huyen thoai nu chua rung xanh


ới người Kơ Ho ở vùng Đồng Nai Thượng, Nữ chúa rừng xanh – Ka Nhỗi đã trở thành nhân vật huyền thoại. Cuộc kháng chiến chống Pháp của nghĩa quân chân trần Ka Nhỗi cũng đi vào lịch sử như một huyền thoại. 

Đã thành thông lệ, cứ đến tháng 8 hàng năm là tôi về lại quê hương của Nữ chúa rừng xanh. Đó là một làng quê của người Kơ Ho ven trục lộ 20 cách Đà Lạt 80 km, có tên gọi là Dongr Dor (nay thuộc xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng). Đồng
Nai Thượng là cái nôi của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và là quê hương của những huyền thoại về người đàn bà tóc trắng, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa… 

NHỮNG DÒNG TƯ LIỆU

 Trong cuốn “Vấn đề dân tộc ở Lâm Đồng” do Sở VH-TT Lâm Đồng xuất bản năm 1983 viết: “Với nội dung là đoàn kết, đấu tranh chống ngoại xâm, phong trào Mọ Kộ (tên gọi khác của Ka Nhỗi – Nữ chúa rừng xanh) ở Lâm Đồng (Đồng Nai Thượng) lúc bấy
giờ đã tập hợp được 10.000 đồng bào các dân tộc trong tỉnh tham gia chống Pháp… Cùng với sự chuẩn bị về tài chính, vũ khí, họ cũng đã bắt đầu chú ý về mặt tổ chức. Phong trào có tính chất tự quản đối với bộ máy của bọn thực dân trong vùng
đồng bào dân tộc ít người…”. Sử ghi là thế. Đọc nghe khô khốc, Nhưng K’Sen, vị cận thần của Nữ chúa rừng xanh kể cho tôi nghe thì hấp dẫn hơn nhiều. Trong đêm tuyên thệ, Nữ chúa rừng xanh đứng đó. Mái tóc dài của bà buông thõng, trắng xóa,
ánh mắt rực lửa căm hờn thẳng nhìn về phía trước: “Rạp nen an se, Bo Krong… Chau go! Cau lec mu, lec mac, hat mong, dhau yô, choujoh… Trâu đã giết! Hỡi thần linh, đến uống đi! Đến uống nào, hãy đến đây tất cả… Hỡi các thần! Hãy giết
hết bọn thực dân Pháp xâm lược! Để cho người Thượng, người Chăm, người Việt Nam cùng nhau chung sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc”. Tôi đọc tiếp những dòng trong cuốn sách nói trên: “Nếu bỏ đi những yếu tố hoang đường, lời cầu nguyện ấy
có nội dung động viên đoàn kết các dân tộc ở Việt Nam đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới, một cuộc sống đoàn kết, tương trợ, bình đẳng giữa các dân tộc…”. Còn đây là cách diễn đạt của già làng K’Sen: Sau
lời tuyên thệ, nước thánh Da Yơn được phân phát cho nghĩa quân. Có nghĩa là sức mạnh được truyền vào đôi tay – đôi tay rắn, truyền vào đôi chân – đôi chân khỏe. Đoàn quân nguyện một lòng giữ yên núi rừng Tây Nguyên. Một vạn nghĩa quân Kơ Ho
dưới sự chỉ huy của Nữ chúa rừng xanh tuyên thệ trước núi rừng rằng không đội trời chung với giặc Pháp. Họ quyên góp tiền xu để làm mũi tên đồng, quyên góp và sản xuất hàng tấn lương thực để nuôi quân, chuẩn bị kháng chiến chống Pháp.  

Sau báo cáo “Cuộc bạo loạn của người Thượng tại Đồng Nai Thượng” của Công sứ Pháp tại tỉnh Đồng Nai Thượng gửi Khâm sứ Trung kỳ, thực dân Pháp tổ chức cuộc bao vây căn cứ Dongr Dor nhiều ngày đêm liền. Mọ Kộ và toàn bộ ban tham mưu của nghĩa quân
bị bắt. Khâm sứ Trung kỳ kết án Nữ chúa rừng xanh và “đồng bọn” – trong đó có K’Sen (tài liệu của Pháp ghi là K’Soun), vị cận thần của Nữ chủ tướng – hai mươi năm tù khổ sai, đầy ra Côn Đảo. 

MỐI TÌNH THÁNH THIỆN
 

Tháng 8 mưa phân vân. Trên đường Đà Lạt đi Di Linh – quê hương của Nữ chúa rừng xanh, tôi cứ lo ngại là sẽ không gặp được già làng K’Sen, vị cận thần của Ka Nhỗi duy nhất còn sống sót. Làng bản của Nữ chủ tướng chìm trong khói lam. K’Sen đón tôi
bằng câu hỏi mở đầu thay cho lời chào: “Mày đã viết về tình cảm của chị Ka Nhỗi chưa?”. Tôi thật khó trả lời. Bởi chuyện tình của Nữ chúa rừng xanh thì tôi đã được nghe kể nhiều lần. Đêm nay cũng vậy, bên bếp lửa nhà sàn, K’Sen lại nâng cần
rượu. Ông “kéo” một hơi thật dài như uống cả con suối Đạ Sar vào lồng ngực cuộn sóng, K’Sen lại kể cho tôi nghe về chuyện tình của Nữ chúa rừng xanh: Ka Nhỗi không những là một chủ tướng dũng cảm mà ở bà còn có một mối tình thánh thiện. Bà
có độc nhất người con gái tên là Ka Nhung. Ka Nhung đã chết khi lên 7 tuổi. Tuy có con nhưng Ka Nhỗi chưa một lần kết hôn. Ka Nhung chính là sản phẩm của một mối tình đẹp, mối tình duy nhất trong đời Nữ chúa rừng xanh. 

Thời xuân sắc, Ka Nhỗi từng làm cho đám trai làng ngây ngất bởi làn da trắng, mái tóc rất dài và rất trắng của mình. Bởi nuôi ý định dấy nghĩa nên Mộ Kộ chưa chọn chàng trai nào “ưng cái bụng” để bắt làm chồng theo phong tục của người Kơ Ho. Thế
rồi một hôm, gia đình Ka Nhỗi tổ chức lễ đâm trâu. K’Jéo là người làng bên tự nguyện sang giúp bố Ka Nhỗi làm cọc nêu. Đó là một chàng trai khỏe mạnh, thông minh và có nhiều tài vặt. Lễ xong, Ka Nhỗi mời K’Jéo ở lại uống rượu cần và ăn thịt
trâu nướng suốt đêm. Nửa khuya rượu nhạt, mọi người đã say và đi ngủ, còn lại bên bếp lửa là K’Jéo và Ka Nhỗi. Chàng cất tiếng: “Cồng ditini tầm tạ. Trạ di tor… Trao người thương yêu nhất/ Cái vòng tay bỏ vào tay/ Cái bông tai đeo vào tai/
Còn con khỉ đeo lục lạc”. Giai điệu của bài Lảh lông (dân ca Kơ Ho) mới trữ tình làm sao. Núi rừng tĩnh phắc. Dòng suối Đạ Sar ven làng cũng dường như quên trôi về sông lớn. Chỉ còn có hai con tim cùng gõ nhịp và ngọn lửa bập bùng chứng dám.
Ka Nhỗi dạn dĩ hẳn lên: “Ngăn gư di oh… Chơ gư di got… Chàng cười vui đứng vững/ Khiến tôi cũng vui đứng vững? như cọc nêu, như cây tre xưa/ Chàng về gió nổi lên/ Và con suối chiều nay không cạn nước”. Và cứ thế, lời trong lời, câu trong
câu. Điệu Lảh lông trữ tình thắt chặt đôi trai gái vào nhau như sợi dây rừng buộc vào cọc nêu ngoài sân. Sáng hôm sau, họ chia tay nhau với lời hẹn: “Đêm, ta lại đến. Em hãy chờ cửa nhé!”. Như vậy, người con gái Kơ Ho ấy đã biết yêu lần đầu,
biết chờ mong và biết rằng ngày dài hơn ông mặt trời đi từ đỉnh núi phía đông sang đỉnh núi phía tây. Thời gian gần trôi. Đôi trai gái quyện vào nhau như ngọn Đăng Kér soi bóng xuống sòng Đạ Brăng – nơi hẹn hò của đôi uyên ương. Và chỉ có
ngọn Đăng Brăng và dòng Đạ Brăng mới hiểu được rằng: Nằm xuống đây em ơi/ Đôi ta như bóng với hình, em ơi/ Tay đặt trong tay nắm chặt/ Đã yêu thương nhau ta nhắc/ Trọn đời có chửa có con/ Đừng như nước trôi đi mất”. 

Với người Kơ Ho, quan hệ tiền hôn nhân không có gì ràng buộc, nhưng để lại “hậu quả” là sự vi phạm luật tục. Khi biết mình có mang, Ka Nhỗi thưa với người cậu – người đóng vai trò quyết định trong hôn nhân của dân tộc Kơ Ho: “Cậu hãy sang nhà
K’Jéo và nói với cha mẹ “nó” là cháu sẽ bắt K’Jéo về làm chồng”. Tại nhà K’Jéo, người cậu mắc phải một cản lực: Bố mẹ K’Jéo từ chối lời cầu hôn của Ka Nhỗi (ở cộng đồng người Kơ Ho, người con gái chủ động trong hôn nhân) vì Ka Nhỗi là người
bạch tạng – tóc trắng, da trắng. Cản lực đó về sau còn lây lan sang cả gia đình Ka Nhỗi. Đôi trai gái đau khổ đến tột cùng vì không thể “trao vòng” cho nhau được. Chỉ duy nhất con chim Bling trên đỉnh Đang Két là thấu hiểu nỗi lòng của hai
người: Đêm, nó bay về làng báo mộng với già làng rằng chỉ nên “phạt trâu” K’Jéo mà thôi, không nên ruồng bỏ họ, vì lời thề của K’Jéo và Ka Nhỗi đã được thần núi Đăng Két và thần suối Đa Brăng nghe thấy. Trước hội đồng già làng, K’Jéo chấp
nhận hình phạt “đền trâu” cho nhà Ka Nhỗi để giữ trọn lời hứa thủy chung với người mình yêu suốt đời. Sau mối tình đầy nước mắt đó, K’Jéo không chấp nhận lời cầu hôn của bất kỳ người con gái nào khác. Một thời gian sau, ông chết vì bệnh tương
tư(?). Còn về phần Mọ Kộ, sau mối tình với kết quả là sinh hạ một người con gái (bị chết năm lên 7 tuổi), bà bị quấn vào cuộc dấy nghĩa của nghĩa quân Kơ Ho. Mặc dầu vậy, Ka Nhỗi vẫn không quên lời thề hôm nào bên dòng suối Đạ Brăng: Những
lời tỏ tình của các chàng trai đều bị bà từ chối. Đến cuối đời, vị thủ lĩnh của quân kháng Pháp người Kơ Ho chết trong đơn độc, không chồng, không con đưa tiễn. Mối tình duy nhất của Nữ chúa rừng xanh cũng theo bà xuống mồ và bị chôn chặt
từ bấy đến giờ… 

Giọng của già làng K’Sen trầm lắng. Chóe rượu cần nhạt hẳn. Gió đêm đuổi nhau trong vườn, lá khô khua lào xào. Tiếng gà nhà ai cất lên bên kia suối Đạ Sar. Một ngày mới bắt đầu. 

PHÂN VÂN MƯA THÁNG TÁM
 

Trời sáng hẳn. Tôi đề nghị anh K’Nhẽo – cháu gọi Ka Nhỗi là dì ruột: “Chúng ta hãy đến thăm mộ của Nữ chúa rừng xanh”. K’Nhẽo không một thoáng do dự. Chúng tôi băng qua một cánh đồng có tên là Đạ Brăng (vốn xưa là suối Đạ Brăng). Vườn cà phê nhà
ai xanh um trên đồi Đăng Két (là núi Đăng Kér trước đây). Nắng lấp lóa che vạt rừng thiêng trên đồi Đăng Kér thành những sợi vàng mỏng manh. K’Nhẽo phăng phăng bước tới khu rừng thiêng. Còn tôi thì chậm rãi nối gót. Đồi Đăng Kér là đây. Dòng
Đạ Brăng là đây. Nơi hò hẹn của đôi uyên ương ngày ấy là đây. Nhưng lúc này, con suối Đạ Brăng đã biến thành đồng ruộng, núi Đăng Kér thành rẫy cà phê. May mà một khu rừng rừng thiêng trên đỉnh còn được giữ lại. Ngôi mộ của Ka Nhỗi nằm trong
khu rừng thiêng, bên cạnh một gốc cây cổ thụ. Người cháu ruột của Nữ chúa rừng xanh – anh K’Nhẽo – khom xuống nhặt những cọng cỏ trên nấm mộ dì, xếp lại những chum ché theo tục “chia của” của người Kơ Ho. Trong tôi, buồn vui lẫn lộn: Vậy là
khi trở về với đất, Nữ chúa rừng xanh đã tìm đến địa chỉ “hò hẹn” trước kia. Nhưng giá như dòng suối Đạ Brăng kia và ngọn núi Đăng Kér này – những địa danh gắn liền với tên tuổi vị nữ thủ lĩnh quân kháng Pháp của dân tộc thiểu số Kơ Ho – Lâm
Đồng – được giữ lại, tránh khỏi những thúc bách về miếng cơm manh áo của con người? Trong thoáng chốc ngậm ngùi, thương cảm trước mộ Nữ chúa rừng xanh, tôi chợt phân vân: Sự thật thì Nữ chúa rừng xanh là ai? Vì sao cuộc khởi nghĩa của bà (cuối
năm 1938) cận kề Cách mạng tháng Tám vụt lóe lên như ánh lửa rừng rồi vội tắt ngấm, chìm vào lãng quên? Và có thật nó chỉ là phong trào tự phát của cộng đồng dân tộc thiểu số tỉnh Đồng Nai Thượng mà thôi?  

Trong những tài liệu mà tôi đọc được đều khẳng định phong trào Mộ Kộ kề Cách mạng Tháng Tám không có sự lãnh đạo của lực lượng nào khác. Tức nó là phong trào tự phát. Tuy nhiên, qua nhiều lần tiếp xúc với dân làng và tiếp xúc với vị cận thần của
Nữ chúa rừng xanh là K’Sen thì trong câu chuyện kể gần như là huyền thoại của họ, tôi “nhìn thấy” thấp thoáng bóng dáng một nhân vật người Kinh. Và, người Kinh này cũng rất… huyền thoại. Trong trí nhớ của dân bản, người Kinh ấy có dáng hơi
gầy, da trắng, mặc khố như đồng bào Thượng, nói giọng Bắc miền Trung. “Không ai được biết tên ông vì nguyên tắc hoạt động bí mật lúc bấy giờ”. Đêm hôm qua, già làng K’Sen đã nói với tôi như vậy. Nghĩa quân chỉ nhìn thấy ông từ xa trong một
vài lần rất hiếm hoi khi ông đến bàn định, hội ý kín với Mộ Kộ, và chỉ duy nhất với Mộ Kộ mà thôi. Nơi gặp gỡ của hai người là đại bản doanh của nghĩa quân – một khu rừng nguyên sinh bên cạnh suối Đạ Sar, làng Dongr Dor. Ngay như K’Sen, tuy
là người thân tín, là cận thần, lại là em ruột của Nữ chủ tướng, nhưng cũng chỉ được đứng ở “vòng ngoài” làm nhiệm vụ canh gác chứ không được đến gần, không được tiếp xúc. Và, vào năm trước khi Mộ Kộ chết (bà chết năm 1973 sau khi đi tù ở
Côn Đảo về), người “cấp trên” ấy vẫn còn đến gặp Mộ Kộ – ở lần gặp này cũng vậy, như thuở Mộ Kộ còn hoạt động: xong là ông vội vàng đi ngay. Dẫu thế, dân làng Dongr Dor vẫn đủ thời gian để nhận ra “Người Kinh mặc khố” ấy. Nhờ vậy, trong trí
nhớ của những người già ở làng Đồng Đò (cách gọi chệch của Dongr Dor) ngày nay, trong đó có già làng K’Sen “người Kinh mặc khố” năm nào không thể lẫn với ai được. Nếu hiện còn sống, nay ông khoảng 90 tuổi. Nhưng tiếc thay, kể từ khi Ka Nhỗi
mất, nhân vật “người Kinh mặc khố” chưa một lần xuất hiện trở lại Đồng Đò. 

Vậy nhân vật nói trên là ai? Công việc tiếp theo để trả lời câu hỏi này hẳn là của nhà làm sử. Có thể rồi đây, sự cố gắng của các sử gia sẽ làm sáng tỏ vấn đề đó. Và biết đâu, nếu đọc được những dòng này, thì “người Kinh mặc khố” kia sẽ “tự thú”
nếu ông hiện còn sống? Và cũng biết đâu, tính chất cuộc cách mạng do Ka Nhỗi lãnh đạo ở tỉnh Đồng Nai Thượng vào cuối thập kỷ 30 sẽ được thay đổi, sẽ được đánh giá lại, được nhìn nhận lại? 

Hình như trong tôi đang có thoáng phân vân ở thời khắc Tháng Tám trên quê hương của Nữ chúa rừng xanh? 

*** 

Dongr Dor – quê hương của Nữ chúa rừng xanh – nay đã trở thành vùng định canh định cư trù phú. Hơn 700 người con cháu của bà đã thực sự giã từ không gian cư trú cổ lạc hậu. Như vậy là sau bao nhiêu năm chiến tranh, sau bao cuộc lang bạt vô phương
trong những cánh rừng già, cháu con của Nữ chúa rừng xanh lại về tề tựu bên dòng suối Đạ Char, bên cánh đồng Đạ Brăng, bên ngọn đồi Đăng Kér – nơi mà gần 60 năm trước, người con gái của dân tộc Kơ Ho Lâm Đồng dấy quân đuổi Pháp, mong mang
lại ấm no cho mọi người. Những sợi nắng ban mai lấp lóa chẻ mỏng khu rừng thiêng trên đồi Đăng Kér… 

Rời nơi an nghỉ cuối cùng củ Nữ chúa rừng xanh, tôi và người cháu của bà – anh K’Nhẽo – trở lại nhà. Già làng K’Sen, cận thần của Nữ chúa rừng xanh vẫn ngồi đó bên ánh lửa bập bùng, bên chóe rượu cần đã nhạt và bên linh hồn của một người đã đi
vào huyền thoại. Từ đêm qua đến giờ, K’Sen chưa chợp mắt. Ông ngồi lặng thinh ở đó như từng ngồi như vậy từ bao nhiêu năm nay rồi. K’Sen im lặng nhìn vào bếp lửa. Tôi nhìn vào mắt ông. Ở nơi “dấu chân chim” lấp lánh một hạt ngọc hiếm hoi của
tuổi già cằn cỗi. Nếu tôi không nhầm, ông đang nghĩ về Nữ chúa rừng xanh?  

KHẮC
DŨNG

Bút danh khác Vũ Khắc

Sinh năm 1961

Tốt nghiệp khoa Sử –
Trường ĐHTH Đà Lạt

Hiện là phóng viên Báo
Lâm Đồng.

(Đà Lạt nguyệt san – số
6-1995)