WeWork – Sự sụp đổ của startup định giá 47 tỷ USD

Góc nhìn doanh nhân

WeWork – Sự sụp đổ của startup định giá 47 tỷ USD

Bài học từ câu chuyện “lên voi xuống chó” của zombie startup WeWork

Linh Phan

Jul 1, 2022

7

Share

Sự ra đời của WeWork

Năm 2001, Adam Neumann (CEO của WeWork) đến thành phố New York sau khi hoàn thành nghĩa vụ trong quân đội Israel.

Ban đầu, anh thành lập một công ty tên là Krawlers, chuyên bán quần áo có đệm đầu gối cho trẻ sơ sinh đã biết bò, tại Dumbo, Brooklyn. Khi đó, công ty của Neumann nằm trong cùng toà nhà với kiến trúc sư Miguel McKelvey. Cơ duyên này đã dẫn đến sự thành lập WeWork sau này, với Neumann là Giám đốc điều hành (CEO) và McKelvey là người đồng sáng lập (Cofounder).

Miguel McKelvey (trái) và Adam Neumann (phải)

Trong thời gian điều hành Krawlers, Neumann rất có hứng thú với bất động sản và đã để ý từ lâu một nhà kho bỏ trống trên phố Water. Vì vậy, anh cùng McKelvey đã tìm đến chủ nhà kho đó. Cả hai đã ký thoả thuận kinh doanh bất động sản tại đây, lấy tên công ty là GreenDesk – hiện thân ban đầu của WeWork – hướng đến không gian làm việc thân thiện với môi trường (sustainable) sử dụng đồ nội thất tái chế và năng lượng gió, với ý tưởng cho thuê bàn làm việc hoặc văn phòng riêng theo tháng. Neumann và McKelvey kiếm lợi nhuận bằng cách tính phí cho từng người/nhóm/công ty thuê cộng lại nhiều hơn tiền họ thuê mặt bằng.

“Đi tắt, đón đầu”, với suy thoái kinh tế gây áp lực tài chính lên các doanh nghiệp vào thời điểm đó, GreenDesk đã phát triển vô cùng mạnh mẽ với hình thức cho thuê văn phòng. Neumann và McKelvey sau đó đã nhận ra rằng, sức mạnh thật sự của ý tưởng này nằm ở việc tạo ra một cộng đồng bên trong không gian làm việc chung (coworking spaces community).

  • Khác với văn phòng truyền thống, coworking spaces gồm các thành viên làm việc cho nhiều công ty và dự án khác nhau. Có rất ít sự cạnh tranh trực tiếp hay mâu thuẫn nội bộ giúp người thuê không bị áp lực bởi việc phải hoà nhập. Hơn nữa, việc mỗi thành viên có một chuyên môn riêng tạo ra sự đa dạng trong cộng đồng bằng cách học hỏi hoặc cộng tác với nhau.

Với “tia sáng” đó, họ đã bán GreenDesk vào năm 2010 cho Joshua Guttman, người chủ nhà, với “một vài triệu đô”, và thành lập WeWork. Địa điểm đầu tiên của WeWork nằm trong khu SoHo của Manhattan với ván sàn ọp ẹp và lớp sơn bong tróc.

The rise – 47 tỷ đô lịch sử

1 tháng kể từ khi ra mắt, WeWork đã đem lại lợi nhuận. Được đà tiến tới, Neumann và McKelvey đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào thương hiệu WeWork. Trong 2 năm tiếp theo, công ty mở thêm 4 địa điểm mới và thu hút sự chú ý của Benchmark, một công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu.

Trong vòng gọi vốn đầu tiên, Benchmark đã rót 17 triệu đô cho WeWork, tạo điều kiện cho công ty tiếp tục mở thêm địa điểm và có 10,000 thành viên vào năm 2014, nâng định giá của WeWork lên 97 triệu đô. Cũng trong năm đó, WeWork mở văn phòng quốc tế đầu tiên tại London.

WeWork chính thức gia nhập hàng ngũ “Kỳ lân” (Unicorn) vào tháng 2/2014 sau khi nhận khoản đầu tư series C lên đến 150 triệu đô đến từ nhiều tổ chức bao gồm JP Morgan Chase, Harvard Management, Benchmark Capital và Mort Zuckerman. Định giá lúc này của WeWork là 1.49 tỷ đô.

Trong suốt những năm sau đó, đã có rất nhiều nhà đầu tư nhìn thấy tiềm năng và rót một số tiền không nhỏ vào WeWork, điển hình như 335 triệu đô vốn series D từ T. Rowe Price, Wellington Management và Goldman Sachs, 433 triệu đô series E từ Fidelity, và 690 triệu đô series F từ Legend Holdings, Hony Capital và các nhà đầu tư trước đó.

Tháng 8/2017, các nhà đầu tư bán cổ phần trị giá 1.3 tỷ đô cho Softbank. Softbank sau đó đã dẫn đầu khoản đầu tư 1.7 tỷ đô series G vào WeWork cùng các quỹ Catalyst Investors, Alpha JWC Ventures, Syren Capital Advisors, Primary Venture Partners và StraightPath Venture Partners.

WeWork U-turn reignites SoftBank and Benchmark battle | Financial Times

Đến tháng 10 năm 2018, WeWork được định giá 20 tỷ đô với:

  • Số lượng thành viên: 220 nghìn

  • Số chi nhánh: 234

  • Tổng doanh thu: 886 triệu đô (2017), tăng 103% so với năm trước

  • Nợ tiền thuê: 18.2 triệu đô

  • Dòng tiền còn lại sau khi công ty trả các khoản chi phí hoạt động (free cash flow): -778 triệu đô (2017)

Tháng 1/2019, Softbank tiếp tục mua lại 1 tỷ đô cổ phần của WeWork, giảm định giá WeWork xuống 20 tỷ đô từ 21.2 tỷ đô trước đó.

Đi cùng với việc Softbank mua lại cổ phần là khoản đầu tư 5 tỷ đô được Softbank rót vào sau đó, nâng giá trị WeWork lên 47 tỷ đô – trở thành startup công nghệ có giá trị vốn hoá cao nhất Hoa Kỳ tại thời điểm đó.

Thậm chí, ngay trước thời điểm IPO, WeWork từng có định giá gần 120 tỷ đô trong các phiên chào giá kín:

WeWork được định giá cao “trên trời” như vậy vì:

  • Doanh thu của WeWork tăng “chóng mặt”

  • CEO Neumann với khả năng huy động tiền đầu tư, mở rộng quy mô và luyên thuyên nói về “nâng cao nhận thức của thế giới”

  • Niềm hi vọng mãnh liệt từ các nhà đầu tư (nhất là Softbank) vào thành công của WeWork

    • Bên lề: Adam Neumann chỉ mất 28 phút để thuyết phục Masayoshi Son đầu tư 4.4 tỷ đô vào WeWork lần đầu

      • Một số nguồn tin tiết lộ mối quan hệ giữa Son và Neumann bắt nguồn từ sự kiện Startup India diễn ra vào tháng 1/2016. Khi đó, ông chủ SoftBank đang tìm kiếm những nhà sáng lập có tầm nhìn phù hợp với Quỹ Vision (Vision Fund) 100 tỷ đô của tập đoàn. Tại đây, Son đã ăn tối với cựu CEO WeWork để bàn chuyện công việc. Sau đó, Son đã có chuyến “thăm” trụ sở WeWork ở Manhattan vào tháng 12/2016. Ông đến muộn 2 giờ và thông báo rằng mình chỉ có 12 phút để tham quan công ty.

      • Tuy chỉ 12 phút, Son đã bị Neumann lôi cuốn đến nỗi ông đã đồng ý dạo một chuyến xe với anh. Cũng tại đây, Giám đốc Điều hành WeWork đã đưa ra bản điều khoản đầu tư trị giá 4.4 tỷ USD trên một chiếc iPad và chỉ mất một thời gian ngắn tính bằng phút, cả hai người đều ký tên ở phía dưới, tạo nên một trong những thương vụ đầu tư lớn nhất của SoftBank.

Adam Neumann chỉ mất 28 phút để thuyết phục Masayoshi Son đầu tư 4,4 tỷ USD vào WeWork lần đầu, thậm chí còn được so sánh với Jack Ma của Alibaba - Ảnh 2.

Masayoshi Son (trái) và Adam Neumann (phải)

Thế nhưng, chiến hạm “mất lái” và bắt đầu trượt dốc.

The fall – sự sụp đổ đáng tiếc

Tháng 12/2018, WeWork âm thầm nộp hồ sơ IPO và chuyển thành WeCompany với 3 dòng doanh thu khác nhau: WeWork – cho thuê văn phòng; WeLive – cung cấp các căn hộ siêu nhỏ đầy đủ tiện nghi và WeGrow – trường học dành cho trẻ em từ 2 đến 11 tuổi ở New York.

Nếu quá trình nộp thành công, đây sẽ là cột mốc đánh dấu lần đầu tiên WeWork phát hành cổ phiếu ra công chúng.

Tháng 4/2019, Neumann công bố việc WeWork nộp hồ sơ IPO.

Tháng 7/2019, Bloomberg tiết lộ việc WeWork muốn IPO vào tháng 9.

Cơn ác mộng ập đến vào ngày 14/08/2019: Trong tài liệu S-1 được WeWork nộp cho SEC để IPO, số liệu cho thấy khoản lỗ 2.9 tỷ đô trong 3 năm gần nhất, và lỗ 690 triệu đô trong 6 tháng đầu năm 2019.

Sự thật được phơi bày, WeWork phải đối mặt với sự giám sát gắt gao về tài chính, những nghi ngờ về tiềm năng của WeWork cũng như hứng chịu “cơn mưa” chỉ trích về khả năng quản lý của Neumann. Các nhà đầu tư, chuyên gia phân tích và phóng viên đã phát hiện ra thực chất WeWork là một mớ bòng bong khổng lồ, không chỉ qua các con số mà còn ở cá tính của Neumann:

  • Theo Business Insider, sau khi tiến hành phỏng vấn khoảng 20 cựu nhân viên WeWork, họ đều nói Adam có tính cách khá “đồng bóng”. Anh thường ăn mặc giản dị đến công ty và có thói quen không mang giày dép đi khắp văn phòng, thậm chí không ngại đi chân trần dạo quanh đường phố New York. 

  • Adam từng cấm nhân viên của mình ăn thịt mà không đưa ra bất cứ lý do gì thuyết phục. Anh khẳng định sẽ không chi trả cho bữa trưa có bao gồm thịt của bất kỳ ai. Nhưng có lần người ta lại bắt gặp anh đang dùng bữa với đĩa thịt trên bàn.

  • Adam được nhận xét là người khó tính và rất hay chửi mắng nhân viên mỗi khi công việc diễn ra không như ý muốn. Tính tình thất thường, sớm nắng chiều mưa của anh cũng khiến nhân viên đau đầu.

  • Tình yêu của Adam dành cho rượu Tequila là điều ai cũng biết. Mỗi khi vị CEO xuất hiện, nhân viên sẽ tự biết mà chuẩn bị trước 1 chai Tequila cho anh để “lấy lòng”.

  • Business Insider tiết lộ Adam hút cần sa ở nhà riêng, kể cả văn phòng.

“Vừa làm vừa chơi” tại doanh nghiệp tỷ đô Mỹ: CEO tiệc tùng, hút cần ngay văn phòng, nhân viên quan hệ tình dục thoải mái ở company trip - Ảnh 3.

Đọc thêm chi tiết những nét tính cách và hành vi “dị biệt” khác của Adam qua:

Adam Neumann và phong cách kỳ dị

Chỉ trong vòng 6 tuần, startup “kỳ lân” từ mức định giá 47 tỷ đô rớt thảm hại xuống bờ vực phá sản. WeWork bắt đầu bán bớt những doanh nghiệp mình từng mua lại, sa thải hàng loạt nhân viên và thông báo đóng cửa WeGrow.

Ngày 5/9: WeWork cân nhắc lại mức định giá mục tiêu của mình trong khoảng 20-30 tỷ đô cho đợt IPO sắp tới.

Ngày 8/9: Dow Jones đưa tin WeWork đang cân nhắc hạ mức định giá của mình xuống dưới 20 tỷ đô.

Ngày 13/9: Reuters đưa tin rằng định giá của WeWork đã xuống ngưỡng 10-12 tỷ đô.

Không lâu sau đó, WeWork gây bất ngờ khi tuyên bố hoãn IPO vô thời hạn. Vào ngày 24 tháng 9, Neumann rời khỏi vị trí CEO. Cổ phiếu WeWork giảm tới mức kỷ lục.

Thập kỷ lên voi xuống chó của 'zombie startup' WeWork: Khi giấc mơ rực rỡ  hoá thành cơn ác mộng chỉ trong vỏn vẹn 6 tuần

Sự “vén màn” chi phí hoạt động của WeWork đã gắn startup công nghệ này với cái tên “zombie startup” (là những công ty liên tục huy động tiền, chỉ tập trung vào nhà đầu tư hơn là khách hàng; zombie startup tạo ra doanh thu chỉ đủ để bù đắp chi phí hoạt động chứ không đủ tạo ra lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư).

Trong bài thuyết trình về tình hình tài chính quý III/2019 của SoftBank ngày 11/06, Son đã trực tiếp thừa nhận chịu thiệt hại do đầu tư hàng tỷ USD vào WeWork và nói rằng ông đã đánh giá quá cao Neumann, dẫn đến hậu quả khôn lường. Báo cáo tài chính của SoftBank cho thấy khoản lỗ đến từ sự rót vốn của tập đoàn với WeWork đã lên tới 8.2 tỷ đô.

WeWork đã đi qua năm 2020 một cách cực kỳ ảm đạm: cựu CEO Adam Neumann khởi kiện Softbank vì huỷ thoả thuận mua lại cổ phần của anh cũng như các cổ đông khác tại WeWork trị giá 3 tỷ đô; đồng thời, COVID-19 kéo đến đã ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh chung của công ty.

Đà lao dốc không thể cứu vãn, cuối tháng 9/2020, WeWork bán phần lớn cổ phần ở Trung Quốc cho Trustbridge Partners – một trong những cổ đông hiện tại – với giá 200 triệu đô.

Dù không rơi vào cảnh phá sản nhưng có thể nói, thời huy hoàng của WeWork đã chấm dứt. Đây cũng là bài học cho các nhà đầu tư khi có ý định đầu tư vào các startup trên thị trường đang ngày càng “mọc lên như nấm”.

WeWork hiện tại

Khác với lần trước, kế hoạch IPO lần này của WeWork diễn ra khá lặng lẽ.

Vào ngày 20/10/2021, quá trình hợp nhất giữa SPAC BowX Acquisition Group và WeWork đã chính thức hoàn tất, mang đến cho WeWork tổng số tiền mặt trị giá khoảng 1.3 tỷ đô. Nhờ phương thức hợp nhất này, WeWork đã thành công IPO, ghi tên mình trên Sàn Giao dịch Chứng khoán New York với ký hiệu “WE” từ ngày 21/10/2021.

Chủ tịch Điều hành – Marcelo Claure và Giám đốc Điều hành – Sandeep Mathrani sẽ tiếp tục giữ vị trí lãnh đạo và dẫn dắt các chiến lược kinh doanh của WeWork.

Top

New

Community

No posts