Xây dựng thương hiệu thời trang Việt Nam, từ thị trường nội địa hướng ra thị trường quốc tế

Theo báo cáo của lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam, năm 2021 là năm thử thách khắc nghiệt nhất đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp do tác động của đại dịch Covid-19. Dệt may là một trong những ngành thâm dụng lao động nhất nên tác động tiêu cực của dịch bệnh càng nặng nề hơn. Nhưng ngành dệt may đã vững vàng vượt qua mọi khó khăn, đạt được những kết quả phát triển hết sức ấn tượng với kim ngạch xuất khẩu đạt trên 40,4 tỷ USD, tăng trưởng gần 15%, vượt mức tăng trưởng của năm 2019 dù 19 tỉnh phía Nam gần như phải ngừng sản xuất trong suốt quý III. Đặc biệt, ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã giữ vững và phát huy được vai trò đầu tàu, hạt nhân, đạt kết quả tốt nhất trong vòng 25 năm trở lại đây, lợi nhuận năm 2021 nhảy vọt đạt trên 1.440 tỷ đồng (gấp 2,5 lần năm 2020), đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn gần 29% và vượt 90% kết quả của năm 2019 – là năm có kết quả hoạt động tốt nhất trước đại dịch. Tập đoàn đã duy trì việc làm cho hơn 150.000 lao động với thu nhập bình quân trên 8,2 triệu đồng/người/tháng.

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường đã nêu một số kiến nghị về ổn định kinh tế vĩ mô; sớm có hướng dẫn để doanh nghiệp được hưởng các chính sách từ gói chính sách tài chính, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế – xã hội; cắt giảm chi phí logistic; linh hoạt sử dụng giờ làm thêm tối đa trong năm.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi tới toàn thể cán bộ, người lao động ngành dệt may những lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất. Biểu dương thành tựu của ngành, Chủ tịch Quốc hội cho rằng ngành dệt may, trong đó có Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã làm nên những điều kỳ diệu. Thành công của ngành dệt may và Tập đoàn Dệt may Việt Nam là minh chứng hết sức sinh động cho sức sống mãnh liệt và tinh thần linh hoạt, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và cạnh tranh ngày càng gay gắt.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, năm 2022 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm giai đoạn 2021-2025. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, do đó cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục cố gắng, nỗ lực vượt bậc và thực chất hơn nữa. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tập đoàn Dệt may Việt Nam nắm bắt các cơ hội, các xu hướng thay đổi trong chuỗi cung ứng quốc gia cũng như mối quan hệ trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Cùng với đẩy mạnh thị trường xuất khẩu, ngành dệt may phải chú trọng hơn nữa thị trường nội địa. Với quy mô 100 triệu dân, đang có nhu cầu rất lớn cả về số lượng và chất lượng các sản phẩm may mặc, thời trang thì đây là thị trường lớn và hết sức tiềm năng. Cần đa dạng các dòng sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường trong nước, có chất lượng tốt, giá thành hợp lý, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp, người nghèo tiếp cận được sản phẩm.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng thương hiệu thời trang Việt Nam, từ thị trường nội địa hướng ra thị trường quốc tế. Dệt may Việt Nam không thể cứ gia công mãi mà phải phát triển ngành công nghiệp thời trang. Cần hướng đến mục tiêu từng bước vươn lên các thang bậc cao hơn trong chuỗi giá trị về thiết kế và thương hiệu của ngành dệt may toàn cầu, quyết tâm nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm dệt may Việt Nam. Thúc đẩy, bảo vệ để công nhân và người lao động được thụ hưởng những thành quả xứng đáng đóng góp cho Tập đoàn và đất nước.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ ngành quyết liệt triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, giúp các doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất; tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.