Xử trí vết bầm tím sau hiến máu – Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương

Tại vị trí lấy máu có thể xuất hiện vết bầm tím sau hiến máu (hiến máu toàn phần hoặc hiến thành phần máu), nhưng người đừng quá lo lắng vì hoàn toàn có thể xử trí được.

DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VẾT BẦM TÍM

Sau hiến máu, máu có thể thoát ra ngoài thành mạch gây ra tình trạng xuất huyết cục bộ dưới da, tạo thành vết bầm tím xung quanh khu vực lấy ven gây phồng ven, đau nhức. Các vết bầm có màu sắc thay đổi từ xanh đến vàng, tím đậm rồi nhạt dần và biến mất trong 7 – 10 ngày mà không để lại di chứng.

vết bầm tím sau hiến máu

NGUYÊN NHÂN VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ GÂY BẦM TÍM 

  • Loại kim sử dụng trong hiến máu và hiến tiểu cầu to hơn so với kim tiêm thông thường.
  • Thời gian lưu kim trong lòng mạch dài, vết kim lâu liền, dễ gây ra bầm tím.
  • Người hiến máu có thành mạch mỏng, dễ vỡ.
  • Sau khi hiến, người hiến máu vận động mạnh cánh tay lấy ven…

CÁCH PHÒNG TRÁNH VIỆC XUẤT HIỆN BẦM TÍM SAU KHI HIẾN MÁU

  • Mặc áo có tay áo rộng rãi khi hiến máu.
  • Ấn chặt miếng bông để cầm máu ngay sau khi hiến máu xong. Đồng thời quấn băng ép, giữ băng ép tối thiểu 6 tiếng.
  • Hạn chế vận động mạnh với cánh tay lấy máu, như: khuân vác, tập gym … trong vòng 2 ngày sau hiến máu.

CÁCH XỬ TRÍ NẾU XUẤT HIỆN VẾT BẦM TÍM

  • Duỗi thẳng, hơi nâng cao cánh tay 15 phút sau khi hiến máu.
  • Chườm lạnh tại vị trí sưng phồng, bầm tím trong 24 tiếng sau khi hiến máu (không để đá lạnh áp trực tiếp vào da).
  • Sau 24 tiếng, chuyển sang chườm ấm chỗ vết bầm tím, chườm mỗi lần 10 phút, chườm 2 – 3 lần mỗi ngày;
  • Nếu vết bầm tím kèm đau nhức, người hiến máu có thể sử dụng thuốc Paracetamol 500 mg. Uống 1 viên/1 lần, mỗi lần cách nhau tối thiểu 6 giờ.
  • Thông thường, vết bầm sẽ mất sau khoảng 7 – 10 ngày mà không cần điều trị. Nhưng nếu vết bầm tím lan rộng, đau nhiều, sưng đỏ và viêm, người hiến máu cần liên hệ ngay với cơ sở tiếp nhận máu.

Thông tin liên hệ: Khoa Tiếp nhận máu và các thành phần máu, Viện Huyết học – Truyền máu TW, số điện thoại: 024.37821898.