Thang Phap Tap Yeu – 00

 

MỤC LỤC

 

Lời nói
đầu

[01]
Chương một: Tâm Vương (Citta)

1) Bất thiện tâm (Akusalacitta)
2) Vô nhân tâm (Ahetukacitta)
3) Tịnh quang tâm (Sobhanacitta)
4) Sắc giới tâm (Rùpàvacaracitta)
5) Vô sắc giới tâm (Arùpàvacaracitta)
6) Siêu thế tâm (Lokuttaracitta)

[02]
Chương hai:

PHẦN MỘT: Các loại Tâm sở (Cetasika)

1) 7 Biến hành tâm sở (Sabbacittasàdhàranà)
2) 6 Biệt cảnh tâm sở (Pakinnakacetasika)
3) 14 Bất thiện tâm sở (Akusalacetasika)
4) 25 Tịnh quang tâm sở (Sobhanacetasika)

PHẦN HAI: Những tâm sở nào đã
hiện hành trong những tâm nào

1) 7 Biến hành tâm sở
2) 6 Biệt cảnh tâm sở
3) 14 Bất thiện tâm sở
4) 25 Tịnh quang tâm sở

PHẦN BA: Loại tâm nào có những loại tâm sở nào và bao nhiêu
tâm sở

1) Với Siêu thế tâm
2) Với Ðại hành tâm
3) Với Dục giới Tịnh quang tâm
4) Với Bất thiện tâm
5) Với Vô nhân tâm

[03]
Chương ba: Linh tinh (Pakinnaka)

1) Phân loại theo thọ
2) Phân loại theo nhân
3) Phân loại theo công tác
4) Phân loại theo căn môn
5) Phân loại theo đối tượng
6) Phân loại theo trú căn

[04]
Chương bốn: Lộ trình của tâm
(Cittavìthi)

1) Lộ trình của tâm qua 5 căn
2) Lộ trình qua ý môn
3) Lộ trình của An chỉ tốc hành tâm
4) Ðồng sở duyên tâm
5) Tốc hành tâm
6) Các loại chúng sanh
7) Các địa giới

[05]

Chương năm:
Ra ngoài loại hình (Vìthimutta)

1) Bốn địa
2) Các loại kiết sanh thức (Patisandhi)
3) Thọ mạng trên sắc giới thiên
4) Thọ mạng trên vô sắc giới thiên
5) Bốn loại nghiệp
6) Nguyên nhân của chết
7) Nghiệp, nghiệp tướng và thú tướng
8) Lộ trình tâm của một người sắp chết.
9) Giòng tâm thức

[06]
Chương sáu: Sắc (Rùpa)

1) Tóm lược (Samuddesa)
2) Phân loại các Sắc pháp (Rùpavibhàgo)
3) Sắc sinh khởi (Rùpasamutthàna)
4) Tổng hợp các Sắc (Kalàpa-Yojanà)
5) Diễn biến Sắc pháp (Rùpavattikàmo)
6) Niết Bàn (Nibbàna)

[07]
Chương bảy: Tập yếu những danh từ
Abhidhamma
(Samuccaya-Sangaha-Vibhàgo)

1) Tạp loại tập yếu (Missako sangaho)
2) Tổng quát tập yếu (Sabbasangaho)

[08]
Chương tám: Duyên khởi và Duyên hệ

1) Trợ duyên tập yếu (Paccaya sangaho)
2) Duyên hệ duyên (Patthanapaccayo)

[09]
Chương chín: Nghiệp Xứ hay Ðối tượng
Tu hành

[10]
Phụ lục:

Đối chiếu Pàli – Việt
Đối chiếu Việt – Pàli

-ooOoo-

LỜI NÓI ÐẦU (Tập Một)

Văn học Abhidhamma có thể xem là
môn Tâm Lý Học của Phật giáo vì bốn vấn đề
được đem ra giải thích cặn kẽ hoàn toàn thuộc về con người và đặc biệt là phần tâm thức. Bốn pháp được đề cập là Citta (tâm), Cetasika
(tâm sở), Rùpa (Sắc) và Nibbàna (Niết bàn). Tâm, Tâm sở, Niết bàn dĩ nhiên
thuộc về tâm thức, nhưng Sắc pháp ở đây nói
nhiều về thân thể con người và sự liên lạc giữa thân thể ấy với tâm
thức. Ðạo Phật không bao giờ tách rời Tâm và Sắc vì cả hai đều tương quan liên đới. Chia chẻ theo 2 pháp thời Nàma
(danh) thuộc về Tâm pháp và Rùpa (Sắc) thuộc về Sắc pháp. Nói đến 5 Uẩn, thời Rùpakkhandha (Sắc uẩn)
thuộc về Sắc pháp còn 4 Uẩn còn lại thuộc về Tâm pháp v.v…

Ðiểm nói bật nhất trong môn học Abhidharma là sự phân tích rất tinh tế
và tỉ mỉ các tâm và tâm sở, và theo Pàli Abhidhamma, có đến 89 hay 121 tâm (Citta) và 52 tâm
sở (Cetasika). Ðúng với truyền thống “phân tích tông” (Vibhajavàda, một
tên khác của Thượng Tọa Bộ), Pàli Abhidhamma chia chẻ các loại tâm thành
Dục giới tâm; Sắc giới tâm, Vô sắc giới tâm, Siêu thế tâm (theo cảnh
giới), hoặc thành Bất thiện tâm, Vô nhân tâm, Tịnh quang tâm (theo khả năng
hướng thiện hay không hướng thiện), hoặc theo Thiện tâm, Dị thục tâm, Duy
tác tâm (theo khả năng tái sanh một đời sau hay không); hoặc theo Hữu
nhân, Vô nhân tâm (nếu đứng về phương diện căn nhân chi phối các tâm ấy)
v.v… Phần tâm sở lại tế nhị hơn, và chúng ta được biết khi nhãn thức khởi lên thời
ít nhất có 7 Biến hành tâm sở cùng khởi một lần, tức là Xúc, thọ, trưởng,
tư, mạng căn, nhứt tâm và tác ý. Còn
tế nhị hơn là những băng thống kê tỉ
mỉ tìm tòi số lượng các tâm sở hiện hành trong một tâm và những tâm sở nào được tìm thấy trong những loại tâm
nào. Chúng ta không ngờ hỷ tâm sở có mặt trong 51 tâm, xả tâm sở khởi lên
trong 70 tâm, và một tâm giản dị như tiếu sanh tâm cũng có đến 12 tâm sở cùng khởi lên một lần
(xúc, thọ, tưởng, tư, nhứt tâm, tác ý, mạng cặn, tầm, tứ, hỷ, tinh tấn,
thắng giải). Một sự cống hiến đặc biệt của Pàli
Abhidhamma cho môn Tâm lý học là sự giải thích về Cittavìthi hay lộ trình
của tâm. Mỗi khi có một sự kích thích ở ngoài ngang qua 5 căn
thời cả một số tâm tiếp diễn liên tục, khởi lên, diệt xuống lâu cho đến 16
tâm sát-na.

1. Bhavangacalana: Hữu phần chuyển động.
2. Bhavangupaccheda: Hữu phần dừng nghỉ.
3. Pancadvàràvajjana: Ngũ môn hướng tâm.
4. Cakkhuvinnàna: (Nhãn thức hay một trong 4 thức khác).
5. Sampaticchana: Tiếp thọ tâm.
6. Santìrana: Suy đạc tâm.
7. Votthapana: Xác định tâm.
8-14. Javana: Tốc hành tâm.
15-16. Tadàlambana: Ðồng sở duyên tâm.

Như vậy từ khi Hữu phần rung động cho đến Ðồng sở duyên tâm có đến 16 tâm
sát-na, và nếu chúng ta cộng thêm một tâm sát-na nữa, thời gian cần
thiết để đối tượng ở ngoài tiếp xúc
với nội căn, thời chúng ta thấy đời sống một
lộ trình của tâm có đến tất cả 17 tâm
sát-na và có 7 loại tâm khởi lên rồi diệt xuống trong một lộ trình
(Từ Ngũ môn hướng tâm đến Ðồng sở
duyên tâm). Thật là một sự khám phá hy hữu, và sự phân tích thật vô cùng
tế nhị và khúc chiết.

Tập Abhidhamma không những giải thích sự diễn tiến của tâm thức khi bị
kích thích bởi ngoại trần hay nội tâm, ngang qua 5 căn
hay ngang qua ý căn (Pavattana), mà còn miêu tả Kiết sanh thức
(Patisandhi) liên hệ từ đời này qua đời khác. Ở đây chúng ta thấy rõ cả sự
cố gắng để giải thích trạng thái tái sanh của
con người, những sức mạnh gì đã
khiến con người sau khi chết phải đi đầu thai
một đời nữa để thỏa mãn sự đòi
hỏi, sự tham sống của kiếp người. Vẫn biết vấn đề này vượt ngoài sự nhận thức của con
người vì chúng ta không nhớ đến khi chúng ta
lâm chung hay đi đầu thai, nhưng sự cắt nghĩa ở đây có thể xem là
hợp lý, khoa học nhất, dựa vào thực tế mà trình bày, và đây cũng là một sự cống hiến đặc biệt nữa của Abhidhamma cho vấn đề sống
chết của con người, một vấn đề mà các nhà triết gia bao giờ cũng boăn
khăn tìm hiểu.

Lama Govinda, một tu sĩ Phật giáo người Ðức trong quyển The
Psychological Attitude of Early Buddhist Philosophy (Thái độ tâm lý của triết học đạo Phật nguyên
thủy) đã xem văn
học Abhidhamma như môn tâm lý học và triết học của đạo Phật. Còn ông Egerton C. Baptist
trong quyển Abhidhamma for the Beginners (Abhidhamma cho những người sơ
cơ) thì so sánh môn học Abhidhamma như môn siêu hình học của Phật giáo.
Nếu siêu hình có nghĩa là vấn đề tìm
hiểu Thượng đế và vấn đề tạo thiên lập địa thì môn học Abhidhamma không thể
là môn siêu hình học, vì hai vấn đề này
không được đề cập đến. Ðúng với truyền
thống thực tiễn của Kinh tạng không muốn đề
cập đến những vấn đề không liên hệ với
đời sống thực tại, đối tượng của môn học Abhidhamma là vấn đề tâm linh và hoàn cảnh thực tại của
con người đang sống. Nhưng nếu chúng ta định
nghĩa siêu hình là những vấn đề vượt
khỏi sự hiểu biết hiện tại cạn cợt và có giới hạn của chúng ta,
thời Abhidhamma có thể xem là môn siêu hình vì Sắc giới tâm, Vô sắc giới
tâm và Siêu thế tâm vượt ngoài sự hiểu biết hiện tại của con người. Muốn
chứng được Sắc giới tâm, phải tu các pháp
thiền ở Sắc giới, muốn hiểu Vô sắc giới tâm phải tu các pháp Thiền ở Vô
Sắc giới, và muốn đạt đến các quả
thánh, phải tu quán (vipassanà) về Ba pháp ấn. Ở đây chúng ta thấy rõ siêu hình không
dựa trên lòng tin không bằng chứng vào tưởng tượng và dự đoán mà chỉ là trạng thái tâm thức
chưa được phát giác ra, bởi vì kinh
nghiệm cá nhân của con người chưa đạt tới, và
khi đã
đạt tới, thời siêu hình đã trở
thành kinh nghiệm cá nhân. Nói một cách khác,
đạo Phật không bác bỏ siêu hình, nếu phần siêu hình được phát giác trên con đường kinh nghiệm cá nhân. Phần này
chỉ bị bác bỏ khi nào chỉ được hình
thành trên con đường của tưởng tượng và
dự đoán. Ở đây, theo tạng Abhidhamma, siêu
hình là một khái niệm hoàn toàn tương đối mà
ranh giới tùy thuộc ranh giới kinh nghiệm cá nhân của mình và tùy thuộc
vào hình thức và tầm lực của nhận thức. Ðức Phật nhiếp phục siêu hình với
những vấn đề nan giải của siêu hình,
không phải chỉ không biết đến siêu
hình, mà chính với thái độ tích cực và
thiết thực, nghĩa là nhờ ở sự tu tập và tiềm lực của nhận thức, đức Phật thu nhỏ dần ranh giới của siêu
hình, và như vậy siêu hình trở thành kinh nghiệm.

Nói đến đạo đức học tức là giới vức
thứ ba của triết học, Abhidhamma cũng là môn luân lý học của đạo Phật, vì tất cả lời dạy trực tiếp
hay gián tiếp của đức Phật đều hướng con
người đến giải thoát và giác ngộ. Tiêu chuẩn đạo đức ở đây không phải là lời phán
xét của đức Phật, cũng không phải dựa vào
truyền thống hay tập tục của một thời đại nào.
Tiêu chuẩn thiện ác ở đạo Phật tùy
thuộc ở con người và 12 Bất thiện trong tâm Abhidhamma được định nghĩa là những tâm khiến con
người đi xa đích giải thoát và giác
ngộ, 18 Vô nhân tâm (ahetukacitta) là những tâm lưng chừng, không tới cũng
không lui, và 59 Tịnh quang tâm (sobhanacitta) là những tâm khiến con
người tiến dần đến mục tiêu giải thoát
và giác ngộ. Ở đây, chúng ta cũng phải nhận rõ
thái độ của nhà triết gia Ðông phương
không những trình bày lý thuyết của mình mà còn phải sống theo lý thuyết
ấy trên thực tế và kinh nghiệm. Tri hành hợp nhất, trí đức song tu là những tiêu chuẩn bất di
bất dịch cho những triết gia Ðông phương và do vậy đạo đức học không bao giờ rời khỏi phần triết
học trong tạng Abhidhamma. Tìm cho ra phần luận lý trong tạng
Abhidhamma không phải dễ dàng vì văn học
Abhidhamma tuy đã có sự cố gắng hệ thống hóa những tư tưởng chính
của đức Phật, sự phát triển này về
luận lý học chưa đến mực độ trở thành
một hệ thống riêng biệt về luận lý như Nhơn minh học (Hetuvidyà) của Ðại
thừa. Nhưng đạo Phật bao giờ cũng chú trọng
đến lý trí, suy luận, thực tu thực chứng lẽ dĩ nhiên bao giờ cũng
kính trọng những nguyên tắc căn bản của pháp
suy luận và do vậy chúng ta có thể nói phần luận lý lúc nào cũng tiềm tàng
trong tạng Abhidhamma.

Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng trong
khi đề cập đến Abhidhamma là sự liên lạc giữa Kinh tạng và Luận
tạng, và sự sai khác giữa hai tạng ấy. Dầu Kinh tạng là phần tử hấp dẫn
nhất trong Ba tạng, và được xem là
nguyên thủy nhất, Kinh tạng vẫn là sự sưu tầm những lời dạy của đức Phật cho từng trường hợp, từng hoàn
cảnh, từng cá nhân lẻ tẻ, nhiều khi không có liên hệ tương quan.
Abhidhamma tạng là cả một sự cố gắng hệ thống hóa những lý thuyết và
phương pháp tiềm tàng và rải rác trong Kinh tạng, và đặc biệt đặt những hệ thống ấy trên
một bối cảnh chung và nhờ vậy giúp chúng ta có một khái niệm tổng quát và
quán xuyến về đạo Phật. Chúng ta không thể
lấy những điều kiện lịch sử để phán đoán giá trị của Abhidhamma, vì
rất có thể những phần tử quan trọng của Abhidhamma được hình thành một lần với Kinh tạng.
Phần lớn các nhà học giả đều đồng ý rằng tạng
Abhidhamma được tổ chức và phát triển từ các Matrikà, nghĩa là
những công thức đã có sẵn trong kinh
tạng, và như vậy tạng Abhidhamma vẫn có thể
được xem là tạng có tánh cách nguyên thủy. Vả lại chính trong Kinh
tạng, cũng có những loại kinh hoặc bộ kinh mang nặng đặc chất Abhidhamma hơn là Kinh tạng,
như kinh Sangìtisutta trong bộ Dìghanikàya và tập Niddesa trong bộ
Khuddakanikàya. Và như Lama Govinda đã
nói, “chính trong thời đức Phật tại thế, vẫn
không có một đạo Phật tuyệt đối, một hình thức giáo điều của sự thật, mà chỉ có một sự
hướng dẫn về phương hướng và phương pháp có thể đưa đến sự tự chứng cá nhân. Khi nào
Abhidhamma còn phụng sự được lý tưởng này
bằng cách chỉ cho chúng ta rõ, một ít nét đại
cương của tư tưởng Phật giáo, thì vấn
đề tạng Abhidhamma được kiết tập sớm hay muộn không có gì quan trọng cả”.

Về phương pháp diễn đạt, tạng Abhidhamma
chú trọng đặc biệt về một hệ thống gọi là Patisambhidà (Vô ngại
giải hay Pratisamvit, một hệ thống của luận lý phân tích). Hệ thống này được chia thành bốn ngành. 1) Phân
tích về ý nghĩa (Nghĩa vô ngại giải, Attha) của các danh từ (hay vật, vì
danh từ định nghĩa sự vật). 2) Phân tích về
pháp (Dhamma, Pháp vô ngại giải). Chữ pháp được tập Vibhanga và
ngài Buddhaghosa, định nghĩa là sự
hiểu biết về những nguyên nhân của sự vật. 3) Phân tích về văn
phạm (Từ vô ngại giải, Nirutti), 4) Phân tích về Patibhàna (Biện vô
ngại giải). Nhưng trong bộ luận chữ Hán Tsa-tsi, Attha lại có nghĩa là sự
hiểu biết về những danh từ riêng và chung, và Dhamma có nghĩa là các Ðồng
nghĩa. Trong tập Niddesa, các danh từ được
giải thích bằng một danh sách dài các chữ Ðồng nghĩa (Dhamma) và
các chữ khác được dùng những định nghĩa thông thường (Attha). Còn địa phương ngữ và những hình thức đặc biệt cũng cần giải thích và đó chính là Nirutti. Ngoài ra, còn có
sự giải thích về giáo lý và ở đây cần phải có
sức biện tài (Patibhàna).

Một đặc tánh nữa của tạng Abhidhamma mà
các luận sư cho là rất đặc biệt là sự
cố gắng của tạng Abhidhamma giải thích sự vật theo đệ nhứt nghĩa đế (Paramatthasacca), chớ không
theo tục đế (Sammutisacca) như trong Kinh tạng. Như khi nói đến cái bàn,
là theo tục đế, nhưng khi nói đến những cơ
năng, những đặc tánh tạo thành cái bàn là nói đến Ðệ nhứt nghĩa đế. Trong Kinh tạng, đức Phật thường dùng
những danh từ đàn ông, đàn bà, hữu tình, tự ngã. Trái lại
trong Abhidhamma, những danh từ như năm uẩn,
mười hai xứ, mười tám giới được dùng. Nói đến người thời có sự sai khác giữa đàn
ông đàn bà, con nít người lớn, người
thông minh kẻ ngu dốt và như vậy nằm trong phạm vi Tục đế. Khi nói đến năm uẩn hay mười hai xứ, thời
không có sự phân biệt trên và con người chỉ là sự tụ họp của năm uẩn hay
năm pháp.

Khi chúng tôi bắt đầu dịch tập này,
chúng tôi gặp một sự khó khăn lớn là
có nhiều danh từ chưa bao giờ được dịch ra
chữ Hán và như vậy chúng tôi phải tự dịch theo nghĩa, hoặc dịch
theo ý. Với những danh từ như Pìti (Hỷ), Vitakka (Tầm), Vicàra (Tứ), thời
không có gì khó khăn vì chữ Hán đã dùng nhiều lần. Nhưng Citavìthi
(Tâm lộ hay lộ trình của tâm), Parikamma (chuẩn bị), Upacàra (cận hành),
Anuloma (thuận thứ), Gotrabhù (chuyển tánh), Appanà (an chỉ) v.v… toàn
là những danh từ mới mẻ, phải tự dịch ra. Ðể tiện tìm hiểu và khảo cứu,
chúng tôi cho in hai tập ngữ vựng, Pàli – Việt và Việt – Pàli, toàn những
danh từ chuyên môn. Khi gặp chữ Pàli, muốn tìm chữ dịch ra tiếng Việt thì
tìm ngữ vựng Pàli – Việt. Khi gặp chữ Việt mà muốn tìm chữ Pàli tương đương thì tìm ngữ vựng Việt – Pàli. Vì đây không phải là tự điển, nên
chúng tôi chỉ cho in những danh từ chuyên môn mà thôi.

Trong khi dịch và giải thích tập này, chúng tôi chia mỗi đoạn văn thành bốn phần:

I. Pàli văn, tức là bản văn chính.
II. Thích văn, là dịch những chữ Pàli khó ra Việt văn.
III. Việt văn, là bản dịch Pàli văn ra Việt văn.
IV. Thích nghĩa, là giải thích đoạn
văn trên.

Sự trình bày này giúp nhiều cho những người mới biết riêng Pàli cũng
như những ai muốn nghiên cứu sâu vào vấn đề.
Riêng đối với những người chỉ muốn
hiểu tiếng Việt cũng có thể học hỏi nghiên cứu không có gì khó khăn.
Tập này cũng có dụng ý giúp cho sinh viên Vạn Hạnh học chứng chỉ
Abhidhamma và sinh viên Văn khoa Sài
Gòn học chứng chỉ Triết Ấn, vì khi nào có sách học thời rất dễ cho sự tìm
hiểu và chính nhờ sự hiểu biết về căn bản của
tập này, sinh viên mới có sự hiểu biết căn
bản để nghiên cứu các tác phẩm khác.

Quyển Abhidhammatthasangaha này là quyển sách căn
bản cho những ai muốn tham học tạng A-tỳ-đàm và trở thành quyển
sách đầu giường cho chư Tăng Miến
Ðiện, Tích Lan, Thái Lan v.v… Không những tập này cho chúng ta những
hiểu biết căn bản về môn học Abhidhamma, tập
này có thể xem là chìa khóa độc nhất
mở cửa cho chúng ta vào tham cứu bảy tập Abhidhamma chính thống, mà
sự trình bày, cùng những danh từ chuyên môn khó hiểu và khô khan đã làm chán ngán thất vọng những kẻ sơ
cơ muốn tìm hiểu tạng này. Ngài Anurudha đã
thành công khi ngài chẩn mạch được căn bệnh
cổ truyền và khéo hệ thống hóa tư tưởng và triết học Abhidhamma một
cách gọn ghẽ súc tích, khiến cho tập này trở thành một quyển sách đầu giường cho các Tăng ni Phật tử muốn nghiên
cứu Luận tạng A-Tỳ-đàm. Tập này đã được
dịch ra tiếng Miên, Thái, Tích Lan, Miến Ðiện, Ấn Ðộ, Anh, Pháp
v.v… chỉ trừ có tiếng Việt và bản dịch này là để bổ khuyết sự thiếu sót
ấy.

Về phần giải thích, chúng tôi y cứ vào hai bản Abhidhammatthasangaha
của Ðại Ðức Narada, người Tích Lan và Ðại Ðức Kashyap, Viện Trưởng Viện
Phật Học Nalanda người Ấn. Ngài Narada dịch rất sát nguyên văn
và phần chú thích chú trọng nhiều về ngữ nguyên các danh từ cùng
những giải thích truyền thống. Ngài Kashyap trái lại dịch rất thoát nguyên
văn và thích nắm giữ những khái niệm
chính của từng mục, từng đoạn. Dung hòa
hai phương pháp và kết nạp và trích lựa tinh hoa của hai tập trên, tập
“Thắng pháp Tập yếu” bằng tiếng Việt này là sự cố gắng để phụng sự Phật học nước nhà nói
chung và Ban Tu Thư Viện Ðại Học Vạn Hạnh nói riêng. Chúng tôi cũng có hy
vọng tập này sẽ mở đầu cho một sự so sánh
giữa tập Pàli Abhidhamma và Tạng Sanskrit Abhidhamma, và tập Pàli
Abhidhammatthasangaha và tập Sanskrit Abhidharmakosa, một sự so sánh rất
hào hứng, đầy những khám phá mới lạ và thích thú.

Tập Abhidhammatthasangaha có đến 9 chương
và chúng tôi dịch đến chương thứ V. Còn bốn chương sau, chúng tôi sẽ cho
dịch tiếp.

Mùa Phật Ðản 2510
Tỳ kheo THÍCH MINH CHÂU
Viện Trưởng Viện Ðại Học Vạn Hạnh

-ooOoo-

LỜI NÓI ÐẦU (Tập Hai)

Bản dịch quyển “Abhidhammasangaha” (Thắng Pháp Tập Yếu Luận) tập II nay
mới được in xong, dầu chúng tôi dịch xong đã
khá lâu, nguyên do chính vì vấn đề ấn loát
khó khăn, nhất là in chữ Pàli, vật liệu khan hiếm đắt đỏ, và trách nhiệm của một vị Viện
Trưởng khá đa đoan phiền toái.

Tập II này đề cập đến hai Thắng pháp còn
lại là Rùpa (Sắc) và Nibbana (Niết Bàn) được
phân chia như sau:

Chương VI: Sắc Pháp
Chương VII: Các danh từ Abhidhamma phân loại theo Bất thiện, Thiện và
Bất thiện, liên hệ với Giác ngộ.
Chương VIII: Duyên khởi và Duyên hệ
Chương IX: Tu tập và đối tượng Tu tập,

Cũng như tập I, chúng tôi có in bản chính Pàli, tiếp theo là Thích văn,
Dịch văn và Thích nghĩa, chúng tôi y cứ vào hai bản Abhidhammatthasangaha
của Ðại Ðức Nàrada, Tích Lan và Ðại Ðức Kashyap, Viện Trưởng Viện Ðại học
Nalandà, Ấn Ðộ.

Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về các
danh từ Abhidhamma chuyên môn, những danh từ chuyên môn có chữ Hán
tương đương thời chúng tôi dùng chữ
Hán đã
được Việt hóa, còn những danh từ không có chữ Hán tương đương, chúng tôi phải tạm thời dịch theo
nghĩa để chờ đợi tìm được những danh
từ chính xác hơn. Bao giờ cũng vậy, đi tiên phong trong vấn đề nào cũng có những khó khăn
trong bước đầu, và ở đây tìm được những danh từ Việt hay Việt hóa sát
nghĩa với nguyên văn là cả một
vấn đề thiên nan vạn nan. Chúng tôi
sẵn sàng chấp nhận những khó khăn ấy để mở
đường cho những dịch phẩm về sau về Pàli Abhidhamma.

Sài Gòn, ngày 15 tháng 12 năm
1973
Tỳ kheo THÍCH MINH CHÂU
Viện Trưởng Viện Ðại Học Vạn Hạnh


Ghi chú:
Có thể tham chiếu thêm với:

1) Vi Diệu Pháp Toát Yếu, bản dịch Việt ngữ của Phạm Kim Khánh
(với đầy đủ các ký tự Pàli).
2) A Manual of Abhidhamma, bản dịch Anh ngữ và chú thích của Hòa
thượng Narada.

-ooOoo-


Ðầu trang |
Mục lục | 01
| 02 | 03 |
04 | 05 |
06 | 07 |
08 | 09 |
Phụ lục