Vận động ‘Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam’

Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch công bố cuộc vận động “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Các chương trình, nội dung chuẩn bị cho cuộc vận động này thế nào?

Ông Đinh Ngọc Đức – vụ trưởng Vụ thị trường du lịch, Tổng cục Du lịch – cho biết chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” tung ra trong thời điểm hiện nay được kỳ vọng thổi bùng thị trường du lịch nội địa đang dồn nén bấy lâu.

Giảm giá đến mức khách phấn khích

Theo ông Đức, với doanh nghiệp, ai cũng trong tâm thế “Tôi đã sẵn sàng” vì thực tế công tác chuẩn bị kích cầu cho du lịch nội địa đã được các doanh nghiệp lên kế hoạch, chuẩn bị sản phẩm, quy chế đảm bảo an toàn… từ trong dịch COVID-19 và chỉ đợi chỉ thị dỡ bỏ giãn cách xã hội để tung ra, cùng nhau khởi xướng cùng bùng lên.

Trong khi với người dân, sau thời gian giãn cách, tâm lý của những người yêu thích di chuyển, khám phá như chiếc lò xo bị nén, cũng bung ra, hối hả muốn đi.

Vận động 'Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam'

Trong bối cảnh đó, một trong những mục tiêu của chương trình “Người VN đi du lịch VN” là đưa các doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không, dịch vụ du lịch… cùng ngồi lại với nhau để cho ra những mức giảm thật hấp dẫn, khuyến khích sự phấn khích của du khách lẫn tinh thần yêu nước của người Việt với cảnh đẹp quê hương, ủng hộ doanh nghiệp nội.

“Thông qua chiến dịch này, người dân biết được những tour giá rẻ, những điểm đến có nhiều ưu đãi dành cho họ. Từ sau dịch đến nay, nhiều người muốn đi du lịch nhưng họ thiếu thông tin, Tổng cục Du lịch hi vọng đứng ra phất ngọn cờ để các địa phương cùng thống nhất trong thông điệp và cách thức tổ chức du lịch sau dịch” – ông Đức nói và cho hay hiện đang có độ vênh giữa các địa phương trong tâm lý đón khách du lịch, nên đã xảy ra tình trạng “nơi mở cửa ít, nơi mở cửa nhiều”, du khách đến bị lóng ngóng, tính an toàn lại không cao.

Tổng cục mong muốn đưa ra một thông điệp chung cho các địa phương “chúng tôi cùng mở cửa và tuân thủ đảm bảo an toàn” sẽ an tâm cho người dân đi du lịch, ông Đức giải thích thêm. Trong thời gian tới, tổng cục sẽ gặp gỡ các địa phương, doanh nghiệp, tổ chức những buổi phát động, huy động các thành phần cùng ngồi lại với nhau.

Ông Đức cho rằng kinh tế phát triển khiến cho nhu cầu đi du lịch của người Việt đang ngày càng đa dạng hơn. “Một trong những điểm nổi bật của du khách trong nước là có phản hồi rất tốt và nhanh với các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Do đó, nếu khuyến mãi thật sự tốt, du lịch sẽ nhanh chóng hồi sinh” – ông Đức nói.

Bà Nguyễn Thị Khánh – phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP.HCM – cho biết trước khi dịch bùng phát, từ cuối tháng 2, hiệp hội đã kết nối chuẩn bị cho một chương trình kích cầu với sự tham gia của 40 tỉnh, thành cùng nhiều doanh nghiệp hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy và dịch vụ tại điểm đến. 

Hiện các cam kết này được tiếp tục, mức giảm giá các doanh nghiệp đưa ra khá sâu, giảm từ 30-40% giá tour và giảm đến 50% giá dịch vụ.

“Mức giảm này nhiều hơn so với chương trình kích cầu 2009” – bà Khánh nói và cho biết dự kiến giữa tháng 5-2020, Hiệp hội Du lịch TP cùng Hiệp hội Du lịch VN sẽ cùng “hội ngộ” tại ĐBSCL, chính thức tung ra chương trình kích cầu của du lịch VN.

Ông Nguyễn Hữu Thọ – chủ tịch Hiệp hội Du lịch VN – cho biết khác với các chương trình kích cầu du lịch từng vùng trước đây, giữa tháng 5, liên minh kích cầu sẽ mở rộng trên toàn quốc cùng mục tiêu trước hết của ngành là khôi phục thị trường nội địa, đồng thời tính toán tới thị trường quốc tế. 

Hiệp hội du lịch tại các địa phương cũng đang làm việc cùng các hãng hàng không đối tác và doanh nghiệp trong lĩnh vực thực hiện chương trình kích cầu du lịch nội địa.