Trang phục truyền thống Việt Nam truyền cảm hứng cho các nhà thiết kế trên thế giới

Trang phục truyền thống Việt Nam truyền cảm hứng cho các nhà thiết kế trên thế giới

Bản chất của Thời trang là mới mẻ, đầy sáng tạo, tuy nhiên có quy luật và chịu sự ảnh hưởng theo trào lưu chung của xã hội. Nhìn lại lịch sử chúng ta dễ dàng nhận thấy, sự giao thoa văn hóa luôn xảy ra trong mọi thời đại…

Bản chất của Thời trang là mới mẻ, đầy sáng tạo, tuy nhiên có quy luật và chịu sự ảnh hưởng theo trào lưu chung của xã hội. Nhìn lại lịch sử chúng ta dễ dàng nhận thấy, sự giao thoa văn hóa luôn xảy ra trong mọi thời đại. Một nhà thiết kế (NTK) có thể lấy ý tưởng thiết kế từ trang phục truyền thống của bất cứ quốc gia, đất nước nào, tùy theo sự biến động về kinh tế, xã hội và dự báo xu hướng mốt toàn cầu mà mỗi giai đoạn có các trào lưu theo vùng miền hay chủng tộc khác nhau. Đầu thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, đều có điểm chung giống nhau đó là xu hướng tiếp biến văn hóa mặc các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam…

 

 

BST thu đông 2011- 2012 của NTK Calvin Klein. Nguồn [12]


 

Về mặt lịch sử, từ thời xa xưa, vải vóc và hàng xa xỉ đã đến phương Tây qua các tuyến đường thương mại từ Ba Tư, Ai Cập và Trung Á, sau đó là từ Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Colombia, Mexico và các nơi khác. Toàn bộ các ngành công nghiệp, như sản xuất lụa của Ý và Pháp được ảnh hưởng về thiết kế và phương pháp sản xuất tơ lụa từ các mặt hàng nhập khẩu này. Trong những thập niên đầu của thế kỷ XX phong cách dân tộc là một yếu tố quan trọng trong việc thử nghiệm mới mẻ trên trang phục của phụ nữ. Paul Poiret đã thay đổi đường nét và hình dạng của bộ kimono Nhật Bản vào những bộ trang phục hiện đại; Mariano Fortuny đã lấy ý tưởng sáng tạo thời trang từ trang phục thời Trung Cổ và nghệ thuật châu Âu, đặc biệt là thời Phục Hưng. Những năm 1960 với các đại diện thời trang cao cấp như Yves Saint Laurent, Kenzo, và Sonia Rykiel cũng theo phong cách này [10].

 

 

 

Bộ sưu tập xuân hè 2012 của NTK Ferragamo Salvatore. Nguồn [4]


Các nhà thiết kế phương Tây cho rằng những bộ trang phục lấy ý tưởng từ các bộ trang phục Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam và các nền văn hóa khác là các loại trang phục “phi phương Tây”. Trong những năm 1960 và 1970, phong cách dân tộc đã tạo ra một không gian phong phú cho thời trang mà không cần thiết kế: khăn quàng Palestin, váy Latin Mỹ, vaỉ batik Indonesia, áo khoác Trung Quốc, giỏ mây, túi xách thêu, dép da và trang sức của bộ lạc (thông qua các cửa hàng nhập khẩu hoặc các chuyến du lịch), chúng được kết hợp cùng với quần áo thông thường. Phong cách dân tộc đã trở thành một cách mặc quần áo theo phong cách cá nhân cũng như mang tính quốc tế [10]. Phong cách dân tộc thể hiện những phẩm chất, cảm xúc sâu sắc về giao thoa văn hóa.

Khi các NTK tiên phong Nhật Bản, bao gồm: Issey Miyake, Yohji Yamamoto, và Rei Kawakubo đã trình diễn những bộ sưu tập (BST) ở Paris vào những năm 1980, với chủ nghĩa tối giản trong các BST được kết hợp các yếu tố thiết kế giữa phương Đông và phương Tây, một số NTK thời trang châu Á đã tìm thấy ý tưởng kích thích các kỹ năng sáng tạo của họ trên nền văn hóa dân tộc. Trong những năm 1990 và những năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới, phong cách dân tộc đã trở thành một trong những ảnh hưởng mạnh nhất của thời trang. NTK như: Christian Lacroix, Dries Van Noten, John Galliano, Kenzo, Vivienne Tam, Yeohlee và nhiều người khác, đã lấy ý tưởng từ châu Á, châu Phi, Bắc cực, người Mỹ bản địa và một số mẫu trang phục khác để sáng tạo các thiết kế mới với đầy màu sắc, thẩm mỹ gợi cảm xúc về những trang phục dân tộc hay các nền văn hóa xa xôi [10].

Khởi nguồn ý tưởng trong thiết kế thời trang đôi khi chỉ là một chút xúc động nhỏ về một nét văn hóa nào đó, nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng NTK và trở thành yếu tố quan trọng nhất xuyên suốt quá trình sáng tạo. NTK thời trang Coco Chanel nói: “Thời trang không chỉ tồn tại trên những chiếc váy bạn mặc. Nó ở trên bầu trời, đường phố, đi cùng những ý tưởng, tồn tại cùng cách ta sống và hiện thực”. NTK nổi tiếng người Nhật Kosino Junko cho rằng: “Ý tưởng thiết kế rất quan trọng trong thời trang. Tôi là NTK người Nhật, tôi rất thích thiết kế liên quan đến kimono truyền thống, nó thể hiện quan điểm thẩm mỹ của người Nhật…” (Pv ngày 14/ 9/ 2004 – năm 2004 bà đã có bộ sưu tập ảnh hưởng từ Kimono khá độc đáo).  Năm 1993, bà là nhà tạo mẫu thời trang người Nhật đầu tiên và cũng là NTK quốc tế đầu tiên đã đến Việt Nam với bộ sưu tập mang đậm phong cách Nhật, lấy ý tưởng từ áo dài Việt Nam, với nền văn hóa Việt. Vẻ đẹp tà áo dài của người phụ nữ Việt Nam đã lôi cuốn trí tưởng tượng của bà cho BST thực sự rất ấn tượng (Hình). Sau hơn mười năm, vào tháng 9 năm 2004 bà đã trở lại Việt Nam, tại Hà Nội đã diễn ra buổi hội thảo khá sôi nổi giữa NTK Kosino Junko với các giảng viên, sinh viên và các NTK. Tác giả đã có cuộc trao đổi trực tiếp với NTK Kosino Junko:

 

– Khi đến với Việt Nam Bà đã có ý tưởng gì cho bộ sưu tập của mình ? Ý tưởng đó có liên quan đến đất nước con người Việt Nam không ?

+ Tôi đặc biệt thích thú với nền văn hóa châu Á, đặc biệt là Việt Nam, vì thế tôi dành tình cảm đó cho bộ sưu tập tại Việt Nam. Tôi rất thích hình tượng áo dài truyền thống, là hình tượng đặc trưng cho người phụ nữ Việt Nam, chính vì thế mà tôi rất muốn phổ biến đến nhiều nước khác trên thế giới và tất nhiên khi nói đến áo dài người ta nghĩ ngay đến hình ảnh người con gái Việt Nam. Tôi cảm thấy rằng áo dài hơi sexy (gợi cảm) một chút, có thể thấy phần da thịt người phụ nữ ẩn hiện hai bên phía eo, đó thực sự là hình ảnh độc đáo và duyên dáng mà tôi đã lấy ý tưởng để thiết kế BST này tại Việt Nam (pv ngày 14/ 9/ 2004).

BST được Kosino Junko sáng tạo hết sức tao nhã, thanh lịch từ tà áo dài, với chất liệu và màu sắc hiện đại, kết hợp với các lớp lưới màu nâu và đen, gợi nhớ về nền văn minh lúa nước của Việt Nam, hay một hình ảnh nào đó trên đất nước Nhật Bản. Tuy nhiên NTK  thực sự tài năng khi lựa chọn màu sắc và chất liệu mới, tạo nên sự mềm mại và hiện đại, gợi cảm và trang nhã. BST thể hiện nét tinh tế, thời thượng mà gần gũi với người Việt, có lẽ sự đồng cảm của tác giả đã thấm đẫm trong từng mẫu thiết kế hoàn hảo đến tuyệt vời, đó chính là sự hòa quyện văn hóa mặc trong các thiết kế của một nhà tạo mẫu hàng đầu Nhật Bản khi đến với Việt Nam.

Áo dài Việt Nam truyền cảm hứng cho các NTK phương Tây trong các BST của Ralph Lauren, Richard Tyler, Claude Montana, Calvin Klein và Giorgio Armani hay trong BST thu – đông 2013 của nhà mốt Leonard. BST thu đông năm 2012 NTK Calvin Klein thể hiện sự thoải mái trong thiết kế với sự tao nhã trong sự kết hợp giữa đầm và quần, giao thoa giữa hiện đại, thanh lịch phương Tây, với sự kín đáo và duyên dáng của văn hóa phương Đông.

Trong BST xuân hè 2012 của NTK Ferragamo Salvatore tại Milan, chúng ta nhận thấy NTK đặc biệt chú trọng tới kết cấu của chiếc yếm. Điểm gây chú ý chính là sự hấp dẫn của phần trên cổ của những chiếc đầm, như dây yếm với bờ vai trần và đường cong quyến rũ của lưng cong thanh mảnh, trên sắc màu của họa tiết trang trí đậm chất phương Đông với cỏ hoa vùng nhiệt đới. Chúng ta thấy trong đó sự hòa âm giữa phương Đông ấm áp và phương Tây gợi cảm. Điều đặc biệt chính là sự quan tâm của NTK tới một nền văn hóa khác xa với văn hóa bản địa nơi họ sinh ra và lớn lên. Dưới sự chỉ đạo của giám đốc sáng tạo Massimiliano Giornetti, Ferragamo đã một lần nữa trở lại với truyền thống mạnh mẽ và hấp dẫn với sự tự do, gần gũi với thiên nhiên qua họa tiết trang trí và phụ kiện: những chiếc túi bằng vải thô và da cá sấu hoặc túi da lộn màu đỏ mâm xôi, hoặc các túi xách thể thao với quai dài; giày, dép disco với màu đen, đỏ và vàng [4], tiếp biến trào lưu của thập niên 70. Sự hấp dẫn từ châu Á đã tạo nên những ấn tượng nhất định để NTK thăng hoa cảm xúc và sáng tạo thời trang.

Một trong các mẫu thiết kế hấp dẫn trong BST này đã được “siêu mẫu” Thanh Hằng lựa chọn trong một sự kiện văn hóa tại Việt Nam (đêm chung kết siêu mẫu Việt Nam 2012). Nhìn vào tổng thể cả màu sắc, chất liệu và cấu trúc chúng ta có thể liên tưởng ngay đến bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Việt thời xưa, với yếm và váy giao lĩnh. Bộ trang phục mộc mạc dân dã đã tiếp biến thành những bộ trang phục hợp xu hướng, sang trọng đến mức ngay cả những ngôi sao nổi tiếng thế giới như: Jenifer Lopez, Zhang Xin Yi và Rosario Dawson thể hiện trong các sự kiện văn hóa, cho thấy thời trang hiện nay đã lan tỏa và mang tính toàn cầu hơn bao giờ hết.

 

 

Jenifer Lopez, Zhang Xin Yi và Rosario Dawson và người mẫu Thanh Hằng trong trang phục của NTK Ferragamo Salvatore.  Nguồn [7]


Trong BST xuân hè 2013 của thương hiệu thời trang Ý Emilio Pucci, chúng ta thấy rõ vẻ đẹp của chiếc yếm truyền thống và tà áo dài Việt đã được giám đốc sáng tạo Peter Dundas thể hiện trong từng mẫu thiết kế hết sức độc đáo và sang trọng trong gam màu đen trắng hiện đại. Chủ đề của bộ sưu tập: “Sự sang trọng của Đông Dương” (the opulence of Indochina), với ý tưởng xuất phát từ trang phục phụ nữ Việt truyền thống, sự khác thường chính là những hình thêu tay tinh tế trên lớp vải đen và trắng mỏng được phủ bởi organza và voan đã thu hút tất cả các nhà báo và khán giả.

Thông điệp của BST là sự “táo bạo và quyến rũ”. Làn da gợi cảm của người mẫu được tôn vinh bởi các chất liệu sang trọng của ren, organza trong như pha lê và chiffon mềm mại được thêu với kỹ thuật truyền thống phương Đông, hình ảnh của rồng, hổ, rắn, và hoa đã được thêu tinh tế trên cấu trúc buông lơi, lỏng lẻo. Những thiết kế chủ yếu là quần ống rộng, áo choàng, áo chẽn với những chiếc váy maxi tuyệt mỹ, hiển thị trong BST là các thiết kế với hai bên sườn cắt theo hình yếm “dân tộc” và chất liệu ren tuyệt đẹp. NTK cho rằng: bây giờ những người phụ nữ quyến rũ sẽ không phải e ngại gì về xu hướng phủ kín mình trong các bộ trang phục nhàm chán như áo sơ mi và quần, mà họ có thể rất gợi cảm. Dundas nói với The Wall Street Journal vào năm 2010, sau khoảng một năm giữ vị trí lãnh đạo ở Emilio Pucci: “Tôi tin vào bản năng động vật. Tôi tin rằng quần áo nên kích động ham muốn” [10]. Chúng ta biết nó tồn tại, và nó sẽ ở đó trong các cửa hàng, bằng cách nào đó, nó sẽ là xu hướng cần được xuất hiện trong trào lưu thời trang ngày nay. Tuy nhiên trong BST còn có có các bộ trang phục “kín đáo” hơn như: áo khoác ngắn (blousons), áo liền quần, áo vét tông (jacket), trang trí với thêu ren rồng hoặc bản in hỗn hợp. Trong một cuộc phỏng vấn ngắn ở khu vực hậu trường sau đêm diễn, ông chia sẻ: “Tôi có một vài người bạn ở Việt Nam và trang phục của họ đã cuốn hút tôi. Sau đó, tôi bắt đầu nghiên cứu và thật sự cảm thấy thích thú” [8]. Trên áo khoác của dòng thời trang cao cấp, NTK đã thêu bằng chỉ vàng chữ “yêu” hay “yêu Hòa bình” bằng tiếng Việt cho thấy sự quan tâm sâu sắc về văn hóa Việt Nam. Trong BST cách nhìn nhận và thiết kế của một người ngoại quốc, văn hóa dân tộc của người Việt vẫn được bảo tồn, tôn tạo dưới một hình thức mới, đó là điều chúng ta cần trân trọng và học tập.

 

 

 

 

Bộ sưu tập xuân hè 2013 của NTK Ý Emilio Pucci. Ảnh trang 42-43. Nguồn [10]

Xu hướng trở về với phương Đông đang là niềm cảm hứng của rất nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng. Dự báo trong những năm tới thời trang thế giới vẫn tiếp tục thừa nhận sự ảnh hưởng ngày một gia tăng những truyền thống và văn hóa châu Á. Sự giao lưu và tiếp biến những ảnh hưởng từ trang phục truyền thống Việt Nam phần nào đưa những nét  đặc sắc của văn hóa mặc Việt Nam vào thế giới của sự đa chiều giữa các luồng ảnh hưởng văn hóa hiện nay.

 

N.K.H

 

Tài liệu tham khảo:

 

1. Baudot, Francois. Fashion of the Century. New York: Universe Publishing, 1999.

2. Buxbaum, Gerda, ed. Icons of Fashion: The 20th Century. New York: Prestal, 1999.

3. Loschek, Ingrid. Fashion in the 20th Century. A Cultural History of Our Time. Munich: Letzter Preis, 1995.

4. Mark Holgate, http://www.vogue.com/fashion-week-review/863133/salvatore-ferragamo-spring-2012

5. Fukai, Akiko. Fashion. Collection of the Kyoto Costume Institute. A History of the 18th to the 20th Century. Tokyo: Taschen, 2002.

6. Fashion of the Century. Fashion Chronicle from 1900 to Today. Munich: Letzter Preis, 2001

7. Mytty, “Văn hóa châu Á tràn ngập sàn diễn quốc tế”,  http://ngoisao.net/tin-tuc/phong-cach/thoi-trang/van-hoa-chau-a-tran-ngap-san-dien-quoc-te-2662563.html, ngày  25/ 8/ 2013.

8. http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/thoi-trang/lang-mot/hang-thoi-trang-italy-theu-tieng-viet-len-trang-phuc-2661103.html

9. Sarah Mower, http://www.vogue.com/fashion-week/spring-2013-rtw/emilio-pucci/review/, ngày 25/ 8/ 2016.

10. Lise Skov, http://fashion-history.lovetoknow.com/clothing-around-world/ethnic-style-fashion, ngày 23/3/2017.

11. http://Elle.com, ngày 25/ 6/ 2013.

12. http://www.style.it/moda/sfilate/sfilata/ai-11-12-collezioni/calvin-klein-collection/3

  • BÀI TRƯỚC / PREV POST
  • BÀI KẾ TIẾP / NEXT POST

Tin trong nước

Tin Quốc tế