Vai trò và công việc của kế toán tài chính trong doanh nghiệp

Bạn là một sinh viên chuyên ngành kế toán hoặc là người quan tâm đến lĩnh vực kế toán, cụ thể là kế toán tài chính? Vậy thì đây chính là bài viết dành cho bạn! Trong bài viết này, chúng mình sẽ cùng tìm hiểu rõ vai trò và nhiệm vụ của kế toán tài chính trong doanh nghiệp nhé!

I. Tìm hiểu vị trí kế toán tài chính

1. Kế toán tài chính là gì?

Kế toán tài chính (hay Financial Accounting) là một lĩnh vực trong kế toán, liên quan đến việc tóm tắt, phân tích và báo cáo các giao dịch tài chính của một doanh nghiệp. Điều này liên quan đến việc lập các báo cáo tài chính sẵn có để sử dụng cho công chúng. Các cổ đông, nhà cung cấp, ngân hàng, nhân viên, cơ quan chính phủ, chủ sở hữu doanh nghiệp và các bên liên quan khác là những những người cần đến các thông tin này để phục vụ cho mục đích ra quyết định.

2. Các vị trí công việc cụ thể

Trong bộ phận tài chính kế toán thường gồm có 2 vị trí thực hiện 2 nhiệm vụ khác nhau nhằm đảo bảo hiệu quả cho công việc kế toán chung của doanh nghiệp. Cụ thể từng vị trí được mô tả dưới đây.

– Kế toán tổng hợp: Đây là vị trí thực hiện việc thu thập, xử lý các thông tin tổng quan về tình hình kinh tế và tài chính của doanh nghiệp. Họ cũng có nhiệm vụ cung cấp các thông tin, số liệu phải ánh tình hình sử dụng tài sản, nguồn vốn của doanh nghiệp thông qua các đơn vị tiền tệ.

– Kế toán chi tiết: Vị trí này sẽ thực hiện các nhiệm vụ mang tính cụ thể, chi tiết trên từng đơn vị công việc liên quan đến kế toán. Họ sẽ chịu trách nhiệm xử lý các số liệu kế toán nhỏ nhất với yêu cầu độ chính xác cao, không được sai sót để khi thực hiện tổng hợp số liệu không xảy ra các lỗi như sai số hay chênh lệch.

3. Vai trò trong doanh nghiệp

– Cung cấp các tài liệu, thông tin tài chính cho các nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp hoặc đối tác bên ngoài để hỗ trợ việc ra quyết định, lên kế hoạch và chiến lược của toàn doanh nghiệp.

– Cung cấp các thông tin tổng thể và chi tiết về hoạt động tài chính, kế toán phát sinh giúp doanh nghiệp theo dõi, cập nhật tình hình hoạt động kinh doanh một cách thường xuyên.

– Cung cấp các báo cáo tài chính tổng quát và cụ thể về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp theo từng kỳ. Điều này giúp các nhà lãnh đạo và quản lý có thể nắm được tình hình để điều tiết, phân bổ chi phí một cách hiệu quả hơn.

– Cung cấp giấy tờ, tài liệu là cơ sở pháp lý để giải quyết các vụ tố tụng, khiếu nại hay tranh chấp. Các thông tin đó như là bằng chứng cho cách hoạt động thương mại, giúp doanh nghiệp có đủ cơ sở và tư cách để giải quyết rõ ràng các vấn đề trên.

II. Đặc điểm của kế toán tài chính

– Kế toán tài chính chuyên cung cấp thông tin cho các đối tượng ngoài doanh nghiệp như cổ đông, nhà cung cấp, ngân hàng,… Do đó, họ phải tuân thủ các nguyên tắc và chuẩn mực kế toán của từng quốc gia, khu vực và cả nguyên tắc kế toán quốc tế để thông tin đưa ra được minh bạch, rõ ràng nhất có thể.

– Tất cả các đơn vị kế toán, hệ thống ghi nhận, trình bày thông tin kế toán đều phải tuân thủ các quy định một cách thống nhất thì mới được ghi nhận. Đặc điểm này gọi là pháp lệnh trong kế toán tài chính.

– Kế toán tài chính cung cấp là những thông tin thực hiện về những hoạt động đã phát sinh, đã xảy ra mang tính tổng hợp thể hiện dưới hình thái giá trị.

– Tất cả thông tin kế toán tài chính cung cấp là những thông tin đã phát sinh, đã xảy ra từ các hoạt động mua bán, sản xuất của doanh nghiệp. Nó mang tính tổng hợp và được thể hiện ở dạng giá trị số.

– Báo cáo của kế toán tài chính trong doanh nghiệp được thực hiện theo định kỳ hàng tháng (báo cáo thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân,…), hàng quý (báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân,…) và hàng năm (báo cáo tài chính, quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế môn bài,…).

III. Nội dung của kế toán tài chính

1. Kế toán các loại tài sản

Tài sản của doanh nghiệp được thể hiện ở nhiều hình thái khác nhau, gồm tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Tài sản hữu hình là tài sản có thể nhìn thấy được, có cấu trúc vật lý như nhà máy, vật tư, máy móc, thiết bị, hàng hóa,… Tài sản vô hình là tài sản không thể nhìn thấy được nhưng vẫn có giá trị như bản quyền, bằng sáng chế,… 

Ngoài ra, tài sản của doanh nghiệp còn bao gồm tài sản mà doanh nghiệp kiểm soát nhưng không sở hữu hoặc doanh nghiệp sở hữu mà không kiểm soát về mặt pháp lý.

2. Kế toán nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu

Nợ phải trả và vốn chủ sở hữu là hai nguồn hình thành nên tài sản của doanh nghiệp. Nợ phải trả là các khoản doanh nghiệp có nghĩa vụ phải thanh toán trong hiện tại hoặc tương lai như mua hàng chưa trả tiền, vay nợ, thuế phải nộp cho Nhà nước, lương phải trả cho nhân viên,… Còn vốn chủ sở hữu bao gồm vốn từ các nhà đầu tư, thặng dư vốn cổ phần, các quỹ, lợi nhuận chưa phân phối,…

Kế toán tài chính phải ghi nhận chính xác thông tin về nợ phải trả và vốn chủ sở hữu để mô tả đúng tình hình về tài sản hiện có của doanh nghiệp.

3. Kế toán chi phí, doanh thu và thu nhập khác

Hai mặt phải có trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là doanh thu và chi phí. Ngoài ra, nguồn thu nhập khác cũng được tính vào phần có của bảng báo cáo kế toán tài chính.

– Doanh thu và thu nhập khác là tổng giá trị các lợi ích kinh tế mà doanh nghiệp thu được trong kỳ phát sinh kế toán. Nguồn này đến từ các hoạt động kinh doanh, buôn bán, các hoạt động khác góp phần làm tăng vốn chủ sở hữu (không bao gồm vốn của cổ đông hoặc chủ sở hữu).

– Chi phí là những khoản doanh nghiệp phải chi nhằm đảm bảo hoạt động động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như các khoản tiền phải chi để mua chi phí, vật liệu, khấu hao tài sản,…làm giảm vốn chủ sở hữu (không gồm khoản phân phối cho cổ đông hoặc chủ sở hữu).

4. Lập hệ thống báo cáo tài chính

Đối với doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thì phải lập các bản báo cáo tài chính gồm: bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, bản thuyết minh báo cáo tài chính.

Kế toán tài chính được điều chỉnh bởi các chuẩn mực kế toán trong nước và cả quốc tế. GAAP (Generally Accepted Accounting Principles) là khuôn khổ tiêu chuẩn của các hướng dẫn về kế toán tài chính được sử dụng trong bất kỳ khu vực pháp lý nào. Nó bao gồm các chuẩn mực, quy ước và quy tắc mà kế toán viên tuân theo trong việc ghi chép, tóm tắt và lập báo cáo tài chính.

Ngoài ra, IFRS (International Financial Reporting Standards) cũng là bộ tiêu chuẩn kế toán có thể thông qua. Nó nêu rõ cách thức các loại giao dịch cụ thể và các sự kiện khác phải được báo cáo trong báo cáo tài chính. IFRS do Hội đồng Chuẩn mực Kế toán Quốc tế (IASB) ban hành. Với việc IFRS ngày càng phổ biến trên trường quốc tế, tính nhất quán trong báo cáo tài chính đã trở nên phổ biến hơn giữa các tổ chức toàn cầu.

IV. Công việc chung của kế toán tài chính

– Thu thập, tiếp nhận, xử lý thông tin kế toán để lập các báo cáo hàng tháng, hàng quý và hàng năm cho doanh nghiệp. Cung cấp báo cáo chính xác, đúng thời hạn cho các bên liên quan trong và ngoài doanh nghiệp.

– Tính toán thuế và thu nhập định kỳ cho doanh nghiệp để báo cáo và nộp cho Nhà nước.

– Quản lý, giám sát, xử lý tài chính nội bộ và các thủ tục tài chính trong doanh nghiệp.

– Cung cấp thông tin về doanh thu, chi phí, vốn đầu tư, các vấn đề liên quan đến dòng tiền trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

– Thực hiện công tác hậu cần chuẩn bị ngân sách, phối hợp với các phòng ban, bộ phận tài chính trong doanh nghiệp để phát triển dự án. Cụ thể công việc của kế toán tài chính là phân tích tình hình tài chính, tìm ra nguyên nhân lợi nhuận giảm hoặc vì sao chi phí tăng cao. Từ đó, cùng các nhân sự khác đề xuất giải pháp giảm thiểu chi phí, tối ưu lợi nhuận, góp phần cho sự phát triển tài chính của doanh nghiệp.

V. Lưu ý về công tác kế toán tài chính doanh nghiệp

1. Cần bám sát các quy định của Bộ Tài chính

Hiện nay, cơ sở pháp lý đối với công tác kế toán nói chung và kế toán tài chính doanh nghiệp nói riêng đều được đồng bộ và gần như hoàn thiện. Do đó, doanh nghiệp và nhân viên kế toán cần cập nhật cũng như nắm rõ các quy định về Luật Kế toán mới nhất theo các nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Tài chính.

Đối với mỗi loại hình doanh nghiệp, ngoài việc tuân thủ các quy định chung tại Luật Kế toán, thì còn phải áp dụng các chế độ kế toán riêng phù hợp với đặc thù doanh nghiệp đó.

2. Đảm bảo được các nguyên tắc cơ bản

Công tác tài chính doanh nghiệp cần phải đảm bảo thực hiện đúng, đủ các nguyên tắc cơ bản về tài chính kế toán. Cụ thể là kế toán tài chính phải phản ánh đầy đủ nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh vào sổ kế toán, chứng từ kế toán và báo cáo tài chính. Đồng thời, thông tin, số liệu kế toán phải phản ánh liên tục, kịp thời, rõ ràng, trung thực, chính xác thông tin, đúng thời gian quy định.

Một nguyên tắc cần quan tâm nữa là thông tin, số liệu kế toán cần được phân loại, sắp xếp theo trình tự, có hệ thống, có thể so sánh và kiểm chứng được.

3. Tập trung đúng nội dung và thực hiện đúng quy định

Nội dung kế toán tài chính cần phải tập trung vào các nội dung như: xác định các chứng từ kế toán sử dụng, lập, xử lý, luân chuyển các chứng từ kế toán; tổ chức xây dựng hệ thống tài khoản kế toán ở doanh nghiệp; tổ chức hệ thống báo cáo tài chính,… 

Bên cạnh đó, kế toán tài chính doanh nghiệp cần thực hiện công việc theo đúng quy định để tránh bị xử phạt hành chính trong các vấn đề liên quan đến sổ kế toán, chứng từ kế toán, tài khoản kế toán, lập, trình bày báo cáo, nộp và công khai báo cáo tài chính,…

VI. Kế toán tài chính và quy định pháp luật Việt Nam

1. Đơn vị tính trong một kỳ kế toán

Đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán là Đồng Việt Nam, ký hiệu quốc gia là “đ”, ký hiệu quốc tế là “VND”. Trường hợp nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh bằng ngoại tệ, thì sẽ thực hiện các quy đổi khác theo quy định pháp luật. Đơn vị hiện vật và đơn vị thời gian lao động sử dụng trong kế toán là đơn vị đo pháp định của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đơn vị kế toán được làm tròn số, sử dụng đơn vị tính rút gọn khi lập hoặc công khai báo cáo tài chính.

2. Quy định về kỳ kế toán tài chính

Kỳ kế toán bao gồm kỳ kế toán năm, kỳ kế toán quý và kỳ kế toán tháng. Mỗi kỳ kế toán được quy định rõ ràng về khoảng thời gian cũng như thời điểm bắt đầu và kết thúc. Cụ thể thời gian quy định cho từng kỳ như sau: 

– Kỳ kế toán năm: 12 tháng, tính từ đầu ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 năm dương lịch.

– Kỳ kế toán quý: 03 tháng, tính từ đầu ngày 01 tháng đầu quý đến hết ngày cuối cùng của tháng cuối quý.

– Kỳ kế toán tháng: 01 tháng, tính từ đầu ngày 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng. 

3. Nguyên tắc khi làm kế toán tài chính

Một số nguyên tắc cơ bản khi làm kế toán tài chính là:

– Giá trị tài sản và nợ phải trả được ghi nhận ban đầu, theo giá gốc.

– Các quy định, phương pháp kế toán phải được áp dụng nhất quán trong kỳ kế toán năm.

– Đơn vị kế toán phải thu thập, phản ánh khách quan, đầy đủ, đúng thực tế và đúng kỳ kế toán mà nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh.

– Báo cáo tài chính phải được lập và gửi cơ quan có thẩm quyền đầy đủ, chính xác và kịp thời.

– Đơn vị kế toán phải sử dụng phương pháp đánh giá tài sản và phân bổ các khoản thu, chi một cách thận trọng, không được làm sai lệch kết quả hoạt động kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán.

Trên đây là một số nguyên tắc cơ bản, ngoài ra còn rất nhiều nguyên tắc kế toán tài chính bạn cần nắm rõ khi làm việc.

4. Các báo cáo kế toán tài chính phải thực hiện

Báo cáo tài chính cần phải được thực hiện đúng đủ cho từng tháng, từng quý và từng năm. Cụ thể:

– Báo cáo tháng gồm báo cáo thuế Giá trị gia tăng (GTGT), báo cáo thuế Thu nhập cá nhân (TNCN).

– Báo cáo quý gồm báo cáo Thuế GTGT, thuế TNCN, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn.

– Báo cáo năm gồm Báo cáo tài chính, quyết toán thuế TNCN, quyết toán thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế môn bài. Ngoài ra cần tổng hợp sổ kế toán gồm sổ nhật ký chung, sổ cái, báo cáo công nợ phải thu và phải trả,…

Xem thêm:

– Mẫu mục tiêu nghề nghiệp kế toán ghi điểm với nhà tuyển dụng chi tiết

– Tổng hợp công việc của kế toán cần phải làm tại doanh nghiệp chi tiết

– SEO Content là gì? Cách xây dựng và tối ưu SEO Content hiệu quả

Hy vọng rằng qua bài viết này, bạn sẽ hiểu rõ hơn về vai trò và công việc của kế toán tài chính trong doanh nghiệp. Hãy tìm hiểu kỹ hơn những điều này nếu bạn muốn trở thành một kế toán tài chính trong tương lai. Cuối cùng, chúc bạn thành công hơn nữa trong công việc!