Kinh tế địa phương – Viện nghiên cứu phát triển TPHCM

Phát triển du lịch bền vững tại thành phố Hồ Chí Minh (20/3)

Thành phố Hồ Chi Minh nằm trên đất miền Đông Nam bộ có diện tích 2091 km2 và dân số khoảng 7 triệu người, từng được mệnh danh là Hòn Ngọc Viễn Đông, là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, du lịch lớn của Việt Nam. Đây là một thành phố trẻ mới 300 năm tuổi, nhưng bất cứ lúc nào chúng ta cũng cảm nhận được sự năng động, sự thay da đổi thịt hàng ngày của thành phố. Trẻ trung và hiện đại, song trong lòng thành phố lại chứa đựng biết bao giá trị văn hóa nhân văn – văn hóa lịch sử được kết tinh và thăng hoa từ sự giao lưu của nhiều nền văn hóa khác nhau trên nền tảng văn hóa mang đậm bản sắc Việt Nam.

Là một thành phố phát triển năng động thuộc loại bậc nhất cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một trong những thành phố dẫn đầu về việc thu hút khách du lịch. Năm 2009, Du lịch Việt Nam đón 3,8 triệu lượt khách quốc tế, song chỉ riêng tháng 01/2010 đã có trên 400.000 lượt khách đến, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2009. Trong đó, Thái Lan, Singapore và Malaysia nằm trong những thị trường gửi khách hàng đầu đến Việt Nam và còn rất nhiều tiềm năng. Mục tiêu của Du lịch Việt Nam năm 2010 là đón 4,2 triệu lượt khách quốc tế, chú trọng thị trường gần và đặc biệt là các nước trong khu vực (Theo tổng cục du lịch Việt Nam).

Với lượng du khách đến thành phố ngày càng tăng, điều đó cũng đặt ra cho thành phố những cơ hội và thách thử để duy trì, phát triển bền vững trong du lịch. Để thực hiện tốt chiến lược phát triển bền vững thành phố cần có những hoạt động tích cực để có thể vừa làm thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch nhằm thu hút lượng khách đến với thành phố ngày một tăng, vừa tạo cơ sở động lực cho sự phát triển kinh tế của thành phố, bên  cạnh đó có thể duy trì được vẻ đẹp của môi trường tự nhiên.

Phát triển du lịch bền vững là một hoạt động khai thác một cách có quản lí các giá trị tự nhiên và nhân văn nhằm thỏa mãn nhu cầu đa dạng của khách du lịch, có quan tâm đến lợi ích kinh tế dài hạn trong khi vẫn đảm bảo sự đóng góp cho bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên, duy trì được sự toàn vẹn văn hóa để phát triển hoạt động du lịch trong tương lai; cho công tác bảo vệ môi trường và góp phần nâng cao mức sống của cộng đồng địa phương”(PGS.TS Phạm Trung Lương, Phát triển bền vững từ góc độ môi trường, tài liệu Nhân học du lịch). Khái niệm phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam là một khái niệm còn mới. Tuy nhiên thông qua các bài học và  kinh nghiệm thực tế về sự phát triển du lịch tại nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, nhận thức về một phương thức phát triển du lịch có trách nhiệm với môi trường, có tác dụng giáo dục, nâng cao hiểu biết cho cộng đồng đã xuất hiện ở Việt Nam dưới hình thức các loại hình du lịch tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu với tên gọi du lịch sinh thái, du lịch tự nhiên.

Tiêu chuẩn du lịch bền vững toàn cầu hướng tới các mục tiêu chính: hoạch định phát triển bền vững và hiệu quả, nâng cao lợi ích kinh tế xã hội cho cộng đồng địa phương, gìn giữ di sản văn hóa và giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường. Để phát triển du lịch bền vững, chúng ta cần quan tâm tới nhiều khía cạnh, trong đó việc xây dựng chính sách sử dụng tài nguyên một cách hợp lí là một yếu tố đáng được quan tâm hàng đầu.

 Tài nguyên du lịch gồm tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn đang được khai thác và chưa được khai thác. Tuy là một thành phố trẻ tuổi nhưng thành phố Hồ Chí Minh là một thành chiếm nhiều ưu thế về tài nguyên văn hóa, đây là một lợi thế cho phát triển du lịch. Thành phố là nơi tập trung của nhiều thành phần tộc người cư trú, với sự đa dạng của văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội và lối sống. Nơi đây cũng là nơi hội tụ nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử, các yếu tố văn hóa dân gian. Và kết hợp với nguồn tài nguyên nhân văn, tài nguyên thiên nhiên như các khu du lịch sinh thái, cảnh quan tự nhiên cũng là một điểm mạnh có thể khai thác của thành phố. Hai nguồn tài nguyên này cần được sử dụng hợp lí để phục vụ cho du lịch một cách cân bằng, hài hòa nhằm phát triển tính đa dạng của tự nhiên, xã hội và văn hóa. Đây được coi là một trọng tâm quan trọng cho phát triển du lịch.

Hoạt động du lịch bền vững cần chú ý tới khả năng tải của khu du lịch. Bất kì khu du lịch nào cũng vậy, số lượng người cực đại mà khu du lịch cho phép là có hạn, nếu vượt quá sẽ ảnh hưởng đến không chỉ khu du lịch mà còn cả cộng đồng địa phương. Do vậy, để tránh tình trạng khai thác du lịch một cách kiệt quệ, và giảm thiểu sự quá tải của khu du lịch, chúng ta cũng cần nghiên cứu một cách kĩ càng chu kì vòng đời của khu du lịch, từ đó có những dự báo kịp thời.

Du lịch là một hoạt động đem lại lợi ích lớn nếu khai thác hợp lí và đúng đắn, nó sẽ dần trở thành nền kinh tế mũi nhọn, do vậy cần được sự quan tâm của các ngành chức năng. Chúng ta có thể tiến hành lồng ghép du lịch vào trong quy hoạch phát triển của thành phố và quốc gia. Kết hợp du lịch với nhiều ngành nghề nhằm phát huy cao nhất tính liên ngành dưới sự quản lí chung của nhà nước để có thể hỗ trợ du lịch một cách hiệu quả nhất, đem lại sự phát triển cao nhất về mọi mặt cả văn hóa và xã hội.

Mục tiêu của du lịch là vì sự phát triển của cộng đồng, đem lại lợi ích cho cộng đồng và phát triển du lịch bền vững chỉ có thể thực hiện được khi có sự tham gia của cộng đồng. Đối với cộng đồng, để đạt được mục tiêu của phát triển du lịch bền vững, cần phải nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch. Đảm bảo sự tham gia và giám sát của cộng đồng trong quá trình du lịch vì cư dân địa phương hiểu hơn ai hết về môi trường nơi họ sinh sống. Bên cạnh đó, có sự tham gia của người dân cũng giảm được những yếu tố xung đột có thể xảy ra trong du lịch.

Để có thể khai thác từ hoạt động du lịch lâu dài, chúng ta cũng cần có những chính sách đào tạo nguồn nhân lực – cán bộ kinh doanh du lịch, nhằm thực thi các sáng kiến và giải pháp du lịch bền vững, cải thiện chất lượng các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Cần có chính sách ưu tiên đối với những dự án đầu tư du lịch có các giải pháp khả thi nhằm giảm thiểu của tác động du lịch đến môi trường. Cũng cần triển khai những nghiên cứu nhằm hổ trợ giải quyết các vấn đề mang lại lợi ích cho khu du lịch, cho nhà kinh doanh du lịch và cho du khách. Trong quá trình hoạt động, các khu du lịch cũng cần có những nghiên cứu đánh giá các tác động đến môi trường của hoạt động du lịch và đưa ra những giải pháp để cải thiện nó.

Song song với những chính sách nhằm khuyến khích hoạt động du lịch bền vững phát triển, chúng ta cũng cần những biện pháp xử lí đối với những tố chức du lịch thiểu trách nhiệm, làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên.

  Đối với hoạt động marketing trong du lịch, cần có trách nhiệm cung cấp cho du khách những thông tin đầy đủ để nâng cao sự tôn trọng của du khách đến môi trường tự nhiên, xã hội và văn hóa khu du lịch. Quảng cáo đúng sự thật và không hứa hẹn những điều không có trong chương trình kinh doanh du lịch. Tránh quảng bá du lịch một cách ồ ạt thiếu trách nhiệm, điều này có tác động rất lớn đến việc đánh giá chất lượng đến mức độ hài lòng của du khách về chuyến đi. Có thể nói marketing trong du lịch giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái.

Đối với du khách, cần cung cấp thông tin cho khách du lịch về môi trường xung quanh, văn hóa địa phương và di sản văn hóa, đồng thời giải thích cho khách hàng về những hành vi thích hợp khi tham quan các khu vực tự nhiên, các nền văn hóa và các địa điểm di sản văn hóa. Và cần có những tiêu chí nhằm đánh giá sự hài lòng của du khách để có những biện pháp điều chỉnh phù hợp.

Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố phát triển năng động, do đó phát triển bền vững là một nhu cầu đặt ra không chỉ đối với du lịch mà còn là mục tiêu hướng đến của rất nhiều lĩnh vực khác. Phát triển du lịch chỉ đạt đến bền vững khi đạt được các tiêu chuẩn vì cộng đồng không những trong hiện tại mà còn ở tương lai. Do vậy thành phố cần có những biện pháp hợp lí trong công tác du lịch, nhằm phát huy cao nhất hiệu quả mà du lịch đem lại không chỉ cho du khách mà còn cho cộng đồng bản địa.

 

Thu ThủyTrung Tâm Thông Tin 

(15429 Lượt xem)

CÁC TIN BÀI KHÁC: