Vượt qua chu kỳ lạm phát phi mã có ý nghĩa như thế nào đối với kinh tế Venezuela?

BNEWS

Giới chuyên gia nhìn nhận điểm kết thúc của chu kỳ lạm phát phi mã mà Venezuela phải trải qua suốt từ năm 2017 đến nay dường như đã kết thúc.

Cách đây ít ngày, Ngân hàng Trung ương Venezuela (BCV) công bố chỉ số lạm phát của nước này trong tháng 12/2021 là 7,6%. Đây là tháng thứ 12 liên tiếp chỉ số giá tiêu dùng tại Venezuela dao động ở mức dưới 50%. Điều này được giới chuyên gia nhìn nhận là điểm kết thúc của chu kỳ lạm phát phi mã mà quốc gia Nam Mỹ phải trải qua suốt từ năm 2017 đến nay.
Không chỉ vậy, với tỷ lệ lạm phát 7,6%, đây cũng là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số lạm phát của Venezuela không vượt quá ngưỡng một con số, điều mà ít người nghĩ là có thể cách đây chỉ một năm trước những diễn biến tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài do tác động của các biện pháp trừng phạt, cuộc bao vây cấm vận kinh tế nhằm vào nước này của Mỹ và các đồng minh, cũng như hệ quả của đại dịch COVID-19.
Vậy điều này có ý nghĩa như thế nào với kinh tế Venezuela và liệu đây có phải là sự khởi đầu cho quá trình hồi phục kinh tế của quốc gia giàu dầu mỏ này hay không?
Theo chuyên gia kinh tế Luis Oliveros thuộc trường Đại học Metropolitana, việc chu kỳ lạm phát phi mã đã dịu lại ở Venezuela là một tín hiệu thực sự đáng mừng. Cần nhớ rằng Venezuela đã trải qua 4 năm liên tiếp với mức lạm phát không tưởng lên tới hàng nghìn phần trăm và phải thực hiện hai lần đổi tiền.
Chu kỳ này bắt đầu từ quý IV/2017 khi Venezuela ghi nhận mức lạm phát hàng tháng là 56,7% và tỷ lệ lạm phát của cả năm đó là 862,6%. Tuy nhiên, đó mới chỉ là sự khởi đầu cho một giai đoạn tồi tệ của nền kinh tế này, khi tỷ lệ lạm phát phi mã lên tới 130.060% vào năm 2018. Xu hướng lạm phát phi mã bắt đầu giảm dần trong năm 2020 và tháng 12 của năm đó là lần cuối cùng mức lạm phát của quốc gia Nam Mỹ này vượt quá ngưỡng 50%.
Mặc dù vậy, một số chuyên gia kinh tế cho rằng việc thoát ra khỏi giai đoạn lạm phát phi mã chỉ là bước đầu. Tỷ lệ lạm phát hiện nay của Venezuela vẫn ở mức cao nhất thế giới. Thậm chí mức lạm phát 686,4% ghi nhận trong năm 2021 do BCV công bố vẫn là một con số không tưởng đối với rất nhiều quốc gia. Ông Oliveros nhấn mạnh, mức lạm phát trung bình 7%/tháng có thể là thấp trong bối cảnh kinh tế của Venezuela nhưng vẫn là quá cao so với mức trung bình ở khu vực và thế giới.
Giai đoạn chuyển từ “siêu lạm phát” sang “lạm phát nghiêm trọng” hiện nay đã không thể thực hiện được nếu không nhờ tới một loạt các chính sách của chính quyền trung ương. Chuyên gia Asdrúbal Oliveros, Giám đốc công ty phân tích kinh tế Ecoanalitica, đánh giá rằng nền kinh tế đã có những thay đổi tích cực song cần phải xem xét trong tình hình cụ thể của Venezuela.
Với sự lao dốc của giá dầu thô từ năm 2013, cùng với sự suy thoái của nền kinh tế và các biện pháp trừng phạt do Mỹ, Canada và EU áp đặt, chính quyền Tổng thống Nicolas Maduro đã phải cắt giảm đáng kể các khoản chi tiêu từ ngân sách nhà nước, hạn chế các khoản tín dụng ngân hàng, cũng như chi tiêu ít hơn bằng đồng Bolivar để giữ ổn định tỷ giá hối đoái.
Mặc dù vậy, thâm hụt tài khóa luôn là bài toán đau đầu đối với Chính phủ Venezuela. Năm 2017, mức thâm hụt đã vượt 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và chính phủ đã phải áp dụng một loạt các biện pháp như chấm dứt việc trợ giá xăng mà trong nhiều năm luôn ở mức thấp nhất thế giới (thậm chí mua 1 lít xăng tại Venezuela còn rẻ hơn mua 1 chai nước lọc), nới lỏng việc kiểm soát giá cả và mở cửa cho thị trường hối đoái.

Những biện pháp này đã phần nào hỗ trợ việc tăng nhập khẩu và sự hồi phục của ngành công nghiệp tư nhân. Theo nghiên cứu độc lập của trường Đại học Công giáo Andres Bello, mức thâm hụt tài khóa của Venezuela năm 2020 đã giảm xuống 7,9%.
Tuy nhiên, vẫn còn một điểm mấu chốt đối với nền kinh tế Venezuela là việc đô la hóa. Từ nhiều năm nay, người dân Venezuela vẫn sử dụng đồng USD như một lựa chọn giao dịch cho dù về mặt chính thức thì việc này không được phép. Đây cũng được coi là một “bình ô xy” đối với rất nhiều người Venezuela khi nguồn thu nhập của họ ngày càng suy giảm trước sự mất giá liên tục của đồng Bolivar.
Nhiều người Venezuela cho rằng việc chấp nhận sự tồn tại song song trên thị trường của đồng USD là cần thiết và đã giúp thay đổi phần nào đời sống của người dân. Nếu hình ảnh của Venezuela năm 2017 là những siêu thị trống rỗng thì năm 2021 lại là đồng USD. Các siêu thị, cửa hàng quần áo đều niêm yết giá bằng ngoại tệ và đồng USD được sử dụng trong khoảng 2/3 các loại giao dịch.
Việc đô la hóa này có một số đặc điểm. Thứ nhất là tính thực tiễn bởi vì quá trình này không được hình thành từ một chiến lược chính thức của chính phủ mà được chính người dân Venezuela lập ra và chấp nhận. Thứ hai là đồng nội tệ Bolivar chưa bị thay thế bởi đồng USD cho dù mất giá đến đâu. Chính vì vậy, một số chuyên gia cho rằng đây là hình thức đô la hóa một phần. Đồng Bolivar vẫn được sử dụng để thanh toán lương cho những người làm trong các bộ máy nhà nước hoặc thanh toán các loại dịch vụ.
Chuyên gia Asdrúbal Oliveros nhận định, dường như đang tồn tại hai xã hội Venezuela, trong đó có một tầng lớp xã hội lựa chọn USD là đồng tiền sử dụng thường xuyên và ở chiều ngược lại là tầng lớp những người gặp khó khăn trong việc tiếp cận đồng USD và họ cần phải làm quen với việc kiếm đồng ngoại tệ này bằng mọi giá. Chính vì vậy, cũng cần phải xem đâu là những tác động thực sự của lạm phát. Cùng với đó, việc đô la hóa cũng nới rộng khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Tổng thống Maduro từng chia sẻ hồi cuối năm 2019 rằng ông vẫn luôn quan tâm tới vấn đề tỷ giá, bảo vệ đồng Bolivar nội tệ, đồng lương và thu nhập của người dân, đồng thời đánh giá xem cái gọi là đô la hóa đang tồn tại có thể giúp ích gì cho quá trình hồi phục của nền kinh tế và triển khai lực lượng sản xuất.
Từ đó đến nay, đồng USD vẫn lưu hành một cách tự do song cũng không có nghĩa là chính phủ sẽ chấp nhận việc đô la hóa toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, mới đây Phó Tổng thống Delcy Rodríguez nhấn mạnh rằng việc chấp nhận USD như một đồng tiền lưu hành trong nước có thể là một sai lầm tai hại nhất và hy vọng năm 2022 sẽ là thời điểm khôi phục hoàn toàn giá trị của đồng Bolivar.
Mặc dù vậy, theo ông Oliveros, Venezuela vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, không chỉ tiếp tục tìm cách giảm tỷ lệ lạm phát mà còn phải khắc phục tình trạng định giá quá cao tỷ giá hối đoái. Rõ ràng chính phủ đã đạt được mục đích không để tỷ giá hối đoái biến động quá nhiều trong những tháng gần đây.

Tuy nhiên, nếu tỷ giá không biến động trong khi lạm phát vẫn tăng thì chứng tỏ có sự định giá quá cao. Và điều này có thể dẫn tới việc hàng hóa nhập khẩu sẽ rẻ hơn hàng hóa sản xuất trong nước. Điều này sẽ dẫn tới hệ quả là nền kinh tế trong nước mất đi động lực tăng trưởng.
Ông Oliveros kết luận bài toán lớn nhất là tăng trưởng kinh tế. Venezuela đã phải trải qua 7 năm suy thoái kinh tế, nhưng nếu tiếp tục có sự định giá quá cao thì lạm phát vẫn sẽ tiếp tục gia tăng. Đây sẽ là một bài toán khó đối với chính phủ trong thời gian tới./.