Cổng TTĐT Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Ngày 16/10/2020, nhân dịp 45 năm thành lập Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Tiểu Ban Khoa học và Công nghệ biển đã tổ chức “Hội nghị Khoa học và Công nghệ biển hướng tới phát triển bền vững kinh tế biển” với mục tiêu trao đổi, thảo luận và trình bày các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Hình ảnh hội nghị

Tham dự hội nghị có PGS. TS. Trần Tuấn Anh  – Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHCNVN cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị, các Ban chức năng và đông đảo các nhà khoa học.

Trong suốt 45 năm xây dựng và phát triển Viện Hàn lâm KHCNVN, lĩnh vực khoa học và công nghệ biển luôn khẳng định vị trí quan trọng trong các hướng nghiên cứu của viện, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng biển nước nhà. Trong thời gian 1975 đến nay, Nhà nước đã giao cho Viện Hàn lâm KHCNVN tổ chức thực hiện 6 chương trình nghiên cứu biển kế tiếp nhau, mỗi chương trình kéo dài 5 năm. Đó là các Chương trình Thuận Hải-Minh Hải (1976-1980); KT.48.06 (1981-1986); 48B (1986-1990); KT.03 (1991-1995); KHCN .06 (1996-2000); KC.09 (2001-2005); Các chương trình KC.09/06-10;KC.09/11-15 và KC.09/16-20 do Bộ KHCN trực tiếp thực hiện thông qua Văn phòng các chương trình Nhà nước cũng có sự đóng góp nhân lực quan trọng của Viện Hàn lâm KHCNVN. Đến nay, Viện đã chủ trì thực hiện hơn 70 đề tài các cấp nhà nước thuộc 9 chương trình nghiên cứu biển với tỷ lệ khoảng 40-50% tổng số đề tài của mỗi chương trình.

Viện Hàn lâm KHCNVN đã xây dựng được một đội ngũ chuyên gia nghiên cứu biển có kinh nghiệm. Trong số 25 Viện nghiên cứu khoa học cấp quốc gia có 5 viện nghiên cứu về biển: Viện Hải dương học, Viện Nghiên cứu và ứng dụng Công nghệ Nha Trang, Viện Tài nguyên và Môi trường biển, Viện Địa chất và Địa vật lý biển, Viện Hóa sinh biển và nhiều viện chuyên ngành khác nữa.

Với bề dày nghiên cứu cùng đội ngũ cán bộ khoa học, đơn vị nghiên cứu hùng hậu, trong thời gian tới, lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ biển của Viện Hàn lâm KHCNVN sẽ tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu của mình, khi thế kỷ 21 được thế giới xem là thế kỷ của Đại dương. Đảng và Nhà nước cũng đã đưa ra nhiều chủ trương lớn nhằm xây dựng Việt Nam trở thành nước mạnh về biển.

Trong khuôn khổ hội nghị lần này, Ban tổ chức tuyển chọn 20 báo cáo khoa học xuất sắc chia thành 2 tiểu ban: Tiểu ban 1 – Sinh học và nguồn lợi sinh vật biển, Tiểu ban 2 –Địa chất, địa vật lý biển Sinh thái, môi trường và quản lý biển và Phân ban báo cáo Poster. Các báo cáo hướng tới vấn đề chung về khí tượng, thủy văn và động lực học biển; Địa lý, địa chất và địa vật lý biển; Sinh học và nguồn lợi sinh vật biển; Môi trường và quản lý biển; Năng lượng, kỹ thuật công trình, vận tải và công nghệ biển.

Các báo cáo khoa học được trình bày tại Hội nghị đã góp phần cung cấp các thông tin về những sự tiến bộ và xu hướng hiện đại trong các chủ đề và lĩnh vực KHCN trên.

Chụp hình lưu niệm tham dự hội nghị