Vỡ òa hạnh phúc có con sau 17 năm hiếm muộn

Cuối năm 2018, hai vợ chồng chị Nghiêm Thị Hạnh đến BV Bưu điện và tự nhủ “đặt cược” lần cuối. Chị nói rằng nếu lần này vẫn không thành thì sẽ xin con nuôi bởi toàn bộ đất đai và nhà ở đều đã bán để chạy chữa với hi vọng có được một mụn con.

Qua thăm khám, BS. Nguyễn Thị Nhã – Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện cho biết, chị Hạnh đã lớn tuổi muốn sinh con nhưng dự trữ buồng trứng thấp, số trứng còn lại ít nên tỷ lệ làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thành công thấp hơn các trường hợp khác. Ban đầu, bác sĩ tư vấn đi xin trứng nhưng vợ chồng chị Hạnh quả quyết “còn bao nhiêu, dùng bấy nhiêu” và may mắn thành công ngay lần đầu tiên chuyển phôi.

Hạnh phúc vô bờ bến khi em bé Nguyễn Tùng Dương chào đời ngày 18/9 ở tuần thai 38, nặng 2,9 kg tại BV Bưu điện bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Ông bố trẻ không giấu nổi niềm vui chia sẻ: “40 tuổi rồi mới học cách làm bố, lắm lúc tôi vã cả mồ hôi hột, nhưng nghĩ lại 17 năm chờ đợi, tôi lại thấy rất đáng”.

Nhớ lại quãng thời gian đằng đẵng trước đó, năm 2004, chị Hạnh mang thai lần đầu tiên sau 2 năm kết hôn nhưng con sinh non nên đã mất sau đó. Ba năm tiếp, chị mang thai thêm 6 lần đều không thành. Bác sĩ kết luận nguyên nhân do nội tiết kém, thiếu chất dinh dưỡng khiến chị không đủ sức khỏe mang thai. “Một lần sa bằng ba lần đẻ, tôi đã định buông xuôi vì nghĩ không còn cơ hội”- chị Hạnh kể, giọng run run.

Năm 2005, anh chị đến một một phòng khám ở Hải Phòng thực hiện thụ tinh nhân tạo (IUI) nhưng không thành công. Hai năm sau, vợ chồng tích góp lên bệnh viện ở Hà Nội làm IVF hai lần và IUI một lần nữa nhưng cũng thất bại. Cứ mỗi năm trôi qua, áp lực thêm nặng nề. Người nhà hiểu chuyện nên không ai nói gì còn người ngoài thì bàn tán, xì xào nói chị “không biết đẻ” hay “máy hỏng”… Nỗi đau cứ thế chồng chất nỗi đau, anh chị chẳng biết làm gì hơn là tự động viên để cùng vượt qua tất cả.

Bác sĩ Nhã thăm khám cho mẹ con sản phụ Hạnh.

Đến giờ, dù đã nhiều tuổi mới đón đứa con đầu lòng, bận rộn với bỉm sữa nhưng gia đình chị Hạnh lúc nào cũng vang tiếng cười vui, tràn ngập niềm hạnh phúc. Anh chị chia sẻ mong muốn những gia đình hiếm muộn khác cũng sẽ sớm tìm được niềm vui như vợ chồng mình.

Các cặp vợ chồng nên đi khám sớm nếu chưa có con

Theo BS. Nhã, đây là trường hợp đặc biệt khi 50% thành công đến từ sự quyết tâm của người mẹ. Do đó, các cặp vợ chồng trên 35 tuổi nên đi khám sau 6 tháng kết hôn, quan hệ vợ chồng tự nhiên, không sử dụng bất cứ biện pháp tránh thai nào mà chưa có con. Còn các cặp vợ chồng dưới 35 tuổi nên đi khám sau 12 tháng kết hôn mà chưa có dấu hiệu được làm mẹ.

Đặc biệt, tuổi của người phụ nữ tỷ lệ nghịch với tỷ lệ có thai vì số lượng và chất lượng trứng sẽ giảm theo thời gian. Khi có nghi vấn về vấn đề sức khỏe sinh sản, bạn cần đi khám sớm ở bệnh viện uy tín, chuyên môn sâu để đạt hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho gia đình.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân vô sinh, hiếm muộn có rất nhiều nguyên nhân, có thể do nguyên nhân từ chồng, từ vợ, vô sinh do tinh trùng yếu, không có tinh trùng, tinh trùng bất động ở nam giới. Còn với nữ giới có thể do tắc vòi trứng, rối loạn phóng noãn,… Rất nhiều cặp vợ chồng sau khi khám đã được tư vấn, điều trị thành công và hạnh phúc vô bờ bến khi được làm cha làm mẹ, đón thiên thần bé bỏng trên tay.

Theo thống kê năm 2010, tỷ lệ người mắc vô sinh hiếm muộn ở Việt Nam chiếm khoảng 7,7% trong độ tuổi sinh sản (nghĩa là cứ 100 người trong độ tuổi sinh sản thì có 7,7 người bị vô sinh hiếm muộn). Thực tế cho thấy, tỷ lệ này tiếp tục tăng lên trong thời gian gần đây.