Châu Âu phát triển chuỗi vệ tinh liên lạc riêng

BNEWS

Tự chủ là nguyên tắc cần thiết trong chính sách không gian của châu Âu, và Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sớm trình bày dự án về chuỗi vệ tinh liên lạc với mục tiêu cung cấp các dịch vụ đầu tiên từ năm 2024.

Theo Chương trình Không gian châu Âu, châu lục này dự kiến sẽ phóng chuỗi vệ tinh của riêng mình.
Tự chủ là nguyên tắc cần thiết trong chính sách không gian của châu Âu trong năm nay. Tại Hội nghị Không gian châu Âu lần thứ 14, Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội bộ Thierry Breton cho biết Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sớm trình bày dự án về chuỗi vệ tinh liên lạc của mình với mục tiêu sẽ cung cấp các dịch vụ đầu tiên từ năm 2024.
Một chuỗi vệ tinh là tập hợp lớn các vệ tinh được triển khai trên toàn cầu để bao phủ toàn bộ lãnh thổ, bao gồm cả những vùng bị cô lập nhất, đại dương, núi non… nhưng cũng để đảm bảo chất lượng kết nối trên máy bay, tàu thuyền, các phương tiện tự hành trong tương lai.
Phạm vi phủ sóng vệ tinh hiện tại được cung cấp bởi một số vệ tinh nằm ở quỹ đạo cao, bao phủ các khu vực rộng lớn nhưng có độ trễ. Hiện nay, người ta nói tới thuật ngữ “mili giây” nhưng điều này chuyển thành độ trễ thực sự trong các cuộc trò chuyện nhất định, ngắt quãng hoặc độ trễ không thể chấp nhận được đối với một số khu vực như y tế, giao thông an toàn…
Các chuỗi vệ tinh được hình thành hiện nay đều là của Mỹ như Starlink của SpaceX – công ty hàng không vũ trụ SpaceX của tỷ phú Elon Musk. Starlink hiện đã triển khai 2.000 vệ tinh, và dự kiến con số này sẽ lên đến 12.000 vào khoảng năm 2025, sau đó là 40.000.

Công ty con Kuiper Systems thuộc Amazon, là đối thủ với tập đoàn Starlink đang lên kế hoạch phát triển một chuỗi gồm hơn 3.000 vệ tinh vào năm 2026. Startup không gian OneWeb của Mỹ cũng phát triển khoảng 600 vệ tinh. Một số dự án trong số này được phát triển liên quan đến quân đội Mỹ, khiến châu Âu lo ngại bị “nghe lén”. 
Giảm sự phụ thuộc vào nước ngoài
Đối với châu Âu, việc có được cấu trúc liên lạc riêng sẽ bổ sung cho hai chuỗi vệ tinh khác hiện đã hoạt động (Galileo – hệ thống định vị cạnh tranh với GPS của Mỹ và Copernicus – hệ thống phân tích và giám sát đất đai, an toàn hàng hải, thảm họa…), tức là khoảng 240 vệ tinh.
Về mặt kỹ thuật, dự án châu Âu sẽ được phân biệt bởi vị trí của các vệ tinh trong các quỹ đạo khác nhau (thấp, trung bình, cao), nơi mà cuộc cạnh tranh hiện nay chỉ triển khai ở quỹ đạo thấp, gần Trái Đất nhất. Điều này sẽ giúp tăng số lượng vệ tinh. Theo Ủy viên Thierry Breton, dự án sẽ giúp giảm sự phụ thuộc của Liên minh châu Âu (EU) vào các sáng kiến kinh doanh ngoài châu Âu đang được phát triển. Dự án cũng sẽ cung cấp cho châu Phi sự kết nối cần thiết, cung cấp một giải pháp thay thế của châu Âu.
Tổng số vệ tinh cần thiết cho việc triển khai cấu trúc liên lạc của châu Âu vẫn chưa được ấn định. Mục tiêu là cung cấp các dịch vụ của chính phủ bao gồm các dịch vụ công cộng cũng như quân sự và các dịch vụ thương mại. Chi phí ước tính vào khoảng từ 5-6 tỷ euro (5,7-6,9 tỷ USD), được chia sẻ giữa EC, các quốc gia thành viên và khu vực tư nhân.
Thông báo này sẽ được xác nhận tại Hội nghị thượng đỉnh không gian châu Âu tiếp theo, trong nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu của Pháp nhằm củng cố lĩnh vực không gian nói chung.

Việc triển khai chuỗi vệ tinh truyền thông châu Âu là một phần trong chiến lược của tập đoàn công nghệ không gian Pháp Arianespace và Ariane Group, giống như các hệ thống có thể hoán đổi (động cơ, tầng…) hoặc dự án bệ phóng châu Âu cho các chuyến bay có người lái, để không phụ thuộc vào Mỹ, Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Đối với Ariane cũng như đối với EC, mong muốn là tự giải phóng mình khỏi bất kỳ sự phụ thuộc ngoài châu Âu nào trong tương lai.
Để thúc đẩy lĩnh vực không gian châu Âu, EC cũng đã chính thức thành lập một quỹ đầu tư cho không gian, có tên là Cassini. Quỹ này tài trợ cho sự đổi mới công nghệ, cung cấp quan hệ đối tác giữa các công ty lớn và nhỏ cũng như thử nghiệm các sản phẩm mới trong không gian. Ủy viên Thierry Breton đảm bảo ít nhất sẽ đầu tư 1 tỷ euro cho quỹ trong 5 năm tới. Mục tiêu đầu tiên nhắm đến các công ty khởi nghiệp tài năng trong lĩnh vực không gian.
Ủy viên Thierry Breton khẳng định “châu Âu không thiếu các công ty khởi nghiệp năng động với những ý tưởng và công nghệ đột phá, nhưng khá nhiều trong số này không thể có được khoản đầu tư đáng kể trong EU, một khi họ cần phát triển. Họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang các nhà đầu tư ngoài châu Âu. Đó là một mất mát lớn cho châu Âu. Quỹ Cassini sẽ thay đổi điều đó”.
5 thành phần của chương trình Không gian châu Âu
Hợp tác với Cơ quan vũ trụ châu Âu (EAS), EU đã phát triển một loạt các chương trình lớn nhằm mở rộng ảnh hưởng của mình ra ngoài bầu khí quyển.
Được coi là hệ thống định vị vô tuyến chính xác nhất trên thế giới, Galileo là hệ thống định vị toàn cầu của châu Âu với GPS nổi tiếng của Mỹ. Hoạt động từ năm 2016, nó được tạo thành từ một chuỗi gồm 26 vệ tinh trên quỹ đạo xung quanh Trái Đất, cho phép xác định vị trí địa lý chính xác đến từng mét, với mục tiêu lên tới 20 cm. 
Chức năng này được sử dụng cho nhiều ứng dụng, chẳng hạn như vận tải đường bộ, đường sắt và thậm chí để cứu hộ và tìm kiếm người gặp nạn, đặc biệt là trên biển. Ngày nay, khoảng 2,4 tỷ điện thoại thông minh tương thích với Galileo đã được bán trên thế giới. Một thế hệ tàu vũ trụ mới, với số lượng 12 chiếc, sẽ bắt đầu được phóng vào năm 2030, để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng này.
Bổ sung cho các dịch vụ Galileo, một số vệ tinh châu Âu tạo thành EGNOS, một hệ thống định vị lớp phủ địa tĩnh. EGNOS hoạt động từ năm 2009 cải thiện và sửa các tín hiệu được gửi bởi các dịch vụ định vị địa lý, bao gồm cả tín hiệu của Galileo, để tinh chỉnh độ chính xác của chúng.
Một chương trình lớn khác của châu Âu, Copernicus là một hệ thống quan sát Trái Đất dân sự. Nhờ các vệ tinh Sentinel, nó thu thập và phân tích dữ liệu về trạng thái của hành tinh trong 5 lĩnh vực chính: Thành phần khí quyển, môi trường biển và trên cạn, tác động của biến đổi khí hậu, an ninh (bao gồm cả biên giới giám sát) và quản lý khẩn cấp. Copernicus cung cấp một dịch vụ miễn phí và tự do sử dụng cho các công ty.
Chương trình Nhận thức tình huống không gian (SSA) nhằm đảm bảo cho các hoạt động ngoài Trái Đất được diễn ra an toàn và khả thi. Đó là một hình thức quản lý giao thông trên bầu trời, nhằm mục đích cụ thể là thực hiện kiểm kê các vật thể trong không gian của châu Âu và đánh giá rủi ro va chạm giữa các phương tiện không gian khác nhau, các mảnh vỡ của chúng và các vật thể gần Trái Đất, những nguyên tố hiện diện tự nhiên trong hệ Mặt trời có thể tiếp cận Trái Đất. Việc giám sát này bao gồm việc quan sát các hiện tượng khí tượng như pháo sáng Mặt Trời. Do đó, chương trình phải đảm bảo an toàn của các vệ tinh Galileo và Copernicus.
Cuối cùng, một sáng kiến viễn thông vệ tinh chính phủ (Govsatcom) nhằm cung cấp một dịch vụ liên lạc an toàn. Hữu ích cho các hoạt động quân sự hoặc nhạy cảm về an ninh, Govsatcom dành cho những lúc các mạng nhất định sẽ bị cắt trong những hoàn cảnh ngoại lệ, chẳng hạn khi có  thiên tai hoặc tấn công mạng.
Chương trình không gian châu Âu có ngân sách 14,9 tỷ euro cho giai đoạn 2021-2027. Ngân sách của Galileo và EGNOS từ năm 2021 đến năm 2027 được đặt ở mức 9 tỷ euro, so với 5,4 tỷ euro cho chương trình Copernicus. Trong giai đoạn này, 440 triệu euro đã được phân bổ cho SSA và Govsatcom./.