Tinh tế mâm cỗ Tết cổ truyền miền Bắc

Moitruong.net.vn
– Mâm cỗ ngày Tết ở miền Bắc rất tinh tế! Đó không đơn thuần là những món ăn, mà đó là màu sắc của quê nhà, là hương vị ngày Tết và hơn hết, đó là sự hòa quyện của đất – trời trong tiết Xuân!

Trong đời sống tinh thần của người Việt, Tết Nguyên Đán là khởi đầu cho một năm mới, vận hội mới của gia đình, cộng đồng và cả dân tộc. Thế nên gia đình dù còn khó khăn, người ta vẫn gắng sắm sửa mâm cỗ Tết thịnh soạn để tưởng nhớ ông bà, Tổ tiên, mong Tổ tiên phù hộ cho con cháu sức khỏe, học hành tấn tới, làm ăn phát tài phát lộc.

Sự hòa quyện của đất – trời trong tiết Xuân!

Nếu một lần được đón Tết cùng người dân miền Bắc, bạn sẽ chợt nhận ra rằng, mâm cỗ ngày Tết nơi đây rất tinh tế. Đó không đơn thuần là những món ăn, mà đó là màu sắc của quê nhà, là hương vị ngày Tết và hơn hết, đó là sự hòa quyện của đất – trời trong tiết Xuân!

Sự hòa quyện ấy chính là sự phối hợp hài hòa giữa các món ăn trên cùng một mâm cỗ, giữa món nước và món khô, giữa thịt và rau… Tùy theo hoàn cảnh, điều kiện kinh tế mỗi gia đình mà mâm cỗ mỗi nhà sẽ khác nhau; thế nhưng nhìn chung thì vẫn không thể “vắng mặt” bánh chưng xanh, đĩa dưa hành hay một ít thịt gà luộc và món thịt đông của người dân xứ lạnh!

Được xem như “linh hồn” của ngày Tết cổ truyền, là tinh hoa đất trời được thể hiện bởi đôi bàn tay khéo léo của người làm bánh nên cặp bánh chưng xanh không thể thiếu trên bàn thờ vào dịp Tết đến, Xuân về. Một bánh chưng xanh – một đĩa dưa hành, hương vị Tết miền Bắc vẫn luôn đậm đà là thế! Thịt đông cũng là một món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ, là đặc trưng cho những ngày lạnh ở miền Bắc. Với những ai lần đầu đón Tết ở miền Bắc thì món ăn này mới lạ lùng làm sao: vốn nguội lạnh mà lại ăn trong tiết trời lạnh giá, rồi ăn kèm với một chút dưa cải chua. Thế là, Tết rồi đấy!

Sự tinh tế của mâm cỗ miền Bắc không chỉ thể hiện ở sự kết hợp hài hòa giữa các món ăn mà còn nằm ở cách bày trí.

Tinh tế không chỉ ở món ăn!

Mâm cỗ Tết của người miền Bắc không chỉ đa dạng về món mà còn chú trọng đến hình thức, màu sắc với mong muốn một năm mới nhiều may mắn cho cả gia đình.

Ai đó, nếu đã biết qua về mâm cỗ cổ truyền hẳn sẽ thấy mâm cỗ miền Bắc, đặc biệt là mâm cỗ Tết của người Hà Nội thường rất bài bản theo đúng nét cổ truyền của dân tộc. Đầu tiên phải kể đến cỗ tết ông Táo (ngày 23 tháng chạp). Có lẽ do truyền thống văn hóa ảnh hưởng nhiều từ phương Bắc nên người Hà Nội dùng nhiều vàng mã hơn các vùng miền khác để cúng vị vua bếp. Mâm cỗ có các món xôi gà, nem rán, chân giò luộc, canh nấm, măng và món chè kho… Hình ảnh vị Táo quân cùng bếp lửa gia đình quen thuộc như niềm ước mong về một cuộc sống gia đình hạnh phúc, thuận hòa.

Cỗ tết quan trọng nhất là mâm cỗ tất niên chiều 30 và mâm cỗ của buổi sáng mồng 1 tết (ngày tết chính). Mâm cỗ tết truyền thống của người Hà Nội thường có “bốn bát sáu đĩa”, với nhà khá giả thì nhiều hơn (tám bát tám đĩa). Người thủ đô chuẩn bị cỗ tết rất cầu kỳ, theo đúng quy cách, đủ lệ, đủ món. Đặc biệt, trên mâm cỗ tất niên luôn có một đĩa xôi gấc như thể hiện mong ước được nhiều may mắn trong năm mới.

Mâm cỗ Tết miền Bắc thường có 4 bát, 4 đĩa tượng trưng cho tứ trụ, bốn mùa và bốn phương. Cỗ lớn thì 6 bát 6 đĩa hoặc 8 bát 8 đĩa tượng trưng cho phát lộc, phát tài. Có khi mâm cỗ lớn phải xếp cao đến 2, 3 tầng. Cỗ ngày xưa phải bày lên mâm gỗ hoặc mâm đồng, đi cùng với bát chiết yêu và đĩa cây mai.

Bốn bát gồm một bát chân giò lợn hầm măng lưỡi, một bát bóng thả, một bát miến và một bát mọc nấm thả. Ngoài ra, nhiều gia đình còn chuẩn bị thêm một bát su hào thái chỉ ninh kỹ, một bát chim hầm để nguyên cả con, một bát gà tần hay nhiều gia đình giàu có xưa còn bày thêm bào ngư, vi cá để mâm cỗ thêm đầy đặn, sang trọng.

Thông thường, các bát trên mâm cỗ gồm một bát bóng nấu với chân tẩy và nước dùng gà (chân tẩy gồm có su hào, cà rốt, củ đậu được thái mỏng theo những hình hoa đẹp đẽ). Một bát khoai tây hầm đầu, cổ, cánh gà. Một bát miến nấu lòng gà. Và một bát măng khô ninh chân giò. Các đĩa thì có đĩa gà luộc, đĩa thịt đông, đĩa giò xào, giò lụa, đĩa cá kho riềng hoặc bò kho khô, đĩa nộm.

Bốn đĩa gồm một đĩa thịt gà, một đĩa thịt lợn, một đĩa giò lụa, một đĩa chả quế. Thậm chí nhiều gia đình còn bày thêm đĩa thịt đông – món ăn đặc trưng cho những ngày lạnh miền Bắc, đĩa giò thủ, đĩa xào hạnh nhân, đĩa cá kho riềng, đĩa nộm su hào hoặc nộm rau cần và nem rán. Món tráng miệng có mứt sen, mứt quất, mứt gừng, chè kho… Tuy là nhiều món nhưng mỗi món chỉ bày vào một bát hay đĩa nhỏ nên mâm cỗ Tết vừa đa dạng, hài hòa, lại đẹp mắt. Cỗ Tết tuy nhiều món nhưng được bài trí gọn gàng, đẹp mắt vào những chiếc bát, đĩa nhỏ.

Ngoài ra, mâm cỗ Tết đầy đủ không thể thiếu được bánh chưng, xôi gấc và đĩa dưa hành nén. Chính vì thế nên mỗi độ Tết đến xuân về lòng người lại xốn xang rạo rực với:

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo bánh chưng xanh”

Mâm cỗ ngày Tết là màu sắc của quê nhà, là hương vị ngày Tết và hơn hết, đó là sự hòa quyện của đất – trời trong tiết Xuân!

Bánh chưng, dưa hành là cặp đôi không thể thiếu trong ngày Tết.

Cỗ tết Hà Nội hay bất cứ ở đâu trên cả nước đều không thể thiếu các món truyền thống là dưa hành và bánh chưng xanh. Nhưng miền Bắc nổi tiếng cả nước với cái rét lạnh mùa đông. Cỗ tết do đó cũng đặc biệt hơn bởi những món được làm từ không khí rét mướt ấy như giò xào hay thịt nấu đông…

Thức ăn ngày tết bao giờ cũng được gia đình coi trọng. Thịt gà được dùng trong ngày năm mới phải là thịt gà trống thiến và được làm sẵn từ chiều 30 (vì người Việt ta kiêng sát sinh vào ngày mồng 1 và năm mới). Thịt lợn là thịt nạc mông hay thịt chân giò ngon, còn thịt mỡ sẽ dùng để chế biến món giò xào cho dễ ăn… Cỗ truyền thống thì vậy nhưng có sự thay đổi theo mỗi gia đình, phù hợp với sở thích và điều kiện.

Ngày nay do cuộc sống bận rộn, phần lớn các gia đình đều làm giản tiện, rất ít người nấu đủ mâm cỗ như xưa. Tuỳ theo mỗi gia đình mà người ta chuẩn bị những món khác nhau, nhưng không thể thiếu các món chính như: bánh chưng, dưa hành, giò lụa, giò thủ, nem, nộm su hào, canh bóng bì, canh măng chân giò, miến nấu và một đĩa xào… để mâm cỗ ngày Tết luôn trọn vẹn ý nghĩa đoàn viên, may mắn.

Cuộc sống hiện đại hơn nhưng sự tinh tế vẫn còn!

Cho đến nay, cuộc sống có phần hiện đại hơn, mọi thứ dường như dần được “thu gọn” lại, món ăn có thể ít hơn, không quá cầu kì nhưng sự tinh tế thì vẫn còn mãi trên mâm cỗ của người miền Bắc. Bởi, dù cuộc sống có thay đổi thì với người dân, mâm cỗ ngày Tết chính là bày tỏ lòng biết ơn, sự tôn trọng với tổ tiên, gia đình và cũng là dịp để mọi người trong gia đình về bên nhau sau một năm dài vất vả!

Xuân miền Bắc vốn rực rỡ trong sắc hồng thắm của những cành đào, gắn kết trong tiết trời se lạnh và quây quần bên mâm cơn đoàn viên, thể hiện tình yêu với các thành viên trong gia đình! Và, mâm cơm ngày Tết là nơi gắn kết mọi người, cùng nhau nhìn lại một năm cũ đã qua và hướng về một năm mới tươi đẹp đang đến. Chính vì thế, sâu trong tiềm thức của mỗi người con đất Việt, dù là miền Bắc, là Trung hay miền Nam đi chăng nữa thì mâm cỗ luôn mang những ý nghĩa thiêng liêng nhất!

Tiến Dũng