Tả 1 đoạn văn ngắn về Buôn Ma Thuộc nơi em ở – Tiếng Việt Lớp 4 – Bài tập Tiếng Việt Lớp 4 – Giải bài tập Tiếng Việt Lớp 4

Buôn Ma Thuột còn có một cái tên khác đó là Ban Mê Thuật, một cái tên mang trong mình dòng máu của người dân tộc Ê-Đê và gắn liền với một câu chuyện thú vị không kém.

 

Hồi xưa lơ xưa lắc, lúc tôi chưa sinh ra và dĩ nhiên là thế rồi; có một vị tù trưởng giàu có và quyền uy nhất vùng, người đã xây dựng nên các bản làng tại nơi đây. Chính vì tôn kính Ngài nên người ta gọi vùng đất này là “Buôn của A ma Thuật”. Từ “A ma” ở trên có nghĩa là Cha, “Thuật” là tên con; đây là một phong tục của người Ê-Đê khi họ có con trai thì họ gọi nhau bằng tên của con mình; vậy “A ma Thuật” theo giải thích có nghĩa là Cha của Thuật cũng chính là vị tù trưởng vĩ đại trên.

Cũng chẳng biết tự bao giờ, cái tên ấy được đọc trại đi là Ban Mê Thuột hay là Buôn Ma Thuột, nhưng ý nghĩa của nó không bao giờ thay đổi, nó mãi là vùng đất Tây Nguyên gió bụi, mãi in dấu tên của vị tù trưởng vĩ đại, mãi mãi là một huyền thoại về con người dân tộc nơi đây.

Thành phố Ban Mê! Vâng tôi vẫn hay gọi nó thân thương như thế; đó là một thành phố nhỏ mà mọi người vẫn hay đùa nhau là đi lòng vòng bao xa thì cũng chẳng biết “lạc đường” là gì! Và cái gì nho nhỏ thì bao giờ cũng xinh xinh các bạn nhỉ?!

Đúng như cái tên của nó, Buôn Mê Thuột cũng chính là “Buồn Muôn Thuở” đấy các bạn! Đối lập hoàn toàn với cái thành phố mà tôi đang sống; nơi đô thị xa hoa, vồn vã; nơi chen chúc, tất bật; nơi cuộc sống cứ trôi đi như dòng nước chẳng đọng lại gì. Một nơi bụi bặm, nóng bức… khiến cho những con người hừng hực sức trẻ như tôi và các bạn cũng cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Tôi nghĩ một điều: “Thành phố này chỉ để dạo chơi”. Và… tôi càng yêu Ban Mê của tôi!

 

recommended by

recommended by

Ban Mê lặng lẽ. Đó là cụm từ tôi thích nhất để miêu tả vùng đất này. Cũng chính vì nó quá yên ả nên mặc nhiên nó khoác lên mình một nỗi buồn u uất nào đó. Cuộc sống nơi đây bình dị đến lạ kì, nó trôi một cách chậm chạp và mang một sự bình yên quá đỗi. Con người dường như trở nên lười biếng hơn, họ ít ra khỏi nhà, ít dạo chơi như người Sài Gòn. Họ nói chuyện từ tốn, giọng nói chân chất vùng Tây Nguyên nghe thật êm ả và ngọt ngào. Tuy không cởi mở cho lắm nhưng con người ở đây rất hiếu khách, và họ hiếu khách theo một cách riêng mang đậm chất vùng cao nguyên đất đỏ. Bạn có tò mò không? Nếu vậy còn ngại gì mà không đến với Ban Mê nhỉ?!

Vẫn là hai từ lặng lẽ. Thành phố chọn cho mình một nét đẹp riêng, từ dãy phố, con đường, hàng cây, những ngôi nhà… Bước trên những con đường thành phố, tôi cảm nhận rõ rệt được sự bình an trong tâm hồn, mùi hoa sữa len lỏi vào trong từng hơi thở, không khí mát mẻ và bóng mát của những tán cây làm cho lòng tôi dịu lại, và hẳn là có ai chọc tôi giận thì tôi cũng sẽ cười xòa và tha thứ thôi!

Ai nói khí hậu Tây Nguyên khắc nghiệt?! Tôi lại thấy nó tuyệt và mang một chút lãng mạn đấy chứ. Một ngày ở Ban Mê là một trải nghiệm thú vị. Buổi sáng, bạn thức giấc, điều đầu tiên bạn cảm nhận được chính là sự ấm áp, se se lạnh của “mùa xuân”. Thức giấc trong cái tâm trạng thoải mái như thế thì còn gì bằng?!. Thế nhưng, cái mùa xuân ấy chẳng cho bạn kịp lưu luyến nó đã xa bạn rồi. Trưa! Cái nóng vồ vập, ran rát vào da bạn, nắng vàng rực rỡ trải dài khắp nơi như thách thức: “đâu cần phải mùa hè!”. Như chưa kịp làm bạn bực mình, chiều ập tới với ánh sáng nhè nhẹ và vài cơn gió “thu” man mát. Tiếng lá cây xào xạc càng làm cho không gian đượm vẻ u buồn. Nhanh lắm, bóng đêm lan tỏa, không khí càng về đêm càng lạnh khiến cho những cặp tình nhân bớt e thẹn mà nép sát vào nhau hơn. Dường như “mùa đông” càng trở nên ấm áp, đưa ta lạc vào những giấc mơ tuyệt đẹp.

 

Nói đến Ban Mê Thuột chắc hẳn bạn sẽ hình dung trong đầu mình một thức uống đăng đắng nhưng rất thơm bùi và lôi cuốn. Vâng! Cà phê.

Cà phê Ban Mê nổi tiếng lắm, vì vậy dĩ nhiên tôi cũng rất tự hào! Tuy chẳng biết “thưởng thức” chúng nhưng tôi yêu “cà phê”, nhất là mùi cay cay, nồng nồng của trái cà phê mới hái. Tôi yêu rừng cà phê xanh rộng bao la; tôi yêu từng tán lá giòn rụm; từng quả cà phê chín có màu cam cam, đo đỏ giống như trái trứng cá. Công đoạn tạo ra “cà phê” rất cực nhọc và tốn công nuôi trồng, chăm bón. Đến mùa thu hoạch, quả cà phê sau khi hái thì được đem đi phơi nắng cho đến khi có màu đen tuyền, có lẽ chỉ có nắng Tây Nguyên mới có thể làm cho hạt cà phê đẹp đến thế. Tiếp đến cà phê khô được đem đi bóc vỏ lấy nhân, nhân cà phê là những hạt nho nhỏ giống hạt đậu và có màu trắng xanh, chúng vẫn phải trải qua vài đợt nắng nữa mới được cho vào bao, đem cất hoặc đưa đi bán để sản xuất ra “cà phê bột” nổi tiếng của riêng xứ Tây Nguyên như các bạn đã biết.

 

Tôi yêu quê tôi chỉ đơn giản ở đây tôi tìm được sự yên bình và tĩnh tại. Nơi đây có biết bao kỉ niệm, biết bao yêu thương của tôi chôn dấu, nơi cho tôi hơi thở nồng nàn, cho tôi cảm nhận tình yêu cao cả… và quan trọng nhất nơi đây có “gia đình nhỏ bé” của tôi! Khi đã trưởng thành, tôi mới nhận ra quê hương và gia đình mãi mãi là chốn hạnh phúc nhất. Tôi sẽ gắn bó với nó suốt cuộc đời vì tôi biết tôi chỉ sống thực sự khi hít thở không khí trong vắt của Tây Nguyên, khi bước đi trên những con đường đầy hoa sữa, khi cảm nhận được cái hùng vĩ của đồi núi và rừng cà phê trải dài, và khi tôi biết nơi đây chứa chan tình yêu thương của con người với con người.

 

Ngước lên bầu trời, tôi tự hỏi có khác gì với bầu trời Ban Mê của tôi? Ôi, khác hoàn toàn, bầu trời này chật chội quá, chẳng thấy đâu là “mặt trời” chói chang nhiệt huyết, chẳng tìm đâu ra “mặt trăng” hiền dịu yên bình!
Chỉ Ban Mê, chỉ Ban Mê của tôi! Mới cho tôi niềm tin, khát khao mạnh mẽ để sống; mới cho tôi một chốn tĩnh tại, yên bình để tôi tận hưởng.
Và chỉ đơn giản… tôi là con của Ban Mê, của nắng gió, của những gì bình dị nhất!