Thương mại Việt Nam – Lào: Một chặng đường nhìn lại

Thương mại Việt Nam – Lào: Một chặng đường nhìn lại

Bối cảnh và những vấn đề đặt ra

Việt Nam và Lào hiện có chung đường biên giới dài hơn 2.337 km, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành gồm: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum với tổng diện tích tự nhiên hơn 154.000 km², tiếp giáp với các tỉnh biên giới của nước Lào gồm: Phông Xa Lỳ, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Xa Van Na Khẹt, Xa La Van, Xê Kông và At Ta Pư có diện tích gần 150 km². Tháng 3/2016, hai bên đã ký Nghị định thư về đường biên giới, mốc quốc giới và Hiệp định về Quy chế biên giới, cửa khẩu biên giới Việt Nam – Lào.

Cho đến nay, trên toàn tuyến biên giới với Lào có 8 cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng cùng 27 lối mở. Đã thành lập 9 Khu kinh tế cửa khẩu nhằm tạo thuận lợi cho phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ của các tỉnh biên giới giữa hai nước Việt Nam – Lào.

Quan hệ giữa Việt Nam và Lào đã phát triển nhanh chóng kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1962. Mối quan hệ đó có ý nghĩa sâu sắc trong công cuộc tái thiết, xây dựng đất nước, tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác, đầu tư và phát triển của doanh nghiệp hai nước. Tăng trưởng kinh tế, thương mại hai chiều không chỉ tạo ra không gian kinh tế với sự gắn kết chặt chẽ, hiệu quả hơn, mà còn là cơ hội đẩy mạnh sự giao lưu giữa hai nền văn hóa, củng cố vững chắc mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào.

Năm 2012, hai nước đã phối hợp hoàn thành Quy hoạch mạng lưới chợ biên giới Việt Nam – Lào đến năm 2020. Hệ thống chợ biên giới tạo điều kiện cho giao thương giữa các địa phương biên giới, mở ra những cơ hội hợp tác, khai thác thế mạnh của nhau.

Hai bên đã chính thức ký Hiệp định thương mại Việt Nam – Lào mới (tháng 3/2015) và Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam – Lào (tháng 6/2015), tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường trao đổi thương mại giữa hai nước.

Giai đoạn 2011-2015, quan hệ thương mại song phương giữa hai nước đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18,04%/năm, trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào từ 274,1 triệu USD năm 2011, lên 534,7 triệu USD năm 2015, tăng bình quân 21,93%/năm. Nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Lào từ 460,02 triệu USD năm 2011, lên 588,61 triệu USD năm 2015, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15,07%/năm. Đối với thương mại biên giới, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào tăng 15,39%/năm và nhập khẩu ở mức – 2,40%/năm.

Giai đoạn 2016-2020, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam – Lào tăng trưởng ổn định và đã đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD/năm. Sau 2 năm bị tác động bởi dịch COVID-19 và thiên tai, lũ lụt khiến thương mại giữa Việt Nam và Lào gặp một số trở ngại, khó khăn.

Theo thống kê từ Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), năm 2019, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 12,6% so với năm 2018. Năm 2020 đạt hơn 1 tỷ USD, giảm 11,5% so với năm 2019; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 571,7 triệu USD, giảm 18,5% so với năm 2019. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 458,1 triệu USD, giảm 0,7% so với năm 2019.

Năm 2021, kim ngạch ngạch thương mại Việt Nam – Lào đạt 1,373 triệu USD, tăng 33,3% so với năm 2020.Trong số này, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 594,73 triệu USD, tăng 4,2% so với năm 2020 và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 778,3 triệu USD, tăng 69,8% so với năm 2020.

Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào đạt 1.632,2 triệu USD, tăng 18,9% so với năm 2021; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 600,4 triệu USD, tăng 1,0% so với cùng kỳ năm 2021; nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 1.031,8 triệu USD, tăng 32,6% so với năm 2021.

Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm sản phẩm từ sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, phân bón các loại, sản phẩm từ chất dẻo, rau quả.

Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, phân bón các loại, rau quả, quặng và khoáng sản. Do đó, dự báo 5 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Lào đạt 717,1 triệu USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Tháng 1/2023, tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Lào đạt 461 triệu USD. Ở chiều ngược lại, tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt 474 triệu USD. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 trong số các thị trường xuất khẩu của Lào với tổng giá trị khoảng 65 triệu USD (thị trường xuất khẩu lớn nhất của Lào là Trung Quốc với tổng giá trị khoảng 156 triệu USD, đứng thứ 2 là Thái Lan (128 triệu USD). Đồng thời, Việt Nam cũng đứng ở vị trí thứ 3 trong số các quốc gia mà Lào nhập khẩu nhiều nhất với tổng giá trị hàng hóa khoảng 21 triệu USD (Thái Lan là quốc gia Lào nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất với tổng giá trị khoảng 255 triệu USD, đứng thứ 2 là Trung Quốc với tổng giá trị khoảng 121 triệu USD).

Thương mại hai nước được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế suất về 0% cho hầu hết các mặt hàng của hai nước theo các Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Lào. Các thuận lợi khác như thị trường Lào không yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng có nhiều thiện cảm với hàng hóa từ Việt Nam.

Lào là thị trường xếp thứ 33 trong khoảng 200 thị trường xuất khẩu của Việt Nam và chỉ chiếm 0,32% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Xét trong nội khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Lào chỉ cao hơn kim ngạch xuất sang thị trường Myanmar và Bruney.

Thông qua hoạt động thương mại biên giới, Việt Nam và Lào đã trao đổi được một khối lượng lớn các mặt hàng nông, lâm sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng công nghiệp và khoáng sản.

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Lào đạt 1,33 tỷ USD (tăng 39% so với năm 2020), chiếm 97,1% so với tổng trị giá xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Lào. Năm 2022, các con số tương ứng là 1,58 tỷ USD (tăng 23,3% so với 2021) và chiếm 93%.

Nhìn tổng quan, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới Việt Nam – Lào chủ yếu vẫn diễn ra qua đường cửa khẩu, hệ thống đường mòn, lối mở và các chợ biên giới. Hai bên cũng đã và đang tăng cường đầu tư, nâng cấp các cơ sở kinh doanh trên toàn tuyến biên giới.

Đánh giá chung:

Kể từ Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới giữa hai nước lần thứ XI vào năm 2018 đến nay, quan hệ thương mại nói chung và thương mại biên giới giữa hai nước nói riêng đã có những bước phát triển mới. Thể hiện rõ trên các mặt sau:

– Các mặt hàng xuất nhập khẩu giữa hai nước mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp đã đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như cho sản xuất của hai bên.

– Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại các cửa khẩu, chợ biên giới đã nhộn nhịp hơn, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực vùng biên giới.

– Cùng với làn sóng đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu mặt hàng như sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị dụng cụ, phân bón, thức ăn gia súc.

Tuy nhiên, xuất nhập khẩu Việt Nam và Lào chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước thiếu đa dạng. Hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Lào vẫn tồn tại nhiều khó khăn, chưa đóng góp nhiều vào việc thực hiện mục tiêu trao đổi thương mại hai chiều. Kết quả hợp tác cụ thể còn có những hạn chế nhất định, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của hai nước. Các dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa, kết nối giao thông hai nước chưa phát triển. Các khu kinh tế cửa khẩu còn thiếu vốn đầu tư, các công trình, dự án dở dang nên không thể đi vào hoạt động được. Công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác, thị trường, quảng bá sản phẩm còn nhiều khó khăn, việc thu hút đầu tư vào các địa bàn thuộc các tỉnh dọc biên giới, khu kinh tế cửa khẩu chưa nhiều; các chính sách áp dụng cho khu kinh tế cửa khẩu vẫn chưa phát huy được những ưu thế đặc thù, dẫn đến hiệu quả chưa cao.

Những điểm hạn chế và nguyên nhân khiến thương mại Việt Nam – Lào chưa phát triển tương xứng, các phân tích chỉ ra những chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, cơ sở hạ tầng, giao thông, logistics tại khu vực cửa khẩu chưa hiệu quả. Hơn nữa, việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu, tuyến đường liên huyện tại một số khu vực còn chậm và chưa tương xứng với nhau, chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa tại khu vực biên giới.

Tuy nhiên, tiềm năng phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn còn rất lớn và Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam – Lào lần thứ XII là một trong những bước đi quan trọng để góp phần khai phá tiềm năng đó. Đặc biệt, mục tiêu kim ngạch thương mại giữa hai nước không chỉ tăng trưởng ở mức độ 10-15%/năm mà thương mại giữa hai nước phát triển thật ổn định và bền vững.

Giải pháp cho thời gian tới

Để gia tăng quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước trong thời gian tới, cần chú trọng giải quyết những vấn đề mang tính “thời sự” sau:

Kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Liên Chính phủ và bộ phận thường trực Phân ban hợp tác Việt Nam – Lào. Khẩn trương hoàn chỉnh bộ máy Ban Chỉ đạo thương mại Biên giới của mỗi nước và xây dựng cơ chế phân cấp linh hoạt giữa Trung ương với địa phương, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp để kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Lào. Tiếp tục phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước sớm thành lập Hiệp hội thương nhân hoạt động thương mại biên giới Việt Nam – Lào theo tinh thần Hiệp định Thương mại Biên giới giữa Việt Nam và Lào đã ký ngày 27 tháng 6 năm 2015. Cần xây dựng kế hoạch phát triển thương mại biên giới trong từng thời kỳ để phù hợp với định hướng phát triển chung của từng nước và phù hợp với các mục tiêu trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của từng tỉnh.

Tiếp tục thực hiện cơ chế kiểm tra, kiểm soát “một cửa, một điểm dừng” khi làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu biên giới Việt Nam – Lào. Đảm bảo việc áp dụng hệ thống thông quan tự động trên 100% các đơn vị (gồm 2 hệ thống: Hệ thống thông quan tự động – VNACCS và Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ – VCIS), rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa tránh ùn tắc tại cửa khẩu biên giới.

Tổng kết và nhân rộng mô hình “một cửa – một điểm dừng”, đến 2020 tiến tới thực hiện cơ chế thông quan “một cửa – một điểm dừng” tại tất cả các cặp cửa khẩu quốc tế trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào, tạo điều kiện để thực hiện đồng bộ, thông suốt.

Tăng cường phối hợp thực hiện đầy đủ các cam kết trong Hiệp định tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua biên giới (GMS – CBTA). Nhanh chóng triển khai Đề án nghiên cứu chung về tăng cường vận tải hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Lào

Tiếp tục triển khai Quyết định số 6299/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam – Lào đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phát triển hệ thống chợ thị trấn, chợ trung tâm các huyện biên giới đặt tại các thị trấn huyện, nơi dân cư sinh sống tập trung; hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại nhằm phục vụ tiêu dùng của cư dân tại chỗ, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, thương nhân và nhà đầu tư. Đẩy nhanh đầu tư để sớm hình thành và hoàn thiện các hệ thống trung tâm trung chuyển và kho vận bao gồm: hệ thống kho ngoại quan và hạ tầng cho dịch vụ hải quan, hệ thống kho bãi tập kết hàng hóa và bãi đỗ xe.

Tăng cường hơn nữa việc phối hợp xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng cửa khẩu và hạ tầng thương mại cho khu vực biên giới mỗi nước. Hai chính phủ Lào và Việt Nam nói chung và Bộ Giao thông vận tải Lào nói riêng sớm triển khai nâng cấp tuyến đường bộ kết nối giao thông Việt Nam – Lào đoạn thuộc địa phận Lào và chính phủ hai nước sớm triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc Hà Nội – Vientiane để nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước Việt Nam – Lào.

Nghiên cứu tổ chức thêm các Hội chợ thương mại Việt – Lào tại một số địa phương khác của Lào trong những năm tới. Tổ chức các hội chợ thương mại biên giới và các hội chợ tại các tỉnh biên giới hai nước.

Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu theo hướng phù hợp với nhu cầu và thói quan tiêu dùng của người dân Lào, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và nhãn mác hàng hóa của Lào, tích cực mở rộng hệ thống phân phối, quảng bá sản phẩm, cải tiến phương thức mua bán cho phù hợp với tập quán kinh doanh của thị trường này.

Khuyến khích phát triển các doanh nghiệp hai nước liên doanh, liên kết, hình thành các chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm để tạo nguồn hàng trao đổi giữa hai nước cũng như xuất khẩu sang các nước khác. Trước mắt, hình thành các chuỗi sản xuất – cung ứng các sản phẩm mà hai nước có lợi thế như khai thác – chế biến – xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, sản xuất và xuất khẩu cao su, cà phê, hạt điều, sản phẩm dệt may…

Xây dựng cổng thông tin điện tử Thương mại Việt – Lào (song ngữ) nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin thị trường Lào cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu; đồng thời, cổng thông tin này còn là cầu nối trực tiếp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng giải đáp những vướng mắc khi tham gia xuất nhập khẩu.

Phối hợp tổ chức các lớp đào tào, bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và cập nhật những kiến thức mới, những quy định mới trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thương mại biên giới cho các lực lượng chức năng, cán bộ quản lý ở các tỉnh biên giới và cho các doanh nghiệp hoạt động thương mại của hai nước.

Việt Nam – Lào nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá để thu hút nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu, hoạt động sản xuất và thương mại tại khu vực biên giới. Bên cạnh đó, hai bên thúc đẩy đàm phán để ký kết Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào.

Ngoài ra, hai bên rà soát, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các văn kiện đã ký kết như Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Lào, Thoả thuận Hà Nội 2007 cho phù hợp với mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước nói riêng và phù hợp thông lệ quốc tế nói chung.

Mặt khác, đề xuất phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Lào; tạo thuận lợi cho hàng hóa của mỗi nước lưu thông, tiêu thụ tại thị trường của nhau, nhất là hàng nông sản.

Đặc biệt, hai bên tiếp tục phối hợp ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tạo môi trường lành mạnh cho thương mại biên giới phát triển.

Tài liệu tham khảo

1. Báo cáo Tổng kết sở Công Thương các tỉnh biên giới Việt Nam – Lào

2. Bộ Công Thương, 2014, Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam – Lào đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

3. Bounvixay Kongpaly (2021) Đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá ở nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

4. PGS TS. Vũ Kim Dũng – Đại học Kinh tế quốc dân và KhamLa Vinakoun – Bộ Tài chính, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Diễn biến cán cân thương mại ở Lào: Nguyên nhân và khuyến nghị chính sách;

Vũ Huy Hùng

Phòng Thông tin và xúc tiến thương mại – VIOIT