Tết Miền Tây | Phong tục văn hóa truyền thống của vùng đất Chín Rồng

Năm mới là dịp để cho những người con xa quê có thể quay về bên gia đình. Hân hoan chào đón một năm với nhiều mong ước và hy vọng. Sự an khang thịnh vượng và hạnh phúc cho tất cả mọi người. Phong tục ngày Tết ở mỗi vùng miền là khác nhau. Mỗi nơi đều có những nét đẹp riêng. Dù xã hội ngày càng hiện đại và cuộc sống có thay đổi thế nào thì phong tục đón Tết vẫn không hề lay chuyển. Đặc biệt là ở Tết ở Miền Tây. Hãy cùng Saco Travel khám phá những nét độc đáo trong Tết Cổ truyền của người Miền Tây hiền lành nhé!

Chợ Tết – nét văn hóa lâu đời của người dân vùng sông nước

Cũng là chợ Tết như bao nơi khác trên mảnh đất hình chữ S này. Nhưng Miền Tây lại mang trong mình một phong vị đặc sắc hơn, đó là chợ Tết trên sông. Một nét văn hóa lâu đời còn giữ lại ở một số địa phương. Chợ nổi ở miền Tây có lẽ không còn xa lạ với những du khách đã trót yêu mảnh đất thân thương này. Nhưng có dịp thăm chợ Tết trên sông tại Miền Tây thì ít người đã được ghé qua. 

Chợ Tết – nét văn hóa lâu đời của người dân vùng sông nước

Vào những ngày cận Tết, hàng trăm ghe xuồng đầy ắp những món hàng hóa từ khắp nơi đổ về chợ. Nào là dưa hấu, bánh mứt, những chậu hoa, trái cây và vô số các mặt hàng bán Tết. Tiếng nói cười rôm rả và hình ảnh ghe xuồng tấp nập. Chắc chắn sẽ tạo cho du khách một cảm giác hân hoan khó tả.

Các loài hoa khoe sắc trong ngày Tết của người Miền Tây

Hoa mai là loài hoa biểu tượng cho ngày Tết ở Miền Tây. Năm cánh hoa là hình ảnh của 5 vị thần may mắn, ngũ phúc (phước, lộc, thọ, khang, ninh). Hoa mai ở trong Nam cũng như hoa đào, là biểu trưng cho sự trường thọ. 

Hoa mai

Ngoài ra, mỗi gia đình người dân Nam Bộ lúc nào cũng có vài chậu bông đặt ở trước nhà để trang trí Tết. Những loài hoa không chỉ khoe sắc để ngắm nhìn còn chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu xa, mang lại điềm phước cho gia chủ. 

Hoa vạn thọ tượng trưng cho tuổi thọ và sức khỏe;

Hoa vạn thọ tượng trưng cho tuổi thọ và sức khỏe;

Hoa cúc có ý nghĩa là phúc lộc đầy nhà, sự trường tồn và hiếu thảo; 

Hoa cúc có ý nghĩa là phúc lộc đầy nhà, sự trường tồn và hiếu thảo; 

Hoa trạng nguyên biểu tượng cho sự cao quý, thành công và may mắn;

Hoa Trạng Nguyên

Hoa đồng tiền là sự may mắn cả năm, mang ý nghĩa tài lộc đến với gia đình;

Hoa đồng tiền là sự may mắn cả năm, mang ý nghĩa tài lộc đến với gia đình;

Hoa giấy thể hiện tình cảm gia đình sâu sắc, khắn khít với nhau;

Hoa mào gà tượng trưng cho sự may mắn, sự anh hùng, hy sinh và tấm lòng cao thượng.

Mâm ngũ quả – vật không thể thiếu dâng Tổ tiên đầu năm mới

Mâm ngũ quả ngày Tết Cổ truyền Miền Tây là một phần không thể thiếu để dâng lên Tổ tiên đầu năm mới. Thể hiện lòng thành và sự ước vọng, cầu mong của con cháu. Vì vậy có thể nói mâm ngũ quả mang đậm tính chất phác, thật thà và đôn hậu như tính cách của con người Miền Tây. 

Mâm ngũ quả

Mâm ngũ quả của người dân Miền Tây thường có các loại. Như: mãng cầu, trái dừa, đu đủ, xoài, sung vì theo cách nói của người dân nơi đây thì nó có ý nghĩa là “Cầu vừa đủ xài sung túc”. 

Những chỗ còn trống trên mâm ngũ quả thường được người dân đặt vào những trái bưởi, quýt, dưa lê, thanh long,… Tượng trưng cho sự quấn quýt, thành công, làm cho mâm ngũ quả được đầy đặn và hoàn thiện. Và có thêm một loại quả mà hầu như gia đình nào cũng cúng ông bà. Đó là một cặp dưa hấu đỏ. Dưa hấu trưng Tết có quả tròn, to và vỏ ngoài căng bóng, đồng thời hai quả phải cân xứng nhau với nhau.

Mâm cỗ ngày Tết – những món ăn mang đậm hương vị tết Miền Tây

Mâm cỗ của Tết Cổ Truyền Miền Tây

Mâm cỗ của Tết Cổ Truyền Miền Tây hầu hết là những món ăn để được lâu ngày. Thường là các món cơ bản như bánh tét, bánh tráng nướng, nồi thịt kho tàu, dưa cải,… Đó là những món ăn vô cùng bình dị mà nhà nào cũng có thể chuẩn bị được.

Bánh tét

Bánh tét

Món ăn truyền thống được người dân Miền Tây ưa chuộng trong các ngày Tết Cổ truyền của dân tộc. Tượng trưng cho sự ấm no muôn đời. Những ngày gần Tết, người Miền Tây rất háo hức và mong chờ để được cùng nhau gói bánh, canh lửa để luộc bánh và trò chuyện vô cùng sôi nổi. Bánh tét thường được dùng để mời khách hay dùng kèm với dưa món, thịt kho,… trong những ngày Tết chính. Đặc biệt, ở Miền Tây có một loại bánh tét rất ngon là Bánh tét lá cẩm nổi tiếng khắp cả nước.

Thịt kho tàu

Món ăn dân dã không thể thiếu trong mỗi gia đình Miền Tây trong dịp Tết. Thịt có màu nâu đỏ được kho thật chín nhừ với nước dừa xiêm. Thịt mềm nhưng không bị nát, hương thơm lừng, vị đậm đà, béo ngậy vô cùng hấp dẫn. Thường được thêm trứng gà, trứng vịt hoặc trứng cút vào để kho chung. Và thường được ăn kèm với dưa chua, củ kiệu để không bị ngấy.

Lạp xưởng

Vào dịp Tết Cổ truyền món này trở thành sự lựa chọn tuyệt vời trong bữa ăn của mọi gia đình vì tính tiện lợi và bảo quản được lâu. Ở Miền Tây, người dân thường chế biến bằng cách nướng hoặc luộc với nước sôi cho chín phần bên trong, đến khi cạn nước thì mỡ trong lạp xưởng tiết ra và sẽ tạo màu cũng như hương vị đặc sắc của món ăn này.

Khổ qua nhồi thịt

Món ăn xuất hiện rất nhiều ở các gia đình vào dịp Tết Cổ truyền ở Miền Tây. Lý do rất đơn giản là vì tên gọi của món ăn này rất có ý nghĩa: Khổ qua có nghĩa là mong muốn mọi “khổ” đau sẽ nhanh chóng “qua” đi, chỉ để lại điều may mắn và thuận lợi trong năm mới.

Các ngày cúng tiêu biểu trong ngày Tết Cổ truyền ở Miền Tây

Chiều 23 tháng chạp (âm lịch) là ngày đưa ông Táo về trời để tâu lại với Ngọc Hoàng những cái làm được và chưa làm được của gia chủ trong một năm vừa qua.

Ngày 25 tháng Chạp (âm lịch) là ngày để con cháu dọn dẹp, tu sửa lại các phần mộ của ông bà tổ tiên.

Vào ngày 30 tháng Chạp, các gia đình thường làm một mâm cơm để cúng tổ tiên, gọi là lễ “rước ông bà” về cùng ăn Tết với con cháu. Khói hương trên bàn thờ gia tiên luôn nghi ngút trong những ngày này. 

Vào thời khắc giao thừa, con cháu trong gia đình sẽ thắp hương và bày một mâm cúng  cho ông bà và tổ tiên. Lễ vật cúng giao thừa ngoài những nén hương, hoa quả, bánh tráng nướng,… mà còn có thêm quả dừa và một con gà luộc.

Vào mỗi buổi sáng và chiều các mùng 1, 2, 3 Tết, người dân Miền Tây thường nấu các mâm cơm để cúng ông bà tổ tiên, sau khi cúng xong con cháu sẽ là người dùng mâm cơm đó. Người Miền Tây tâm niệm rằng, phần cơm sau khi cúng cho ông bà tổ tiên là phần phước lộc mà con cháu trong nhà được hưởng, ăn phần cơm đó cũng như nhận những phước lộc của ông bà.

Đến ngày mồng 3 hay mồng 4 tháng Giêng thì sẽ có lễ “đưa ông bà” hoặc có nơi nói là lễ “kiếu ông bà”.

Những điều kiêng kỵ trong ngày Tết đối với tâm niệm của người Miền Tây

Xông đất

Đây được xem là truyền thống vào mỗi dịp Tết đến Xuân về của người Miền Tây. Những người “nặng vía”, có tang hay không hợp tuổi với gia chủ thì không nên đến xông đất ngày đầu năm. Nếu du khách muốn xông đất nhà ai đó thì nên hỏi gia chủ xem có hợp tuổi hay không trước nhé!

Không nên quét nhà và đổ rác vào ngày mùng 1 Tết

Ngày đầu năm mới, mọi người đều kiêng quét nhà. Bởi vì người xưa cho rằng nếu quét nhà là sẽ quét hết tài lộc ra khỏi cửa. Còn đổ rác là đổ hết tài lộc đi. 

Thường vào ngày này, gia chủ sẽ hạn chế quét nhà và chỉ để rác vào một góc nào đó. Sang ngày hôm sau mới đem đi đổ để tránh mắc phải điều kiêng kị này.

Không làm đổ vỡ đồ dùng

Người Việt Nam nói chung và người Miền Tây nói riêng thường quan niệm rằng, đổ vỡ đồ dùng như bát, đĩa, gương trong ngày đầu năm là báo hiệu cho sự chia lìa, đổ vỡ nên rất phải cẩn thận.

Không mặc quần áo màu đen và trắng

Màu đen và trắng là 2 màu tượng trưng cho sự tang tóc nên vào ngày Tết thường tránh mặc quần áo màu đen hoặc trắng. Vào ngày Tết, mọi người thường mặc quần áo nhiều màu sắc, tươi mới. Để mong năm mới có nhiều may mắn và vui vẻ.

Tránh nói những điều xui rủi

Người Miền Tây cho rằng năm mới nên nói những điều hay lẻ phải. Tránh nói những điều xui rủi làm ảnh hưởng đến bản thân và người khác.

Không vay mượn đầu năm

Ngày đầu năm nên tránh cho vay, vay nợ, đòi nợ hay trả nợ. Vì theo quan niệm ngày xưa, nếu đi vay thì cả năm sẽ túng thiếu. Còn cho vay thì tiền bạc sẽ phân tán đi mất. Không được may mắn và phát đạt.

Không xuất hành vào ngày mùng 5

Mùng 5 là ngày nguyệt kỵ, người Miền Tây thường không xuất hành vào ngày này. Dân gian có câu “mùng năm, mười bốn, hai ba; đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn”. Người Miền Tây tin rằng mùng 5 không thích hợp cho việc xuất hành, các chuyến đi xa,… Vì sẽ xảy ra nhiều xui rủi, bất trắc.

Không tranh cãi, bất hòa

Mọi người thường giữ hòa khí, không tranh cãi, gắt gỏng với nhau dù có khó chịu thế nào. Để giữ cho hòa khí một năm luôn vui vẻ và hòa thuận.

Bấy nhiêu thôi cũng thấy Tết Cổ truyền Miền Tây vui và thú vị đến nhường nào. Mong du khách của Saco Travel một ngày không xa có thể trải nghiệm hết tất cả những điều tuyệt vời. Mà ngày Tết Miền Tây mang lại.

Saco travel – Vẹn chữ tâm – Tròn chũ tín