Các nguyên tắc và phương pháp nghiên cứu của tâm lý học tư pháp?

Hệ thống phương pháp nghiên cứu của tâm lý học tư pháp với mục đích nhằm tìm hiểu đặc điểm tâm lý của các đối tượng trong hoạt động tư pháp như: diễn biến tâm lý của các chủ thể trong hoạt động tư pháp; thái độ của các chủ thể tham gia; động cơ, mục đích thực hiện hành vi phạm tội…

1. Khái quát chung

Hệ thống phương pháp nghiên cứu của tâm lý học tư pháp với mục đích nhằm tìm hiểu đặc điểm tâm lý của các đối tượng trong hoạt động tư pháp như: diễn biến tâm lý của các chủ thể trong hoạt động tư pháp; thái độ của các chủ thể tham gia; động cơ, mục đích thực hiện hành vi phạm tội; nguyên nhân, điều kiện khi thực hiện hành vi phạm tội; các đặc điểm về mặt nhân thân của người phạm tội. Tuy nhiên khi sử dụng các phương pháp nghiên cứu các chủ thể tiến hành cần phải tuân thủ một số nguyên tắc.

2. Các nguyên tắc nghiên cứu của tâm lý học tư pháp

Bản chất của nghiên cứu khoa học là sự tìm tòi, khám phá, phát hiện các tri thức mới, giải thích các quy luật vận động, phát triển cũng như mối quan hệ giữa các sự vật, hiện tượng một cách khoa học. Để thực hiện được điều này, người làm khoa học không những phải nắm được các phương pháp, kỹ thuật tiến hành nghiên cứu, sử dụng một cách thành thạo, mà còn phải được dẫn dắt bởi các nguyên tắc phương pháp luận làm cơ sở tư duy cho nghiên cứu.

Nghiên cứu tâm lý của con người được thực hiện dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng, coi tâm lý người là sự phản ánh chủ quan về thế giới khách quan bên ngoài. Có thể thấy, sự phản ánh này phải thông qua chủ thể là con người. Trong tâm lý học Mác xít, đó là chủ thể của hoạt động sống, hoạt động tích cực và sáng tạo. Trong hoạt động sống đó, tâm lý người hình thành và phát triển. Đó là luận điểm cơ bản mang tính phương pháp luận khi nghiên cứu con người. Dưới đây sẽ nêu một số nguyên tắc làm cơ sở phương pháp luận cụ thể mang tính hướng dẫn để tiến hành các nghiên cứu về tâm lý người.

2.1 Nguyên tắc mục đích

Nguyên tắc này đòi hỏi khi sử dụng các phương pháp nghiên cứu tâm lý, ta phải xác định rõ mục đích sử dụng. Mỗi một phương pháp nghiên cứu đều chỉ đáp ứng một hoặc một số mục đích nhất định trong việc thu thập thông tin. Việc xác định rõ mục đích sử dụng sẽ gíup cho ta có thể lựa chọn các biện pháp nghiên cứu phù hợp. Chẳng hạn, phụ thuộc vào việc ta muốn hiểu được thái độ khai báo của đối tượng, hay muốn biết được anh ta là ngươì có tính cách ra sao thì ta sẽ lựa chọn các phương pháp nghiên cứu hoàn toàn khác. Với hai mục đích khác nhau như vậy ta không thể sử dụng cùng một phương pháp.

2.2 Quyết định luận duy vật của các hiện tượng tâm lý

Các hiện tượng tâm lý không tồn tại độc lập mà phụ thuộc một cách tất yếu và có tính quy luật vào các điều kiện xã hội – lịch sử cụ thể. Các điều kiện xã hội – lịch sử bao gồm toàn bộ những điều kiện, đặc điểm của hoàn cảnh xã hội, đặc điểm môi trường xã hội với tất cả  các mối quan hệ xã hội của cá nhân, các điều kiện sống và làm việc của cá nhân. Quan điểm về quyết định luận duy vật các hiện tượng tâm lý cần được cụ thể hóa trong quá trình thực hiện nghiên cứu tâm lý học. Tức là, khi nghiên cứu đánh giá các hiện tượng tâm lý người phải nhìn thấy những yếu tố mang tính quyết định từ điều kiện xã hội – lịch sử cụ thể, trong các mối quan hệ xã hội cụ thể của con người. Đồng thời, phải xem xét các điều kiện bên trong của cá nhân, xem xét hiện tượng, vấn đề nghiên cứu trong mối liên hệ với các yếu tố sinh học, đặc điểm hoạt động của hệ thần kinh cấp cao, các trạng thái, thuộc tính tâm lý của nhân cách. Đây là điều kiện để có thể đưa ra những đánh giá khách quan từ các kết quả nghiên cứu tâm lý học.

2.3 Nguyên tắc tiếp cận nhân cách

Khi đánh giá một con người, ta cần phải tiếp cận họ một cách toàn diện, tìm hiểu tất cả các thuộc tính trong nhân cách của họ, mối quan hệ tác động qua lại của chúng. Mặt khác, cần phải phân tích được ảnh hưởng của yếu tố sinh học và yếu tố xã hội đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của họ. Có như vậy, ta mới có được kết luận chính xác về tâm lý của đối tượng mà ta quan tâm.

Sự thống nhất giữa tâm lý, ý thức và hoạt động: Quan điểm hoạt động đã nêu rõ cần nghiên cứu tâm lý con người trong hoạt động của họ và thông qua hoạt động sẽ nảy sinh, hình thành và phát triển tâm lý và ý thức của con người. Sự thống nhất giữa tâm lý, ý thức và hoạt động thể hiện ở sự gắn bó hữu cơ: tâm lý được thể hiện trong hoạt động và hoạt động là cơ sở để hình thành và phát triển tâm lý, ý thức. Sự thống nhất này được thể hiện trong suốt cả quá trình tồn tại và phát triển người.

Như vậy, nghiên cứu tâm lý, ý thức con người, phải quan tâm nghiên cứu những biểu hiện hành vi trong hoạt động cụ thể bởi những biểu hiện này sẽ thống nhất với tâm lý và ý thức của con người. Hoạt động trở thành cơ sở khách quan để nghiên cứu tâm lý con người.

3. Nguyên tắc phát triển của tâm lý người

Quan điểm phát triển như cơ sở phương pháp luận cơ bản cho nhiều ngành khoa học dựa trên quan điểm duy vật biện chứng. Quan điểm này cũng được áp dụng cho nghiên cứu tâm lý học.

Theo quan điểm này, mọi hiện tượng tâm lý đều có quá trình nảy sinh vận động, phát triển và biến đổi chứ không bất biến, cố định. Vì thế, nghiên cứu tâm lý người cũng phải trong sự vận động, phát triển và biến đổi của nó. Trong sự phát triển này có sự tác động qua lại giữa các yếu tố, các hiện tượng, và cả các thành phần cấu thành.

Trong quá trình phát triển, sự kế thừa cái cũ và xuất hiện cái mới, sự đồng nhất và khác biệt, sự duy trì, củng cố và sự biến đổi… quan hệ với nhau một cách biện chứng.

Quan điểm này đòi hỏi khi nghiên cứu các hiện tượng tâm lý thì phải xem xét chúng trong sự vận động, để tìm kiếm quy luật của sự vận động này, trên cơ sở đó có thể đưa ra những dự báo về kết quả trong tương lai.

3.1 Nguyên tắc khách quan

Nguyên tắc này đòi hỏi khi thu thập thông tin về tâm lý một đối tượng nào đó, ta phải đảm bảo được tính chân thực và phản ánh đúng bản chất của hiện tượng tâm lý mà ta quan tâm. Đảm bảo nguyên tắc này, khi thu thập thông tin về đối tượng, ta phải đảm bảo sử dụng các phương pháp có độ tin cậy cao; phải đảm bảo phản ánh đúng các đặc điểm của đối tượng; việc phân tích, đánh giá tâm lý đối tượng không được suy diễn tuỳ tiện, chủ quan mà phải dựa trên cơ sở những thông tin mà ta đã thu thập được.

Những cơ sở phương pháp luận được trình bày trên đây sẽ là hỗ trợ nhà nghiên cứu trong quá trình họ hình thành ý tưởng nghiên cứu, cung cấp cho họ lối tư duy và cách nhìn nhận, đánh giá các hiện tượng tâm lý mà họ quan tâm một cách khách quan, khoa học.

3.2 Nhiệm vụ nghiên cứu

Tâm lý học tư pháp với tư cách là một khoa học độc lập và có những nhiệm vụ nhất định. Có thể chia là hai loại là nhiệm vụ chung và nhiệm vụ cụ thể.

Nhiệm vụ chung của tâm lý học tư pháp là sự kết hợp khoa học các tri thức tâm lý học và luật học, phát hiện bản chất tâm lý của những phạm trù cơ bản của hoạt động tư pháp.

Nhiệm vụ cụ thể của tâm lý học tư pháp có thể được coi là nghiên cứu các hướng dẫn thực hiện hiệu quả nhất trong từng hoạt động tố tụng. Vì vậy tâm lý học tư pháp giải quyết những vấn đề sau:

Một là, tâm lý học tư pháp phải phân tích đặc điểm và cấu trúc của hoạt động tư pháp: chỉ ra những yếu tố, những thành phần cấu thành hoạt động tư pháp, các chức năng tâm lý trong cấu trúc của hoạt động điều tra vụ án hình sự, hoạt động truy tố, hoạt động xét xử vụ án hình sự, hoạt động giải quyết một số vụ việc trong dân sự và hoạt động giáo dục cải tạo phạm nhân;

Hai là, tâm lý học tư pháp phải phân tích những hiện tượng tâm lý của các chủ thể tiến hành nảy sinh trong hoạt động tư pháp. Cụ thể: tâm lý của Điều tra viên nảy sinh trong hoạt động điều tra vụ án hình sự, tâm lý Kiểm sát viên nảy sinh trong hoạt động truy tố; tâm lý của của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân nảy sinh trong hoạt động xét xử; tâm lý của cán bộ quản giáo nảy sinh trong hoạt động quản lý, giáo dục cải tạo phạm nhân và những phẩm chất tâm lý cần có của những chủ thể hoạt động trên (điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, cán bộ quản giáo trại giam);

Ba là, tâm lý học tư pháp phải phân tích những hiện tượng tâm lý của những người tham gia trong các giai đoạn tố tụng và tâm lý của người đang thi hành án phạt tù tại trại giam. Cụ thể là tâm lý của bị can, người bị hại, người làm chứng, người tham gia đối chất, người có quyền và nghĩa vụ liên quan; tâm lý của bị cáo, người bị hại, người làm chứng khi tham gia xét xử tại tòa; tâm lý của phạm nhân tại các trại giam;

Bốn là, tâm lý học tư pháp phải nghiên cứu, phân tích những tác động tâm lý được các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, cán bộ quản giáo trại giam sử dụng trong các hoạt động tư pháp theo chức năng nhiệm vụ của mình, giúp cho cán bộ tư pháp có thể tác động đến tâm lý của những đối tượng cần thiết để mang lại kết quả trong hoạt động tư pháp;

Năm là, tâm lý học tư pháp phải phân tích khía cạnh tâm lý trong hoạt động phạm tội của người phạm tội (như động cơ, mục đích, nhân cách người phạm tội..). Để thực hiện có hiệu quả hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh chống tội phạm, các chủ thể hoạt động tư pháp cần nắm được diễn biến tâm lý của người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội, đặc điểm nhân cách người phạm tội. Đây là những đặc điểm tâm lý xuất hiện ở cá nhân trước khi họ trở thành người tham gia hoạt động tố tụng và liên quan chặt chẽ đến việc hình thành tâm lý của bị can, bị cáo, phạm nhân. 

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ này đòi hỏi tâm lý học tư pháp phải có sự kết hợp liên ngành với các ngành khoa học khác.

4. Vai trò của tâm lý học tư pháp

Với tư cách là một khoa học ứng dụng tâm lý học tư pháp có một vai trò quan trọng đối với những chủ thể tiến hành hoạt động tư pháp nói riêng và cho cả xã hội nói chung. Trên cơ sở đối tượng nghiên cứu và nhiệm vụ nghiên cứu của tâm lý học tư pháp tâm lý tư pháp có vai trò cụ thể sau:

Thứ nhất, một trong những nghiệm vụ của tâm lý học tư pháp là nghiên cứu để đưa ra biện pháp, cách thức tác động vào các chủ thể tham gia tố tụng (nghi can, bị can, bị cáo, phạm nhân, người làm chứng, người bị hại…) nhằm đạt được mục đích trong từng hoạt động. Do vậy tâm lý học tư pháp giúp cơ quan tiến hành tố tụng rút ngắn con đường tìm ra sự thật khách quan. 

Thứ hai, tâm lý học tư pháp góp phần vào công tác phòng ngừa tội phạm. Trên cơ sở nghiên cứu, làm rõ nguyên nhân tâm lý, điều kiện phạm tội, tâm lý học tư pháp giúp các cơ quan có thẩm quyền đưa ra được những chủ trương, những biện pháp đúng đắn và có hiệu quả trong việc phòng ngừa tội phạm, loại bỏ những yếu tố là nguyên nhân phát sinh tội phạm trong lối sống của cá nhân và cộng đồng dưới góc độ tâm lý;

Thứ ba, tâm lý học tư pháp giúp nâng cao hiệu quả của hoạt động giáo dục, cảm hoá người phạm tội. Việc nghiên cứu làm rõ đặc điểm tâm lý, nhân cách của bị can, bị cáo, của phạm nhân trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam, ảnh hưởng của điều kiện, hoàn cảnh sống ở trại giam đối với phạm nhân cho phép người tiến hành tố tụng, giám thị và quản giáo trại giam xây dựng chương trình, những biện pháp tác động phù hợp, đảm bảo cho việc hiện thực hoá mục đích của hoạt động giáo dục trong giai đoạn điều tra, xét xử và đặc biệt là trong giai đoạn thi hành án;

Cuối cùng, tâm lý tư pháp còn có ý nghĩa đối với công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành tư pháp, công tác tổ chức hoạt động tư pháp. Để một hoạt động diễn ra có kết quả cao thì trước hết chủ thể tiến hành phải có đủ những phẩm chất mà hoạt động đó đòi hỏi. Việc nghiên cứu điều kiện và đặc điểm của hoạt động tư pháp vừa giúp đưa ra những tiêu chuẩn trong công tác tuyển dụng cán bộ ngành tư pháp, xác định phương hướng và chương trình đào tạo, bồi dưỡng họ, vừa là cơ sở để tổ chức hoạt động một cách hợp lý.

Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật hình sự – Công ty luật Minh Khuê