Vinh thành phố bình minh tại TP Vinh Nghệ An

(PT-TH_Vinh) “Nếu như sông Lam, núi Hồng tượng trương cho khí chất của con người xứ Nghệ thì đỉnh Dũng Quyết, dòng sông Vinh lại tượng trưng cho tinh thần vừa hùng tráng vừa thơ mộng của nhân dân thành phố đỏ anh hùng.” Sông núi sinh ra từ thủa khai thiên lập địa và trường tồn qua bao nhiêu biến động của thiên nhiên và xã hội. Hai tiếng “Thành Vinh” cũng sinh ra và gắn bó cùng với dòng sông và ngọn núi quê mình. Truyền thống đó đã đơm hoa kết trái để hôm nay Vinh đang đứng trước những cơ hội phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ và lớn lao, để ngang tầm với các thành phố lớn trong nước và vươn mình đến với bè bạn khắp năm châu.

Trên con đường di sản miền Trung, cách thủ đô Hà nội gần 300km và cố đô Huế 350km. Vinh tự hào với vùng đất nổi tiếng “địa linh nhân kiệt” trong bức tranh hoạ đồ “Non xanh nước biếc” của xứ Nghệ thân thương. Nơi đang chứa trong mình một lớp trầm tích văn hóa đặc sắc và lâu đời. Nơi đang sở hữu những danh lam thắng cảnh nổi tiếng, những di tích lịch sử độc đáo có một không hai.


Sông Lam hiền hòa, thơ mộng

Vinh, một vùng đất có cư dân sống đông đúc cách đây hàng nghìn năm. Là nơi hội tụ khí thiêng sông núi xứ Nghệ. Cuối thế kỷ 18, với tầm nhìn chiến lược của Quang Trung – Nguyễn Huệ, Vinh được xác lập với tư cách là đế đô. Ngày 1/10/1788, nhà vua đã ra chỉ dụ cho La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp chọn đất, xây dựng thành Phượng Hoàng Trung Đô tại núi Dũng Quyết và dời trấn sở Nghệ An từ Lam thành về Vinh. Như vậy, từ mốc lịch sử này, vị thế chính trị của Vinh đã vượt ra ngoài phạm vi một tỉnh, mà có tác động đến cả nước. Ngày nay, chính trên mảnh đất này, đang hình thành một khu du lịch sinh thái có quy mô và  mang đậm nét văn hoá – lịch sử xứ Nghệ có tên gọi là “Lâm viên Núi Quyết”. Lâm viên núi Quyết được xây dựng trên cơ sở bảo tồn một di sản văn hoá – lịch sử đã có từ trên 200 năm. Đó là là Phượng Hoàng – Trung Đô, nơi đây thưở xưa Nguyễn Huệ – Quang Trung đã chọn để đóng đô. Ngay dưới chân Núi Dũng Quyết là dòng sông Lam trong xanh uốn lượn, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên độc đáo. Đứng trên đỉnh núi Dũng Quyết, du khách có thể phóng tầm mắt nhìn ra bốn hướng. Những dấu tích oai hùng của Thành Phượng Hoàng khi xưa vẫn còn lưu lại ở đây. Thành được xây dựng bằng đất đá hình tứ giác, với chu vi khoảng 3 nghìn mét, diện tích rộng 22 ha. Trong lòng núi là một hệ thống hang động dài hàng km với rất nhiều vách đá chênh vênh, sừng sững, tạo nên nhiều hình dáng kỳ thú, theo sự tưởng tượng của người thưởng ngoạn. Đây cũng từng là nơi trú ẩn an toàn của nhà máy điện Vinh trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Dũng Quyết – Trung Đô, một tiềm năng quý hiếm –  chưa được khai thác là hệ thống hang động ngầm trong lòng núi. Trong hang có rất nhiều nhũ đá đẹp, để xây dựng nơi đây trở thành điểm du lịch hấp dẫn, Thành phố Vinh đã và đang thực thi dự án “Xây dựng trung tâm văn hoá, du lịch” với 37 hạng mục công trình gồm: đền thờ vua Quang Trung; nghênh phong Quán; Hòn non bộ; Công viên thuỷ cung; Siêu thị; Lầu thưởng Nguyệt….tạo nên một quần thể du lịch văn hoá. Dũng Quyết – Trung Đô xứng đáng là danh sơn của Thành vinh. Địa danh sơn thuỷ – hữu tình “Núi Quyết – sông Lam”. Với một di sản văn hoá – lịch sử đã có từ trên 200 năm, ngàn đời khắc đậm dấu ấn lịch sử Dũng Quyết – Trung Đô huyền thoại và hiện thực.


Đền Vua Quang Trung

 ở phía Tây đại lộ Quang Trung là quần thể thành cổ có niên đại hơn 200 năm –  nơi đặt Dinh Vĩnh từ thế kỷ XVI – XVII. Thành cổ Nghệ An được XD theo kiến trúc thành trì truyền thống từ thời văn minh đại Việt, nhưng có kết hợp ít nhiều cấu trúc thành luỹ kiểu Vô-Ban thâm nhập vào nước Việt đầu thế kỷ XIX. Toàn bộ toà thành này được XD theo hình Rùa nên còn có tên gọi là “Quy thành” tượng trưng tồn tại bền vững và lâu dài.
Thành cổ Nghệ an được XD bằng hàng chục vạn tảng đá ong và có hào bao quanh. Điều kỳ diệu chính là ở chỗ: toàn bộ thành và hào bao quanh thành được nối liền với một con sông đào từ thành ra đến tận sông Lam có tên gọi là sông Vinh. Sông Vinh vừa có chức năng điều hoà nước ở vòng hào bao quanh thnàh, vừa có chức năng bảo vệ thành. Muốn tiến công bằng thuỷ quân, thuyền từ sông lam qua sông Vinh vào đến chân thành thì lực lượng trấn giữ trong thành đã có đủ thời gian chuẩn bị và những đoạn gấp khúc đó chính là nơi để bố trí quân mai phục, chặn đánh. Điều này cho thấy trong lĩnh vực xây thành đắp lũy ông cha ta thực sự là những kiến trúc đầy tài năng. 
Vượt qua cửa thành này thành bạn sẽ đến được Bảo tàng Xô viết Nghệ – Tĩnh – một trong 3 nhà Bảo tàng lớn ở TP Vinh. Bảo tàng được xây trên chính nơi mà  thực dân Pháp đã dựng xà lim để giam cầm và tra tấn biết bao chiến sĩ Cách mạng Xô viết Nghệ – Tĩnh  cho đến năm 1945. Nơi đây, đang lưu giữ hàng ngàn hiện vật quý giá của các thời kỳ sục sôi Cách mạng của quân và dân Nghệ –Tĩnh.


Thành cổ Vinh

Một địa chỉ khác để bạn có thể khám phá nhiều hơn nữa lịch sử vùng Bắc trung bộ là Bảo tàng quân khu 4, nằm đối diện với trường Đại học Vinh. Tại đây lưu giữ toàn bộ tư liệu hiện vật về lực lượng vũ trang Quân khu 4 trong quá trình hình thành và phát triển. Đặc biệt, Bảo tàng giới thiệu thành tích chiến đấu của quân và dân khu 4, trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Thành Vinh với những di tích lịch sử Cách mạng: ngã ba Bến Thuỷ; Cồn Mô; Làng đỏ đã đi vào sử  sách của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, trên mảnh đất này nhân dân Thành phố đang kế thừa và phát huy, viết tiếp những trang sử vàng cho quê hương, đất nước.
Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng Đài Bác, nằm ở khu vực trung tâm của thành phố, nơi đây có Núi chung phỏng theo hình dáng núi Chung ở Kim Liên – Nam Đàn.. Nơi này thường xuyên diễn ra những buổi lễ mít-tinh trọng thể trong dịp lễ, hội trọng đại của đất nước.
Đến với thành Vinh bạn không chỉ được khám phá vẻ đẹp nội tại trong lòng Thành phố mà còn có cả một tua du lịch hấp dẫn và lý thú ở những địa danh lân cận. Vinh gắn bó sâu xa với 2 vùng văn hoá lớn: Kim Liên quê hương Bác Hồ kính yêu – Tiên Điền quê hương Đại thi Hào Nguyễn Du. Và, nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng của vùng đất xứ Nghệ – Bắc miền Trung .
  Cách trung tâm TP Vinh chưa đầy 20km theo quốc lộ 46, du khách được đến với Làng Sen-Kim Liên-Nam đàn-quê hương chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá Thế giới. Thăm làng Sen quê nội, làng Trù quê ngoại của Người.
 Nam Đàn – quê hương của Bác Hồ kính yêu, Nam Đàn – một vùng địa linh nhân kiệt. Nơi đây có Thành Vạn An và đền thờ vua Mai Hắc Đế – Người có công tổ chức cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ tàn bạo thời nhà Đường. Có nhà thờ cụ Phan Bội Châu – một lãnh tụ của phong trào Đông Du, hoạt động không biết mệt mỏi cho phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX.
Theo quốc lộ 1A đi về phía Nam khoảng 30 km bạn sẽ đến với một làng quê bình dị như thế – làng Tiên Điền thuộc huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh, quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du  – “Nửa đêm qua huyện Nghi Xuân/ Bâng khuâng nhớ cụ thương thân nàng Kiều” (Thơ Tố Hữu). Một chiếc bàn tre, đôi chiếc ghế cũ, và nghiên mực, và bút lông… Phải chăng năm xưa chính tại nơi đây những áng thơ trác tuyệt đã ra đời, để hậu thế sau này có truyện Kiều để ngâm nga mãi đến ngàn đời.
 Trở lại Thành phố Vinh, du khách tiếp tục đi tham quan hàng chục di tích đã được xếp hạng: Đền Hồng Sơn trung điện được XD từ năm 1831 – 1837. Hạ điện mãi đến năm Duy Tân thứ 3 mới XD. Trong dịp kỷ niệm 210 năm Phượng Hoàng Trung đô – Vinh, hạ điện được phục chế lại. Trong Đền lưu giữ nhiều sưu tập tượng có giá trị. Năm 1984, Đền được Bộ văn hoá Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia. Toạ lạc trên khu đất đẹp giữa trung tâm thành phố Vinh, đền Hồng Sơn là một trong những di tích quý hiếm, có quy mô và cảnh quan lý tưởng, là công trình kiến trúc đẹp của thời Nguyễn. Với khuôn viên rộng 6.250m2, là điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Cần Linh tự – ngôi chùa phật giáo, được xây dựng dưới thời Lê Trung Hưng, toạ lạc trên khu đất phía Tây thành phố Vinh. Ngày 21/1/1992 chùa đã được Bộ Văn hoá xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Cách trung tâm TP khoảng 5 km, có khu rừng bần Hưng Hoà. Đây là điểm khu du lịch sinh thái lý tưởng và trong lành. Vào những sáng mai hồng hay những buổi chiều tà, hàng đàn chim đủ loài từ đây bay đi và từ muôn phương bay về trú ngụ. Một bức tranh thiên nhiên hoang dã mà gần gũi vô chừng.
Qua những thăng trầm lịch sử, Vinh trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế Quốc Mỹ, bọn xâm lược đã mang bom đạn tàn sát Thành phố đến mức không còn một ngôi nhà nguyên vẹn. Tất cả những gì Vinh có hôm nay, thực sự bắt đầu từ ngày 1-5-1974, lúc bấy giờ đồng chí Đỗ Mười là Phó Thủ tướng Chính phủ đã đặt viên gạch hồng đầu tiên xây dựng lại Thành phố Vinh. Rồi được sự giúp đỡ của Cộng Hoà Dân Chủ Đức nước bạn anh em, Cả thành phố bừng lên sức sống mới, biến những tro tàn, gạch vụn và nham nhở hố bom thành khu nhà cao tầng bề thế. Cả Nghệ an tự hào về những công trình của thời kỳ xây dựng lại quê hương “Đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, theo ý nguyện của Bác Hồ kính yêu.
 Công viên trung tâm, là công viên lớn nhất và hiện đại nhất thành phố Vinh. Với tổng diện tích hơn 240 ngàn m2. Tổng số vốn đầu tư xây dựng bước đầu 120 tỷ đồng. Công viên này đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí của nhân dân thành phố và khách du lịch
Bạn đã ghé thăm tất cả những tên đất tên làng ghi đậm dấu ấn văn hoá, lịch sử quê tôi, bạn đã thưởng ngoạn hết non xanh nước biếc quê hương tôi, giờ là lúc bạn được nghỉ ngơi sau một hành trình dài khám phá. Biển Cửa Lò sóng vỗ muôn trùng, trong xanh thoáng đãng cho bạn thả mình rong chơi, vui đùa cùng cát nắng. Biển Cửa Lò – một trong số ít những bãi biển đẹp nhất nhì Việt Nam, biển Cửa Lò – niềm kiêu hãnh của chúng tôi mỗi mùa hè đến. Hàng năm chúng tôi vẫn thường tổ chức những lễ hội sông nước vui nhộn để đón chào du khách.
Sau những phút thư giãn bồng bềnh trên sóng biển, trên dòng sông Lam và thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh Thành Vinh, bạn có thể thưởng thức những đặc sản biển: Tôm, Cua, mực, ốc biển…Và những món đặc sản nổi tiếng của Vinh như: Cháo lươn, Lươn cuốn thịt chiên; Tôm hấp nước dừa, ốc hấp lá gừng; Cá lóc sốt ngũ liệu, Hến xào ăn kèm với bánh đa nướng; Gỏi tùng phong, thịt dê nướng, lẩu dê … Ngoài ra nếu đến với thành phố du lịch này trong những dịp lễ hội ẩm thực, du khách sẽ được thưởng thức nhiều đặc sản thơm ngon và bổ dưỡng khác….
Khi đến với Vinh, bạn không thể quên thưởng thức trái ngọt CAM VINH. Cam Vinh – đã có thương hiệu đến cùng bè bạn các tỉnh trong nước và khắp năm châu. Thưởng thức CAM VINH bạn sẽ cảm nhận được hương vị đặc trưng của loại quả này chỉ có ở Thành Vinh – Xứ Nghệ: Cam Vinh ngọt, hương thơm, màu vàng sánh như mật ong.
 Phát huy lợi thế của mình Thành phố Vinh có dự án phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Gắn du lịch Thành Vinh – Cửa Lò và Kim Liên với du lịch vùng Bắc Trung Bộ và tua du lịch cả nước với Quốc tế. Hình thành và phát triển các cụm du lịch: Trung tâm thành phố Vinh; Núi Quyết – Bến Thuỷ; du lịch Cửa Lò – Sông Cấm và quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tất cả những điều đó đủ sức cuốn hút khách du lịch muôn nơi đến với mảnh đất này. Phát huy lợi thế của mình Thành phố Vinh đã và đang phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Gắn du lịch Thành Vinh – Cửa Lò và Kim Liên với du lịch vùng Bắc Trung Bộ và tua du lịch cả nước với Quốc tế. Hình thành và phát triển các cụm du lịch: Trung tâm thành phố Vinh; Núi Quyết – Bến Thuỷ; du lịch Cửa Lò – Sông Cấm và quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo công trình nghiên cứu những Trung tâm an cư lạc nghiệp do trường Đại học Lưu Voan (Bỉ) thực hiện đã kết luận “thành phố Vinh của Việt Nam là một trong những thành phố có triển vọng phát triển nhanh tại các nước đang phát triển”.  Ngày 30 tháng 9 năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 239 phê duyệt “Đề án phát triển thành phố Vinh trở thành trung tâm kinh tế – văn hoá vùng Bắc Trung Bộ”. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt trên lộ trình khởi sắc đi lên của thành phố quê hương Bác Hồ. Đề án được phê duyệt mở ra định hướng cho sự phát triển của thành phố Vinh trong giai đoạn mới và chỉ ra chức năng của thành phố Vinh đối với tỉnh Nghệ an và vùng Bắc Trung Bộ. Bao gồm chức năng đầu tàu tăng trưởng và giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu về phát triển kinh tế vùng. Chức năng trung tâm đào tạo nguồn nhân lực và trọng điểm khoa học – công nghệ, văn hoá – thể thao, y tế vùng. Chức năng trung tâm công nghiệp vùng, đối với sự phát triển công nghiệp chung của vùng Bắc Trung Bộ. Chức năng trung tâm thương mại, du lịch và các dịch vụ khác có tác động mạnh đến phạm vi vùng. Chức năng đầu mối giao thông quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ, của cả nước và Quốc tế.
 Để xây dựng Vinh trở thành trung tâm kinh tế – văn hoá vùng Bắc Trung Bộ, Thành  phố Vinh đã và đang triển khai thực thi nhiều dự án trên các lĩnh vực kinh tế, văn hoá xã hội.
   Với tiềm năng, lợi thế và sự phát triển của Vinh, Thành phố đang hướng tới mục tiêu “văn minh hiện đại”. Đẩy mạnh qúa trình hội nhập và hợp tác phát triển kinh tế. Thành phố xác định sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp và xây dựng là mũi nhọn chủ lực của định hướng phát triển kinh tế. Với tiềm năng thế mạnh của tỉnh Nghệ An hơn 3 triệu dân, có đủ nguyên liệu và dồi dào về nguồn lao động, thành phố đã hình thành các cơ sở sản xuất có quy mô vùng, với các sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Sản xuất trên dây chuyền công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu của thị trường như: lắp ráp ô-tô, kéo cán thép, sản xuất thuốc tân dược, chế biến nông – lâm sản, thực phẩm. Phát triển ngành nghề  dệt kim, sản xuất hàng tiêu dùng và xuất khẩu. Đặc biệt Thành phố chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao như công nghiệp điện tử – điện lạnh, công nghệ thông tin, công nghệ phần mềm. Để các ngành công nghiệp phát triển một cách bền vững, Thành phố đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào 2 khu công nghiệp tập trung Bắc Vinh và khu công nghiệp Nam Cấm. Thành phố có kế hoạch quy hoạch các khu công nghiệp mới tại xã Nghi hoa với quy mô 150 ha; Hưng Tây 200 ha để “hoà mạng” phát triển với cụm công nghiệp nhỏ có quy mô 10-30 ha ở các xã Hưng đông, Hưng Lộc, Đông Vĩnh, Nghi phú, Nghi Liên, Nghi phong, Phúc thọ và Cửa Lò.
 Cùng với việc phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, ngành dịch vụ – thương mại cũng mở ra một tiềm năng đầy hứa hẹn. Vinh – Cửa Lò sẽ trở thành trung tâm thương mại lớn và là đầu mối trung chuyển hàng hoá, bán buôn và xuất nhập khẩu hàng hoá cho tỉnh và cả vùng Bắc Trung Bộ. Vinh sẽ xây dựng trung tâm hội chợ triển lãm quy mô vùng. Xây dựng các toà nhà cao tầng hình thành  trung tâm thương mại lớn ở chợ Vinh, Cửa Lò; Siêu thị và siêu thị mini ở các trung tâm và ở gần các đầu mối giao thông. Vinh sẽ là trung tâm thương mại lớn của vùng với đầy đủ điều kiện giao thông: Đường hàng không, đường biển, đường sắt, đường bộ; cùng với những bạn hàng truyền thống, trong xu thế hội nhập Vinh sẽ thu hút những bạn hàng mới trong và ngoài nước.
 Kinh tế nông nghiệp ngoại thnàh của Thành phố Vinh cũng có bước phát triển cả quy mô và chất lượng; Sản xuất theo hướng công nghệ cao – nông nghiệp sạch. Thành phố có vùng sản xuất rau xanh, đảm bảo an toàn thực phẩm; Có vùng chuyên canh nuôi trồng thuỷ sản hơn 300ha, bao gồm: Tôm sú, Tôm càng xanh; cá nước ngọt đặc sản…Giá trị kinh tế nuôi trồng thuỷ, hải sản đạt trên 200 triệu đồng/ha.
 Thành phố Vinh  – Từ thuở xa xưa, vùng đất Hoan Diễn nói chung và Nghệ An nói riêng đã nổi tiếng hiếu học, hay chữ nghĩa và nhiều người đỗ đạt cao. Phát huy truyền thống hiếu học, thế hệ nối tiếp thế hệ trên mảnh đất Thành Vinh đã sinh ra và nuôi dưỡng những người con ưu tú, những cán bộ cao cấp, nhiều nhà lãnh đạo và chuyên gia giỏi cho toàn quốc.
 Trường đại học Vinh, được thành lập từ năm 1959. Hiện nay, hệ thống cơ sở vật chất giảng đường có quy mô hiện đại đáp ứng đào tạo đa ngành nghề. Hàng năm trường tuyển sinh và đào tạo trên 5.000 sinh viên trong và ngoài nước như Lào, Thái lan…Trường đã tổ chức liên kết đào tạo với các trường đại học  Ăng-Gô-La, An-giê-ri, Lào, Thái lan…
 Hệ thống dạy nghề ở Thành phố Vinh phát triển đa dạng và đào tạo nguồn nhân lực theo hướng  chất lượng cao. Đó là Trường đại học sư phạm kỹ thuật Vinh; Trường cao đẳng nghề kỹ thuật Việt Đức; Trường cao đẳng kinh tế-kỹ thuật; Trường cao đẳng nghề kỹ thuật Việt Nam – Đại Hàn Dân Quốc; Trường trung cấp kỹ thuật giao thông; Trường dạy nghề số 4 của Bộ Quốc phòng …và nhiều trung tâm hướng nghiệp dạy nghề trên địa bàn, hàng năm đào tạo hàng ngàn công nhân kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và xu thế hội nhập.
 Thành phố tiếp tục mở rộng quan hệ, mời gọi đầu tư của nước ngoài để mở phân hiệu hoặc Trường đại học Quốc tế tại Thành phố Vinh. Chuẩn bị các điều kiện để thành lập thêm 1 số trường đại học đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, tay nghề giỏi. Ưu tiên các lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, kiến trúc, xây dựng, giao thông công chính….
 Ơ Thành phố Vinh  mạng Bưu chính Viễn thông Nghệ An có hơn 100 tổng đài. Tổng đài HOST là NEA-61E và NEA, với tổng dung lượng trên 170 nghìn số, 700 km cáp quang, thiết lập 3 vòng RING tạo thành mạng truyền dẫn vững chắc. Bưu chính phát hành báo chí mở rộng hoạt động hơn 300 đại lý bưu điện. Bưu chính viễn thông tại TPV phát triển hiện đại hoá, theo hướng điện tử – số hoá – tin học và đa dịch vụ.
 Hệ thống ngân hàng trên địa bàn Thành phố có đầy đủ mạng lưới tổ chức tín dụng, hoạt động rộng khắp với quy mô lớn. Hoạt động của ngành ngân hàng đáp ứng nhu cầu của quý khách hàng.
 Vinh – thành phố Bình Minh đang hướng tới văn minh – hiện đại. Không gian đô thị được mở rộng phù hợp với sự tăng trưởng nhanh của nền kinh tế và dân số của Thành phố, cũng như chức năng của đô thị trung tâm Vùng. Không gian đô thị Thành phố sau khi mở rộng  diện tích sẽ có trên 259 km2. Ranh giới của Vinh về phía Bắc là đường Nam Cấm, phía Tây là đường tránh Vinh, phía Nam là sông Lam và phía Đông là biển đông. Đô thị Vinh được phát triển mở rộng gắn kết với các vùng phụ cận.
  Các khu đô thị mới được xây dựng hiện đại, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, với kiến trúc đô thị có bản sắc riêng của Vùng. Khu trung tâm mới của Thành phố Vinh sau năm 2020, bao gồm khu trung tâm nội thành hiện nay và khu vực nằm giữa 2 khu đô thị mới Quán bánh và Hưng Lộc. Đây là một hệ thống được phối kết hợp không gian giữa các công trình có quy mô hoành tráng, với khuôn viên hoa, cây cảnh,  cây xanh  và các tuyến đường đi bộ. Khu vực này sẽ trở thành trung tâm hiện đại của Thành phố trong thế kỷ 21.
 Cùng với phát triển các lĩnh vực khác Thành phố chú trọng đầu tư các lĩnh vực  y tế, văn hoá, thể thao. Tập trung xây dựng Vinh trở thành trung tâm văn hoá thể thao vùng với các công trình tiêu biểu: Tháp truyền hình; Trung tâm truyền hình khu vực; Hệ thống các cơ quan thông tin – báo chí  có quy mô vùng. Chi nhánh bảo tàng dân tộc học. Trung tâm Câu lạc bộ thể dục thể thao…đáp ứng nhu cầu hưởng thụ tinh thần của nhân dân Thanh phố.  
 Vinh là điểm hội tụ của các tuyến giao thông quan trọng nối 2 đầu đất nước và các nước trong khu vực. Mạng lưới giao thông được đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu của đô thị loại 1 và là trung tâm vùng, Triển khai sớm đường cao tốc Hà nội – Vinh. Mở rộng, nâng cấp tuyến đường 46 từ Vinh lên phía tây; Xây dựng đường ven sông Lam từ Cửa Hội – Vinh – Nam Đàn. Xây dựng tuyến đường 72m; 160m khởi điểm từ Quán Bàu đến đường xô-Viết Nghệ –Tĩnh, sẽ là đường trung tâm của thành phố trong tương lai khi Thành phố mở rộng nối với Cửa Lò. Trục đường 3-2 và đường Xô viết Nghệ-Tĩnh là trục phân tải trung tâm Thành phố hướng tới việc nhất thể hoá Vinh – Cửa Lò, thành một đô thị thống nhất vào năm 2020. Các tuyến đường nội thị sẽ được nâng cấp xây dựng mạng đường ngang từ đường tránh Vinh vào trung tâm thành phố có cầu vượt đường sắt hiện đại tại khu vực Quán Bánh, Cửa Nam, đường Nguyễn trường Tộ. Xây dựng thêm cầu vượt sông Lam ở hạ lưu cầu Bến thuỷ nối thành phố với thị trấn Gia Lách. Xây dựng cầu Cửa Hội nối Nghi Hải sang Nghi Xuân.
Sân bay Vinh sẽ được nâng cấp trở thành sân bay Quốc tế với quy mô lớn và mở thêm một số tuyến bay mới như: Vinh – Viêng Chăn; Vinh – Đông Bắc Thái Lan, Trung Quốc và các nước khác.
Ga Vinh sẽ được nâng cấp trở thành ga loại 1, đáp ứng nhu cầu của hành khách trong nước và Quốc tế.
Thành phố Vinh nối liền với 3 cảng lớn: Cửa Lò, Vũng áng, Xuân Hội…đưa đón tàu thuyền trong nước và quốc tế. Tại cảng Cửa lò có 4 bến cảng, trong cùng một thời điểm có thể đón được 5-6 tàu có trọng tải 5.000 tấn trở lên. Hàng năm đã đưa đón trên 500 lượt tàu vào cảng, với lượng hàng hoá thông qua cảng đạt trên 1 triệu tấn/năm. Cùng với mạng lưới giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, Cảng Cửa Lò cũng sẽ được nâng cấp và xây dựng cảng cửa Hội thành Cảng khu vực Bắc miền Trung.

Thành phố Đỏ Anh Hùng đã đi vào sử sách của nước Việt. Vinh – Thành phố Bình Minh, phía trước là cả một bầu trời rộng mở. Với sức trẻ – Vinh đang bước vào thời kỳ mới “phát triển và hội nhập” Thành phố Vinh sẽ trở thành Trung tâm kinh tế – văn hoá Vùng Bắc Trung Bộ vào năm 2020. Thành Vinh đang cất cánh đi lên cùng đất nước với những vận hội và thời cơ mới. Thành Vinh- điểm đến đầy hấp dẫn đối với nhân dân cả nước và nối vòng tay lớn – chào đón bạn bè Quốc tế gần xa./.

  •  Lê Chung