Những mô hình tổ hợp tác hiệu quả

Tháng 10-2019, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh của nông dân xã Điền Xá (Nam Trực) được thành lập với 19 thành viên gồm các doanh nghiệp, nhà vườn tiêu biểu. Sau thời gian hoạt động hiệu quả, hiện tổ hợp tác đang tiếp tục vận động, mở rộng kết nạp, tăng số lượng thành viên, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Tiêu biểu là các hộ: Ông Duy ở thôn Hạ, ông Thủy ở thôn Trung chuyên các sản phẩm hoa, cây cảnh, cây bóng mát; ông Thành ở đường S6 chuyên các sản phẩm cây cảnh truyền thống. Các thành viên khác trong tổ hợp tác với nhiều sản phẩm hoa, cây cảnh đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường… Bên cạnh việc tiếp cận 2 kênh hỗ trợ vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN và PTNT, tổ hợp tác còn xây dựng dự án sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh để 10 tổ viên được tiếp cận nguồn vốn 500 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương. Còn tại xã Giao Châu (Giao Thủy), nơi nghề làm nước mắm đã có hàng trăm năm được sản xuất hoàn toàn theo phương pháp thủ công. Để duy trì làng nghề truyền thống, HND xã đã vận động, hướng dẫn các hội viên thành lập tổ hợp tác chế biến nước mắm. Sau khi thành lập, các thành viên đã hỗ trợ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương để có thêm kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống bể ngâm ủ kiên cố, mua các loại máy nghiền cá, tôm, máy hút… Quá trình tham gia tổ hợp tác, các thành viên thường xuyên chia sẻ những kinh nghiệm được coi như “bí quyết riêng” để đẩy mạnh sản xuất, mở rộng thị trường, phát triển thương hiệu nước mắm của địa phương. Nhờ đó, nước mắm Giao Châu với độ đạm cao, mùi vị thơm ngon đặc trưng đã được xuất bán đi nhiều tỉnh, thành phố trong nước, được nhiều khách hàng lựa chọn.

Thành viên tổ hợp tác chế biến nước mắm truyền thống xã Giao Châu (Giao Thủy) sản xuất mắm.
Thành viên tổ hợp tác chế biến nước mắm truyền thống xã Giao Châu (Giao Thủy) sản xuất mắm.

Những năm qua, các cấp HND trong tỉnh đã tích cực vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, trọng tâm là các tổ hợp tác liên kết nông dân cùng sản xuất. Riêng năm 2020, HND các cấp đã thành lập mới 24 mô hình tổ hợp tác. Tiêu biểu như HND thành phố Nam Định tổ chức khảo sát, hướng dẫn HND xã Nam Phong thành lập tổ hợp tác “Trồng quất cảnh”; HND xã Nghĩa Hồng (Nghĩa Hưng) tổ chức thành lập tổ hợp tác “Chăn nuôi ếch” có 11 thành viên và tổ hợp tác “Chăn nuôi trâu” với 17 thành viên. Đến nay, toàn tỉnh có 103 mô hình tổ hợp tác với hàng nghìn thành viên tham gia, phát huy được thế mạnh kinh tế ở từng địa phương. Trong đó, huyện Mỹ Lộc đã thành lập 7 tổ hợp tác với 81 thành viên tại các xã Mỹ Tân, Mỹ Trung, Mỹ Thắng, Mỹ Tiến, Mỹ Hà, gắn kết hội viên cùng sản xuất, kinh doanh, giúp đỡ nhau về vốn, giống, kỹ thuật. Huyện Giao Thủy trong 5 năm qua đã xây dựng được 12 mô hình HTX và tổ hợp tác trên các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ như tổ hợp tác nuôi trồng thủy hải sản ở các xã Bạch Long, Giao Long, Giao Hải; tổ hội nghề nghiệp gắn với tổ hợp tác “Khai thác thủy hải sản xa bờ” xã Giao Thiện và thị trấn Quất Lâm; tổ hợp tác chế biến nước mắm truyền thống xã Giao Châu. Huyện Vụ Bản thành lập các tổ hợp tác “Nuôi thỏ sinh sản” ở xã Hợp Hưng, “Sản xuất lúa sạch” ở xã Liên Bảo… Huyện Nam Trực thành lập các tổ hợp tác trồng cỏ Nhật, tổ hợp tác trồng cây cảnh ở xã Nam Thắng; tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hoa, cây cảnh của nông dân xã Điền Xá… Các tổ hợp tác hoạt động đa dạng ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh ở các vùng nông thôn như: Đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản, chăn nuôi gia súc gia cầm, dịch vụ nông nghiệp. Hoạt động của tổ hợp tác chủ yếu tập trung vào hỗ trợ vốn, kinh nghiệm sản xuất, giúp nhau về thông tin và thị trường tiêu thụ sản phẩm, đề cao tinh thần tương thân, tương ái, vì cộng đồng, giúp các hộ thành viên phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhiều mô hình đi vào hoạt động hiệu quả, đã gắn kết nông dân cùng nhau phát triển sản xuất, nâng cao giá trị của hàng hóa, tạo ra vùng sản xuất tập trung. Tiêu biểu như tổ hợp tác trồng hoa – cây cảnh Mỹ Tiến, xã Nam Phong (thành phố Nam Định); tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ cá bống bớp thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); tổ hợp tác trồng cây dược liệu đinh lăng xã Hải An (Hải Hậu); tổ hợp tác dịch vụ vật tư nông nghiệp xã Giao Phong (Giao Thuỷ)…

Để nhân rộng các mô hình tổ hợp tác, các cấp HND trong tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ về nguồn vốn vay, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới; phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng giống, vật tư có uy tín, chất lượng cho hội viên… Những năm qua, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức hàng trăm buổi tập huấn, chuyển giao KHKT về quy trình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap; kỹ thuật sử dụng phân bón; hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm sinh học an toàn và hiệu quả; kỹ thuật chăn nuôi và phòng, điều trị bệnh cho gia súc, nuôi trồng thủy sản; cách bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch cho các hộ vay vốn trên địa bàn. Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh ưu tiên đầu tư vào những đơn vị đã thành lập tổ hợp tác, tổ hội nghề nghiệp hoạt động hiệu quả. Đến nay, có 56 tổ hợp tác đã được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (bình quân mỗi tổ hợp tác được vay 500 triệu đồng). HND tỉnh còn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp tổ chức hội thảo giới thiệu các tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nuôi trồng và chế biến hải sản trên địa bàn tỉnh cho cán bộ, hội viên nông dân là thành viên tiêu biểu của tổ hợp tác, chi, tổ hội nghề nghiệp của 3 huyện tuyến biển Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Nhờ đó, hoạt động của các tổ hợp tác ngày càng hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động, nâng cao thu nhập cho hội viên nông dân.

Thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục duy trì, xây dựng các mô hình kinh tế tập thể (trọng tâm là các tổ hợp tác). Vận động, hướng dẫn nông dân liên kết, hợp tác theo các nhóm hộ trong sản xuất cùng một loại sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu trong năm 2021, 100% cơ sở Hội xây dựng được ít nhất 1 tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động có hiệu quả./. 

Bài và ảnh: Lam Hồng