Thủ tục chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ

Đối với các doanh nghiệp muốn được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ thì trình tự thủ tục như thế nào? Hồ sơ để công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ là gì? Hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về thuế, chính sách hỗ trợ của nhà nước. Tuy nhiên để được hưởng các ưu đãi đó doanh nghiệp cần phải có giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Khái niệm doanh nghiệp khoa học công nghệ

Hiện tại luật khoa học công nghệ 2013 và nghị định 13/2019/NĐ-CP không có khái niệm cụ thể về “doanh nghiệp khoa học và công nghệ” tuy nhiên dựa trên tính chất thì có thể định nghĩa như sau:

Doanh nghiệp khoa học công nghệ là doanh nghiệp sử dụng các kết quả khoa học công nghệ do tự nghiên cứu hoặc chuyển giao được cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá và chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ

Đặc điểm của doanh nghiệp khoa học công nghệ

Từ khái niệm doanh nghiệp KHCN có thể tổng hợp một số đặc điểm sau:
– Là doanh nghiệp thành lập theo quy định pháp luật (lưu ý phân biệt với các tổ chức KHCN khác)
– Có sử dụng kết quả khoa học công nghệ (do tự nghiên cứu hoặc chuyển giao)
– Đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KHCN
– Doanh nghiệp khoa học công nghệ được hưởng ưu đãi về thuế

Xem thêm: Các ưu đãi đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ

Kết quả khoa học công nghệ là gì?

Kết quả khoa học công nghệ theo quy định tại khoản 2 điều 3 nghị định 13/2019/NĐ-CP như sau:
– Sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, giống cây trồng đã được cấp văn bằng bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ hoặc được công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên
– Chương trình máy tính đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả;
– Giống vật nuôi mới, giống cây trồng mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới, tiến bộ kỹ thuật đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận;
– Kết quả thực hiện nhiệm vụ đã đạt được các giải thưởng về khoa học và công nghệ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp tổ chức xét tặng giải thưởng hoặc đồng ý cho tổ chức xét tặng giải thưởng theo quy định của pháp luật về giải thưởng khoa học và công nghệ;
– Các kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, công nhận theo quy định của pháp luật
– Công nghệ nhận chuyển giao được cơ quan có thẩm quyền xác nhận theo quy định của pháp luật

Cụ thể theo hướng dẫn tại thông tư 10/2021/TT-BKHCN hướng dẫn như sau:

Điều 3. Kết quả khoa học và công nghệ được công nhận thông qua hình thức Giải thưởng khoa học và công nghệ
Các kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền công nhận thông qua hình thức đạt giải thưởng về khoa học và công nghệ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP bao gồm:
1. Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ;
2. Giải thưởng Tạ Quang Bửu;
3. Giải thưởng Trần Đại Nghĩa;
4. Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam;
5. Giải thưởng Kovalevskaia;
6. Các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ theo quy định tại Nghị định số 78/2014/NĐ-CP ngày 30 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng nhà nước và các giải thưởng khác về khoa học và công nghệ, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 60/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ.

Điều 4. Các kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, công nhận
Các kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, công nhận quy định tại điểm d khoản 2 Điều 3 Nghị định số 13/2019/NĐ- CP bao gồm:
1. Kết quả khoa học và công nghệ tạo ra các sản phẩm được cơ quan có thẩm quyền cấp phép sản xuất, lưu hành tại Việt Nam, bao gồm:
a) Giống cây trồng, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật sản xuất tại Việt Nam được cấp Quyết định công nhận lưu hành giống cây trồng, Quyết định công nhận phân bón lưu hành, Giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y, Giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam;
b) Thuốc và nguyên liệu làm thuốc, trang thiết bị y tế sản xuất tại Việt Nam được cấp Giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam;
c) Chế phẩm sinh học trong lĩnh vực môi trường sản xuất tại Việt Nam được cấp Giấy chứng nhận lưu hành tại Việt Nam.
2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Quyết định công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
3. Kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy xác nhận hoặc Giấy thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước.
4. Các kết quả khoa học và công nghệ khác được các Bộ, cơ quan ngang Bộ theo ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi kết quả khoa học và công nghệ được chuyển giao, ứng dụng) công nhận, xác nhận theo quy định của pháp luật.
Trường hợp cần xác định các kết quả khoa học và công nghệ theo quy định tại khoản này, cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi văn bản đề nghị về Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ để hỗ trợ.

Điều 5. Kết quả khoa học và công nghệ là công nghệ nhận chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam
1. Xác định kết quả khoa học và công nghệ là công nghệ nhận chuyển giao từ nước ngoài vào Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chí sau:
a) Có Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ;
b) Thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định tại khoản 4 Điều 39 Luật Chuyển giao công nghệ và Phụ lục I của Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ.
2. Doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam có năng lực ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ được chuyển giao (trình bày chi tiết tại mục 6 mẫu số 02 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP).

Điều kiện chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ

Một doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ khi đáp ứng các điều kiện quy định tại điều 6 nghị định 13/2019/NĐ-CP như sau:
– Được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp;
– Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận theo quy định;
– Có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu.
Lưu ý: Đối với các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm chỉ cần đáp ứng 2 điều kiện đầu tiên đã có thể được chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ
Việc xác định tỷ lệ doanh thu để cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN: doanh nghiệp tự kê khai trong hồ sơ đăng ký chứng nhận doanh nghiệp KH&CN (có thể kê khai theo kết quả kinh doanh của quý hoặc năm) và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của thông tin. Cơ quan quản lý căn cứ vào báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN của doanh nghiệp hàng năm để thực hiện việc quản lý, rà soát, bảo đảm doanh nghiệp duy trì được điều kiện chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệGiấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ

Hồ sơ chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ

Hồ sơ chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ được quy định tại điều 7 nghị định 13/2019/NĐ-CP như sau:
a) Đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Mẫu số 01)
b) Văn bản xác nhận, công nhận kết quả khoa học và công nghệ của cơ quan có thẩm quyền (bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực), thuộc một trong các văn bản sau:
– Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ;
– Quyết định công nhận giống cây trồng mới, giống vật nuôi mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới, tiến bộ kỹ thuật;
– Bằng chứng nhận giải thưởng đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ đã đạt được các giải thưởng về khoa học và công nghệ do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chủ trì, phối hợp tổ chức xét tặng giải thưởng hoặc đồng ý cho tổ chức xét tặng giải thưởng;
– Quyết định công nhận kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; Giấy xác nhận hoặc giấy thẩm định kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ không sử dụng ngân sách nhà nước;
– Giấy chứng nhận đăng ký chuyển giao công nghệ;
– Các văn bản xác nhận, công nhận khác có giá trị pháp lý tương đương.
c) Phương án sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ theo (Mẫu số 02).
Ngoài các hồ sơ theo quy định trên, thực tế cần chuẩn bị thêm bản TCCS của sản phẩm khoa học công nghệ, tài liệu mô tả sản phẩm khoa học công nghệ và các tài liệu chứng minh doanh thu từ sản phẩm khoa học công nghệ (hợp đồng, hoá đơn…)

Trình tự chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ

Bước 1: Doanh nghiệp nộp bộ hồ sơ theo hướng dẫn trên tại cơ quan có thẩm quyền
Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ phải có trách nhiệm trả lời doanh nghiệp về tính hợp lệ của hồ sơ, trong đó nêu rõ tài liệu, nội dung cần sửa đổi, bổ sung và thời hạn sửa đổi, bổ sung nếu hồ sơ chưa hợp lệ.
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ có trách nhiệm xem xét việc cấp hoặc từ chối cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ được cấp theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
– Trường hợp kết quả khoa học và công nghệ có liên quan đến nhiều ngành nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau có nội dung phức tạp cần mời chuyên gia hoặc thành lập hội đồng tư vấn thẩm định, đánh giá, thời hạn cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
– Trường hợp sở Khoa học và Công nghệ chưa đủ điều kiện kỹ thuật đánh giá kết quả khoa học và công nghệ và có văn bản đề nghị Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ xem xét cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 05 ngày làm việc, Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm gửi công văn kèm theo toàn bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ của doanh nghiệp về Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ để cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
– Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, cơ quan cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ có trách nhiệm công bố trên cổng thông tin điện tử của cơ quan về tên, địa chỉ và danh mục sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ của doanh nghiệp đó.

Thẩm quyền chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ

1.Sở Khoa học và Công nghệ nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính là cơ quan tiếp nhận hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, trừ các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp nhận hồ sơ, cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong các trường hợp sau:
a) Các kết quả khoa học và công nghệ được hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ đặc biệt; có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh trong phạm vi cả nước; có vai trò quan trọng nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia; giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên vùng, nhất là môi trường, sức khỏe; hạ tầng công nghệ thông tin – viễn thông;
b) Doanh nghiệp được thành lập từ việc chuyển đổi tổ chức khoa học và công nghệ công lập mà đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ tại Bộ Khoa học và Công nghệ;
c) Sở Khoa học và Công nghệ chưa đủ điều kiện kỹ thuật đánh giá kết quả khoa học và công nghệ và có văn bản đề nghị Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ xem xét cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ;
d) Doanh nghiệp có chi nhánh, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và có văn bản đề nghị Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Hỏi đáp về doanh nghiệp khoa học công nghệ

Doanh nghiệp khoa học công nghệ là gì?

Doanh nghiệp khoa học công nghệ là doanh nghiệp và sử dụng kết quả khoa học công nghệ và được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận

Yêu cầu để chứng nhận doanh nghiệp KHCN

Các điều kiện để chứng nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ gồm
– Là doanh nghiệp thành lập hợp pháp
– Có quả khoa học công nghệ
– Sử dụng kết quả KHCN tạo ra sản phẩm, dịch vụ
– Được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận

Lợi ích khi trở thành doanh nghiệp KHCN

Hiện nay, doanh nghiệp KHCN được một số ưu đãi về thuế của nhà nước. Vui lòng xem tại bài viết các ưu đãi với doanh nghiệp KHCN

Giấy chứng nhận KHCN của FPT Adtrue