Trẻ sơ sinh bị đầy bụng: Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí | Huggies

Trẻ sơ sinh bị đầy bụng hay trẻ sơ sinh bị đầy hơi là tình trạng không hiếm gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không phải bố mẹ nào cũng biết vì sao bé bị đầy bụng và nôn hay quấy khóc kéo dài. Cùng Huggies và chuyên gia Nguyễn Phước Mỹ Linh – bác sĩ Nội Nhi tại bệnh viện Nhi Đồng 1 tìm hiểu cách chữa đầy bụng cho trẻ sơ sinh trong bài viết dưới đây bố mẹ nhé!

Đầy bụng hay đầy hơi ở trẻ sơ sinh là gì?

Mỗi người chúng ta đều sản xuất và thải ra hơi. Bình thường, khi thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa, ruột non sẽ hấp thụ các thành phần có thể sử dụng được. Vi khuẩn trong ruột già phân hủy thức ăn thừa, giải phóng hydro và carbon dioxide và tạo ra bong bóng khí trong quá trình này. Ợ hơi cho phép một số khí thoát ra khỏi dạ dày ngay từ sớm, và phần còn lại sẽ đi từ đại tràng đến trực tràng, nơi nó được tống ra ngoài chủ yếu qua nhu động ruột hoặc đánh rắm. Nhưng khi hơi không đi qua đường ruột dễ dàng, nó sẽ tích tụ trong đường tiêu hóa và gây đầy hơi và khó chịu.

Trẻ sơ sinh đặc biệt dễ bị đầy bụng hay đầy hơi. Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh còn non nớt nên sản sinh ra nhiều khí, và điều này là bình thường. Ngoài ra, trẻ sơ sinh cũng hít nhiều không khí khi bú, khóc, và nhất là khi bú bình, vì thế trẻ sơ sinh cũng tạo ra nhiều khí hơn. Trung bình, trẻ sơ sinh xì hơi khoảng 13 đến 21 lần mỗi ngày. Trẻ thường vặn vẹo mình và co chân khi xì hơi, từ bụng có thể phát ra tiếng động lớn. Bụng chướng hơi do chứa nhiều khí thường gặp ở trẻ dưới 4 tháng tuổi, vì thế việc thường xuyên bị đầy hơi không phải là nguyên nhân đáng lo ngại và trẻ hay quấy khóc cũng có thể là điều hoàn toàn bình thường.

Trẻ sơ sinh bị đầy bụng sẽ quấy khóc rất nhiều

Trẻ sơ sinh bị đầy bụng là hiện tượng phổ biến (Nguồn: Sưu tầm)

Tại sao trẻ sơ sinh bị đầy hơi?

Trẻ sơ sinh bị đầy hơi có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân:

  • Trẻ sơ sinh thường nuốt không khí khi khóc, khi ngậm núm vú giả và khi bú mẹ hoặc bú bình.

  • Trẻ sơ sinh bị đầy hơi nếu nuốt quá nhiều không khí do tư thế bú sai.

  • Trẻ bú quá nhiều hoặc bị táo bón.

  • Bị dị ứng hoặc không dung nạp với các thành phần trong sữa công thức hoặc sữa mẹ, dẫn đến đầy hơi.

  • Do hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh vẫn chưa hoàn thiện, vẫn đang phát triển và học cách xử lý hiệu quả thức ăn, phân và khí nên dễ ứ hơi.

  • Thức ăn của mẹ khiến trẻ bú sữa mẹ bị đầy hơi: nếu mẹ đang cho con bú, một số loại thực phẩm gây đầy hơi mà mẹ ăn vào cũng có thể khiến trẻ bị đầy hơi bao gồm:

  • Thực phẩm giàu chất xơ, đặc biệt là bất kỳ thực phẩm nào có chứa cám.

  • Trái cây như mơ, đào, mận khô, lê, mận, cam quýt.

  • Các loại rau xanh như bông cải xanh, atiso, măng tây và bắp cải.

  • Các loại rau giàu tinh bột như khoai tây và súp lơ.

  • Thực phẩm giàu tinh bột khác như ngô và mì ống.

  • Sản phẩm từ sữa.

  • Sô cô la, đồ uống có gas và cafein.

  • Một số nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sơ sinh bị đầy hơi

    Một số nguyên nhân phổ biến khiến trẻ sơ sinh bị đầy hơi (Nguồn: Sưu tầm)

    >>Xem thêm:

    Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị đầy hơi

    Thông thường, khi bị đầy hơi, chướng bụng, trẻ thường có những biểu hiện khá rõ ràng. Chỉ cần bố mẹ quan sát kỹ là có thể nhận biết được.

    Trẻ sơ sinh bị chướng bụng (hay còn gọi là đầy bụng) đa phần sẽ có các biểu hiện sau đây:

  • Trẻ bị ợ hơi rất nhiều lần:

  • Khi trẻ sơ sinh bị đầy hơi, bụng của bé sẽ bị chướng. Do đó, cơ thể phải tạo ra các phản ứng ợ hơi để đào thải khí ra ngoài. Nếu cha mẹ thấy trẻ ợ hơi nhiều, đồng thời nôn trớ thì rất có thể trẻ đang bị đầy hơi, chướng bụng.

  • Bụng sưng to và căng ra:

  • Ở trạng thái bình thường, sau quá trình tiêu hóa diễn ra, bụng của trẻ sẽ dần phẳng và cơ bụng mềm đi. Tuy nhiên, khi bị đầy hơi, chướng bụng, bụng của bé sẽ căng tròn. Do nuốt nhiều không khí bên ngoài và khí này bị ứ đọng trong dạ dày làm ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn. Khi áp lực trong ruột và dạ dày tăng cao, bụng của trẻ sẽ bị căng tức, chướng lên và đôi khi sưng hoặc đau. Biểu hiện này thường xuất hiện sau 1 – 2 giờ ăn. Khi bố mẹ vỗ nhẹ vào bụng của bé thì thấy âm thanh phát ra như tiếng trống kêu.

  • Sau khi ăn xong, trẻ bị nôn trớ:

  • Biểu hiện nôn trớ sau khi ăn cũng là hiện tượng thường xảy ra khi trẻ sơ sinh bị đầy hơi, chướng bụng. Nguyên nhân của tình trạng này thường là do trẻ không hợp với thành phần sữa hoặc bị dị ứng với sữa.

  • Liên tục xì hơi (trung tiện):

  • Đầy bụng ở trẻ sơ sinh cũng được biểu hiện bằng việc xì hơi liên tục. Vì không khí chảy ngược vào thực quản, đồng thời bị đẩy vào đường ruột với áp lực mạnh nên trẻ có thể sẽ xì hơi từ 15 đến 20 lần một ngày.

  • Thường xuyên khóc, trẻ có biểu hiện bứt rứt, tính chất của phân thay đổi:

  • Do bụng đầy và chướng lên, em bé luôn có cảm giác khó chịu khiến trẻ quấy khóc rất nhiều. Một số biểu hiện thường thấy như quằn quại, vặn mình, co chân lên rồi duỗi ra ngay.

    Nếu bố mẹ không quan sát chi tiết được những biểu hiện trên, hãy dựa vào tính chất phân của bé. Khi trẻ sơ sinh bị đầy bụng, phân của bé sẽ lỏng hoặc sệt, không còn dạng “hoa cà” nữa. Thậm chí, đôi khi trẻ sẽ có thể bị táo bón trong vài ngày.

  • Ngủ không ngon:

  • Trẻ bị đầy hơi chướng bụng thường cảm thấy khó chịu nên ngủ không sâu giấc. Nếu tình trạng này kéo dài, sức khỏe của trẻ sẽ bị ảnh hưởng.

    Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị đầy hơi thường khá rõ ràng

    Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị đầy hơi thường khá rõ ràng (Nguồn: Sưu tầm)

    Trẻ sơ sinh bị đầy hơi, mẹ nên làm gì?

    Một trong những cách chữa đầy hơi cho trẻ sơ sinh là thử bế trẻ ở nhiều tư thế khác nhau. Cho trẻ ợ hơi giúp loại bỏ một phần không khí mà trẻ nuốt phải khi ăn. Cố gắng sử dụng các tư thế khác nhau khi ợ hơi để bé và mẹ cảm thấy thoải mái. Mẹ hãy thử một trong ba tư thế sau để ợ hơi:

  • Ngồi thẳng lưng và ôm trẻ dựa vào ngực. Ở tư thế này, cằm của bé sẽ nằm trên vai mẹ trong khi mẹ dùng tay đỡ trẻ. Nhẹ nhàng vỗ lưng cho bé.

  • Bế trẻ ngồi trên đầu gối hoặc trong lòng mẹ. Ở tư thế này, mẹ sẽ nhẹ nhàng đỡ đầu và ngực của bé bằng cách giữ cằm của bé. Đặt gót bàn tay lên ngực bé, hãy cẩn thận giữ cằm bé chứ không phải cổ họng bé. Với tay còn lại, hãy vỗ nhẹ vào lưng trẻ.

  • Đặt trẻ úp mặt vào lòng mẹ. Ở tư thế này, hãy nâng đỡ đầu của bé và đảm bảo rằng nó cao hơn ngực của bé. Vỗ nhẹ vào lưng trẻ.

  • Thay đổi bình sữa của bé: nếu em bé của mẹ bị đầy hơi khi bú bình, mẹ có thể thử đổi núm vú và bình sữa khác. Núm vú mềm, có đường viền dọc theo môi và miệng của bé, có thể giúp ngăn chặn nuốt khí thừa khi bé bú. Hơn nữa, sữa nên chảy chậm để trẻ có đủ thời gian để uống mà không nuốt quá nhiều. Tốt nhất trẻ nên dành từ 20 phút đến một giờ để bú xong. Nếu trẻ bú xong trong 5 năm phút, có nghĩa trẻ đang nuốt quá nhanh và nuốt không khí thừa. Trong những trường hợp này, núm vú có lẽ quá lớn so với tuổi của trẻ. Mẹ hãy thử chuyển sang núm vú có dòng chảy chậm hơn.

  • Điều chỉnh tư thế cho bú: trong khi cho trẻ bú bình hoặc bú mẹ, hãy điều chỉnh tư thế cho trẻ bú để tránh bị đầy hơi. Luôn giữ đầu của trẻ cao hơn bụng. Tư thế này giúp sữa di chuyển xuống đáy dạ dày và không khí lên trên giúp bé ợ hơi. Mẹ nên nâng đầu bình sữa lên một chút để không có bọt khí trong núm vú.

  • Cho bé ợ hơi: một trong những cách tốt nhất để giảm đầy hơi là cho bé ợ hơi khi bú và sau khi bú. Tuy nhiên, thay vì cho trẻ ợ hơi khi đang bú, hãy đợi khi trẻ nghỉ ngơi hoặc giảm tốc độ. Nếu không, trẻ có thể khó chịu, khóc và nuốt nhiều không khí hơn trong quá trình này. Và mẹ hãy sử dụng tư thế ợ hơi thoải mái nhất cho trẻ.

  • Mát-xa cũng có thể hữu ích trong việc giảm đầy hơi ở trẻ. Nhẹ nhàng xoa bóp bụng trẻ theo chiều kim đồng hồ quanh rốn, hoặc đặt trẻ nằm ngửa và di chuyển chân và hông của trẻ tư thế đạp xe đạp. Những động tác này làm vỡ bong bóng và tạo thêm lực đẩy cho khí để thoát ra ngoài.

  • Ngoài ra, mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng thử một số loại thuốc chống đầy hơi không kê đơn có chứa simethicone.

  •  

    Mẹo chữa trẻ sơ sinh bị đầy bụng

    Mẹ bế bé dựa vào ngực và vỗ ợ hơi là cách để tránh trẻ sơ sinh bị đầy bụng (Nguồn: Sưu tầm)

    Trẻ sơ sinh bị đầy hơi khi nào cần gặp bác sĩ?

    Thông thường, trẻ sơ sinh bị đầy hơi là điều bình thường và có thể điều trị được. Trong một số trường hợp hiếm hoi, các vấn đề nghiêm trọng hơn của đường tiêu hóa cũng có thể gây ra đầy hơi ở trẻ sơ sinh. Mẹ nên liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu trẻ sơ sinh có bất kỳ biểu hiện nào sau đây:

  • Trẻ bị nôn ói, không đi ngoài ra phân hoặc có máu trong phân.

  • Trẻ cực kỳ cáu gắt. Nếu mẹ không thể xoa dịu em bé, bác sĩ có thể kiểm tra để loại trừ bất kỳ vấn đề nào.

  • Trẻ bị sốt cao. Nếu em bé của mẹ dưới ba tháng tuổi và bị sốt, hãy đưa trẻ đến bác sĩ ngay lập tức.

  • Cách giúp trẻ sơ sinh không bị đầy hơi

    Một số cách có hiệu quả để phòng trẻ sơ sinh bị đầy bụng bao gồm:

  • Cho trẻ ợ hơi trong và sau khi bú.

  • Có tư thế bú bình đúng, bú ngồi để bảo đảm đầu trẻ luôn cao hơn bình, để trẻ ợ hơi dễ dàng. Nghiêng bình sữa ở một góc sao cho sữa có thể lấp đầy toàn bộ núm vú để trẻ không nuốt không khí vào. Nếu trẻ bú sữa bột, hãy để bình sữa lắng xuống trước khi cho bé uống. Vì khi lắc bình sữa cho sữa bột tan đều, vô tình sẽ tạo các bong bóng khí hòa vào sữa, trẻ uống vào sẽ có nhiều hơi.

  • Chọn lựa thực phẩm dễ tiêu, ít sinh hơi cho mẹ. Hãy cẩn thận với các loại thực phẩm sinh nhiều hơi. Nếu mẹ đang cho con bú , thức ăn mẹ đã ăn cũng có thể khiến trẻ bị đầy hơi. Nếu cho con dùng sữa công thức, mẹ có thể thử đổi sang một số loại sữa dễ tiêu hóa hơn nhé!

  • >>> Xem thêm:

    Chăm sóc trẻ sơ sinh đối với những người lần đầu làm cha mẹ là một trải nghiệm vừa bỡ ngỡ vừa thú vị. Bé mới được tiếp xúc với môi trường bên ngoài cơ thể của mẹ nên sẽ rất lạ lẫm. Vì vậy, việc chăm sóc trẻ đúng cách là vô cùng quan trọng. Hi vọng những thông tin mà Huggies® cung cấp sẽ hữu ích đối với bố mẹ về cách xử lý khi trẻ sơ sinh bị đầy hơi.

    Nếu bố mẹ còn thắc mắc thì hãy gửi ngay câu hỏi về chuyên mục Góc chuyên gia để được giải đáp kịp thời.

    Nguồn tham khảo: 

    https://www.webmd.com/parenting/baby/features/infant-gas
    https://www.healthline.com/health/parenting/baby-gas-prevent-relief#overview