Chương Trình, Đề Tài Khoa Học – Nghiên cứu, đánh giá mức độ lan truyền các…

 

 

MỤC TIÊU

– Điều tra đánh giá hiện trạng ô nhiễm nước ngầm do nước thải sản xuất chế biến đường, bột mì và cao su trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

– Dự báo tình hình lan truyền chất ô nhiễm vào trong đất và nước ngầm. Đề xuất các giải pháp quản lý và các biện pháp khắc phục ô nhiểm nước ngầm do nước thải sản xuất chế biến đường, bột mì và cao su, góp phần cung cấp cơ sở khoa học, tham vấn cho các cơ quan chức năng quy hoạch và phát triển các ngành kinh tế của Tỉnh.

NỘI DUNG NGHIÊN CỨU

– Khảo sát, điều tra thực trạng diện tích, sản lượng, số lượng các cơ sở, mức độ ô nhiễm của tầng nước ngầm trong các khu vực có các cơ sở chế biến tinh bột, đường, cao su. Đánh giá những tác động ảnh hưởng của nó đến môi trường, đất, nước, khí và kinh tế xã hội, thực trạng các hệ thống xử lý nước hiện nay trong tỉnh và thu thập các công nghệ điển hình trong và ngoài nước, từ đó đề xuất các phương pháp xử lý nước thải phù hợp với từng ngành.

– Thu thập các số liệu về địa chất, trữ lượng nước ngầm ở các khu vực sản suất từ đó đánh giá khả năng tự thấm của đất.

– Khảo sát thành phần, tính chất của nước thải đặc trưng của ngành chế biến nông sản trong nước ngầm hiện nay. Phân tích thành phần nước thải chế biến tinh bột mì, đường và cao su ảnh hưởng đến chất lượng nước ngầm mạch nông xung quanh các cơ sở chế biến tinh bột mì, đường, cao su. Từ đó nghiên cứu, đánh giá những tác động ảnh hưởng đến môi trường như: đất, khí, nước và kinh tế xã hội xung quanh các cơ sở trên địa bàn tỉnh Tây Ninh ảnh hưởng đến kinh tế xã hội và sức khỏe nhân dân trong khu vực có các cơ sở hoạt động.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

– Tình hình sử dụng và quản lý nước ngầm ở Tây Ninh: Tây Ninh là tỉnh có tiềm năng nước dưới đất phong phú, việc khai thác và sử dụng nước ngầm ở đây đã có từ trước năm 1975; hiện nay quy mô khai thác nước ngầm ngày càng phát triển rộng, các ngành sản xuất tinh bột mì, cao su, chế biến đường sử dụng nước ngầm phục vụ cho sản xuất (với tổng lượng nước tiêu thụ trung bình khoảng 67.400 m3/ngày cho cả 03 đơn vị sản xuất);

– Kết quả phân tích mẫu nước ngầm, mẫu nước mặt, mẫu nước thải tại những khu vực có cơ sở chế biến tinh bột mì, đường và cao su.

+ Theo kết quả khảo sát, khoảng 90% nhà máy chế biến khoai mì trong khu vực có hồ ổn định nước thải không có lớp lót chống thấm và đa số đều bị quá tải, nước sau xử lý không đáp ứng được tiêu chuẩn xả thải;

+ Nước thải chế biến mủ cao su thuộc loại có tính chất gây ô nhiễm nặng (ô nhiễm hữu cơ và ô nhiễm chất dinh dưỡng), nước thải này dể phân hủy kỵ khí tạo thành khí H2S và mercaptan là những hợp chất không những gây độc và ô nhiễm môi trường mà chúng còn là nguyên nhân gây mùi hôi thối ảnh hưởng đến môi trường và dân cư trong khu vực, gây ô nhiễm nguồn nước mặt và có thể gây nên quá trình phú dưỡng khác;

+ Nước thải nhà máy sản xuất đường có nồng độ chất hữu cơ cao, biến thiên lớn, tỷ số BOD/COD lớn, chứng tỏ nước thải dể phân hủy sinh học; hiệu quả xử lý của hệ thống nước thải ở các nhà máy vẫn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn (COD> 100 mg/l, BOD5>50 mg/l), hệ thống hồ tùy nghi tiếp nối hồ kỵ khí (không chống thấm) gây ô nhiễm các giếng lân cận.

– Các cơ sở sản xuất tinh bột mì, cao su và cơ sở sản xuất đường ở Tây Ninh chưa có hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh, gây ô nhiễm cho nguồn nước mặt tiếp nhận, ảnh hưởng đến chất lượng tầng nước ngầm.

– So với tiêu chuẩn nước dùng cho ăn uống TCVN 5501 – 1991 thì nồng độ BOD và COD trong nước ở khu vực này cao hơn gấp nhiều lần.

– Trong tương lai, nếu các nhà máy sản xuất này, đặc biệt là các nhà máy sản xuất cao su nếu tăng công suất và không có biện pháp xử lý thích hợp thì mức độ nhiễm nước ở tầng 1 khu vực các nhà máy sẽ có nồng độ các chất ô nhiễm vượt mức tiêu chuẩn nhiều lần.

– Để giảm thiểu việc khai thác nước ngầm và giảm thiểu ô nhiễm, cần kiểm soát khai thác nước ngầm; giảm nhu cầu dùng nước; tăng lượng nước bổ cập bằng cách bảo tồn tầng chứa nước; ban hành các luật quy định và tiêu chuẩn hợp lý về bảo vệ nguồn tài nguyên nước ngầm; quy hoạch lại các ngành sử dụng nhiều nước. Một số giải pháp kỹ thuật khả thi có thể áp dụng:

+ Xử lý tại chỗ bằng thấm nhanh qua đất: nước ngầm ô nhiễm được bơm lên xử lý sơ bộ, châm chất dinh dưỡng, sục khí. Sau đó, nước được đưa vào hệ thống ống phân phối hoặc mương phân phối và được bơm trực tiếp vào đất nhờ vào quá trình phân hủy của vi sinh vật trong đất, nồng độ chất ô nhiễm giảm đáng kể (xung quanh ống phân phối được bao bọc bằng lớp đá dăm);

+ Xử lý tại nguồn thải: chống thấm toàn bộ hồ chứa sẵn có bằng lớp chống thấm HPDE, tránh không cho nước thải thấm xuống đất vào tầng nước ngầm; xây dựng hệ thống tiền xử lý đạt tiêu chuẩn loại C;

+ Xử lý xa nguồn: nước ngầm ô nhiễm được bơm vào hệ thống xử lý, đưa qua bể lọc sinh học tiếp xúc có sục khí, đi vào bể lắng, vào cột lọc cát nhằm khử SS cũng như phần hữu cơ còn sót lại.

– Nâng cao năng lực của cán bộ chuyên môn về quản lý tài nguyên nước ngầm, mở rộng mạng lưới cấp nước và tuyên truyền ý thức sử dụng nước sạch sâu rộng đến từng người dân, từng gia đình trong tỉnh;

– Phần mềm dự báo lan truyền các chất ô nhiễm từ các cơ sở sản xuất tinh bột mì, cao su, mía đường ảnh hưởng đến nước ngầm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; bảng đồ hiện trạng tỷ lệ 1/25.000.

KẾT QUẢ ỨNG DỤNG

Đề tài được UBND tỉnh công nhận kết quả nghiệm thu tại Quyết định số 413/QĐ-UBND ngày 06/6/2007. Kết quả nghiên cứu đã đạt được làm cơ sở giúp cho Sở Tài nguyên và Môi trường Tây Ninh xây dựng biện pháp quy hoạch, quản lý và xử lý nước ngầm thích hợp cho tỉnh Tây Ninh.