phật có dạy rằng Diệu pháp biến mất là do hai yếu tố: diễn đạt sai trên văn tự, và giải sai ý nghĩa.
5. Nguyên tắc chung trong việc sửa sai là: Nếu vị tỷ kheo có lỗi có thể sửa đổi, thì dù vị ấy có bị tổn thương và bản thân người can gián bị phiền hà, cũng nên can. Nhưng nếu vị ấy không thể nào sửa đổi được, thì người can gián nên có thái độ xả.
6. Vị Sa môn ở đây là đấng Đạo sư (satthà), chỉ đức Phật. Như ở kinh Trung bộ 105.
7. Việc này có nghĩa là sự cãi nhau.
IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG
Phật ở Câu thi na
Gọi chư tỷ kheo hỏi
Như Lai có giảng dạy
Để được phước lợi lành?
Chúng tỷ kheo thưa không,
Ngài chỉ vì từ tâm
Vì lợi ích tha nhân
Mà thuyết tuyên diệu pháp.
Vậy hãy khéo tu học
Băm bảy pháp trợ đạo
Do Như Lai thân chứng
Trong tinh thần vô tranh.
Nên hòa giải tranh chấp
Mỗi khi có bất đồng
Giữa hai nhóm tỳ kheo
Khi bàn về thắng pháp:
Khác nhau nghĩa và văn;
Đồng nhất văn, khác nghĩa;
Đồng nhất nghĩa, khác văn;
Đồng nhất văn và nghĩa.
Với hai trường hợp đầu
(Kẻ nói gà người vịt)
Cãi nhau thật vô ích
Vì vấn đề khác nhau.
Với hai trường hợp sau
– đồng nghĩa, văn hơi khác –
Cũng không nên cãi nhau
Về bất đồng vụn vặt.
Vị Tỷ kheo hòa giải
Nên đến người dễ nói
Ở trong cả hai bên
Để trình bày như trên.
Khi phạm giới xảy ra
Xét nên, không nên nói
Nên nói nếu không hại
Cho người hoặc cho ta;
Người kia không phẫn uất,
Thông minh, biết phục thiện
Và chính ta có thể
Đưa họ thoát đường tà.
Và cũng nên sửa sai
Nếu xét ra sửa được
Dù có những phiền phức:
Hoặc hại bản thân ta
Hoặc hại đến cho người
Hoặc ta, người đều hại;
Hoặc người kia phẫn uất
Chậm hiểu, khó thuyết phục.
Tất cả chướng ngại này
Chỉ là điều nhỏ nhặt
So với việc to lớn
Cải hóa một con người.
Nhưng nếu xét cho cùng
Có nói chỉ phí công
Thì bỏ qua, im lặng
Nhưng cũng chớ phiền lòng.
Giữa chúng tăng bình yên
Bỗng khởi lên tranh cãi
Ngoan cố và hiềm hận
Nên hòa giải đôi bên:
Đấng Đạo sư biết được
Ngài sẽ quở trách liền.
Không từ bỏ tranh chấp
Niết bàn khó chứng nên.
Nếu hòa giải thành công,
Nên nói nhờ Phật Pháp
Mà hai phe tranh chấp
Tự bỏ ác theo lành.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 104
LÀNG SAMA
I. TOÁT YẾU
Sàmagàma Sutta.
At Sàmagàma. The Buddha lays down disciplinary procedures for the guidance of the Sangha to ensure its harmonious functioning after his demise.
[Tại làng Sàma, Phật ấn định những điều luật để chỉ đạo cho tăng chúng sống hòa hợp sau khi Ngài niết bàn.]
II. TÓM TẮT
A. Phật thuyết kinh này ở thôn Xá Di (Samagama) của bộ tộc Thích Ca (Sakka). Sau khi giáo chủ Ni Kiền Tử qua đời ở Pàvà [1], đệ tử chia làm hai phe đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi, khiến cư sĩ của họ chán ngấy, như đã chán ngấy Pháp và luật vụng thuyết không đưa đến giải thoát, do một người chưa đạt hoàn toàn giải thoát giảng dạy; và bây giờ họ không còn nơi nương tựa [2]. Đây là những gì sa di Cunda [3] thuật lại với tôn giả A Nan. Tôn giả đến bạch Phật. Phật dạy trong Phật pháp không có sự cãi nhau về 37 pháp trợ đạo, nên khỏi lo. A Nan lại lo có tranh luận về giới luật [4]. Phật dạy tranh luận này là việc nhỏ nhặt không đáng kể, chỉ có tranh chấp về Pháp [5] mới đem lại bất an cho đa số.
Rồi Ngài dạy có 6 nguyên nhân tranh chấp [6] là:
– hiềm hận não hại,
– khinh miệt lấn lướt,
– ganh ghét xan tham,
– gian manh xảo trá,
– ác dục tà kiến,
– cố chấp khó xả.
Do 6 gốc rễ này mà tỷ kheo sống không kính Đạo sư, Pháp và Tăng, không viên mãn học tập. Vậy hãy có phương pháp dứt các tranh chấp đưa đến bất an cho đa số.
B. Các tranh chấp có 4:
– do tranh luận,
– do chỉ trích,
– do phạm giới,
– do trách nhiệm.
Để diệt 4 tránh sự này [7] có 7 nguyên tắc [8]:
1. Hiện tiền tì ni [9]: tất cả tỷ kheo phải có mặt để phán quyết một việc tranh cãi theo chỉ đạo của Pháp [10];
2. Quyết định đa số (đa nhân mích tội): khi tránh sự không thể giải quyết tại chỗ, thì phải đi đến một trú xứ nhiều tỷ kheo hơn, rồi tất cả tập hợp để giải quyết;
3. Ức niệm tỳ ni [11], để cho đương sự tự nhớ lại có phạm tội ba la di hoặc gần ba la di [12] hay không;
4. Bất si tì ni [13]: đương sự bị điên đã làm quấy, tỉnh lại không nhớ;
5. Quyết định tùy theo thú nhận (tự ngôn trị) [14]: là khi một tỷ kheo nhớ 1 giới tội, tỏ lộ với một tỷ kheo lớn tuổi hơn mà sám hối;
6. Quyết định tùy theo giới tội người phạm [15] (Mích tội tướng);
7. Trải cỏ che lấp (Như thảo phú địa) [16]: cả 2 phe lần lượt cử ra một người đứng lên tỏ lộ tội lỗi của những người phe mình để xí xóa cho nhau, trừ những tội trọng và tội liên hệ đến cư sĩ [17].
C. Có sáu pháp khả niệm (lục hòa) đem lại sự hòa hợp [18] cho tăng chúng, đó là:
1) An trú từ thân nghiệp đối với nhau;
2) Từ khẩu nghiệp;
3) Từ ý nghiệp;
4) San sẻ lợi dưỡng;
5) Cùng thành tựu giới luật;
6) Thành tựu tri kiến thánh thiện đưa đến xuất ly.
Thực hành sáu pháp này thì không có một cách nói nào thô hoặc tế mà tỷ kheo không thể chịu nổi [19]. Sáu pháp ấy sẽ mang lại cho tỷ kheo an lạc hạnh phúc lâu dài.
III. CHÚ GIẢI
1. Kinh này mở đầu giống kinh Trường bộ 29, cũng liên quan đến việc duy trì sự hòa hợp của tăng chúng sau khi Phật nhập diệt.
2. Theo Kinh sớ, đền thờ và chỗ tựa ở đây là Nàtaputta, vị giáo chủ đã chết.
3. Sa di Cunda là em trai tôn giả Xá Lợi Phất.
4. Ngay lúc Phật còn ở đời, tranh chấp thuộc loại này cũng đã xảy ra trong chúng tỷ kheo ở Kosambi, được nói trong kinh Trung bộ 48 đoạn 2.
5. Đây là tranh chấp về Bát thánh đạo hoặc các giác chi khác.
6. Bốn cặp đầu bao gồm các cấu uế làm ô nhiễm tâm nói trong kinh Trung bộ 7.
7. Adhikarana. Horner dịch là legal questions (vấn đề luật pháp) đề cập dông dài trong Luật tạng. Vắn tắt, ngôn tránh (vivàdàdhikarana) khởi lên khi tỷ kheo cãi nhau về Pháp và Luật; phạm tránh (anuvàdàdhikarana) khi buộc tội một tỷ kheo phạm giới luật; mích tránh(àphattàdhikarana) khi một tỷ kheo phạm giới tìm cách chối tội; sự tránh (kiccàdhikarana) liên hệ đến việc thực thi các phận sự của tăng.
8. Adikaranasamatha, chỉ tránh hay diệt tránh. Làm thế nào áp dụng bảy cách diệt tránh để dàn xếp 4 loại tranh chấp, được nói trong Luật tạng.
9. Sammukhàvinaya, Hiền tiền tì ni. Luật giảng là đối diện với, hay với hiện diện của Tăng chúng, Pháp, Luật và những người liên hệ đến việc tranh chấp. Luật này áp dụng cho cả bốn loại tránh sự (chuyện cãi nhau), chỉ khác nhau cách diễn đạt.
10. Dhammanetti samanumajjitabbà, Kinh sớ đưa ví dụ là mười thiện nghiệp và bất thiện nghiệp, ở đây cốt ám chỉ Pháp và Luật.
11. Sativinaya, ức niệm tì ni. Khi một tỳ kheo vô tội mà bị cử tội thì vị ấy phải xin tăng làm pháp yết ma Ức niệm để vị ấy nhớ đầy đủ và chính xác hành vi mình.
12. Tội ba la di, pàràjika, là tội đáng trục xuất khỏi tăng chúng. Tội gần ba la di là phạm tăng sàn sanghàdisesa, (cần họp chúng để tỏ lộ và hành sám một thời gian); hoặc phạm những bước đầu tiến đến trọng tội.
13. Amùlhavinaya, Bất si tì ni, Một tỷ kheo trong quá khứ bị bệnh điên đã phạm những giới tội, khi bình phục được tăng làm pháp này. Tiêu chuẩn để xác định sự điên cuồng là đương sự không nhớ mình đã làm gì trong lúc bị điên.
14. Thủ tục này là phương pháp lập ra để giải tội cho một tì kheo khi phạm một giới tội có thể sám hối để giải tỏa.
15. Pàphiyyàsikà, Mích tội tướng, pháp này dành cho một tỷ kheo thường gây rối, ngu si nhiều lỗi, hoặc sống liên hệ bất đáng với tục gia cư sĩ.
16. Tinavattràraka, Như thảo phú địa, được áp dụng khi tăng chúng vướng vào một cuộc cãi vã trong đó nhiều tỷ kheo phạm các tiểu giới. Nếu kết tội những vị này thì tranh chấp sẽ kéo dài, nên Kinh dạy phương pháp để giải tỏa, được ví như lấy cỏ phủ lấp trên phân để khử mùi hôi.
17. Những giới tội đáng khiển trách nặng nề thuộc loại Ba la di và Tăng tàn. Giới liên hệ cư sĩ là khi vị tỷ kheo phỉ báng người thế tục.
18. Như kinh 48, đoạn 6.
19. Như kinh 21, ám chỉ ví dụ cái cưa.
IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG
Tại thôn Xá Di
Phật thuyết kinh này
Về bảy diệt tránh
Và pháp lục hòa
Tôn giả Thuần Đà
Thuật với A Nan
Rằng ở Pa-va
Đệ tử Ni Kiền
Sau khi thầy chết
Đã chia hai phe
Cãi nhau kịch liệt
Tục gia đệ tử
Đâm ra chán ngấy
Trước tình trạng ấy
Cũng như chán ngấy
Pháp luật vụng thuyết
Khiến các tín đồ
Không chỗ tựa nương.
Tôn giả A Nan
Nghe xong bạch Phật
Nỗi lo của mình
Sau Phật niết bàn
Có việc tương tự
Trong tỷ kheo chúng.
Phật hỏi tôn giả
Ở trong tăng chúng
Có ai cãi nhau
Về Bốn niệm xứ
Về Bốn chánh cần
Bốn Như ý túc
Năm căn năm lực
Về Bảy giác chi
Và tám thánh đạo?
A Nan bạch Phật
Về các pháp này
Con không hề thấy
Hai vị tỷ kheo
Nói trái ngược nhau.
Thế thì khỏi sợ.
Nhưng bạch Thế Tôn
Sợ có tranh luận
Về giới và luật.
Đấy là việc nhỏ.
Tranh chấp về Pháp
Mới là tai hại
Đem lại bất an
Cho đa số người.
Có 6 nguyên nhân
Đưa đến tranh chấp:
Hiềm hận não hại
Khinh miệt lấn lướt,
Ganh tị xan tham
Gian manh xảo trá,
Ác dục tà kiến
Cố chấp khó xả.
Do 6 pháp này
Tỷ kheo không kính
Phật, Pháp và Tăng,
Không tròn học giới.
Vậy hãy tìm cách
Dứt các tranh luận
Đưa đến bất an
Cho cả mọi người.
Tranh chấp có 4:
Do tranh luận Pháp,
Do chỉ trích nhau
Do phạm giới tội,
Và do trách nhiệm.
Để diệt tránh sự
Có 7 nguyên tắc:
Hiện tiền tì ni
Tất cả tỷ kheo
Đều phải có mặt
Mỗi khi phán quyết
Một việc tranh cãi
Theo đúng luật pháp.
Đa nhân mích tội
(Quyết định đa số)
Gặp một tránh sự
Khó mà giải quyết
Tại chỗ mình ở,
Hãy đến trú xứ
Có nhiều tỷ kheo
Họp lại xử phân.
Ức niệm tỳ ni
Là cho đương sự
Tự nhớ tội mình
Để rồi xử trị.
Bất si tì ni
Lúc điên phạm giới
Nay đã tỉnh lại
Xin tăng miễn bàn.
Pháp tự ngôn trị
Là tỏ lỗi mình
Trước người lớn hơn
Để mà sám hối.
Pháp Mích tội tướng
Gặp kẻ chối quanh
Thì cứ phán xét
Theo tội đã phạm.
Trải cỏ che lấp
Là khi 2 phe
Đều phạm nhiều lỗi
Cử ra đại diện
Xin lỗi lẫn nhau.
Cuối cùng Phật dạy
Sáu pháp khả niệm
(thường gọi lục hòa):
Tỷ kheo sống chung
Thân khẩu ý nghiệp
Thấm nhuần từ tâm;
San sẻ lợi dưỡng;
Thành tựu giới luật;
Tri kiến thánh thiện
Đưa đến xuất ly.
Thực hành như vậy
Thì không có gì
Không thể kham nhẫn;
Sáu pháp khả niệm
Làm cho tăng chúng
An vui lâu dài.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 105
THIỆN TINH
I. TOÁT YẾU
Sanakkhatta Sutta – To Sunakkhatta.
The Buddha discusses the problem of an individual’s overestimation of his progress in mediatation.
[Phật bàn thảo vấn đề cá nhân đánh giá quá mức sự tiến bộ của mình về thiền.]
II. TÓM TẮT
Lúc Phật ở Vesali, có nhiều tỷ kheo đã tuyên bố chứng thánh quả. Tỷ kheo Thiện Tinh [1] đến hỏi Phật những vị tuyên bố như thế có thực sự đã chứng thánh hay chưa. Phật dạy một số chứng thật, một số chỉ tuyên bố như vậy vì tăng thượng mạn [2] (chưa chứng nói chứng). Chính vì số người sau này mà Phật thuyết pháp [3]. Nhưng cũng có người ngu si bày đặt câu hỏi để chất vấn, thì dù lúc đầu Như Lai có định nói pháp cho họ, sau cũng đổi ý [4]. Khi ấy tỷ kheo Thiện Tinh thỉnh Phật nói Pháp. Phật dạy như sau:
Xem thêm: Lời bài hát Sài Gòn đau lòng quá toàn kỷ niệm chúng ta – Hứa Kim Tuyền x Hoàng Duyên [Kèm Hợp Âm]
1. Có hạng người thiên về vật chất thế gian [5]. Họ chỉ ưa nói chuyện vật chất thế gian, suy nghĩ những gì liên hệ năm dục, và khoái giao du với hạng người như vậy. Khi câu chuyện khởi lên liên hệ đến bất động thì họ không để ý, lóng tai hay cố tìm hiểu, cũng không khoái hạng người ưa nói về bất động. Như người xa quê ưa nghe chuyện liên hệ đến quê nhà mình. Cũng vậy, khi thấy một người không thích câu chuyện về bất động thì nên biết đấy là hạng bị trói buộc về vật chất thế gian.
2. Một số người thiên nặng về Bất động [6] thì chỉ nói và suy tư những gì liên hệ đến bất động, và khoái giao du với hạng người tương tự. Họ không để tâm, không lóng tai hay cố tìm hiểu câu chuyện liên hệ vật chất thế gian và cũng không giao du hạng người này. Như lá khôđã lìa cành, không thể xanh trở lại. Cũng vậy, khi thấy một người thiên về bất động thì nên biết họ không bị trói buộc vì vật chất thế gian.
3. Một số thiên nặng về Vô sở hữu xứ cũng như trên, không ưa nghe câu chuyện về vật chất hay bất động. Như hòn đá vỡ làm đôi không liền lại được. Cũng thế, khi thấy một người không bị trói buộc vì kiết sử bất động thì nên biết họ thiên về Vô sở hữu xứ.
4. Một số người thiên về Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Họ không ưa thích nói chuyện, suy tư liên hệ đến Vô sở hữu xứ, không khoái giao du với hạng người này. Ví như một người đã ăn các món ngon chán chê, sau khi đã quăng bỏ thì không ưa ăn lại. Cũng vậy khi một người không bị trói buộc bởi kiết sử Vô sở hữu thì ta biết họ thiên về Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
5. Một số thiên về chính Niết Bàn. Họ không thích hay nghe suy tư câu chuyện chỉ liên hệ Phi phi tưởng xứ, hay giao du hạng người này. Kiết sử Phi tưởng phi phi tưởng xứ nơi họ đã bị cắt đứt như thân cây sa la. Mặc dù thiên về chính Niết Bàn, họ lại khởi lên ý nghĩ: Khát áiđã được vị Sa môn [7] gọi là mũi tên, nọc độc vô minh bị dục tham và sân làm cho lan khắp. Nay ta đã nhổ mũi tên khát ái, tẩy trừ độc vô minh. Ta là người hoàn toàn thiên hướng Niết bàn. Vì vọng tưởng về tự ngã [8] như thế, họ có thể khởi sự theo đuổi những việc bất đáng thuộc đối tượng giác quan, tâm họ bị tham dục xâm chiếm, và sẽ phải đau khổ cho đến chết. Ví như người bị trúng tên độc dược y sĩ giải phẫu dùng dao cắt miệng vết thương, dùng dụng cụ dò tìm mũi tên và rút ra được nhưng dấu vết mổ xẻ [9] vẫn còn. Bởi thế y sĩ dặn phải kiêng cử nắng gió bụi bặm, giữ vệ sinh, ăn đồ ăn thích hợp cho đến khi vết thương hoàn toàn bình phục. Nhưng vì không làm theo lời dặn nên vết thương lại làm độc, khiến người ấy đau như chết. Cũng thế, một người đã nhổ tên độc khát ái nếu còn chút tự mãn về việc này thì sẽ bị tham dục xâm chiếm trở lại khiến họ đau khổ gần chết. Vì trong Pháp Luật Như Lai thì một người xả giới hoàn tục cũng như chết, và phạm giới nặng thì như gần chết. Phật dạy vết thương dụ cho 6 xúc xứ; thuốc độc là vô minh; ái như mũi tên; vật dụng dò tìm là niệm; con dao là thánh trí tuệ; y sĩ giải phẫu là Phật. Tỷ kheo phải phòng hộ sáu xúc xứ vì khi đã rõ sanh y là nguồn gốc của đau khổ [10] vị ấy lìa sanh y như xa lánh ly nước ngọt có tẩm độc, hoặc xa một con rắn độc, nếu người ấy muốn sống, không muốn chết, muốn vui không muốn khổ [11].
III. CHÚ GIẢI
1. Xem kinh 12.
2. Adhimànena, tăng thượng mạn. Họ công bố chứng quả vì tăng thượng mạn, nghĩa là chưa chứng mà tự cho đã chứng.
3. Kinh sớ: Cho họ biết rõ họ thuộc trình độ nào.
4. Kinh sớ: Vì họ bị tham thúc đẩy, nên đức Như Lai không thuyết pháp cho họ. Ngài chỉ khởi lên ý hướng nói Pháp khi gặp những hành giả chân chính.
5. Lokàmisa, chỉ năm dục là sắc thanh hương vị xúc.
6. Anenja, bất động, chỉ các thiền chứng từ tứ thiền đến bốn vô sắc định. Nhưng vì hai định cao nhất được đề cập riêng, nên kinh này dường như chỉ xem tứ thiền
và hai Không định đầu tiên (Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ) là Bất động.
7. Chỉ đức Phật.
8. Trở lại vấn đề tự đánh giá quá mức, như mở đầu kinh.
9. Bản PTS hoàn toàn ngược lại.
10. Như kinh 66.
11. Như kinh 46.
IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG
Khi Phật ở Vesali
Nhiều tỷ kheo tuyên bố
Họ đã chứng thánh quả
Khiến Thiện Tịnh hoài nghi.
Ông bèn đến hỏi Phật
Phật cho ông biết rằng
Một số đã chứng thật
Ngoài ra chỉ khoa trương
Đấy là tăng thượng mạn
Chưa chứng đã nói chứng
Chính vì hạng người này
Mà Như Lai thuyết pháp
Nhưng Ngài Không định nói
Với kẻ chất vấn suông.
Rồi Ngài dạy Thiện Tinh
Đặc tính năm hạng người.
Hạng thiên về vật chất
Hạng thiên về Bất động
Hạng thiên Vô sở hữu
Hạng Phi tưởng phi phi
Hạng chính hướng Niết bàn.
Chỉ nghĩ về năm dục
Giao du người trần tục
Câu chuyện về Bất động
Bị họ gác ngoài tai
Là hạng người thứ nhất
Bị trói vào vật chất
Ví như kẻ đi xa
Nhớ quê nhà dằng dặc.
Hạng thiên về Bất động
Nói, nghĩ và tương giao
Liên hệ đến bất động
Gác mọi chuyện thế gian
Như lá khô lìa cành
Không còn xanh trở lại.
Hạng thiên Vô sở hữu
Không ưa chuyện vật chất
Cũng chẳng màng Bất động
Như hòn đá vỡ đôi.
Phi tưởng phi phi tưởng
Thiên về định chứng này
Không thích nói, suy tư
Liên hệ Vô sở hữu.
Như người đã chán chê
Đồ cao lương mỹ vị
Đã quăng bỏ đi rồi
Không ưa ăn trở lại.
Hạng chính hướng Niết Bàn
Không màng chuyện Phi tưởng
Vì họ đã cắt đứt
Trói buộc của xứ này.
Nhưng vừa khởi tâm nghĩ:
Ta ái tận, niết bàn
Dục sẽ xâm chiếm tâm
Làm họ đau như chết.
Như người trúng tên độc
Được y sĩ mổ xẻ
Với dụng cụ dò tìm
Rút được mũi tên ra
Vì vết mổ còn tươi
Y sĩ dặn kiêng cữ,
Do không theo lời dặn
Người ấy phải đớn đau.
Người còn chút tự mãn
Đã nhổ độc khát ái
Sẽ bị dục xâm chiếm
Khiến khổ đau dài dài
Trong Pháp Luật Như Lai
Xả giới cũng như chết
Khi biết rõ sanh y
Là nguồn gốc đau khổ
Tỷ kheo lìa sanh y
Như xa lìa rắn độc,
Muốn sống, không muốn chết,
Muốn vui, không khổ sầu.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 106
BẤT ĐỘNG LỢI ÍCH [1]
I. TOÁT YẾU
Ànenjasappàya Sutta – The Way to the Imperturbable.
The Buddha explains the approaches to various levels of higher meditative states culminating in Nibbàna.
[Con đường đến Bất động. Phật giải thích những cách đạt đến các tầng thiền chứng, tột đỉnh của nó là niết bàn.]
II. TÓM TẮT
Tôi nghe như vầy, Phật ở Rammassadhamma thị trấn dân Kuru, dạy các tỷ kheo:
(Bất động)
Dục [2] là vô thường, trống rỗng, giả dối, thuộc ngu si tánh. Dục và dục tưởng hiện tại, tương lai đều thuộc lãnh vực ma, chỗ dinh dưỡng của ma,
dẫn đến tham, sân, chướng ngại cho tu tập. Sau khi xét thấy vậy, tỷ kheo an trú đại hành tâm, vượt khỏi cảnh giới của dục và quyết định [3] đắc thiền. Khi tu tập như vậy, tâm vị ấy không còn các bất thiện pháp như tham, sân, mạn, và trở thành an tịnh trong giới xứ này [4], tâm vị ấy hoặc đạt đến Bất động (định), hoặc thiên về trí tuệ (tuệ), và khi thân hoại mạng chung vị ấy sẽ tái sinh vào cõi Bất động [5]. Đây là con đường thứ nhất đạt đến Bất động.
Hoặc vị tỷ kheo suy tư như sau [ 6 ] : Những dục và dục tưởng hiện tại tương lai đều liên hệ 4 đại và sắc do 4 đại tạo. Tỷ kheo hành trì như vậy, tâm vị ấy trở nên an tịnh trong giới xứ của nó, thành tựu Bất động ngay hiện tại, hoặc thiên nặng về trí tuệ. Khi chết, thức diễn tiến như vậy hoàn toàn có thể đạt đến Bất động. Đây là con đường thứ hai để được Bất động.
Hoặc tỷ kheo suy nghĩ [7]: “Dục, dục tưởng hiện tại và tương lai, sắc, sắc tưởng hiện tại và tương lai, cả 2 đều vô thường, không đáng tham chấp vui thú trong đó.” Nhờ an trú nhiều lần như vậy, tâm vị ấy trở nên an tịnh trong giới xứ này. Với tâm an tịnh vị ấy thành tựu Bất động ngay hiện tại hay thiên về tuệ. Khi chết thức có thể nhờ vậy đạt Bất động. Đây là conđường thứ ba để đạt đến Bất động.
(Vô sở hữu xứ)
Vị tỷ kheo suy nghĩ [8]: “Dục và dục tưởng hiện tại và tương lai, sắc, sắc tưởng hiện tại và tương lai và bất động tưởng, khi được đoạn diệt không dư tàn, thì tâm được tịch tịnh. Đây gọi là Vô sở hữu xứ thù diệu. Đây là cách thứ nhất để đạt đến Vô sở hữu xứ.
Hoặc vị tỷ kheo đi đến gốc cây và suy nghĩ: “Ngã, và ngã sở đều trống rỗng” (không có gì là Ta hay của ta) [9]. An trú trong giới xứ này vị ấy thành tựu Vô sở hữu xứ ngay hiện tại hoặc thiên về tuệ. Khi chết vị ấy có thể đạt Vô sở hữu xứ. Đây là con đường thứ hai để đạt đến Vô sở hữu xứ.
Hoặc vị ấy nghĩ : ” Ta và sở thuộc của ta không có bất kỳ ở đâu và trong hình thức nào ” [ 10 ]. Tu tập như vậy, tâm vị ấy trở thành an tịnh, hoặc thiên về tuệ. Khi chết vị ấy tái sinh về Vô sở hữu xứ. Đây là con đường thứ ba để đạt Vô sở hữu xứ.
(Phi tưởng phi phi tưởng xứ)
Vị tỷ kheo nghĩ: “Dục, dục tưởng, sắc tưởng và bất động tưởng, vô sở hữu xứ tưởng, chỗ nào các tưởng ấy đoạn diệt không dư tàn là tịch tịnh, thù diệu, tức là Phi tưởng phi phi tưởng xứ.” Nhờ an trú như vậy, vị ấy thành tựu ngay hiện tại Phi tưởng phi phi tưởng xứ, hoặc thiên về tuệ. Khi chết có thể tái sinh ở phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đây là con đường tu tập Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
(Niết bàn)
Tôn giả A Nan bạch: Nếu một tỷ kheo tư duy, tu tập như sau: “Trước đã không có thì nay không là của ta; về sau cũng sẽ không có và không là của ta. Hãy đoạn trừ những gì hiện có và đã có” [11]. Nhờ thế vị ấy được xả [12] thì có chứng cứu cánh Niết bàn không? Phật đáp có người chứng người không. Không chứng là do còn chấp trước xả ấy, hoan hỷ trong xả ấy, nghĩa là thủ trước Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Còn chấp trước thì không thể chứng Niết bàn. Khi ấy tôn giả A Nan bạch: Bạch Thế Tôn, nhưng vị ấy chấp trước vào cái gì? Phật đáp, vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ [13]. A Nan bảo, đấy là chỗ chấp trước thù thắng nhất. Phật đồng ý, nhưng dạy thêm rằng nếu xả mà không hoan hỷ chấp trước xả ấy, không lệ thuộc vào nó, thì sẽ chứng cứu cánh Niết bàn, bất tử, nghĩa là tâm giải thoát không thủ trước.
Khi ấy tôn giả A Nan tán thán Phật đã dạy về sự vượt qua bộc lưu nhờ vào một điểm tựa nào hay khác [14], và hỏi thêm: Nhưng bạch Thế Tôn, thế nào là Thánh giải thoát [15]? Và Phật đã trả lời: Ấy là khi vị thánh đệ tử suy xét như sau: Dục và dục tưởng, sắc và sắc tưởng hiện tại tương lai, tưởng về Bất động, về Vô sở hữu xứ hay Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đều là cái ngã nối dài [16]. Đây là bất tử, tức cái tâm giải thoát nhờ không chấp thủ [17].
Những gì cần giảng dạy cho đệ tử vì lòng thương tưởng, Ta đã giảng dạy. Đây là những gốc cây, những ngôi nhà trống. Hãy thiền định chớ trì hoãn mà phải ân hận về sau.
III. CHÚ GIẢI
1. Xem chú thích số 6 kinh 105. Bất động ở đây dường như chỉ bao gồm thiền thứ tư và Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ…
2. Ám chỉ cả hai thứ: dục lạc và những ô nhiễm do dục lạc.
3. Kinh sớ ghi chú: sau khi đã vượt qua dục giới và quyết định đắc thiền.
4. Theo Kinh sớ, tâm vị ấy an trú trong xứ này có nghĩa là, hoặc vị ấy đạt được tuệ nhắm đến A la hán quả, hoặc đắc thiền thứ tư. Nếu vị ấy đắc tứ thiền, thì thiền này trở thành căn bản để đạt đến bất động, tức chính thiền thứ tư. Nhưng nếu vị ấy đắc tuệ, thì vị ấy sẽ quyết định làm viên mãn tuệ giác bằng cách đào sâu tuệ để chứng quả A la hán. Sự quyết định viên mãn tuệ là lý do tại sao những đoạn kinh kế tiếp mặc dù cuối cùng dẫn đến các định chứng, lại chỉ toàn nói về phát triển tuệ giác.
5. Kinh sớ giải thích đoạn này mô tả tái sinh của một người không thể chứng quả A la hán mặc dù đã đắc tứ thiền. Kết sanh thức của vị ấy là thức dị thục lúc tái sinh, thức ấy cũng có bản chất bất động như cái nghiệp thức đã đạt tứ thiền. Vì chính cái thức thuộc tứ thiền định đoạt sự tái sinh, nên người ấy sẽ tái sinh trong một cõi trời tương ưng với tứ thiền.
6. Theo Kinh sớ, đây là tư duy của một người đã đắc tứ thiền. Vì vị ấy xem sắc (vật chất) cũng thuộc những thứ cần phải vượt qua, nên nếu được
định bất động thì vị ấy đạt đến Không vô biên xứ, và nếu không chứng quả A la hán thì vị ấy tái sinh vào Không vô biên xứ.
7. Đây là suy nghĩ của một người đắc xứ Không vô biên. Nếu đạt bất động, vị ấy sẽ đắc Thức vô biên xứ và tái sinh vào xứ ấy nếu không đắc quả A la hán.
8. Đây là suy nghĩ của một vị đã đắc Thức vô biên và đang nhắm đến Vô sở hữu xứ.
9. Kinh sớ gọi đấy là hai cái không – không tôi và của tôi – và cho giáo lý về Không vô biên xứ này được giảng giải bằng tuệ hơn là bằng định như đường lối trong phần trước. Kinh Trung Bộ số 43 nói pháp quán này sẽ dẫn đến Không tâm giải thoát.
10. Kinh sớ gọi đây là Bốn không và giải thích như sau: (i) Vị ấy không thấy đâu là cái ngã; (ii) không thấy một cái ngã như là một cái gì thuộc về một người khác như anh, bạn, người phụ tá…; (iii) không thấy ngã của một người khác; (iv) không thấy cái ngã của người khácđược xem như cái gì thuộc về mình. Trong cảo bản của đại đức Nanamoli có ghi chú như sau: Những từ trong đoạn này và đoạn sau hình như là những câu đúc về sự chứng đắc Vô sở hữu và Phi tưởng phi phi tưởng xứ trong ngoại đạo, đôi khi được dùng làm cơ sở cho ngã kiến hay thân kiến.
11. Kinh sớ: Nếu trong quá khứ vòng nghiệp đã không do ta tích lũy, thì bây giờ vòng quả báo sẽ không dành cho ta; nếu hiện tại ta không tích lũy vòng nghiệp thì tương lai ta cũng sẽ không gặt quả báo. Cái gì đang hiện hữu, đã sinh ra, chính là năm uẩn. Phần đầu của công thức này cũng lại như là công thức cô đọng của một kiến chấp của ngoại đạo. Nhiều kinh cho đấy là đoạn kiến mà Phật đã áp dụng nhưng gán cho nói những ý nghĩa mới.
12. Theo Kinh sớ, vị ấy đạt tuệ xả, nhưng từ đoạn 11 trở đi, dường như cũng cốt nói đến xả của Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
13. Đây ám chỉ tái sinh của một vị đắc Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ý nói vị ấy tái sinh vào cõi hữu tốt nhất, thù thắng nhất.
14. Nissàya nissàya oghassa nittharanà. Theo kinh sớ, Phật đã giải thích sự vượt qua bộc lưu cho một tỷ kheo xử dụng bất cứ định chứng nào từ tam thiền đến bốn không làm căn bản để đắc quả A la hán.
15. Câu hỏi của ngài A Nan là cốt để gợi cho Phật nhắc đến sự tu tập của thiền giả càn tuệ (sukkhavipassaka) người đắc quả A la hán mà không phải tùy thuộc vào một thiền chứng nào cả.
16. Esa sakkàyo yàvatà sakkàyo. Đây là toàn thể thân kiến – ba cõi (hữu); ngoài vòng ba hữu này, không có một cái ngã nào hết.
17. Theo Kinh sớ, đây ám chỉ quả vị A la hán của hành giả càn tuệ. Quả vị này gọi là Bất tử vì nó có hương vị của Niết bàn bất tử.
IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG
1. Phật dạy chúng tỷ kheo:
Các dục là vô thường
Trống rỗng và lừa dối
Chuyện trò của kẻ ngu
2. Do dục và dục tưởng
Nổi lên tham sân mạn
Hãy chiến thắng cảnh dục
Quyết trú tâm đại hành.
3. Khi tâm đã an định
Sẽ hướng đến tứ thiền
Hoặc A la hán quả
Đây bất động đầu tiên.
4. Thứ hai là Bất động
Của Không vô biên xứ
Khi vượt qua sắc tưởng
Quán bốn đại bốn không.
5. Loại Bất động ba
Là Thức vô biên xứ
Quán dục tưởng sắc tưởng
Vô thường, không đáng ham.
6. Hoặc vượt xa dục sắc
Bất động cũng không màng
Đoạn diệt không dư tàn
Chứng Vô sở hữu xứ.
7. Cách hành đạo thứ hai
Để chứng Vô sở hữu
Là quán hai cái không
Không tôi, không của tôi.
8. Cách hành đạo thứ ba
Do thấy bốn cái không
Không ta không của ta
Không nó không của nó.
9. Lại đoạn dục, sắc tưởng
Cùng các tưởng bất động
Thấy đây là thù diệu:
Phi tưởng phi phi tưởng.
10. Ananda hỏi Phật
Quán không ngã, ngã sở
Một tỳ kheo trú xả
Có chứng niết bàn chăng?
11. Không hoan hỷ, sẽ chứng
Còn thủ trước, khó chứng
Dù thủ Phi phi tưởng
Chỗ bám víu tinh vi.
12. A Nan lại bạch Phật
Vi diệu, hy hữu thay
Thế Tôn đã giải thích
Nhiều cách vượt qua dòng.
Nhưng xin Ngài giảng thêm
Thế nào Thánh giải thoát?
13. Hãy quán sát mọi tưởng
Dục sắc và bất động
Phi tưởng phi phi tưởng
Đều là ngã nối dài.
14. Chỉ đây là bất tử:
Giải thoát không chấp thủ
Tỷ kheo quán như vậy
Đạt cứu cánh Niết bàn.
15. Ta đã giảng lợi ích
Bất động, Vô sở hữu
Và Phi tưởng phi phi
Cuối cùng, Thánh giải thoát.
16. Này đây những gốc cây
Và những ngôi nhà trống
A Nan, hãy thiền định
Chớ để hận về sau.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 107
GANAKA MOGGALLANA
I. TOÁT YẾU
Ganakamoggallàna Sutta – To Ganaka Moggallàna.
The Buddha sets forth the gradual training of the Buddhist monk and describes himself as the “shower of the way.”
[Nói với nhà toán học Moggallàna. Phật đề ra trình tự huấn luyện một tỷ kheo và tự cho mình là người chỉ đường.]
II. TÓM TẮT
1. Bà la môn lấy ví dụ xây nhà [1] hoặc làm cứ gì như học toán [2] đều theo một trình tự, để hỏi trong đạo Phật có chăng một trình tự như thế. Phật đưa ra hình ảnh huấn luyện ngựa [3] để giảng về thứ tự học đạo. Trước hết là hộ trì giới, sống chế ngự với giới bổn, đủ uy nghi chính hạnh, thấy nguy hiểm trong lỗi nhỏ. Hai hộ trì 6 căn khi tiếp xúc 6 trần. Ba tiết chế trong ăn uống, không cho cảm thọ mới khởi lên. Bốn chú tâm cảnh giác gột sạch tâm trí khỏi chướng ngại pháp. Năm, thành tựu chính niệm tỉnh giác trong mọi uy nghi. Sáu, an trú chính niệm bằng thiền toạ tại chỗ vắng để rũ bỏ 5 triền cái, chứng sơ thiền đến tứ thiền. Những pháp này vừa đưa đến vô thượng an ổn thoát khỏi khổ ách mà cũng vừa là hiện pháp lạc trú của vịđã đắc quả A la hán. [4]
2. Bà la môn lại hỏi khi được giảng dạy như vậy, có phải ai cũng chứng cứu cánh niết bàn hay chỉ một số ít? Phật đáp chỉ một số ít, ví như người đã được chỉ đường rành rẽ nhưng lại đi theo hướng khác, thì người chỉ đường [5] không thể làm gì được. Cũng thế, trong khi có niết bàn, có đường đến niết bàn, với Phật là người dẫn đường, các đệ tử sau khi được khuyến giáo chỉ một số đi theo đúng đường, một số không theo đúng.
3. Bà la môn bạch Phật [6] có những người sống không vì lòng tin chỉ vì sinh kế, không giữ giới hộ trì căn, không kính trọng sự tu học, sống quá dung tục, dẫn đầu đọa lạc, ngu đần, liệt tuệ, từ bỏ gánh nặng, viễn ly… tôn giả Gotama không thể sống với những người như vậy. Còn những thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, tôn kính học tập, không thờ ơ với sa môn hạnh, dẫnđầu về viễn ly, chính niệm tỉnh giác, nhất tâm, có tuệ, tôn giả Gotama sống hòa hợp với những vị ấy. Ví như trong các loại hương rễ cây, hương sắc chiên đàn là nhất, trong các loại hương hoa, hương hoa nhài là nhất. Cũng vậy trong các giáo lý, giáo lý của tôn giả Gotama cao nhất hiện nay [7] Rồi bà la môn xin quy y Tam bảo.
III. CHÚ GIẢI
1. Không thể nào nội trong một ngày mà xây được một cái nhà bảy tầng, phải có sự tiến hành tuần tự từ lúc phát quang, đặt nền móng cho đến khi hoàn tất.
2. Ganaka, tên ông có nghĩa là Mục Kiền Liên nhà kế toán.
3. Xem Trung 65, đoạn 33.
4. Những giao đoạn tu hành trước đấy là cần thiết cho những tỷ kheo để đắc quả la hán, song cũng lợi ích cho các vị tỷ kheo đã đắc quả ở chỗ đưa đến hiện tại lạc trú. Theo sớ giải, lạc trú này là sự đắc quả A la hán, và giải thích rằng một vài vị có thể chứng quả A la hán dễ dàng bất cứ lúc nào, còn các vị khác thì phải siêng năng tu tập từng bước một để đắc quả.
5. So sánh với Pháp cú 276: Chính các ông phải nỗ lực; chư Như Lai chỉ có nêu lên con đường.
6. Như Kinh số 5, đoạn 32.
7. Paramajjadhammesu. Lý thuyết của Gotama là tối thượng, cao nhất trong các giáo lý đương thời, tức của lục sư ngoại đạo.
IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG
Toán số gia Mục liên
Hỏi trình tự tu hành
Trong Pháp và Luật Phật
Đấng Thiện thệ đáp liền.
Thành tựu Giới trước tiên
Thứ hai, gìn giữ tâm
Khi căn trần xúc đối
Khiến ô nhiễm không sinh.
Ba uống ăn chừng mực
Đủ duy trì cơ thể
Bốn chú tâm cảnh giác
Phòng chướng ngại tham sân.
Năm đứng ngồi giác tỉnh
Chính niệm từng uy nghi
Sáu tìm nơi an tịnh
Dứt triền cái, chứng thiền.
Đây sáu việc cần làm
Của người chưa chứng thánh
Nhưng bậc thánh vẫn làm
Để hiện tại vui an.
Dù được dạy như thế
Mà kẻ chứng, người không
Vì Phật chỉ con đường
Ai không theo khó chứng.
Những người thiếu đức tin
Xuất gia vì sinh kế
Thờ ơ sa môn hạnh
Khó theo Gotama;
Những thiện gia nam tử
Vì lòng tin xuất gia
Sống chú tâm tỉnh giác
Sẽ gần đức Thích Ca.
Ngài là vị tối cao
Trong các thầy giáo đạo
Con trọn đời quy kính
Tôn giả Gotama!
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 108
GOPAKA MOGGALLANA
I. TOÁT YẾU
Gopakamoggallàna Sutta.
With Gopaka Moggallàna. The venerable Ànanda explains how the Sangha maintains its unity and internal discipline after the passing away of the Buddha.
[Với Gopaka Moggallàna. Tôn giả A nan giải thích làm sao tăng chúng duy trì được sự thống nhất và kỷ luật nội bộ sau khi Phật qua đời.]
II. TÓM TẮT
Sau khi Phật nhập diệt [1] không lâu, tôn giả A Nan vào khất thực trong thành Vương xá đang được xây kiên cố [2], và vì còn quá sớm, ngài đến nơi bà la môn Gopaka. Ông này hỏi có vị tỷ kheo nào thành tựu trọn vẹn các pháp như Phật đã thành tựu không; tôn giả đáp không, các đệ tử đang còn hành đạo và sẽ thành tựu về sau. Khi ấy đại thần xứ Ma kiệt đà [3]đi đến, ông hỏi có vị tỷ kheo nào được Phật sắp đặt làm chỗ nương tựa cho chúng tăng sau khi ngài nhập diệt không. Tôn giả đáp không có vị tỷ kheo nào cả. Ông lại hỏi, vậy có vị tỷ kheo nào được tăng chúng tôn lên làm chỗ nương cho toàn thể không, và tôn giả cũng trả lời không có. Vị đại thần nói, vậy tăng chúng không có chỗ nương tựa, làm sao sống hòa hợp được. Tôn giả nói chúng tăng có Pháp và Luật làm chỗ nương [4], mỗi kỳ bố tát chúng tăng nhóm họp và y cứ giới bản Phật chế để biết ai sống đúng pháp ai không. Khi ấy đại thần hỏi có vị tỷ kheo nào được chúng tăng cung kính đảnh lễ và sống nương tựa vào vị ấy không. Tôn giả đáp có, đấy là bất cứ ai thành tựu mười pháp như sau. Một là sống có giới hạnh, đúng theo giới bổn Biệt giải thoát. Hai là đa văn; ba biết đủ với 4 vật dụng; bốn chứng 4 thiền không khó nhọc; năm thực hiện được các thần túc thông; sáu biết tâm kẻ khác (tha tâm thông); bảy có thiên nhĩ thông; tám túc mạng thông (biết vô lượng kiếp trước của mình); chín thiên nhãn thông (thấy sự sống chết của chúng sinh); mười lậu tận thông, không còn sơ hở, đạt tâm giải thoát, tuệ giải thoát.
Đại thần xứ Ma kiệt đà công nhận một vị tỷ kheo như thế quả thật xứng đáng được tôn thờ, rồi hỏi chỗ ở của tôn giả. Khi được biết tôn giả trú tại vườn Trúc, Đại thần bảo chỗ ấy rất tốt cho thiền định, tôn giả Gotama lúc ở đấy đã giảng nói về thiền. Ngài quả là vị tu thiền, thiên về thiền, tán thán tất cả thiền định. Tôn giả A Nan phản bác: “Thế Tôn không tán thán tất cả thiền định. Có loại thiền định Phật không tán thán. Đó là vị tu thiền với tâm bị tham dục chi phối, không như thật biết sự giải thoát khỏi dục tham đã khởi. Vị ấy lấy dục tham làm đối tượng để tu thiền, nhập thiền [5]. Cũng vậy với 4 triền cái khác (sân, hôn trầm, trạo hối, hoài nghi). Loại thiền định được Thế Tôn tán thán là thiền nơi vị tỷ kheo ly dục ly bất thiện, chứng trú từ sơ đến tứ thiền.
Đại thần hoan hỷ tín thọ lời tôn giả A Nan và xin cáo từ vì bận nhiều công việc.
III. CHÚ GIẢI
1. Theo sớ giải, sau khi phân chia xá lợi Phật, tôn giả Ananda đi đến Vương xá để trùng tuyên về Pháp trong kỳ Đại kết tập thứ nhất.
2. Vua Pajjota là bạn vua Bình sa xứ Ma kiệt đà, người đã bị con trai A xà thế giết chết. Theo kinh sớ, vua A xà thế nghĩ rằng vua Pajjota có thể tìm cách báo thù cho bạn.
3. Xem Trường bộ 16.
4. Câu này cốt nói rằng Tăng già không phải được cai quản bởi phán định của các phần tử trong Tăng, mà bởi Pháp và Luật do Phật đặt ra cho tăng noi theo. Về vấn đề này các tỷ kheo tuân theo lời dạy cuối cùng của Phật là: Sau khi Ta nhập diệt, Pháp và Luật sẽ là thầy của các ông.
5. Xem số 525.
IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG
Tôn giả Ananda
Vào Vương xá khất thực
Vì hãy còn quá sớm
Ghé thăm Gopaka.
Bà la môn này hỏi
Có vị tỷ kheo nào
Thành tựu Pháp trọn vẹn
Bằng đức Gotama?
Thật không tỷ kheo nào
Thành tựu trọn vẹn Pháp
Như Thế Tôn thành tựu
Việc ấy hãy còn lâu.
Đại thần xứ Ma kiệt
Đến cắt ngang câu chuyện
Nêu lên một vấn đề
Với A Nan tôn giả:
Ai sẽ là chỗ nương
Sau khi Phật niết bàn
Việc này được sắp đặt
Do Phật hay chư Tăng?
Không vị tỷ kheo nào
Được Thế Tôn sắp đặt
Hay tăng chúng thỏa thuận
Để lãnh đạo tăng già.
Nếu không người lãnh đạo
Làm sao tăng hòa hợp?
Chúng tôi nương theo Pháp
Pháp chính là chỗ nương.
Mỗi kỳ tăng bố tát
Tụng giới Biệt giải thoát
Theo đúng pháp xử trị
Những trường hợp trái sai.
Có một tỷ kheo nào
Được chư vị tôn kính
Thường đảnh lễ cúng dường
Xem là chỗ tựa nương?
Có mười pháp khả hỷ
Được Thế Tôn tuyên bố
Ai thành tựu như vậy
Đáng đảnh lễ, nương theo:
Vị tỷ kheo giữ giới;
Biết đủ bốn vật dụng;
Đa văn, chứng bốn thiền
Đã được các thần túc
Biết tâm địa kẻ khác
Nhớ nhiều đời quá khứ
Đắc thiên nhĩ siêu phàm
Thiên nhãn, lậu tận thông.
Đại thần Ma kiệt đà
Thốt lên lời tán thán:
Chư tôn giả tôn kính
Đúng người đáng kính tôn!
Thưa tôn giả A Nan
Vườn trúc lâm khả ái
Thật hợp với thiền tư
Thế Tôn thường ca ngợi.
Không hẳn, Bà la môn
Thế tôn không ca ngợi
Thiền định của hạng người
Còn tham sân, trạo hối
Lấy hôn trầm rối loạn
Lấy hoài nghi bối rối
Làm đối tượng thiền tư
Bị năm triền chi phối.
Thế Tôn chỉ tán thán
Ly dục ly bất thiện
Chứng và trú sơ thiền
Hỷ lạc ly dục sanh.
Nhị thiền không tầm tứ
Với hỷ lạc định sanh
Và nội tĩnh nhất tâm
Tứ thiền Phật ca ngợi.
Đại thần xứ Ma Kiệt
Tin nhận lời tôn giả
Rồi đứng dậy cáo từ
Vì còn đi công việc.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 109
ĐẠI KINH MÃN NGUYỆT
I. TOÁT YẾU
Mahàpunnama Sutta.
The Greater Discourse on the Full-mơn Night. A bhikkhu questions the Buddha on the five aggregates, clinging, personality view, and the realisation of non-self.
[Bản kinh lớn giảng vào đêm rằm. Một tỷ kheo thỉnh vấn Phật về năm uẩn, về chấp thủ, thân kiến và sự chứng ngộ vô ngã.]
II. TÓM TẮT
1. Vào một đêm trăng rằm bố tát [1] tại giảng đường Lộc mẫu, Phật ngồi giữa trời có tăng chúng vây quanh. Một tỷ kheo [2] nêu lên nhiều câu hỏi, được Ngài tuần tự giải đáp.
2. 1 ) Gì là gốc của 5 thủ uẩn ? Ấy là dục tham [ 3 ] ; 2 ) Chấp thủ với 5 thủ uẩn là một hay khác [ 4 ] ? Không phải một, không phải khác. Khi có dục tham so với 5 thủ uẩn thì gọi là chấp thủ ; 3 ) Có thể có nhiều kiểu tham so với 5 thủ uẩn ? Có thể, như mong có sắc như vậy trong tương lai, hoặc mong có thọ như vậy, hoặc tưởng, hoặc hành, hoặc thức như vậy trong tương lai ;
4) Gì là nghĩa chữ “uẩn”? Tất cả sắc nội ngoại thô tế xa gần đều thuộc sắc uẩn. Thọ tưởng hành thức cũng vậy;
5) Gì là điều kiện hay duyên cho mỗi thứ? Bốn đại là nhân duyên để gọi là sắc uẩn. Xúc là nhân duyên của ba uẩn thọ, tưởng, hành. Danh sắc là nhân, duyên để gọi là thức uẩn [5].
6) Thế nào là thân kiến [6]? Do không học tập thánh Pháp, xem sắc là tự ngã, hoặc tự ngã có sắc, hoặc sắc ở trong tự ngã, hoặc tự ngã ở trong sắc. Với 4 uẩn kia cũng thế (thành 20 thân kiến). Không thân kiến là khi không chấp trước như trên;
7) Gì là vị ngọt, nguy hiểm và xuất ly của sắc, thọ, tưởng, hành, thức? Hỷ lạc khởi lên do năm uẩn là vị ngọt. Tính vô thường, khổ, biến hoại của chúng là nguy hiểm. Sự nhiếp phục dục tham đối với năm uẩn gọi là xuất ly;
8) Do nhân duyên gì mà không có mạn tùy miên (chấp ta và của ta)? Do thấy như thật với trí tuệ tất cả sắc, thọ, tưởng, hành, thức nội ngoại thô tế xa gần đều không phải của tôi, không phải là tôi hay tự ngã của tôi.”
3. Khi nghe vậy, một tỷ kheo khởi lên hoài nghi: nếu cả 5 uẩn là vô ngã, vậy những hành động do tâm vô ngã làm, được ngã nào lãnh thọ quả báo [7]? Phật biết được tâm niệm ấy, trách cứ tỷ kheo và nhắc lại rằng Ngài đã nhiều lần dạy cách đặt câu hỏi [8] như sau: Sắc, thọ… là thường hay vô thường? Cái gì vô thường là khổ hay vui? Cái gì đã vô thường, khổ thì có hợp lý để xem là tôi hay của tôi không? Do quán sát như vậy, thánh đệ tử sinh yểm ly với 5 uẩn. Do yểm ly nên ly tham, do ly tham nên giải thoát. Trong sự giải thoát, vị ấy biết mình đã giải thoát: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, từ nay không còn trở lại đời sống này nữa.”
III. CHÚ GIẢI
1. Ngày thứ mười lăm của mỗi nửa tháng.
2. Vị tỷ kheo này là một A la hán đang dạy dỗ sáu mươi đệ tử cùng sống với ông trong rừng. Những đệ tử này nỗ lực thiền quán, đã pháp triển được nhiều tri kiến thuộc tuệ giác nhưng không chứng được đạo và quả, bởi thế họ được thầy dẫn đi yết kiến Phật. Vị thầy hỏi Phật nhiều câu hỏi không phải vì bản thân mà vì muốn đánh tan hoài nghi của các môn đệ.
3. Chandamùlakà. Ở đây chanda (dục) đồng nghĩa với tanhà (khát ái) nguồn gốc của khổ bao hàm trong năm uẩn.
4. Xem kinh Trung bộ 44, đoạn 6.
5. Trong sắc uẩn, mỗi đại (trong bốn đại) làm điều kiện cho ba đại kia và cho sở tạo sắc (vật chất do bốn đại tạo). Xúc là một duyên (điều kiện) cho các uẩn thọ, tưởng, hành, như kinh Tương ưng bộ 35 dạy: Này các tỷ kheo, khi tiếp xúc, người ta cảm thọ, khi tiếp xúc người ta nhận thức, khi tiếp xúc người ta có khuynh hướng hành động (hành, ý muốn). Kinh Sớ giải thích rằng vào lúc nhập thai, sắc và ba tâm uẩn khởi lên gọi là danh sắc, một duyên cho kết sanh thức. Trong tiến trình đời sống, các giác quan và đối tượng của chúng cùng ba tâm uẩn (thọ, tưởng, hành) là danh sắc làm duyên cho năm thức thuộc cảm quan.
6. Như trong kinh Trung bộ 44, đoạn 7-8.
7. Dường như vị tỷ kheo này khó hiểu làm thế nào nghiệp lại có thể phát sinh ra hậu quả nếu không có cái ngã để nhận hậu quả ấy.
8. Câu này rất khác nhau tùy mỗi ấn bản. Bản dịch này dựa theo câu tương tự trong kinh Tương ưng 22, trong đó ghi patipucchà vinìtà có lẽ đúng hơn ấn bản hội Pali Text là paticca vinìtà, mà đại đức Nanamoli dùng làm bản gốc, và dịch: Này các Tỷ kheo, bằng nhiều ví dụ, Ta đã giảng dạy cho các ông về lý duyên sinh.
9. MA (Sớ giải Trung bộ): Sáu mươi tỷ kheo từ bỏ các đề mục thiền của mình đã tu, và quán một đề mục mới dựa trên lời giảng dạy của Phật. Ngay tại chỗ, họ chứng quả A la hán.
IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG
Vào một kỳ bố tát
Thế Tôn ngồi giữa trời
Chúng tỷ kheo vây quanh
Giữa đêm rằm trăng sáng.
Một tỷ kheo đứng lên
Xin phép nêu câu hỏi
Phật dạy ngồi yên chỗ
Đưa ra các vấn đề.
Sắc thọ tưởng hành thức
Lấy gì làm gốc rễ?
Tham dục là gốc rễ.
Chấp thủ là năm uẩn
Hay ngoài năm uẩn ra
Còn có sự chấp thủ?
Thủ không là năm uẩn
Cũng không ngoài năm uẩn;
Nhưng khi có hỷ tham
Đây gọi là chấp thủ.
Nghĩa của uẩn là gì?
Tất cả sắc trong ngoài
Thô tế quá hiện vị
Xa gần hay xấu đẹp
Đều gọi là sắc uẩn.
Thọ tưởng hành và thức
Cũng nên hiểu như vậy.
Gì là nhân và duyên
Của sắc cho đến thức?
Bốn đại: nhân của sắc
Xúc, nhân thọ tưởng hành
Và nhân của thức uẩn
Chính là danh và sắc.
Thế nào là thân kiến?
Kẻ ngu xem sắc uẩn
Là tự ngã của ta
Hoặc tự ngã có sắc
Hoặc ngã ở trong sắc
Hoặc sắc ở trong ngã
Bốn cũng kia cũng vậy
Thành hai mươi thân kiến.
Bốn cũng kia cũng vậy
Thành hai mươi thân kiến.
Không thấy sai như trên
Gọi là không thân kiến.
Gì là những vị ngọt
Nguy hiểm và xuất ly
Của sắc và bốn uẩn?
Hỷ lạc khởi từ sắc
Là vị ngọt của nó
Vô thường của sắc pháp
Là nguy hiểm của nó
Điều phục sự tham sắc
Là xuất ly của sắc.
Với bốn tâm uẩn kia
Cũng cần hiểu như vậy.
Làm sao để bỏ được
Tâm ngã mạn về tôi
Và sở thuộc của tôi?
Đối với tất cả sắc
Và thọ tưởng hành thức
Hãy thường xuyên quán sát
Đây không phải là tôi
Của tôi, tự ngã tôi.
Khi ấy có tỷ kheo
Khởi lên một ý nghĩ
Nếu năm uẩn vô ngã
Thì ai chịu quả báo?
Phật biết tâm niệm này
Dạy cách đặt câu hỏi:
Sắc thường, vô thường?
Vô thường khổ hay vui?
Cái gì vô thường, khổ
Nên chăng xem là ta
Và tự ngã của ta?
Đối với bốn tâm uẩn
Cũng tự hỏi như thế.
Khi như thật quán sát
Thực chất của năm uẩn
Tâm khởi lên nhàm chán
Do nhàm chán, hết ham
Do ly tham, giải thoát
Tự biết đã giải thoát
Không còn thọ thân sau.
Phật dạy kinh này xong
Chúng tỷ kheo tín thọ
Ngay tại chỗ đang ngồi
Chứng lậu tận, giải thoát.
-ooOoo-
TRUNG BỘ KINH – BÀI KINH SỐ 110
TIỂU KINH MÃN NGUYỆT
I. TOÁT YẾU
Cùlapunnama Sutta.
The Shorter Discourse on the Full-moon Night. The Buddha explains the differences between an “untrue man” and a “true man”.
[Bản kinh ngắn thuyết vào đêm rằm. Phật giảng sự khác biệt giữa một người bất chính và một người chân chính.]
II. TÓM TẮT
Phật ở Đông viên, giảng đường Lộc mẫu, vào ngày rằm bố tát dạy chúng tỷ kheo về chính và bất chính.
1. Người bất chính (asappurisa [1]) không thể biết được một người là bất chính hay chân chính. Người bất chính là kẻ đầy đủ pháp bất chính; giao du với người bất chính, suy tư như người bất chính, nói năng như người bất chính, hành động bất chính, có tà kiến, bố thí một cách bất chính. Đầy đủ pháp bất chính là: bất tín, vô tàm, vô quý, ít nghe, biếng nhác, thất niệm, liệt tuệ. Giao du với người bất chính là làm bạn với những kẻ có các pháp bất chính như trên. Suy tư bất chính là nghĩ những việc tự hại, hại người, hại cả hai. Nói năng bất chính là nói láo, hai lưỡi, ác khẩu, vô ích. Hành động bất chính là sát sinh, tà hạnh trong các dục. Tà kiến là tuyên bố không có bố thí và quả báo, thiện ác không có kết quả, không có đời này đời sau, các loại hóa sanh, ở đời không có sa môn, bà la môn tự chứng thánh trí và truyền dạy lại. Bố thí bất chính là không tự tay bố thí, bố thí một cách vô lễ, không nghĩ kỹ, bố thí vật không cần, bố thí không nghĩ tương lai. Người đầy đủ pháp bất chính như vậy, sau chết sanh vào cảnh giới của kẻ bất chính là địa ngục hoặc bàng sanh.
2. Người chân chính thì có thể biết được một người khác là chân chính hay bất chính. Người chân chính là người đầy đủ chính pháp, giao du các bậc chân chính, suy nghĩ chân chính, có chính kiến, bố thí chân chính. Và “chân chính” thì ngược lại với những gì là bất chính nói trên.
III. CHÚ GIẢI
1. Asappurisa, Kinh sớ chú thích là pàpapurisa, một kẻ xấu ác.
IV. PHÁP SỐ
V. KỆ TỤNG
1. Thế Tôn dạy chúng ta
Về chính và bất chính
Kẻ bất chính khó phân
Người chính với kẻ tà.
2. Bất chính là một người
Đầy đủ pháp bất chính
Giao du kẻ ác nhân
Nghĩ nói làm đều quấy.
3. Bố thí cũng phi chân
Trong cách cho, vật thí.
Khi thân hoại mạng chung
Đọa bàng sanh ngạ quỷ.
4. Pháp bất chính nghĩa là
Không tin, không hổ thẹn
Ít nghe và lười biếng
Thất niệm lại ngu đần.
5. Giao du kẻ bất chính
Là thường kết bạn thân
Với những người có đủ
Pháp bất chính như trên.
6. Suy tư cùng toan tính
Đều tự hại, hại người
Hoặc hại đến cả hai
Là tư duy bất chính.
7. Nói dối, ác, ly gián
Hai lưỡi và phù phiếm
Sát sinh, trộm, tà dâm
Là nói làm bất chính.
8. Bố thí không chính chân
Không tự tay, vô lễ
Đem cho vật không cần
Không nghĩ đến tương lai.
9. Có tà kiến nghĩa là
Bác bỏ nghiệp và quả
Phủ nhận đời này, sau
Thánh nhân và cha mẹ.
10. Một con người chân chính
Biết kẻ chính người tà
Đầy đủ pháp chính chân
Giao du người hiền thiện.
11. Tín tàm quý đa văn
Tinh cần niệm và tuệ
Đây gọi là chính pháp
Theo chính ấy, bạn hiền.
12. Nghĩ chính: không tự hại
Hoặc hại đến mình, người
Nói chính: không hai lưỡi
Lời dối, thô, phù phiếm.
13. Chính kiến tin nhân quả
Có cha mẹ, thánh nhân
Sự bố thí chính chân:
Tự tay cho vật cần.
14. Một con người chân chính
Đầy đủ pháp chính chân
Nghĩ, nói, làm đều tốt
Mạng chung sinh cõi lành.
– ooOoo –
Source: https://laodongdongnai.vn
Category: Tin Tức