Thông cáo báo chí về kết quả Khảo sát mức sống dân cư năm 2020

1. Một số thông tin chung về Khảo sát mức sống dân cư năm 2020

Khảo sát mức sống dân cư năm 2020 (viết gọn là KSMS 2020) được tiến hành theo Quyết định số 1261/QĐ-TCTK ngày 19 tháng 8 năm 2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. KSMS 2020 là cuộc điều tra chọn mẫu nhằm thu thập thông tin để tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu thống kê quốc gia về mức sống hộ dân cư, đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê cho các cấp, các ngành để đánh giá mức sống, tình trạng nghèo đói và phân hoá giàu nghèo của dân cư theo hướng tiếp cận đa chiều. KSMS 2020 được tiến hành trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm 46.995 hộ đại diện cho toàn quốc, khu vực thành thị, nông thôn, 6 vùng địa lý, tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng thông tin về chi tiêu chỉ đại diện đến cấp toàn quốc và 6 vùng địa lý. Các thông tin được thu thập trong KSMS 2020 gồm: thu nhập, chi tiêu, nhân khẩu học, giáo dục, y tế, việc làm, đồ dùng lâu bền, nhà ở, điện, nước, điều kiện vệ sinh, tham gia các chương trình trợ giúp của hộ dân cư và các thành viên trong hộ và một số đặc điểm của xã.

2. Một số kết quả chính của KSMS 2020

(1) Thu nhập bình quân (TNBQ) 1 người 1 tháng chung cả nước năm 2020 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm khoảng 1% so với năm 2019. Bình quân mỗi năm trong thời kỳ 2016-2020, thu nhập bình quân đầu người 1 tháng chung cả nước tăng bình quân 8,2%. TNBQ 1 người 1 tháng năm 2020 ở khu vực thành thị đạt 5,6 triệu đồng, cao gấp gần 1,6 lần khu vực nông thôn (3,5 triệu đồng). Nhóm hộ giàu nhất (nhóm gồm 20% dân số giàu nhất – nhóm 5) có TNBQ 1 người 1 tháng năm 2020 đạt 9,1 triệu đồng cao gấp hơn 8 lần so với nhóm hộ nghèo nhất (nhóm gồm 20% dân số nghèo nhất – nhóm 1), với mức thu nhập đạt 1,1 triệu đồng. Vùng có TNBQ đầu người cao nhất là vùng Đông Nam Bộ (6,0 triệu đồng 1 người 1 tháng), cao gấp 2,2 lần vùng có TNBQ đầu người thấp nhất là vùng Trung du và miền núi phía Bắc (2,7 triệu đồng 1 người 1 tháng).

Trong tổng thu nhập năm 2020, tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công chiếm 55,4%, thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 11,2%, thu từ hoạt động tự làm phi nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 22,9%, thu khác chiếm 10,5%. Cơ cấu thu nhập qua các năm đã có sự chuyển biến theo hướng tiến bộ hơn, trong đó tỷ trọng thu từ tiền lương, tiền công ngày càng tăng, ngược lại tỷ trọng thu từ hoạt động tự làm nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ngày càng giảm, kết quả này phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu trong việc làm.

(2) Năm 2020 chi tiêu bình quân hộ gia đình cả nước là 2,89 triệu đồng/người/tháng, tăng 13% so với 2018. Năm 2020 là một năm người dân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, có thể thấy rằng chi tiêu năm này tăng chậm hơn so với thời kỳ trước (chi tiêu bình quân năm 2018 tăng 18% so với 2016). Các hộ gia đình thành thị có mức chi tiêu bình quân đầu người/tháng xấp xỉ 3,8 triệu đồng trong khi các hộ nông thôn chỉ ở mức 2,4 triệu đồng, chênh lệch giữa hai khu vực là 1,6 lần. Vùng Đông Nam Bộ luôn đứng đầu cả nước với mức chi tiêu hộ gia đình cao nhất (hơn 3,9 triệu đồng/người/tháng). Vùng Trung du miền núi phía Bắc có mức chi thấp nhất (tương đương 2,1 triệu đồng/người/tháng). Ngoài ra mức tăng chi tiêu bình quân đầu người một tháng ở vùng Trung du miền núi phía Bắc năm 2020 chỉ tăng 5% so với 2018 trong khi vùng Đông Nam Bộ tăng tới 17,3% so với năm 2018.

Chi đời sống chiếm tỷ lệ cao trong tổng chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình. Năm 2020 chi cho đời sống bình quân một người một tháng là 2,7 triệu đồng (chiếm tới 93% trong tổng chi tiêu hộ gia đình), trong đó chi cho ăn uống bình quân đầu người một tháng xấp xỉ 1,35 triệu đồng và không phải ăn uống hút là xấp xỉ 1,37 triệu đồng.

Sự bất bình đẳng trong chi tiêu bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất, lên tới 3,5 lần năm 2020, với chi bình quân đầu người một tháng ở các hộ nhóm 5 hơn 4,6 triệu đồng/người/tháng so với gần 1,4 triệu đồng/người/tháng ở các hộ thuộc nhóm 1.

(3) Tiêu dùng lương thực, thực phẩm qua số liệu cho thấy một xu hướng rõ ràng là các hộ gia đình có xu hướng giảm dần việc tiêu thụ tinh bột, như việc lượng gạo tiêu thụ bình quân một người một tháng giảm dần qua các năm, từ 9,7 kg/người/tháng năm 2010 xuống còn 8,1 kg/người/tháng năm 2018 và chỉ còn 7,6 kg/người/tháng năm 2020. Thói quen ăn uống cho thấy các hộ gia đình sống ở vùng nông thôn thường tiêu thụ nhiều gạo hơn so với các hộ gia đình thành thị (8,5 so với 6,1 kg/người/tháng). Những hộ gia đình thuộc nhóm nghèo nhất có lượng gạo tiêu thụ cao hơn so với những hộ gia đình thuộc nhóm khá giả nhất (9,1 so với 6,6 kg/người/tháng).

Lượng tiêu thụ thịt các loại có xu hướng tăng nhẹ qua các năm, từ 1,8 kg/người/tháng năm 2010 lên 2,3 kg/người/tháng năm 2020. Tiêu thụ Trứng tăng trong năm 2020, chủ yếu do năm 2020 bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và các đợt giãn cách xã hội, trứng là mặt hàng các hộ gia đình ưa chuộng sử dụng để bổ sung dinh dưỡng thay vì các loại khác.

Lượng tiêu thụ rượu bia có dấu hiệu tăng nhẹ trong năm 2020, từ 0,9 lít/người/tháng năm 2010 lên 1,3 lít/người/tháng năm 2020. Lượng tiêu thụ mặt hàng này của nhóm hộ gia đình khá giả nhất cũng cao hơn so với nhóm hộ gia đình nghèo nhất (2,2 so với 1,0 lít/người/tháng).

(4) Nhân khẩu bình quân 1 hộ năm 2020 là 3,6 người/hộ. Nhân khẩu bình quân của hộ nghèo cao hơn hộ giàu. Theo KSMS 2020, nhân khẩu bình quân 1 hộ của nhóm hộ nghèo nhất (nhóm 1) là 4 người, cao gấp hơn 1,2 lần so với nhóm hộ giàu nhất (nhóm 5).

(5) Tỷ lệ phụ thuộc của năm 2020 là 0,69. Tỷ lệ phụ thuộc của nhóm hộ nghèo nhất là 0,96 cao hơn 2,1 lần so với nhóm hộ giàu nhất (0,46). Tỷ lệ phụ thuộc của các hộ dân cư thuộc khu vực nông thôn cao hơn so với khu vực thành thị (0,73 so với 0,64).

(6) Năm 2020, có 14,9% dân số từ 15 tuổi trở lên không có bằng cấp hoặc chưa bao giờ đến trường, giảm 2 điểm phần trăm so với năm 2018; 20,1% tốt nghiệp tiểu học; 28,5% tốt nghiệp THCS; 17,2% tốt nghiệp THPT; 19,3% có bằng cấp nghề hoặc cao đẳng, đại học trở lên. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên chưa bao giờ đến trường hoặc không có bằng cấp của nhóm hộ nghèo nhất là 33,3%, gấp 5,1 lần so với nhóm hộ giàu nhất; của nữ giới là 18,0%, gấp 1,6 lần so với của nam giới. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có bằng cao đẳng, đại học và trên đại học cũng có khoảng cách đáng kể giữa hai nhóm hộ nghèo nhất và nhóm hộ giàu nhất (1,6% so với 28,5%).

Tỷ lệ đi học đúng tuổi các cấp có xu hướng tăng qua các năm, đặc biệt ở cấp trung học phổ thông. Xu hướng này cho thấy giáo dục đang được nâng cao, hướng tới phổ cập trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Xét theo loại trường đang học, có 95,0% học sinh đang học tại trường công lập, giảm nhẹ so với năm 2018. Ngược lại, tỷ lệ học sinh đang học tại các trường dân lập, tư thục vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ và giữ nguyên so với năm 2018 (chỉ 4,8%). Các hộ gia đình thuộc nhóm giàu có xu hướng cho con học tại các trường dân lập, tư thục cao hơn nhiều các hộ thuộc nhóm nghèo (12,3% so với 1,3%), tương tự thì tỷ lệ học tại các trường dân lập, tư thục ở khu vực thành thị cũng cao hơn khu vực nông thôn (9,6% so với 2,1%). Việc lựa chọn học trường tư một phần nguyên nhân do tình trạng đăng ký hộ khẩu, số liệu cho thấy, nhóm dân số không có đăng ký hộ khẩu có tỷ lệ học tại các trường tư cũng cao hơn so với nhóm dân sô có đăng ký hộ khẩu (20,4% so với 4,4%).

Trung bình các hộ dân cư phải chi hơn 7,0 triệu đồng cho một thành viên đang đi học trong 12 tháng, tăng khoảng 7,0% so với năm 2018. Có thể thấy rằng đầu tư cho giáo dục ngày càng được chú trọng hơn qua các năm. Ở thành thị, các hộ chi 10,7 triệu đồng cho một thành viên đi học trong 12 tháng, cao hơn hộ nông thôn 2,1 lần; nhóm hộ giàu nhất chi hơn 15,4 triệu đồng/người/12 tháng, tăng 4,7% so với năm 2018. Nhìn chung chi tiêu cho giáo dục và đào tạo không có sự khác biệt nhiều về giới. Tuy nhiên, có sự chênh lệch rõ rệt khi quan sát theo cấp vùng, vùng có chi tiêu cho giáo dục, đào tạo cao nhất là Đông Nam Bộ hơn 11,0 triệu đồng/người/12 tháng, cao hơn 3,6 lần so với Trung du và miền núi phía Bắc. Có thể thấy rằng, sự chênh lệch về chi cho giáo dục giữa các vùng đang dần thu hẹp.

Trong cơ cấu chi cho giáo dục, khoản học phí (35,1%), học thêm (17,5%) và chi giáo dục khác (khoảng 26,6%) là các khoản chi chiếm tỷ trọng lớn.

Chi giáo dục, đào tạo bình quân 1 người đi học trong 12 tháng qua tại các trường công lập hơn 6,1 triệu đồng/người/12 tháng, thấp hơn nhiều so với các loại trường dân lập (25,3 triệu đồng/người/12 tháng) và tư thục (17,8 triệu đồng/người/12 tháng).

(7) Có 35,7% dân số khám chữa bệnh trong năm 2020, trong đó 33,87% người khám chữa bệnh ngoại trú và 7,1% người khám chữa bệnh nội trú. Chi tiêu trung bình 1 người có khám chữa bệnh là khoảng 3 triệu đồng.

(8) Năm 2020, có 53,4% dân số từ 15 tuổi trở lên có công việc chính là làm công, làm thuê, trong đó nhóm hộ giàu nhất là 63,5% cao hơn 2,2 lần so với nhóm hộ nghèo nhất chỉ có 28,71%. Số giờ làm việc bình quân 1 người 15 tuổi trở lên trong 1 tuần của công việc chính năm 2020 là 36,9 giờ. Trong đó, nhóm hộ giàu nhất có số giờ làm việc trung bình một tuần cao hơn nhiều so với nhóm hộ nghèo nhất (43,5 giờ so với 25,8 giờ).

(9) Trong giai đoạn 2010 – 2020, chất lượng nguồn nước sinh hoạt của hộ gia đình được nâng cao một cách rõ rệt. Tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh năm 2020 là 97,4%, tăng 6,9 điểm phần trăm so với năm 2010, trong đó, tỷ lệ này tăng nhanh ở khu vực nông thôn (năm 2020 tăng 8,8 điểm phần trăm so với năm 2010) và tăng nhanh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (15,9 điểm phần trăm), Tây Nguyên (13,9 điểm phần trăm) và Trung du và miền núi phía Bắc (9,7 điểm phần trăm).

Đi đôi với chất lượng nguồn nước sinh hoạt được nâng cao, tỷ lệ hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh cũng không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ này năm 2020 là 94%, tăng 18,3 điểm phần trăm so với năm 2010. Việc sử dụng hố xí hợp vệ sinh có sự chênh lệch đáng kể giữa thành thị – nông thôn (7,7 điểm phần trăm) và giữa các vùng miền, cụ thể giữa vùng Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh cao nhất so với vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tỷ lệ này thấp nhất cả nước có mức chênh lệch lên tới 14,7 điểm phần trăm. Tuy nhiên mức độ tăng của tỷ lệ hộ sử dụng hố xí hợp vệ sinh giai đoạn 2010-2020 rất cao ở khu vực nông thôn (24 điểm phần trăm) và các vùng Đồng bằng sông Cửu Long (37,5 điểm phần trăm), Trung du và miền núi phía Bắc (28,4 điểm phần trăm) và khu vực Tây Nguyên (25 điểm phần trăm) cho thấy khoảng cách giữa các khu vực đang được thu hẹp rất nhanh và chất lượng hố xí của hộ gia đình đang cải thiện rõ rệt.

(10) Sử dụng điện sinh hoạt cũng là một trong số các chiều quan trọng phản ánh đời sống cư dân. Ở nước ta, việc đưa điện lưới quốc gia đến từng hộ gia đình, vùng miền ở mức rất cao, năm 2020, tỷ lệ hộ sử dụng điện sinh hoạt đạt 99,5%, trong đó gần như không có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực thành thị – nông thôn và giữa các vùng miền, địa phương. Thực tế số liệu cho thấy tại nhiều địa phương, tỷ lệ này đã đạt 100% từ nhiều năm qua.

(11) Sử dụng đồ dùng lâu bền là một tiêu chí cho thấy hộ gia đình có mua sắm tài sản, thiết bị, phương tiện để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hay không. Theo số liệu thống kê, trên cả nước có tới 99,9% hộ gia đình có đồ dùng lâu bền. Tỷ lệ này đã đạt 100% ở khu vực thành thị, một số vùng kinh tế và các hộ gia đình có mức thu nhập thuộc nhóm 2 trở lên.

Trị giá đồ dùng lâu bền bình quân một hộ gia đình có đồ dùng lâu bền tăng dần trong giai đoạn 2010-2020. Năm 2020 trị giá đồ dùng lâu bền bình quân một hộ đạt gần 88 triệu đồng, gấp 7,3 lần trị giá này năm 2010. Trị giá đồ dùng lâu bền bình quân một hộ có sự chênh lệch đáng kể theo khu vực thành thị – nông thôn, 6 vùng kinh tế và 5 nhóm thu nhập. Cụ thể, trị giá đồ dùng lâu bền bình quân một hộ tại khu vực thành thị hơn 103 triệu đồng, cao hơn khu vực nông thôn 24,1 triệu đồng, tương ứng 30,6%. Trị giá đồ dùng lâu bền có sự khác biệt lớn nhất giữa khu vực Đồng bằng sông Hồng (153,2 triệu đồng) và các vùng còn lại, vùng thấp nhất là Đồng bằng sông Cửu Long (59,5 triệu đồng). Trị giá đồ dùng lâu bền bình quân một hộ có sự khác biệt rất lớn giữa các hộ thuộc nhóm 5 và các nhóm hộ còn lại. Trị giá này ở nhóm 5 là 207,2 triệu đồng, cao gấp 8,6 lần các hộ gia đình thuộc nhóm 1.

Tuy nhiên, trong năm 2020, tỷ lệ hộ có mua sắm đồ dùng lâu bền trong 12 tháng qua là 34,4%, thấp nhất trong giai đoạn 2010-2020, giảm 14 điểm phần trăm so với năm 2010. Việc giảm mua sắm cho đồ dùng lâu bền trong thời gian này có thể do những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 khiến người dân quan ngại và thắt chặt chi tiêu hơn, đặc biệt là những khoản chi mua tài sản có giá trị tương đối lớn như đồ dùng lâu bền. Tỷ lệ này không có sự khác biệt nhiều giữa khu vực thành thị – nông thôn, giữa các vùng và các nhóm thu nhập.

Điều đáng chú ý là tỷ lệ hộ mua sắm đồ dùng lâu bền trong 12 tháng qua ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn gần 7% nhưng trị giá đồ dùng lâu bền mua mới khu vực thành thị cao gấp 1,5 lần khu vực nông thôn. Tương tự, tỷ lệ hộ mua sắm đồ dùng lâu bền trong 12 tháng qua của các hộ gia đình thuộc hai khu vực Trung du và miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long cao nhất cả nước nhưng trị giá đồ dùng mua mới lại thấp nhất cả nước.

Về số lượng, một số loại đồ dùng lâu bền chủ yếu trên 100 hộ có xu hướng tăng nhanh trong giai đoạn 2010-2020 như xe máy, điện thoại, tủ lạnh, máy giặt, máy điều hòa và bình tắm nước nóng – những đồ dùng thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt của hộ gia đình. Năm 2010 cứ 100 hộ dân thì có 96 xe máy, 128 máy điện thoại, gần 40 tủ lạnh, 9 máy điều hòa, hơn 17 máy giặt và 13 bình tắm nước nóng thì con số này năm 2020 tương ứng là 156 xe máy, gần 210 máy điện thoại, 85 tủ lạnh, 51 máy điều hòa, 54 máy giặt và hơn 42 bình tắm nước nóng. Sự gia tăng đáng kể số lượng đồ dùng lâu bền trong hộ gia đình cho thấy đời sống của hộ dân cư ngày càng được cải thiện, hiện đại và tiện nghi hơn. Tuy nhiên, số lượng đồ dùng lâu bền trên 100 hộ khu vực thành thị cao hơn nông thôn ở hầu hết các loại đồ dùng, đặc biệt là số lượng đồ dùng của các hộ dân cư thuộc nhóm thu nhập 1 thấp hơn nhiều so với hộ thuộc các nhóm còn lại phản ánh chênh lệch đáng kể về điều kiện sinh hoạt giữa các hộ dân.

(12) Với tư tưởng “an cư lạc nghiệp”, chất lượng nhà ở có vai trò vô cùng quan trọng quyết định tới chất lượng đời sống dân cư. Đo lường nghèo đa chiều cũng xem xét hai chỉ số đo lường liên quan tới nhà ở là chất lượng nhà ở và diện tích nhà ở bình quân đầu người. Chất lượng nhà ở của các hộ gia đình nước ta ở mức khá cao. Năm 2020, tỷ lệ hộ gia đình sống trong nhà kiên cố và bán kiên cố lên tới 95,6%, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ hộ gia đình sống trong nhà thiếu kiên cố và nhà đơn sơ, không hẳn là do điều kiện kinh tế kém mà đôi khi do điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán lâu đời, ví dụ các hộ gia đình khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Trung du và miền núi phía Bắc.

Năm 2020, diện tích nhà ở bình quân đầu người trên cả nước đạt mức 25,3 m2, tăng 7,4 m2 so với năm 2010, tương ứng tăng 41,3%. Diện tích nhà ở bình quân đầu người lớn nhất ở khu vực Đồng bằng sông Hồng và thấp nhất khu vực Tây Nguyên; tăng dần theo 5 nhóm thu nhập và có sự chênh lệch đáng kể trong 5 nhóm thu nhập. Diện tích này cao nhất ở nhóm giàu nhất, cao gần gấp đôi (1,8 lần) nhóm nghèo nhất.

(13) Tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều chung cả nước năm 2020 là 4,8%, giảm 0,9 điểm phần trăm so với năm 2019. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều ở nông thôn là 7,1%, cao hơn nhiều ở khu vực thành thị là 1,1%. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều có sự khác biệt giữa các vùng. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều cao nhất (14,4%), tiếp đến là các vùng Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (11% và 6,5%). Vùng có tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều thấp nhất là Đông Nam Bộ (0,3%).

Xét riêng về 10 chỉ số phản ánh mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản thì ba chỉ số có mức độ thiếu hụt cao nhất năm 2020 là bảo hiểm y tế, giáo dục người lớn và tiếp cận hộ xí hợp vệ sinh (mức độ thiếu hụt lần lượt là 18,9%, 11,4% và 6,0%). Trong 3 chỉ số này thì 2 chỉ số là bảo hiểm y tế và tiếp cận hố xí hợp vệ sinh có mức độ thiếu hụt có xu hướng giảm, riêng chỉ số giáo dục người lớn không có xu hướng giảm qua các năm trong giai đoạn 2016-2020.

(14) Hệ số GINI (theo thu nhập) của Việt Nam năm 2020 là 0,375 thấp hơn GINI giai đoạn 2014-2018 ở mức 0,4 nhưng vẫn ở mức bất bình đẳng trung bình. Mức độ bất bình đẳng ở nông thôn cao hơn thành thị. Hai vùng có tỷ lệ nghèo cao là Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên cũng là hai vùng có hệ số GINI cao nhất, vùng có hệ số GINI thấp nhất là Đông Nam Bộ.

Kết luận

Năm 2020 tình hình kinh tế – xã hội nước ta diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 gặp không ít khó khăn, thách thức do vừa phải chống dịch vừa phải đảm bảo phát triển kinh tế xã hội. Mặc dù thu nhập của dân cư có giảm so với năm 2019 nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn giảm do Chính phủ thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Tuy nhiên, mức sống vẫn có sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa nhóm dân cư giàu và nghèo, giữa các vùng. Đây là vấn đề đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải tiếp tục quan tâm giải quyết./.