Thuyết minh về một vùng quê đẹp – Văn mẫu lớp 9

Thuyết minh về một vùng quê đẹp – Văn mẫu lớp 9

Thuyết minh về một vùng quê đẹp – Bài số 1

Bạc Liêu ở cực Nam đất nước, liền kề với Cà Mau.Từ Thành phố Hồ Chí Minh, vượt sông Tiền Giang, qua sông Hậu Giang, du khách đi thẳng tới Bạc Liêu, một hành trình dài 280km. Đó là một miền đất thoáng đãng, trù mật, với bao cảnh vật đáng yêu, với những con người tuyệt đẹp, chất phác, siêng năng, thẳng thắn và phòng khoáng, cởi mở.

   Bạc Liêu có diện tích tự nhiên 2520,6 km2 .Dân số khoảng 800.000 người, có 20 dân tộc, đông nhất là người Kinh. Các thế hệ người Kinh, người Hoa, người Khơ-me … đã chung vai sát cánh qua nhiều thế kỉ, lấn biển, đào kênh, bắt sấu, khai phá ruộng đồng, đánh giặc giữ làng mới có một Bạc Liêu giàu đẹp như ngày nay.

   Ai đã từng đến thăm thú Bạc Liêu đôi lần chắc sẽ không bao giờ quên cảnh sắc hương vị nơi đây. Chùa Xiêm Cán ở Vĩnh Trạch Đông, chùa Cái Giá ở xã Hưng Hội, Huyện Vĩnh Lợi … lộng lẫy, uy nghi, với mái chùa uốn cong, gác chuông cao vút giữa trời xanh, với hàng trăm pho tượng thếp vàng tráng lệ.

   Những ruộng muối vùng Kinh Tư bao la, muối trắng lấp lánh trong nắng chiều, những đụn muối trắng chạy dài như muôn ngàn gò đống nhấp nhô. Vườn chim Lập Điền có nhiều loài chim quý, hiếm, được nhắc đến trong sách Đỏ. Khu du lịch Phật Bà Nam Hải nổi tiếng kinh thiêng. …Nếu như nhãn lồng Hưng Yên là đặc sản của miền Bắc thì ở miền Nam tổ quốc thân yêu nổi tiếng với vườn nhãn Bạc Liêu, trái tròn to, cùi dày trắng phau, ngọt ngào và thơm ngát. Đến thăm vườn nhãn, du khách còn được thưởng thức bánh xèo A Mật và nghe các ca sĩ tài tư đổ câu vọng nổi tiếng “Từ là từ phu tướng…” của cố nhạc sĩ Văn Cao Lầu. Ta hãy đến Phước Long và Hồng Dân thăm các làng nghề thủ công đan lát, dệt chiếu, làm nón…và đừng quên thưởng thức món bánh tầm bì hay bún bì ở Ngạn Dừa, Hồng Dân.

   Cảnh sắc và con người Bạc Liê thật đáng yêu và đáng nhớ. Tiếng hát, tiếng hò của ai đó cất lên trên dòng kênh giữa màu xanh của rừng chàm, rừng đước như giăng mắc hồn du khách, lơ lửng đến mọi chân trời xa:

” Bớ chiếc ghe sau chào mau anh đợi
Qua khúc sông này bờ bụi tối tăm”…

Thuyết minh về một vùng quê đẹp – Bài số 2

Từ thuở còn thơ đến ngày hôm nay, bản thân tôi đã quen với cuộc sống chốn thị thành tấp nập, đua chen, với nhịp đời hối hả nên rất mơ hồ về cuộc sống nơi thôn quê. Rồi có một lần, tôi được một anh bạn đồng nghiệp mời về thăm quê nhà anh ấy – xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre – một vùng đất còn đậm nét văn hóa làng quê xưa.

Lúc đầu, tôi định từ chối vì tôi nghĩ rằng nơi đó sẽ rất buồn, vắng vẻ, không nhộn nhịp như ở thành phố, nhưng vì tình bạn nên tôi chấp nhận cùng anh ấy về quê. Trái ngược với những gì tôi nghĩ, khi bước chân vào vùng thôn quê đơn sơ, giản dị, tôi như trút bỏ được hết mọi gánh nặng, bao lo lắng về công việc hiện tại và hòa mình vào khung cảnh hữu tình, êm ái. Những hình ảnh làng quê trong thơ, trong các bài hát như hiện lên trước mắt tôi đầy chân thực:

“…Đê cao có đất thả diều

Giời cao lắm lắm có nhiều chim bay

Quả làng nặng trĩu từng cây

Sen đầy ao cá, cá đầy ao sen…”

(Anh về quê cũ – Nguyễn Bính)

Từ vườn cây, con diều đến cái ao cá đều gợi cho tôi bao ký ức về tuổi thơ yêu dấu. Cuộc sống nơi làng quê yên bình lắm:

“ Bên này là núi uy nghiêm

Bên kia là cánh đồng liền chân mây”

Xóm làng xanh mát bóng cây

Sông xa trắng bóng buồm bay lưng trời”

(Đường năm – Trần Đăng Khoa)

Đặc biệt, khung cảnh thiên nhiên ở làng quê mang một nét đẹp rất riêng, bình dị, hữu tình và nên thơ, tạo cho con người cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản. Đã có biết bao nhà văn, nhà thơ say đắm trước vẻ đẹp bình yên vốn có của khung cảnh thôn quê:

“Ở đây mây núi cây rừng

Nước non thanh sạch cách chừng phồn hoa”

(Mấy vần ngây thơ – Thế Lữ)

Nơi vùng quê tuy không hoa mỹ nhưng rất thanh sạch, giao hòa giữa mây, núi, rừng, tạo nên vẻ đẹp thi vị, gần gũi “Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa” (Đoàn Văn Cừ), “Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng” (Hàn Mặc Tử).

Trong tâm trí tôi bỗng vang lên những ca từ của những làn điệu quê hương nồng thắm:

“Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay,…”

(Quê hương – Đỗ Trung Quân)

Cảnh sắc đặc trưng của thôn quê tạo cho tôi một cảm giác yên bình khó tả:

“…hai thôn nghèo nối liền bờ đê

Từng lũy tre xanh nghiêng nghiêng chiều hè

Như bức tranh gợi tình quê đậm đà….”

(Gợi nhớ quê hương – Thanh Sơn)

Vẻ mộc mạc, chân chất làng quê không chỉ là nỗi nhớ, niềm thương mà còn là niềm tự hào của mỗi người con được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất đầy tình yêu thương và kỷ niệm. Tôi chợt nhớ đến những ca từ trong bài hát “Việt Nam quê hương tôi” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận:

“Mùa xuân đã tới quê hương chúng tôi Mía ngọt chè xanh bông trắng lưng đồi Đồng xanh lúa rập rờn biển cả Tiếng ai ru con ngủ ru hời Đồng xanh lúa thẳng cánh bay cò bay Đưa nước về làng quê xóm tôi”

Đúng vậy, vẻ đẹp quê hương thật đáng cho chúng ta tự hào, và chúng ta có thể tự tin giới thiệu vẻ đẹp ấy đến bạn bè trên khắp năm châu bốn bể.

Tâm trạng tôi hào hứng, phơi phới đến độ đã đi tới nhà người bạn lúc nào không hay. Trong phút chốc tôi như được sống lại cái thuở ấu thơ hồn nhiên và ngây ngô. Tôi được người nhà của anh bạn đón tiếp rất nhiệt tình, được mời ăn món canh chua cá lóc đầy thân thuộc. Tôi được trải lòng mình với cánh đồng mênh mông thẳng cánh cò bay. Được ngắm lại hình ảnh chú bé chăn trâu, thả diều và thổi sáo “Ai bảo chăn trâu là khổ? Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao” (Quê hương – Giang Nam). Tiếng sáo vi vu đưa tôi đi đến một nơi êm đềm và yên tĩnh. Tôi được nếm trải lại cảm giác hồi hộp khi đi qua cầu khỉ, cảm giác thú vị khi câu cá, và những cung bậc bồng bềnh, lâng lâng khi hòa mình với dòng sông:

“Tôi đưa tay ôm nước vào lòng

Sông mở nước ôm tôi vào dạ”

(Nhớ con sông quê hương – Tế Hanh)

Tối đến, tôi được người bạn dẫn qua nhà hàng xóm để thưởng thức những giai điệu mặn nồng của đờn ca tài tử. Tôi cùng anh bạn chèo xuồng thơ thẩn ngắm trăng khuya. Và sau đó ngủ một giấc trong sự yên ắng, vắng lặng của màn đêm thôn xóm.

Sáng hôm sau, tôi cùng người bạn ra về để tiếp tục chuẩn bị cho công việc của ngày tiếp theo. Lòng tôi bỗng luyến tiếc và vương vấn thật khó tả. Cuộc sống nơi làng quê bình yên quá, thanh thản quá, êm đềm quá. Cảnh sắc thiên nhiên mang một vẻ đẹp dịu hiền, nên thơ bên những mái nhà tranh vách đất đơn sơ, giản dị. Con người thôn quê chất phác, nhiệt tình, chân thật. Tất cả tạo nên một tổng thể làng quê Việt Nam với những nét đặc trưng, không gì có thể thay thế được.

Hãy tìm về nguồn cội để tận hưởng những phút giây thanh bình, êm ấm bên làng quê, thôn xóm. Và rồi, chúng ta sẽ cảm nhận được vẻ đẹp thiêng liêng ấy và sẽ chung tay bảo vệ những giá trị văn hóa trường tồn của mảnh đất chôn nhau cắt rốn – quê hương, bởi lẽ:

“Quê hương nếu ai không nhớ

Sẽ không lớn nổi thành người”

(Quê hương – Đỗ Trung Quân)

Thuyết minh về một vùng quê đẹp – Bài số 3

Nằm cách trung tâm thành phố Đà lạt chừng 7km về hướng Đông Bắc, Thung lũng tình yêu là một thắng cảnh trữ tình và thơ mộng vào bậc nhất Đà lạt. Trước kia, Du khách thường từ ngã năm Đại học theo đường Phù Đổng thiên Vương để đến nơi đây, nhưng ngày năm đường Vòng Lâm Viên được hoàn thành, du khách có thể đi một mạch từ Hồ Xuân Hương đến Thung lũng tình yêu bằng một lộ trình thuận tiện hơn.

Thoạt đầu người Pháp gọi nơi này là Valley d’Amour; đến thời Bảo Đại làm Quốc trưởng được đổi thành thung lũng Hòa Bình. Năm 1953, khi Chủ tịch Hội đồng thị xã lúc bấy giờ là Nguyễn Vỹ đề xuất chuyển đổi tên gọi các danh từ tiếng Pháp sang tiếng Việt nhằm thể hiện tiếng độc lập của dân tộc, thì cái tên Thung lũng Tình yêu đã ngày càng trở nên quen thuộc và in đậm trong tâm thức nhiều người.

Du khách có thể men theo những lối mòn hoặc leo cả trăm bậc cấp, đi qua những cổng hoa với màu sắc rực rỡ để lên đồi Vọng cảnh. Từ đây Thung lũng Tình yêu hiện ra trong tầm ắt đẹp tựa như một bức tranh, sinh động với những cánh buồm chấp chới trên hồ.

Hồ Than Thở nằm cách trung tâm Đà lạt khoảng 6km về hướng Đông Nam, trên đường đi Chi Lăng-Thái Phiên. Thoạt đầu nơi đây chỉ là một hồ nhỏ, không rõ từ lúc nào được gọi là Hồ Than Thở. Về sau người Pháp đã làm đập chặn nước tạo thành hồ và đặt tên là Lac des Soupirs, mãi đến năm 1956 hồ mới được gọi lại theo tên cũ.
Năm 1975, sau khi hòa bình lập lại, có lẽ cho rằng cái tên Than Thở ủy mị quá, đã có lúc hồ được đổi tên thành Sương Mai. Nhưng trong lòng người dân Đà lạt cũng như du khách đều lưu luyến tên cũ, không gọi Sương Mai nên đến năm 1990, chính quyền địa phương đã cho sử dụng lại tên cũ của hồ.
Hồ Than Thở gắn với bao truyền thuyết tình sử thật buồn đã như có ma lực hấp dẫn biết bao du khách đến đây ngắm nhìn mặt hồ phẳng lặng trầm ngâm, để nghe tiếng lá thông xì xào trong gió, và để thả hồn đồng cảm mộng du cùng huyền sử xa xăm.
Ngày nay hồ Than Thở được công ty Thùy Dương đầu tư tôn tạo thành một công viên giải trí với những bồn hoa thảm cỏ được chăm tỉa công phu, những trò chơi đu quay, xe đạp nước, cưỡi ngựa… tuy có thay đổi bộ mặt ảm đạm của hồ nhưng cũng vì thế làm mất đi nét trầm mặc huyễn hoặc vốn đã là cái “hồn” của hồ Than Thở.

Hồ Xuân Hương: Nằm ngay trung tâm thành phố, ở độ cao 1477m, Hồ Xuân Hương nguyên là thung lũng có dòng suối Cam Ly chảy qua, nơi quần tụ của các cư dân Lạch buổi ban đầu.

Năm 1919, từ sáng kiến của viên công sứ Cunhac, kỹ sư công chánh Labbé đã tiến hành việc ngăn dòng suối làm thành hồ. Đến năm 1923 lại xây thêm một đập nữa ở phía dưới tạo thành hai hồ.

Do ảnh hưởng của cơn bão tháng 3 năm 1932, cả hai đập đều bị vỡ. Mãi đến năm 1934-1935 một đập lớn bằng đá mới được kỹ sư Trần Đăng Khoa thiết kế xây dựng phía dưới hai đập cũ tạo thành một hồ lớn – người Pháp gọi là Grand Lac. Đập này nằm trước Dinh Quản Đạo mà vị Quản đạo bấy giờ là Phạm Khắc Hòe vẫn được dân địa phương xưng gọi “ông Đạo” nên khi đập cũng là cầu xây xong, người dân quen gọi là “Cầu Ông Đạo”, còn tồn tại đến ngày nay. Hồ có chu vi 5000m, rộng 25ha với hình dạng trăng lưỡi liềm. Mặt hồ phẳng lặng như tấm gương soi bóng những tán tùng già cỗi, những hàng liễu rũ thướt tha, và sẽ được hơn khi mùa xuân về, lúc những cành anh đào nở rộ một màu hồng rực rỡ khiến mặt hồ bừng lên như đôi má cô gái Đà lạt tuổi xuân thì.
Hồ được mang tên Xuân Hương từ năm 1953 như muốn làm sống mãi hình ảnh lãng mạn của nữ sĩ thơ Nôm nổi tiếng Việt Nam thế kỷ thứ 19: Hồ Xuân Hương.

Thuyết minh về một vùng quê đẹp – Bài số 4

Ở miền Bắc, muốn “làm” một chuyến phiêu lưu vào các hang động đá vôi, hoa cương… là điều khá dễ dàng. Nhưng ở miền Nam, thì chỉ có Hà Tiên là nơi tập trung “độc quyền” dạng địa hình này. Mấy ngày đến Hà Tiên, du khách thật sự bị choáng ngợp và cực kì… mỏi chân tay, vì sức quyến rũ của những thắng cảnh tuyệt vời,

Thạch động sơn vân – tức hang đá núi mây – ở độ cao hơn 50m. Đây là một hang đá rộng, gió nhẹ tạo thành tiếng nhạc vi vu nghe “đã” lỗ tài vô cùng.

Trong hang có đường xuống đất, có cửa lên trời. Từ hang có thể ngắm núi đồi trùng điệp bên kia biên giới của nước ta và Campuchia. Trước cửa hang, có một khối đá vôi khổng lồ bị ôxi hóa treo lơ lửng sát vách đá. Nhìn nó, du khách có thể rờn rợn “da gà”, vì cứ ngỡ là nó đang sắp đổ ập lên đầu mình.

Leo qua từng khối đá của hang Hòn Trẹm, rồi men theo bờ biển, chúng ta đến viếng chùa Hang, một cái hang sâu thẳm nằm trong lòng núi. Ở trong chùa không có máy lạnh, nhưng có thể rét run lên vì gió và hơi nước ẩm ướt. Trong chùa Hang có hai tượng phật bằng đá to khủng khiếp. Luồn qua hang ra cửa sau thì gặp một bãi biển sạch và đẹp tuyệt vời. Xa xa là hòn Phụ Tử, một dãy núi nằm sát biển, như hình con theo cha trên đường. Thắng cảnh này chúng ta đã nhìn thấy rất nhiều lần ở trên… lịch!

Điểm nhấn ở đây là hai hang động tuyệt đẹp. Hang thứ nhất là hang Kim Cương. Theo chân người dẫn đường, chúng ta leo qua từng tảng đá, chui qua những đám cây rừng chằng chịt để vào hang. Vào tới miệng hang rồi thì không đi được nữa, chi dò dẫm từng bước, thậm chí có lúc phải… bò, vì đường đi trong hang cực kì hẹp lại lên dốc, xuống dốc bất ngờ. Vào hang Kim Cương chúng ta có cảm giác mình đang từ từ đi xuống thăm Diêm Vương vậy. Trong hang tối như mực. Người dẫn đường cứ huơ huơ cây đèn pin trên tay phì cười mỗi khi có người trượt chân và rơi., tự do. Nhưng khi vào đến lòng hang, sự “cực khổ” đã được đền bù xứng đáng. Dưới ánh đèn loang loáng, trên vách hang, trần hang lấp lánh đầy những… hạt kim cương. Thật ra, do hang được cấu tạo bằng đá hoa cương, nên gặp ánh đèn nhìn đá cứ ngỡ là hột xoàn thứ thiệt. Vào sâu bên trong, trên vách hang có vô số những hình người, chim chóc, có cả Thạch Sanh, cung thần, công chúa.. Tất cả đều bằng đá, do bàn tay kì diệu của thiên nhiên đẽo gọt nên…

Nếu “thế mạnh” ở hang Kim Cương là… kim cương đá, thì ở hang Tiền là vô số những cột trụ thạch nhũ với đủ mọi hình đáng đẹp tuyệt vời. Để tới được hang Tiền, chúng ta phải lội xuống biển ngang gần đến thắt lưng, và cứ thế mà “đi trong biển” suốt mười lăm phút. Phải “hi sinh” như vậy nếu muốn tận mắt nhìn thấy nơi mà chúa Nguyễn Anh từng náu thân khi bị quân Tây Sơn đánh đuổi. Trong hang có vô số cột thạch nhũ, hình cột, hình nấm… Rải rác ở các hang là những cột thập tự giá, đánh dấu sự có mặt của quân Pháp khi Nguyễn Ánh cầu viện. Tôi ngồi nghỉ mệt trên một hòn đá, bất ngờ người bạn đi cùng nói nhỏ vào tai: “Ông đang ngồi trên,đầu lâu kìa”. Tôi liếc xuống. Quả thật, hòn đá tôi ngồi giống cái… đầu lâu người thật. Dù không tin lắm, nhưng tôi cũng đứng lên vì biết đâu… Từ các vách núi, những dòng nước trong ngoằn ngoèo chảy ra. Trong cơn khát, tôi và mấy người bạn xúm lại há miệng nhấp thử. Thấy mát lạnh và ngọt ngọt, bèn ngửa cổ hứng ừng ực luôn… Điều “đau khổ” nhất là ở hang Tiền quá nhiều hào biển. Những lưỡi dao lam này nhan nhản mọi xó xỉnh. Dù cẩn thận, nhưng tôi cũng bị chúng “kỉ niệm” một nhát trên ngón tay…

Ở Hà Tiên, ngoài hang động còn có những bãi biển tuyệt vời: bãi Mũi Nai, bãi Hòn Heo, bãi Ớt.. Điều “độc nhất vô nhị” ở nước ta là chỉ ở vùng biển phía Tây Nam này, mình mới được tận mắt nhìn thấy mặt trời lặn…

Không phải tự nhiên mà Tao Đàn Chiêu Anh Các – văn xã của tổng trấn Mạc Thiên Tứ – có vị trí nhất định trong kho tàng văn học cổ Việt Nam. Mười bài thơ chữ Hán “Hà Tiên thập vịnh”, đều xuất phát từ những thắng cảnh của vùng đất này…

Vũ Hường tổng hợp