ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê – “Bà tiên” giải cứu em bé trong bụng mẹ

“Thiên thần áo trắng”, “bà đỡ” mát tay, “bà tiên”… là những mỹ từ mà hàng triệu bệnh nhân ưu ái dành tặng ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê – Bác sĩ cao cấp khoa Phụ sản, BVĐK Tâm Anh, Hà Nội. Giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm và tận tâm với bệnh nhân, bác sĩ Hiền Lê chính là vị cứu tinh của hàng triệu phụ nữ, từ những chị em khủng hoảng vì bệnh phụ khoa, đến những mẹ bầu vượt cạn đón con yêu, đặc biệt là những người mẹ không may mắc phải hội chứng truyền máu song thai.

Gian nan chinh phục miền đất “Y học bào thai”

Sau khi nhận bằng Thạc sĩ Y học tại trường Đại học Y Hà Nội, ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê thường xuyên tham gia hội chẩn tại Trung tâm chẩn đoán trước sinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Cũng chính tại đây, bác sĩ Hiền Lê có cơ hội tiếp cận với những ca bệnh bất thường và lần đầu tiên biết đến khái niệm Hội chứng Truyền máu song thai (TMST). “Lúc đó tôi chưa có nhiều kiến thức về bệnh lý này. Tất cả những gì tôi biết về TMST chỉ là bệnh nhân mang song thai, chung một bánh rau, đa ối, hậu quả là bị sảy thai, mất đi em bé. Có những người mẹ mười mấy năm chạy chữa mới có tin vui mà cuối cùng mất con vì bệnh lý này. Nhìn thấy những cảnh đời éo le như thế, không chỉ riêng tôi mà bác sĩ nào cũng thấy xót xa.” – ThS.BS Hiền Lê hồi tưởng lại những ngày đầu.

Với khát khao tìm ra phương pháp điều trị cho những thai phụ mắc hội chứng TMST, năm 2005, ThS.BS Hiền Lê sang Pháp “tầm sư học đạo”. Tại kinh đô Paris hoa lệ, bác sĩ Hiền Lê đã được tiếp xúc với rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực Y học bào thai (YHBT) và lĩnh hội được những kiến thức quý báu trong can thiệp bào thai, đặc biệt là kỹ thuật điều trị TMST. Đề tài tốt nghiệp lúc đó của cô sinh viên đại diện cho đất nước Việt Nam hiếu học là về một ca bệnh song thai có một thai không tim.

Với đề tài này, lần đầu tiên bác sĩ Hiền Lê được tham gia một ca phẫu thuật nội soi trong bụng mẹ, cứu sống em bé thật ngoạn mục. “Tôi hét lên trong phòng mổ sau khi ca phẫu thuật kết thúc khiến cả ekip cũng vỡ òa. Không ngờ chúng tôi đã giành lại sự sống cho em bé trong gang tấc. Vậy là từ nay các em bé bị truyền máu song thai được cứu rồi. Lúc ấy tôi chỉ mong nhanh chóng về Việt Nam, đem theo kiến thức và kỹ thuật này để cứu những em bé đang chờ ở quê nhà.” – ThS.BS Hiền Lê kể lại với đôi mắt rực sáng tia hy vọng như còn nguyên cảm xúc của 15 năm về trước. 

“Học, học nữa, học mãi”, sau khi lĩnh hội được những kiến thức trong điều trị TMST, ThS.BS Hiền Lê tiếp tục học thêm về kỹ thuật phẫu thuật để nhanh chóng hiện thực hóa giấc mơ cứu chữa cho những em bé trong bụng mẹ. Một thân một mình nơi đất khách quê người, dù gặp nhiều khó khăn như mỗi ngày phải di chuyển hơn 20km tới học viện, những hôm đứng chờ tàu xe trong mưa rét, 6h sáng ra khỏi nhà đến 2h sáng mới về… nhưng bác sĩ Hiền Lê không hề lùi bước và nản lòng khi nghĩ đến những mầm sống cần được “giải cứu” ở quê nhà. 

Năm 2006, kết thúc khóa học,ThS.BS Hiền Lê trở về quê hương với khát khao cháy bỏng nhanh chóng áp dụng những kiến thức, kỹ năng giải phẫu đã được lĩnh hội và thực hành để cứu sống những bà mẹ mắc hội chứng TMST. Nhưng “vạn sự khởi đầu nan”, khi ấy Việt Nam chưa có cơ sở y tế đủ điều kiện về trang thiết bị để thực hiện được phẫu thuật này.

Và thật may mắn khi bác sĩ Hiền Lê gặp được TS.BS Japaraj A/L Robert Peter – chuyên gia hàng đầu về sản phụ khoa, đặc biệt trong điều trị các bệnh lý TMST của Malaysia và châu Á. Nhờ sự kết nối của bác sĩ Hiền Lê với TS.BS Japaraj, rất nhiều bệnh nhân đã được tạo điều kiện sang Malaysia để phẫu thuật điều trị TMST.

Suốt 5 năm ròng rã, khi bệnh nhân có điều kiện sang nước ngoài điều trị, bác sĩ Hiền Lê lại đi cùng bệnh nhân sang để phẫu thuật, sau đó tiếp tục theo dõi tình trạng bệnh nhân sau khi về Việt Nam. Một hành trình dài đồng hành cùng bệnh nhân trên những chuyến bay, từng phút giây lo sợ xảy ra bất kỳ biến chứng gì trên đường bay, những ca mổ cấp cứu giữa đêm, nhưng chỉ cần cứu được mẹ và thai nhi, bác sĩ Hiền Lê không bao giờ từ chối hay bỏ cuộc. 

ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê, Bác sĩ cao cấp Khoa Phụ sản

“Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, sau khi ThS.BS Hiền Lê về công tác tại BVĐK Tâm Anh và bày tỏ khát khao muốn phát triển ngành Y học bào thai và thực hiện phẫu thuật TMST, vào năm 2017, những thiết bị tiên tiến cần thiết cho kỹ thuật phẫu thuật này đã được trang bị đầy đủ tại BVĐK Tâm Anh. Nhân cơ hội vàng đó, bác sĩ Hiền Lê đã mời bác sĩ Japaraj từ Malaysia sang để thực hiện ca mổ TMST đầu tiên tại Việt Nam. Sau ca mổ đó, bác sĩ Japaraj động viên: “Tôi thấy bạn đã có đầy đủ điều kiện để thực hiện phẫu thuật này rồi. Bây giờ bạn có thể đứng mổ một mình, không cần sự giúp đỡ của tôi nữa.” Nhận được sự khích lệ của bác sĩ Japaraj, bác sĩ Hiền Lê có thêm động lực và sự tự tin để thực hiện những ca mổ TMST đầu tiên của mình tại chính quê hương, và dần hiện thực hóa ước mơ cứu chữa những bà mẹ Việt Nam mắc phải hội chứng nguy hiểm này.

Sau này, mỗi khi được nghỉ phép, ThS.BS Hiền Lê luôn tranh thủ thời gian để sang Pháp trau dồi thêm kiến thức và kỹ năng với những chuyên gia đầu ngành. “Tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc tới người thầy đầu tiên của tôi là Giáo sư Yves Ville và hai bác sĩ đã luôn đồng hành cùng tôi trên hành trình tiếp cận và lĩnh hội phương pháp phẫu thuật TMST là TS.BS Japaraj và bác sĩ Julien Stirnemann. Tôi đặc biệt gửi lời tưởng nhớ tới TS.BS Japaraj đã khuất.”- ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê chia sẻ. 

siêu âm dị tật bẩm sinh

Với nhiều năm kinh nghiệm siêu âm chẩn đoán trước sinh và thành thạo kỹ năng phẫu thuật nội soi, cùng với tinh thần quyết tâm cao và khát khao “giành lại sự sống” cho những em bé trong bụng mẹ, ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê đã kiên cường vượt qua mọi khó khăn nơi đất khách để mang đến những phép màu cho ngành Y học bào thai nước nhà. 

Những kỳ tích trong điều trị Truyền máu song thai

“Huân chương của chúng tôi là tờ giấy chứng sinh của những em bé mắc bệnh hiểm nghèo từ khi còn nằm trong bụng mẹ, tưởng chừng không thể cứu chữa. Phần thường của chúng tôi là nụ cười hạnh phúc của những đôi vợ chồng, là tiếng khóc chào đời của những em bé. Không có gì tự hào bằng việc góp phần tạo nên những sự sống” – “Tuyên ngôn” của ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê đã chạm tới trái tim hàng triệu gia đình và đem lại hy vọng cho những em bé không may mắc bệnh lý bào thai nguy hiểm.

Tháng 3/2018, ca phẫu thuật TMST đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện thành công bởi các bác sĩ BVĐK Tâm Anh, Hà Nội dưới sự “cầm trịch” của ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê. Như “ngọn đèn trước gió”, song thai 19 tuần của chị H.T.H.T (Nghệ An) rơi vào cảnh “Một em bé gần như cạn ối hoàn toàn, một em bé đa ối và suy tim, kích thước tim lớn và tràn dịch màng tim” nhưng gia đình không kịp sang nước ngoài điều trị.

Trước tình thế cấp bách, bác sĩ Hiền Lê đã quyết định thực hiện phẫu thuật nội soi trong buồng tử cung, dùng tia laser cắt đứt các mạch máu thông nối giúp mỗi thai phát triển riêng lẻ, giành lại sự sống cho cả hai thai nhi trong gang tấc. Nếu không xử lý kịp thời và chính xác, hai thai nhi sẽ gặp nguy hiểm, thậm chí tính mạng của người mẹ cũng bị đe doạ. Ca phẫu thuật phức tạp đã thành công tốt đẹp, cứu sống sản phụ, đưa cặp song sinh vượt qua “cửa tử”, tiếp tục lớn lên trong bụng mẹ. Sự kiện này đánh dấu cột mốc quan trọng trong phẫu thuật TMST và mở ra một trang sử mới cho ngành Y học bào thai Việt Nam. 

ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê thực hiện ca phẫu thuật TMST đầu tiên

Có thể nói, bác sĩ Hiền Lê cùng ekip sẽ không thể quên từng khoảnh khắc “căng như dây đàn” trong ca phẫu thuật ghi dấu lịch sử ấy. “Tôi cũng là một bác sĩ sản khoa, nên khi nghe bác sĩ thông báo về tình trạng truyền máu song thai, nhau bám mặt trước, tôi hiểu được nguy cơ, òa khóc và chỉ biết cầu nguyện. Lúc vào trong buồng ối và quan sát hết các mạch máu rồi, bác sĩ Hiền Lê hét lên vui mừng. Sau khi đốt được tương đối các mạch máu, cả ekip mổ ôm nhau mừng rỡ, tôi cũng sung sướng rơi nước mắt… vì con mình đã được cứu”, chị H.T.H.T nhớ lại giây phút vỡ òa hạnh phúc cùng bác sĩ và ekip thực hiện ca mổ. Từ đó, những sản phụ mang song thai, đa thai, mắc phải bệnh lý bào thai đã có thêm niềm tin, hy vọng được điều trị ngay tại quê nhà, và chào đón con yêu khỏe mạnh, lành lặn.

Nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, càng tiếp xúc với nhiều ca bệnh, bác sĩ Hiền Lê càng phát hiện ra nhiều biến chứng hy hữu, nguy hiểm và khó lường của Hội chứng Truyền máu thai đôi. Với quyết tâm “bằng mọi cách, tôi phải cứu hai em bé càng sớm càng tốt”, bác sĩ Hiền Lê đã vượt qua mọi thử thách, và trở thành “bà tiên” trong câu chuyện cổ tích, đem lại phép màu cho hàng trăm ca bệnh nguy hiểm, hiếm gặp. Kể từ đó, những ca bệnh “kỳ lạ” biến thành “kỳ tích”, và “kỳ tích” nối tiếp “kỳ tích” đưa y học bào thai Việt Nam dần hội nhập nền y học thế giới.

Tháng 5/2018, bác sĩ Hiền Lê tiếp tục tạo mốc son trong lịch sử Y học bào thai Việt Nam khi thực hiện thành công ca phẫu thuật tam thai 16 tuần, 3 buồng ối, chung 1 bánh nhau, trong đó có 1 thai bất thường không tim – chưa từng ghi nhận trong y văn trên thế giới. 

Tháng 6/2019, tại Bệnh viện đa khoa Tâm Anh, ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê  một lần nữa xác lập kỳ tích “vô tiền khoáng hậu” trong ngành sản khoa Việt Nam khi lần đầu tiên mổ cấp cứu song thai mắc “tam tai” hiếm gặp – chung một buồng ối một bánh nhau, dây nhau xoắn thắt nút, nhau tiền đạo và cài răng lược. “Tôi từng học tại Pháp và tham dự nhiều hội thảo quốc tế về sản khoa nhưng chưa nghe về trường hợp tương tự”, bác sĩ Hiền Lê kể về ca bệnh hy hữu năm ấy.

Gần đây nhất, trong năm 2020, đánh dấu 2 năm Y học bào thai, ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê tiếp tục xác lập những kỳ tích mới: cứu sống thai nhi 24 tuần nguy kịch vì cạn ối, bị bóp chặt trong tử cung, ngừng cử động; giành lại sự sống trong gang tấc cho thai nhi biến loạn doppler ống Arantius hiếm gặp…

ThS.BS Hiền Lê hạnh phúc chào đón những sinh linh bé nhỏ

“Hiện nay, khi hội chứng truyền máu song thai nói riêng và các bệnh lý khác trong Y học bào thai đang ngày càng tăng, việc được tầm soát sớm, chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời là vô cùng quan trọng. Sản phụ song thai nên thăm khám thai định kỳ ở nơi uy tín, máy móc hiện đại, có những bác sĩ giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này để được phát hiện và can thiệp kịp thời. Bên cạnh đó, việc theo dõi sát sao, kỹ lưỡng xuyên suốt quá trình trước, trong và sau khi phẫu thuật để ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm cũng vô cùng cần thiết”, ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê lưu ý các thai phụ mang song thai.

Mong rằng, ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê sẽ tiếp tục viết nên những câu chuyện cổ tích trong điều trị can thiệp bào thai và đưa ngành Y học bào thai Việt Nam vươn tầm thế giới.