Thị xã Đông Hòa, Phú Yên nhìn từ đèo Cả

Bãi môn chân núi đèo cả

Bãi Môn dưới chân Mũi Điện (TX Đông Hòa).

Đứng trên đỉnh đèo Cả, phóng tầm mắt ra một khoảng trời rộng lớn, TX Đông Hòa như một bức tranh sơn thủy hữu tình hiện lên từ đồng bằng đến núi rừng, phía xa xa là biển cả mênh mông. Hiện nay, Đông Hòa đang vươn mình, xứng đáng là thị xã “cửa ngõ” phía nam của tỉnh Phú Yên.

Đèo Cả thuộc xã Hòa Xuân Nam, TX Đông Hòa, giáp ranh với tỉnh Khánh Hòa – một địa danh gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử và cũng là điểm nhấn đối với du khách khi đặt chân đến TX Đông Hòa…

Phú Yên Bức tranh sơn thủy hữu tình hoang sơ.

Đứng trên đèo Cả nhìn về biển Đông có đảo Hòn Khô nằm gần cửa biển Đà Nông, đảo Hòn Nưa nằm ở cửa ngõ phía nam Vũng Rô; nhìn xuống chân đèo là toàn cảnh vịnh Vũng Rô. Đây là một vịnh đẹp, tiếp giáp với vịnh Vân Phong – Đại Lãnh (Khánh Hòa) được núi bao bọc cả ba phía, tạo thành một vịnh kín, có diện tích mặt nước rộng 1.640ha, chiều dài nhất theo hướng Tây Bắc – Đông Nam là 6km, chiều rộng trung bình 2,5km, độ sâu trung bình từ 10-19m. Quanh Vũng Rô có 12 bãi cát vừa và nhỏ, một số bãi hình thành những khu du lịch, nghỉ ngơi, tắm biển. Trong kháng chiến chống Mỹ, Vũng Rô là nơi tiếp nhận vũ khí, khí tài, phương tiện chiến đấu từ miền Bắc chi viện cho miền Nam. Đây là thắng cảnh cấp quốc gia, có tiềm năng lớn phát triển du lịch biển đảo trong tương lai. Vũng Rô còn là cảng nước sâu kín gió, thuận lợi cho việc tàu ra vào tránh trú bão và cung cấp hàng hóa cho các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.

Dưới chân đèo Cả là thôn Hảo Sơn (xã Hòa Xuân Nam) – nơi mà vào ngày 2/9/1936, tuyến đường sắt Bắc – Nam được nối liền với sự chứng kiến của Toàn quyền Đông Dương Eugène Jean Louis Réne Robin và vua Bảo Đại.

Do cấu tạo địa hình, phần lớn các điểm di tích lịch sử và danh thắng của TX Đông Hòa tập trung vào khu vực phía nam thị xã tạo quần thể Đèo Cả, Vũng Rô, Đập Hàn, Mũi Điện, Biển Hồ… Từ trên đèo Cả, ta có thể ngắm nhìn toàn cảnh vùng biển Đại Lãnh, Vũng Rô với đại dương mênh mông một màu ngọc bích. Hướng mắt về phía tây để chiêm ngưỡng Đập Hàn, điểm du lịch sinh thái rất nên thơ với nhiều gộp đá, thác nước và hồ nước trong suốt, mát lạnh; có Biển Hồ là đầm nước rộng mênh mông ngày xưa có rất nhiều tôm cá, thậm chí có cả cá sấu. Ở phía đông là Mũi Điện (còn gọi là mũi Đại Lãnh) nằm trên núi Hòn Bà là điểm cực Đông trên đất liền của Tổ quốc với ngọn hải đăng được xây dựng từ năm 1890. Còn chếch xuống là Vũng Rô – một trong những bến cảng bí mật của những con Tàu Không số trên đường mòn Hồ Chí Minh trên biển vận chuyển vũ khí đạn dược từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam…

Các truyền thuyết, huyền thoại của Thị Xã Đông Hòa có mối quan hệ chặt chẽ với các điểm di tích lịch sử, danh thắng nói trên. Ở đây, trong dân gian vẫn còn lưu truyền câu chuyện vua Lê Thánh Tông trên đường mang quân đi mở cõi đã khắc lên tảng đá khổng lồ trên núi Đá Bia để phân định ranh giới đất nước, về những con chim thần ở Mũi Điện, về bàn cờ tiên ở Đập Hàn, về Biển Hồ, Vũng Rô, đèo Cả…

Từ đỉnh đèo Cả, phóng tầm mắt ra một khoảng trời rộng lớn, TX Đông Hòa như một bức tranh sơn thủy hữu tình hiện lên từ đồng bằng đến núi rừng, phía xa xa là biển cả mênh mông. Cánh đồng nhìn từ đỉnh đèo Cả như một thấm thảm lụa trải màu lúa mênh mông, thỉnh thoảng ôm lấy một ngôi làng rồi mải miết chạy dài theo quốc lộ. Cũng biết thay sắc theo mùa: lúc mởn xanh, lúc ruộm vàng, lúc lãng đãng khói lam mùa đốt rạ… Tất cả tạo nên phong cảnh vùng ngoại ô thị xã yên ả thanh bình.

cánh đồng lúa phú yên

Dòng sông và cánh đồng dưới chân đèo Cả (TX Đông Hòa). Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN

 

Thị Xã Đông Hòa Xây dựng đô thị “nén – trung tâm”

Trời về đêm, đứng trên đèo Cả, ta sẽ thấy khung cảnh lung linh ánh điện đường từ hầm đường bộ Đèo Cả chạy xa tít về hướng TP Tuy Hòa cùng ánh đèn của các phương tiện tham gia giao thông, ánh điện của các nhà dân… tạo nên sắc màu lung linh. Được biết thời gian qua, nhờ sự đầu tư đồng bộ nên cơ sở hạ tầng của TX Đông Hòa ngày càng hoàn thiện, có hai tuyến giao thông đối ngoại là quốc lộ 1 và quốc lộ 29 đi qua thị xã được đầu tư nâng cấp, mang lại diện mạo mới cho địa phương. Dọc theo quốc lộ 1 đoạn qua phường Hòa Vinh đã xây dựng công viên, lắp đặt điện trang trí, trồng cây xanh dọc dải phân cách…, tạo “bộ mặt” khang trang, hiện đại cho trung tâm thị xã. Các tuyến đường từ phường Hòa Vinh đi Hòa Hiệp Trung, Hòa Hiệp Bắc, Hòa Hiệp Nam cũng được nâng cấp, hình thành nên các trục giao thông chính tại khu vực trung tâm của thị xã giúp cho việc đi lại của người dân được dễ dàng hơn.

Nhớ hồi đi học thời bao cấp, khi còn huyện Tuy Hòa (cũ), chúng tôi tổ chức đi đến Đập Hàn để vui chơi trong những dịp hè. Lúc đó, đi qua các xã Hòa Vinh, Hòa Xuân…, phong cảnh còn hoang sơ, cuộc sống người dân còn khó khăn, cơ sở hạ tầng còn thấp kém… Nhưng chỉ trong 15 năm, từ khi chia tách huyện Tuy Hòa (cũ) để thành lập huyện Đông Hòa và nay là thị xã, Đông Hòa đã trở nên khác hẳn, xứng đáng là thị xã “cửa ngõ” phía nam của tỉnh Phú Yên, có vị thế chiến lược trong phát triển kinh tế – xã hội, nhất là tiềm năng phát triển công nghiệp – dịch vụ – du lịch…

Theo quy hoạch tổng thể được phê duyệt, đến năm 2035, khu trung tâm TX Đông Hòa có diện tích 2.000ha-2.500ha, dân số từ 15-16 vạn người. TX Đông Hòa có hình thái phát triển theo dạng đô thị “nén – trung tâm”, bao gồm 2 khu vực và 3 hành lang cùng phát triển. Đô thị “nén” nhằm tiết kiệm năng lượng; rút ngắn khoảng cách đi lại, sử dụng hiệu quả tối đa tài nguyên đất, kết nối tốt giữa đô thị và nông thôn; tăng cường cung cấp các dịch vụ công cộng, khả năng tạo sự đa dạng về việc làm và dịch vụ tại nơi ở; các khu trung tâm đô thị có mật độ xây dựng cao hơn so với những khu vực khác…

Trong tiết trời của mùa hạ cùng niềm hân hoan của mọi người chào mừng sự kiện các ngày lễ lớn trong tháng 7/2020, trong tôi rộn lên niềm tin mãnh liệt về vùng đất Đông Hòa, sẽ phát triển năng động, bền vững trong thời kỳ hội nhập.

HOÀNG HÀ THẾ