Vợ chồng không còn sống chung thì khi ly hôn phải nộp đơn ở đâu? Hồ sơ khi ly hôn bao gồm những gì?


Tôi và vợ tôi kết hôn được gần 10 năm, gần 4 năm gần đây do hai vợ chồng bất đồng quan điểm nên vợ tôi bỏ đi và đã chuyển hộ khẩu đi. Hiện tôi và vợ tôi đang có hai hộ khẩu khác nhau, hiện tại tôi muốn được ly hôn, vậy nếu chúng tôi không ở cùng nhau thì sẽ nộp đơn xin ly hôn ở đâu? – câu hỏi của anh Đăng Khoa đến từ Tiền Giang.

Vợ chồng không còn sống chung thì khi ly hôn phải nộp đơn ở đâu?

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì có 02 trường hợp ly hôn là ly hôn thuận tình và ly hôn đơn phương, hai trường hợp này có sự khác biệt về nơi nộp đơn xin ly hôn, cụ thể như sau:

Trường hợp thuận tình ly hôn:

Ly hôn thuận tình là sự thỏa thuận giữa vợ và chồng, trong đó vợ chồng đều đồng ý ly hôn và thỏa thuận được các vấn đề về tài sản, quyền nuôi con.

Thuận tình ly hôn được quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

Thuận tình ly hôn

Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.

Nếu hai vợ, chồng đồng thuận ly hôn thì có thể nộp đơn và hồ sơ ly hôn lên Tòa án nhân dân quận/huyện nơi cư trú, làm việc của vợ hoặc chồng. Có nghĩa là khi ly hôn thuận tình bạn có thể nộp ở chỗ chồng hoặc chỗ vợ đang sinh sống, nộp ở một trong hai nơi đó.

Trường hợp ly hôn theo yêu cầu một bên (ly hôn đơn phương):

Ly hôn theo yêu cầu một bên, còn được gọi là ly hôn đơn phương là việc vợ hoặc chồng muốn ly hôn với người còn lại, mà người còn lại không đồng ý cho ly hôn.

Đơn phương ly hôn được quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

Ly hôn theo yêu cầu của một bên

1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.

2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.

3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia.

Như vậy khi một bên yêu cầu ly hôn phải đảm bảo thuộc điều kiện ly hôn trong Luật quy định, khi thuộc các trường hợp được ly hôn đơn phương thì bạn sẽ nộp đơn và hồ sơ lên Tòa án nhân dân quận/huyện nơi cư trú, làm việc của bị đơn. Có nghĩa là khi một bên yêu cầu ly hôn sẽ phải nộp đơn lên Tòa án nơi người kia đang sinh sống.

Nếu là đồng thuận ly hôn: các bên có thể nộp đơn tại tòa án nơi một trong hai bên cư trú (bất kỳ bên nào) (Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn)

(Tòa án cấp huyện nếu không có yếu tố nước ngoài, tòa án cấp tỉnh nếu có yếu tố nước ngoài).

Vợ chồng không còn sống chung thì khi ly hôn phải nộp đơn ở đâu?

Vợ chồng không còn sống chung thì khi ly hôn phải nộp đơn ở đâu? (Hình từ Internet)

Hồ sơ khi ly hôn bao gồm những gì?

Căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình 2014, hồ sơ khi ly hôn chủ yếu gồm:

– Đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn: đơn này sẽ do tòa án cung cấp, hoặc chị cũng có thể sử dụng mẫu đơn đính kèm theo email này.

– Bản sao giấy tờ tùy thân của các bên.

– Giấy đăng ký kết hôn.

– Giấy khai sinh của con (nếu có yêu cầu tòa án phân chia quyền nuôi con).

– Giấy tờ về tài sản (nếu có yêu cầu tòa án phân chia tài sản).

– Nếu đơn phương ly hôn thì sẽ dùng Mẫu đơn xin ly hôn đơn phương được ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP.

– Nếu thuận tình ly hôn sẽ dùng Mẫu đơn xin ly hôn thuận tình.

Sau khi nộp đơn xin ly hôn, trong vòng 8 ngày làm việc thì tòa án sẽ có thông báo về việc có thụ lý vụ việc hay không (lúc nộp đơn thì tòa án sẽ có giấy xác nhận, trong đó có hẹn ngày đến nhận thông báo).

Trường hợp tòa án thông báo thụ lý đơn thì trong vòng 7 ngày (kể từ ngày nhận thông báo của tòa án) người nộp đơn cần đến kho bạc nộp tạm ứng án phí theo thông báo thụ lý sau đó nộp lại biên lai thu tiền cho tòa án.

Sau khi nộp biên lai cho tòa thì vụ án chính thức được thụ lý, thẩm phán sẽ thực hiện các công việc tiếp theo theo quy trình (mời các bên đến lấy ý kiến, hòa giải, mở phiên tòa …).

Lệ phí giải quyết việc ly hôn là bao nhiêu?

Lệ phí giải quyết việc ly hôn theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành:

Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng lệ phí sơ thẩm, phúc thẩm

1. Người nộp đơn yêu cầu Tòa án giải quyết những việc dân sự quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều 27; các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10 và 11 Điều 29; khoản 1 và khoản 6 Điều 31; khoản 1 và khoản 5 Điều 33 của Bộ luật tố tụng dân sự có nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án giải quyết việc dân sự đó, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án theo quy định của Nghị quyết này.

Đối với yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn thì vợ, chồng có thể thỏa thuận về việc nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án theo quy định của pháp luật. Trường hợp vợ, chồng không thỏa thuận được người nộp tiền tạm ứng lệ phí Tòa án thì mỗi người phải nộp 50% mức tiền tạm ứng lệ phí Tòa án.Điều 36. Nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng lệ phí sơ thẩm, phúc thẩm.

Và theo Bảng danh mục lệ phí ban hành kèm văn bản này: Lệ phí sơ thẩm giải quyết yêu cầu về dân sự, hôn nhân và gia đình là 300.000 đồng