Ứng dụng công nghệ trong khai thác mủ cao su

TỪ NÔNG DÂN TRỞ THÀNH KỸ THUẬT VIÊN

Hơn 5 năm trước, qua tìm hiểu trên internet, anh Nguyễn Văn Dũng ở thôn 5, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng đã thử nghiệm khai thác mủ cao su bằng phương pháp ép khí ethylene. Ban đầu, anh mua 200 dụng cụ ép khí của Công ty TNHH Vườn xanh tốt ở TP. Hồ Chí Minh thực hiện thí điểm trên vườn cây của gia đình. Do chưa có kinh nghiệm nên hiệu quả kinh tế ban đầu không cao. Sau vài năm tìm hiểu, anh đúc kết được công thức chuẩn và nhận thấy phương pháp này không chỉ giảm công lao động mà năng suất, chất lượng mủ cũng vượt trội hơn trước. Sau đó, anh tự tin áp dụng đại trà để khai thác 2,5 ha cao su còn lại của gia đình. “Áp dụng phương pháp này, sản lượng mủ tăng theo từng năm, giảm được rất nhiều công so với khai thác truyền thống” – anh Dũng cho biết.  

Cây cao su với “vết thương” nhỏ sau khai thác nên hạn chế sâu bệnh, nhanh phục hồi, không mất tuyến mủ

Anh Dũng chia sẻ, vườn cao su 10 năm tuổi của gia đình có một số cây bị khô miệng cạo. Từ khi chuyển sang phương pháp khai thác mủ cao su bằng ép khí, 2 năm nay, những cây bị khô miệng cạo đã cho mủ trở lại, mỗi lần khai thác được khoảng 0,5kg mủ/cây. “Mình đóng bộ thiết bị vào thân cây và bơm khí để dò mạch mủ. Chỗ nào có mạch mủ mình khoan chỗ đó thì mủ ra đều, không bị khô miệng cạo” – anh Dũng chia sẻ. 

Thấy được hiệu quả khai thác mủ bằng ép khí ethylene, nhiều người dân ở huyện Bù Đăng đã tham quan mô hình và học tập phương pháp này của anh Dũng. Hiện anh đang làm kỹ thuật viên của Công ty TNHH Vườn xanh tốt, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật khai thác mủ cao su bằng ép khí ethylene cho người dân ở các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. 

NHIỀU NÔNG DÂN LỰA CHỌN ỨNG DỤNG

Anh Vi Văn Năng ở thôn 6, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng cho biết: 3 năm nay, anh sử dụng phương pháp này để khai thác 6 ha cao su hơn 10 năm tuổi của gia đình. Kết quả, so với cạo mủ truyền thống thì khoan lấy mủ nhẹ nhàng hơn, không phải đi làm ban đêm nữa. Khoảng 2-3 giờ chiều, anh bắt đầu khoan, đến 7 giờ sáng hôm sau thì trút mủ. Cây cao su với vết thương nhỏ nên hạn chế bệnh, nhanh phục hồi, không mất tuyến mủ. Bên cạnh đó, năng suất mủ cao hơn so với cạo truyền thống, số ngày lấy mủ trung bình khoảng 9 tháng trong năm. 

Cạo mủ theo phương pháp truyền thống ngại nhất là cạo ban đêm vừa mất sức, nếu trời mưa thì không cạo được. Với công nghệ ép khí ethylene, trời mưa bão cũng cạo được, bởi khoan xong là có nắp đậy tô mủ lại, ngày hôm sau đi thu gom sản phẩm. Trước đây, gia đình khai thác mủ theo phương pháp truyền thống, nhưng thường xuyên bị mất mủ do mưa làm trôi, nay với phương pháp này, sản lượng tăng lên khoảng 20% mà không sợ trôi.

Anh VI VĂN NĂNG ở thôn 6, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng

Theo anh Năng, vật tư cho phương pháp khoan áp khí, gồm: bộ áp khí, búa, khoan, máng hứng mủ hoặc ống lấy mủ, dụng cụ bơm khí, dụng cụ dùng để che mưa. Khi thực hiện, người khai thác lắp bộ áp khí vào thân cây rồi bơm khí, trung bình 7-10 ngày bơm khí cho cây 1 lần. Khi khoan lấy mủ, nhà vườn dùng ống nhựa có chiều dài khoảng 7cm, được thiết kế sẵn gắn vào lỗ vừa khoan cho mủ chảy ra chén. Để tiện lợi cho việc làm kiềng giữ chén, anh Năng sáng chế ra kiềng vạn năng, chỉ cần cài vào cây cao su mà không mất thời gian buộc dây như trước. Chi phí mua vật liệu khoảng 11 triệu đồng cho vườn 500 cây, vật tư có thể sử dụng được 3-5 năm. 

Gia đình anh Nguyễn Công Hoài Nam ở thôn 5, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng có 6 ha cao su, 2 năm nay anh áp dụng phương pháp khai thác mủ bằng ép khí ethylene nên không phải “đỏ mắt” tìm nhân công. Khai thác mủ cũng không phải làm máng, không phải đi lấy mủ dây, không phải cạo mủ ban đêm, 1 tháng mới chuyển kiềng 1 lần, mưa, gió cũng không lo trôi mất mủ vì có máng che. Với phương pháp này, chỉ cần 1 lần khoan trên diện tích 1 ha cao su sẽ cho thu 200kg mủ, cao gấp đôi so với phương pháp cạo mủ truyền thống.

Theo anh Nam, trong thời điểm giá mủ cao su xuống thấp, công lao động tốn kém, nếu khai thác theo phương pháp truyền thống, nhiều nông dân phải bỏ vườn cao su không dám khai thác vì bán mủ không bù nổi tiền thuê nhân công. Phương pháp khai thác mủ cao su bằng ép khí đã giúp nhiều gia đình có thêm thu nhập, không phải bỏ hoang vườn cao su như trước. Anh Nam chia sẻ: “Trước đây, vào lúc 1 giờ sáng, tôi phải thức dậy ra lô cạo mủ, còn bây giờ chuyển qua cạo bằng công nghệ mới này thì tầm 2-3 giờ chiều mới bắt đầu đi làm. Một lô 500 cây, tôi khoan khoảng 2,5 giờ và làm việc vào ban ngày nên rất khỏe”.

Ethylene là chất kích thích thực vật có trong cao su, đóng vai trò phát triển bộ rễ, tham gia vào sự vận hành tuyến mủ, kích thích quá trình tạo mủ và làm cho mủ đông chậm, giúp mủ chảy lâu hơn. Phương pháp này đã được ứng dụng ở Malaysia và Thái Lan từ nhiều năm trước vì khi khai thác mủ sẽ hạn chế tác động vào vỏ cây nên cây sẽ không bị mất vỏ, cho gỗ tốt, hạn chế mắc bệnh khô miệng và nấm.

Anh NGUYỄN VĂN DŨNG, kỹ thuật viên Công ty TNHH Vườn xanh tốt (TP. Hồ Chí Minh)

Việc ứng dụng phương pháp khai thác mủ cao su bằng ép khí ethylene của người dân huyện Bù Đăng đã tạo tiền đề để các nông hộ khác trên địa bàn tỉnh học tập. Phương pháp này cũng mở hướng đi mới, đem lại nhiều lợi ích cho người trồng cao su trước những biến động về giá cả, thị trường mủ như hiện nay. Tuy nhiên, phương pháp cạo mủ bằng ép khí ethylene phải được làm đúng cách, phải có các dụng cụ đi kèm chuẩn, như bộ áp khí chất lượng, bơm khí định lượng chính xác, giúp lấy lượng mủ ổn định vừa với sức cây để khai thác lâu dài và không làm cây bị kiệt quệ. Đồng thời phải thường xuyên bón phân, phun thuốc phòng bệnh giúp cây mau phục hồi.