Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ từ 1-7/8: Tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ còn thấp

Dù ý thức được tầm quan trọng của sữa mẹ nhưng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu hiện nay khá thấp ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng tỷ lệ này còn thấp, ước tính năm 2015 là 22,7% và năm 2020 là 45,4%. 

Nhiều nguyên nhân khiến trẻ không được bú sữa mẹ

BS. Đinh Thị Vân, Phó khoa Sức khỏe Sinh sản CDC Đồng Nai cho biết: Việt Nam đặt mục tiêu đạt 85% tỷ lệ cho trẻ bú sớm trong năm 2020 và kỳ vọng cao hơn vào các năm tiếp theo, tuy nhiên trên thực tế tỷ lệ này mới chỉ đạt được hơn một nửa. Tại Đồng Nai, mặc dù ngành y tế đã có nhiều khuyến cáo về lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ, nhưng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ còn rất thấp mới chỉ khoảng 58%. 

Chị N.T.H. ở phường Trảng Dài, TP. Biên Hoà chia sẻ do sinh bé đầu cả 2 vợ chồng đều chưa có kinh nghiệm, chị lại phải sinh mổ nên gặp khó khăn khi phải ngồi dậy để cho bé bú. Hơn nữa, chị và chồng rất lúng túng khi thấy bé ngậm ti mẹ bú một hồi rồi lại khóc ré lên mặc dù bầu ngực chị rất căng sữa. Thế nên chồng chị phải vội đi pha sữa bột cho bé bú. Sau đó, khi chị cho bé bú lại sữa mẹ thì bé nhất quyết không chịu bú. “Từ lúc sinh đến giờ bé bỏ hẳn bú sữa mẹ mà chỉ chịu uống sữa hộp. Bé tuy không còi cọc nhưng đau ốm suốt và nhiều lần phải nhập viện”, chị N.T.H. nói.

Hiện nay, một số bà mẹ lại có xu hướng “giữ dáng” và tin tưởng vào sữa hộp có thể thay thế sữa mẹ nên không cho con bú mẹ. Chị M.K.T. ở phường Tân Phong, TP. Biên Hoà là một ví dụ. Lo lắng vì ngoại hình, sinh con xong chị không cho con bú để thực hiện chế độ ăn kiêng, giảm cân lấy lại vóc dáng. Hơn nữa, chị cho rằng đã tìm được loại sữa hộp tốt nhất cho con rồi thì không cần sữa mẹ, bé vẫn phát triển tốt. Tuy nhiên, con chị từ lúc sinh ra đến nay hay bị bệnh, dù không gầy nhưng yếu ớt so với những trẻ khác. 

Các bà mẹ cần cho con bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời.

Theo BS. Đinh Thị Vân, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ không được bú sữa mẹ. Ngày nay nhiều bà mẹ do phải sinh mổ nên việc cho con bú ít nhiều gặp khó khăn hơn so với bà mẹ sinh thường. Do đau vết mổ khiến việc cho bé bú không đúng cách làm bé không thoải mái và chê ti mẹ. Một số nguyên nhân khác như tác dụng của kháng sinh làm sữa xuống chậm, tâm lý lo sữa mẹ không tốt do bị “nhiễm” kháng sinh… Bên cạnh đó ở ngoài thị trường có rất nhiều loại sữa, thức ăn được truyền thông một cách rầm rộ là có thể thay thế bằng sữa mẹ.

Nhiều lợi ích khi trẻ bú sữa mẹ 

Bác sĩ Đinh Thị Vân cho hay, việc nuôi con bằng sữa mẹ đều có lợi cho cả mẹ và bé. Đối với mẹ việc cho con bú sẽ làm giảm nguy cơ băng huyết, thiếu máu sau sinh, giảm nguy cơ ung thư vú, buồng trứng, tử cung; làm chậm có thai trở lại (đặc biệt là giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ đạt hiệu quả cao trong việc tránh thai an toàn); hồi phục nhanh cân nặng, vóc dáng ban đầu.

Sữa mẹ mang đến cho trẻ nguồn dinh dưỡng tuyệt vời nhất vì sữa mẹ cung cấp gần như đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ như: vitamin, khoáng chất, đạm, protein và chất béo… Bên cạnh đó, sữa mẹ chứa nhiều đạm dễ tiêu hóa và các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ được chia tỉ lệ hợp lý để kích thích đường ruột làm việc một cách hiệu quả nhất, giúp trẻ hấp thụ dinh dưỡng tối đa, nhất là trong giai đoạn sơ sinh khi hệ tiêu hóa của trẻ vẫn chưa hoàn thiện. Sữa mẹ còn chứa nhiều kháng thể giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ để chống lại sự tấn công của vi rút và vi khuẩn. Đặc biệt sữa mẹ là một thực phẩm hoàn toàn sạch, bé bú trực tiếp nên đảm bảo an toàn vệ sinh. 

Bên cạnh cung cấp nguồn dinh cho bé thì việc trẻ bú sữa mẹ giúp giảm nguy cơ dị ứng, sâu răng, giúp phát triển xương hàm, răng, giọng nói, khuôn mặt tốt hơn. Đặc biệt, sữa mẹ giàu dinh dưỡng nhưng việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ lại không khiến bé tăng cân quá mức gây thừa cân, béo phì, đặc biệt là trong hai năm đầu đời. Đồng thời, trẻ bú sữa mẹ cũng giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh như: Viêm tai giữa, bệnh về đường hô hấp, cảm lạnh, nhiễm tụ cầu, rối loạn đường ruột, tiểu đường, đái tháo đường, huyết áp. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cũng cho biết, việc cho con bú sữa mẹ còn đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, nuôi con bằng sữa mẹ giúp trẻ có chỉ số IQ cao hơn trong thời thơ ấu. Nguyên nhân là do sữa mẹ rất giàu HMO – thành phần giúp nuôi dưỡng hệ vi sinh đường ruột, giúp trẻ có hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Khi hệ tiêu hóa khỏe mạnh sẽ giúp tăng cường sự liên kết thần kinh, làm cho não hoạt động tốt hơn, từ đó trẻ thông minh hơn. Ngoài ra, sữa mẹ còn giàu DHA, thành phần quan trọng nhất cho sự phát triển trí não của trẻ. Việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ tạo ra sự gần gũi về thể chất khi mẹ vừa tiếp xúc da thịt vừa giao tiếp bằng mắt với con. Điều này giúp tạo ra sự gắn kết giữa mẹ và bé, mang đến cảm giác an tâm hơn cho trẻ. 

Thanh Tú