Chăm sóc sức khỏe trong đại dịch COVID-19: Bài 2: Chủ động tập luyện, nâng cao sức khỏe

Chăm sóc sức khỏe trong đại dịch COVID-19: Bài 2: Chủ động tập luyện, nâng cao sức khỏe

24/09/2021 21 : 22 ( GMT + 7 )

Chăm sóc sức khỏe trong đại dịch COVID-19: Bài 2: Chủ động tập luyện, nâng cao sức khỏe

Hà Nội (TTXVN 24/9)

Với tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp như hiện nay, các chuyên gia khuyến cáo, mọi người cần tăng cường sức khỏe, nâng cao sức đề kháng để có thể chống chọi với dịch bệnh. Vì vậy, mỗi người cần tăng cường tập thể dục dù trong thời gian giãn cách.

* Rèn luyện sức khỏe tại nhà, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch

Dịch COVID-19 đang lây lan ở nhiều tỉnh, thành phố, diễn biến phức tạp và khó lường, Chính phủ, các bộ, ngành khuyến cáo người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, hạn chế tập trung đông người nơi công cộng. Điều đó đồng nghĩa với việc người dân không nên ra những nơi công cộng để tập thể dục, thể thao. Tuy nhiên, việc tập luyện, rèn luyện sức khỏe là nhu cầu cần thiết của con người và người dân cũng hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà.

Tùy theo không gian, điều kiện của mỗi gia đình, tùy theo lứa tuổi, giới tính, tình trạng sức khỏe, mỗi người dân hãy chọn cho mình môn thể thao, hình thức tập luyện phù tại nhà như: Môn Yoga, thể dục tay không, thể dục Aerobic, khiêu vũ thể thao, các môn võ thuật, thể dục dưỡng sinh, nhảy dây tại chỗ, chạy nâng cao đùi, chạy trên máy tập, tập tạ và tập với dụng cụ đơn giản, xà đơn, chống đẩy, gập cơ bụng để giúp tăng cường sự dẻo dai, linh hoạt của các cơ bắp, xương, khớp, khả năng thăng bằng của cơ thể…  

Nhằm thích ứng kịp thời trong điều kiện dịch bệnh với mục đích hướng dẫn người dân tập luyện thể dục, thể thao tại nhà, Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã phối hợp với các đơn vị xây dựng những bài tập phù hợp tại nhà dành riêng cho người cao tuổi, đàn ông trung niên, phụ nữ, thanh thiếu niên, trẻ em, người khuyết tật; bài tập thể dục phòng, chống mệt mỏi toàn thân; phòng, chữa đau mỏi lưng, cổ, vai, gáy; phòng, chống mệt mỏi hai tay và mắt; phòng, chống mệt mỏi chân và đau xương khớp; thể dục hồi phục sức khỏe do ốm dậy hoặc lao động trong môi trường độc hại…

Cùng với đó, nhằm lan tỏa tinh thần thể thao Việt Nam chiến thắng đại dịch COVID-19, Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội cũng đã xây dựng 1 bài tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe với sự góp mặt của hàng trăm vận động viên của các đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ với tinh thần cổ động, thúc đẩy mọi người dân trên cả nước cùng tham gia tập luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe trong những ngày người dân tại nhiều địa phương trên cả nước phải ở nhà, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Chính phủ.  

* Ngành Y tế đồng hành, hướng dẫn F0 điều trị tại nhà

Theo Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Thị Phương Anh, Trưởng khoa Thăm dò và Phục hồi chức năng (Bệnh viện phổi Trung ương): Người dân cần phải tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày để tăng cường sức khỏe của cơ hô hấp đồng thời tập thở cũng sẽ giúp tăng cường không khí vào phổi, giúp cho lá phổi khỏe mạnh hơn.

Một số bài tập được chuyên gia hướng dẫn giúp mọi người tập thở tại nhà như bài tập thở cơ hoành. Cụ thể, khi mới tập luyện nên tập luyện ở tư thế nằm, kê gối dưới đầu, hai chân gập lại, hai đầu gối vuông góc, đặt một hoặc hai tay lên trên bụng, hít vào đường mũi, bụng căng phình lên khi thở ra thì bụng từ từ thóp lại, tay ấn xuống ổ bụng. Ở những người khỏe, sau khi hít và nín hơi càng lâu càng tốt để không khí trao đổi với hệ thống mao mạch phổi; còn đối với những người mới bắt đầu tập luyện, hít vào một mức vừa phải sau đó tập tăng dần lên.  

Đối với những trường hợp có bệnh lý hô hấp trước đó hoặc các trường hợp hút thuốc lá, thuốc lào, nên thực hiện kỹ thuật thở mím môi và kỹ thuật thở chu kỳ chủ động. Cụ thể, người tập ngồi hai chân mở rộng bằng vai, thả lỏng cơ thể, hít vào làm căng lồng ngực, sau đó mím môi thở ra từ từ. Lưu ý với kỹ thuật này thời gian thở ra kéo dài ít nhất bằng hai lần thời gian hít vào, nên thở mím môi ngay sau khi ngủ dậy hoặc khi có cảm giác muốn ho.

Thực hiện kỹ thuật thở chu kỳ chủ động bằng cách hít thở nhẹ nhàng 20-30 giây sao cho cảm thấy thoải mái thư giãn nhất, sau đó hít thật sâu bằng mũi cho lồng ngực được căng giãn tối đa, nín hơi khoảng 2-3 giây, thở ra nhẹ nhàng bằng miệng, cuối cùng hít thật sâu nén hơi  2-3 giây tròn miệng hà hơi đẩy mạnh dòng khí ra ngoài. Bác sỹ Nguyễn Thị Phương Anh chia sẻ thêm.

Đối với bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ hoặc không có triệu chứng được điều trị tại nhà, các chuyên gia cũng khuyến cáo ngoài việc tập luyện các bài tập nâng cao sức khỏe, bệnh nhân cần đảm bảo các điều kiện sinh hoạt để tránh lây nhiễm cho người thân và cần theo dõi sức khỏe, phát hiện các bất thường theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, người mắc COVID-19 cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tập luyện hằng ngày và có tinh thần lạc quan để cải thiện sức khỏe.

Tại Quyết định số 4156/QĐ-BYT ngày 28/8/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành Tài liệu hướng dẫn chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại nhà cũng nêu rõ, cần bố trLawfcho người nhiễm phòng ngủ và phòng vệ sinh riêng, nếu không có thì đánh dấu không gian riêng cho F0, đồng thời luôn giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người khác; luôn mở cửa sổ, cửa lối đi khi có thể, nhằm cho không khí luôn được thay đổi; không sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm với các phòng khác; không để luồng khí thổi từ phòng F0 vào không gian chung; sử dụng quạt và máy lọc không khí.

F0 cách ly, điều trị tại nhà cũng không ăn uống cùng với người khác; không di chuyển ra khỏi khu vực cách ly; không tiếp xúc gần với người khác…

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cũng khuyến cáo người dân phải tìm hiểu cách thức hoạt động của virus SARS-CoV-2 và nắm chắc những khuyến cáo của Bộ Y tế. Khi đã hiểu được cặn kẽ những khuyến cáo, người dân sẽ nắm rõ thông điệp 5K có tác dụng như thế nào, thực hành chuẩn 5K thì vẫn có thể chống được sự lây truyền của virus này./.

Nam Thái