Trẻ em 16 tuổi có được mở sổ tiết kiệm không? Nội dung sổ tiết kiệm bao gồm những nội dung tối thiểu gì?


Cho tôi hỏi trẻ em 16 tuổi có được mở sổ tiết kiệm không? Tôi 16 tuổi, mẹ mất sớm, sống với cha và mẹ kế. Ông bà ngoại muốn mở cho tôi một sổ tiết kiệm để con học đại học, với điều kiện không ai khác được sử dụng số tiền đó. Vậy tôi có thể đứng tên sổ tiết kiệm không hay phải thông qua cha và mẹ kế?

Sổ tiết kiệm được hiểu như thế nào?

Căn cứ khoản 1 Điều 7 Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định sổ tiết kiệm như sau:

“Điều 7. Thẻ tiết kiệm

1. Thẻ tiết kiệm hoặc sổ tiết kiệm (sau đây gọi chung là Thẻ tiết kiệm) là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền tại tổ chức tín dụng, được áp dụng đối với trường hợp nhận tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng.”

Theo đó, sổ tiết kiệm được hiểu là chứng chỉ xác nhận quyền sở hữu tiền gửi tiết kiệm của người gửi tiền tại tổ chức tín dụng, được áp dụng đối với trường hợp nhận tiền gửi tiết kiệm tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng.

Sổ tiết kiệm

Sổ tiết kiệm (Hình từ Internet)

Nội dung sổ tiết kiệm bao gồm những nội dung tối thiểu gì?

Căn cứ khoản 2 Điều 7 Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định nội dung sổ tiết kiệm như sau:

“2. Nội dung Thẻ tiết kiệm

a) Thẻ tiết kiệm phải có tối thiểu các nội dung sau:

(i) Tên tổ chức tín dụng, con dấu; Họ tên, chữ ký của giao dịch viên và của người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng;

(ii) Họ tên, số và ngày cấp Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền hoặc của tất cả người gửi tiền (đối với tiền gửi tiết kiệm chung) và thông tin của người đại diện theo pháp luật của người gửi tiền trong trường hợp gửi tiền gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật;

(iii) Số Thẻ tiết kiệm; số tiền; đồng tiền; ngày gửi tiền; ngày đến hạn (đối với tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn); thời hạn gửi tiền; lãi suất; phương thức trả lãi;

(iv) Biện pháp để người gửi tiền, tra cứu khoản tiền gửi tiết kiệm;

(v) Xử lý đối với trường hợp nhàu nát, rách, mất Thẻ tiết kiệm;

b) Ngoài các nội dung quy định tại điểm a khoản này, Thẻ tiết kiệm có thể có các nội dung khác theo quy định của tổ chức tín dụng.”

Đối chiếu quy định trên, sổ tiết kiệm bao gồm những nội dung nêu trên.

Trẻ em 16 tuổi có được mở sổ tiết kiệm không?

Căn cứ khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người chưa thành niên như sau:

“Điều 21. Người chưa thành niên

4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”

Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 3 Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định như sau:

“Điều 3. Người gửi tiền

1. Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật.

2. Công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.

3. Công dân Việt Nam bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật hoặc chưa đủ 15 tuổi thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm thông qua người đại diện theo pháp luật; Công dân Việt Nam có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm thông qua người giám hộ.”

Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 76 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định như sau:

“Điều 76. Quản lý tài sản riêng của con

1. Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.

2. Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.

…”

Đối chiếu quy định trên, như vậy, nếu bạn không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật thì bạn có khả năng nhận số tiền mà ông bà ngoại tặng cho và tự mở tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng.

Bạn có thể tự mình quản lý, định đoạt đối với tài sản riêng nêu trên mà không phải thông qua người đại diện theo pháp luật.