Viện nghiên cứu Kinh Thành
Dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, năm 2021”, nghiệm thu đạt loại xuất sắc
Sáng ngày 25/12/2021, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ cấp Bộ dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, năm 2021” do PGS.TS. Bùi Minh Trí làm chủ nhiệm, Viện Nghiên cứu Kinh Thành là cơ quan chủ trì, đã được Hội đồng nghiệm thu đánh giá đạt loại xuất sắc.
PGS.TS. Bùi Nhật Quang, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu nhiệm vụ Dự án phát biểu
PGS.TS. Bùi Minh Trí báo cáo kết quả nghiên cứu trước Hội đồng nghiệm thu
Dự án Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng Thành Thăng Long được triển khai, với mục tiêu tổng quát của Dự án năm 2021 tập trung giải quyết các nội dung cơ bản sau: (1) Duy trì tốt công tác bảo vệ, bảo quản di vật đang lưu giữ tại các kho trong khu Thành cổ Hà Nội; (2) Tổ chức thực hiện tổng thể, đồng bộ trong nghiên cứu, phân loại di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội trên 4 lĩnh vực chính. Đó là Vật liệu kiến trúc, Đồ gốm sứ, Đồ sành và Đồ kim loại, nhuyễn thể theo kế hoạch, theo phương pháp và qui trình phân loại các loại hình di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long nhằm phân định loại hình học theo nguồn gốc, niên đại và lựa chọn di vật mẫu; Hệ thống hóa tư liệu loại hình học, lập bảng thống kê số lượng hiện vật, làm hồ sơ tư liệu về di vật mẫu (ghi chép, đo vẽ, chụp ảnh, lập phiếu di vật)… để phục vụ tốt cho công tác lập hồ sơ khoa học về di vật; (3) Tổ chức nghiên cứu so sánh, thu thập tư liệu bên ngoài khu di tích Hoàng thành Thăng Long thông qua chương trình điều tra, khai quật, nghiên cứu khảo cổ học nhằm thu thập cơ sở dữ liệu, hệ thống hóa tư liệu phục vụ hiệu quả, thiết thực cho công tác nghiên cứu, phân tích so sánh, đánh giá giá trị về đặc trưng, niên đại, nguồn gốc, tính chất, chức năng… của di tích, di vật khu di tích Hoàng thành Thăng Long; (4) Biên soạn và xuất bản Thông báo khoa học Kinh thành cổ Việt Nam công bố về kết quả khai quật, nghiên cứu so sánh thực hiện trong năm 2021; (5) Tổ chức bàn giao toàn bộ di vật và hệ thống hồ sơ khoa học về di vật đã thực hiện và hoàn thành công tác phân loại chỉnh lý trong năm 2016 – 2020 cho Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội quản lý và phát huy giá trị nếu Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận.
Nhiệm vụ trọng tâm của Nhiệm vụ là nghiên cứu đánh giá giá trị các loại hình di tích, di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu (khu ABCD) và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội (khu E) để tiến tới lập hồ sơ tư liệu và hồ sơ khoa học về các loại hình di tích, di vật được khai quật từ những năm 2002-2004 và năm 2008-2009.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn và kế hoạch năm 2021, Nhiệm vụ Dự án đã tiến hành: (1). Tổ chức bảo vệ, bảo quản di vật tại các kho trong Thành cổ Hà Nội; (2). Tổ chức thực hiện công tác nghiên cứu, chỉnh lý chi tiết di vật của khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại khu Thành cổ Hà Nội, bao gồm: (a) Phân loại, chỉnh lý di vật vật liệu kiến trúc; (b) Phân loại, chỉnh lý đồ gốm sứ; (c) Phân loại, chỉnh lý đồ sành; (d) Tổ chức nghiên cứu bảo quản đồ kim loại, đồ gỗ, xương động vật, thủy tinh; (3). Nghiên cứu so sánh, thu thập tư liệu phục vụ cho công tác nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích Hoàng thành Thăng Long; (4). Tổ chức lập hồ sơ tư liệu; (5). Tổ chức biên soạn, xuất bản thông báo khoa học Kinh thành cổ Việt Nam công bố kết quả nghiên cứu khoa học của Nhiệm vụ năm 2021; và (6). Tổ chức bàn giao toàn bộ di vật đã phân loại.
Quang cảnh buổi lễ nghiệm thu Dự án
Để phục vụ cho công tác nghiên cứu xác định loại hình, niên đại và nguồn gốc đồ gốm thời Trần của khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Dự án đã tiến hành một số cuộc điều tra, nghiên cứu so sánh đồ gốm thời Trần tại di chỉ gốm Cồn Chè, Cồn Thịnh, Hạ Lan (Nam Định) và di chỉ gốm Vạn Yên (Hải Dương) hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Nam Định và Bảo tàng Hải Dương. Mục tiêu của các cuộc điều tra này là thu thập tư liệu về loại hình, nghiên cứu so sánh về đặc trưng kỹ thuật và hoa văn trang trí làm cơ sở dữ liệu cho việc nghiên cứu đánh giá về đồ gốm thời Trần của khu di tích Hoàng thành Thăng Long, phục vụ hiệu quả và chất lượng cho nhiệm vụ chung của Dự án.
Bên cạnh nhiệm vụ nghiên cứu, chỉnh lý di vật khu di tích Hoàng thành Thăng Long theo kế hoạch hàng năm nêu trên, năm 2021, Viện Nghiên cứu Kinh thành còn hoàn thành các chương trình nghiên cứu phân định tên gọi, chức năng, niên đại các loại ngói lợp mái cung điện thời Lý, Trần và Lê, đặc biệt là nghiên cứu giải mã hình thái kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long dựa trên vết tích khảo cổ học và manh mối tư liệu lịch sử.
Kết quả nghiên cứu so sánh và phục dựng thành công tổng thể hình thái kiến trúc cung điện thời Lý dựa trên kết quả khai quật, nghiên cứu khảo cổ học tại khu di tích 18 Hoàng Diệu và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội được công bố tháng 4/2021, được xem là thành tựu khoa học nổi bật nhất, quan trọng nhất trong năm 2021 của Viện Nghiên cứu Kinh thành.
Thành quả nghiên cứu này, khẳng định một bước tiến rất dài trong nghiên cứu, đánh giá giá trị khu di tích Hoàng thành Thăng Long sau hơn 18 năm khai quật. Tuy đây mới là kết quả nghiên cứu ban đầu trong chặng đường dài nghiên cứu, nhưng đã và đang góp phần quan trọng trong việc giải mã những bí ẩn về Hoàng cung Thăng Long, đưa giá trị nghiên cứu khoa học đến gần hơn với công chúng, khơi dậy niềm tự hào về lịch sử ngàn năm văn hiến của Kinh đô Thăng Long. Từ đây, lần đầu tiên hình ảnh về kiến trúc cung điện thời Lý được tái hiện, giúp cho công chúng có thể hình dung rõ ràng hơn về vẻ đẹp độc đáo cùng những tài năng, sáng tạo của cha ông ta trong thiết kế, xây dựng kinh đô Thăng Long hơn ngàn năm về trước.
Dự án được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về mặt lý luận và ý nghĩa thực tiễn, đạt loại xuất sắc.
Vass.gov.vn